CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 2
Chương 35—“HÃY ÊM ĐI, LẶNG ĐI”
Dựa theo Ma-thi-ơ 8:23-34; Mác 4:35-41; 5:1-20; Lu-ca 8:22-39
Đó là một ngày đáng nhớ trong cuộc đời Đức Chúa Giê-su. Bên bờ biển Ga-li-lê, Ngài đã giảng những ví dụ đầu tiên, vẫn những hình ảnh minh họa quen thuộc, Ngài giải thích cho dân chúng về bản chất và về cách thiết lập nước Ngài. Ngài đã so sánh chức vụ mình với công việc của người gieo giống; sự phát triển của nước Ngài giống như sự tăng trưởng của hạt cải và sự lên men của đấu bột. Sự phân loại trọng đại sau cùng giữa người công bình và kẻ gian ác được Ngài phác họa trong các ví dụ về lúa mì và cỏ lùng cũng như mẻ lưới cá. Giá trị nhiệm mầu của các Lẽ Thật Ngài giảng dạy đã được minh họa bằng ví dụ về kho báu và viên ngọc có giá trị lớn được chôn giấu. Với ví dụ về người chủ nhà, Ngài đã dạy cho môn đồ Ngài làm thế nào để hầu việc Ngài với tư cách những người đại diện cho Ngài. CCC2 45.1
Trọn cả ngày, Ngài dạy dỗ và chữa bệnh, và tối đến đám đông vẫn còn vây quanh Ngài. Ngày này qua ngày khác, Ngài hầu việc họ, khó khăn lắm Ngài mới tìm được ít phút nghỉ ngơi và ăn uống. Những lời chỉ trích và xuyên tạc thâm độc của người Pha-ri-si đeo đuổi Ngài không ngừng, khiến cho công việc Ngài càng thêm nhọc nhằn và căng thẳng. Lúc này, màn đêm đã buông xuống và Ngài mệt mỏi đến độ phải quyết định lui về một nơi vắng vẻ nào đó bên kia bờ hồ để nghỉ ngơi. CCC2 45.2
Bờ biển hồ phía đông Ghê-nê-xa-rết không phải là không có dân ở, vì rải rác đây đó, có các thành nằm ven bờ hồ. Nhưng nếu so với bờ nằm ở phía tây của biển hồ thì đây là một vùng hoang vu. Dân ngoại ở đó nhiều hơn dân Giu-đa, và ít thông thương với thành Ga-li-lê. Như vậy, Đức Chúa Giêsu có thể tìm thấy ở đây sự thanh vắng mong đợi. Ngài truyền cho các môn đồ theo Ngài tới đó. CCC2 45.3
Sau khi Ngài giải tán đám đông, các môn đồ đã đưa Ngài lên thuyền và nhổ neo. Tuy nhiên, họ không đi một mình. Có một số thuyền đánh cá khác đang nằm gần bờ, thế là dân chúng leo lên thuyền và đi theo Đức Chúa Giê-su, vì họ vẫn còn muốn thấy và nghe Ngài. CCC2 46.1
Cuối cùng, Đức Chúa Giê-su cũng được giải vây khỏi sự đeo bám của dân chúng. Ngài mệt nhoài và đói bụng. Ngài nằm ở đằng sau lái và ngủ thiếp đi. Buổi chiều yên ả và dễ chịu, mặt biển hồ phẳng lặng. Bỗng bầu trời tối sầm lại, gió từ trên núi dọc bờ biển phía đông thổi xuống, và một trận bão lớn nổi lên tại biển hồ. CCC2 46.2
Mặt trời đã lặn và bóng đêm dày đặc phủ trên mặt biển hồ đang dậy sóng. Những con sóng dữ tợn đập vào mạn thuyền của các môn đồ như muốn nhấn chìm con thuyền mong manh. Các ngư phủ này đã trải nghiệm qua bao năm tháng trên biển hồ và đã từng lèo lái con thuyền an toàn qua nhiều cơn bão. Nhưng lần này, sức mạnh cũng như tài khéo léo của họ chẳng giúp được gì cả. Họ bất lực trước sức công phá của cơn bão, và họ mất hết hy vọng khi thấy nước cứ tràn vào thuyền. CCC2 46.3
