Thiện Ác Đấu Tranh

11/44

9—Nhà Cải Chánh Thụy Sĩ

SỰ CHÚA lựa chọn những công cụ cho công việc cải cách hội thánh, cũng giống như chương trình của Ngài trong việc thành lập hội thánh. Ngài bỏ qua những người danh tiếng trong thế gian, có chức tước và giàu sang, những người thường được khen ngợi và tôn trọng như các nhà lãnh đạo quần chúng. Họ rất kiêu hãnh và tự tin về sự cao trọng của mình, nên họ không thể thông cảm với đồng loại, và cũng không thể trở nên những người cộng tác với Đấng nhu mì, người Na-xa-rét. Ngài kêu gọi những người đánh cá vô học ở Ga-li-lê, “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người” (Ma-thi-ơ 4:19). Những môn đo này khiêm nhường và dễ dạy. Họ càng chịu ảnh hưởng ít về sự dạy dỗ sai lạc trong thời đó thì Đấng Christ càng thành công hơn trong việc huấn luyện họ cho cong việc Ngài. Trong thời Cải chánh Vĩ đại cũng giống như vậy. Các nhà lãnh đạo Cải chánh là những thường dân ít bị ảnh hưởng về sự kiêu ngạo của giai cấp, sự cố chấp và mưu mô của các tu sĩ. Chương trình của Đức Chúa Trời là dùng những dụng cụ khiêm nhường để đạt đến những kết quả lớn lao. Như vậy, sự vinh hiển không dành cho loài người, nhưng dành cho Chúa là Đấng đã dùng họ để làm theo ý muốn tốt lành của Ngài. TT20 151.1

Vài tuần sau khi Luther sinh ra nơi túp lều tranh của một người thợ mỏ ở Saxony, Ulric Zwingli sinh ra trong một mái nhà tranh của một người chăn chiên ở dãy núi Alps. Khung cảnh và sự giáo dục đầu tiên của Zwingli rất thích hợp để sửa soạn ông cho chức vụ tương lai. Sinh trưởng ở giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đẽ và cao cả, tâm hồn ông đã sớm cảm nhận sự vĩ đại, quyền phép, và oai nghi của Đức Chúa Trời. Lịch sử về những hành động can đảm thực hiện trong núi rừng đã gợi hứng cho tuổi trẻ hăng hái. Bên bà nội đạo đức, ông lắng nghe những chuyện tích Kinh Thánh mà bà tìm tòi được trong những sách đầy các chuyện thần thoại và truyền khẩu của hội thánh. Ông rất thích nghe những gương tốt của các tổ phụ và các tiên tri, chuyện các kẻ chăn coi bày chiên mình trên đồi Pha-lê-tin khi các thiên sứ đến báo tin về Con trẻ ở Bết-lê-hem và Đấng Cứu Thế trên đồi Gô-gô-tha. TT20 151.2

Cũng như John Luther, cha của Zwingli muốn con mình được giáo dục nên sớm cho con mình đi học xa. Trí óc ông phát triển mau chóng, đến nỗi không biết tìm đâu ra thầy giỏi để dạy ông. Khi len mười ba tuổi, ong đến thành Bern la nơi có trường danh tiếng nhất ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, tại đây Zwingli gặp một sự nguy hiểm có thể hại đến tương lai mình là các tu sĩ cố khuyên ông vào tu viện. Những tu sĩ dòng Dominic và Francisco đang tranh dành sự ái mộ của dân chúng. Họ cố gắng đạt được điều này bằng cách phô trương, tô điểm nhà thờ họ, bởi những nghi lễ long trọng, di vật danh tiếng và những hình tượng làm phép lạ của họ. TT20 152.1

Các tu sĩ Dominic ở Bern thấy rằng nếu họ có thể giành được người học sinh trẻ tuổi tài ba này thì họ sẽ đạt được danh dự và quyền lợi. Sự trẻ trung, tài viết văn và hùng biện, tài âm nhạc và làm thơ của ông sẽ hữu hiệu hơn tất cả những xa hoa và phô trương của họ để lôi cuốn dân chúng đến dự lễ và tăng thêm lợi tức cho tu viện. Họ dùng mưu kế và nịnh hót để cố gắng dẫn Zwingli vào dòng của mình. Trong khi học, Luther đã chôn mình trong tu viện; nếu Đức Chúa Trời không cứu ông ra thì thế gian dã mất ông rồi. Zwingli không phải đi qua con đường nguy hiểm ấy. Chúa soi dẫn cha ông về ý định của các tu sĩ. Ông không muốn con mình theo đời sống lười biếng và vô ích của các tu sĩ. Ông thấy tương lai con mình bị lâm nguy nên bảo con lập tức trở về nhà. TT20 152.2

