CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 2

9/31

Chương 38—HÃY NGHỈ NGƠI MỘT CHÚT

Dựa theo Ma-thi-ơ 14:1, 2, 12, 13; Mác 6:30-32; Lu-ca 9:7-10

Sau khi đi giảng đạo trở về, “các sứ đồ nhóm lại cùng Đức Chúa Giê-su, thuật cho Ngài mọi điều mình đã làm và dạy. Ngài phán cùng sứ đồ rằng: Hãy đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ, nghỉ ngơi một chút. Vì có kẻ đi người lại đông lắm, đến nỗi Ngài và sứ đồ không có thì giờ mà ăn”. CCC2 69.1

Các môn đồ đến với Đức Chúa Giê-su và kể cho Ngài nghe mọi điều. Mối quan hệ thân thiết với Ngài đã khuyến khích họ giải bày hết thảy những thuận lợi và khó khăn, niềm vui vì thấy được thành quả lao động, và nỗi buồn trong những thất bại, lỗi lầm và yếu kém của mình. Họ đã phạm những sai lầm trong lần ra đi giảng đạo đầu tiên với tư cách những người truyền bá Tin Lành đời đời, và khi họ thành thật kể lại cho Đấng Cứu Thế nghe những kinh nghiệm của mình, Ngài thấy họ cần được dạy dỗ nhiều. Ngài cũng thấy là họ đã mệt mỏi vì làm việc vất vả và cần được nghỉ ngơi. CCC2 69.2

Nhưng ở tại đây, ngay lúc này, họ lại không thể có được sự riêng tư cần thiết. “Vì có kẻ đi người lại đông lắm, đến nỗi Ngài và sứ đồ không có thì giờ mà ăn”. Dân chúng xúm quanh Đấng Cứu Thế, mong muốn được chữa lành, và hăm hở nghe Ngài giảng đạo. Nhiều người cảm thấy bị lôi cuốn tới với Ngài, vì họ coi Ngài như nguồn suối ơn phước. Nhiều người trong số những kẻ xúm quanh Ngài để nhận lãnh ơn chữa bệnh đã xưng nhận Ngài là Chúa Cứu Thế của họ. Nhiều người khác, lúc ấy sợ không dám xưng nhận Ngài vì cớ người Pha-ri-si, họ đã trở lại khi Đức Thánh Linh giáng xuống, và trước mặt các thầy tế lễ cùng các quan trưởng đang cau có, họ nhìn nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời. CCC2 69.3

Nhưng giờ đây, Đấng Cứu Thế muốn nghỉ ngơi để Ngài có thể ở với các môn đồ, bởi vì Ngài có nhiều điều muốn nói với họ. Trong khi đi ra rao giảng, họ đã trải qua thử thách về cuộc chiến giữa thiện và ác; họ cũng đã gặp sự chống đối dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ trước đến nay, họ luôn tham khảo ý kiến của Ngài trong mọi chuyện. Thời gian vừa qua, họ đã làm việc độc lập và thỉnh thoảng cảm thấy bối rối không biết phải làm gì. Họ đã tìm được nhiều sự khích lệ trong chức vụ; bởi vì Đấng Cứu Thế đã không gửi họ đi mà không có Đức Thánh Linh của Ngài, và bởi đức tin nơi Ngài, họ đã làm được nhiều phép lạ. Lúc này, họ cũng cần phải được nuôi dưỡng bằng Bánh Sự Sống. Họ cần phải đến một nơi hẻo lánh, để có thể tương giao với Đức Chúa Giê-su và được hướng dẫn cho công việc trong tương lai. CCC2 70.1

“Hãy đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ, nghỉ ngơi một chút”. Lòng Đấng Cứu Thế tràn đầy tình yêu mến và cảm thông với tất cả những ai hầu việc Ngài, Ngài muốn tỏ cho các môn đồ thấy rằng Đức Chúa Trời không đòi của lễ mà muốn lòng thương xót. Họ đã hết lòng hầu việc dân chúng và đã tiêu hao sức lực cả về phương diện thể chất lẫn tinh thần. Họ cần phải nghỉ ngơi. CCC2 70.2

Khi các môn đồ chứng kiến thành quả công việc của mình, rất có thể họ sẽ đặt niềm tin vào bản thân mình, ấp ủ lòng kiêu ngạo và do đó sa vào chước cám dỗ của Sa-tan. Sứ mạng vĩ đại đang ở trước mắt, và họ phải là những người đầu tiên hiểu rằng sức mạnh không ở nơi họ mà ở nơi Đức Chúa Trời. Giống như Môi-se trong đồng vắng Si-na-i, như Đa-vít giữa đồi núi Giu-đê, hay như Ê-li tại khe Kê-rít, các môn đồ cần tới một nơi vắng vẻ, thoát khỏi cảnh hoạt động bận rộn, để tương giao với Đấng Cứu Thế, với thiên nhiên, và với chính lòng họ. CCC2 70.3