Mải lo tìm cách cứu mạng sống, họ quên khuây mất Đức Chúa Giê-su đang ở trên thuyền. Giờ đây, thấy rằng mọi nỗ lực của mình đều vô ích và trước mắt chỉ còn cái chết chờ sẵn, họ mới nhớ tới lệnh truyền vượt biển. Đức Chúa Giê-su là niềm hy vọng duy nhất của họ. Họ la lên tuyệt vọng: “Thầy ôi! Thầy ôi!” Nhưng màn đêm dày đặc ngăn không cho họ thấy Ngài. Giọng nói của họ bị tiếng gào thét của bão lấn át. Không tiếng trả lời. Hoài nghi và sợ hãi xâm chiếm họ. Đức Chúa Giê-su đã bỏ họ chăng? Ngài là Đấng đã chiến thắng bệnh tật và ma quỷ, ngay cả cái chết cũng không thể thắng Ngài được, giờ đây lại không có quyền phép giúp các môn đồ của Ngài sao? Ngài không lưu tâm tới các môn đồ trong cơn hoạn nạn hay sao? Họ lại gọi một lần nữa, nhưng vẫn không có tiếng trả lời ngoại trừ tiếng rít của cuồng phong. Thuyền của họ chìm dần, chìm dần. Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ bị nước cuốn đi. CCC2 46.4
Bỗng một tia sáng lóe lên trong đêm tối, và họ phát hiện Đức Chúa Giêsu đang nằm ngủ như không có chuyện gì xảy ra. Trong sự kinh ngạc và thất vọng, họ la lên: “Thầy ôi! Thầy không lo chúng ta chết sao?”. Làm sao Ngài lại có thể ngủ ngon lành như vậy trong khi họ đang lâm nguy và vật lộn với cái chết? CCC2 46.5
Tiếng la của họ làm Đức Chúa Giê-su tỉnh dậy. Qua tia sáng chiếu trên Ngài, họ nhìn thấy trên gương mặt Ngài sự bình an thiên thượng. Họ đọc được trong ánh mắt Ngài sự quên mình, tình yêu dịu dàng, và lòng họ hướng về Ngài. Họ thốt lên: “Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết”. CCC2 46.6
Không bao giờ một linh hồn bật ra tiếng kêu than lại không được Ngài chú ý tới. Khi các môn đồ cố bám vào mái chèo để chống trả lần cuối cùng với trận cuồng phong, thì Đức Chúa Giê-su đứng dậy. Ngài đứng giữa các môn đồ trong khi bão tố vẫn đang cuồng nộ, sóng đập vào họ và những tia chớp chiếu sáng gương mặt Ngài. Như thường lệ, tức là khi làm những công việc nhân từ, Ngài giơ tay lên và phán với biển đang gào thét: “Hãy êm đi, lặng đi!”. CCC2 47.1
Gió ngừng thổi. Biển im lặng như tờ. Mây tan đi và người ta lại thấy sao chiếu trên bầu trời. Thuyền cũng không còn tròng trành trên mặt biển, vì lúc này mặt biển đã phẳng lặng. Đoạn, Đức Chúa Giê-su quay lại nhìn các môn đồ, Ngài buồn rầu cất tiếng hỏi: “Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?”. CCC2 47.2
Các môn đồ thất kinh. Ngay cả Phi-e-rơ là người dễ bày tỏ cảm xúc, cũng không dám bày tỏ nỗi kinh sợ chất chứa trong lòng. Những chiếc thuyền đã đi theo Đức Chúa Giê-su cũng ở trong tình trạng nguy hiểm y như thuyền của các môn đồ vậy. Sự kinh hãi và thất vọng đã bao phủ mọi người trên các con thuyền này, nhưng Đức Chúa Giê-su ra lệnh và mọi sự trở lại yên tĩnh. Cơn giận dữ của bão tố đã xô các con thuyền lại gần nhau và mọi người trên thuyền đều thấy phép lạ Đức Chúa Giê-su đã làm. Nỗi sợ hãi tan biến khi biển yên lặng trở lại. Mọi người thì thầm với nhau: “Vậy thì Người nầy là ai, mà gió và biển cũng đều vâng lịnh Người?”. CCC2 47.3