Zwingli vâng lời cha; nhưng không thỏa mãn ở lâu trong thung lũng của mình, nên sau một thời gian ông lại tiếp tục việc học ở Basel. Nơi đây ông nghe giảng lần đầu tiên phúc âm ân điển không cần điều kiện của Chúa. Wittembach, vị giáo sư cổ ngữ, trong khi học tiếng Hy Lạp và Hê-bơ-rơ, đã được hướng dẫn tới Kinh Thánh, và như thế ánh sáng thiên thượng đã chiếu soi vào trí óc của các sinh viên đang theo học với ông. Ông tuyên bố rằng có một lẽ thật xưa hơn và vô cùng giá trị hơn những lý thuyết của các giáo sư và triết gia. Lẽ thật cổ xưa này là sự chết của Đức Chúa Giê-su làm giá chuộc tội duy nhất cho kẻ có tội. Những lời ấy đối với Zwingli là ánh sáng đầu tiên dẫn đến rạng đông rực rỡ. TT20 152.3

Không bao lâu sau Zwingli được kêu gọi từ Basel để khởi sự làm việc. Địa hạt hoạt động đầu tiên của ông là một giáo khu tại Alps, gần quê quán mình. Theo lời của một người bạn Cải chánh, sau khi được phong chức linh mục, Zwingli “dâng hết tâm hồn để tìm kiếm lẽ thật của Chúa; vì ông biết rõ mính là người chăn giữ bầy chiên của Đấng Christ, nên cần phải học hỏi nhiều.”—Wylie, quyển 8, chương 5. Càng nghiên cứu Kinh Thánh, ông càng thấy rõ sự tương phản giữa lẽ thật và tà thuyết của La Mã. Ông tiếp nhận Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời, mẫu mực đầy đủ và không sai lầm. Ông hiểu rằng Kinh Thánh phải tự giải nghĩa. Ông không dám giải nghĩa Kinh Thánh để hỗ trợ những thành kiến của lý thuyết và đạo lý, nhưng có bổn phận phải học hỏi những sự dạy dỗ rõ ràng và trực tiếp của Kinh Thánh. Ông tìm mọi phương pháp để hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của Kinh Thánh và cầu xin sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh là Đấng khải thị lời Chúa cho những ai có lòng thành thật tìm kiếm và cầu nguyện. TT20 153.1

Zwingli nói, “Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời chớ không phải từ loài người và Ngài sẽ soi sáng cho bạn biết rằng đó là lời Đức Chúa Trời. Lời Chúa . . . không thể sai lầm; lời đó sáng tỏ, dạy dỗ, khải thị, soi sáng linh hồn về sự cứu rỗi và ân điển; lời Chúa an ủi, khiến chúng ta khiêm nhường đến nỗi quên mình mà chỉ nghĩ đến Đức Chúa Trời mà thôi.” Chính Zwingli đã chứng minh sự xác thực của những lời này. Nói về kinh nghiệm vào thời kỳ ấy, sau này ông viết, “Khi . . . khởi sự dâng hiến đời tôi để học Kinh Thánh, thì triết học và thần học luôn luôn quấy rối trí tôi. Cuối cùng tôi quyết định, ‘phải để hết những sự ấy qua một bên, và chỉ học ý nghĩa giản dị rõ ràng của lời Đức Chúa Trời.’ Bấy giờ tôi cầu xin Chúa ban cho toi sự sáng của Ngài và sự học Kinh Thánh trở nên dễ dàng đối với tôi.”—Wylie, quyển 8, chương 6. TT20 153.2

Giáo lý Zwingli giảng dạy không phải nhận được từ Luther. Đó là giáo lý của Đấng Christ. Nhà Cải chánh Thụy Sĩ nói, “Nếu Luther giảng về Đấng Christ, thì ông làm công việc tôi làm. Ông đã đem nhiều người về với Chúa hơn tôi. Không sao! Tôi không muốn mang danh nào khác ngoài danh Đức Chúa Giê-su Christ, vì tôi là chiến sĩ của Ngài và Ngài là Thủ lãnh duy nhất của tôi. Tôi chẳng bao giờ viết cho Luther một chữ nào và Luther cũng không viết chi cho tôi. Tại sao? . . . Đó là tỏ cho mọi người biết rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời làm việc đồng nhất, vì chúng tôi không liên lạc với nhau, mà cùng dạy đạo lý của Đấng Christ cách hòa hiệp với nhau hoàn toàn.”—D'Aubigné, quyển 8, chương 9. TT20 153.3