Trong khi các môn đồ vắng mặt vì phải đi rao giảng Tin Lành đời đời, Đức Chúa Giê-su đã thăm viếng nhiều thành và nhiều làng mạc khác để rao giảng Tin Lành đời đời về nước Đức Chúa Trời. Chính trong thời gian này, Ngài nhận được tin Giăng Báp-tít đã bị giết. Biến cố này vẽ ra trước mặt Ngài một cách sống động về kết cục của chính Ngài. Những bóng đen dày đặc bao phủ con đường Ngài đang đi. Các thầy tế lễ và các thầy thông giáo đang rình rập để bày mưu giết hại Ngài, các kẻ do thám theo sát từng bước chân của Ngài và các âm mưu tiêu diệt Ngài ngày càng gia tăng. Tin tức về việc các sứ đồ đi rao giảng khắp xứ Ga-li-lê tới tai vua Hê-rốt, khiến vua lưu ý đến Đức Chúa Giê-su và chức vụ của Ngài. Hê-rốt nói: “Giăng, là người làm phép Báp-têm, đã từ kẻ chết sống lại”. Và vua tỏ ý muốn thấy Đức Chúa Giê-su. Hê-rốt luôn sợ một cuộc nổi dậy được chuẩn bị bí mật nhằm lật đổ ông khỏi ngai vua và giải thoát dân Giu-đa khỏi ách đô hộ của người La-mã. Tinh thần bất mãn và nổi loạn đang lan tràn trong dân chúng. Rõ ràng là Đấng Cứu Thế không thể kéo dài các công việc công khai của Ngài. Những cảnh tượng về sự đau khổ của Ngài đang tới gần và Ngài ao ước được sống xa sự náo động của đám đông trong một thời gian. CCC2 70.4

Các môn đồ của Giăng buồn rầu mang thi thể không được nguyên vẹn của ông đi chôn. Đoạn họ đi đến báo tin cho Đức Chúa Giê-su hay. Các môn đồ này đã tỏ ra ganh tỵ với Đấng Cứu Thế khi Ngài có vẻ như đang lôi kéo dân chúng khỏi Giăng. Họ đã đứng về phía những người Pha-ri-si trong việc tố cáo Ngài đồng bàn với những người thâu thuế tại bữa tiệc ở nhà Ma-thi-ơ. Họ đã nghi ngờ về chức vụ thiêng liêng của Ngài bởi vì Ngài đã không giải thoát cho Giăng Báp-tít. Bây giờ, thầy của họ đã chết. Vì mong có được sự an ủi trong nỗi đau đớn tột cùng, và mong có được sự hướng dẫn cho công việc trong tương lai, họ đã tới với Đức Chúa Giê-su, và phối hợp quyền lợi của họ với quyền lợi của Ngài. Họ cũng cần có một thời gian yên tĩnh để tiếp xúc với Cứu Chúa. CCC2 71.1

Gần Bết-sai-đa, ở phía bắc biển hồ, có một vùng vắng vẻ, bây giờ thời tiết đang độ sang xuân với màu xanh tươi mát, hứa hẹn một nơi nghỉ ngơi lý tưởng dành cho Đức Chúa Giê-su và các môn đồ. Họ lên thuyền vượt biển hồ tới nơi đó. Tại đây, họ muốn tránh xa những trục giao thông chính, lánh xa sự nhộn nhịp và huyên náo của thành phố. Từ cảnh tượng thiên nhiên cũng đã gợi lên sự nghỉ ngơi, một sự thay đổi khoan khoái đối với các giác quan. Nơi đây, họ có thể nghe lời Đấng Cứu Thế mà không phải bị những người Pha-ri-si và các thầy thơ ký ngắt lời, cãi lại hoặc giận dữ tố cáo. Chốn này, họ có thể hưởng khoảnh khắc ngắn ngủi của tình bằng hữu quý giá với Chúa của họ. CCC2 71.2

