CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 2
Chương 36—CÁI CHẠM CỦA ĐỨC TIN
Dựa theo Ma-thi-ơ 9:18-26; Mác 5:21-43; Lu-ca 8:40-56
Từ Giê-ra-sê trở về bờ biển phía tây, Đức Chúa Giê-su đã gặp một đám đông nhóm họp để tiếp rước Ngài và họ vui mừng chào đón Ngài. Ngài ở lại vùng ven bờ biển một thời gian, dạy dỗ và chữa bệnh, đoạn trở lại nhà Lê-vi Ma-thi-ơ để gặp gỡ những người thâu thuế tại bữa tiệc. Giai-ru, người cai nhà hội đã tới gặp Ngài ở đây. CCC2 53.1
Trưởng lão Giai-ru tới với Đức Chúa Giê-su trong cơn đau khổ và gieo mình xuống nơi chân Ngài mà thưa rằng: “Con gái nhỏ tôi gần chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, đặng nó lành mạnh và sống”. Đức Chúa Giê-su liền đi với người cai nhà hội để về nhà ông ta. Mặc dù các môn đồ đã được chứng kiến nhiều việc làm nhân từ của Ngài, họ vẫn ngạc nhiên trước việc Ngài ưng thuận lời van nài của người cai nhà hội ngạo mạn kia; họ bèn đi với Thầy. Dân chúng theo sau, háo hức chờ đợi. CCC2 53.2
Nhà của ông Giai-ru không xa lắm, nhưng Đức Chúa Giê-su và các môn đồ không đi nhanh được vì đông đảo dân chúng kéo tới và lấn ép Ngài tứ phía. Người cha lo âu không kiên nhẫn nổi trước sự chậm trễ này. Trong khi đó, Đức Chúa Giê-su động lòng thương xót dân chúng, nên Ngài đã dừng lại lúc này lúc nọ để an ủi một ai đó đang đau khổ, hay khích lệ một cõi lòng buồn rầu. CCC2 53.3
Mọi người còn đang đi, thì một người đưa tin đã rẽ đám đông tới cho ông Giai-ru hay rằng con gái ông đã chết và không cần phải làm phiền Thầy nữa. Những lời này tới tai Đức Chúa Giê-su. Ngài phán: “Đừng sợ, hãy tin mà thôi, thì con ngươi sẽ được cứu”. CCC2 53.4
Ông Giai-ru chen lại gần Chúa Cứu Thế hơn và vội vã cùng Ngài về nhà mình. Bọn khóc mướn và thổi sáo đã tới đó rồi. Họ làm om sòm. Sự có mặt của đám đông và tiếng ồn ào làm Ngài khó chịu. Ngài cố gắng bảo họ im lặng. Ngài phán: “Sao các ngươi làm ồn ào và khóc lóc vậy? Đứa trẻ chẳng phải chết, song nó ngủ”. Chúng phẫn nộ trước những lời nói của Người Khách Lạ. Chúng thấy đứa trẻ đã thực sự chết rồi, nên chúng nhạo báng Ngài. Đức Chúa Giê-su yêu cầu tất cả mọi người ra khỏi nhà, Ngài chỉ dẫn theo cha và mẹ đứa trẻ cùng ba môn đồ là Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng vào phòng người chết mà thôi. CCC2 54.1
Đức Chúa Giê-su tới bên cạnh giường và nắm lấy tay đứa trẻ, Ngài phán nhẹ nhàng theo ngôn ngữ quen thuộc của gia đình đứa trẻ: “Hỡi con gái nhỏ, Ta truyền cho mầy, hãy chờ dậy”. Cơ thể bất động bỗng run lên. Nhịp tim đập trở lại. Nụ cười nở trên môi. Mắt mở to như mới ngủ dậy. Và đứa trẻ ngạc nhiên nhìn những người bên cạnh mình. Đứa trẻ chờ dậy, cha mẹ em ôm ghì em trong vòng tay và bật khóc vì sung sướng. CCC2 54.2
