CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 2
Chương 37—NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO TIÊN PHONG
Dựa theo Ma-thi-ơ 10; Mác 6:7-11; Lu-ca 9:1-6
Các sứ đồ là những thành viên trong gia đình Đức Chúa Giê-su; họ đã cùng đi với Ngài khi Ngài rảo khắp xứ Ga-li-lê. Họ đã chia sẻ với Ngài những công việc nặng nhọc cùng những nỗi vất vả. Họ đã lắng nghe những lời dạy dỗ của Ngài; họ đã đi và trò chuyện với Con Đức Chúa Trời, và được Ngài dạy dỗ hằng ngày, họ đã học được cách để nâng nhân loại lên. Khi Đức Chúa Giê-su hầu việc đám đông nhóm họp quanh Ngài, các môn đồ cũng có mặt, hăm hở làm những gì Ngài truyền bảo và đỡ đần công việc cho Ngài. Họ giúp Ngài trong việc ổn định trật tự đoàn dân, đem kẻ đau yếu tới gần Ngài, và an ủi mọi người. Họ để ý tới những người đang chăm chú nghe Ngài, giải thích Kinh Thánh cho họ và bằng cách này cách khác, giúp đỡ họ về mặt tâm linh. Họ dạy dỗ điều họ đã học từ Đức Chúa Giê-su, và kinh nghiệm họ càng ngày càng phong phú hơn. Nhưng họ cũng cần có kinh nghiệm làm việc độc lập. Họ vẫn còn cần phải được dạy dỗ, cần phải kiên nhẫn hơn nữa và cần có sự ân cần dịu dàng. CCC2 59.1
Giờ đây, trong thời gian Ngài còn đích thân ở với họ, để chỉ dạy cho họ những sai sót, khuyên bảo và sửa trị họ, Ngài sai họ đi với tư cách những người đại diện cho Ngài. Mặc dù được ở với Đức Chúa Giê-su, các môn đồ cũng vẫn thường bị dao động bởi đạo lý của các thầy tế lễ và người Pha-risi, nhưng họ đã đem trình bày những thắc mắc này với Ngài, và Ngài đã cho họ thấy những lời truyền khẩu mâu thuẫn với Lẽ Thật của Kinh Thánh như thế nào. Như vậy, Ngài đã tăng thêm đức tin của họ qua Lời của Đức Chúa Trời, bởi đức tin tuyệt đối trong Lời Chúa khiến họ không còn e ngại các thầy thông giáo, cũng không còn lệ thuộc vào các lời truyền khẩu. CCC2 59.2
Trong việc đào tạo các môn đồ, cuộc đời của Chúa Cứu Thế chính là tấm gương có sức ảnh hưởng trổi hơn vô cùng so với các lời dạy dỗ chỉ mang tính lý thuyết. Khi họ không còn ở bên Ngài, nhưng từng cái nhìn, giọng nói, và những lời dạy của Ngài còn vang vọng mãi trong tim họ. Trong những cơn gian nan, khi phải đối đầu với các kẻ thù nghịch Tin Lành đời đời (Phúc Âm Đời Đời), họ đã lặp lại Lời Ngài, và khi họ thấy hiệu quả của những Lời ấy trên dân chúng, họ rất đỗi hân hoan vui sướng. CCC2 60.1
Đức Chúa Giê-su gọi mười hai sứ đồ đến cùng Ngài, và truyền họ đi từng đôi một tới các thành và các làng mạc. Không ai phải đi một mình, nhưng các sứ đồ đùm bọc và gắn bó với nhau trong tình anh em và tình bằng hữu. Như vậy, họ có thể giúp đỡ và khuyến khích nhau, chỉ bảo nhau và cầu nguyện chung với nhau, sức mạnh của người này bổ sung cho sự yếu đuối của người kia. Sau này, Đức Chúa Giê-su cũng sai nhóm bảy mươi môn đồ đi theo cách như vậy. Đó chính là ý định của Chúa Cứu Thế để cho các sứ giả Tin Lành sẽ liên kết với nhau. Ngay trong chính thời đại của chúng ta, sứ mạng rao giảng Tin Lành đời đời sẽ có kết quả hơn nhiều nếu phương cách mẫu mục này được noi theo sít sao hơn. CCC2 60.2
Sứ điệp của các môn đồ chính là sứ điệp của Giăng báp-tít, và cũng là sứ điệp của Đấng Cứu Thế: “Nước thiên đàng gần rồi”. Họ không được tranh luận với dân chúng về vấn đề Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét có phải là Đấng Mê-si hay không; mà nhân Danh Ngài, họ hãy làm những việc nhân từ như Ngài đã làm. Ngài truyền cho họ: “hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỷ. Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không”. CCC2 60.3