Khi Đức Chúa Giê-su bị đánh thức dậy để đối đầu với bão tố, Ngài vẫn giữ bình tĩnh tuyệt đối. Chẳng có một chút dấu vết sợ hãi trong lời nói hay trong ánh mắt, vì trong lòng Ngài không hề có sự sợ hãi. Nhưng Ngài đã không ỷ vào quyền phép mạnh mẽ mình có. Không phải vì là “Chủ của trời, đất, biển” mà Ngài giữ được sự bình thản. Quyền phép đó Ngài không nắm giữ mà Ngài đã tự bỏ lại phía sau hoàn toàn, Ngài phán rằng: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì.” (Giăng 5:30). Ngài tin tưởng vào quyền năng của Cha. Chính trong niềm tin - niềm tin vào tình yêu thương, sự chăm sóc của Đức Chúa Trời, mà Đức Chúa Giê-su đã yên nghỉ, và quyền năng của Lời đã khiến bão tố yên lặng, là quyền năng của Đức Chúa Trời. CCC2 47.4
Như Đức Chúa Giê-su đã nghỉ yên trong sự chăm sóc của Cha, chúng ta cũng phải nghỉ yên trong sự chăm sóc của Chúa Cứu Thế. Nếu các môn đồ đã đặt niềm tin nơi Ngài, hẳn là họ đã được bình an. Nỗi sợ hãi trong giờ phút nguy hiểm đã bộc lộ sự vô tín của họ. Trong nỗ lực tự cứu lấy mình, họ đã quên bẵng rằng có Đức Chúa Giê-su ở bên. Và chỉ trong sự tuyệt vọng của niềm tin nơi sức riêng, họ mới hướng về Ngài để xin Ngài cứu giúp. CCC2 47.5
Kinh nghiệm của các môn đồ cũng chính là kinh nghiệm của chúng ta. Trong sóng gió của các cơn cám dỗ, và trong sấm chớp, sóng đời dập dồn đổ xô vào chúng ta, chúng ta một mình vật lộn với bão tố, quên khuây đi mất rằng có một Đấng đầy quyền năng để giúp đỡ mình. Chúng ta tin ở sức riêng cho tới khi mất hết hy vọng và sắp sửa bị diệt vong. Khi ấy chúng ta mới nhớ tới Đức Chúa Giê-su, và nếu chúng ta kêu cầu Ngài cứu giúp, chúng ta sẽ không mất công vô ích. Mặc dù Ngài buồn phiền quở mắng lòng vô tín và chỉ tin vào bản thân của chúng ta, nhưng Ngài cũng không hề từ chối giúp đỡ khi chúng ta cần. Dù trên đất hay trên biển, nếu có Chúa Cứu Thế trong lòng, chúng ta chẳng sợ hãi gì cả. Đức tin sống nơi Đấng Cứu Chuộc sẽ làm biển đời lặng gió và sẽ giải thoát chúng ta khỏi hiểm nguy theo cách Ngài thấy là tốt nhất. CCC2 47.6
Còn có một bài học thiêng liêng khác trong phép lạ Đức Chúa Giê-su quở sóng gió yên lặng. Mỗi kinh nghiệm của con người đều làm chứng cho Lẽ Thật quý báu trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã phán: “Kẻ ác giống như biển đương động, không yên lặng được ... kẻ gian ác chẳng hưởng sự bình an.” (Ê-sai 57:20, 21). CCC2 48.1
Tội lỗi đã phá sự bình an của chúng ta. Khi bản ngã còn chưa được chinh phục, chúng ta sẽ không thể tìm thấy sự bình an. Không quyền phép nào của con người có thể kiểm soát được các đam mê lúc nào cũng muốn làm chủ lòng người. Tại nơi đó, chúng ta cũng đơn độc như các môn đồ trong việc làm yên cuồng phong. Nhưng Đấng vốn đã dùng lời nói để dẹp yên cơn bão trên biển Ga-li-lê cũng đã phán lời đem lại bình an cho mỗi linh hồn. Dù cho bão tố có hung tợn đến đâu đi nữa, người nào hướng về Đức Chúa Giê-su và kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với,” cũng sẽ được cứu thoát. Ân điển của Ngài làm linh hồn được hòa lại với Đức Chúa Trời, làm nguội đi sự xung đột các đam mê của con người, và linh hồn được nghỉ yên trong tình yêu Ngài. “Ngài ngừng bão tố, đổi nó ra bình tịnh, và sóng êm lặng. Họ bèn vui mừng vì sóng êm lặng; Chúa dẫn họ vào bến họ ước ao.” (Thi-thiên 107:29, 30). “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hoà thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta”. “Công bình sẽ sanh ra bình an, trái của sự công bình sẽ là yên lặng và an ổn mãi mãi.” (Rô-ma 5:1; Ê-sai 32:17) CCC2 48.2
