Thiện Ác Đấu Tranh

9/44

7—Luther Ra Khỏi Giáo Hội La Mã

MARTIN LUTHER là người đứng hàng đầu trong số những người được kêu gọi, để dẫn hội thánh ra khỏi sự tối tăm của quyền thế giáo hoàng đến sự sáng của đức tin thuần túy. Sốt sắng, nhiệt thành, tận tâm, không sợ gì hết ngoài sự kính sợ Đức Chúa Trời, và không nhìn nhận nền tảng đức tin nào khác ngoài Kinh Thánh, Luther là người đúng cho thời đại mình; Đức Chúa Trời đã dùng ông để hoàn thành công việc cải chánh vĩ đại cho hội thánh và rao truyền sự sáng cho thế gian. TT20 107.1

Cũng như các nhà truyền giáo đầu tiên, Luther sinh ra trong cảnh hàn vi. Khi còn thơ ấu, ông sống trong gia đình nghèo nàn của một dân quê người Đức. Cha ông làm lụng cực khổ trong mỏ than để có tiền nuôi ông ăn học, và mong ông trở nên một luật sư; nhưng Đức Chúa Trời đã có mục đích là muốn ông làm người thợ xây cất ngôi đền thờ vĩ đại đang mọc lên rất chậm rãi qua nhiều thế kỷ. Sự cực khổ, thiếu thốn, và kỷ luật nghiêm khắc là những bài học mà Đấng Khôn Ngoan Vô Cùng đã dùng để huấn luyện Luther cho chức vụ quan trọng trong đời ông. TT20 107.2

Cha ông là người có tinh thần mạnh mẽ và lanh lợi, bản tính cương quyết, thật thà, và thẳng thắn. Ông làm theo lòng xác tín của mình, dù hậu quả thế nào. Với khả năng suy xét tinh tường, ông không tin vào hệ thống tu viện. Vì thế, khi Luther vào tu viện mà không xin phép cha, ông rất đau lòng; tới hai năm sau cha con mới hòa lại với nhau, nhưng ông vẫn không thay đổi ý kiến. TT20 107.3

Cha mẹ Luther rất quan tâm đến việc giáo dục, huấn luyện con cái. Họ cố gắng dạy con hiểu biết về Đức Chúa Trời và sống một đời đạo đức. Luther thường nghe cha mình cầu nguyện cho con giữ lòng trung tín với Chúa và một ngày kia dự phần vào việc truyền bá lẽ thật. Cha mẹ ông sốt sắng cải thiện mọi cơ hội thuận tiện về luân lý và tinh thần mà cuộc đời kham khổ cho phép họ tham dự. Họ cố gắng và kiên trì huấn luyện con cái mình có một đời sống đạo đức và hữu ích. Với tính cương quyết và đầy nghị lực, đôi khi họ quá nghiêm khắc; tuy nhiên, về sau nhà Cải chánh, mặc dù biết đôi khi cha mẹ mình sai lầm, ông vẫn chấp nhận kỷ luật ấy chứ không đoán xét họ. TT20 108.1

Ở trường, nơi ông đến học từ hồi còn nhỏ, Luther bị đối đãi cách nghiêm khắc, đôi khi cường bạo. Vì cha mẹ rất nghèo, nên khi ông đi từ nhà tới trường học ở một thành phố khác, nhiều khi ông phải đi hát dạo trước mỗi nhà để có tiền mua thực phẩm, và ông thường bị đói khát. Những ý niệm đen tối, dị đoan về tôn giao của thời bấy giờ khiến lòng ông tràn ngập lo sợ. Ban đêm khi nằm ngủ, ông thấy lòng đau đớn, nhìn về tương lai đen tối và cảm thấy kinh khiếp khi hình dung Đức Chúa Trời không phải là một người Cha nhân từ, nhưng là một quan án nghiêm khắc, không thương xót, một nhà độc tài tàn bạo. TT20 108.2

Mặc dù gặp rất nhiều trở ngại và thất vọng, Luther cương quyết tiến tới một tiêu chuẩn hoàn hảo về luân lý và tinh thần. Ông khao khát sự hiểu biết và với bản tính sốt sắng và thực tế, ông ao ước những điều chắc chắn và hữu ích hơn là nông cạn bề ngoài. TT20 108.3

Khi lên mười tám tuổi, ông vào trường đại học Erfurt, hoàn cảnh ở đây được thuận lợi hơn và viễn ảnh sáng sủa hơn những năm trước. Cha mẹ ông nhờ tiết kiệm và siêng năng nên được thong thả, và có thể cung cấp cho ông những nhu cầu cần thiết. Hơn nữa nhờ ảnh hưởng của bạn bè tốt đã làm giảm bớt những điều bi quan của nền giáo dục hồi trước. Ong chuyên cần nghiên cứu những tác gia danh tiếng nhất, siêng năng học hỏi những tư tưởng hay của họ và lĩnh hội sự khôn ngoan của những nhà thông thái. Mặc dù dưới kỷ luật nghiêm khắc của các giáo sư trước đây, ông đã sớm có một triển vọng đầy hứa hẹn, và bây giờ với ảnh hưởng tốt, tinh thần ông phát triển nhanh chóng. Nhờ trí nhớ tốt, óc tưởng tượng sống động, tài lý luận mạnh mẽ, và sự chuyên cần bền bỉ khiến không bao lâu ông trổi hơn những đồng bạn mình. Sự huấn luyện tinh thần cũng khiến kiến thức ông trưởng thành, trí óc thêm năng động và nhận thức sâu sắc hơn, chuẩn bị để ông sẵn sàng đương đầu với những chiến đấu trong cuộc đời. TT20 108.4

Sự kính sợ Đức Chúa Trời trong lòng Luther giúp ông duy trì mục đích mình và hướng dẫn tới sự khiêm tốn sâu xa trước mặt Chúa. Ông cảm thấy mình cần lệ thuộc vào sự giúp đỡ của Chúa, luôn luôn bắt đầu mỗi ngày bằng lời cầu nguyện, và lòng ông liên tục thông công với Chúa để xin sự hướng dẫn và giúp đỡ của Ngài. Ông thường nói, “Cầu nguyện sốt sắng là đã thành công hơn một nửa trong việc học.”—D'Aubigné, quyển 2, chương 2. TT20 109.1

Một hôm trong khi xem các sách tại thư viện đại học đường, Luther tìm thấy một quyển Kinh Thánh tiếng La-tin. Ông chưa bao giờ thấy quyển sách như vậy, và cũng không biết là có sách ấy. Ông nghe đọc trong giờ thờ phượng những đoạn Phúc âm và Thư các sứ đồ, và tưởng rằng đó là trọn bộ Kinh Thánh. Bây giờ là lần đầu tiên ông được thấy lời Đức Chúa Trời trong toàn bộ sách của Ngài. Ông lật các trang sách thánh, vừa ngạc nhiên vừa sợ sệt; tim ông đập mạnh, mạch nhảy mau, ông đọc những lời sự sống, thỉnh thoảng ngừng lại và la lên, “Ôi! Ước gì Đức Chúa Trời cho tôi một quyển sách như thế này!”—D'Aubigné, quyển 2, chương 2. Các thiên sứ ở bên cạnh ông, và ánh sáng rọi từ ngôi Đức Chúa Trời khải thị cho trí óc ông những kho báu của lẽ thật. Ông luôn luôn sợ làm buồn lòng Đức Chúa Trời, nhưng bây giờ, ông cảm thấy lương tâm cáo giác tội lỗi mình hơn lúc nào hết. TT20 109.2

Vì sự mong mỏi được giải thoát khỏi tội lỗi và được hòa thuận với Đức Chúa Trời, khiến ông quyết định vào tu viện. Tại đây ông phải làm những việc đê tiện, và phải đi xin ăn từng nhà. Khi tới tuổi mà người ta cảm thấy cần được tôn trọng, thì những công việc đê hèn này là sự sỉ nhục sâu xa cho bản tính tự nhiên của ông; nhưng Luther kiên nhẫn chịu đựng sự sỉ nhục này, tin rằng điều đó cần thiết vì tội lỗi của ông. TT20 109.3

