Thiện Ác Đấu Tranh

10/44

8—Luther Trước Hội Nghị Worms

TẠI ĐỨC một vị vua mới lên ngôi là Charles V. Các sứ giả La Mã vội vã đến chúc mừng và xin vua dùng quyền thế chống lại cuộc Cải chánh. Một mặt khác, vị vương hầu ở Saxony là người đã có công nhiều trong việc tấn phong vua Charles, yêu cầu vua đừng làm chi nghịch cùng Luther trước khi nghe người trình bay mục đích mình. Vì thế vua ở trong một hoàn cảnh rất phức tạp và bối rối. Phe giáo hoàng chỉ thỏa mãn khi vua ra chiếu chỉ lên án xử tử Luther. Còn vương hầu thì tuyên bố cách quả quyết rằng, “Chưa có ai, hoặc vua hoặc một người nào chứng minh rằng những sách Luther viết là sai;” vì thế ông yêu cầu “xin cho Tiến sĩ Luther được giấy an toàn để ứng hầu trước một tòa án gồm có những nha thông thái, đạo đức, và công bình.”— D’Aubigné, quyển 6, chương 11. TT20 129.1

Tất cả các nhóm đều hướng về tổng hội nghị của Đức họp tại Worms sau khi vua Charles lên ngôi. Những vấn đề chính trị và quyền lợi quan trọng sẽ được đem ra thảo luận trong quốc gia đại hội; và lần đẩu tiên các vương hầu Đức được gặp vị vua trẻ tuổi của họ. Các bậc cao cấp trong giáo hội và chính quyền đến từ khắp nơi trong nước. Các bậc lãnh đạo quý phái và quyền thế, các hàng giáo phẩm cao cấp, kiêu hãnh với địa vị cao cả và quyền lực của mình; các hiệp sĩ và tùy tùng; các sứ thần từ các nước xa, tất cả đều về nhóm tại thành Worms. Nhưng vấn đề được chú ý nhất trong đại hội nghị này là mục đích của nhà Cải chánh Saxon. TT20 129.2

Vua Charles lúc trước đã truyền vương hầu Saxony dẫn Luther đến hội nghị, hứa bảo vệ ông, và cho ông được tự do tranh luận về duyên cớ mình với những người có thẩm quyền. Luther rất ước mong được ứng hầu trước mặt vua. Bấy giờ sức khỏe ông rất kém; nhưng ông đã viết cho vương hầu như vầy, “Nếu tôi không khỏe mạnh để đến Worms thì sẽ có người khiêng tôi đến, dù tôi có đau yếu đến đâu đi nữa. Vì nếu vua muốn tôi đến, thì tôi tin chắc rằng đó chính là Đức Chúa Trời kêu gọi tôi. Nếu người ta muon dùng bạo lực để nghịch lại tôi, và điều đó có thể xảy ra (vì không phải muốn học hỏi mà họ ra lệnh cho tôi đến), thì tôi xin giao việc này trong tay Chúa. Đấng đã phù hộ ba người trai trẻ trong lò lửa hừng vẫn còn sống và thống trị. Nếu Ngài không muốn cứu tôi, thì tôi cũng không tiếc chi đời tôi. Chúng ta chỉ giữ sao cho phúc âm khỏi bị kẻ ác chê cười, và chúng ta hãy sẵn sàng đổ huyết vì lời Chúa. Không phải tôi quyết định sự sống haysự chết của tôi sẽ giúp ích cho công việc cứu linh. . . . Ông có thể tin tưởng tất cả nơi tôi. . . ngoại trừ việc chạy trốn và đầu phục. Chạy trốn tôi không thể làm, và đầu phục lại càng không thể.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 1. TT20 130.1

Tin Luther sắp ứng hầu trước hội nghị tại Worms gây ra sự xôn xao lớn. Aleander, đại sứ của giáo hoàng được chỉ định đặc biệt lo việc này, thấy trước những kết quả bất lợi cho quyền thế giáo hoàng, nếu Luther ứng hầu trước hội nghị, nên ông lo sợ và giận lắm. Xét xử một vụ mà giáo hoàng đã kết án tức là khinh thường quyền thế giáo hoàng vậy. Hơn nữa, ông sợ rằng những lý luận hùng biện của Luther sẽ khiến các vua chúa xây bỏ quyền thế giáo hoàng. Vì thế, ông khẩn thiết yêu cầu vua Charles đừng cho Luther ứng hầu trước hội nghị. Vào lúc đó, chiếu chỉ dứt phép thông công Luther được ban hành, thêm vào đó là lời yêu cầu của đại sứ, nên vua nhượng bộ. Vua viết cho vương hầu rằng nếu Luther không muốn đầu phục, thì ông phải ở lại Wittenberg. TT20 130.2

Không hài lòng về sự đắc thắng này, Aleander dùng hết quyền lực và sự xảo trá của mình để lên án Luther. Nhấn mánh vào một duyên cớ tốt đẹp hơn, trước mặt các vua chúa, các giám mục, và các thuộc viên khác của hội nghị, ông vu cáo Luther về tội “nổi loạn, bội nghịch, vô đạo đức, và phạm thượng.” Nhưng thái độ hung hăng này tiết lộ rất rõ ràng chân tướng của ông. Người ta nhận xét, “Đó là sự ghen ghét, muốn báo thù đã giục ông hành động như thế, chứ không phải là lòng sốt sắng và tin kính.”—D'Aubigné, quyển 7, chương 1. Phần đông đại diện trong hội nghị, hơn bao giờ hết lại ủng hộ công việc của Luther. TT20 130.3

Aleander lại hăng hái hơn, cố gắng thuyết phục là vua có trách nhiệm thi hành những chỉ dụ của giáo hoàng. Nhưng theo luật của người Đức, việc này không thể thi hanh được, nếu các vương hầu không đồng ý; cuối cùng, sự nài nỉ của đại sứ đã thắng, vua Charles cho phép ông trình bày vấn đề này trước hội nghị. “Đây là một ngày lớn cho đại sứ giáo hoàng. Đây là một hội nghị vĩ đại, và mục tiêu lại vĩ đại hơn nữa. Aleander phải bênh vực cho La Mã, . . . là mẹ và bà chủ của tất cả các hội thánh.” Ông phải biện hộ quyền tối cao của thánh Phi-e-rơ trước các bậc cao cấp trong Cơ Đốc giáo. “Ông có tài hùng biện, và đạt được sự cao trọng trong dịp này. Ý định của Chúa muốn rằng trước khi bị lên án, La Mã phải có dịp hiện diện và bào chữa mình bởi một diễn giả hùng biện nhất, trước tòa án quyền thế nhất.”—Wylie, quyển 6, chương 4. Những người thuộc phe Luther lo sợ chờ xem kết quả bài diễn thuyết của Aleander. Vương hầu của Saxony không có mặt tại hội nghị, nhưng có truyền lệnh cho mấy người cố vấn của ông đến dự hội nghị ghi chép bài diễn văn này. TT20 131.1

Aleander dùng tất cả sự hiểu biết và tài hùng biện mình để đánh đổ lẽ thật. Ông nói Luther là kẻ thù chung của hội thánh và quốc gia, của người sống và kẻ chết, của hàng giáo phẩm và thường dân, của các tổ chức và tư nhân. Ông tuyên bố, “Trong giáo lý của Luther có đủ sự sai lầm để thiêu đốt một trăm ngàn người lạc đạo.” TT20 131.2

Trong phần kết luận, ông bày tỏ tất cả sự khinh dể đối với những người theo đức tin cải chánh. “Những người theo Luther la ai? Một đám sư phạm xấc xược, linh mục bại hoại, tu sĩ vô độ, luật sư dốt nát, quý phái suy đồi, và những thường dân lầm lạc, hư hỏng. Còn phe Công giáo thì trổi hơn họ, tín đồ đông hơn, khôn khéo hơn, quyền thế hơn. Cả hội nghị đều đồng ý ban hành một chỉ dụ để soi sáng những người đơn sơ, cảnh cáo những kẻ dại dột, giục những người do dự sớm quyết định, và ban sức mạnh cho kẻ yếu đuối.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 3. TT20 131.3