Đấng Cứu Thế và các môn đồ không phải là những kẻ ưa thích sự vui chơi. Thời gian của họ tại nơi vắng vẻ không phải để dành cho việc tìm kiếm lạc thú. Họ trao đổi với nhau về công việc của Đức Chúa Trời và về khả năng tạo nên sự hữu hiệu lớn hơn cho công việc. Các môn đồ được ở cùng Đấng Cứu Thế và có thể hiểu Ngài hơn. Với họ, Ngài chẳng cần phải nói bằng ví dụ. Ngài sửa chữa những sai sót của họ và giải thích rõ ràng con đường đúng đắn đến với dân chúng. Ngài mở cho họ đầy đủ những kho tàng quý báu của Lẽ Thật Đức Chúa Trời. Họ được quyền năng của Chúa thêm sức, thêm hi vọng và lòng can đảm. CCC2 71.3

Mặc dù Đức Chúa Giê-su có thể làm phép lạ và ban cho các môn đồ khả năng làm phép lạ, Ngài vẫn bảo các tôi tớ đang kiệt sức đi về miền quê và nghỉ ngơi. Khi nói rằng mùa gặt thì thật trúng song con gặt thì ít, Ngài không có ý thúc giục các môn đồ phải làm việc không thôi, nhưng Ngài nói: “Hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong trong mùa mình.” (Ma-thi-ơ 9:38). Đức Chúa Trời đã chỉ cho mỗi người công việc của mình, theo đúng khả năng (Ê-phê-sô 4:11-13), và Ngài không muốn một số ít người phải gánh trách nhiệm trong khi những người khác lại chẳng có gánh nặng, cũng không vất vả chút nào. Đấng Cứu Thế cũng đang nói với những con gặt của Ngài ngày hôm nay chính những lời của lòng cảm thông như Ngài đã nói với các môn đồ của Ngài thuở xưa. “Hãy đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ, nghỉ ngơi một chút”. Ngài nói với những kẻ đã hao mòn sức lực và mệt mỏi. Thật chẳng khôn ngoan chút nào khi phải sống dưới áp lực và sự kích động của công việc, ngay cả khi phải làm việc vì nhu cầu tâm linh của con người. Bởi vì làm việc theo kiểu đó, thì đời sống đạo đức của bản thân họ sẽ bị xao nhãng và khả năng của trí óc, linh hồn và thể xác sẽ quá tải. Các môn đồ của Đấng Cứu Thế là những người được đòi hỏi phải biết bỏ mình và hi sinh, nhưng cũng phải thận trọng kẻo qua sự hăng hái thái quá của họ, Sa-tan sẽ lợi dụng sự yếu đuối của nhân tánh và làm hư hỏng công việc Đức Chúa Trời. CCC2 71.4

Theo quan niệm của các thầy thông giáo, đạo luôn đòi hỏi con người phải ở trong các hành động huyên náo. Họ dựa vào một số việc làm bề ngoài nào đó để tỏ cho thấy họ đạo đức hơn người khác. Do đó, họ đã tách linh hồn mình ra khỏi Đức Chúa Trời và gây dựng mình trên sự tự mãn. Ngày hôm nay, những mối nguy hiểm như vậy vẫn còn tồn tại. Khi gia tăng hoạt động và con người thành công trong một công việc nào đó cho Đức Chúa Trời, họ có nguy cơ đặt niềm tin vào kế hoạch và phương pháp của con người. Người ta có khuynh hướng ít cầu nguyện hơn và ít tin tưởng hơn. Giống như các môn đồ, chúng ta có nguy cơ không nhìn thấy rằng mình lệ thuộc vào Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự cứu rỗi nhờ vào việc làm. Chúng ta cần phải luôn nhìn xem Đức Chúa Giê-su, và cần phải hiểu rằng: Chính quyền phép của Ngài vận hành trong muôn việc và muôn sự. Trong khi phải làm việc cật lực để cứu rỗi kẻ hư mất, chúng ta cũng phải có thời gian để suy gẫm, cầu nguyện và nghiền ngẫm Lời Đức Chúa Trời. Chỉ những công việc được thực hiện với lời cầu nguyện chân thành và được thánh hóa bởi quyền năng của Đấng Cứu Thế thì đến cuối cùng mới mang lại hiệu quả tốt lành mà thôi. CCC2 72.1

Không ai có cuộc sống bận rộn và đầy trách nhiệm như Đấng Cứu Thế; dù vậy, người ta lại thấy rằng Ngài thường xuyên cầu nguyện. Ngài luôn giữ mối tương giao với Đức Chúa Trời! Trong những sách thuật lại về cuộc đời của Đức Chúa Giê-su đương khi Ngài tại thế, người ta gặp hoài những đoạn ghi chép như sau: “Sáng hôm sau, trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ, và cầu nguyện tại đó.” “Một đoàn dân đông nhóm họp để nghe Ngài và để được chữa lành bệnh. Song Ngài lánh đi nơi đồng vắng mà cầu nguyện.” “Trong lúc đó, Đức Chúa Giê-su đi lên núi để cầu nguyện; và thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời.” (Mác 1:35; Lu-ca 5:15,16; 6:12). CCC2 72.2