Trên đường tới nhà ông Giai-ru, Đức Chúa Giê-su gặp trong đám đông một người đàn bà nghèo đã mắc phải chứng bệnh khiến cuộc đời bà khốn khổ suốt mười hai năm ròng. Bà đã hao tốn hết tiền của cho thầy thuốc và thuốc men, rút cuộc chỉ để nghe một lời tuyên bố là bệnh của bà không thể chữa khỏi được. Nhưng tia hy vọng lóe lên khi bà nghe về những lần Đấng Cứu Thế chữa lành bệnh. Bà cảm biết chắc chắn là bà chỉ cần chạy đến với Ngài, bà sẽ được chữa lành. Trong yếu đuối và đau khổ, bà tới bờ biển nơi Ngài đang giảng dạy và cố gắng chen qua đám đông, nhưng vô vọng. Bà đã đi theo Ngài từ nhà Lê-vi Ma-thi-ơ, nhưng vẫn không tài nào đụng tới Ngài được. Lúc bà bắt đầu cảm thấy thất vọng thì Đức Chúa Giê-su rẽ đường đi qua đám đông và tới gần chỗ bà. CCC2 54.3
Cơ hội ngàn vàng đã đến. Bà đang ở trước mặt vị Thầy Thuốc Vĩ Đại! Nhưng trong tình trạng lộn xộn, bà không thể nào nói với Ngài được, cũng không có gì hơn là một cái nhìn thoáng qua trên gương mặt Ngài. Sợ để mất cơ hội duy nhất được khỏi bệnh, bà bươn tới và nhủ thầm: “Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành”. Khi Đức Chúa Giê-su đi qua, bà với tay và đụng tới trôn áo của Ngài. Vào chính lúc đó, bà biết rằng mình đã được lành bệnh. Toàn bộ đức tin của cuộc đời bà dồn cả vào trong lần rờ chạm duy nhất đó, tức thì nỗi đau đớn và sự yếu đuối đã nhường chỗ cho sự khỏe mạnh và một thân thể được bình phục hoàn toàn. CCC2 54.4
Với lòng biết ơn Đức Chúa Giê-su vô hạn, người đàn bà đang tìm cách rời khỏi đám đông; nhưng bỗng Đức Chúa Giê-su đứng lại và dân chúng cũng dừng bước. Ngài xây lại, nhìn xung quanh và hỏi với một giọng dõng dạc, rõ ràng, tiếng phán đó bao trùm lên cả đám đông đang ồn ào: “Ai rờ đến Ta?” . Đoàn dân đông ngạc nhiên trước câu hỏi của Ngài. Ngài vốn bị xô đẩy tứ phía, bị chen lấn mạnh bạo hết bên này tới bên kia, đây quả là một câu hỏi kỳ cục. CCC2 54.5
Phi-e-rơ, người lúc nào cũng nhanh miệng, lên tiếng,: “Thầy thấy đám đông lấn ép thầy, thầy còn hỏi rằng: “Ai rờ đến Ta?”. Đức Chúa Giê-su trả lời: “Có người đã rờ đến Ta, vì Ta nhận biết có quyền phép từ Ta mà ra”. Chúa Cứu Thế có thể phân biết sự đụng chạm xuất phát từ đức tin với sự đụng chạm vô tình của đám đông. Một đức tin như vậy không thể bỏ qua mà không có lời giải thích. Ngài muốn nói với người đàn bà có lòng khiêm nhường những lời an ủi, nó sẽ là một nguồn vui sướng bất tận đối với bà, đây cũng là ơn phước cho người nào bước đi theo Ngài cho tới ngày tận thế. CCC2 55.1
Đức Chúa Giê-su nhìn chăm chăm về phía người đàn bà và nhấn mạnh rằng Ngài biết ai đã rờ đến mình. Biết mình không thể giấu được nữa, người đàn bà vội chạy tới, run rẩy và sấp mình xuống dưới chân Ngài. Với những giọt nước mắt biết ơn, bà thuật lại câu chuyện về căn bệnh của mình và việc bà đã thấy mình khỏi bệnh ra sao. Đức Chúa Giê-su dịu dàng nói: “Hỡi con, hãy vững lòng, đức tin con đã làm cho con được lành”;” hãy đi cho bình an”. Ngài không tạo cơ hội cho sự mê tín có thể rêu rao rằng quyền phép chữa lành chỉ do việc đụng tới áo của Ngài mà thôi. Không phải do việc tiếp xúc bề ngoài với Ngài, mà qua đức tin đặt nền móng trên quyền năng Đức Chúa Trời, sự chữa lành mới xảy ra. CCC2 55.2