Trong suốt thời gian thi hành chức vụ, Đức Chúa Giê-su đã dành nhiều thì giờ cho việc chữa lành kẻ đau ốm hơn là việc giảng dạy. Các phép lạ của Đức Chúa Giê-su đều nhằm mục đích làm sáng tỏ Lẽ Thật, tức là Lời của Ngài, rằng Ngài đến không phải để hủy diệt mà là để cứu rỗi. Sự công bình của Ngài đi trước và sự vinh hiển theo sau. Ngài đi tới đâu, thì ở đó, tin tức về lòng nhân từ của Ngài đã bay tới trước rồi. Ngài đi ngang qua nơi nào, thì ở đó, những con người được Ngài đoái thương đều hân hoan vì sức khỏe của mình được bình phục, và họ tập tành sử dụng những khả năng mới tìm lại được. Đám đông nhóm họp xung quanh các môn đồ để nghe chính miệng họ kể về những việc Chúa đã làm. Nhiều người bị điếc và bị câm đã được Ngài chữa lành. Họ được nghe giọng nói của Ngài trước tiên. Tên của Ngài là từ đầu tiên họ thốt lên. Gương mặt của Ngài là gương mặt đầu tiên họ trông thấy. Làm sao họ không yêu mến và cất lên lời tôn vinh Đức Chúa Giê-su? Khi Ngài đi ngang qua các thành và thị trấn, Ngài chính là nguồn sự sống, tuôn tràn sức sống và niềm vui tới bất cứ nơi nào Ngài đến, và còn tiếp tục tuôn tràn cho đến khắp các vùng chung quanh nữa. CCC2 60.4
Ai theo Đấng Cứu Thế phải làm việc giống như Ngài. Chúng ta phải cho kẻ đói ăn, kẻ trần truồng mặc và an ủi kẻ đau khổ. Chúng ta phải giúp đỡ kẻ thất vọng, gợi lên niềm hi vọng cho kẻ tuyệt vọng. Và đối với chúng ta cũng vậy, lời hứa sẽ ứng nghiệm: “Sự công bình ngươi đi trước mặt ngươi, sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ sau ngươi.” (Ê-sai 58:8). Tình yêu của Đấng Cứu Thế được bày tỏ qua chức vụ vô vị lợi sẽ có hiệu lực trong việc cải tạo kẻ xấu hơn là lưỡi gươm hay tòa án. Những thứ này hẳn là cần thiết để làm cho kẻ vi phạm luật pháp phải khiếp sợ, nhưng người truyền đạo có lòng yêu thương còn có thể làm nhiều hơn thế nữa. Lòng người ta thường trở nên cứng cỏi trước những lời quở trách, nhưng lại sẽ mềm ra trước tình yêu của Đấng Cứu Thế. Nhà truyền giáo không thể chỉ chữa bệnh tật thể xác, mà còn phải dẫn kẻ tội lỗi tới với Thầy Thuốc vĩ đại, Đấng có thể làm sạch linh hồn khỏi vết phong tội lỗi. Thông qua các tôi tớ của mình, Đức Chúa Trời muốn rằng kẻ bệnh tật, bất hạnh, bị quỷ ám, sẽ được nghe tiếng Ngài. Qua những con người trần thế, Ngài muốn làm một Đấng Yên Ủi mà thiên hạ không hề hay biết. CCC2 61.1
Các môn đồ trong chuyến ra đi rao giảng lần đầu tiên chỉ được đến cùng “những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên”. Nếu lúc này, họ giảng Tin Lành đời đời cho dân ngoại hay cho người Sa-ma-ri, họ sẽ mất ảnh hưởng trong dân Giu-đa. Một khi đụng tới thành kiến của người Pha-ri-si, họ sẽ dẫn mình vào trong cuộc tranh luận chắc chắn sẽ làm họ nản lòng ngay từ khi bắt tay vào việc. Ngay đến các sứ đồ cũng còn chưa hiểu rằng Tin Lành đời đời phải được đem đến cho mọi dân tộc. Khi chưa nắm chắc được Lẽ Thật này, họ chưa sẵn sàng rao giảng cho dân ngoại. Đức Chúa Trời có ý định biến người Giu-đa nào tiếp nhận Tin Lành đời đời trở thành sứ giả của Ngài cho dân ngoại. Do đó, trước hết, sứ điệp phải được rao giảng cho dân Giu-đa. CCC2 61.2
