CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 2
Chương 54—NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH
Dựa theo Luca 10: 25-37
Trong câu chuyện về người Sa-ma-ri nhân lành, Đức Chúa Giê-su minh họa bản chất của chánh đạo. Ngài cho thấy chánh đạo không cốt ở các hệ thống, các tín điều hay nghi lễ, mà cốt ở chỗ thực hành những nghĩa cử yêu thương, ở việc đem lại điều tốt lành nhất cho người khác, và ở lòng tốt thực sự. CCC2 201.1
Khi Đấng Cứu Thế còn đang giảng dạy dân chúng thì “một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Đức Chúa Giê-su rằng: Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Đám đông gần như nín thở chờ đợi câu trả lời. Các thầy tế lễ và các thầy thông giáo nghĩ rằng Đấng Cứu Thế sẽ bị sập bẫy khi thầy dạy luật hỏi như vậy. Nhưng Chúa Cứu Thế đã không đi vào cuộc tranh luận. Ngài yêu cầu chính người nêu câu hỏi phải trả lời. Ngài hỏi: “Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?”. Người Giu-đa vẫn tố cáo rằng: Đức Chúa Giê-su coi thường luật pháp được ban cho tại núi Si-nai; nhưng Ngài đã lật ngược câu hỏi liên quan tới sự cứu rỗi mà trở về với việc vâng giữ các điều răn Đức Chúa Trời. CCC2 201.2
Người thầy dạy luật này thưa: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình”. Đức Chúa Giê-su phán: “Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống”. CCC2 201.3
Người thầy dạy luật này không hài lòng về địa vị cũng như việc làm của người Pha-ri-si. Ông đã học hỏi Kinh Thánh với lòng ước ao hiểu biết ý nghĩa đích thực của nó. Ông quan tâm sâu sắc đến vấn đề này và đã nêu câu hỏi với lòng thành thật: “Tôi phải làm gì?” Trong câu trả lời về những đòi hỏi của luật pháp, ông đã bỏ qua cả một khối giềng mối về các nghi thức lễ lạc. Với ông, các giềng mối đó chẳng có giá trị gì, nhưng ông đã trình bày hai nguyên tắc lớn gồm tóm cả luật pháp và lời tiên tri. Câu trả lời được Đấng Cứu Thế tán dương này đã giúp Ngài có lợi thế so với các thầy thông giáo. Họ đã không thể lên án Ngài vì cớ đã có sự tán đồng ý kiến từ một thầy dạy luật đưa ra. CCC2 201.4
Đức Chúa Giê-su phán: “Hãy làm điều đó, thì được sống”. Ngài đã trình bày luật pháp như một sự thống nhất tuyệt đối, và trong bài học này, Ngài dạy rằng không thể giữ giềng mối này mà bỏ giềng mối khác, bởi vì có một nguyên tắc xuyên suốt luật pháp. Số phận con người được quyết định bởi việc họ có lòng tuân giữ hết thảy luật pháp hay không. Yêu Đức Chúa Trời hết lòng và có lòng bác ái với tha nhân là những nguyên tắc cần phải được thể hiện trong đời sống. CCC2 202.1
Thầy dạy luật nhận ra rằng mình không phải là một người vâng giữ luật pháp. Ông đã có nhận thức đúng đắn về những lời nói sâu sắc của Đấng Cứu Thế. Ông không hề thực hành sự công bình theo luật pháp mà ông 202 cho rằng mình đã hiểu. Ông đã không bày tỏ tình yêu dành cho đồng loại của mình. Ông cần phải ăn năn hối lỗi; nhưng thay vì ăn năn, ông lại tìm cách biện minh cho mình. Thay vì nhìn nhận Lẽ Thật, ông cố chứng minh rằng việc giữ trọn điều răn thật là khó khăn. Bằng cách này, ông hi vọng vừa né tránh sự kết tội, vừa không mất thể diện trước dân chúng. Những lời nói của Chúa Cứu Thế cho thấy câu hỏi của ông không cần thiết, bởi vì tự ông đã có thể trả lời câu hỏi mình nêu ra. Vậy mà ông lại đặt thêm một câu hỏi khác nữa: “Ai là người lân cận tôi?”. CCC2 202.2