Hễ lúc nào được rảnh công việc hằng ngày, thì ông dùng thì giờ đó để học, dù phải bớt ngủ và bớt thì giờ trong bữa ăn thanh đạm. Trên hết mọi sự, học lời Đức Chúa Trời là sự vui thích của ông. Tìm thấy một bản Kinh Thánh gắn vào tường tu viện, ông thường đến đó để đọc. Ông cảm thấy sự cáo giác tội lỗi mình rất nặng nề, ông cố tìm sự bình an và tha thứ bởi sức riêng mình. Ông sống một cuộc đời cực khổ nhất, cố gắng kiêng ăn, thức canh cầu nguyện, tự đánh mình để thắng bản tính tội lỗi, mà cuộc đời trong tu viện đã không đem lại sự giải thoát nào. Ông mong mỏi có tâm hồn trong sạch để đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên không lui bước trước một sự hy sinh nào cả. Về sau ông có viết, “Tôi là một tu sĩ thành kính, và theo đúng kỷ luật trong tu viện không chỗ trách được. Nếu có tu sĩ nào được vào nước thiên đàng bởi TT20 110.1

công việc tu hành, thì chắc có tôi trong đó Nếu công việc TT20 110.2

tu hành ấy còn kéo dài nữa, thì tôi cũng phải tự hành xác cho đến chết.”—D’Aubigné, quyển 2, chương 3. Những kỷ luật khắc khổ ấy làm hao mòn sức khỏe ông rất nhiều và cuối cùng ông mắc chứng động kinh trọn đời, không thể chữa lành được. Dù cố gắng đến đâu, ông cũng không tìm được chút bình an nào, và cuối cùng ông bị đẩy xuống hố sâu của sự thất vọng. TT20 110.3

Khi Luther thấy mọi sự dường như mất hết, thì Đức Chúa Trời mới dấy lên một người bạn giúp đỡ ông. Nhà đạo đức Staupitz đã giúp ông hiểu Kinh Thánh, và khuyên ông hãy quên mình, đừng suy gẫm đến hình phạt nặng nề của sự vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, nhưng hãy nhìn xem Đức Chúa Giê-su, là Đấng Cứu Chúa sẵn sang tha thứ tội lỗi. Staupitz nói, “Đừng hành hạ mình vì những tội đã phạm, nhưng hãy phó mình trong cánh tay yêu thương của Đấng Cứu Thế. Hãy tin cậy nơi Ngài, nơi sự công bình của đời sống Ngài, và nơi sự đền tội bởi sự chết Ngài. . . . Hãy lắng tai nghe tiếng phán của Con Đức Chúa Trời. Ngài đã trở nên người để bảo đảm cho ta ân điển thiên thượng.” “Hãy yêu thương Đấng đã yêu thương bạn trước.”—D’Aubigné, quyển 2, chương 4. Những lời ấy khiến Luther cảm động sâu xa. Sau nhiều cuộc chiến đấu với những sự sai lầm mà ông ôm ấp từ lâu, cuối cùng, ông hiểu được lẽ thật, và tâm hồn bối rối của ông được bình an. TT20 110.4

Luther được phong chức linh mục và được kêu gọi rời tu viện để nhận chức giáo sư tại đại học đường Wittenberg. Tại đây ông tự học Kinh Thánh trong tiếng nguyên bổn. Rồi ông bắt đầu thuyết trình về Kinh Thánh; khởi sự từ Thi thiên, rồi đến các sách Phúc âm, và Thư các sứ đồ. Rất đông người đến nghe ông. Staupitz, vừa là bạn vừa là bề trên của ông, khuyến khích ông lên tòa giảng để giảng lời Đức Chúa Trời. Luther do dự, thay mình không xứng đang để thay mặt Đấng Christ dạy dỗ dân chúng. Chỉ sau những cuộc tranh đấu nội tâm lâu dài, ông nghe theo lời mời của các bạn mà lên tòa giảng. Sự hiểu biết của ông về Kinh Thánh rất sâu xa, và ân điển của Đức Chúa Trời ngự trị trong ông. Với tài hùng biện thu hút thính giả và sự trình bày lẽ thật ro ràng, đầy quyền phép, ông đã thuyết phục được sự hiểu biết của họ, và sự nhiệt tình của ông đã cảm động lòng họ. TT20 110.5

Luther vẫn là người con trung thành của giáo hội La Mã và ông không bao giờ mong ước gì hơn nữa. Theo ý định của Đức Chúa Trời, ông được đến viếng La Mã. Trong cuộc hành trình này, ông đi bộ, dọc đường ông tạm nghỉ tại các tu viện. Trong một tu viện tại Ý, ông rất ngạc nhiên chứng kiến sự giàu có, xa hoa, lộng lẫy. Được hưởng lợi tức như các vương hầu, các tu sĩ ở trong những lâu đài rực rỡ, mặc áo sang trọng và đắc tiền nhất, ăn toàn la cao lương mỹ vị. Luther rat nghi ngại thấy cảnh trái ngược giữa đời sống giàu sang của các tu sĩ va đời sống hy sinh cực khổ của mình. Trí ông trở nên bối rối. TT20 111.1

Sau cùng, ông thấy từ xa thành La Mã trên bảy ngọn đồi. Với cảm xúc sâu xa, ông quỳ xuống đất và kêu lên, “Hỡi thành thánh La Mã, ta chào ngươi!”—D'Aubigné, quyển 2, chương 6. Ông vào thành, thăm các hội thánh, nghe các linh mục va tu sĩ lặp đi lặp lại những chuyện hoang đường, và cử hành các nghi lễ thờ phượng. Chỗ nào cũng có những cảnh khiến ông ngạc nhiên và kinh khiếp. Ông thay tội lỗi đầy dẫy trong các giai cấp tôn giáo. Ông nghe các giám mục giễu cợt thô lỗ và rat kinh khiếp khi nghe họ chửi thề, ngay cả trong thánh lễ. Khi giao tiếp với các tu sĩ và dân chúng, ông thấy sự chơi bời phóng đãng, trụy lạc. Đâu đâu ông cũng thấy sự ô uế chứ không có sự thánh khiết. Ông viết, “Không ai có thể tưởng tượng được những tội lỗi và những hành động nhục nhã ở La Mã; phải thấy và nghe mới tin được. Người ta thường nói, ‘Nếu có một địa ngục, thì La Mã được xây cất lên trên ấy: đó là một vực sâu phát sinh các thứ tội lỗi.'”—D'Aubigné, quyển 2, chương 6. TT20 111.2

Giáo hoàng vừa ra một chỉ dụ hứa tha thứ hết tội lỗi cho tất cả những ai vừa quỳ vừa leo lên “cầu thang Phi-lát,” mà người ta tưởng rằng chính Đấng Cứu Thế chúng ta đã xuống cầu thang đó để ra khỏi tòa án La Mã, và cầu thang ấy đã được di chuyển cách lạ lùng từ Giê-ru-sa-lem tới La Mã. Một ngày nọ, Luther quỳ gối, kính cẩn leo lên thang, nhưng thình lình có tiếng vang như sấm dường như nói cùng ông, “Người công bình se sống bởi đức tin” (Rô-ma 1:17). Ông liền đứng dậy, ra khỏi chỗ đó, hổ thẹn và bối rối. Lời ấy chẳng bao giờ mất ấn tượng trong tâm hồn ông. Từ khi đó, ông thấy rõ ràng hơn lúc nào hết sự sai lầm của cậy việc làm để được cứu rỗi, và sự cần thiết luôn luôn phải có đức tin nơi công đức của Đấng Christ. Mắt ông bấy giờ mở ra, và sẽ mở mãi mãi, thấy rõ những sự lầm lạc của quyền thế giáo hoàng. Xây mặt khởi thành La Mã, ông cũng xây lòng mình khỏi đó, và kể từ khi ấy, sự phân cách càng ngày càng rộng, cho đến khi ông cắt đứt mọi liên lạc với giáo hội La Mã. TT20 111.3

Sau khi ở La Mã về, Luther được đại học đường Wittenberg cấp bằng tiến sĩ thần học. Từ nay ông được tự do hiến dâng đời mình nghiên cứu Kinh Thánh là sách ông yêu mến nhât. Ông đã long trọng hứa nguyện hết lòng học hỏi Kinh Thánh, và trung thành rao giảng lời Đức Chúa Trời, chớ không giảng những đạo lý của giáo hoàng, trong suốt đời ông. Ong không còn là một tu sĩ hay một giáo sư thường, mà là một nhà truyền bá Kinh Thánh. Ông được kêu gọi làm người chăn bầy của Đức Chúa Trời, một bầy chiên đoi khát lẽ thật. Ông dạy tín đồ không thể nhận một giáo lý nào khác ngoài giáo lý Kinh Thánh. Những lời này đã đánh mạnh vào nền tảng của quyền thế giáo hoàng. Đó là nguyên tắc chính yếu của cuộc Cải chánh. TT20 112.1