Trên khắp cánh đồng Đấng Cứu Thế gặt hái, có những linh hồn đã được đánh thức để nhận ra nhu cầu tâm linh, và cõi lòng họ đang đói khát Lẽ Thật. Đã đến lúc Tin Lành đời đời về tình yêu của Đức Chúa Trời phải được gửi cho những tấm lòng đang khát khao ấy. Các môn đồ phải đến cùng tất cả những người đó với tư cách người đại diện cho Ngài. Người nào tin sẽ được dẫn dắt để nhìn các môn đồ Ngài như những thầy giáo được Chúa chỉ định, và khi Chúa Cứu Thế được cất lên khỏi rồi, họ sẽ không bị bỏ mặc mà không có ai dạy dỗ. CCC2 61.3
Trong lần ra đi đầu tiên này, các môn đồ chỉ được đến những nơi Đức Chúa Giê-su đã đến trước họ và đã gây dựng tình bằng hữu. Hành trang mang theo phải thuộc loại đơn giản nhất. Không gì có thể khiến đầu óc họ sao nhãng sứ mạng vĩ đại, hay chẳng gì có thể kích động sự chống đối và cũng chẳng có một thế lực nào, một tổ chức nào, một con người nào có thể đóng cửa đối với công việc của Chúa trong tương lai. Họ không được ăn mặc theo kiểu các thầy dạy luật, cũng không được dùng dấu nào đó trong y phục để phân biệt họ với những người nông dân hèn mọn. Họ không được vào trong các nhà hội và triệu tập dân chúng để dạy dỗ. Họ phải dành sức lực giảng dạy ngay tại nhà người ta, từ nhà này đến nhà kia. Họ không được lãng phí thời gian vào các việc chào hỏi không cần thiết, hay vào việc đi từ nhà này sang nhà khác để vui chơi. Nhưng ở mọi nơi, họ phải chấp nhận sự tiếp rước của những người xứng đáng, những kẻ sẵn lòng tiếp nhận họ như thể tiếp nhận chính Đấng Cứu Thế vậy. Họ phải bước vào nơi ở với lời chào đẹp đẽ này “Cầu sự bình an cho nhà này.” (Lu-ca 10:5). Nhà đó sẽ được chúc phước bởi lời cầu nguyện của họ, bởi bài ca tán tụng của họ và bởi việc mở Kinh Thánh ra trong gia đình. CCC2 61.4
Các môn đồ này phải là những sứ giả của Lẽ Thật, họ dọn đường cho Thầy của mình đến sau. Sứ điệp họ phải mang tới là Lời hằng sống, và số phận của người ta tùy thuộc vào chỗ người ta đón nhận hay khước từ sứ điệp đó. Để cảm động dân chúng về tính chất quan trọng của sứ điệp, Đức Chúa Giê-su truyền cho các môn đồ: “Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chân các ngươi. Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, đến ngày phán xét, thì xứ Sô-đôm và xứ Gô-mô-rơ sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn thành ấy”. CCC2 62.1
Lúc này, mắt Chúa Cứu Thế nhìn thâu tương lai. Ngài trông thấy những cánh đồng rộng lớn hơn, tại đó, các môn đồ sẽ phải làm chứng cho Ngài sau khi Ngài chết. Cái nhìn tiên tri này của Ngài bao trùm trong kinh nghiệm của các tôi tớ Ngài suốt mọi thời đại cho tới khi Ngài đến lần thứ hai. Ngài tỏ cho các kẻ theo Ngài thấy những xung đột họ phải đương đầu; Ngài mặc khải bản chất và kế hoạch của cuộc chiến. Ngài bày ra trước mắt họ những hiểm nguy họ phải gặp, sứ mạng họ mang đòi hỏi họ phải từ bỏ bản thân mình. Ngài mong muốn họ lường trước được cái giá phải trả để họ không thể bị kẻ thù cho là không hay biết. Cuộc chiến của họ không phải là cuộc chiến cùng thịt và huyết, mà là cùng “chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.” (Ê-phê-sô 6:12). Họ phải chiến đấu cùng các thế lực vô hình, nhưng họ chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ siêu nhiên. Mọi sự khôn ngoan thiên thượng đều ở trong đạo quân này. Nhiều thiên sứ sẽ được huy động để thực hiện nhiệm vụ. Đức Thánh Linh, Đấng đại diện cho Thủ Lĩnh các cơ binh của Chúa, sẽ xuống để điều khiển cuộc chiến. Có thể là chúng ta rất yếu đuối, phạm phải những tội lỗi và sai lầm nghiêm trọng. Tuy vậy, ân điển của Đức Chúa Trời cũng dành cho tất cả những ai tìm kiếm Ngài với lòng ăn năn. Quyền phép của Đấng Toàn Năng được tiếp nhận bởi những kẻ có đức tin nơi Đức Chúa Trời. CCC2 62.2