Câu hỏi này gây tranh cãi triền miên trong vòng người Giu-đa. Rõ ràng người ngoại và người Sa-ma-ri là những kẻ thù xa lạ. Nhưng trong vòng dân Giu-đa và các tầng lớp khác nhau trong xã hội, làm sao để phân biệt ai mới là người lân cận? Ai mới là kẻ lân cận của người Giu-đa đây? Có phải đó là các thầy tế lễ, thầy thông giáo, các trưởng lão chăng? Họ bỏ cả cuộc đời vào một chuỗi những nghi lễ để làm cho mình thanh sạch. Họ dạy rằng tiếp xúc với đám dân dốt nát và vô ý tứ sẽ làm người ta ra ô uế, và phải mệt lắm mới gột sạch sự ô uế đó được. Họ có buộc phải coi “kẻ ô uế” là người lân cận của mình không? CCC2 202.3
Một lần nữa, Đức Chúa Giê-su lại từ chối để mình khỏi bị lôi kéo vào cuộc tranh luận. Ngài không tố giác tâm đạo mù quáng của những kẻ đang rình rập để lên án Ngài. Nhưng bằng một câu chuyện đơn giản, Ngài vẽ lên trước mặt người nghe một bức tranh về tình yêu dào dạt từ trời, tình yêu đó có thể đánh động mọi tấm lòng và khiến thầy dạy luật phải tuyên xưng Lẽ Thật. CCC2 202.4
Cách xua tan tăm tối là chấp nhận ánh sáng. Cách hay nhất để xử lý lỗi lầm là trình bày Lẽ Thật. Chính sự mặc khải về tình yêu Đức Chúa Trời sẽ phơi bày sự xấu xa và tội lỗi của tấm lòng tự coi mình là trung tâm. Đức Chúa Giê-su kể: “Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ricô, lâm vào tay kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẫy bị thương rồi đi, để cho người đó nửa sống nửa chết, Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi.” (Lu-ca 10: 30-32). Đây không phải là một câu chuyện tưởng tượng, nhưng là chuyện có thật và được trình bày đúng như đã xảy ra. Thầy tế lễ và người Lê-vi, những kẻ đã đi qua khỏi chỗ người bị nạn, đang ở trong vòng những người nghe lời Đấng Cứu Thế hôm đó. CCC2 202.5
Từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, khách bộ hành phải đi qua một phần đồng vắng của xứ Giu-đê. Con đường dẫn xuống một khe núi hoang vắng và lởm chởm đá, đầy kẻ cướp và thường xảy ra những vụ bạo hành. Chính tại đây, một người đi đường đã bị tấn công, bị giựt lột hết những đồ đạc có giá trị, bị đánh cho mình mẩy mang thương tích và bị bỏ lại nửa sống nửa chết bên vệ đường. Khi người gặp nạn nằm đó thì một thầy tế lễ đi ngang qua, nhưng ông này chỉ ngó sơ qua người bị thương mà thôi. Sau đó, một người Lê-vi xuất hiện. Tò mò muốn biết việc gì xảy ra nên vị này dừng lại và quan 203 sát người bị hại. Người Lê-vi biết rõ mình phải làm gì; nhưng đây quả không phải là một việc dễ thực hiện. Ông ước chi mình đừng đi qua con đường này, và như vậy, ông chẳng phải nhìn thấy người bị thương. Ông nhủ thầm rằng vụ này chẳng liên quan gì đến mình cả. CCC2 203.1
Cả hai người này đều giữ chức vụ thiêng liêng và nhận mình có nhiệm vụ giảng giải Kinh Thánh. Với dân chúng, họ thuộc tầng lớp những người được tuyển chọn đặc biệt để làm đại diện cho Đức Chúa Trời. Họ phải “thương xót những kẻ ngu dốt sai lầm” (Hê-bơ-rơ 5: 2), để họ có thể dẫn dắt người khác tới chỗ hiểu được tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Chức vụ họ được kêu gọi đảm nhiệm cũng y hệt như Đức Chúa Giê-su đã mô tả khi nói về chức vụ của Ngài: “Thần của Chúa ngự trên Ta; vì Ngài đã xức dầu cho Ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai Ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do.” (Lu-ca 4:18). CCC2 203.2