Đó là những khí giới Sa-tan dùng trải qua các thời đại để tấn công những người rao giảng lẽ thật. Lý luận ấy vẫn còn được dùng để chống lại những người dám phản đối những sự sai lầm lâu đời, không hợp với sự dạy dỗ rõ ràng, chân thật của lời Đức Chúa Trời. Những người muốn một tôn giáo phổ thông thường hỏi, “những người giảng đạo lý mới này là ai? Họ là một số người dốt nát, nghèo khổ, nhưng tự xưng mình có lẽ thật và là dân lựa chọn của Đức Chúa Trời. Họ là những người dốt nát và bị lừa gạt. Còn hội thánh chúng ta thì đông hơn, và có ảnh hưởng hơn biết bao! Hãy coi giáo hội chúng ta có biết bao nhiêu người tài giỏi, học thức! Chúng ta cũng có nhiều quyền lực hơn!” Những lý luận như thế có ảnh hưởng nhiều cho thế gian; và ngày nay những lý luận này cũng không khác gì hơn trong thời Luther. TT20 131.4

Công cuộc Cải chánh không chấm dứt với Luther như nhiều người tưởng, nhưng sẽ tiếp tục cho đến ngày cuối cùng của lịch sử thế gian. Luther có một trách nhiệm vĩ đại là phản chiếu cho thế gian sự sáng Đức Chúa Trời đã truyền cho ông; mặc dù ông không nhận được tất cả sự sáng. Từ thời đó cho đến ngày nay, ánh sáng mới chiếu rọi trên Kinh Thánh và nhiều lẽ thật mới được tiếp tục bày tỏ. TT20 132.1

Bài diễn thuyết của đại sứ gây một ấn tượng sâu xa cho Hội nghị. Luther không hiện diện ở đó để trình bày lẽ thật rõ ràng và có sức thuyết phục của lời Đức Chúa Trời để đánh bại nha vô địch của giáo hoàng. Không ai bênh vực cho nhà Cải chánh. Ý kiến chung của hội nghị là lên án Luther và đạo lý của ông, và nếu có thể được, tận diệt đạo lạc. La Mã rất vui mừng có cơ hội thuận tiện nhất để bênh vực lập trường mình. Tất cả điều gì có thể nói để biện minh cho mình thì La Mã đã nói. Nhưng sự chiến thắng bề ngoài của La Mã là một dấu của sự thất bại. Từ nay trở đi, sự tương phản giữa lẽ thật và sự sai lầm càng rõ hơn khi họ phải đụng độ cách công khai. Kể từ ngày đó, địa vị của La Mã không còn vững chắc như trước nữa. TT20 132.2

Trong khi phần đông thành viên của Hội nghị không ngần ngại giao Luther cho sự trả thù của La Mã, nhiều người thấy và lấy làm tiếc cho sự bại hoại trong hội thánh, và muốn bỏ những sự lạm dụng mà dân Đức đang phải chịu khổ vì sự thối nát và tham lam của hàng giáo phẩm. Đại sứ đã trình bày rõ ràng quyền thế giáo hoàng. Bây giờ Đức Chúa Trời thúc giục một thuộc viên của Hội nghị miêu tả ảnh hưởng sự độc tài của giáo hoàng. Cao thượng và cương quyết, quận công George của Saxony đứng dậy giữa hội nghị, và sau khi miêu tả rất chính xác những sự lừa gạt và gớm ghiếc của quyền thế giáo hoàng. Ông kết luận: TT20 132.3

“Đó là một vài sự lạm dụng của La Mã. Họ không biết xấu hổ, và mục tiêu duy nhất của họ là. . . tiền, tiền, tiền, . . . đến nỗi đáng lẽ những giảng sư phải dạy lẽ thật thì lại dạy sự giả dối, và chẳng những họ được dung thứ mà còn được ban thưởng, vì họ càng nói láo thì lại càng được nhiều lợi lộc. Từ cái suối ô uế đó chảy ra những dòng nước bại hoại. Sự trụy lạc dẫn đến sự tham lam. . . . Than ôi! Gương xấu của hàng giáo phẩm đã dẫn biết bao linh hồn khốn khổ đến sự đoán phạt đời đời. Vì vậy, một cuộc cải chánh toàn diện rất cần thiết.”—D'Aubigné, quyển 7, chương 4. TT20 133.1

Luther không thể tố cáo những sự lạm dụng của quyền thế giáo hoàng cách mạnh mẽ hơn; vì diễn giả là một kẻ thù ghê gớm của nhà Cải chánh nên những lời của ông càng có ảnh hưởng mạnh hơn. TT20 133.2

Nếu mắt những người trong hội nghị mở ra, thì họ đã thấy những thiên sứ Đức Chúa Trời ở giữa họ, chiếu ánh sáng để làm tiêu tan sự sai lầm và mở tâm trí để tiếp nhận lẽ thật. Quyền lực của Chúa lẽ thật và sự khôn ngoan cũng điều khiển những kẻ chống đối cuộc Cải chánh, và như thế dọn đường cho công việc vĩ đại sắp được hoàn thành. Martin Luther không có mặt ở đó; nhưng người ta đã nghe tiếng nói của Đấng lớn hơn Luther ở trong hội nghị đó. TT20 133.3

Hội nghị lập tức chỉ định một ủy ban để soạn bản liệt kê những sự đàn áp đang đè nặng trên dân Đức. Bản lịệt kê này gồm một trăm lẻ một điều được trình lên vua, với lời yêu cầu là vua sẽ có những giải pháp cấp thời để chỉnh đốn lại những sự lạm dụng. Những người thỉnh nguyện nói, “Thật là một sự mất mát cho các Cơ Đốc nhân! Thật là những sự cướp bóc, cưỡng đoạt, ô nhục do những người lãnh đạo thiêng liêng của Cơ Đốc giáo gây ra! Bổn phận của chúng ta là ngăn chặn sự bại hoại và sỉ nhục của dân tộc chúng ta. Vì lẽ đó chúng tôi khiêm tốn và khẩn thiết yêu cầu vua ra lệnh cấp bách cho một sự cải cách tổng quát và chịu trách nhiệm về việc hoàn thành.”—D'Aubigné, quyển 7, chương 4. TT20 133.4

Bấy giờ hội nghị cho đòi nhà Cải chánh đến ứng hầu. Mặc dù Aleander phản đối và hăm dọa, nhưng cuối cùng vua cũng đồng ý cho đòi Luther đến, với giấy thông hành bảo đảm sẽ đưa ông về bình yên. Một sứ giả được chỉ định đem tin này đến Wittenberg để dẫn Luther tới Worms. TT20 133.5

Các bạn hữu của Luther kinh hãi và lo buồn. Biết được những thành kiến và sự ghen ghét đối với ông, họ sợ giấy bảo đảm cũng không được tôn trọng, nên yêu cầu Luther không nên liều mạng sống mình. Ông trả lời, “Phe giáo hoàng không muốn sự hiện diện của tôi tại Worms, nhưng chỉ muốn đoán phạt và giết tôi. Không sao đâu! Các bạn hãy cầu nguyện không phải cho tôi nhưng cho lời Đức Chúa Trời. . . . Đấng Christ sẽ ban cho tôi Thánh Linh của Ngài để chiến thắng những sứ giả của sự sai lầm. Tôi khinh dể họ khi tôi sống; tôi sẽ chiến thang họ bởi sự chết của tôi. Tại Worms, họ bận rộn bắt tôi đầu phục; và đây sẽ là lời đầu phục của tôi: Trước kia tôi nói giáo hoàng là đại diện Đấng Christ, bây giờ tôi nói giáo hoàng là kẻ thù của Chúa và sứ đồ của ma quỷ.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 6. TT20 134.1

Luther không đi một mình trong cuộc hành trình nguy hiểm này. Ngoài sứ giả của vua, còn có ba người bạn tốt nhất cũng quyết định theo ông. Melanchthon rất mong mỏi được đi với họ. Lòng ông kết chặt với lòng Luther, và muốn theo bạn mình, nếu cần, cho đến ngục that hay tới sự chết. Nhưng lời yêu cầu của ông bị từ chối. Nếu Luther phải chết, thì hy vọng của công cuộc Cải chánh phải đặt trên vai người cộng sự tre tuổi của ông. Khi từ giã nhau, nhà Cải chánh dặn Melanchthon, “Bạn ơi! Nếu tôi không trở về và kẻ thù cất mạng sống tôi, thì bạn chớ ngưng công việc dạy dỗ và cứ đứng vững trong lẽ thật. Hãy tiếp tục làm việc thay tôi. . . . Nếu bạn sống thì cái chết của tôi sẽ không quan trọng lắm.”—D'Aubigné, quyển 7, chương 7. Các sinh viên và dân chúng nhóm lại, rất cảm động chứng kiến sự ra đi của Luther. Một đám đông người đã được cảm hóa bởi phúc âm, vừa khóc vừa chào tiễn biệt nhà Cải chánh. Đoạn Luther và các bạn từ giã Wittenberg. TT20 134.2

