Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Các bài học từ cái chết của A-rôn
Cuối cùng, Môi-se và Ê-lê-a-sa cũng chầm chậm xuống đến sườn núi. Ê-lê-a-sa đang mặc bộ đồ thầy tế lễ, điều đó chứng tỏ rằng ông đã được thay thế cha mình thi hành bổn phận thiêng liêng. Dân chúng vây quanh, Môi-se nói với họ rằng A-rôn đã chết trong tay mình trên núi Hô-rơ và họ đã chôn ông trên ấy. Toàn thể hội chúng vỡ òa khóc than. “Cả nhà Y-sơ-ra-ên khóc thương người suốt ba mươi ngày”. KTS 212.2
Kinh Thánh chỉ ghi nhận ngắn gọn. “A-rôn qua đời và được chôn cất tại đây” (Phục Truyền Luật lệ Ký 10:6). Đem so sự tương phản nổi bật này với những thời kỳ hiện đại sau đó, nhiều kiểu phục vụ tang lễ cho một người giữ chức vụ cao trọng thường có chiều hướng trở thành cơ hội để người ta phô diễn sự phung phí thái quá. Khi A-rôn qua đời, bên cạnh ông chỉ có hai người thân lo an táng. Ngôi mộ cô đơn đó cũng bị giấu kín mãi mãi khỏi mọi tầm mắt của người Y-sơ-ra-ên. Chúng ta không làm vinh danh Chúa bằng những lối biểu diễn hoành tráng hoặc chi tiền hoang phí khi đưa tiễn người thân về với bụi đất. KTS 212.3
Cái chết của A-rôn là lời nhắc nhở Môi-se chắc chắn rằng cái chết của chính ông cũng cận kề. Tận đáy lòng, ông cảm nhận sâu sắc sự mất mát một người thân đã hàng chục năm chia ngọt sẻ bùi với mình. Giờ đây, ông phải hầu việc một mình, nhưng dẫu sao ông vẫn biết Chúa luôn là bạn thân và ông có thể nương tựa hoàn toàn nơi Ngài. KTS 212.4
Không lâu sau khi rời khỏi Núi Hô-rơ, dân Y-sơ-ra-ên phải trải qua trận đánh với vua A-rát (một trong các vua của Ca-na-an). Tuy nhiên, khi họ cầu khẩn Chúa giúp sức thì sự viện trợ thiêng liêng ấy đã ban phát liền cho họ khiến kẻ thù bị hủy diệt hoàn toàn. Nhưng thay vì cảm thấy biết ơn, vinh quang này đã khiến dân chúng kiêu căng và tự cao. KTS 212.5
Họ tiếp tục hành trình về hướng nam đi qua một thung lũng nóng bức, không một bóng mát hay cây cỏ gì. Họ mệt nhọc và khát nước. Một lần nữa họ lại bị rớt bài kiểm tra đức tin và lòng kiên nhẫn. Họ đứng trong bóng đêm rồi tự chia cách mình với Chúa xa hơn. Họ quên mất rằng nếu như họ không lằm bằm khi nước ngưng chảy ở Ca-đét thì họ đã không phải mất thời gian đi vòng quanh Ê-đôm. Họ mơ tưởng hão huyền rằng nếu Chúa và Môi-se không cản trở thì bây giờ họ đã được sở hữu vùng Đất Hứa. Sau khi làm cho mình lâm vào cảnh khó khăn nhiều hơn Chúa dự tính, họ tiếp tục suy nghĩ cay đắng về việc Chúa đã khiến họ thất bại ra sao, cuối cùng họ trở nên bất mãn mọi thứ. Ai Cập có vẻ còn tốt hơn sự tự do và vùng đất mà Chúa đang dẫn họ đi đến. KTS 212.6