Năm 1516, Zwingli được mời làm giảng sư tại tu viện Einsiedeln. Ở đây ông thấy rõ hơn sự bại hoại của La Mã và nhà Cải chánh có thể gây ảnh hưởng lớn hơn, lan tràn xa hơn quê hương ông bên dãy núi Alps. Một trong những thắng cảnh ở Einsiedeln là tượng của Trinh nữ Ma-ri mà người ta nói là tượng đó đã làm nhiều phép lạ. Trên cổng của tu viện đề hàng chữ này, “Tại đây, mọi tội lỗi được tha thứ hoàn toàn.”—D’Aubigné, quyển 8, chương 5. Quanh năm khách hành hương đều đổ xô về đền thờ của Trinh nữ; nhưng đến ngày lễ lớn dành riêng cho đền thờ trong năm, thì dân chúng khắp nước Thụy Sĩ, Pháp, Đức về dự rất đông. Zwingli thấy cảnh tượng ấy thì rất đau lòng, nên lợi dụng cơ hội này để rao giảng sự tự do của phúc âm cho những người làm nô lệ cho sự mê tín. TT20 154.1

Ông nói rằng, “Anh em chớ tưởng rằng Đức Chúa Trời ngự trong đền thờ này mà không ngự ở nơi nào khác. Bất kỳ chúng ta ở nơi nào trên đất, Đức Chúa Trời hằng ở với chúng ta và nghe chúng ta. . . . Có phải bởi những công việc vô ích, những cuộc hành hương xa xôi, những của dâng, những hình tượng, những lời cầu nguyện cùng Ma-ri hay các thánh, mà anh em nhận được ân điển của Đức Chúa Trời chăng? . . . Có cần phải nhiều lời trong khi cầu nguyện chăng? Có cần cái mũ trùm đầu rực rỡ, cái đầu cạo láng, một áo thật dài và rộng, hay những đôi dép thêu chỉ vàng? . . . Đức Chúa Trời thấy trong lòng, nhưng lòng chúng ta xa cách Ngài.” Ông nói tiếp, “Đấng Christ đã dâng mình một lần trên thập tự giá, Ngài là của lễ và con sinh tế, đã thỏa đáp đầy đủ sự chuộc tội cho mọi kẻ tin cho đến đời đời.”—D'Aubigné, quyển 8, chương 5. TT20 154.2

Phần đông thính giả không tiếp nhận những lời giảng dạy của ông. Họ thất vọng đắng cay vì nghe nói rằng cuộc hành trình vất vả của họ không ích lợi gì. Họ không thể hiểu được sự tha tội không cần điều kiện của Đấng Christ. Họ thỏa mãn với con đường lên trời do giáo hội La Mã vạch ra cho họ. Họ muốn tránh sự rắc rối khi phải tìm con đường khác tốt hơn. Đối với họ, sự trông cậy nơi các linh mục và giáo hoàng để được cứu rỗi thì dễ hơn là phải có lòng trong sạch. TT20 154.3

Nhưng có những người khác vui mừng tiếp nhận tin lành cứu rỗi bởi Đấng Christ. Những nghi lễ do La Mã lập ra không đem lại sự bính an cho họ, nên họ lấy đức tin tiếp nhận sự chuộc tội bởi huyết của Chúa Cứu Thế. Những người này trở về nhà, đem theo sự sáng quý báu mà họ dã tin nhận. Dường ấy, lẽ thật được rao truyền từ thành này đến thành nọ, từ làng này đến làng kia, và số người hành hương tới đền thờ Ma-ri giấm xuống rất nhiều. Vì thế số tiền dâng cũng sụt xuống và kết quả là lương của Zwingli cũng giảm. Nhưng điều nay chỉ làm ông vui mừng vì thấy sự cuồng tín và dị đoan đang bị tiêu hủy. TT20 155.1

Các nhà cầm quyền trong giáo hội không phải không thấy những việc Zwingli đã đạt được; nhưng hiện tại họ nhịn không can thiệp vội. Họ hy vọng bắt phục ông bằng sự nịnh hót; trong khi chờ đợi, lẽ thật đã thấm nhuần vào lòng nhiều người. TT20 155.2

