CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 2

26/31

Chương 55—“NƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG ĐẾN CÁCH RÕ RÀNG”

Dựa theo Lu-ca 17: 20-22

Có vài người Pha-ri-si đã tới gặp Đức Chúa Giê-su và hỏi: “ Nước Đức Chúa Trời chừng nào đến”. Vậy là đã hơn ba năm trôi qua, kể từ khi thông điệp của Giăng Báp-tít như một tiếng kèn vang lên khắp xứ: “Nước thiên đàng đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 3: 2). Dù vậy, những người Pha-ri-si này vẫn chưa thấy dấu hiệu nào về sự thiết lập nước thiên đàng. Nhiều người trong số những kẻ đã khước từ Giăng, chống đối Đức Chúa Giêsu trong từng bước đi muốn rêu rao rằng Ngài đã không hoàn thành sứ mạng. Đức Chúa Giê-su trả lời: “ Nước Đức Chúa Trời không đến cách rõ ràng, và người ta sẽ không nói: Ở đây, hay là: Ở đó; vì nầy, nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi”. Nước Đức Chúa Trời bắt đầu từ trong lòng. Đừng tìm kiếm đây đó những biểu hiện của quyền lực trần gian để đánh dấu sự đến của nước Đức Chúa Trời. CCC2 209.1

Đức Chúa Giê-su quay về phía các môn đồ và nói: “Sẽ có kỳ các ngươi ước ao thấy chỉ một ngày của Con người, mà không thấy được”. Bởi vì nước Đức Chúa Trời không đi kèm với sự hào nhoáng của thế gian này, nên coi chừng các ngươi chẳng nhận ra sự vinh hiển của sứ mạng Ta. Trong vòng các ngươi, không ai nhận ra đặc ân mình đang có lớn lao biết chừng nào; mặc dù ẩn mình trong hình hài con người, Chúa Giê-su vẫn là sự sống và sự sáng của nhân loại. Sẽ đến những ngày các ngươi sẽ nhìn lại với lòng ước ao về diễm phúc mình đang có là được đi và nói chuyện với Con của Đức Chúa Trời. CCC2 209.2

Ngay cả các môn đồ của Đức Chúa Giê-su, bởi tánh ích kỷ và trần tục, cũng không thể hiểu được sự vinh hiển thiêng liêng mà Ngài tìm cách bày tỏ. Chỉ từ sau khi Đấng Cứu Thế về với Cha Ngài, và Đức Thánh Linh được đổ tràn trên mọi người tin, các môn đồ mới hiểu đầy đủ tánh hạnh và sứ mạng của Chúa Cứu Thế. Sau khi nhận phép báp-têm của Đức Thánh Linh, các môn đồ bắt đầu hiểu rằng họ đã thực sự được ở trong sự hiện diện của Chúa vinh hiển. Khi họ nhớ lại những lời phán dạy của Đấng Cứu Thế, lòng họ như mở ra để hiểu các lời tiên tri và các phép lạ Ngài đã làm. Những việc lạ lùng trong cuộc đời của Ngài lần lượt hiện lên trước mắt họ, và họ như những con người vừa bừng tỉnh khỏi cơn mơ. Họ hiểu rằng “ Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và Lẽ Thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” (Giăng 1: 14). Đấng Cứu Thế đã thực sự từ Đức Chúa Trời đến trong thế gian tội lỗi để cứu rỗi các con trai và con gái của A-đam. Giờ đây các môn đồ không còn cho rằng mình quan trọng nữa. Họ nhắc lại những lời nói và việc làm của 210 Ngài không hề biết mỏi mệt. Các bài học của Ngài, lúc trước họ chỉ hiểu một cách mơ hồ, giờ đây những bài học đó lại đến với họ như một mặc khải mới. Với họ, Kinh Thánh trở thành một quyển sách mới. CCC2 210.1