Các thiên sứ xem xét nỗi thống khổ của gia đình Đức Chúa Trời trên trái đất, và sẵn sàng hợp tác với loài người trong việc giải thoát khỏi áp bức và đau khổ. Đức Chúa Trời đã sắp đặt để thầy tế lễ và người Lê-vi đi đường gặp kẻ bị thương nằm sóng xoài bên vệ đường, Ngài sắp đặt vạy cốt để cho họ hiểu rằng người đó cần đến lòng nhân từ và sự giúp đỡ. Cả thiên đàng chú ý xem lòng những con người này có xúc động trước nỗi đau đớn của đồng loại hay không. Chúa Cứu Thế là Đấng đã dạy dỗ người Hê-bơ-rơ trong đồng vắng; từ trụ mây và trụ lửa, Ngài đã dạy họ một bài học khác hoàn toàn với bài học mà giờ đây dân chúng đang tiếp nhận từ các thầy tế lễ và các thầy giáo. Những điều khoản đầy lòng nhân từ của luật pháp mở rộng tới cả những con vật thấp hèn, vốn không thể diễn tả được ước muốn và nỗi đau đớn bằng lời nói. Môi-se cũng đã nhận được chỉ thị cho các con cái của Y-sơ-ra-ên trong vấn đề này: “Nhược bằng ngươi gặp bò hay lừa của kẻ thù nghịch mình đi lạc thì buộc phải đem về cho họ. Ngộ ngươi thấy lừa của kẻ ghét mình bị chở nặng phải quy, chớ khá bỏ ngơ, phải cứu nó cho được nhẹ.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23: 4, 5). Nhưng qua câu chuyện người đi đường bị kẻ cướp đánh cho bị thương, Đức Chúa Giê-su muốn đưa ra trường hợp của một người anh em trong cơn khốn khổ. Họ phải rủ lòng thương đối với người anh em đó hơn là với con vật thồ hàng! Thông điệp đã được ban cho họ qua Môi-se rằng: Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của họ là “Đức Chúa Trời rất lớn, có quyền năng và đáng sợ...” “bào chữa công bình cho kẻ mồ côi và người góa bụa, thương người khách lạ.” Từ đó, Ngài ra lệnh: “Các ngươi phải thương người khách lạ.” “Hãy thương yêu người như mình.” (Phục Truyền Luật lệ Ký 10:17-19; Lê-vi ký 19: 34). CCC2 203.3
Gióp đã nói: “Người lạ không có ngủ đêm ở ngoài đường; tôi mở cửa cho kẻ hành khách”. Và khi hai thiên sứ hóa thân làm người đến thành Sôđôm, Lót sấp mình xuống đất và nói: “Nầy, lạy hai chúa, xin hãy đến ở nhà 204 của kẻ tôi tớ, và hãy nghỉ đêm tại đó.” (Gióp 31: 32; Sáng thế ký 19: 2). Thầy tế lễ và người Lê-vi đã quen thuộc với tất cả những bài học đó, nhưng họ lại không áp dụng trong đời sống. Bị nền giáo dục mù quáng của dân tộc đào tạo, họ trở nên ích kỷ, hẹp hòi và độc đoán. Khi họ nhìn thấy người bị thương, họ không chắc người đó có thuộc dân tộc mình hay không. Họ nghĩ anh ta có thể là một người Sa-ma-ri, nên quay gót bỏ đi. CCC2 204.1
Theo như Đấng Cứu Thế mô tả, thì thầy dạy luật thấy chẳng có gì đi ngược lại điều ông được dạy về những đòi hỏi của luật pháp trong hành động của hai người này. Nhưng rồi bỗng nhiên một cảnh tượng khác lại mở ra. CCC2 204.2
Có một người Sa-ma-ri nọ đi đường ngang qua chỗ người bị hại, và khi nhìn thấy kẻ khốn khổ, người Sa-ma-ri động lòng thương xót. Anh chẳng thèm thắc mắc xem người lạ đó là người Giu-đa hay người ngoại. Người Sama-ri biết rõ nếu là một người Giu-đa, tình hình sẽ bị đảo lộn, người Giu-đa sẽ nhổ nước miếng vào mặt kẻ bị hại, và khinh bỉ bỏ đi. Nhưng anh chẳng do dự vì điều đó. Anh chẳng nghĩ rằng chính mình có thể bị hành hung nếu nấn ná ở đây. Một con người ở trong tình trạng khốn khổ và đau đớn