Luther thấy sự nguy hiểm của việc đề cao những lý thuyết loài người hơn lời Đức Chúa Trời. Ông can đảm tấn công sự vô tín của các học giả, và đồng thời cũng chống lại triết lý và thuyết thần học đã từ lâu có ảnh hưởng chế ngự trên dân chúng. Ông tố cáo những nền học thức ấy, chẳng những vô ích mà còn tai hại, rồi ông cố gắng hướng dẫn thính giả xây bỏ những lời biện luận của các nhà triết học hay thần học mà trở về với lẽ thật vĩnh cửu của Kinh Thánh được các tiên tri và các sứ đồ rao truyền. TT20 112.2

Dân chúng chăm chỉ nghe sứ điệp quý giá của ông. Chưa bao giờ tai họ được nghe những lời giảng dạy như thế. Tin lành về tình thương của Đấng Cứu Thế, sự tha thứ và sự bình an bởi đức tin nơi huyết chuộc tội của Chúa làm cho lòng người ta đầy dẫy sự vui mừng, tràn trề hy vọng đời đời. Sự sáng chiếu ở Wittenberg phải rọi khắp thế gian, và càng ngày càng sáng tỏ cho đến ngày cuối cùng. TT20 112.3

Nhưng sự sáng và sự tối không thể hòa hợp nhau. Giữa lẽ thật và sự lầm lạc có sự xung đột không thể kìm hãm được. Đề cao và bênh vực điều này tức là tấn công và lật đổ điều kia. Chính Đấng Cứu Thế đã phán rằng, “Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo” (Ma-thi-ơ 10:34). Vài năm sau khi cuộc Cải chánh bắt đầu, Luther đã nói, “Đức Chúa Trời không hướng dẫn tôi, Ngài thúc đẩy tôi tiến tới. Ngài đã bồng tôi đi. Tôi không làm chủ lấy mình. Tôi muốn sống cách nhàn hạ, nhưng bị ném vào giữa những xáo trộn và cách mạng.”—D’Aubigné, quyển 5, chương 2. Bây giờ ông bị thúc đẩy vào một cuộc thi đua. TT20 113.1

Giáo hội La Mã buôn bán ân điển của Đức Chúa Trời. Những bàn đổi bạc để bên cạnh bàn thờ (Ma-thi-ơ 21:12) và người ta nghe tiếng ồn ào của kẻ mua người bán. Giáo hoàng lấy cớ cần tiền cất đền thờ Thánh Phi-e-rơ tại La Mã nên cho phép bán bùa xá tội. Thế là người ta dùng tiền tội lỗi để dựng lên một đền thờ cho Đức Chúa Trời—hón đá góc nhà được đặt trên tiền công của tội ác! Nhưng phương tiện để đạt đến sự bành trướng ấy chỉ làm nguy hại cho quyền thế và sự cao trọng của La Mã. Sự buôn bán này đã dấy lên những kẻ thù cương quyết và thành công nhất của hệ thống giáo hoàng, và dẫn đến cuộc tranh chiến làm lung lay ngôi vị và mão triều ba tầng trên đầu giáo hoàng. TT20 113.2

Tetzel, người được cử đi bán bùa xá tội ở Đức, đã bị kết án những tội đê tiện nhất của xã hội và luật pháp Đức Chúa Trời; tuy nhiên đã thoát khỏi sự hình phạt của tội ác mình, ông được mướn để xúc tiến những dự án vụ lợi và vô đạo đức của giáo hoàng. Ông trơ tráo lặp lại những lời dối trá, kể những chuyện hoang đường để lừa gạt dân ngu dốt, nhẹ dạ, và mê tín. Nếu họ có lời Đức Chúa Trời thì họ đã không bị gạt như thế. Người ta không cho dân chúng biết Kinh Thánh, hầu giữ họ ở dưới quyền điều khiển của giáo hoàng, và dùng họ để tăng thêm của cải, quyền lực cho các nhà lãnh đạo nhiều tham vọng.—John C. L. Gieseler, A Compendium of Ecclesiastical History, per. 4, phần 1, đoạn 5. TT20 113.3

Khi Tetzel vào trong một thành nào, có một sứ giả đi trước rao truyền rằng, “Ân điển của Đức Chúa Trời và của cha thánh được ban cho anh em.”—D’Aubigné, quyển 3, chương 1. Dân chúng hoan nghênh kẻ giả hình phạm thượng như chính Đức Chúa Trời từ thiên đàng đến với họ. Rồi một sự buôn bán đê tiện được tổ chức ngay trong hội thánh. Bước lên tòa giảng, Tetzel tán tụng những bùa xá tội như sự ban cho quý giá nhất của Đức Chúa Trời. Ông tuyên bố rằng nhờ những bùa ân xá mà tất cả tội của người mua sau này vi phạm sẽ được tha thứ hết, và “không cần phải ăn năn.”—D'Aubigné, quyển 3, chương 1. Hơn thế nữa, ông bảo đảm rằng bùa xá tội chẳng những có quyền cứu người sống, mà cả người chết nữa. Ngay lúc tiền đụng vào đáy thùng của ông, thì linh hồn được ân xá nhờ tiền dâng liền ra khỏi nơi luyện tội và trên đường lên thiên đàng.—K. R. Hagenbach, History of the Reformation, quyển 1, trang 96. TT20 113.4

Thời xưa, khi Simon Magus dâng tiền cho các sứ đồ để xin quyền năng làm phép lạ, Phi-e-rơ trả lời rằng, “Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Công vụ các Sứ đồ 8:20). Nhưng bùa xá tội của Tetzel được hằng ngàn người tiếp nhận cách nồng nhiệt. Vàng và bạc đổ vào thùng của ông. Sự cứu rỗi mua bằng tiền bạc dễ nhận lãnh hơn là sự cứu rỗi đòi hỏi sự ăn năn, đức tin, và sự cố gắng bền bỉ để kháng cự và chiến thắng tội lỗi. TT20 114.1

Bấy giờ có những nhà thông thái và đạo đức trong giáo hội La Mã và nhiều người khác không tin nơi những sự giả dối rất trái ngược với lý trí và Kinh Thánh. Không một giam mục nào dám lên tiếng phản đối sự buôn bán đê tiện này; nhưng trí óc nhiều người thấy bối rối, khó chịu, họ tự hỏi sao Đức Chúa Trời không dùng một phương tiện nào đó để làm sạch hội thánh Ngài. TT20 114.2

Mặc dù còn là tín đồ sốt sắng của giáo hội, Luther cảm thấy kinh khiếp khi nghe những lời tuyên bố phạm thượng của những người bán bùa xá tội. Nhiều tín hữu trong giáo xứ ông đã mua bùa này, sau đó đến xưng nhiều tội với ông và mong được tha thứ, chẳng phải vì họ ăn năn và muốn cải thiện, nhưng chỉ vì họ có giấy ân xá. Luther từ chối và cảnh cáo rằng nếu không ăn năn và cải thiện thì họ sẽ chết trong tội lỗi mình. Lòng đầy bối rối, những người này vội vàng trở lại cùng Tetzel, phàn nàn rằng nhà tu sĩ giải tội của họ không chịu nhận chứng chỉ ân xá; và một số còn mạnh dạn đòi tiền lại. Nghe vậy, Tetzel nổi giận phừng phừng. Ông thốt lên những lời rủa sả kinh khủng nhất, sai đốt lửa ở công viên và tuyên bố rằng ông “được lệnh của giáo hoàng cho phép đốt tất cả những kẻ lạc đạo dám chống lại bùa xá tội.”— D’Aubigné, quyển 3, chương 4. TT20 114.3

