Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Chương 37—Môi-Se Phạm Lỗi Tại Biên Giới Ca-Na-An
Chương này dựa theo sách Dân số ký 20: 1-13
Dòng suối nước hồi sức cho dân Y-sơ-ra-ên trong hoang mạc chảy ra lần đầu tiên tại hòn đá mà Môi-se đập xuống ở Hô-rếp. Rồi suốt thời gian dân sự đi lang thang, bất cứ khi nào họ có nhu cầu thì phép lạ xuất hiện tạo ra nước phun trào ngay bên cạnh trại quân. KTS 205.1
Chính Đấng Christ làm dòng suối tuôn chảy cho dân Y-sơ-ra-ên. “Họ uống nơi một tảng đá thiêng liêng đi với họ; tảng đá ấy chính là Đấng Christ” (1 Cô-rinh-tô 10:4). Ngài là nguồn của mọi ân phước thể chất lẫn tinh thần. “Khi Ngài dẫn họ qua sa mạc thì họ không khát; vì Ngài đã khiến nước từ vầng đá chảy ra cho họ, Ngài chẻ vầng đá thì nước tuôn ra”. “Như một dòng sông chảy qua sa mạc” (Ê-sai 48:21, Thi Thiên 105:41). KTS 205.2
Khi nước sự sống chảy ra từ hòn đá bị đập ấy, chính là Đấng Christ, “bị Đức Chúa Trời đánh”, “vì tội lỗi chúng ta mà bị vết”, “vì gian ác chúng ta mà bị thương” (Ê-sai 53:4,5), dòng suối cứu rỗi chảy ra cứu nhân loại bị hư mất. Tảng đá bị đập một lần thì Đấng Christ cũng dâng mình một lần để xóa bỏ tội lỗi nhiều người” (Hê-bơ-rơ 9:28). Đấng Cứu Thế của chúng ta không cần phải hy sinh lần thứ hai. Những ai đang mong muốn nhận ân điển Ngài thì chỉ cần một điều là cầu xin danh Chúa Giê-su, sau đó huyết sự sống sẽ tuôn chảy trở lại, điển hình là nước vẫn chảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên. KTS 205.3
Trước khi người Hê-bơ-rơ đến Ca-đét, dòng suối sự sống đã tuôn chảy nhiều năm bên cạnh trại của họ mới ngưng lại. Chúa muốn thử xem họ có tin cậy vào sự dẫn dắt của Ngài hay đi theo những tổ tiên không trung tín của họ. KTS 205.4
Giờ đây, họ có thể nhìn thấy những ngọn đồi của Ca-na-an, nơi ấy cách Ê-đôm không xa. Hành trình đến Ca-na-an lại đi ngang qua Ê-đôm. Chúa phán với Môi-se: “Con hãy truyền lệnh này cho dân chúng: Các ngươi sắp đi qua địa phận của anh em mình là con cháu Ê-sau… chúng sẽ sợ các ngươi… Các ngươi hãy dùng tiền bạc mà mua lương thực của chúng để ăn, nước để uống” (Phục truyền luật lệ ký 2:4-6). KTS 205.5
Những sự chỉ dẫn này đủ giải thích lý do tại sao ngưng việc cung cấp nước cho họ, họ sắp đi ngang qua vùng đất có nhiều nước, đất đai màu mỡ, hành trình đang tiến thẳng vào đất Ca-na-an. Khi phép lạ tuôn chảy nước chấm dứt có nghĩa đó là một lý do để vui mừng, một dấu hiệu chứng tỏ hành trình lang thang trong hoang mạc sắp kết thúc. Mặc dù vậy, dân sự dường như mất hết hy vọng rằng Chúa sẽ đưa họ vào đất Ca-na-an nên họ lớn tiếng đòi hỏi tiếp tục ban cho các ân phước ở hoang mạc. KTS 205.6
Nước ngừng chảy trước khi họ đến Ê-đôm. Ân điển này cho họ cơ hội để bước đi bằng đức tin thay vì một chút dấu hiệu hiện thấy. Nhưng thử thách đầu tiên cho thấy tâm hồn của họ cũng tương tự như cha mẹ, ông bà họ từng thể hiện. Họ quên mất bàn tay của Chúa suốt mấy mươi năm vẫn chu cấp đầy đủ nhu cầu họ cần. Thay vì đến với Chúa và cầu xin sự ban cho, họ lại phàn nàn theo kiểu tuyệt vọng rằng: “Phải chi chúng tôi chết với họ trước mặt Chúa cho rồi!” (ý họ nói cuộc nổi loạn của Cô-rê). KTS 205.7
Hai lãnh đạo đứng đầu là Môi-se và A-rôn đi vào đền thánh rồi sấp mặt xuống đất. Chúa phán với Môi-se: “Hãy cầm gậy rồi con và anh con triệu tập hội chúng lại. Hãy truyền cho tảng đá trước mặt hội chúng thì nó sẽ phun nước ra. Con sẽ khiến nước từ tảng đá phun ra cho hội chúng và súc vật của họ uống”. KTS 206.1
Hai anh em lúc này đã quá già. Họ đã nâng đỡ dân Y-sơ-ra-ên nổi loạn suốt một thời gian dài. Nhưng tới thời điểm này, cuối cùng Môi-se cũng mất kiên nhẫn. Ông gào lên: “Hỡi dân nổi loạn, hãy nghe đây! Chúng tôi có thể khiến nước từ tảng đá này phun ra cho các người được không?”. Thay vì nhẹ nhàng nói với tảng đá như lời Chúa truyền, ông lại cầm gậy đập lên tảng đá hai lần. KTS 206.2
Dần dần nước cũng phun ra, nhưng bằng một cử chỉ sai trái rất lớn. Môi-se hét lên vì quá bất mãn. Ông gào “Hỡi dân nổi loạn, hãy nghe đây”. Lời kết tội này rất đúng sự thật, nhưng dù là sự thật thì cũng không nên thốt ra với thái độ giận dữ hay thiếu kiềm chế. Khi ông tự mình kết tội họ là ông đã làm buồn lòng Thánh Linh của Chúa. Rõ ràng, ông đã tỏ thái độ thiếu kiềm chế. Điều này khiến cho dân chúng cơ hội thắc mắc liệu trong quá khứ ông có vâng theo sự hướng dẫn của Chúa hay không. Lúc ấy, họ sẽ tìm đủ thứ lý do họ muốn nhằm từ chối những lời Chúa quở trách họ thông qua các tôi tớ Ngài. KTS 206.3