Đức Chúa Giê-su phán, “Kìa, Ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu”. Bản thân Đấng Cứu Thế không bỏ qua một từ nào về Lẽ Thật, nhưng Ngài luôn nói trong tình yêu thương. Ngài sử dụng tài khéo léo nhất, sự quan tâm ân cần, ý tứ trong khi tiếp xúc với dân chúng. Ngài không hề sỗ sàng, không bao giờ nói một lời nặng nề không cần thiết, không bao giờ gây đau khổ cho một linh hồn nhạy cảm. Ngài không chỉ trích sự yếu đuối của con người. Ngài tố cáo cách thẳng thắn và không e sợ sự giả hình, vô tín, và gian ác, nhưng những lời ấy có trộn lẫn nước mắt khi Ngài phải thốt lên những lời quở trách gay gắt. Ngài đã khóc về thành Giê-ru-sa-lem, là thành Ngài yêu mến, nhưng những dân cư của thành lại không nhận Ngài là Đường Đi, Lẽ Thật và Sự Sống. Họ đã khước từ Ngài là Chúa Cứu Thế của cuộc đời mình, nhưng Ngài vẫn nhìn họ với lòng thương xót, và buồn rầu đến độ tim Ngài như muốn vỡ ra. Trong mắt Ngài, linh hồn nào cũng thật quý báu. Mặc dù Chúa Cứu Thế vẫn mang nơi mình phẩm giá như Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã cúi xuống với cái nhìn dịu dàng dành cho từng thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời. Trong vòng nhân loại, Ngài nhìn thấy những linh hồn sa ngã và sứ mạng của Ngài là cứu vớt họ. CCC2 62.3
Các tôi tớ của Đấng Cứu Thế không được hành động theo tiếng gọi của trái tim xác thịt. Họ cần phải có sự tương giao chặt chẽ với Đức Chúa Trời, nếu không, khi bị khiêu khích, cái tôi trổi dậy, và họ tuôn ra một tràng những lời bất xứng, vốn không phải là những hạt sương hay những trận mưa rào làm tươi tốt cây cối đã héo úa. Đó là điều Sa-tan mong muốn họ làm; bởi vì đó là cách làm của nó. Nó là con rồng quạu quọ. Chính tinh thần Sa-tan được bộc lộ trong sự tức giận và kiện cáo. Nhưng các tôi tớ của Đức Chúa Trời phải là những người đại diện cho Ngài. Ngài ao ước họ chỉ quan tâm đến việc rao giảng về thiên đàng, về Lẽ Thật mang hình ảnh và chữ viết của chính Ngài. Quyền năng khiến họ thắng sự dữ là quyền năng của Đấng Cứu Thế. Sự vinh hiển của Đấng Cứu Thế là sức mạnh của họ. Họ phải chăm nhìn vào vẻ đẹp trọn vẹn trong bổn tánh của Ngài. Khi ấy, họ có thể bày tỏ Tin Lành đời đời với tài khéo léo và sự dịu dàng của Chúa Cứu Thế. Họ sẽ rao truyền Lẽ Thật trong tinh thần dịu dàng nhẫn nại. Chính tinh thần đó khiến họ có cách cư xử nhã nhặn trước những lời lẽ khiêu khích, điều này sẽ mang lại hiệu quả cho Lẽ Thật hơn là những lời nói lý lẽ chất chứa sự hung dữ. CCC2 63.1