Trong lúc đi đường, họ thấy tâm thần dân chúng nặng nề với lo âu vì những tiên đoán buồn thảm. Tại vài thành phố, họ không được tiếp rước. Khi họ ngừng lại để nghỉ đêm, một linh mục thân thiện tỏ những nỗi lo sợ của mình và giơ lên cho Luther tấm hình của một nhà Cải chánh Ý đã bị tử vì đạo. Ngày hôm sau, họ hay rằng những sách của Luther đã bị lên án tại Worms. Các sứ giả hoàng gia tuyên bố chiếu chỉ của vua và kêu gọi dân chúng đem nộp cho thẩm phán những sách bị cấm. Một sứ giả lo sợ cho sự an ninh của Luther tại hội nghị và nghĩ rằng quyết định của ông đã lay chuyển, nên hỏi ông còn muốn tiến hành hay không. Ông trả lời, “Cứ tiến hành, dầu tôi có bị ngăn cấm trong mỗi thành.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 7. TT20 134.3

Tại Erfurt, Luther được tiếp rước cách long trọng. Khi đi qua những đường phố mà ngày xưa ông thường đi để xin ăn, thì một đoàn dân đông cảm phục vây chung quanh ông. Ông đến viếng căn phòng của ông ở trong tu viện và hồi tưởng đến những cuộc chiến đấu đã qua, nhờ đó ông nhận sự sáng mà bây giờ tràn ngập nước Đức. Người ta thúc giục ông giảng. Đó la điều ông bị cấm, nhưng sứ giả của vua cho phép, và người tu sĩ này ngày trước là một đầy tớ trong tu viện, bây giờ được mời lên tòa giảng. TT20 135.1

Trước đám đông, ông truyền lại những lời của Đấng Christ, “Nguyền sự bình an ở với anh em.” Ông nói tiếp, “Các triết gia, tiến sĩ, văn vĩ đều dạy thế nào người ta nhận được sự sống đời đời, nhưng họ đã không thành công. Bây giờ tôi muốn nói điều đó với anh em. . . . Đức Chúa Trời đã phục sinh một Người từ cõi chết là Đức Chúa Giê-su Christ, để Ngài giày đạp sự chết, hủy diệt tội lỗi, và đóng cửa địa ngục. Đó là công việc cứu rỗi. Đấng Christ đã chiến thắng! Đó là tin mừng lớn; và chúng ta được cứu bởi công việc Ngài, chứ chẳng phải công việc của chúng ta. . . . Đức Chúa Giê-su có phán, Sự bình an ở với các ngươi; hãy xem hai tay ta;’ nghĩa là, Hỡi con người, hãy nhìn xem Ta, chỉ có Ta mới có thể cất tội lỗi ngươi và cứu chuộc ngươi; và ngươi được sự bình an, Chúa phán vậy.” TT20 135.2

Ông tiếp tục nói, giải thích rằng đức tin thật sẽ được bày tỏ bởi một đời sống thánh thiện. “Vì Chúa đã cứu chúng ta, chúng ta phải làm những việc được Chúa chấp nhận. Các bạn giàu có chăng? Hãy dùng của cải mình giúp những người nghèo khổ. Các bạn nghèo nàn chăng? Hãy làm việc để người giàu có thể chấp nhận. Nếu công việc của bạn chỉ ích lợi cho bạn mà thôi, thì công việc bạn tưởng làm cho Đức Chúa Trời chỉ là một sự giả dối.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 7. TT20 135.3

Các thính giả đều chăm chỉ nghe. Bánh sự sống được ban cho những linh hồn đói khát. Đấng Christ được đề cao trước mặt họ, trên các giáo hoàng, các giám mục, các vua chúa. Luther chẳng nói chi hết về tình cảnh nguy hiểm của mình. Ông không tìm kiếm sự thương hại hay gợi sự chú ý. Ngắm xem Đấng Christ, ông đã quên mình đi. Ông ẩn mình trong Chúa đau khổ và trình bày Đức Chúa Giê-su là Cứu Chúa của các tội nhân. TT20 135.4

Tiếp tục cuộc hành trình, đâu đâu nhà Cải chánh cũng được tiếp rước đặc biệt. Một đoàn dân đông vây chung quanh và người ta thân mật cảnh cáo ông về mưu mô của La Mã. Có người nói, “Họ sẽ đốt ông ra tro như đã đốt John Huss vậy.” Luther trả lời, “Dù người ta có đốt lửa cháy từ Worms tới Wittenberg và ngọn lửa có vươn cao tận trời, tôi sẽ nhân danh Chúa mà đi qua lửa; tôi sẽ đến trước mặt họ; tôi sẽ vào hàm con thú dữ tợn đó, nhân danh Đức Chúa Giê-su Christ mà bẻ răng nó.”—D'Aubigné, quyển 7, chương 7. TT20 136.1

Nghe tin Luther gần tới Worms, dân chúng xôn xao. Các bạn hữu lo sợ cho sự an toàn của ông; còn kẻ thù nghịch thì sợ âm mưu mình bị thất bại. Người ta cố gắng khuyên can ông đừng vào thành. Vì những âm mưu của nhóm giáo hoàng, người ta nài nỉ ông tạm trú tại lâu đài của một hiệp sĩ thân thiện và bảo đảm với ông rằng tất cả những sự khó khăn sẽ được giải quyết ổn thỏa. Có nhiều bạn hữu cố gắng làm cho ông sợ nên miêu tả những nguy hiểm đang chờ ong. Nhưng những cố gắng của họ đều thất bại. Không hề nao núng, Luther tuyên bố, “Dầu ở Worms có lắm ma quỷ như ngói trên mái nhà, tôi cũng sẽ đến.”—D'Aubigné, quyển 7, chương 7. TT20 136.2

Khi tới Worms, một đoàn dân rất đông ra cổng thành tiếp đón ông. Chính vua cũng chưa được dân chúng chào mừng như thế. Từ giữa đám đông, vang lên tiếng hát than vãn như một tang lễ để cảnh cáo Luther về số phận đang chờ ông. Ông vừa xuống xe vừa nói, “Đức Chúa Trời là Đấng bênh vực tôi.” TT20 136.3

Những người theo phe giáo hoàng không tin Luther dám đến Worms, nhưng khi họ thấy ông thì rất kinh ngạc. Vua liền nhóm các nghị viên cố vấn lại để nghiên cứu cho biết phải làm sao. Một giám mục cứng cỏi nói, “Chúng ta đã thảo luận lâu về việc này. Xin vua hãy trừ bỏ liền người ấy. Sigismund há chẳng đã đốt John Huss sao? Chúng ta không bẩt buộc phải cấp phát hay tôn trọng giấy bảo đảm của kẻ lạc đạo.” Vua Charles nói, “Không được, chúng ta phải giữ lời hứa.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 8. Vì vậy người ta quyết định nghe nhà Cải chánh trình bày. TT20 136.4

Cả thành đều mong mỏi thấy người phi thường ấy, một số đông khách viếng đến chật nơi trọ của ông. Luther bệnh vừa khỏi, mệt mỏi về cuộc hành trình trọn hai tuần lễ; ông phải chuẩn bị để ứng hầu hôm sau, nên cần yên tịnh để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, mới nghỉ ngơi được vài giờ, các nhà quý phái, các hiếp sĩ, linh mục, dân chúng, đã đến tụ họp chung quanh ông vì họ rất nóng lòng gặp ông. Trong số đó có nhiều nhà quý phái đã can đảm xin vua cải cách những sự lạm dụng của hàng giáo phẩm. Về sau Luther nói về những người ấy, “Họ đều được giải phóng bởi tin lành tôi.”—Martyn, trang 393. Bạn hữu và kẻ thù nghịch đều đến nhìn xem nhà tu sĩ chí khí; và ông tiếp đãi mọi người cách bình tĩnh, cao thượng, và khôn ngoan. Thái độ ông cương quyết và can đảm. Tuy gương mặt xanh xao, ốm yếu, in dấu sự cực khổ và bệnh hoạn, nhưng ông vẫn tỏ bày sự hiền từ và vui mừng. Lời nói long trọng, sốt sắng bày tỏ ông có quyền lực khiến kẻ thù khiếp sợ. Bạn bè vàkẻ thù nghịch đều kinh ngạc. Một số cho rằng ông được Chúa ban quyền phép; còn một số khác thì nói giống như người Pha-n-si nói về Đấng Christ, “Người này bị quỷ ám.” TT20 137.1