Sáng sớm, Chúa Cứu Thế cùng các môn đồ qua bờ bên kia, ánh bình minh chiếu trên biển và trên mặt đất như một lời chúc bình an. Nhưng họ chưa đặt chân lên bờ thì một cảnh tượng còn khủng khiếp hơn cơn giận dữ của bão tố bày ra trước mắt. Từ một nơi ẩn núp nào đó giữa các nấm mồ, hai người điên nhảy bổ về phía họ như thể muốn xé họ ra làm nhiều mảnh. Một phần của những sợi dây xích chúng đã giật đứt khi thoát khỏi nơi giam giữ còn treo lủng lẳng trên người. Thân thể bị xé rách và rỉ máu tại những chỗ chúng dùng đá sắc tự rạch mình. Cặp mắt chúng nhìn trừng trừng qua mái tóc dài và rối bù. Các quỷ đã ám những người này, và đã hủy hoại dung nhan chúng, trông chúng giống quái vật hơn là con người. CCC2 48.3
Các môn đồ và đồng bạn đều hoảng sợ bỏ chạy. Nhưng ngay sau đó, họ nhận ra rằng Đức Chúa Giê-su không chạy theo họ, nên họ quay trở lại tìm Ngài. Ngài đang đứng tại nơi họ đã bỏ Ngài. Đấng đã làm cho bão tố yên lặng, Đấng đã từng đương đầu với Sa-tan và đã chiến thắng, không bỏ chạy trước những con quỷ này. Khi những người bị quỷ ám nghiến răng và sùi bọt mép lao tới gần, Đức Chúa Giê-su giơ bàn tay đã từng ra hiệu cho sóng yên biển lặng ra, và bọn chúng không dám đến gần hơn nữa. Chúng giận dữ đứng lại, nhưng không dám làm gì Ngài cả. CCC2 48.4
Bởi uy quyền mà Ngài truyền cho các quỷ ô uế ra khỏi những người này. Lời của Ngài xuyên thâu tâm trí tối tăm của những con người bất hạnh. Chúng lờ mờ nhận ra rằng Đấng đang ở gần là Đấng có quyền năng cứu chúng khỏi đám quỷ đang hành hạ mình. Chúng sấp mình xuống chân Chúa Cứu Thế để thờ lạy Ngài; nhưng khi môi chúng mở ra để nài xin Ngài thương xót, đám quỷ đã qua chúng mà gào lên cách dữ dội: “Hỡi Đức Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời rất cao, tôi với Ngài có sự gì chăng? Tôi nhân Danh Đức Chúa Trời mà khẩn cầu Ngài, xin đừng làm khổ tôi”. Đức Chúa Giê-su hỏi: “Mày tên gì?”. Quỷ thưa rằng: “Quân đội; vì nhiều quỷ đã ám vào người”. Quỷ dùng những con người khốn khổ này làm phương tiện truyền đạt, vậy nên chúng nài xin Đức Chúa Giê-su đừng đuổi chúng ra khỏi xứ. Trên một sườn núi cách đó không xa, có một bầy heo đang ăn. Lũ quỷ xin được phép nhập vào những con heo ấy. Ngài cho phép. Tức thì bầy heo hoảng hốt, điên cuồng lao đầu xuống vách đá của biển và rồi chìm xuống dưới lòng biển sâu. CCC2 49.1
Ngay khi đó có sự biến đổi diệu kỳ diễn ra nơi những người bị quỷ ám. Tâm trí họ được soi sáng. Mắt họ ánh lên nét thông minh. Gương mặt, lâu nay bị biến dạng theo hình ảnh Sa-tan, bỗng trở nên dịu dàng, những bàn tay rướm máu đã lành trở lại, và họ hân hoan tôn vinh Đức Chúa Trời bởi họ đã được Ngài giải thoát. CCC2 49.2