Người nào bị lôi vào cuộc tranh luận với những kẻ thù nghịch Lẽ Thật, phải đương đầu không chỉ với người ta mà còn với Sa-tan cùng các sứ nó. Họ cần phải nhớ lại Lời của Cứu Chúa: “Nầy, Ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên con ở giữa bầy muông sói.” (Lu-ca 10:3). Họ cần yên nghỉ trong tình yêu của Đức Chúa Trời, và như thế họ sẽ giữ được tinh thần bình tĩnh ngay cả khi bị ngược đãi. Chúa sẽ mặc cho họ bộ áo giáp của Ngài. Đức Thánh Linh sẽ vận hành trong tâm trí của họ, đến nỗi tiếng nói của họ không bị lẫn cả trong tiếng tru của loài chó sói. Đức Chúa Giê-su tiếp tục dạy dỗ các môn đồ. Ngài nói: “Hãy coi chừng người ta”. Họ không được tin tưởng tuyệt đối những kẻ không biết Đức Chúa Trời và không nghe theo lời khuyên của họ; bởi vì như thế họ sẽ đặt tay sai của Sa-tan ở vào thế thuận lợi. Các chương trình của con người thường hay nhại theo kế hoạch của Đức Chúa Trời. Những kẻ xây đền thờ của Chúa phải xây theo bản vẽ mầu nhiệm đã được khải thị cho đầy tớ của Ngài thấy ở trên núi. Đức Chúa Trời bị sỉ nhục và Tin Lành đời đời bị phản bội khi các tôi tớ của Ngài lệ thuộc vào lời khuyên bảo của những kẻ không ở dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Với Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan thế gian chỉ là sự rồ dại. Kẻ nào dựa trên sự khôn ngoan ấy, chắc chắn sẽ lầm đường lạc lối. CCC2 63.2
“Họ sẽ nộp các ngươi trước tòa án, đánh đòn các ngươi trong nhà hội; lại vì cớ Ta mà các các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại.” (Ma-thi-ơ 10:17,18). Sự bắt bớ sẽ khiến ánh sáng lan tỏa. Các tôi tớ của Đấng Cứu Thế sẽ bị dẫn tới trước những kẻ quyền cao chức trọng của thế gian, những kẻ vì danh lợi mà sẽ không bao giờ nghe Tin Lành đời đời. Lẽ Thật đã bị những kẻ này bóp méo. Họ đã nghe những lời vu cáo liên quan đến niềm tin của các môn đồ Đấng Cứu Thế. Nhiều khi cơ hội duy nhất để họ học về bản chất đích thực của những lời vu cáo này là chứng cớ của những kẻ bị dẫn ra tòa vì niềm tin. Trong khi xét xử, những người này buộc phải trả lời, và các quan tòa phải nghe họ làm chứng. Ân điển của Đức Chúa Trời sẽ được ban cho các tôi tớ của Ngài để đối phó với trường hợp ấy. “Những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó.” Đức Chúa Giê-su phán, “Ây chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra”. Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời soi sáng tâm trí các tôi tớ Ngài, Lẽ Thật sẽ được trình bày trong quyền năng của Chúa và trong giá trị của Lẽ Thật. Những kẻ khước từ Lẽ Thật sẽ đứng dậy để tố cáo và áp bức các môn đồ. Nhưng trong mất mát, đau khổ và cả cái chết, những người con của Chúa vẫn phải bộc lộ sự nhu mì của Đức Chúa Trời và cả sự mẫu mực của họ. Như thế, người ta sẽ thấy sự tương phản giữa các tay sai của Sa-tan và những người đại diện cho Đấng Cứu Thế. Chúa Cứu Thế sẽ được tôn cao trước mặt vua chúa và dân chúng. CCC2 64.1
Các môn đồ không được phú cho sự dạn dĩ và sự chịu đựng ngoan cường của các thánh tuẫn đạo trước khi họ cần đến ân điển này. Vào lúc ấy lời hứa của Cứu Chúa sẽ ứng nghiệm. Khi Phi-e-rơ và Giăng làm chứng trước tòa công luận, người ta “lấy làm lạ; lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Giê-su.” (Công vụ các sứ đồ 4:13). Về Ê-tiên, có lời chép rằng: “phàm những người ngồi tại tòa công luận đều ngó chăm Ê-tiên, thấy mặt người như mặt thiên sứ vậy”. Người ta “không chống lại nổi với trí khôn người cùng với Đức Thánh Linh, là Đấng người nhờ mà nói.” (Công-vụ các Sứ-đồ 6:15,10). Phao-lô viết về vụ ông bị xử án tại tòa án Sê-sa-rê như sau: “Khi ta binh vực mình lần thứ nhất, chẳng có ai giúp đỡ; hết thảy đều lìa bỏ ta... Nhưng Chúa đã giúp đỡ ta và thêm sức cho ta, hầu cho Tin Lành bởi ta được rao truyền đầy dẫy, để hết thảy dân ngoại đều nghe; ta lại đã được cứu khỏi hàm sư tử.” (II Ti-mô-thê 4:16,17). CCC2 64.2