Đám đông hiếu kỳ chen lấn sát bên Đấng Cứu Thế nhưng đã không tiếp xúc được với quyền phép đem lại sức sống. Tuy nhiên, khi người đàn bà đau khổ giơ tay ra để rờ đụng Ngài, bà tin rằng mình sẽ được chữa lành, bà cảm nghiệm được quyền phép chữa bệnh. Đối với những vấn đề tâm linh cũng vậy. Chỉ cần nói theo cách thông thường một người có niềm tin tôn giáo thôi, thì cầu nguyện mà không có linh hồn khát khao và đức tin sống, sẽ chẳng giúp ích gì cho ai cả. Đức tin chỉ có danh nghĩa nơi Đấng Cứu Thế, nhìn nhận Ngài chỉ như là Cứu Chúa thế gian, sẽ không bao giờ đem lại sự chữa lành cho tâm hồn. Đức tin dẫn tới sự cứu rỗi không phải là sự đồng ý với Lẽ Thật chỉ mang tính lí trí. Kẻ trông đợi chỉ hoàn toàn dựa trên kiến thức hiểu biết, rồi từ đó anh ta dùng làm nền tảng để bày tỏ đức tin, thì không thể nhận được sự ban phước từ Đức Chúa Trời. Tin về Đấng Cứu Thế không đủ. Chúng ta phải tin ở Ngài. Đức tin duy nhất mang lại lợi ích cho chúng ta là đức tin ôm chặt lấy Ngài với địa vị là Chúa Cứu Thế của chính cuộc đời mình; tức là chúng ta hoàn toàn tiếp nhận sự hi sinh, cùng với tất cả những gì Ngài đã làm cho cuộc đời chúng ta. Nhiều người coi niền tin như một quan niệm. Nhưng đức tin cứu rỗi là hành động nhờ đó những kẻ tiếp nhận Đấng Cứu Thế gắn mình trong quan hệ giao ước với Đức Chúa Trời. Đức tin đích thực là đức tin sống. Đức tin sống có nghĩa là sự thêm sức, sự phó thác, nhờ đó, linh hồn nhận được quyền năng chiến thắng. CCC2 55.3
Sau khi chữa cho người đàn bà khỏi bệnh, Đức Chúa Giê-su muốn bà hiểu ơn phước bà đã nhận được. Những ơn phước Phúc Âm Đời Đời ban cho không phải để cất giấu hay để hưởng một cách bí mật. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta tuyên bố về sự tốt lành của Ngài. “Các ngươi đều là người làm chứng, và Ta là Đức Chúa Trời.” (Ê-sai 43:12). CCC2 55.4
Việc chúng ta tuyên xưng lòng trung tín với Ngài là phần được Thiên Đàng lựa chọn để khải thị Đấng Cứu Thế cho thế gian. Chúng ta sẽ nhận biết về ân điển Ngài như Ngài đã từng bày tỏ cho các bậc thánh thuở xưa; nhưng điều hiệu quả nhất vẫn là chứng cớ của chính kinh nghiệm chúng ta. Chúng ta là những nhân chứng cho Đức Chúa Trời khi bày tỏ công việc quyền năng của Đức Chúa Trời qua chính đời sống của chúng ta. Mỗi cá nhân đều có một cuộc sống khác biệt với hết thảy mọi người, đồng thời, mỗi người cũng có những kinh nghiệm riêng biệt mà chỉ họ mới được trải nghiệm. Đức Chúa Trời mong muốn nhận được lời ngợi khen mang dấu ấn riêng biệt của chúng ta. Lời ngợi khen xuất phát từ những tấm lòng cảm nghiệm sâu sắc sự vinh hiển của ân điển Đức Chúa Trời, được tìm thấy qua những mảnh đời đã được hoán cải để trở nên giống với Chúa Cứu Thế, là một sức mạnh vô biên tác động vào tâm hồn của những ai đang trông đợi sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời. CCC2 56.1