Bấy giờ Luther can đảm bắt tay vào việc như một nhà vô địch của lẽ thật. Lên tòa giảng, ông tuyên bố những lời cảnh cáo sốt sắng và nghiêm trọng. Ông bày tỏ cho người ta thấy bản tính ghê tởm của tội lỗi và dạy rằng loài người không thể tự sức riêng làm giảm bớt tội lỗi hay thoát khỏi sự hình phạt. Chỉ có sự ăn năn và đức tin nơi Đấng Christ mới cứu được kẻ có tội. Ân điển của Đấng Christ không thể mua bằng tiền bạc; đó là sự ban cho không cần có điều kiện. Ông khuyên người ta chớ nên mua bùa xá tội, nhưng phải lấy đức tin nhìn lên Đấng Cứu Thế bị đóng đinh trên thập tự giá. Ông thuật lại kinh nghiệm đau đớn của chính mình đã tìm kiếm cách vô ích sự cứu rỗi bởi khổ hạnh; và bảo đảm thính giả rằng ông tìm được sự bình an, vui mừng khi không còn trông cậy nơi công lao mình, nhưng tin cậy nơi Đức Chúa Giê-su Christ. TT20 115.1

Vì Tetzel cứ tiếp tục bán bùa xá tội, nên Luther quyết định dùng biện pháp hữu hiệu hơn để chống lại sự lạm dụng ấy. Chẳng bao lâu cơ hội ấy đã đến. Nhà thờ Wittenberg có nhiều thánh tích được trưng bày cho dân chúng xem trong những ngày lễ và những ai đến viếng nhà thờ và xưng tội sẽ được tha thứ hoàn toàn. Vì thế rất đong người đến đó trong những dịp lễ này. Một trong những ngày lễ quan trọng nhất là lễ “Các Thánh” gần đến. Hôm trước ngày lễ, gia nhập theo đám đông đang tiến bước đến nhà thờ, Luther dán trước cửa nhà thờ một bản có chín mươi lăm luận đề chống lại giáo lý bán bùa xá tội. Ông tuyên bố ông sẽ sẵn sàng bênh vực những luận đề này tại đại học đường ngày hôm sau nếu ai thấy cần phản đối. TT20 115.2

Những đề nghị của ông được mọi người chú ý. Họ đọc đi đọc lại và lặp lại khắp nơi cho mọi người nghe. Có sự náo động lớn trong trường đại học cũng như trong cả thành phố. Những lời đề nghị này nói rằng quyền tha tội chẳng bao giờ được giao cho giáo hoàng hay một người nào cả. Sự bán bùa xá tội chỉ là một mưu kế làm tiền, một sự lợi dụng lòng mê tín của dân, một mưu chước của Sa-tan để hủy hoại linh hồn những người tin vào sự giả dối này. Các điều này cũng trình bày ro rằng tin lành của Đấng Christ là kho tàng quý giá nhất của hội thánh, và ân điển của Đức Chúa Trời được ban cho không cần có điều kiện cho tất cả những ai đi tìm kiếm ân điển ấy bởi đức tin và sự ăn năn tội. TT20 115.3

Những đề nghị của Luther thách thức sự tranh luận; nhưng không ai dám chấp nhận sự thách thức này. Những đề nghị này, trong vài ngày, cả nước Đức đều biết, và trong vài tuần, tất cả các nước có đạo đều nghe đến. Một số người Công giáo thành tín đã thấy và đã khóc than về những tội ác trong hội thánh, nhưng không biết làm cách nào để ngăn chặn, họ rất vui mừng đọc những luận đề ấy, nhận thức rằng đó là tiếng nói của Đức Chúa Trời. Họ cảm thấy rằng Ngài đã can thiệp để ngăn cản làn sóng tội ác đang nhanh chóng tràn lên trong giáo hội La Mã. Các vương hầu và các thẩm phán vui mừng cách kín đáo là quyền thế tự phụ đã bị kiềm chế; đây là quyền thế đã từ chối mọi khiếu nại về quyết định của họ. TT20 116.1

Nhưng một số đông người yêu mến tội lỗi và mê tín lấy làm kinh khiếp thấy những sự ngụy biện của họ bị tiêu trừ. Hàng giáo phẩm quỷ quyệt thấy công việc thừa nhận tội ác của mình bị ngăn cản, và mối lợi mình bị hăm dọa, nên giận dữ và hiệp nhau lại để bênh vực quyền lợi mình. Nhà Cải chánh phải đối phó với những kẻ vu cáo tàn bạo nhất. Kẻ thì trách ông hành động quá vội vàng và bốc đồng. Kẻ thì tố cáo ông là hành động vì tự phụ, kiêu hãnh, chứ không phải được Đức Chúa Trời hướng dẫn. Ông trả lời, “Ai không biết rằng mỗi khi một người đưa ra một ý tưởng mới mà không bị tố cáo là kiêu ngạo hay cạnh tranh? . . . Tại sao Đấng Christ và môn đồ Ngài bị tử vì đạo? Chỉ vì họ đã đưa ra những tư tưởng mới mẻ mà không hạ mình hỏi ý kiến những nhà thủ cựu.” TT20 116.2

Ông tuyên bố thêm, “Bất cứ điều gì tôi làm được, không bởi sự khôn ngoan của loài người, mà bởi sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Nếu công việc là của Đức Chúa Trời, thì ai ngăn cản được? Nếu không phải là của Ngài, thì ai bảo tồn được? Không phải ý muốn của tôi, cũng không phải của họ, cũng không phải của chúng ta. Hỡi Cha thánh ở trên trời, nguyện ý Cha được nên.”—D'Aubigné, quyển 3, chương 6. TT20 116.3

Mặc dù Luther khởi sự công việc mình dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, nhưng ông cũng phải trải qua những cuộc tranh đấu rất gay go. Những ke thù ông trách mắng, những lời vu cáo bất công và độc ác của họ chống lại mục đích, bản tính và động lực của ông, dồn dập đến cho ông như một cơn lụt tai hại. Ông tưởng rằng những nhà lãnh đạo hội thánh và học đường sẽ vui mừng hiệp sức với ông trong công cuộc cải cách. Những lời khuyến khích của các bậc cao cấp làm cho lòng ông đay dẫy sự vui mừng và hy vọng. Ông thấy trước những ngày rực rỡ hơn sẽ đến cho hội thánh. Nhưng những lời khuyến khích ấy đã đổi thành những lời trách mắng va lên án. Những bậc cao cấp trong giáo hội và trong chính phủ xác nhận những đề nghị của Luther là đúng; nhưng chẳng bao lâu họ nhận thấy rằng chấp nhận lẽ thật sẽ đòi hỏi rất nhiều thay đổi. Soi sáng và cai hóa dân chúng tức là phá hủy quyền thế giáo hoàng, làm khô cạn các nguồn lợi của La Mã, và làm giảm bớt sự hoang phí và xa hoa của các nhà lãnh đạo giáo hoàng. Hơn nữa, dạy dân chúng biết suy nghĩ và hành đọng như những người có trách nhiệm, chỉ tìm sự cứu rỗi nơi Đấng Christ tức là lật đổ ngôi giáo hoàng, và lần lần tiêu hủy quyền thế họ. Vì những lẽ đó, họ từ chối sự hiểu biết Đức Chúa Trời ban cho, và hiệp nhau nghịch lại Đấng Christ và lẽ thật bằng cách chống đối người mà Ngài đã dùng để soi sáng họ. TT20 116.4

Luther run sợ thấy mình cô độc—một mình đương đầu với các bậc quyền cao chức lớn trong thế gian. Đôi khi ông nghi ngờ không biết Đức Chúa Trời có thật hướng dẫn ông chống lại quyền thế của giáo hội hay không. Ông viết, “Tôi la ai mà dám chống nghịch uy quyền của giao hoàng. . .người mà các vua trên đất và cả thế gian đều khiếp sợ? . . . Không ai biết được sự đau khổ của lòng tôi trong hai năm đầu này, mà tôi có thể nói là tôi bị chìm đắm nhiều lần trong cơn thất vọng.”—D'Aubigné, quyển 3, chương 6. Nhưng Đức Chúa Trời không bỏ ông trong lúc ngã lòng, chán nản. Khi không còn nương cậy nơi loài người được nữa, ông chỉ trông cậy nơi Đức Chúa Trời, và biết rằng ông có thể nương dựa an toàn nơi cánh tay toàn năng của Ngài. TT20 117.1