Công việc của Zwingli tại Einsiedeln đã chuẩn bị ông cho một địa hạt rộng lớn hơn mà không bao lâu ông sẽ khởi sự. Sau ba năm tại đây, ông được mời làm giảng sư ở nhà thờ lờn tại Zurich. Bấy giờ thành phố này là quan trọng nhất ở Thụy sĩ và những gì xảy ra ở đây sẽ có ảnh hưởng sâu rộng. Tuy nhiên, hàng giáo phẩm đã mời ông nhận chức vụ ở đây tỏ cho ông hiểu rằng họ không muốn một sự cải cách nào cả và chỉ rõ những trách nhiệm của ông. TT20 155.3

Họ nói, “Ông hãy cố gắng hết sức lo thâu lợi tức cho hội đồng tu sĩ dồi dào, chớ bỏ qua một lợi tức nào. Ông hãy khuyến khích giáo dân, từ tòa giảng và trong tòa giải tội, trung tín dâng tiền và phần mười, va phải bày tỏ bằng của dâng rằng mình yêu mền hội thánh. Ông hãy chuyên cần gia thêm lợi tức thâu nhận từ những kẻ đau ốm, những lễ mi-sa và tất cả nghi lễ của nhà thờ.” Những người hướng dẫn nói tiếp, “Còn về sự cử hành các phép bí tích, sự giảng dạy, sự chăn giữ bầy chiên của Chúa, đó cũng là những bon phận của ông. Tuy nhiên, ông có thể mời một người thay thế, nhất là về việc giảng dạy. Ông bị cấm không được làm các phép bí tích cho bất cứ ai, nhưng chỉ thi hành các phép ấy cho những người quan trọng khi họ yêu cầu.”—D'Aubigné, quyển 8, chương 6. TT20 155.4

Zwingli yên lặng nghe về những trách nhiệm ấy và để đáp lại, sau khi bày tỏ lòng biết ơn đã được vinh dự mời đến nhận một chức vụ quan trọng, ông đề nghị chương trình hoạt động của mình. Ông nói, “Đời sống của Đức Chúa Giêsu đã bị giấu kín từ lâu giữa vòng dân chúng. Tôi sẽ giảng hết về sách Tin lành Ma-thi-ơ, . . . căn cứ hoàn toàn vào Kinh Thánh, nói lên sự sâu xa, so sánh từng đoạn, và tìm hiểu với sự cầu nguyện sốt sắng và liên tục. Tôi dâng mình cho chức vụ vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời, vì sự ca tụng Con Một của Ngài, vì sự cứu rỗi thật của các linh hồn và vì sự gây dựng họ trên đức tin chân thật.”—D'Aubigné, quyển 8, chương 6. Có vài người trong hàng giáo phẩm không chấp nhận chương trình này và cố gắng thuyết phục ông, nhưng Zwingli vẫn giữ vững lập trường. Ong tuyên bố không định ý đem lại một phương pháp mới nào cả, chỉ dùng phương pháp cũ giáo hội đã dùng trong buổi ban đầu và trong những thời kỳ tinh khiết. TT20 156.1

Những lẽ thật ông giảng dạy đã làm cho nhiều người chú ý; và rất đong dân chúng kéo nhau đến nghe ông. Có nhiều người không đi nhà thờ lâu nay, bây giờ cũng đến nghe ông giảng. Ông khởi sự chức vụ bằng cách mở sách Phúc âm, đọc và giải thích trước thính giả về đời sống, sự dạy dỗ và sự chết của Đức Chúa Giê-su. Tại đây cũng như tại Einsiedeln, ông trình bày lời Đức Chúa Trời là quyền lực duy nhất không sai lầm và sự chết của Đấng Christ là của lễ hoàn toàn. Ông nói, “Tôi muốn dẫn đưa anh em đến cùng Đấng Christ là nguồn thật của sự cứu rỗi.”—D'Aubigné, quyển 8, chương 6. Dân chúng đủ mọi giai cấp, từ chính khách tới học giả, thợ thuyền và dân quê, tụ họp chung quanh nhà Cải chánh và chăm chỉ lắng nghe ông giảng. Chẳng những ông rao truyền sự cứu rỗi không cần điều kiện, mà còn mạnh dạn khiển trách những tội lỗi và sự bại hoại của thời đại. Ở nhà thờ ra, nhiều người ngợi khen Đức Chúa Trời. Họ nói, “người này là thầy giảng của lẽ thật. Ông sẽ là Môi-se của chúng ta để dẫn chúng ta ra khỏi sự tối tăm của Ê-díp-tô.”—D'Aubigné, quyển 8, chương 6. TT20 156.2