Hôm sau, Luther được đòi đến trước Hội nghị. Một sĩ quan của vua đưa ông đi qua những con đường đông nghẹt người khiến cuộc hành trình rất khó khăn. Moi đại lộ đều chật ních những người nóng lòng muốn nhìn xem vị tu sĩ cả gan chống lại quyền thế giáo hoàng. TT20 137.2

Trong lúc ông sắp đứng hầu trước quan án, thì có một đại tướng cao niên, anh hùng của nhiều chiến trận, tử tế nói với ông rằng, “Hỡi nhà tu sĩ đáng thương, hỡi nhà tu sĩ đáng thương, ông sắp phải tranh đấu cho cuộc chiến cao thượng hơn, mà tôi hay bất cứ vị chỉ huy nào phải tranh đấu trên bãi chiến trường khốc liệt nhất. Nhưng nếu mục đích của ông là công bình va nếu ông tin chắc như vậy, hãy nhân danh Đức Chúa Trời mà tiến tới, chớ sợ hãi chi cả. Đức Chúa Trời sẽ không bỏ ông.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 8. TT20 137.3

Luther ứng hầu trước hội nghị trong nhiều giờ. Vua ngự trên ngai, chung quanh vua là những nhân vật cao cấp trong đế quốc. Trước thời Luther, chưa bao giờ có một người nào đã ứng hầu tại một hội nghị quan trọng như thế để bào chữa cho đức tin mình. “Sự ứng hầu này là một chiến thắng trên quyền thế giáo hoàng. Giáo hoàng đã lên án người này, và nay người đứng trước tòa án, hành động này đã tỏ ra tòa án có thẩm quyền hơn giáo hoàng. Giáo hoàng đã ngăn cấm và loại trừ người khỏi xã hội, nhưng bây giờ người được mời đến cách kính trọng, và được tiếp nhận trước một hội nghị oai nghiêm nhất của thế gian. Giáo hoàng đã truyền người phải im lặng mãi mãi, nhưng nay người sẽ nói trước hằng ngàn thính giả đến từ các phương trời xa xôi nhất của Cơ Đốc giáo. Như thế chính Luther đã thực hiện một cuộc cách mạng rộng lớn. La Mã đã mất quyền thế và bị sỉ nhục bởi lời của một tu sĩ.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 8. TT20 137.4

Đứng trước hội nghị gồm những người có quyền thế và tước vị, nhà Cải chánh xuất thân từ gia đình nghèo nàn, rất xúc động và bối rối. Nhiều vương hầu thấy cảm xúc của ông, tiến đến gần ông và một vương hầu nói thì thầm, “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn.” Một vị khác nói thêm, “Khi các ngươi vì cớ ta mà bị giải đến trước mặt các quan tổng đốc va các vua, thì Thánh Linh của Cha các ngươi sẽ chỉ cho các ngươi những lời phải nói.” Như thế, trong giờ thử thách ấy, những lời của Chúa đã được những người quyền thế trong đời này dùng để làm cho tôi tớ Chúa vững vàng hơn trong đức tin. TT20 138.1

Luther được đưa đến đứng ngay trước ngai vua. Trong hội nghị yên lặng như tờ. Bấy giờ một quan thị vệ của vua đứng dậy, chỉ những tác phẩm của Luther, và xin nhà Cải chánh trả lời hai câu hỏi: ông có nhìn nhận những tác phẩm này là của mình chăng, và có sẵn sàng từ bỏ những ý kiến trong các sách ấy chăng. Luther đọc nhan đề những sách và xác nhận mình là tác gia. Còn về câu thứ hai thì ông nói, “Đó là vấn đề liên hệ đến đức tin và sự cứu rỗi linh hồn, căn cứ trên lời Đức Chúa Trời là của báu lớn nhất và quý nhất trong cả trời đất, tôi phải cẩn thận trước khi trả lời. Tôi e ngại câu trả lời hấp tấp có thể thiếu sót hoặc đi quá xa sự thật, và vì thế phạm tội cùng Chúa, như Đấng Christ có phán, ‘Kẻ nào chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối người trước mặt Cha ta ở trên trời’ (Ma-thi-ơ 10:33). Vì lý do đó, tôi cầu xin vua cho tôi có thì giờ suy nghĩ trước khi trả lời để khỏi vi phạm đến lời Đức Chúa Trời.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 8. TT20 138.2

Lời cầu xin của Luther thật khôn ngoan. Như thế ông tỏ cho hội nghị biết ông không hành động theo sự nóng nẩy hay xúc động. Tinh thần bình tĩnh và tự chủ này, khó có thể thấy ở một người can đảm và không thỏa hiệp, làm mạnh thêm quyền lực của ông và giúp ông sau đó có thể trả lời cách thận trọng, quả quyết, khôn ngoan, và uy quyền khiến những kẻ thù ngạc nhiên, thất vọng, và thái độ đó là khiển trách sự xấc xược, kiêu hãnh của họ. TT20 138.3

Ngày hôm sau, Luther sẽ phải đến để trả lời câu sau cùng. Đôi khi nhà Cải chánh thấy lòng se thắt khi nghĩ đến những thế lực phối hợp nhau để chống lại lẽ thật. Đức tin ông lay chuyển; ông cảm thấy sợ hãi, run rẩy, và kinh khiếp. Những sự nguy hiểm tăng thêm trước mặt ông; những kẻ thù dường như gần thắng lợi và quyền lực của sự tối tăm chiếm ưu thế. Những đám mây đen bao phủ chung quanh ông, dường như muốn phân rẽ ông khỏi Đức Chúa Trời. Ông mong mỏi được sự bảo đảm là Đức Chúa Trời vạn quân vẫn ở với ông. Trong cơn đau đớn, ông phủ phục xuống đất, lòng tan nát, dâng lên những lời cầu khẩn mà chỉ một mình Ngài mới hiểu thấu. TT20 139.1

Ông nài xin, “Ôi Đức Chúa Trời toàn năng và đời đời, thế gian này thật kinh khủng! Kìa, nó đang hả miệng để nuốt con và lòng tin cậy của con nơi Ngài thật yếu ớt. . . . Nếu con chỉ tin cậy vào quyền lực của thế gian này thì mọi việc coi như kết lieu. . . . Giờ cuối cùng của con đã đến, sự đoán phạt của con đã được tuyên bố rồi. . . . Đức Chúa Trời ôi! Xin Ngài giúp con chống lại tất cả sự khôn ngoan của thế gian này. Xin Ngài giúp con, chỉ một mình Ngài làm được điều này; . . . vì đây không phải là công việc của con mà là công việc của Ngài. Con chẳng có việc chi nơi đây, cũng chẳng có chi tranh luận với những người cao trọng trong thế gian. . . . Nhưng đây là công việc của Ngài, . . . và là việc công bình đời đời. Chúa ôi, xin Ngài giúp con! Ngài là Đức Chúa Trời thành tín, chẳng hề thay đổi, con không tin cậy nơi một người nào được Những gì của con người đều không chắc chắn, mọi việc làm của con người là thất bại. . . . Chúa đã chọn con làm công việc này. . . . Xin Chúa đứng bên con, vì cớ Con yêu dấu của Ngài là Đức Chúa Giê-su Christ, Đấng bảo vệ con, thuẫn đỡ và ngôi tháp vững chắc của con.”—D'Aubigné, quyển 7, chương 8. TT20 139.2

Đức Chúa Trời, Đấng khôn ngoan vô cùng, đã cho phép Luther nhận thức được sự nguy hại để ông không tự tin nơi sức riêng mình mà vội vàng tự phụ lao đầu vào sự nguy hiểm. Đó không phải sợ những đau đớn cho bản thân, hay sợ sự tra tấn hay sự chết dường như đang chờ đợi ông, đã khiến ông phải kinh khiếp. Giờ khủng hoảng đã đến, ông cảm thấy không đủ sức để chống trả. Sự yếu đuối của ông có thể làm tổn thương đến mục tiêu của lẽ thật. Không phải cho sự an toàn của ông nhưng cho sự chiến thắng của phúc âm mà ông đã tranh chiến cùng Đức Chúa Trời. Giống như Gia-cốp thời xưa, trong đêm chiến đấu bên dòng suối cô đơn, là sự sầu thảm và xung đột trong linh hồn ông. Như Gia-cốp, ông đã tranh chiến cùng Đức Chúa Trời và được thắng. Cảm thấy sự bất lực cùng cực của mình, đức tin nắm chặt lấy Đấng Christ, Đấng Giải cứu toàn năng. Ông được thêm sức mạnh với sự bảo đảm rằng ông sẽ không phải đứng một mình trước hội nghị. Sự bình an trở lại trong tâm hồn và ông vui mừng được phép đề cao lời Đức Chúa Trời trước mặt những bậc cầm quyền trong nước. TT20 139.3