Trong cuộc sống tận hiến cho lợi ích của kẻ khác, Chúa Cứu Thế thấy cần phải rút khỏi những trục giao thông nhộn nhịp và đám đông theo Ngài hết ngày này sang ngày khác. Ngài phải tránh một cuộc sống hoạt động không ngừng, cùng sự tiếp xúc với các nhu cầu của con người, để tìm kiếm sự nghỉ ngơi và tương giao liên tục với Cha Ngài. Là một với chúng ta, có nghĩa rằng Ngài cũng là người có phần trong những khiếm khuyết và yếu đuối của chúng ta, Ngài đã hoàn toàn phụ thuộc vào Đức Chúa Trời, và tại nơi cầu nguyện vắng vẻ, Ngài tìm kiếm sức mạnh tâm linh để có thể bước đi vững vàng trong sứ mạng và thử thách. Trong một thế giới tội lỗi, Đức Chúa Giê-su phải chịu đựng cuộc chiến và nỗi khổ của linh hồn. Qua sự tương giao với Đức Chúa Trời, Ngài có thể trút bỏ những đau khổ chồng chất trên Cha. Nhờ vậy, Ngài tìm được niềm vui và sự an ủi. CCC2 72.3

Trong Đấng Cứu Thế, tiếng than khóc của nhân loại thâu đến Cha, Đấng có lòng nhân từ vô hạn. Với tư cách một con người, Ngài dâng lời khẩn cầu lên đến ngai của Đức Chúa Trời cho tới khi nhân tính của Ngài được đổ đầy một dòng linh năng thiên thượng, kết nối thiên đàng với hạ giới. Qua sự tương giao liên tục, Ngài lãnh nhận sự sống từ Đức Chúa Trời để có thể ban truyền sự sống cho thế gian. Kinh nghiệm của Ngài cũng phải là kinh nghiệm của chính chúng ta. CCC2 73.1

“Hãy đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ,” Đức Chúa Giê-su truyền lệnh cho chúng ta. Nếu chúng ta chú ý tới Lời của Ngài, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ và hữu ích hơn. Các môn đồ tìm Đức Chúa Giê-su và kể cho Ngài nghe mọi điều. Rồi Ngài khuyến khích và dạy dỗ họ. Nếu ngày nay chúng ta cũng dành thời gian để đến với Đức Chúa Giê-su và kể cho Ngài nghe về những nhu cầu của mình, chúng ta sẽ không bị thất vọng. Ngài ở bên hữu chúng ta để giúp đỡ. Chúng ta cần có tấm lòng đơn sơ hơn, tin tưởng và trông cậy nhiều hơn nơi Cứu Chúa của chúng ta. Ngài là Đấng được gọi là “Đức Chúa Trời quyền năng, là Cha Đời Đời, là Chúa bình an” Ngài là Đấng đã được mô tả “quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài,” là Đấng Mưu Luận lạ lùng. Chúng ta được mời gọi cầu xin sự khôn ngoan của Ngài. Ngài “ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai.” (Ê-sai 9:6; Gia-cơ 1:5). CCC2 73.2

Tất cả những ai được Đức Chúa Trời dạy dỗ đều để lộ một cuộc sống không hòa hợp với thế gian, cũng như với phong tục hay tập quán của thế gian; và mọi người cần có kinh nghiệm bản thân trong việc hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Từng người chúng ta phải nghe Ngài đang phán vào lòng. Khi mọi tiếng khác bị lấn át, và trong sự yên tĩnh chúng ta chờ đợi trước mặt Ngài, sự thinh lặng của linh hồn càng làm rõ tiếng của Đức Chúa Trời. Ngài dạy chúng ta “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời.” (Thithiên 46:10). Chỉ ở nơi ấy chúng ta mới có thể tìm thấy sự yên nghỉ đích thực. Và đây là sự chuẩn bị hữu hiệu cho tất cả những ai hầu việc Đức Chúa Trời. Do vậy mà ở giữa đám đông ồn ào và dưới áp lực của hoạt động huyên náo trong cuộc sống, linh hồn được nghỉ ngơi sẽ được bao quanh bởi một bầu không khí tràn ngập ánh sáng và bình an. Cuộc sống sẽ tỏa hương thơm và sẽ bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời, quyền năng chạm thâu lòng người. CCC2 73.3