đang ở trước mặt anh, thế là đủ. Anh cởi áo mình và đắp cho người bị hại. Anh lấy dầu và rượu mang theo khi đi đường xức chỗ bị thương và làm dịu cơn đau. Anh đặt người bị thương trên con vật của mình và dẫn đi một cách chậm rãi để người lạ không bị xốc nhiều khiến tăng thêm đau đớn. Anh đưa người bị thương tới một quán trọ, và chăm sóc cho anh ta suốt đêm bằng tấm lòng nhân từ. Sáng hôm sau, người đau đã khá hơn, còn người Sa-ma-ri phải tiếp tục lên đường. Nhưng trước khi đi, anh giao anh ta cho người chủ quán coi sóc, trả công cho chủ quán; vẫn chưa yên lòng, anh sợ có thể hao tốn nhiều hơn, nên đã nói với chủ quán: “Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả”. CCC2 204.3
Câu chuyện chấm dứt, Đức Chúa Giê-su chăm chú nhìn thầy dạy luật, với một cái nhìn như đọc thấu tâm can ông, Ngài nói: “Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp?” Thầy dạy luật, ngay cả lúc này, không muốn để miệng mình thốt lên cái tên Sa-ma-ri nên người trả lời: “Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người”. Đức Chúa Giê-su phán: “Hãy đi, làm theo như vậy”. CCC2 205.1
Như thế, câu hỏi “Ai là người lân cận tôi?” đã được trả lời rồi. Đấng Cứu Thế cho thấy người lân cận chúng ta không phải chỉ gồm những người thuộc cùng Hội Thánh hay có đồng đức tin với chúng ta. Người lân cận chẳng liên quan gì đến dòng giống, sắc tộc, hay giai cấp. Người lân cận là bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Người lân cận chúng ta là mọi linh hồn bị kẻ thù đánh bị thương bầm giập. Những ai thuộc về Đức Chúa Trời đều là người lân cận của chúng ta cả. CCC2 205.2
Qua câu chuyện về người Sa-ma-ri nhân lành, Đức Chúa Giê-su phác họa hình ảnh về chính Ngài và sứ mạng của Ngài. Con người đã bị lừa gạt, bị đánh trọng thương, bị cướp bóc, và bị hủy hoại bởi Sa-tan và bị bỏ mặc cho chết mất; nhưng Chúa Cứu Thế đã rủ lòng thương xót với hoàn cảnh bơ vơ của chúng ta. Ngài đã từ bỏ vinh hiển mình để đến cứu chúng ta. Ngài thấy chúng ta gần chết và Ngài ra tay cứu giúp cho hoàn cảnh khốn khổ của chúng ta. Ngài chữa lành các vết thương của chúng ta. Ngài khoác lên chúng ta chiếc áo công bình của Ngài. Ngài mở ra cho chúng ta một nơi trú ẩn an toàn và Ngài cung cấp cho chúng ta mọi thứ. Ngài đã chết để cứu chuộc chúng ta. Nói về tấm gương chính mình, Ngài phán với những kẻ theo Ngài rằng: “Ta truyền cho các ngươi các điều răn đó, đặng các ngươi yêu mến lẫn nhau vậy”. “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau.” (Giăng 15:17; 13: 34). CCC2 205.3
Câu hỏi của thầy dạy luật là: “Tôi phải làm gì?”. Và Đức Chúa Giê-su nhìn nhận tình yêu đối với Đức Chúa Trời và con người như là nội dung tổng quát của sự công bình, Ngài đã phán: “Hãy làm điều đó, thì được sống”. Người Sa-ma-ri đã tuân theo những mệnh lệnh của Đấng có một tấm lòng nhân từ và yêu thương, và qua việc giúp đỡ người đi đường bị hại, anh đã chứng tỏ mình là một người vâng giữ luật pháp. Đấng Cứu Thế nói với thầy dạy luật: “Hãy đi, làm theo như vậy”. Làm, chứ không chỉ nói suông, đây là điều Đức Chúa Trời mong đợi ở con cái Ngài. “Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.” (I Giăng 2: 6). CCC2 205.4