Các tôi tớ của Đấng Cứu Thế không phải chuẩn bị lời bào chữa mình phải trình bày trước tòa án. Họ làm công việc chuẩn bị này hằng ngày bằng cách ăn nuốt những Lẽ Thật quý báu của Lời Đức Chúa Trời và qua việc cầu nguyện, đó là lý do làm cho đức tin của họ thêm mạnh mẽ. Khi họ bị dẫn đến trước tòa, Đức Thánh Linh sẽ cho họ nhớ lại chính những Lẽ Thật họ cần đến. CCC2 65.1
Việc họ hằng ngày cố gắng và nghiêm túc nghiên cứu Kinh Thánh để biết thêm về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su Cứu Thế, sẽ đem lại năng quyền và lợi ích cho linh hồn. Khi chúng ta chuyên cần học hỏi Kinh Thánh và ăn nuốt Lời Đức Chúa Trời thì chính Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta nhớ lại những Lời quyền năng quý báu trong hoàn cảnh chúng ta đang cần. Nhưng một người nào đó chểnh mảng trong việc làm quen với Lời của Đấng Cứu Thế, nếu họ không hề sử dụng quyền phép của ân điển Ngài trong thử thách, thì họ cũng đừng mong Đức Thánh Linh sẽ làm cho họ nhớ lại Lời của Ngài. Họ phải hầu việc Đức Chúa Trời hằng ngày với tất cả lòng yêu mến và phải phó thác cho Ngài. CCC2 65.2
Lòng thù ghét Tin Lành đời đời sẽ gay gắt đến độ ngay cả những mối quan hệ thân thương nhất trên trần gian này cũng bị coi khinh. Các môn đồ của Đấng Cứu Thế sẽ bị chính những thành viên trong gia đình mình phó nộp cho cái chết. “Các ngươi sẽ bị mọi người ghen ghét vì Danh Ta;” Ngài nói thêm; “song ai cứ bền lòng đến cuối cùng, người ấy sẽ được cứu.” (Mác 13:13). Tuy nhiên, Ngài cũng dặn các môn đồ không được liều mình chịu bách hại một cách không cần thiết. Bản thân Ngài cũng nhiều lần bỏ cánh đồng làm việc này đến một nơi khác để tránh những kẻ đang tìm cách hãm hại mạng sống Ngài. Khi Ngài bị khước từ tại Na-xa-rét, và bị chính những người đồng hương tìm giết, Ngài đã tới Ca-bê-na-um, và tại đây, người ta ngạc nhiên về lời dạy dỗ của Ngài: “Vì Ngài dùng quyền phép mà phán.” (Luca 4:32). Cũng vậy, các tôi tớ của Ngài không được nản lòng vì bị bách hại, nhưng phải tìm một nơi, ở đó họ vẫn còn có thể làm việc để cứu rỗi những linh hồn đang chơi vơi trong chốn hư mất. CCC2 65.3
Tôi tớ không hơn chủ. Vua thiên đàng còn bị gọi là Bê-ên-xê-bun, các môn đồ của Ngài cũng sẽ bị hiểu một cách lệch lạc như vậy. Nhưng bất luận nguy hiểm nào, người theo Đấng Cứu Thế vẫn phải tuân theo các nguyên tắc nhất định. Họ không được lẩn tránh. Họ không thể đứng ngoài đợi cho tới khi được bảo đảm an toàn trong việc tuyên xưng Lẽ Thật. Họ được đặt làm người canh gác để thông báo cho người ta về hiểm họa. Lẽ Thật được đón nhận từ Đấng Cứu Thế phải được rao truyền dư dật và công khai cho mọi người. Đức Chúa Giê-su phán: “Lời Ta phán cùng các ngươi trong nơi tối tăm, hãy nói ra nơi sáng láng; và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà”. CCC2 65.4
