TÌNH YÊU TRONG LỬA
Chương 4—Người Waldense Bảo Vệ Đức Tin
Suốt thời gian dài dưới chế độ giáo hoàng nắm quyền uy tột đỉnh, vẫn có chứng nhân cho Đức Chúa Trời là những người coi trọng lòng trung thành với Đấng Christ — Đấng trung bảo duy nhất giữa Đức Chúa Trời và nhân loại. Họ lấy Kinh Thánh làm nguyên tắc sống duy nhất và giữ ngày Sa-bát thật. Giáo hội gán danh họ là những kẻ theo dị giáo rồi đàn áp, xuyên tạc, cắt bỏ các tác phẩm họ viết. Mặc dù vậy, họ vẫn đứng vững vàng. TTL 35.1
Lịch sử nhân loại hầu như không đề cập đến họ, ngoại trừ nhiều cáo buộc từ những kẻ khủng bố họ. La Mã cố tìm bằng được mọi thứ “dị giáo” để tiêu diệt hết, bất kể người hay sách. Giáo hội cũng ra sức tiêu hủy hết mọi tài liệu về hành động tàn bạo đối với những người bất đồng với chúng. Trước khi phát minh ra máy in, sách vở có rất ít, vì vậy mà ít có thứ gì ngăn cản được các thế lực La Mã thực hiện mưu đồ. Không đợi lâu sau khi chế độ giáo hoàng giành được quyền thế, chúng liền giơ dang tay bóp nát tất cả những ai không công nhận quyền lực chúng. TTL 35.2
Ở nước Anh, Cơ Đốc giáo giản dị đã bén rễ từ rất sớm, không bị hư hỏng vì La Mã bội giáo. Sự bắt bớ đạo của các hoàng đế ngoại giáo là món quà duy nhất mà La Mã tặng cho các hội thánh đầu tiên ở Anh. Nhiều Cơ Đốc nhân chạy trốn bắt bớ tại Anh đã tìm được bình yên ở nước Scotland. Từ đó, các tín đồ rao truyền lẽ thật đến nước Ireland, người dân các nước này vui mừng đón nhận. TTL 35.3
Khi người Saxon xâm chiếm nước Anh thì ngoại giáo đã nắm trọn quyền kiểm soát, các Cơ Đốc nhân bị ép phải ẩn dật trong rừng núi. Tại Scotland, một thế kỷ sau, ánh sáng lẽ thật chiếu soi đến những vùng đất xa xôi. Columba cùng các cộng sự của ông đi từ Ireland đến, họ đã chọn hòn đảo biệt lập Iona làm trung tâm truyền giáo. Trong vòng các nhà truyền giáo này có một người giữ ngày Sa-bát của Kinh Thánh, ông giới thiệu lẽ thật này cho mọi người. Một trường học cũng được cất lên ở Iona, từ đây, các nhà truyền giáo tỏa ra đi đến Scotland, Anh, Đức, Thụy Sĩ và thậm chí đến Ý. TTL 35.4