Lúc đầu công việc của ông được tiếp nhận cách hăng say, nhưng sau một thời gian thì sự chống đối nổi dậy. Các tu sĩ khởi sự ngăn cản công việc của Zwingli và lên án sự dạy dỗ của ông. Nhiều người chê cười và nhạo báng; kẻ khác thì hỗn hào và hăm dọa. Nhưng Zwingli nhẫn nhục nín chịu và nói, “Nếu muốn đem kẻ ác về cùng Đức Chúa Giê-su, chúng ta phải nhắm mắt trước nhiều chuyện.”—D’Aubigné, quyển 8, chương 6. TT20 156.3

Vào lúc ấy có một lực lượng mới giúp cho công việc cải chánh mau tiến tới. Một người Lucian được một người bạn thuộc nhóm cải chánh từ Basel phái đến Zurich với một số sách của Luther. Người này đề nghị rằng những sách ấy bán ra có thể là phương tiện mạnh mẽ để rao truyền sự sáng. Người bạn này viết cho Zwingli như sau, “Hãy coi nếu người Lucian ăn nói khôn ngoan và khéo léo, nếu được vậy, hãy để ông ta đem những sách của Luther từ thành này đến thành nọ, từ tỉnh này đến tỉnh kia, từ làng này đến lang khác, từ nhà này đến nhà nọ, cho người Thụy Sĩ và đặc biệt là bài giải thích Kinh Lạy Cha viết cho giáo hữu. Những sách ấy cang được nhiều người biết chừng nào, thì càng có nhiều người mua chừng nấy.”—D’Aubigné, quyển 8, chương 6. Nhờ thế, sự sáng của lẽ thật được truyền bá. TT20 157.1

Vào lúc Đức Chúa Trời sửa soạn bẻ gãy những xiềng xích ngu dốt và mê tín, thì Sa-tan lại cố gắng hơn để làm cho loài người chìm đắm trong sự tối tăm và thắt chặt xiềng xích lại. Khi nhiều người từ các nước dấy lên để rao truyền sự tha tội và sự xưng công bình bởi huyết của Đức Chúa Giê-su, thì giáo hội La Mã lại nỗ lực bội phần để gia tăng thị trường trong các xứ đạo hầu buôn bán bùa xá tội. TT20 157.2

Mỗi tội có giá nhất định và người ta được phép tự do phạm tội miễn sao quỹ của giáo hội đầy tiền là được. Như vậy, có hai phong trào đi song song với nhau, một bên tha tội vì tiền, một bên kia được tha tội qua Đấng Christ. La Mã cho phép phạm tội và dùng đó làm nguồn lợi tức; còn các nhà Cải chánh lên án tội lỗi và bày tỏ Đấng Christ là Đấng chuộc tội và giải cứu. TT20 157.3

Ở nước Đức, sự bán bùa xá tội được giao cho các tu sĩ dòng Dominic và do Tetzel bỉ ổi phụ trách. Ở Thụy Sĩ, việc này được giao cho dòng Francisco, dưới sự điều khiển của Samson, một tu sĩ người Ý. Samson đã làm việc giỏi cho giáo hội, vì đã đem từ Đức và Thụy Sĩ những số tiền lớn về kho giáo hoàng. Bây giờ ông qua Thụy Sĩ, lôi cuốn những đám đông, bóc lột dân quê nghèo với đồng lương ít ỏi và bắt buộc những kẻ giàu có đóng góp những số tiền khổng lồ. Ảnh hưởng cuộc Cải chánh tuy chưa chấm dứt được việc này nhưng cũng đã làm giảm bớt sự buôn bán bất hợp pháp. Zwingli còn ở Einsiedeln khi Samson tới Thụy Sĩ, khởi sự hoạt động trong một địa phương lân cận. Biết được việc này, nhà Cải chánh lập tức ngăn cản đường lối gian ác ấy. Tuy hai người không gặp nhau, nhưng việc Zwingli tố cáo sự buôn bán của Samson rất hữu hiệu đến nỗi tu sĩ này phải đi làm tiền nơi khác. TT20 157.4

Tại Zurich, Zwingli nhiệt tâm rao giảng chống lại sự bán bùa xá tội; và khi Samson gần tới thành thì có một sứ giả của hội nghị đến đón người và bảo người đi nơi khác. Tuy nhiên, ông cũng mưu mẹo tìm được lối vào thành, nhưng bị đuổi đi, không bán được một giấy tha tội nào, và không bao lâu ông phải bỏ Thụy Sĩ đi nơi khác. TT20 158.1