Trong thế giới ngày nay, bài học này vốn phát ra từ chính môi miệng Đức Chúa Giê-su không hề kém phần quan trọng. Lòng ích kỷ và cách sống nguội lạnh gần như đã dập tắt ngọn lửa tình yêu và xua tan ân điển, điều mà khiến tánh hạnh con người tỏa ngát hương thơm. Nhiều người tuyên xưng Danh Ngài nhưng lại chẳng nhìn thấy một sự thật hiển nhiên rằng: Cơ-đốc nhân phải là những người đại diện cho Đấng Cứu Thế. Nếu sự từ bỏ chính mình vì lợi ích của người khác không được thể hiện một cách thiết thực trong vòng gia đình, trong vòng người lân cận, trong Hội Thánh, và ở bất cứ nơi nào chúng ta có mặt, thì dù chúng ta có tuyên xưng gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn không phải là những Cơ-đốc nhân. CCC2 205.5
Đức Chúa Giê-su đã gắn lợi ích của Ngài với lợi ích của nhân loại, và Ngài yêu cầu chúng ta phải hiệp một với Ngài để cứu rỗi nhân loại. Đức Chúa Giêsu phán: “Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không” . (Ma-thi-ơ 10: 8). Tội lỗi chính là điều xấu xa nhất trong mọi điều xấu xa, do vậy, chúng ta phải có bổn phận thương xót và giúp đỡ tội nhân. Nhiều người đã phạm tội và cảm nghiệm được nỗi xấu hổ cũng như sự dại dột của mình. Họ đang đói khát những lời an ủi, động viên. Họ cứ nhìn những lỗi lầm của mình cho đến khi rơi vào tuyệt vọng. Chúng ta không được bỏ rơi những linh hồn ấy. Nếu chúng ta là Cơ-đốc nhân, chúng ta không được gạt sang một bên và giữ một khoảng cách càng xa càng tốt với những kẻ đang cần tới sự giúp đỡ của chúng ta nhất. Khi chúng ta nhìn thấy những con người đang ở trong 206 đau khổ, dù bởi hoạn nạn hay tội lỗi, chúng ta không bao giờ được nói rằng: Điều đó chẳng liên quan gì đến tôi cả. CCC2 206.1
“Anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại.” (Ga-la-ti 6:1). Bằng niềm tin và lời cầu nguyện, hãy bẻ ngược lại quyền lực của kẻ thù. Hãy nói những lời xuất phát từ niềm tin và sự can đảm, những lời sẽ trở thành một thứ dầu có sức chữa lành vết thương. Biết bao người đã mệt lả và tuyệt vọng trong cuộc chiến lớn lao của cuộc sống, chỉ một lời động viên dịu dàng có thể thêm sức cho họ để vượt qua tất cả. Không bao giờ chúng ta được bỏ qua một linh hồn đang đau khổ mà không tìm cách truyền cho linh hồn đó sự an ủi mà chúng ta đã nhận được từ Đức Chúa Trời. CCC2 206.2
Khi chúng ta làm tất cả những điều trên đây là chúng ta làm trọn nguyên tắc của luật pháp, nguyên tắc đã được minh họa trong câu truyện về người Sa-ma-ri nhân lành, và được thể hiện qua đời sống của Đức Chúa Giê-su. Tánh hạnh của Ngài nêu bật ý nghĩa đích thực của luật pháp, và tỏ cho thấy thế nào là yêu thương người lân cận như yêu chính thân mình. Và khi các con cái của Đức Chúa Trời bày tỏ lòng nhân từ, tử tế và tình yêu đối với mọi người, thì họ cũng đang làm chứng cho tánh hạnh của các quy luật thiên đàng. Họ đang làm chứng về sự kiện “luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại.” (Thi Thiên 19: 7). Và bất kỳ kẻ nào không bày tỏ lòng yêu thương này đều đang phá vỡ luật pháp mà người đó nói là tôn trọng. Bởi vì cách chúng ta đối xử với anh em của mình bày tỏ cách chúng ta đối xử với Đức Chúa Trời. Tình yêu của Đức Chúa Trời trong lòng là nguồn tình yêu duy nhất đối với người lân cận. “Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được.” Hỡi những kẻ rất yêu dấu, “nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta.” (I Giăng 4: 20,12). CCC2 206.3