Luther viết cho một người bạn trong phong trào Cải chánh, “Chúng ta không thể hiểu được Kinh Thánh bởi sự nghiên cứu hay học thức. Bổn phận đầu tiên của bạn là bắt đầu bằng lời cầu nguyện. Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn sự hiểu biết thật lời Ngài vì sự thương xót rất lớn của Ngài. Chẳng có ai giải nghĩa được lời Đức Chúa Trời ngoài Tác giả của lời ấy, như chính Ngài đã phán, ‘Họ sẽ được dạy dỗ bởi Đức Chúa Trời.’ Bạn chớ trông cậy nơi việc làm hay sự thông sáng của bạn, nhưng hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời và ảnh hưởng của Thánh Linh Ngài. Bạn hãy tin lời tôi, vì tôi đã có kinh nghiệm trong điều này.”—D'Aubigné, quyển 3, chương 7. Đây là một bài học rất quan trọng cho những ai cảm thấy được Đức Chúa Trời kêu gọi để rao giảng những lẽ thật nghiêm trọng cho thế gian vào thời đại này. Những lẽ thật ấy sẽ khơi dậy sự thù nghịch của Sa-tan và của những người ưa thích sự lầm lạc do hắn đặt ra. Trong cuộc tranh chiến với quyền lực của tội ác, con người không thể chỉ dùng sự khôn ngoan và thông sáng của mình mà phải cần một sức mạnh cao hơn. TT20 117.2

Khi các kẻ thù dùng những phong tục và truyền thống hay những lời tuyên bố và quyền thế của giáo hoàng, thì Luther chỉ dùng Kinh Thánh và Kinh Thánh mà thôi để đương đầu với họ. Đó là những lý lẽ mà họ không thể trả lời được; vì thế những kẻ làm nô lệ cho hình thức và sự mê tín đồng kêu lên đòi huyết của ông, như người Do Thái hồi xưa, đã kêu la đòi huyết của Đức Chúa Giê-su. Những người cuồng tín La Mã nói rằng, “Hắn là kẻ lạc đạo. Để kẻ lạc đạo ghê tởm sống thêm một giờ nữa, tức là phản bội hội thánh. Hãy tức khắc lập đoạn đầu đài lên cho hắn!”—D’Aubigné, quyển 3, chương 9. Nhưng cơn giận dữ của họ không làm hại được Luther. Công việc của ông chưa xong nên Đức Chúa Trời đã sai các thiên sứ bảo vệ ông. Tuy nhiên, nhiều người đã được ông dạy sự sáng quý báu lại là nạn nhân cho sự giận dữ của Sa-tan và họ can đảm chịu đựng sự hành hạ và chết cho lẽ thật. TT20 118.1

Những sự dạy dỗ của Luther khiến cho những người biết suy nghĩ ở nước Đức chú ý. Những bài giảng và những sách ông viết soi sáng và thức tỉnh hằng ngàn người tìm kiếm lẽ thật. Đức tin sống được thay thế cho nghi thức chết của hội thánh. Càng ngày người ta càng mất tin tưởng nơi sự mê tín của La Mã. Những thành kiến bị tiêu mất. Lời Đức Chúa Trời mà Luther dùng làm mẫu mực để thử nghiệm mọi giáo lý và mọi lời tuyên bố, giống như gươm hai lưỡi, xuyên qua lòng người. Đâu đâu ông cũng thấy nguyện vọng phát triển đời sống thuộc linh thức tỉnh. Khắp nơi lòng khao khát sự công bình lên cao như chưa từng thấy trong những thế hệ trước. Lâu nay mắt người ta chỉ chú trọng đến những nghi lễ và sự trung bảo của loài người, bây giờ với đức tin va lòng ăn năn, hướng về Đấng Christ là Đấng bị đóng đinh trên thập tự giá. TT20 118.2

Sự chú ý sâu rộng của dân chúng khiến các bậc cầm quyền giáo hội La Mã lo sợ hơn nữa. Luther nhận được giấy đòi đến La Mã để trả lời về sự tố cáo truyền bá đạo lạc. Lệnh truyền ấy làm cho các bạn ông khiếp sợ. Họ biết rõ những nguy hiểm đang đe dọa ông trong thành bại hoại ấy, là thành đã say huyết các thánh tử vì đạo của Đức Chúa Giê-su. Họ phản đối việc ông đi La Mã và yêu cầu xử ông tại nước Đức. TT20 119.1

Cuối cùng, sự đề nghị này được chấp thuận và đại sứ của giáo hoàng được chỉ định lo việc xét xử. Trong huấn lệnh của giáo hoàng gởi cho vị đại diện này thì nói rằng Luther đã bị tuyên bố là người theo đạo lạc. Vì thế đại sứ nhận chỉ thị “truy tố và bắt giam lập tức.” Nếu ông cương quyết không thay đổi và đại sứ không bắt được ông, thì đại sứ có quyền bài trừ ông bất cứ nơi nào ở nước Đức; trục xuất, rủa sả, và dứt phép thông công tất cả những kẻ theo ông.”—D'Aubigné, quyển 4, chương 2. Và hơn thế nữa, vì muốn tiêu diệt hoàn toàn đạo lạc ấy, giáo hoàng truyền lệnh cho đại sứ dứt phép thông công tất cả. Trừ nhà vua, mọi nhân viên cao cấp trong hội thánh hay trong chính phủ từ chối không bắt Luther hay những người theo ông để nộp cho sự báo thù của La Mã. TT20 119.2

Ở điểm này, chân tướng của giáo hoàng bị lộ diện. Không có một chút nguyên tắc Cơ Đốc giáo hay ngay cả sự công bằng thông thường trong chỉ thị này. Luther ở xa La Mã; ông không có cơ hội giải thích hay bênh vực cho chức vụ mình; tuy nhiên, trước khi trường hợp của ông được điều tra, ông đã bị lên án là người theo đạo lạc, và trong cùng một ngày, bị vu cáo, xét xử và kết án. Hết thảy điều đó do chỉ thị của một người tự xưng là cha thánh, có quyền tối thượng duy nhất và không sai lầm trong giáo hội cũng như trong nước! TT20 119.3

Chính trong lúc này, khi Luther rất cần đến sự cảm thông của một người bạn thật thì Đức Chúa Trời sai Melanchthon đến Wittenberg. Ông này còn trẻ, khiêm nhường, nhã nhặn, có trí phán đoán công minh, sự hiểu biết sâu rộng và tài hùng biện, cộng thêm với tính tình trong sạch và ngay thẳng nên được mọi người hâm mộ và thương mến. Ông là người tài ba lỗi lạc mà tính tình lại hiền hòa. Không bao lâu ong trở nên một môn đồ rất sốt sắng của tin lành, là bạn thân tín và người trợ giúp rất giá trị của Luther; tính hiền hòa, cẩn thận, chính xác của ông bổ túc cho lòng can đảm và hăng hái của Luther. Sự hợp tác của hai người thêm sức mạnh cho cuộc Cải chánh và là nguồn khuyến khích lớn cho Luther. TT20 119.4

Thành Augsburg được chọn làm chỗ xét xử, và nhà Cải chánh đi bộ tới đó. Nhiều người rất lo sợ cho ông. Có những lời hăm dọa công khai là ông sẽ bị bắt và giết chết dọc đường, cho nên các bạn hữu khuyên ông đừng mạo hiểm như thế. Họ khuyên ông nên rời xa Wittenberg một thời gian và tìm sự an toàn với những người vui lòng bảo vệ ông. Nhưng ông không muốn bỏ chức vụ mà Đức Chúa Trời đã giao phó. Ông phải tiếp tục trung thành bênh vực cho lẽ thật, mặc dù bão tố đang quật mạnh trên mình. Ông nói, “Tôi cũng như tiên tri Giê-rê-mi, một người bị xung đột và tranh cạnh; nhưng họ càng hăm dọa tôi, thì tôi càng vui mừng. . . . Họ đã giày đạp danh giá của tôi. Bây giờ tôi còn lại một điều, ấy là thân thể hèn mọn này: họ có cất đi, chẳng qua là thu ngắn đời tôi vài giờ. Nhưng linh hồn tôi, họ không bao giờ chiếm được. Người nào muốn rao truyền lời Đấng Christ cho thế gian, phải sẵn sàng gặp sự chết bất cứ lúc nào.”—D'Aubigné, quyển 4, chương 4. TT20 120.1