Nhóm cải chánh được một sự thúc đẩy mạnh khi có một bệnh dịch, hay Sự Chết Lớn, lan tràn ở Thụy Sĩ vào năm 1519. Khi phải đối diện với tử thần, nhiều người cảm thấy những giấy tha tội vừa mới mua thật vô giá trị và họ muốn lập đức tin trên một nền tảng vững chắc hơn. Tại Zurich, Zwingli bị tai vạ kinh khủng này; ông đau nặng đến nỗi không hy vọng được chữa lành và tin đồn truyền ra mau chóng là ông dã chết. Trong giờ thử thách ấy, niềm hy vọng và lòng can đảm của ông không lay chuyển. Bởi đức tin, ông nhìn lên Chúa trên thập tự giá tại núi Sọ, tin chắc vào sự hy sinh của Đấng Christ hoàn toàn đầy đủ cho sự tha tội. Khi thoát khỏi nanh vuốt tử thần, ông rao giảng phúc âm cách hăng hái hơn và lời nói ông có quyền phép hơn trước. Dân chúng vui mừng tiếp rước vị mục sư yêu mến của họ, trở về từ cõi chết. Chính họ cũng vừa mới phải chăm sóc những người bệnh và hấp hối, nên họ càng hiểu rõ hơn giá trị của phúc âm. TT20 158.2

Zwingli hiểu lẽ thật rõ ràng hơn và có kinh nghiệm nhiều hơn về quyền phép phục hồi cua phúc âm. Sự sa ngã của loài người và chương trình cứu rỗi là những để tài ông thường giảng dạy. Ông nói, “Trong A-đam, chúng ta đều phải chết, chìm đắm trong sự bại hoại và đoán phạt.”—Wylie, quyển 8, chương 9. “Nhưng Đấng Christ. . . đã chuộc chúng ta với sự cứu rỗi đời đời. . . . Sự đau khổ của Ngài là . . . một sự hy sinh vĩnh cửu, có hiệu quả đời đời để chữa lành; của lễ ấy làm thỏa mãn sự công bình của Đức Chúa Trời cho tất cả những người trông cậy nơi sự hy sinh của Ngài với một đức tin bền đỗ.” Tuy nhiên ông dạy rõ ràng là không phải vì ân điển của Đấng Christ mà người ta được tự do tiếp tục phạm tội. “Nơi nào người ta tin Đức Chúa Trời, thì Ngài ngự ở đó; và nơi nào có Đức Chúa Trời ngự thì người sốt sắng làm những việc lành.”—D’Aubigné, quyển 8, chương 9. TT20 158.3

Sự rao giảng của Zwingli được nhiều người chú ý, đến nỗi mỗi tuần nhà thờ đông nghẹt thính giả. Lần lần, khi họ đã sẵn sàng, ông bày tỏ lẽ thật cho họ. Lúc đầu ông cẩn thận, không đề cập đến những điểm làm họ kinh ngạc và gây ra thành kiến. Công việc của ông là dẫn họ về với sự dạy dỗ của Đấng Christ, cảm hóa họ với tình yêu của Ngài và đặt trước mặt họ gương của Ngài; và khi họ đã chấp nhận nguyên tắc của phúc âm thì những sự mê tín sẽ được loại bỏ. TT20 159.1

Công cuộc Cải chánh lần lần tiến bộ ở Zurich. Những kẻ thù lấy làm hoảng hốt, dấy lên sự chống đối. Trước đó một năm, tu sĩ của Wittenberg đã nói “Không” với giáo hoàng và vua tại Worms và bây giờ giáo hoàng cũng gặp sự chống nghịch giống như vậy tại Zurich. Nhiều cuộc tấn công chống lại Zwingli. Trong những xứ dưới quyền giáo hoàng, thỉnh thoảng những môn đồ phúc âm bị đốt trên giàn hỏa, nhưng điều đó cũng chưa đủ; họ truyền rằng những người dạy đạo lạc phải im lặng. Vì thế, giám mục ở Constance sai ba đại biểu đến Zurich để vu cáo Zwingli xúi giục dân chúng phạm luật giáo hội, như vậy, phá sự an ninh và trật tự trong xã hội. Giám mục nói nếu quyền thế của giáo hội không được nhìn nhận thì thế giới sẽ trở nên hỗn loạn. Zwingli đáp lại rằng trong bốn năm ông giảng dạy tại Zurich, thì “thành ấy là nơi yên ổn nhất trong xứ. Cơ Đốc giáo há không phải là đạo tốt nhất để duy trì sự an ninh cho dân chúng sao?”—Wylie, quyển 8, chương 11. TT20 159.2