Khi các môn đồ tìm kiếm các lời tiên tri làm chứng về Đấng Cứu Thế, họ được đưa vào trong sự gần gũi với Đức Chúa Trời và biết Đấng lên trời để hoàn thành công việc Ngài đã bắt đầu trên đất. Họ nhận ra rằng nơi Ngài có sự hiểu biết mà nếu không được Chúa giúp đỡ thì không một con người nào có thể có được. Họ cần đến sự giúp đỡ của Đấng mà được các vua chúa, các tiên tri và những người công bình đã báo trước. Họ ngạc nhiên đọc đi, đọc lại các đoạn sách tiên tri mô tả về tánh hạnh và sứ mạng của Ngài. Họ chỉ hiểu các sách tiên tri một cách mơ hồ thôi. Họ thật chậm chạp trong việc nắm bắt các Lẽ Thật sâu nhiệm làm chứng về Đấng Cứu Thế! Nhìn ngắm Ngài trong sự hạ mình, khi Ngài bước đi như một con người giữa loài người, họ không hiểu lẽ mầu nhiệm của sự việc Ngài giáng thế làm người, họ không hiểu được sự diệu kỳ của lẽ mầu nhiệm Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời và Ngài cũng thực sự là người. Mắt họ như bị che khuất nên họ chẳng nhận ra đầy đủ thần tính trong nhân tính. Nhưng sau khi được Đức Thánh Linh soi sáng, họ thật sự mong gặp lại Ngài, và được ngồi dưới chân Ngài. Họ nóng lòng đến với Ngài để Ngài giải thích những đoạn Kinh Thánh mà họ không hiểu nổi. Khi đó họ sẽ chăm chú lắng nghe lời của Ngài. Đấng Cứu Thế ngụ ý gì khi phán rằng: “ Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi.” (Giăng 16: 12). Họ nóng lòng muốn biết tất cả. Họ buồn bã khi thấy niềm tin của mình quá yếu ớt, ý nghĩ của họ thì xa rời mục tiêu, và họ không hiểu tình hình thực tế. CCC2 210.2

Một sứ giả đã được Đức Chúa Trời gửi đến để loan báo việc Đấng Cứu Thế đến, để kêu gọi dân tộc Giu-đa và thiên hạ chú ý tới sứ mạng của Ngài, để loài người có thể chuẩn bị tiếp rước Ngài. Nhân vật lạ lùng mà Giăng đã loan báo ở giữa họ hơn ba mươi năm mà họ vẫn không biết rằng Ngài là Đấng Đức Chúa Trời gửi đến. Các môn đồ hối hận vì đã để cho lòng vô tín đương thời nảy nở và che kín sự hiểu biết của họ. Sự Sáng của thế gian tăm tối đã soi rạng giữa đêm đen và họ đã không hiểu tia sáng ấy từ đâu phát ra. Họ đã tự hỏi không biết tại sao mình lại tham gia vào một lớp huấn luyện để rồi bị Đấng Cứu Thế khiển trách. Lúc này họ thường nhắc lại các cuộc chuyện trò với Ngài, và nói: Tại sao chúng ta lại để cho những suy nghĩ trần tục, và sự chống đối của các thầy tế lễ, cùng các thầy thông giáo làm lung lạc ý thức của chúng ta, đến độ chúng ta không hiểu Đấng lớn hơn cả Môi-se đã ở giữa chúng ta, Đấng khôn ngoan hơn cả Sa-lô-môn đã dạy dỗ chúng ta? Họ tự trách: Tai chúng ta mới nghễnh ngãng làm sao! Đầu óc chúng ta mới chậm hiểu làm sao! CCC2 210.3

Thô-ma đã không muốn tin cho tới khi nào ông đặt được ngón tay vào vết thương do binh lính La-mã gây ra trên cơ thể Ngài. Phi-e-rơ đã chối Ngài khi Ngài bị hạ nhục và bị khước từ. Những ký ức đau buồn ấy cứ lần lượt hiện ra rõ ràng trước mắt họ. Họ ở với Ngài, nhưng họ không biết, cũng không nhận ra Ngài. Đến bây giờ khi họ nhận ra sự vô tín của mình, các sự việc này mới thật sự lay động lòng họ. CCC2 211.1

Khi các thầy tế lễ và các thầy thông giáo cấu kết với nhau đặng chống lại những kẻ đi theo Đấng Cứu Thế, dẫn họ tới trước tòa công luận và họ bị tống giam, họ hớn hở vì “ mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì Danh Đức Chúa Giê-su.” (Công-vụ Các Sứ-đồ 5: 41). Họ hớn hở làm chứng, trước mặt loài người và các thiên sứ, họ đã nhận ra sự vinh hiển của Đấng Cứu Thế và chấp nhận đi theo Ngài dù phải bỏ hết mọi sự. CCC2 211.2

Thời đại này cũng như thời các sứ đồ, nếu không có sự soi sáng của Đức Thánh Linh, nhân loại không thể nào nhận ra sự vinh hiển của Đấng Cứu Thế. Bất cứ một đạo giáo nào mà yêu mến và thỏa hiệp với thế gian thì không thể nhận ra Lẽ Thật và công việc của Đức Chúa Trời. Không thể tìm thấy những người đi theo Vị Thầy Vĩ Đại trên con đường khoảng khoát, của sự tìm kiếm danh vọng trần thế, cùng với sự đồng hóa theo thế gian. Mà họ ở cách tận xa, trên những con đường vất vả, nhục nhã, bị sỉ vả, ở ngay tiền tuyến để chiến đấu chống lại “cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối này, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.” (Ê-phê-sô 6:12). Vào thời đại này, cũng như vào thời Đấng Cứu Thế, họ cũng bị xuyên tạc, quở trách và áp bức bởi các thầy tế lễ và những người Pha-ri-si đương thời. CCC2 211.3

