Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn

182/343

A-rôn chết trong tay Môi-se

Chính vì vậy, đoàn dân Y-sơ-ra-ên phải đi vòng lại con đường hoang mạc khô cằn trống rỗng, thậm chí dường như hoang mạc lúc bấy giờ có vẻ còn ghê rợn hơn sau khi họ được nhìn lướt qua những mảng đồi cỏ, vườn cây của xứ Ê-đôm. Từ dãy núi này nhìn xuống hoang mạc u buồn đến đỉnh Núi Hô-rơ, đó chính là nơi A-rôn chết và được chôn cất. Khi đoàn dân Y-sơ-ra-ên đến chân núi, Chúa phán với Môi-se: KTS 210.4

“Hãy đem A-rôn và Ê-lê-a-sa, con trai người, lên núi Hô-rơ; rồi cởi y phục A-rôn mà mặc cho Ê-lê-a-sa, con trai người. Tại đó, A-rôn sẽ được tiếp về với tổ tiên và qua đời”. Hai nhà lãnh đạo già và một trẻ cùng leo lên đỉnh núi. Tóc trên đầu Môi-se và A-rôn đã bạc trắng. Cuộc đời dài và đầy biến cố của họ chất chứa nhiều thử thách khó lường nhất, nhiều vinh dự vĩ đại nhất mà không phải ai cũng từng được nếm trải. Hai người đàn ông có bản chất tự nhiên là vĩ nhân, tất cả những tài năng của họ có cơ hội được phát triển, được tán dương, được đề cao bởi sự thông công với Đấng Chủ Tể duy nhất. Gương mặt họ bày tỏ quyền năng trí tuệ vĩ đại, trung kiên, ý chí thanh cao và tình yêu thương mạnh mẽ. KTS 210.5

Suốt hàng chục năm bên nhau họ cùng đối mặt với biết bao hiểm nguy, nhưng giờ phút chia ly đã đến. Họ lặng lẽ bước đi chầm chậm, từng giây từng phút trôi qua bên nhau đều vô cùng quý giá. Đường lên dốc núi dựng đứng và khiến người ta kiệt sức, hai anh em thường dừng chân nghỉ mệt, kể cho nhau nghe những chuyện trong quá khứ và tương lai. Hồi ức về những hành trình lang thang trong hoang mạc của họ lại hiện ra trước mắt. Trong cả một biển người Y-sơ-ra-ên, có những người đàn ông được chọn để dâng hiến phần đời đẹp nhất của mình tạo nên những sự hy sinh lớn lao, họ đang sống tạm bợ ở vùng đất rộng lớn bên dưới. Ở nơi nào đó bên kia núi Ê-đôm là con đường dẫn vào vùng Đất Hứa, vùng đất mà những người được ơn phước như Môi-se và A-rôn không được phép thừa hưởng. Một nỗi buồn sâu sắc ngự trị trên mặt họ khi họ nhớ lại lý do gì khiến họ bị ngăn cản tiến vào vùng đất hứa của tổ tiên. KTS 211.1

Trách nhiệm của A-rôn đối với dân Y-sơ-ra-ên đã mãn. Bốn mươi năm trước, ở tuổi tám mươi ba, Chúa đã kêu gọi ông hiệp nhất với Môi-se thi hành sứ mạng thử thách. Ông đã cầm đôi tay của người lãnh đạo vĩ đại giơ cao trong trận chiến gữa dân Hê-bơ-rơ với dân A-ma-léc. Ông cũng có đặc quyền leo lên Núi Si-nai để chứng kiến vinh quang của Chúa. Chúa đã ban thưởng cho ông tước hiệu thiêng liêng là chức thầy tế lễ thượng phẩm, giữ vững chức vụ thánh của ông bằng cách vạch trần sự khủng khiếp rồi phán xét và hủy diệt Cô-rê cùng đồng bọn. Sau khi hai con trai của ông bị lửa thiêu chết vì phớt lờ mệnh lệnh đặc biệt của Chúa, ông không còn chống đối hoặc thậm chí không dám phàn nàn gì nữa. KTS 211.2

Tuy vậy, lý lịch cao quý của ông cũng có vài vết nhơ đó là lần ông chịu thua đòi hỏi của dân chúng làm con bê vàng ở chân núi Si-nai và lần khác khi ông câu kết với Mi-ri-am chỉ trích Môi-se. Còn ông với Môi-se làm Chúa không hài lòng vì chuyện không nghe lời phán của Chúa là chỉ nói với tảng đá để xin nước uống. KTS 211.3

A-rôn mang trước ngực bảng tên các chi phái Y-sơ-ra-ên trên áo thầy tế lễ thượng phẩm của mình. Ông là cầu nối truyền đạt ý muốn của Chúa cho dân sự. Ông đi vào nơi chí thánh vào ngày Lễ Chuộc tội, “rải huyết”, như một người hòa giải cho toàn dân Y-sơ-ra-ên. Địa vị cao trọng khác thường trong căn phòng thiêng liêng đó như đại diện cho Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta càng làm cho tội lỗi mà A-rôn vi phạm tại Ca-đét càng nặng nề hơn. KTS 211.4

Lòng đau buồn nặng trĩu, Môi-se cởi bộ đồ thánh của A-rôn mặc cho Ê-lê-a-sa, thầy tế lễ nối tiếp theo sắc lệnh của Chúa. Vì tội vi phạm tại Ca-đét, A-rôn bị từ chối đặc ân được thi hành nhiệm vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Chúa tại Ca-na-an, được dâng hiến của hy sinh đầu tiên ở vùng đất xinh đẹp. Môi-se được phép tiếp tục dẫn dắt dân sự đến sát bờ cõi Ca-na-an, nhưng ông cũng không được phép đi vào. Giá như cả hai tôi tớ của Chúa chịu đựng nổi thử thách ở Ca-đét mà không phàn nàn thì tương lai của họ sẽ khác biệt biết bao nhiêu! Một hành động sai trái có thể không bao giờ cởi bỏ được. Thậm chí hối cải suốt đời cũng có thể không bao giờ tìm lại được những gì đã đánh mất trong một phút bị cám dỗ hoặc thiếu suy nghĩ. KTS 211.5

Khi dân sự nhìn quanh hội chúng vô số người, họ nhận thấy rằng hầu hết những người trưởng thành rời khỏi Ai Cập đều đã bỏ mạng trong hoang mạc. Linh tính xấu báo trước, họ nhớ lại bản án đã phán về Môi-se và A-rôn. Một số người hiểu được mục đích của cuộc hành trình đầy bí ẩn đó đến đỉnh Núi Hô-rơ là gì, cảm giác có phần lỗi của họ trong đó càng nặng nề hơn khi họ nhớ lại những ký ức cay đắng và lương tâm cắn rứt. KTS 212.1