Các đại biểu của giám mục khuyên các nghị viên trong thành cứ tiếp tục ở trong giáo hội, vì ngoài giáo hội, họ tuyên bố, chẳng có sự cứu rỗi. Zwingli trả lời, “Đừng để những lời này lay đọng anh em. Nền tảng của hội thánh chính là Vầng Đá, chính là Đấng Christ mà Phi-e-rơ đã xưng Ngài cách trung tín. Trong các dân tộc, người nào hết lòng tin Đức Chúa Giêsu thì sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận. Đây là hội thánh thật, ngoài hội thánh này không ai được cứu.”—D’Aubigné, London ed., quyển 8, chương 11. Kết quả của hội nghị này là một đại biểu của giám mục chấp nhận đức tin cải chánh. TT20 159.3

Hội nghị từ khước dùng biện pháp chống lại Zwingli, nhưng La Mã sửa soạn một cuộc tấn công mới. Khi hay tin âm mưu của những kẻ thù, nhà Cải chánh kêu lên, “Hãy để họ đến; tôi không sợ họ hơn đá sợ sóng vỗ dưới chân.”— Wylie, quyển 8, chương 11. Sự cố gắng của hàng giáo phẩm chỉ làm cho công việc của ông được tiến mau hơn và lẽ thật cứ tiếp tục bành trướng. Ở nước Đức, những thuộc viên cải chánh, lấy làm thất vọng về sự biến mất của Luther, bây giờ lại can đảm vì biết được tin lành tấn tới ở Thụy Sĩ. TT20 159.4

Khi công cuộc Cải chánh được thành lập ở Zurich, thì tội ác đã nhường chỗ cho sự bình an và hòa thuận. Zwingli viết, “Sự bình an ngự trong thành chúng ta, không còn tranh cãi, ganh tị, giả hình, xung đột. Sự hiệp một ấy từ đâu mà đến nếu không phải từ Chúa và đạo lý Ngài làm cho chúng ta đầy dẫy trái của sự bình an và tin kmh?”—Wylie, quyển 8, chương 15. TT20 160.1

Những chiến thắng của cuộc Cải chánh làm cho những người thuộc phe La Mã càng quyết định ngăn cản phong trào. Họ thấy sự cấm đọc những sách của Luther ở Đức ít có kết quả, nên quyết định dùng khí giới của nhóm Cải chánh để chống lại nhóm đó. Họ dự định một cuộc tranh luận với Zwingli. Muốn thắng trận chắc chắn, họ chọn nơi tranh đấu và các trọng tài. Nếu họ bắt được Zwingli thì họ sẽ không để ông trốn thoát. Khi người lãnh đạo đã im tiếng thì phong trào có thể bị tan vỡ mau chóng. Tuy nhiên mưu định ấy được cẩn thận giữ kín. TT20 160.2

Cuộc tranh luận được tổ chức tại Baden; nhưng Zwingli không đến. Hội nghị tại Zurich nghi ngờ ý định của phe giáo hoàng và được cảnh cáo trước về những giàn hỏa được dựng lên trong các xứ công giáo để hủy diệt những người làm chứng cho phúc âm. Hội nghị không muốn vị mục sư của mình gặp phải sự nguy hiểm ấy. Zwingli sẵn sàng gặp tại Zurich tất cả các nhà vô địch La Mã có thể gởi tới đó; nhưng đi đến Baden là nơi huyết của các nhà tử vì đạo vừa đổ ra tức là đi đến cõi chết chắc chắn. Hai ông Oecolampadius và Haller được chọn để đại diện cho nhà Cải chánh, còn nhà tiến sĩ danh tiếng Eck, người được nhiều tiến sĩ và giám mục ủng hộ, bênh vực cho La Mã. TT20 160.3