Hết lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, Luther sửa soạn cho cuộc chiến đấu. Ông sắp đặt các câu trả lời, đọc lại nhiều đoạn trong tác phẩm mình và lấy lời Kinh Thánh làm bằng chứng cho lập trường mình. Rồi đặt tay trái lên Sách Thánh đang mở để trên bàn và giơ tay mặt lên trời, ông thề “trung thành với phúc âm và làm chứng công khai đức tin mình, mặc dù phải đổ huyết vì sự làm chứng.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 8. TT20 140.1

Khi lại ứng hầu trước Hội nghị, mặt ông không tỏ chút sợ sệt hay bối rối. Điềm tĩnh và bình an, nhưng rất can đảm và cao thượng, ông đứng như người làm chứng của Đức Chúa Trời trước mặt những người cao cấp trong thế gian. Bấy giờ, quan thị vệ đòi hỏi sự quyết định của ông về việc có muốn bỏ những giáo lý của mình chăng. Luther trả lời bằng một giọng hiền hòa, khiêm tốn, không chút giận dữ hay theo cảm xúc. Thái độ của ông rất lễ phép và kính trọng; nhưng ông biểu lộ một niềm tin chắc chắn và sự vui mừng khiến cả hội nghị phải ngạc nhiên. TT20 140.2

Ông nói, “Tâu hoàng đế, các vương hầu, các chúa! Hôm nay tôi ứng hầu trước mặt các ngài bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời, và theo lệnh truyền đã ban cho tôi ngày hôm qua. Tôi xin quý ngài lấy lòng nhân từ nghe tôi bênh vực cho một công việc mà tôi tin chắc là công bình và chân thật. Nếu bởi ngu dốt mà tôi phạm đến những nghi lễ thích đáng của triều đình, tôi xin quý ngài tha thứ cho; vì tôi trưởng thành trong chỗ ẩn dật của tu viện, chứ không phải trong cung điện của vua.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 8. TT20 140.3

Đoạn Luther nhập đề, tuyên bố rằng những sách của ông không đồng một tính chất. Trong loại sách thứ nhất, ông nói về đức tin và các việc lành mà chinh những kẻ thù cũng phải tuyên bố là các sách ấy không những vô hại mà còn ích lợi. Bỏ những sách đó tức là phủ nhận những lẽ thật mà mọi người đều công nhận. Loại sách thứ hai gồm những sách bày tỏ sự bại hoại và lạm dụng của quyền thế giáo hoàng. Bỏ những sách này tức là làm tăng thêm sự tàn bạo của La Mã và mở cửa rộng hơn cho tội ác. Loại sách thứ ba phản đối những người bênh vực các tội ác hiện hữu. Ông thú nhận đã kịch liệt phản đối họ trong loại sách này. Ông không tự nhận là không lầm lỗi; nhưng ông không thể bỏ những sách này, vì làm vậy thì kẻ thù lẽ thật sẽ bạo dạn hơn và họ sẽ lợi dụng cơ hội này để giày đạp dân sự Đức Chúa Trời cách tàn nhẫn hơn nữa. TT20 141.1

Ông nói thêm, “Tôi là một người thường chớ không phải Đức Chúa Trời; vậy tôi bênh vực mình cũng như Đấng Christ đã làm, ‘Nếu tôi nói sai, xin chỉ cho tôi nói sai chỗ nao.’. . . Vì lòng thương xót của Đức Chúa Trời, tôi xin hoàng đế, các vương hầu, và quý vị trong các giai cấp, hãy lấy lời các tiên tri và sứ đồ mà chứng minh rằng tôi sai lầm. Và ngay khi người ta chỉ cho tôi điều này, tôi sẽ rút lại mọi sự sai lầm và tôi sẽ là người đầu tiên quăng sách của tôi vào lửa. TT20 141.2

“Tôi hy vọng điều tôi vừa nói bày tỏ rõ rằng tôi đã cân nhắc kỹ càng và biết rõ những nguy hiểm đang chờ đợi tôi; nhưng thay vì sợ hãi, tôi rất vui mừng thấy phúc âm ngày nay cũng như ngày xưa là một cớ gây ra sự rắc rối và bất hòa. Đây là bản tính, đây là số phận của lời Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su đã phán, ‘Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo.’ Đức Chúa Trời là Đấng lạ lùng và đáng sợ trong đường lối của Ngài; hãy coi chừng, kẻo trong khi quý vị cho là mình ngăn chặn những mối bất hòa, các vị lại đan áp lời Đức Chúa Trời và đem lại cho mình những sự nguy hiểm đáng sợ, những tai họa ngay bây giờ và sự hủy diệt đời đời. . . . Tôi có thể trích nhiều gương trong Kinh Thánh. Tôi có thể kể các Pha-ra-ôn, các vua Ba-by-lôn và Y-sơ-ra-ên, họ tưởng sự khôn ngoan nhất của mình có thể làm cho đế quốc vững bền, nhưng chỉ đưa đến chỗ suy sụp. ‘Đức Chúa Trời đã dời núi mà họ không hề biết’.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 8. TT20 141.3

Luther nói bằng tiếng Đức; người ta yêu cầu ông lập lại bằng tiếng La-tinh. Mặc dù đã mệt mỏi vì những cố gắng trước đó, ông cũng làm theo lời yêu cầu và diễn tả lại bằng tiếng La-tinh, cũng rõ ràng và đầy nghị lực như lần đầu. Trường hợp này cũng do ý muốn Đức Chúa Trời. Trí óc của các vua chúa rất mù quáng bởi những sự sai lầm và mê tín đến nỗi họ không thấy quyền phép, lý luận của Luther khi họ nghe lần đầu; nhưng khi nghe lần thứ hai thì họ hiểu rõ ràng hơn. TT20 141.4

Trái lại, những người cứng lòng nhắm mắt không muốn thấy sự sáng và nhất quyết không chấp nhận lẽ thật, thì tức giận về những lời đầy quyền lực của Luther. Khi ông ngừng nói, phát ngôn viên của Hội nghị phát biểu cách giận dữ, “Ông không trả lời câu người ta hỏi. . . . Ông phải trả lời rõ ràng, minh bạch. . . . Ông muốn đầu phục hay không?” TT20 142.1

Nhà Cải chánh trả lời, “Vì vua và các bậc cao cấp muốn một câu trả lời rõ ràng, giản dị, và minh bạch, nên tôi xin trả lời: tôi không thể bỏ đức tin của tôi mà tin theo giáo hoàng hay hội nghị, vì việc rõ như ban ngày là họ thường sa vào những sự sai lầm và thường mâu thuẫn với nhau. Vì vậy, trừ khi tôi bị bắt phục bởi lời chứng của Kinh Thánh, hay bởi sự lý luận rõ ràng nhất, trừ khi tôi được dẫn chứng bằng những câu tôi đã trích, và trừ khi họ dùng lời Đức Chúa Trời để biện giải, vì lương tâm tôi chỉ vâng theo lời Đức Chúa Trời, thì tôi không thể và sẽ không đầu phục. Thật không an toàn cho Cơ Đốc nhân nói nghịch lại với lương tâm mình. Lập trường của tôi như vậy, toi không thể làm gì hơn! Nguyện Đức Chúa Trời giúp tôi. A-men.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 8. TT20 142.2

Như vậy, người công bình này đứng vững vàng trên nền vững chắc của lời Đức Chúa Trời. Ánh sáng thiên đàng chiếu trên mặt ông. Bản tính cao thượng và trong sạch, lòng bình an và vui mừng của ông biểu lộ ro ràng cho mọi người thấy khi ông phản đối quyền lực của sự lầm lạc và làm chứng cho sự cao trọng của đức tin chiến thắng thế gian. TT20 142.3

