TÌNH YÊU TRONG LỬA

17/282

Những ngày nguy hiểm cho Hội thánh

Những người trung thành với Đức Chúa Trời còn rất ít. Nhiều lúc có vẻ như sai trái đã chiến thắng hoàn toàn, còn đạo thật bị dẹp khỏi thế gian. Con người đánh mất nhận thức phúc âm, họ bị đè nặng vì những luật lệ khó khăn. Giáo hội dạy dỗ người ta tin rằng có thể chuộc tội bằng các việc làm công đức. Những cuộc hành hương kéo dài, các việc hành xác, thờ lạy các thánh tích, xây dựng nhà thờ, lăng mộ, bàn thờ, dâng nộp nhiều tiền cho ngân quỹ giáo hội — là những việc làm mà giáo hội yêu cầu họ thực hiện để làm Đức Chúa Trời nguôi cơn giận hoặc được Ngài ban ơn phước. TTL 32.1

Gần cuối thế kỷ thứ tám, những kẻ ủng hộ giáo hoàng khẳng định rằng các giám mục La Mã ở thời kỳ đầu của giáo hội cũng nắm quyền lực tâm linh giống như hiện tại. Các tu sĩ giả mạo viết sách cổ. Nhiều sắc lệnh của các hội đồng giám mục mà trước đó chưa ai từng nghe bao giờ lại được vạch rõ ra, bổ sung thiết lập quyền uy tối cao của giáo hoàng trên toàn vũ trụ ngay từ những ngày đầu tiên (xem Phụ lục 6). TTL 32.2

Những chuyện này phát triển làm rối trí thêm cho số ít tín đồ trung thành là những người xây dựng trên nền móng thật của Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 3:10, 11). Mệt nhọc chồng chất vì phải liên tục chiến đấu chống lại sự bắt bớ, giả dối, đủ thứ chướng ngại vật mà Sa-tan có thể sáng chế, một số người trung thành cũng trở nên nản lòng. Nhằm được yên ổn, bảo toàn tài sản và sự sống, nhiều người đã từ bỏ nền tảng thật. Những người khác cũng bị lung lay vì kẻ thù chống nghịch. TTL 32.3

Thờ hình tượng bắt đầu lan rộng. Dân chúng thắp đèn cầy trước các hình tượng rồi dâng lời cầu nguyện. Nhiều tập tục vô nghĩa lại thường xuyên xảy ra. Quy luật cần phải có lý do chính đáng để làm việc gì đó dường như không cần thiết nữa. Thậm chí các giám mục, linh mục cũng ham thích khoái lạc, ăn hối lộ, nên không có gì lấy làm ngạc nhiên khi giáo dân trông cậy họ dạy dỗ cũng bị đắm chìm trong ngu dốt và thói vô đạo đức. TTL 32.4

Vào thế kỷ thứ mười một, Giáo hoàng Gregory VII tuyên bố rằng giáo hội không bao giờ sai lạc và sẽ không bao giờ sai lạc so với Kinh Thánh. Nhưng ông không đưa ra bất cứ bằng chứng nào trong Kinh Thánh để chứng minh lời khẳng định ấy. Giáo hoàng kiêu ngạo cũng quả quyết ông có quyền truất phế các hoàng đế. Người tuyên bố không thể mắc sai lầm này đã thể hiện tính cách như một kẻ ngang ngược qua cách đối xử với hoàng đế nước Đức — Henry IV. Dám cả gan coi thường quyền thế giáo hoàng, hoàng đế này bị dứt phép thông công khỏi giáo hội và bị truất ngôi. Giáo hoàng ra sắc lệnh cho các quần thần của Henry nổi loạn đe dọa hoàng đế. TTL 32.5

Henry cảm thấy chuyện hệ trọng là phải làm hòa với La Mã. Hoàng đế cùng vợ và một người tôi trung thành phải vượt dãy Alps giữa mùa đông đi đến hạ mình trước giáo hoàng. Khi hoàng đế đến điện của Gregory, ông bị dẫn đến một cái sân bên ngoài. Ở đó, giữa cái lạnh buốt khắc nghiệt của mùa đông, đầu để trần, chân không mang giày, hoàng đế phải chờ đợi giáo hoàng cho phép mới được diện kiến. Suốt ba ngày nhịn năn và xưng tội, ông mới được giáo hoàng tha thứ. Thậm chí sau đó, hoàng đế còn phải chờ đợi đến khi giáo hoàng cho phép thì mới được nhận lại tước hiệu và sử dụng vương quyền. Gregory lấy làm hãnh diện với chiến thắng của mình. Ông khoe khoang rằng nhiệm vụ của ông là hạ bệ lòng kiêu ngạo của các vua. TTL 32.6

Quả là một sự tương phản quá rõ ràng giữa giáo hoàng ngạo mạn này với Đấng Christ - Đấng vẽ chân dung mình là người đứng trước cửa lòng nài xin bước vào. Ngài dạy các sứ đồ: “Kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 20:26). TTL 33.1

Ngay cả trước khi chế độ giáo hoàng được thiết lập, đường lối dạy dỗ của các triết gia ngoại giáo cũng gây ảnh hưởng với giáo hội. Nhiều người vẫn giữ lòng tin vào triết lý ngoại giáo, khuyến khích người khác học hỏi nó như một cách dung hòa nhằm phát triển tầm ảnh hưởng của họ trong số dân ngoại. Theo cách này, nhiều sai lầm nghiêm trọng đã trở thành niềm tin trong Đấng Christ. TTL 33.2