Mặc dù Zwingli không có mặt tại phiên họp, nhưng hội nghị cũng thấy có sự ảnh hưởng của ông. Các viên thư ký đều được những người thuộc phe giáo hoàng lựa chọn, còn các người khác bị cấm không được ghi chép, bất tuân sẽ bị xử tử. Nhưng Zwingli mỗi ngay nhận được tờ phúc trình đầy đủ về những điều xảy ra tại Baden. Một sinh viên tham dự cuộc tranh luận, mỗi tối chép những diễn tiến trong ngày. Hai sinh viên khác có phận sự đem các tài liệu ấy cho Zwingli với những bức thư hằng ngày của Oecolampadius. Nhà Cải chánh trả lời các thư ấy, thêm vào những lời khuyên và đề nghị của ông. Những bức thư ông viết ban đêm, sáng hôm sau các sinh viên đem đến Baden. Các sinh viên muốn lừa các lính canh cửa thành, họ đội những giỏ gà vịt trên đầu và được phép vào thành không gặp ngăn trở gì. TT20 160.4

Theo cách ấy, Zwingli tranh đấu chống lại những kẻ thù xảo quyệt. “Ông đã làm việc nhiều bằng sự suy gẫm, những đêm không ngủ, những lời khuyên bảo, được gởi tới Baden còn hơn la chính ông đến tham dự vào cuộc tranh cãi.”— D’Aubigné, quyển 11, chương 13. TT20 161.1

Những người theo phe giáo hoàng đến Baden, tin chắc sẽ chiến thắng, ăn mặc sang trọng và trang sức lộng lẫy. Họ được tiếp đãi trọng thể, ngồi bàn ăn đầy cao lương mỹ vị, có các thứ rượu ngon nhất. Họ dùng sự vui thú của các bữa tiệc để tiêu khiển, quên gánh nặng của chức vụ truyền đạo. Còn các nhà Cải chánh thì khác hẳn, người ta coi họ chỉ khá hơn những người hành khất, thức ăn họ rất thanh đạm. Ông chủ nhà thấy Oecolampadius trong phòng, luôn luôn nghiên cứu cầu nguyện, lấy làm ngạc nhiên và báo cáo rằng người lạc đạo nay rất “tin kính, đạo đức.” TT20 161.2

Đến giờ khai mạc hội nghị, “tiến sĩ Eck kiêu hãnh bước lên tòa giảng được trang hoàng rực rỡ, trong khi đó Oecolampadius nhu mì ăn mặc đơn sơ, phải ngồi trên một chiếc ghế gỗ sơ sài, trước mặt đối thủ.”—D'Aubigné, quyển 11, chương 13. Eck nói giọng oang oang và tin chắc không bao giờ thất bại. Sự sốt sắng của ông là vi tiền bạc và danh vọng; bởi lẽ người bênh vực đức tin sẽ nhận được tiền lương xứng đáng. Khi thiếu lý luận thì ông dùng những lời sỉ vả và thề thốt. TT20 161.3

Oecolampadius khiêm tốn và rụt rè, không muốn tham dự cuộc tranh luận và ông khởi đầu bằng những lời long trọng này, “Tôi nhìn nhận lời Đức Chúa Trời là tiêu chuẩn duy nhất cho sự phán xét, không có tiêu chuẩn nào khác.”— D’Aubigné, quyển 11, chương 13. Dù hiền lành và lễ phép, ông tỏ mình la một người có khả năng và không lay chuyển. Trong lúc những người của La Mã luôn luôn trông cậy nơi quyền thế của truyền thống giáo hội, thì nhà Cải chánh chỉ dùng lời Kinh Thánh. Ông nói, “Truyền thống không có giá trị trong nước Thụy Sĩ của chúng ta, trừ khi truyền thống ấy hợp với hiến pháp; còn về phương diện đức tin, thì Kinh Thánh là hiến pháp của chúng tôi.”—D'Aubigné, quyển 11, chương 13. TT20 161.4

Sự tương phản rõ rệt giữa hai ông cũng có hiệu quả. Lý luận rõ ràng của ông được trình bày cách bình tĩnh, hiền hòa và khiêm tốn, khiến thính giả tin cậy ông và khinh thường những lời ồn ào và tự phụ của Eck. TT20 162.1

Sự tranh luận kéo dài mười tám ngày. Kết cuộc là những người theo phe giáo hoàng tuyên bố chiến thắng. Phần đông đại biểu theo phe La Mã, nên Hội nghị tuyên bố rằng những nhà Cải chánh đã bị đánh bại, và họ cùng với Zwingli đều bị trừ ra khỏi giáo hội. Nhưng kết quả của hội nghị tỏ cho ta thấy bên nào mạnh hơn. Cuộc tranh luận có ảnh hưởng lớn lao cho công việc của nhóm Phản kháng, và sau đó không bao lâu, những thành phố quan trọng như Bern và Basel tuyên bố theo Cải chánh. TT20 162.2