Nghe tin Luther đến Augsburg, đại sứ của giáo hoàng rất thỏa mãn. Kẻ lạc đạo khuấy rối đã làm chấn đọng cả thế giới bây giờ dường như ở trong tay quyền thế La Mã, và đại sứ quyết định không để người trốn thoát. Nhà Cải chánh không TT20 120.2

có giấy thông hành an toàn. Các bạn khuyên ông đừng trình diện trước đại sứ nếu không có giấy này, và chính họ đi đến vua để xin giấy ấy cho ông. Còn đại sứ dự định bắt Luther rút lại những điều đã nói, nếu có thể được, hay nếu thất bại, thì sẽ cho dẫn ông đến La Mã để chịu đồng số phận với Huss và Jerome. Vì thế, qua các nhân viên, vua bảo Luther hãy đến trình diện, tin cậy vào lòng thương xót của đại sứ, không cần giấy an toàn. Nhà Cải chành đã cương quyết từ chối không đến hầu trước đại sứ cho đến khi ông nhận được giấy bảo đảm của vua. TT20 120.3

Theo kế hoạch, những nhân viên La Mã đã quyết định dùng sự dịu ngọt bề ngoài để thắng Luther. Trong cuộc chất vấn, đại sứ giáo hoàng tỏ vẻ rất thân thiện; nhưng đòi hỏi Luther phải phục tùng triệt để quyền thế giáo hội, và nhượng bộ tất cả mọi điểm, không được biện luận hay tra vấn. Đại sứ đã không hiểu bản tính của người mà ông phải đương đầu. Trong câu trả lời, Luther bày tỏ lòng quý trọng hội thánh và yêu mến lẽ thật, sẵn sàng trả lời tất cả những người phản đối sự dạy dỗ của ông, và nộp những giáo lý của ông cho sự quyết định của các trường đại học có thế lực. Nhưng đồng thời ông phản đối đường lối của hồng y bắt ông phải rút lời mà không chứng minh được sự lầm lạc của ông. TT20 120.4

Đại sứ chỉ trả lời, “Hãy rút lời, hãy rút lời lại!” Nhà Cải chánh tuyên bố rằng những lời của ông đều căn cứ trên Kinh Thánh và cương quyết không chối bỏ lẽ thật. Đại sứ không thắng nổi những lý luận của Luther, nên tung ra những lời vu cáo, quở trách, nịnh hót, nhắc lại những lời truyền khẩu của các Giáo phụ, không cho nhà Cải chánh cơ hội để đáp lại. Nhận thấy cuộc biện luận như thế không đi đến đâu cả, cuối cùng Luther được phép trả lời bằng thư. TT20 121.1

Ông viết cho một người bạn rằng, “Tôi thấy trả lời bằng thư có hai cái lợi cho những người bị đàn áp; thứ nhất, người ta có thể phán đoán điều đã viết; thứ hai, ta có cơ hội đánh mạnh vào sự sợ hãi, nếu không nói đến lương tâm, của kẻ chuyên chế độc tài và vô luân, dùng những lời kiêu căng bắt hiếp ta.”—Martyn, The Life and Times of Luther, trang 271, 272. TT20 121.2

Trong cuộc chất vấn lần thứ hai, Luther trình bày cách rõ ràng, ngắn gọn, mạnh mẽ những quan điểm của mình, được hỗ trợ hoàn toàn bằng những câu trích từ Kinh Thánh. Ông đọc lớn tiếng bản tường trình, rồi trao cho hồng y. Nhưng hồng y không lưu tâm đến bản tường trình, liệng qua một bên cách khinh bỉ, tuyên bố rằng đó chỉ là những lời hư không và những câu trích dẫn vô ích. Luther liền bênh vực duyên cớ mình, tiết lộ cho đại sứ giáo hoàng những sự sai lầm của hội thánh, dựa theo những lời truyền khẩu, và ông đánh đổ hoàn toàn sự tự phụ của đại sứ. TT20 121.3

Khi đại sứ thấy không thể đáp lại những lý luận của Luther, thì ông mất tự chủ, giận dữ la lên, “Hãy đầu phục! Bằng không ta sẽ giải ngươi đến La Mã, để ứng hầu trước các quan án có phận sự xét xử ngươi. Ta sẽ dứt phép thông công ngươi, tất cả những kẻ theo phe ngươi, những người ủng hộ ngươi, và trục xuất họ ra khỏi hội thánh.” Rồi cuối cùng đại sứ kết luận với một giọng kiêu căng, giận dữ, “Hãy đầu phục, bằng không, đừng đến đây nữa.”—D’Aubigné, London ed., quyển 4, chương 8. TT20 121.4

Tức thì nhà Cải chánh rút lui với các bạn hữu mình. Như thế là kẻ thù không mong gì bắt ông đầu phục được. Điều đó không phải là mục đích của hồng y giáo chủ. Ông đã tự khoe sẽ bắt phục Luther bằng bạo lực. Bây giờ, ông ngó các người theo phe mình, hổ thẹn về sự thất bại bất ngờ. TT20 121.5

Nỗ lực của Luther trong dịp này đã đem lại kết quả tốt. Đám đông người hiện diện trong hội nghị có cơ hội so sánh hai người, và nhận xét tinh thần được biểu lộ ra, cũng như sức mạnh và sự chân thật của địa vị họ. Sự tương phản thật rõ ràng! Nhà Cải chánh thì đơn sơ, nhu mì, cương quyết, dựa vào sức mạnh của Đức Chúa Trời để bênh vực lẽ thật; còn đại diện giáo hoàng thì tự phụ, kiêu ngạo, nóng nảy, vô lý, không dẫn chứng Kinh Thánh, chỉ biết la hét, “Hãy đầu phục, bằng không, ta sẽ giải ngươi đến La Mã để chịu hình phạt.” TT20 122.1

Mặc dù Luther có giấy an toàn của vua, nhưng những người theo phe La Mã cũng âm mưu để bắt và bỏ tù ông. Các bạn hữu thúc giục ông đừng ở lại nữa, nhưng hãy lập tức trở về Wittenberg, cách cẩn thận và kín giấu. Sáng sớm Luther cỡi ngựa rời Augsburg, đi với một người hướng dẫn do quan thẩm phán cung cấp. Luther đi qua những đường phố tối tăm, yên tịnh trong thành. Những kẻ thù hung ác âm mưu giết ông. Ông có thể thoát khỏi những lưới bẫy của họ chăng? Đó là những giây phút lo sợ, nhưng ông cứ sốt sắng cầu nguyện. Khi ông tới một cổng nhỏ tại tường thành, thấy cổng mở, ông và người hướng đạo đi qua không bị cản trở. Khi họ đã ra khỏi thành được bình an, họ vội vã tẩu thoát. Lúc đại sứ giáo hoàng biết Luther đã ra đi thì đã trễ, ông đã ra khỏi tầm tay những kẻ bắt bớ ông. Thế là Sa-tan và các sứ nó đã thất bại. Người mà họ tưởng đã nắm được trong tay, thì đã thoát rồi, chẳng khác gì chim đã ra khỏi lưới bẫy của người thợ săn. TT20 122.2

Nghe được tin Luther đã trốn thoát, đại sứ rất kinh ngạc và tức giận vô cùng. Ông mong được vinh dự lớn khi ông dùng sự khôn ngoan và cương quyết để bắt phục kẻ làm rối loạn hội thánh này; nhưng nguyện vọng của ông bất thành. Trong bức thư viết cho vương hầu Frederick ở Saxony, ông tố cáo cách giận dữ nhà Cải chánh và yêu cầu vương hầu giải người đến La Mã hay trục xuất người khỏi Saxony. TT20 122.3

Để bênh vực mình, Luther yêu cầu đại sứ hay giáo hoàng lấy Kinh Thánh chỉ sự sai lầm của ông, và long trọng hứa sẽ bỏ giáo lý mình nếu trái với lời Đức chúa Trời. Và ông bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời đã cho ông xứng đáng chịu khổ vì công việc rất thánh của Ngài. TT20 122.4

Vương hầu lúc đó hiểu rất ít về giáo lý cải chánh, nhưng rất cảm động về những lời thẳng than, mạnh mẽ và rõ ràng của Luther; vì thế Frederick quyết định che chở Luther trừ khi người ta chứng minh là nhà Cải chánh sai lầm. Để trả lời cho sự đòi hỏi của đại sứ, vương hầu viết, “‘Tiến sĩ Martin đã ứng hầu trước mặt ông tại Augsburg, ông nên thỏa lòng. Chúng tôi không ngờ rằng ông dã bắt nhà tiến sĩ đầu phục mà không chứng minh được sự sai lầm của ông ấy. Không một nhà thông thái nào trong vương quốc chúng tôi đã cho tôi biết giáo lý của Martin là vô đạo, chống Cơ Đốc giáo, hay sai lạc.’ Vương hầu từ chối giải Luther tới La Mã, hay trục xuất ông ra khỏi xứ mình.”—D’Aubigné, quyển 4, chương 10. TT20 122.5