Bản thân Đức Chúa Giê-su không bao giờ tìm kiếm sự bình an bằng việc thỏa hiệp. Lòng Ngài dạt dào tình yêu thương nhân loại, nhưng Ngài cũng không bao giờ bỏ qua tội lỗi của họ. Ngài là bạn hữu quá thân thiết với họ nên không thể im lặng trong khi họ đang đi trên con đường hủy hoại linh hồn, những linh hồn Ngài đã chuộc bằng chính huyết mình. Ngài cố thuyết phục rằng con người phải chân thành với chính mình, chân thành với lợi ích đời đời và những điều cao quý. Các tôi tớ của Đấng Cứu Thế cũng được kêu gọi làm công việc ấy, và họ phải cẩn thận đề phòng, hầu cho trong khi tìm cách ngăn ngừa sự bất hòa, họ không từ bỏ Lẽ Thật. Họ phải “tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.” (Rô-ma 14:19). Nhưng sự hòa thuận đích thực không bao giờ có được bằng cách vi phạm nguyên tắc. Và không ai có thể trung thành với nguyên tắc mà không gây chống đối. Đạo thiêng liêng của Đấng Cứu Thế sẽ gặp sự chống đối của những kẻ bất tuân. Đức Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn”. Những ai trung thành với Đức Chúa Trời không cần phải sợ quyền lực loài người hay sự thù nghịch của Sa-tan. Sự sống đời đời của họ được an toàn nơi Đấng Cứu Thế. Nỗi sợ duy nhất của họ là giảm mất đi tấm lòng suy phục Lẽ Thật trong họ, và như vậy nghĩa là họ phản bội sự tin tưởng mà Đức Chúa Trời dành cho mình. CCC2 66.1
Công việc của Sa-tan chính là làm đầy lòng người ta bằng sự nghi ngờ. Sa-tan dẫn họ tới chỗ nhìn Đức Chúa Trời như một quan tòa nghiêm khắc. Nó cám dỗ họ phạm tội và từ đó họ coi mình quá xấu xa nên không thể lại gần Thiên Phụ của mình, hay họ không được Ngài động lòng thương xót. Chúa thâu hiểu tất cả những điều đó. Đức Chúa Giê-su bảo đảm với các môn đồ rằng Đức Chúa Trời cảm thông với những khiếm khuyết và yếu đuối của họ. Không một tiếng thở dài, không một vết thương nhức nhối, không một nỗi đau thâu xương nào mà không làm rung động tấm lòng của Cha Trời. CCC2 66.2
Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta được thấy Đức Chúa Trời, Ngài ngự tại nơi cao sang và thánh khiết, Ngài không ở trong một tình trạng bất động, hay trong sự thinh lặng và đơn độc, mà Ngài được bao quanh bởi hàng vạn vạn lần sự khôn ngoan thánh khiết, và muôn vật đều đang chờ đợi thi hành ý muốn của Ngài. Qua những sợi dây liên kết mà mắt thường chúng ta không thể nhận ra được, Ngài giao thông chặt chẽ với khắp các nơi trong vũ trụ mà Ngài cai trị. Nhưng sự quan tâm của Ngài và sự quan tâm của toàn thể thiên đàng đều tập trung tại chính nơi con người hư hỏng, tức là tại chỗ những linh hồn mà Ngài đã ban Con Một yêu dấu đến để thực hiện chương trình cứu rỗi. Từ ngai của mình, Đức Chúa Trời đang cúi xuống để lắng nghe tiếng kêu khóc của kẻ bị áp bức. Ngài trả lời tất cả những ai cầu khẩn Ngài cách chân thành, rằng: Có Ta đây! Ngài nâng kẻ bị chà đạp trong đau khổ dậy. Ngài thống khổ trong tất cả những khổ đau của chúng ta. Trong mỗi cơn cám dỗ và thử thánh, thiên sứ Ngài luôn hiện diện bên cạnh để giải cứu chúng ta. CCC2 66.3
Một con chim sẻ rơi xuống đất cũng không ngoài sự chú ý của Cha. Sự căm thù của Sa-tan đối với Đức Chúa Trời đã dẫn đưa hắn tới chỗ thù ghét tất cả mọi đối tượng Chúa Cứu Thế chăm sóc. Hắn tìm cách phá hoại công trình của Đức Chúa Trời và lấy làm thích thú trong việc tiêu diệt ngay cả những sinh vật không biết nói như chim sẻ. Chỉ nhờ sự chăm sóc bảo vệ của Đức Chúa Trời, chim muông mới được bảo vệ để làm chúng ta vui vẻ bằng tiếng hót. Ngài không quên cả những con chim sẻ. “Đừng sợ chi hết, vì các ngươi quý trọng hơn nhiều con chim sẻ”. CCC2 67.1