Khi mười người mắc bệnh phung tới với Đức Chúa Giê-su để được chữa lành, Ngài truyền cho họ đi tỏ mình cùng thầy tế lễ. Trên đường đi, họ được sạch phung, nhưng chỉ có một người trong bọn họ trở lại tôn vinh Ngài. Những người khác thì đi mất biệt, quên bẳng Ngài là Đấng đã cho họ lành bệnh. Ngày nay có biết bao người vẫn còn là như vậy. Chúa làm việc không ngừng để đem lại lợi ích cho nhân loại. Ngài luôn ban ơn phước. Ngài cho kẻ ốm đau chờ dậy khỏi giường bệnh. Ngài giải thoát người ta khỏi hiểm nguy mà họ không thấy. Ngài truyền cho các thiên sứ cứu họ khỏi tai ương, gìn giữ họ khỏi “dịch lệ lây ra trong tối tăm” và “sự tàn diệt phá hoại đương lúc giữa trưa.” (Thi-thiên 91:6). Nhưng lòng họ không hề cảm động. Ngài đã ban mọi sự giàu sang của thiên đàng để cứu rỗi họ, vậy mà họ không chú ý đến tình yêu vĩ đại của Ngài. Bởi sự vô ơn mà họ đã đóng cửa lòng mình trước ân điển của Đức Chúa Trời. Giống như cây thạch nam trong đồng vắng, chúng không biết lúc nào điều tốt lành sẽ đến, và linh hồn của những người này ngụp lặn giữa những nơi khô khan hoang tàn. CCC2 56.2
Chính vì ích lợi của chúng ta mà chúng ta phải luôn nhớ lại mọi ơn phước Đức Chúa Trời đã ban. Có như thế, đức tin mới được củng cố để vươn lên hầu đón nhận nguồn ơn phước ngày càng nhiều. Ơn phước nhỏ nhất chúng ta đón nhận từ Đức Chúa Trời cũng có thể là sự khuyến khích lớn lao đối với chúng ta hơn tất cả những bản ghi chép mà chúng ta đọc được về đức tin và kinh nghiệm của kẻ khác. Linh hồn biết đáp lại ân điển Đức Chúa Trời sẽ giống như một khu vườn năng tưới. Sự khỏe mạnh sẽ vọt lên một cách mau chóng; ánh sáng sẽ mọc lên trong tối tăm và sự vinh hiển của Chúa sẽ được bày tỏ. Vậy chúng ta hãy nhớ lại tình yêu của Chúa và vô số ân huệ của Ngài. Giống như dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta hay dựng lên những phiến đá làm chứng cớ và khắc trên đó câu chuyện quý báu về điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta. Và khi chúng ta nhìn lại cách Ngài đối xử với chúng ta trong cuộc hành hương, từ sâu thẳm trong trái tim của chúng ta toát lên lòng biết ơn vô hạn, chúng ta hãy tuyên bố: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi? Tôi sẽ cầm cái chén cứu rỗi, mà cầu khẩn Danh Đức Giê-hô-va. Tôi sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các sự tôi hứa nguyện, tại trước mặt cả dân sự Ngài.” (Thi-thiên 116:12-14). CCC2 56.3