Vương hầu nhận thấy luân lý xã hội suy đồi, nên cần có sự cải cách. Ông hiểu rằng tất cả sự tổ chức phức tạp và tốn kém để ngăn chặn và hành phạt tội ác sẽ không cần thiết nếu loài người nhận biết và vâng theo luật lệ Đức Chúa Trời cũng như làm theo sự hướng dẫn của lương tâm được soi sáng. Ông thấy rằng Luther đang cực khổ để đạt đến mục đích đó, nên ông cảm thấy vui mừng thầm kín về ảnh hưởng tốt cho hội thánh sau này. TT20 123.1

Ông cũng thấy rằng là giáo sư trường đại học, Luther đã rất thành công. Chỉ mới có một năm từ ngày nhà Cải chánh dán bản luận đề trước cửa nhà thờ, mà số người đến viếng nhà thờ trong dịp lễ Các Thánh đã giảm xuống rất nhiều. La Mã đã mất nhiều tín giáo và của dang, nhưng thế vào đó lại có nhiều sinh viên đến Wittenberg, không phải để thờ những thánh tích, nhưng để học hỏi. Những sách của Luther đã gây ra khắp nơi lòng ước muốn học Kinh Thánh, các sinh viên đổ đến trường đại học, không những từ khắp nơi trong nước Đức, mà cả các nước khác nữa. Những thanh niên lần đầu tiên trông thấy thành Wittenberg, “giơ tay lên trời, ngợi khen Đức Chúa Trời đã khiến lẽ thật chiếu sáng từ thành này, giống như thời xưa từ Si-ôn, để soi sáng đến những nơi xa xôi nhất.”—D'Aubigné, quyển 4, chương 10. TT20 123.2

Luther bấy giờ mới biết rõ một phần những sự sai lầm của giáo hội La Mã. Ông so sánh Kinh Thánh với những chỉ dụ va đạo lý của giáo hoàng, thì ông lấy làm kinh ngạc. Ong viết như vầy, “Tôi đọc những chỉ dụ của giáo hoàng. . . Tôi không biết giáo hoàng chính là kẻ nghịch lại Đấng Christ, hay giáo hoàng là sứ đồ của kẻ nghịch lại Đấng Christ, vì những chỉ dụ này đã trình bày sai lầm về Đấng Chirst và đóng đinh Ngài.”—D’Aubigné, quyển 5, chương 1. Tuy nhiên, Luther hồi đó vẫn ủng hộ giáo hội La Mã, và không nghĩ rằng ông sẽ ra khỏi giáo hội ấy. TT20 123.3

Những sách và giáo lý của nhà Cải chánh được truyền bá trong các nước theo Cơ Đốc giáo. Công việc ấy lan tràn tới Thụy Sĩ và Hòa Lan. Những bản viết của ông được tìm thấy tại Pháp và Tây Ban Nha. Tại nước Anh, những sự dạy dỗ của ông được tiếp nhận như là lời sự sống. Lẽ thật cũng được rao truyền tới Bỉ và Ý Đại Lợi. Hằng ngan người tỉnh thức khỏi sự mê muội để hưởng niềm vui vá hy vọng của một đời sống tin kính. TT20 124.1

Sự giận dữ của giáo hội La Mã càng ngày càng tăng thêm trước sự tấn công của Luther, một số người cuồng tín chống đối ông, và ngay cả các tiến sĩ trong các trường đại học Công giáo, tuyên bố rằng người nào giết Luther sẽ được coi là vô tội. Một ngày kia, một kẻ lạ mặt giấu khẩu súng dưới áo mình, đến gan nhà Cải chánh, và hỏi tại sao ông đi một mình. Luther trả lời, “Tôi ở trong tay Đức Chúa Trời. Ngài là sức mạnh và thuẫn đỡ của tôi. Loài người làm chi tôi được?”—D’Aubigné, quyển 6, chương 2. Nghe nói vậy, kẻ lạ mặt tái xanh và chạy trốn, dường như mình đứng trước các thiên sứ. TT20 124.2

La Mã cố gắng tiêu diệt Luther, nhưng Đức Chúa Trời che chở ông. Những giáo lý của ông được truyền bá khắp nơi, “trong những túp lều tranh cũng như trong các tu viện, . . . trong những lâu đài của các nhà quý phái, trong các đại học đường, và trong các cung điện;” đâu đâu cũng có những nhà quý phái ủng hộ công việc của ông.—D’Aubigné, quyển 6, chương 2. TT20 124.3

Chính lúc đó Luther đọc sách của Huss, và nhận thấy lẽ thật về sự xưng công bình bởi đức tin mà mình đang đề cao và giảng dạy, cũng đã được nhà Cải chánh Bô-hê-mia truyền bá. Luther nói, “Phao-lô, Au-gút-tin và chính tôi, đều là những người thuộc nhóm của Huss mà không biết!” Ông nói tiếp, “Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ viếng thăm họ trên thế gian, vì lẽ thật đã được rao giảng cho họ một thế kỷ trước đây, nhưng họ đã đốt lẽ thật!”—Wylie, quyển 6, chương 1. TT20 124.4

Trong lời kêu gọi gởi tới vua và các nhà quý phái ở Đức về công cuộc Cải chánh tôn giáo, Luther đã viết về giáo hoàng như vầy, “Thật là một điều kinh khủng thấy người tự xưng mình là thay mặt Đấng Christ mà lại phô trương cách lộng lẫy, đến nỗi không vua nào sánh kịp. Như thế có giống Đức Chúa Giê-su nghèo khó, hay sứ đồ Phi-e-rơ khiêm nhường chăng? Người ta nói rằng giáo hoàng là chúa của thế gian! Nhưng Đấng Christ mà giáo hoàng tự xưng là đại diện, đã phán rằng, ‘Nước ta không thuộc về thế gian này.’ Có thể nào nước của người đại diện lại lớn hơn nước Ngài chăng?”— D'Aubigné, quyển 6, chương 3. TT20 124.5

Luther viết cho các trường đại học, “Tôi rất sợ rằng các đại học đường là những cửa lớn của địa ngục, trừ khi người ta cẩn thận giải nghĩa Kinh Thánh và ghi tạc lời Chúa vào lòng các thanh niên. Tôi khuyên mọi người đừng gởi con đi học những nơi mà Kinh Thánh không được coi là quan trọng nhất. Trường nào mà người ta không chuyên cần học lời Đức Chúa Trời thì sẽ trở nên bại hoại.”—D'Aubigné, quyển 6, chương 3. TT20 125.1

Lời kêu gọi ấy được truyền bá mau chóng khắp nước Đức, gây ảnh hưởng rộng lớn trên mọi người. Cả nước Đức bị khích động, và dân chúng đứng lên đòi hỏi một cuộc cách mạng. Những kẻ chống đối Luther, vì nóng nảy muốn trả thù nên thúc giục giáo hoàng dùng những biện pháp cứng rắn chống lại ông. Một chỉ thị truyền rằng những giáo lý của ông bị lên án tức thì. Luther và các đồ đệ của ông được ban cho sáu mươi ngày để quyết định, sau đó, nếu không đầu phục thì họ sẽ bị dứt phép thông công. TT20 125.2

Đó là một cơn khủng hoảng kinh khủng cho cuộc Cải chánh. Trải qua các thế kỷ, án phạt dứt phép thông công của La Mã đã làm cho các vua chúa quyền thế nhất khiếp sợ; đã làm cho các cường quốc bị những tai họa và cô lập. Những người bị dứt phép thông công đều bị coi là ghê tởm và kinh khiếp; họ không được tiếp xúc với người khác, bị đãi như những kẻ ngoài vòng pháp luật, và bị tiêu diệt. Luther biết trước cơn bão tố sắp trút xuống; nhưng ông đứng vững vàng, tin vào Đấng Christ là Đấng bênh vực và thuẫn che đỡ ông. Đầy dẫy đức tin và sự can đảm của một nhà tử vì đạo, Luther viết, “Việc gì sẽ xảy ra, tôi không biết, và tôi cũng không cần biết Cứ để tai nạn xảy ra, tôi không sợ. Một lá cây chẳng bao giờ rụng xuống mà không do ý của Cha chúng ta. Ngài còn quan tâm đến chúng ta nhiều hơn nữa! Chết vì Ngôi Lời là một việc rất nhỏ, vì Ngôi Lời đã trở nên xác thịt và đã chết vì chúng ta. Nếu chúng ta chết với Ngài, thì sẽ được sống lại với Ngài; chúng ta phải đi qua đoạn đường Ngài đã trải qua, để được đến nước Ngài, và ở bên Ngài đời đời.”—D'Aubigné, 3d London ed., Walther, 1840, quyển 6, chương 9. TT20 125.3