Cả hội nghị kinh ngạc và yên lặng một hồi lâu. Khi trả lời câu thứ nhất, Luther nói với giọng nhỏ nhẹ, cung kính và gần như đầu phục. Những người theo phe La Mã tưởng lòng can đảm của ông không còn nữa. Họ tưởng ông xin hoãn là mở đầu cho sự muốn đầu phục. Chính vua Charles, lúc đầu khinh thường khi thấy thân hình tiều tụy, quần áo giản dị và lời nói đơn sơ của người tu sĩ, nên đã tuyên bố, “Người tu sĩ này không bao giờ dụ được tôi theo đạo lạc.” Nhưng bây giờ lòng can đảm, cương quyết, cũng như quyền năng và lý luận rõ ràng của ông khiến mọi người ngạc nhiên. Vua lấy làm cảm phục đã thốt lên, “Nhà tu sĩ này nói với lòng dũng cảm và sự can đảm không lay chuyển.” Nhiều vương hầu Đức rất hãnh diện và vui mừng nhìn ngắm người đại biểu của dân tộc mình. TT20 142.4

Phe La Mã thất bại; việc làm của họ không được tán dương nữa. Họ tìm cách duy trì quyền lực mình, không phải dựa vào Kinh Thánh, nhưng bằng những sự đe dọa, đó là những phương tiện thông thường của La Mã. Phát ngôn viên của Hội nghị nói cùng Luther rằng, “Nếu ngươi không đầu phục thì vua và các nước của đế quốc sẽ có biện pháp đối xử với một kẻ lạc đạo bướng bỉnh.” TT20 143.1

Các người bạn của Luther đã rất vui mừng nghe những lời bênh vực cao thượng của ông, bây giờ run rẩy trước những lời này; nhưng nhà tiến sĩ bình tĩnh nói, “Cầu xin Đức Chúa Trời là Đấng giúp đỡ tôi, vì tôi không thể đầu phục được.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 8. TT20 143.2

Ông được lệnh ra ngoài trong khi các vương hầu thảo luận với nhau. Mọi người cảm thay sự khủng hoảng lớn lao đã đến. Sự cương quyết không chịu đầu phục của Luther sẽ có ảnh hưởng tới lịch sử của hội thánh qua nhiều thế kỷ. Người ta quyết định cho ông một cơ hội nữa để đầu phục. Một lần cuối cùng ông được đem trở lại hội nghị. Một lần nữa người ta hỏi ông có muốn chối bỏ đạo lý mình chăng. Ông trả lời, “Tôi chẳng có câu nào khác, ngoài câu trả lời trước.” Thật rõ ràng không có lời hứa cũng chang có sự hăm dọa nào có thể thuyết phục ông nhượng bọ để làm theo mạng lệnh của La Mã. TT20 143.3

Những nhà lãnh đạo phe giáo hoàng rất buồn vì thấy quyền phép mình thường khiến các vua chúa run sợ mà bây giờ lại bị một người tu sĩ tầm thường khinh dể; họ nóng lòng muốn ông thấy sự giận dữ của họ bằng cách tra tấn ông đến chết. Luther biết những sự nguy hiểm ấy nên nói trước mọi người với lòng bình tĩnh và oai nghiêm, xứng đáng của một Cơ Đốc nhân. Lời nói của ông không có sự kiêu hãnh, cảm xúc, và sai lạc. Ông quên mình và quen những nhân vật chung quanh, chỉ thấy một điều mà thôi: sự hiện diện của một Đấng chí cao, tôn trọng hơn các giáo hoàng, giám mục, các vua và hoàng đế. Qua những lời chứng của Luther, Đấng Christ đã phán cách đầy quyền phép và cao trọng khiến bạn hữu và kẻ thù nghịch ngạc nhiên. Thánh Linh Đức Chúa Trời hiện diện tại hội nghị này, hành động trong lòng những bậc cầm quyền của đế quốc. Nhiều vương hầu can đảm nhìn nhận việc làm của Luther là phải. Một số đông người tin chắc đó là lẽ thật; nhưng nhiều người không bền đo trong sự nhận biết ấy. Có những người khác không bay tỏ liền sự xác tín của mình, họ còn dò xem Kinh Thánh và về sau trở nên những người can đảm ủng hộ cho cuộc Cải chánh. TT20 143.4

Vương hầu Frederick đã nóng lòng chờ đợi sự ứng hầu của Luther trước Hội nghị, và cảm động nghe bài diễn thuyết của nhà Cải chánh. Vương hầu lấy làm vui mừng và hãnh diện chứng kiến sự can đảm, cương quyết và tự chủ của Luther, nên ông quyết định hết lòng bênh vực nhà tiến sĩ. Ông thấy sự tương phản của hai phe, nhận thức sự khôn ngoan của các giáo hoàng, các vua, và các giám mục đã bị hạ xuống bởi quyền phép của lẽ thật. Quyền thế giáo hoàng đã bị đánh bại, để lại hậu quả cho tất cả các nước và các thời đại. TT20 144.1

Đại sứ giáo hoàng thấy hiệu quả của bài diễn thuyết của Luther có ảnh hưởng trên hội nghị, nên sợ hơn lúc nào hết cho sự vững chắc của quyền thế La Mã, quyết định tận dụng mọi phương tiện để trừ bỏ nhà Cải chánh. Đại sứ dùng hết tài hùng biện và ngoại giao để tỏ cho vị vua trẻ tuổi biết sự ngu dại và nguy hiểm, vì một tu sĩ tầm thường mà hy sinh tình giao hảo và sự ủng hộ của quyền lực giáo hoàng La Mã. TT20 144.2

Lời của đại sứ có kết quả. Hôm sau vua Charles truyền cho Hội nghị một sứ điệp tuyên bố sự quyết định của vua là nâng đỡ và bảo vệ đạo Công giáo như các vua trước đã làm. Xét vì Luther đã từ chối không nhìn nhận những sự sai lầm của mình, nên vua dùng những sự trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với người và ta giáo mà người giảng dạy. Vua nói, “Chỉ một tu sĩ, đi sai đường vì ngu dại, đã dấy lên nghịch cùng đức tin của Cơ Đốc nhân. Ta sẽ hy sinh các nước ta, kho báu ta, bạn hữu ta, thân thể ta, máu huyết ta, linh hồn ta, và sự sống ta, để ngăn cản sự vô đạo ấy. Ta sẽ đuổi Augustine Luther, cam không cho người gây sự rối loạn trong dân chúng; ta sẽ chống lại người và những kẻ theo người như là những kẻ lạc đạo bướng bỉnh, bằng cách dứt phép thông công, ngăn cấm và ta sẽ dùng mọi phương tiện để tiêu diệt họ. Ta kêu gọi toàn thể công dân trong nước hãy cư xử như các Cơ Đốc nhân trung tín.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 9. Tuy nhiên, vua cũng tuyên bố giấy bảo đảm an ninh của Luther phải được tôn trọng, nên trước khi thi hành án phạt, người phải được phép về nhà bình yên. TT20 144.3

Về điểm này có hai ý kiến chống nhau giữa các thuộc viên của Hội nghị. Những đại biểu của giáo hoàng xin hội nghị không nên tôn trọng giấy an ninh của Luther. Theo ý họ, “Tro của xác Luther phải rải xuống sông Rhine, cũng như tro của xác John Huss một thế kỷ trước.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 9. Nhưng các vương hầu Đức, mặc dù theo phe giáo hoàng và là kẻ thù của nhà Cải chánh, phản đối sự vi phạm niềm tin của dân chúng, như là vết nhơ trên danh dự quốc gia. Họ nhắc lại những tai họa theo sau sự hình phạt Huss và tuyên bố không dám gây ra cho nước Đức và cho vị vua trẻ tuổi những tai họa giống như thế. TT20 145.1

Chính vua Charles trả lời đề nghị ấy như vầy, “Dù danh dự và đức tin có bị loại bỏ khỏi thế gian, cũng phải ngự trong lòng các vua chúa.”—D'Aubigné, quyển 7, chương 9. Bấy giờ những kẻ thù ghê gớm nhất của nhà Cải chánh giục vua xử Luther cũng như Sigismund đã xử Huss vậy—giao người cho sự thương xót của giáo hội. Nhưng nhớ lại cảnh mà Huss đã giơ những giây xích giữa hội nghị và tố cáo vua trước công chúng, vì vua đã phản bội lời thề, nên vua Charles V nói, “Tôi không muốn hổ thẹn giống như Sigismund.”—Lenfant, History of the Council of Constance, quyển 1, trang 422. TT20 145.2