Đức Chúa Giê-su phán tiếp: Khi các ngươi xưng Ta ra trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ xưng các ngươi trước mặt Cha Ta và các thiên sứ thánh. Các ngươi là những nhân chứng của Ta trên trái đất, các ngươi là những ống dẫn mà qua đó ân điển của Ta có thể đổ tràn để chữa lành thế giới. Ta cũng sẽ là Người đại diện cho các ngươi trên trời. Cha không nhìn bản chất tội lỗi của các ngươi, nhưng Ngài nhìn các ngươi như những kẻ được che phủ trong sự trọn vẹn của Ta. Ta là Đấng Trung Bảo để ơn phước Thiên Đàng có thể đến được các ngươi. Và ai xưng Ta bằng cách chia sẻ sự hi sinh của Ta vì cớ kẻ hư mất, người đó sẽ được xưng là kẻ dự phần trong sự vinh hiển và sự vui mừng của kẻ được cứu chuộc. CCC2 67.2
Người nào xưng Danh Đấng Cứu Thế ra phải có Đấng Cứu Thế ở trong mình. Người ấy không thể truyền đạt điều mình không nhận được. Các môn đồ có thể trình bày lý thuyết thật trôi chảy, họ có thể lặp lại Lời của chính Đấng Cứu Thế; nhưng nếu họ không có sự nhu mì và tình yêu thương giống như Đấng Cứu Thế, họ không phải là những người xưng Danh Chúa ra. Một tinh thần trái với tinh thần của Đấng Cứu Thế tức là đã chối bỏ Ngài, cho dù người đó có tuyên xưng như thế nào đi chăng nữa. Người ta có thể chối bỏ Đấng Cứu Thế vì nói những điều xấu xa, kể những chuyện điên rồ, bởi những lời nói giả dối, độc ác. Họ có thể chối bỏ Ngài bằng cách lánh xa các gánh nặng cuộc sống, bằng cách theo đuổi thú vui tội lỗi. Họ có thể chối bỏ Ngài bằng cách hòa đồng với thế gian, bằng thái độ khiếm nhã, bằng lòng ưa chuộng những quan niệm của chính mình, bằng cách tự làm cho mình ra công bình, bằng cách ôm ấp nghi ngờ và ghì mài trong tối tăm. Qua tất cả những điều đó, họ tuyên bố Đấng Cứu Thế không ở trong họ. Và “ai chối Ta trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha Ta ở trên trời”. CCC2 67.3
Chúa Cứu Thế truyền cho các môn đồ đừng hi vọng sự thù nghịch của thế gian đối với Tin Lành đời đời sẽ bị đánh bại, và sau một thời gian sự chống đối đó sẽ chấm dứt. Ngài phán: “Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo”. Việc tạo ra xung đột không phải là hậu quả của Tin Lành đời đời, mà là hậu quả của sự chống đối Tin Lành đời đời. Trong các loại bắt bớ, bắt bớ khó chịu nhất xuất phát từ sự mâu thuẫn trong gia đình, sự bất hòa giữa những người bạn thân thiết nhất trên trái đất này. Đức Chúa Giê-su phán: “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn Ta thì cũng không đáng cho Ta. Ai không vác cây thập tự mình mà theo Ta, thì cũng chẳng đáng cho Ta”. CCC2 67.4
Chức vụ được ban cho của các tôi tớ Đấng Cứu Thế là một vinh dự lớn lao và là một sứ mạng thánh khiết. Ngài phán: “Ai rước các ngươi, tức là rước Ta; ai rước Ta, tức là rước Đấng đã sai Ta”. Không một cử chỉ yêu thương nào bày tỏ cho họ nhân Danh Ngài mà lại không được nhìn nhận và ban thưởng. Trong chính sự nhìn nhận yêu thương ấy, Ngài thu nhận cả những kẻ yếu đuối và hèn mọn nhất trong gia đình Đức Chúa Trời, vì người là con trẻ trong đức tin và sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, Ngài phán: “Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ này chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ Ta, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu”. CCC2 68.1
Chúa Cứu Thế kết thúc lời dạy dỗ của Ngài như vậy. Nhân Danh Đấng Cứu Thế mà mười hai sứ đồ được chọn và sống noi theo gương Ngài đã lên đường, “đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo... để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do; và để đồn ra năm lành của Chúa.” (Lu-ca 4:18,19). CCC2 68.2