Khi chiếu chỉ của giáo hoàng tới tay Luther thì ông nói, “Tôi khinh thường và chống lại chiếu chỉ này, vì nó vô đạo đức và sai lạc Chính Đấng Christ đã bị kết án Tôi vui mừng đã được chịu khổ cho những mục tiêu tốt đẹp nhất. Lòng tôi cảm thấy có tự do hơn; vì cuối cùng tôi biết rằng giáo hoàng là kẻ địch lại Đấng Christ, và ngôi của ông chính là ngôi của Sa-tan.”—D’Aubigné, quyển 6, chương 9. TT20 126.1

Tuy nhiên, chiếu chỉ của giáo hoàng không phải là vô hiệu quả. Ngục thất, tra tấn, và gươm giáo là những phương tiện được dùng để bắt phục. Những kẻ yếu đuối và mê tín run sợ trước chiếu chỉ của giáo hoàng; và mặc dầu phần đông cảm thương Luther, nhưng nhiều người thấy sự sống quá quý giá nên không sẵn sàng hy sinh cho công cuộc Cải chánh. Đến đây mọi sự dường như báo hiệu công việc của nhà Cải chánh sắp kết liễu. TT20 126.2

Nhưng Luther vẫn không sợ hãi. La Mã nguyền rủa ông, và thế gian tin rằng ông sẽ bị hủy diệt hoặc phải đầu phục. Nhưng với một quyền lực kinh khiếp, ông quăng lại án phạt ấy trên giáo hội, và công khai tuyên bố sự quyết định của mình là lìa bỏ vĩnh viễn giáo hội La Mã. Trước một đoàn đông người gồm có sinh viên, tiến sĩ, và công dân đủ giai cấp, ông đốt các chiếu chỉ và quyết định của giáo hoàng, các giáo luật, và những tài liệu đề cao quyền thế giáo hoàng. Ông nói, “Kẻ thù đã đốt những sách của tôi để làm tổn thương lẽ thật trong lòng thường dân, và hủy diệt linh hồn họ; vì lẽ đó nên tôi cũng đốt sách của họ. Cho đến bây giờ, tôi chỉ chơi đùa với giáo hoàng, nhưng một cuộc tranh đấu kịch liệt mới bắt đầu. Tôi đã nhân danh Đức Chúa Trời để khởi xướng công việc này, và nó sẽ hoàn thành bởi quyền phép Ngài, không cần có tôi.”—D’Aubigné, quyển 6, chương 10. TT20 126.3

Với những lời trách mắng của kẻ thù, khinh miệt sự yếu đuối của công việc ông, thì ông trả lời, “Biết đâu chính Đức Chúa Trời đã lựa chọn và kêu gọi tôi, họ có biết rằng khi họ khinh dể tôi, tức là khinh dể Đức Chúa Trời chăng? Môi-se đứng một mình trong cuộc giải phóng khỏi Ê-díp-tô; Ê-li đứng một mình trong thời vua A-háp; Ê-sai đứng một mình tại Giê-ru-sa-lem; Ê-xê-chi-ên đứng một mình tại Ba-bylôn. . . . Đức Chúa Trời chẳng bao giờ chọn một thầy tế lễ cả hay một vĩ nhân để làm tiên tri; nhưng Ngài chọn những người hèn hạ, có lần Ngài chọn A-mốt là người chăn chiên. Trong mọi thời đại, các thánh đã quở trách vua chúa, vương hầu, linh mục, và các nhà thông thái, mặc dù phải nguy đến tính mạng Tôi không nói tôi là một tiên tri; nhưng tôi nói họ phải sợ chỉ vì tôi đứng một mình còn họ thì đông. Điều tôi biết chắc, ấy là lời Đức Chúa Trời ở cùng tôi, chứ chẳng ở cùng họ.”—D’Aubigné, quyển 6, chương 10. TT20 126.4

Tuy nhiên, Luther phải tranh đấu mãnh liệt với chính mình khi quyết định sự ly khai cuối cùng với giáo hội La Mã. Lúc ấy ông viết, “Tôi cảm thấy mỗi ngày một khó hơn để bỏ những đạo lý đã thấm nhuần trong óc từ hồi nhỏ. Ôi! Điều này đã gây cho tôi nhiều đau khổ, mặc dù tôi có Kinh Thánh để giúp tôi đứng một mình chống lại giáo hoàng, là kẻ địch lại Đang Christ! Thật lòng tôi đã bị thử thách biết bao! Bao nhiêu lần tôi đã tự hỏi cách cay đắng câu hỏi mà phe giáo hoàng thường hỏi, “Chỉ có ngươi là người khôn ngoan chăng? Còn mọi người khác lầm lạc hết sao? Nếu cuối cùng chỉ có ngươi lầm lẫn, và ngươi kéo nhiều linh hồn theo sự lầm lạc, thì ai sẽ bị đoán phạt đời đời? Vì thế tôi đã tự chiến đấu với chính mình và với Sa-tan, cho đến khi Đấng Christ, bởi lời không sai lầm của Ngài, đã làm cho lòng tôi vững bền chống lại những sự nghi ngờ này.”—Martyn, trang 372, 373. TT20 127.1

Giáo hoàng đã hăm dọa dứt phép thông công Luther, nếu ông không đầu phục, và lời hăm dọa ấy bây giờ trở nên sự thật. Một chiếu chỉ mới được ban ra, tuyên bố nhà Cải chánh đã ra khỏi giáo hội La Mã, lên án ông như một người bị thiên đàng rủa sa, và hết thảy những người tiếp nhận đạo lý của ông đều bị chung một án phạt. Vì vậy một cuộc tranh chiến lớn bùng nổ. TT20 127.2

Những người được Đức Chúa Trời dùng để rao giảng lẽ thật thích hợp cho thời đại họ, thì thường bị chống đối. Chúa ban lẽ thật quan trọng đặc biệt cho thời Luther; Ngài cũng ban lẽ thật hiện đại cho hội thánh ngày nay. Đấng đã làm mọi sự theo ý muốn Ngài, thấy cần phải dùng người trong hoàn cảnh khác nhau, và giao trách nhiệm thích hợp cho thời đại họ đang sống và những điều kiện họ đang có. Nếu họ quý trọng sự sáng Chúa ban cho, thì những lẽ thật lớn lao hơn sẽ được bày tỏ thêm cho họ. Nhưng phần đông những người ngày nay cũng không quý trọng lẽ thật hơn những người theo phe giáo hoàng trong thời Luther. Cũng như trong các thế kỷ trước, người ta có những khuynh hướng theo những lý thuyết và lời truyền khẩu của loài người hơn là lời Đức Chúa Trời. Vậy những người rao giảng lẽ thật trong thời chúng ta, chớ nên trông mong được tiếp đãi tử tế hơn những nhà Cải chánh. Cuộc đấu tranh lớn lao giữa lẽ thật và sự sai lầm, giữa Đấng Christ và Sa-tan sẽ thêm kịch liệt cho đến ngày cuối cùng của lịch sử thế gian. TT20 127.3

Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ Ngài, “Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi. Hãy nhớ lời ta đã nói cùng các ngươi: Đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi; bằng họ đã giữ lời ta, ắt cũng giữ lời các ngươi” (Giăng 15:19, 20). Vả lại, Chúa cũng phán, “Khốn cho các ngươi, khi mọi người sẽ khen các ngươi, vì tổ phụ họ cũng xử với các tiên tri giả như vậy!” (Lu-ca 6:26). Ngày nay cũng như ngày xưa, tinh thần Đấng Christ và tinh thần thế gian không thể hòa hợp được. Ngày nay những người rao truyền lời thuần túy của Đức Chúa Trời cũng không được biệt đãi hơn ngày xưa. Hình thức chống đối lẽ thật có thể thay đổi, sự thù hằn có thể ít công khai vì xảo trá hơn; nhưng cùng một sự chống nghịch vẫn tồn tại và sẽ được bày tỏ cho đến ngày cuối cùng. TT20 128.1