Từ vách đá, những người chăn heo chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối vội vã chạy loan báo thông tin cho chủ của mình và dân chúng. Cả đoàn dân với lòng đầy sợ hãi và kinh ngạc đã tràn tới gặp Đức Chúa Giê-su. Hai người bị quỷ ám đã từng là nỗi kinh hoàng của cả vùng. Không ai được an toàn khi phải đi ngang qua chỗ chúng ở, vì chúng sẽ lao vào người đi đường với cơn giận của quỷ dữ. Giờ đây, những người này, ăn mặc đàng hoàng, tâm trí họ được minh mẫn trở lại, họ đang ngồi dưới chân Đức Chúa Giê-su, nghe Lời Ngài và ngợi khen Danh của Đấng đã làm họ lành lặn. Nhưng dân chúng chứng kiến cảnh tượng lạ lùng này lại không vui. Việc mất đi những con heo xem ra đối với họ còn quan trọng hơn là việc giải thoát những kẻ bị Sa-tan cầm giữ. CCC2 49.3
Chính vì lòng nhân từ dành cho chủ bầy heo mà sự mất mát này mới được phép xảy ra. Họ đang mải mê với những sự thuộc về đời này và không quan tâm tới những lợi ích lớn lao của đời sống tâm linh. Đức Chúa Giê-su mong muốn đánh tan bùa mê của sự thờ ơ ích kỷ để họ có thể tiếp nhận ân điển Ngài. Nhưng sự tiếc rẻ và phẫn nộ trước mất mát của cải đời này đã bịt mắt họ, khiến họ không thấy được lòng nhân từ của Cứu Chúa. CCC2 49.4
Sự bảy tỏ quyền phép siêu nhiên đã làm trỗi dậy các dị đoan mê tín của dân chúng, và khiến họ sợ hãi. Những tai ương lớn hơn nữa có thể xảy ra khi Người Lạ này ở giữa họ. Họ sợ những mất mát về tài chánh nên đã quyết định không cho Ngài lưu lại ở đây nữa. Mây người đã vượt biển hồ với Đức Chúa Giê-su kể lại tất cả những gì đã xảy ra trong đêm trước, việc họ gặp nguy hiểm vì giông bão, và việc sóng, gió đã trở lại yên tĩnh như thế nào. Nhưng lời của họ cứ như nước đổ lá môn. Dân chúng hãi hùng vây quanh Đức Chúa Giê-su, khẩn khoản xin Ngài ra khỏi đó. Ngài đã chiều theo ý họ và tức khắc lên thuyền sang bờ bên kia. CCC2 50.1
Dân ở Giê-ra-sê đã có ngay trước mắt bằng chứng sống động về quyền năng và lòng nhân từ của Đấng Cứu Thế. Họ đã có đặc ân nhìn thấy những người được phục hồi lý trí, nhưng họ lại sợ quyền lợi trần thế của mình bị xâm phạm, đến độ Đấng đã chiến thắng vua chốn mờ tối ngay trước mắt họ lại bị đối xử như một kẻ không mời mà đến, và ân điển thiên đàng đã quay lưng lại với cửa nhà họ. Không phải chỉ là việc quay lưng lại với Đấng Cứu Thế như những người dân ở Giê-ra-sê; mà ngày nay nhiều người còn không nghe theo Lời Ngài, bởi vì việc tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ kéo theo sự hy sinh danh lợi thế gian. Họ sợ rằng sự hiện diện của Ngài sẽ gây mất mát tiền bạc, nhiều người khước từ ân điển Ngài, và xua đuổi Thánh Linh Ngài cách xa khỏi cuộc đời mình. CCC2 50.2
Nhưng tình cảm của những người bị quỷ ám đã được chữa khỏi lại khác hẳn. Họ ước ao được ở cùng với Người đã giải thoát mình. Trước sự hiện diện của Ngài, họ cảm thấy được an toàn, không bị ma quỷ hành hạ cuộc sống và tàn phá nhân tính của họ. Khi Đức Chúa Giê-su gần bước lên thuyền, họ tới sát bên Ngài, quỳ xuống dưới chân Ngài và xin Ngài mang họ theo, để họ có thể nghe được Lời Ngài mãi mãi. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã truyền cho họ về nhà và thuật lại thể nào Chúa đã làm cho họ những việc lớn lao dường ấy. Nơi đây có một việc đang sẵn dành cho họ, đó chính là việc họ sẽ đi tới nhà người ngoại, và kể về ơn phước họ đã nhận được từ Đức Chúa Giê-su. CCC2 50.3