Tuy nhiên, vua Charles cũng chối bỏ lẽ thật do Luther rao truyền. Vua viết, “Ta quyết định theo gương các tổ phụ ta.”— D'Aubigné, quyển 7, chương 9. Vua đã quyết định không bỏ đường lối của tập quán để đi theo con đường lẽ thật và công bình. Theo gương các tổ phụ, vua sẽ ủng hộ quyền thế giáo hoàng, sự tàn ác và sự bại hoại của quyền thế ấy. Đã quyết định như vậy nên vua không tiếp nhận sự sáng mà tổ phụ đã chối. bỏ và không làm theo những bổn phận mà tổ phụ đã từ chối. TT20 145.3

Ngày nay cũng còn có nhiều người bám vào tập quán và truyền thống của tổ phụ. Khi Chúa ban thêm sự sáng, họ không chấp nhạn vì ánh sáng này đã không được ban cho tổ phụ. Chúng ta không ở trong hoàn cảnh giống như tổ phụ chúng ta, vì thế, bổn phận và trách nhiệm chúng ta không giống như của họ. Nếu theo gương các tổ phụ để quyết định bổn phận mình, thay vì tự tìm kiếm lẽ thật, thì chúng ta sẽ không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Trách nhiệm của chúng ta lớn hơn trách nhiệm của ông bà mình, vì không những chúng ta chịu trách nhiệm về sự sáng họ đã truyền lại, mà còn chịu trách nhiệm về sự sáng được ban thêm từ lời Đức Chúa Trời. TT20 145.4

Đấng Christ phán về người Giu-đa vô tín, “Nếu ta không đến và không phán dạy họ, thì họ chẳng có tội lỗi gì; song bây giờ họ không có thể chữa chối được tội lỗi mình” (Giăng 15:22). Qua Luther, quyền năng thiên thượng này cũng đã phán cho vua và các vương hầu của nước Đức. Khi sự sáng chiếu rọi từ lời Đức Chúa Trời, thì Đức Thánh Linh cầu thay lần cuối cùng cho nhiều người trong hội nghị. Cũng như Phi-lát, nhiều thế kỷ trước, đã để sự kiêu ngạo và danh vọng đóng cửa lòng mình nghịch lại Đấng Cứu Thế; và cũng như Phê-lít run sợ xin sứ giả của lẽ thật, “Bây giờ ngươi hãy lui; đợi khi nào ta rảnh, sẽ gọi lại;” giống như vua Ạc-ríp-ba kiêu hãnh đã thú nhận, “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ” (Công vụ các Sứ đồ 24:25; 26:28), nhưng đã xây bỏ sứ điệp từ trời—cũng vậy, vua Charles V làm theo sự kiêu ngạo và đường lối của thế gian, quyết định chối bỏ ánh sáng lẽ thật. TT20 146.1

Tiếng đồn về chỉ thị nghịch cùng Luther lan ra khắp thành, khiến có sự náo động lớn. Nhà Cải chánh đã có nhiều bạn mới là những người biết về sự tàn bạo xảo trá của giáo hội La Mã đối với những ai dám tiết lộ những sự bại hoại của quyền thế ấy, quyết định ông không cần phải hy sinh. Hằng trăm nhà quý phái hứa nguyện sẽ bảo vệ ông. Nhiều người công khai lên an rằng sứ điệp của vua biểu lộ tinh thần khuất phục trước quyền thế La Mã. Trên cửa nhà và các nơi công cộng, người ta dán những yết thị, một số ủng hộ và một số nghịch lại Luther. Một yết thị ghi chép những lời này của một danh nhân, “Hỡi xứ, khốn thay cho mầy khi có vua còn thơ ấu” (Truyền đạo 10:16). Sự nhiệt tâm của dân chúng nổi lên khắp nước Đức ủng hộ Luther, tỏ cho vua và Hội nghị biết bất cứ sự bất công nào đối với ông, sẽ gây nên nguy hại cho sự hòa bình của đế quốc và sự vững bền của ngôi vua. TT20 146.2

Frederick của Saxony giữ kín tình cảm thật của mình đối với nhà Cải chánh, thận trọng từng cử chỉ của mình, và coi chừng hoạt động của kẻ thù ông. Nhưng có nhiều người không muốn giấu sự thông cảm của họ với Luther. Vương hầu, bá tước, nam tước, và các nhà cao cấp khác, dân chính và hàng giáo phẩm, đều đến thăm Luther. Spalatin viết, “Phòng của tiến sĩ nhỏ quá, không thể chứa hết mọi người đến thăm ông.”—Martyn, quyển 1, trang 404. Người ta cho ông là một nhân vật phi thường. Chính những người không tin theo đạo lý của Luther cũng cảm phục lòng trung trực của ông, thà phải chết vì đạo hơn là làm trái với lương tâm. TT20 146.3

Người ta cố gắng thuyết phục Luther hòa giải với La Mã. Các nhà quý phái va vương hầu trình bày với ông rằng nếu ông để ý kiến mình lên trên ý của giáo hoàng và hội nghị, thì ông sẽ bị trục xuất khỏi đế quốc và không cớ chi để tự vệ. Luther trả lời, “Phúc âm của Đấng Christ không thể giảng ra mà không gặp sự chống nghịch. . . . Như vậy, sự sợ hãi hay nguy hiểm có thể phân rẽ tôi khỏi Chúa và lời Ngài là lẽ thật duy nhất sao? Không, tôi thà phó thân tôi, huyết tôi, và sự sống tôi.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 10. TT20 147.1

Ông lại được thúc giục vâng theo sự phán đoán của vua thì ông không còn chi để sợ. Ông trả lời, “Tôi chấp thuận với cả lòng tôi, rằng hoàng đế, các vương hầu, và ngay cả Cơ Đốc nhân hèn mọn nhất nên đọc và xét xử các sách của tôi; với một điều kiện là họ lấy lời Đức Chúa Trời làm tiêu chuẩn. Loài người không phải làm gì cả, chỉ cần vâng theo lời ấy. Đừng xử ép lương tâm tôi vì nó đã được ràng buộc và cột chặt với Kinh Thánh.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 10. TT20 147.2

Để đáp lại lời yêu cầu khác, ông nói, “Tôi đồng ý bỏ giấy bảo đảm an ninh của tôi. Tôi đặt bản thân và sự sống toi trong tay vua, nhưng vi phạm lời Đức Chúa Trời—không bao giờ!”—D’Aubigné, quyển 7, chương 10. Ông nói vui lòng làm theo quyết định của hội nghị, nhưng với điều kiện là hội nghị phải quyết định theo lời dạy của Kinh Thánh. Ông nói thêm, “Theo lời Đức Chúa Trời và đức tin, thì mỗi Cơ Đốc nhân đều là quan án tốt cũng như giáo hoàng, mặc dù ông ta được sự hỗ trợ của hằng triệu hội nghị.”—Martyn, quyển 1, trang 410. Cuối cùng, cả bạn và thù đều công nhận mọi cố gắng để hòa giải đều vô ích. TT20 147.3

Nếu nhà Cải chánh chỉ nhượng bộ một điểm thôi, thì Sa-tan và bè lũ hắn đã thắng. Nhưng sự cương quyết không lay chuyển của ông là phương tiện để giải phóng hội thánh và bắt đầu một thời đại mới tốt đẹp hơn. Chỉ ảnh hưởng của một người, dám suy nghĩ và hành động theo lẽ thật, sẽ có kết quả tốt cho hội thánh và thế gian, chang những trong thời ong mà còn cho các thế hệ tương lai. Lòng cương quyết và sự trung tín của ông sẽ tăng thêm sức mạnh cho những người phải trải qua những kinh nghiệm tương tự trong thời kỳ cuối cùng. Quyền phép và sự uy nghiêm của Đức Chúa Trời vượt quá sự khôn ngoan của loài người và quyền lực mạnh mẽ của Sa-tan. TT20 147.4

Sau một thời gian ngắn, theo mệnh lệnh của vua, Luther được phép trở về nhà và ông biết rằng sau đó ông sẽ bị kết án. Mặc dù những đám mây đe dọa che phủ đường đi; lòng ông tràn trề niềm vui và sự ngợi khen khi ông từ giã thành Worms. Ông nói, “Chính ma quỷ canh giữ thành trì giáo hoàng, nhưng Đấng Christ đã làm đổ nát thành đó, và Satan bắt buộc thú nhạn rằng Đức Chúa Trời có quyền lực hơn nó.”—D'Aubigné, quyển 7, chương 11. TT20 148.1