Nước Đức Chúa Trời không đến cách rõ ràng. Tin lành về ân điển của Đức Chúa Trời, với tinh thần từ bỏ chính mình, không bao giờ có thể hòa hợp với tinh thần thế gian. Hai nguyên tắc luôn đối chọi nhau. “ Người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức CCC2 211.4

Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.” (I Cô-rinh-tô 2:14). CCC2 212.1

Ngày nay, trong giới tôn giáo, có nhiều người nghĩ rằng mình đang ra công thiết lập nước Đấng Cứu Thế như một nước thế gian, họ ao ước biến Chúa chúng ta thành người cai trị các vương quốc của thế gian này, biến Ngài thành người cai trị giữa các triều đình và doanh trại, giữa bộ máy chính quyền, giữa các lâu đài và chợ búa. Họ chờ đợi Ngài tới cai trị bằng những luật pháp được ban hành, được củng cố bởi thẩm quyền của con người. Bởi vì đích thân Đấng Cứu Thế giờ đây không có mặt, nên họ sẽ tự mình hành động thay Ngài, và tự mình thi hành luật pháp của nước Ngài. Việc thiết lập một nước như thế là điều người Giu-đa đã mong muốn vào thời Đấng Cứu Thế. Họ đã có thể tiếp nhận Đức Chúa Giê-su, nếu như Ngài bằng lòng thiết lập một nước trần gian, củng cố điều mà họ coi như luật pháp Đức Chúa Trời, để biến họ thành những kẻ giảng dạy ý muốn của Ngài và những người đại diện cho uy quyền của Ngài. Nhưng Ngài đã phán: “ Nước của Ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy.” (Giăng 18: 36). Ngài không muốn nhận ngai trần thế. CCC2 212.2

Đức Chúa Giê-su đã sống dưới sự cai trị của một chính quyền thối nát — đầy áp bức; chỗ nào cũng có sự lộng hành trắng trợn, tống tiền, tàn bạo, không bao dung. Nhưng Đấng Cứu Thế không tìm cách thực hiện những cuộc cải tổ xã hội. Ngài không tấn công sự lộng hành trên bình diện dân tộc, cũng không lên án các kẻ thù của quốc gia. Ngài không đụng chạm đến quyền hành cũng như việc cai trị của những kẻ đang cầm quyền. Đấng vốn là gương mẫu của chúng ta đã giữ khoảng cách với nhà cầm quyền thế gian. Không phải vì Ngài thờ ơ với những nỗi thống khổ của con người, mà bởi vì phương thuốc không chỉ nằm trong con người và những biện pháp bên ngoài. Để có hiệu lực, từng con người phải được chữa lành, và tấm lòng phải được đổi mới. Không phải những biểu quyết của triều đình, của quốc hội, của hội đồng, hay sự bảo trợ của những con người vĩ đại thuộc thế gian này mà chính cách ghi sâu bản thể của Đấng Cứu Thế trên con người qua công việc của Đức Thánh Linh đã thiết lập nước Đấng Cứu Thế. “ Hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin Danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy.” (Giăng 1:12, 13). Đây là quyền năng duy nhất có thể nâng nhân loại lên. Và phương tiện con người hoàn thành công việc này là rao giảng và thực hành Lời của Đức Chúa Trời. CCC2 212.3

Khi sứ đồ Phao-lô bắt đầu chức vụ tại thành Cô-rinh-tô, một thành đông dân, giàu có, và đồi bại, bị ô nhiễm bởi những thói quen không tên tuổi của học thuyết ngoại đạo, ông nói: “Tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Giê-su-Christ, và Đức Chúa Giê-suChrist bị đóng đinh trên cây thập tự.” (I Cô-rinh-tô 2: 2). Sau đó, ông viết cho vài người trong số những kẻ đã bị sa vào những tội kinh tởm nhất như vầy: “ Nhân Danh Đức Chúa Giê-su-Christ, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi.” “Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Giê-su-Christ.” (I Cô-rinh-tô 6:11; 1:4). CCC2 212.4

Giờ đây, cũng như vào thời Đấng Cứu Thế, công việc nước Đức Chúa Trời không hề là công việc của những kẻ đang ồn ào cầu xin sự nhìn nhận và nâng đỡ của những kẻ cai trị trần thế cũng như luật pháp con người, mà là công việc của những người đang công bố với dân chúng nhân Danh Ngài những Lẽ Thật thiêng liêng sẽ đem lại cho người nhận kinh nghiệm của Phao-lô: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi.” (Ga-la-ti 2: 20). Khi ầy họ sẽ làm việc như Phao-lô vì lợi ích của loài người. Ông nói: “ Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân Danh Đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.” (II Cô-rinh-tô 5: 20). CCC2 213.1