Phải lìa khỏi Chúa Cứu Thế là một điều buồn lòng đối với họ. Những khó khăn lớn chắc chắn sẽ bao vây họ khi tiếp xúc với những người đồng hương ngoại đạo. Thời gian dài bị tách khỏi xã hội khiến họ xem ra không thích hợp với công việc Ngài đã bảo họ làm. Nhưng ngay khi Đức Chúa Giê-su ban cho họ sứ mạng thiêng liêng để thi hành, thì họ sẵn sàng vâng theo. Họ đã không chỉ kể cho những người trong gia đình mình và láng giềng về Đức Chúa Giêsu, mà họ còn đi khắp vùng Đê-ca-bô-lơ, rao giảng về quyền năng chữa bệnh của Ngài và mô tả việc Ngài đã giải thoát họ khỏi ma quỷ là làm sao. Trong khi làm công việc này, họ có thể nhận được ơn phước lớn hơn là nếu họ chỉ vì lợi ích riêng mà ở lại bên Đức Chúa Giê-su. Chính trong khi rao giảng tin lành về sự cứu rỗi màchúng ta được dẫn tới gần Chúa Cứu Thế. CCC2 50.4
Hai người bị quỷ ám được chữa lành đã trở thành những nhà truyền giáo đầu tiên được Đấng Cứu Thế gửi đi rao giảng Tin Lành trong vùng Đê-cabô-lơ. CCC2 51.1
Hai người này chỉ được diễm phúc nghe Đấng Cứu Thế giảng dạy trong một thời gian ngắn ngủi. Họ đã không được nghe một bài giảng nào từ miệng Ngài. Họ không thể dạy dỗ dân chúng như các môn đồ hằng ngày được ở với Đấng Cứu Thế. Nhưng họ đem chính bản thân mình ra làm bằng chứng rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Họ có thể kể điều họ biết, điều họ đã thấy, đã nghe và cảm nhận về quyền phép Đấng Cứu Thế. Đó là điều mà mọi người được ân điển của Đức Chúa Trời cảm động trong lòng đều có thể làm. Giăng, một môn đồ được Chúa yêu đã viết: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống;... chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em.” (I Giăng 1:1-3). Là những nhân chứng cho Đấng Cứu Thế, chúng ta phải kể về những gì chúng ta biết, những gì chính chúng ta đã thấy, đã nghe và đã cảm nghiệm. Nếu chúng ta là những người noi theo dấu chân của Đấng Cứu Thế từng bước một, thì chúng ta sẽ có thể kể lại một cách xác thực về phương cách Ngài đã từng dẫn dắt chúng ta. Chúng ta có thể kể rằng chúng ta đã thử lời hứa của Ngài như thế nào và đã thấy lời hứa ấy là chân thật ra sao. Chúng ta có thể làm chứng cho điều chúng ta đã biết về ân điển Đấng Cứu Thế. Đó là lời chứng về sự mời gọi của Chúa, và nếu thiếu điều đó, thế gian sẽ bị hư mất. CCC2 51.2
Mặc dù dân ở Giê-ra-sê khước từ Đức Chúa Giê-su, Ngài cũng không bỏ mặc họ ngụp lặn trong bóng tối họ đã chọn lựa. Khi yêu cầu Ngài đi khỏi đó, họ đã không nghe Lời Ngài. Họ không biết điều họ đang chối bỏ. Do đó, Ngài lại gửi ánh sáng cho họ thông qua những người mở lòng tiếp nhận Lời hằng sống. CCC2 51.3