Sau khi rời thành Worms, Luther vẫn mong muốn rằng sự cương quyết của mình không bị ngộ nhận là bội nghịch, nên ông viết cho vua như sau, “Đức Chúa Trời là Đấng dò xét lòng người, làm chứng cho tôi rằng tôi sẵn sàng phục tùng vua trong mọi hoàn cảnh, trong danh dự hoặc trong hổ thẹn, trong sự sống hay sự chết, nhưng tôi không thể bỏ lời Đức Chúa Trời, vì bởi lời ấy mà người ta được sống. Trong những công việc đời này, lòng trung thành của tôi không hề lay chuyển, vì trong việc đời này có mất hay còn cũng không liên quan đến sự cứu rỗi. Nhưng khi liên quan đến việc vĩnh cửu, Đức Chúa Trời không muốn loài người phục tùng loài người. Vì sự phục tùng trong phạm vi thiêng liêng là sự thờ phượng thật, chỉ dâng cho Đấng Tạo Hóa mà thôi.”—D'Aubigné, quyển 7, chương 11. TT20 148.2

Trên đường về, Luther được nghinh tiếp nhiệt liệt hơn khi ông đến thành Worms. Các hàng giáo phẩm tiếp rước nhà tu sĩ bị dứt phép thông công, các nhà lãnh đạo dân sự tôn trọng người bị vua phản đoi. Người ta giục ông giảng, và mặc dù có lệnh vua cấm, Luther cứ lên tòa giảng. Ông nói, “Tôi đã thề nguyện chẳng khi nào chối bỏ lời Đức Chúa Trời và sẽ không bao giờ làm điều đó.”—Martyn, quyển 1, trang 420. TT20 148.3

Sau khi từ giã Worms ít lâu, phe giáo hoàng thuyết phục vua ra sắc lệnh chống Luther. Chiếu chỉ này lên án Luther là “Sa-tan mang lốt người và mặc áo tu sĩ.”—D’Aubigné, quyển 7, chương 11. Lệnh truyền rằng khi giấy bảo đảm an toàn của ông hết hạn thì có những biện pháp được thi hành ngay để chấm dứt công việc của ông. Mọi người bị cấm không được chứa chấp ông, cho ăn uống, giúp đỡ hay xúi giục ông bằng lời nói hay việc làm, cách công khai hay riêng tư. Ông sẽ bị bắt bất kỳ ở đâu và giao cho nhà cầm quyền. Những người theo phe ông cũng bị bắt giam và tịch thu hết tài sản. Những tác phẩm của ông sẽ bị tiêu hủy, và cuối cùng, ai không theo sắc lệnh này cũng đồng chịu một án phạt với Luther. Vương hầu Saxony và các vương hầu thân thiện nhất với Luther đã từ giã Worms ít lâu sau khi ông đi, thì chỉ dụ trên của vua được Hội nghị chấp thuận. Những người theo phe La Mã rất vui mừng. Họ tin rằng số phận của cuộc Cải chánh đã bị đóng ấn. TT20 148.4

Nhưng Đức Chúa Trời dự bị một lối thoát cho tôi tớ Ngài trong giờ nguy hiểm ấy. Một cặp mắt quan sát theo dõi những hành động của Luther, một tam lòng cao thượng và chân thật đã nhất định cứu ông. Hẳn nhiên La Mã không muốn gì hơn là cất mạng sống Luther; cách duy nhất để tránh khỏi hàm sư tử là đem ông đi ẩn náu. Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan cho Frederick của Saxony để hoạch định chương trình bảo tồn nhà Cải chánh. Với sự hợp tác của bạn bè trung tín, vương hầu thực hiện mục tiêu đó, và Luther được giấu kín khỏi bạn bè và kẻ thù. Trên đường về nhà, thình lình ông bị chặn lại, phân rẽ khỏi đoàn tùy tùng và vội vã dẫn đi qua rừng đến lâu đài Wartburg, một đồn lũy biệt lập trên một ngọn núi. Việc bắt và giấu kín Luther thật là bí mật, đến nỗi sau đó rất lâu Frederick không biết ông bị dẫn đi đâu. Sự không biết ấy cũng có một lý do; hễ vương hầu không biết Luther ở đâu thì ông không thể tiết lộ được. Ông thỏa mãn khi biết nhà Cải chánh được yên ổn, đó là đủ rồi. TT20 149.1

Xuân, hạ, thu, đã qua, đông đã đến và Luther vẫn còn sống như một tù nhân. Aleander và những người theo phe ông mừng rỡ vì sự sáng của phúc âm dường như sắp tàn. Nhưng trái lại, nhà Cải chánh đang đổ dầu thêm vào đèn từ nhà kho lẽ thật và sự sáng sẽ được chiếu rọi rực rỡ hơn. TT20 149.2

Được ở yên ổn tại Wartburg, lúc đầu Luther cảm thấy vui mừng được tránh khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc chiến đấu. Nhưng ông không thể chịu đựng được lâu sự yên nghỉ, bình tịnh ấy. Đã quen sống hoạt động, đấu tranh, ông không chịu nổi sự nhàn rỗi. Trong những ngày hiu quạnh, tình hình hội thánh hiện ra trước mắt ông; trong cơn tuyệt vọng, ông kêu lên, “Than ôi! Trong những ngày cuối cùng của cơn thạnh nộ Đức Chúa Trời, không có ai đứng vững như một bức tường trước mặt Chúa để cứu dân Y-sơ-ra-ên!”—D’Aubigné, quyển 9, chương 2. Rồi suy nghĩ về mình, ông sợ bị cáo trách là hèn nhát, rút lui khỏi cuộc đấu tranh. Ông tự trách mình sống trong cảnh biếng nhác mãn nguyện. Tuy nhiên, mỗi ngày ông làm việc nhiều hơn thường lệ. Ông không bao giờ ngừng viết. Trong khi đó, những kẻ thù ông vui mừng vì đã khiến ông im lặng, nhưng không bao lâu họ ngạc nhiên và bối rối thấy những bằng chứng về sự hoạt động của ông. Những sách nhỏ do ông viết được phổ biến khắp nước Đức. Ông còn làm một công việc quan trọng nhất cho đồng bào ông là dịch Tân Ước ra tiếng Đức. Từ trên đảo sỏi đá Bát-mô, trong gần một năm, ông tiếp tục rao truyền phúc âm và khiển trách những tội lỗi và sự sai lầm của thời đại. TT20 149.3

Nhưng không phải chỉ để bảo tồn Luther khỏi sự giận dữ của kẻ thù hay để ông được yên ổn làm những việc quan trọng này mà Đức Chúa Trời muốn tôi tớ Ngài lánh xa đời sống công khai, mà còn vì những hiệu quả cao quý hơn. Trong cảnh cô đơn và ẩn dật nơi rừng núi, không có sự giúp đỡ và ngợi khen của người đời, Luther không ỷ tài và tự phụ trong sự thành công. Qua sự đau khổ và nhục nhã, ông được chuẩn bị để bước lên đỉnh cao mà bỗng nhiên ông được nâng lên, một cách an toàn hơn. TT20 150.1

Trong khi vui mừng về sự tự do mà lẽ thật ban cho, người ta thường ca tụng và đề cao những tôi tớ mà Đức Chúa Trời dùng để bẻ xiềng xích của sự lầm lạc và mê tín. Sa-tan cố gắng hướng dẫn tư tưởng và lòng yêu thương của loài người xa khỏi Đức Chúa Trời để quay về loài thọ tạo; nó dẫn người tôn vinh loài thọ tạo và coi thường Bàn tay đã điều khiển mọi biến cố của nhân loại. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thường được ca tụng và tôn kính, nên họ quên mình phải lệ thuộc vào Đức Chúa Trời, và chỉ tin cậy nơi mình Ngài mà thôi. Do đó, họ tìm cách chế ngự tâm trí và lương tâm con người, khiến người ta tin cậy nơi sự hướng dẫn của các vị đó thay vì tra xem lời Đức Chúa Trời. Công việc Cải chánh thường bị ngăn trở vì tinh thần ấy của những người hỗ trợ phong trào. Đức Chúa Trời muốn gìn giữ cuộc Cải chánh khỏi sự nguy hiểm đó. Ngài muốn phong trào nhận ấn của Đức Chúa Trời chứ không phải dấu của loài người. Mắt người ta đã hướng về Luther, coi ông như người giải nghĩa lẽ thật; bây giờ ông bị cất đi để mọi mắt có thể hướng về Chúa là Tác giả đời đời của lẽ thật. TT20 150.2