Qua biến cố khiến bầy heo lao xuống vực, ý định của Sa-tan là làm cho dân chúng quay lưng lại với Chúa Cứu Thế và ngăn cản việc rao giảng tin lành trong vùng đó. Nhưng sự việc xảy ra đã khuây động dân chúng trong toàn vùng mà trước đây chưa hề có một biến cố nào như vậy, và chính sự kiện ấy đã hướng sự chú ý vào Đấng Cứu Thế. Dù Ngài đã lánh đi nơi khác, nhưng những người đã được Ngài chữa lành vẫn còn ở lại như những nhân chứng về quyền phép của Ngài. Những kẻ đã từng là công cụ của vua cầm quyền chốn mờ tối lại trở thành đường truyền ánh sáng, thành sứ giả của Con Đức Chúa Trời. Người ta lấy làm kinh ngạc khi được nghe những tin lạ lùng. Cánh cửa đã mở ra cho Tin Lành trong khắp vùng ấy. Khi Đức Chúa Giê-su trở lại Đê-ca-bô-lơ, dân chúng đã xúm lại xung quanh Ngài, và trong suốt ba ngày, không chỉ dân cư của một thành, mà hàng ngàn người từ các vùng lân cận, đã được nghe sứ điệp cứu rỗi. Quyền lực của ma quỷ phải ở dưới sự kiểm soát của Cứu Chúa chúng ta, và việc dữ đã bị chế ngự bởi việc lành. CCC2 51.4
Cuộc gặp gỡ với những kẻ bị quỷ ám ở Giê-ra-sê hàm chứa một bài học cho các môn đồ. Nó cho thấy chiều sâu của sự tha hóa mà Sa-tan đang tìm cách lôi kéo nhân loại lún vào, và chức vụ của Đấng Cứu Thế là giải thoát loài người khỏi quyền lực của Sa-tan. Những con người bất hạnh đó, sống giữa mồ mả, bị quỷ ám, làm nô lệ cho những đam mê không được kiềm chế và những thèm khát ghê tởm, Những điều này tượng trưng cho tình trạng nhân loại nếu bị đặt dưới quyền cai trị của Sa-tan. Sa-tan không ngừng tác động trên loài người để làm sao nhãng nhận thức, hòng điều khiển trí óc họ hướng về cái xấu, rồi dẫn tới bạo lực và tội ác. CCC2 52.1
Nó làm cho cơ thể suy yếu, đầu óc thành ra tối tăm và làm cho linh hồn đổi ra đê hèn. Mỗi khi loài người khước từ lời mời gọi của Chúa Cứu Thế, loài người đang thuần phục Sa-tan. Ngày hôm nay có vô số người, trong mọi lãnh vực của cuộc sống, ở khắp mọi nơi, có khi tại nhà, có khi tại sở làm, và ngay cả trong Hội Thánh cũng rơi vào tình trạng này. Chính vì vậy mà bạo lực và tội ác đã lan tràn khắp mặt đất. CCC2 52.2
Sự bại hoại về luân lý giống như một tấm khăn liệm phủ lên các nơi cư trú của loài người. Qua những cám dỗ có vẻ hào nhoáng bề ngoài, Sa-tan đẩy đưa loài người càng ngày càng tới gần cái xấu, và cuối con đường là tình trạng hư hỏng đổ nát hoàn toàn. Sự bảo vệ duy nhất chống lại quyền lực của nó chỉ có thể tìm thấy trong sự hiện diện của Đức Chúa Giê-su. Trước loài người và thiên sứ, Sa-tan đã hiện nguyên hình là kẻ thù và kẻ phá hoại loài người; còn Đấng Cứu Thế lại là người bạn và Đấng giải thoát nhân loại. Đức Thánh Linh của Ngài sẽ phát triển nơi con người tất cả những gì làm nhân cách trở nên cao quý và đề cao tâm tính con người. Ngài sẽ tái tạo con người cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trong thân xác, linh hồn và tâm thần. “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ.” (II Ti-mô-thê 1:7)). Ngài đã gọi chúng ta “đặng hưởng sự vinh hiển”, tánh hạnh, “của Đức Chúa Giê-su Cứu Thế chúng ta;” đã gọi chúng ta để “nên giống như hình bóng Con Ngài.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:14; Rô-ma 8:29). CCC2 52.3
Và các linh hồn sa đọa đã trở thành công cụ của Sa-tan vẫn còn có thể nhờ quyền năng của Đấng Cứu Thế để trở thành những sứ giả công bình và được Con Đức Chúa Trời gửi đi để thuật lại: Điều lớn lao thể nào Chúa đã làm cho người, và Ngài đã thương xót người cách nào. CCC2 52.4