CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 2
Chương 41—cuộc KHỦNG HOẢNG TẠI GA-LI-LÊ
Dựa theo sách Giăng 6:22-71
Khi không để cho dân chúng tôn mình làm vua, Đấng Cứu Thế biết rằng Ngài đã tới một khúc quanh trong cuộc đời tại thế của mình. Đoàn dân đông hôm nay muốn đưa Ngài lên ngai, ngày mai sẽ quay lưng lại với Ngài. Sự thất vọng trong tham vọng ích kỷ của họ sẽ biến tình yêu thành hận thù, những lời ca tụng thành những lời báng bổ. Tuy biết vậy, Ngài vẫn không dùng biện pháp nào để ngăn ngừa sự hoang mang. Ngay từ đầu, Ngài đã không đưa ra cho các kẻ theo Ngài hi vọng về những phần thưởng thế gian. Ngài đã nói với một kẻ tìm đến Ngài với mong muốn được làm môn đồ rằng: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu.” (Ma-thi-ơ 8:20). Nếu người ta có thể vừa có thế gian, vừa có Đấng Cứu Thế, đoàn dân đông sẽ nguyện trung thành với Ngài; nhưng Ngài lại không thể nhận một sự hầu việc như vậy. Trong số những người giờ đây còn gắn bó với Ngài, có nhiều người đã bị lôi cuốn bởi hi vọng về nước thế gian. Đức Chúa Giê-su không thể để những kẻ đó bị lừa bịp. Người ta đã không hiểu được bài học tinh thần sâu sắc trong phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ngài cần phải làm rõ bài học này. Mặc khải mới này sẽ dẫn đến cơn thử thách cam go hơn. CCC2 89.1
Phép lạ hóa bánh đã được loan đi khắp xa gần, và từ sáng sớm, dân chúng đã kéo tới Bết-sai-đa để xem Đức Chúa Giê-su. Có rất đông người kéo tới, bằng đường bộ và đường biển. Những người đã bỏ Ngài đêm trước nay cũng quay lại, họ hi vọng tìm thấy Ngài; bởi vì ở đó không có thuyền để đưa Ngài sang bờ bên kia. Nhưng cuộc tìm kiếm của họ không đem lại kết quả gì, tuy vậy vẫn có nhiều người đến Ca-bê-na-um để tìm Ngài. Trong khi đó, Ngài đã tới Ghê-nê-xa-rết sau một ngày vắng mặt. Vừa được biết là Ngài đã lên bờ, dân chúng “chạy khắp cả miền đó, khiêng những người đau nằm trên giường, hễ nghe Ngài ở đâu thì đem đến đó.” (Mác 6:55). CCC2 89.2
Sau một thời gian, Ngài tới nhà hội và những người đã đến từ Bết-saiđa tìm thấy Ngài ở đó. Họ được nghe tường thuật lại mọi chuyện, nào là: Thể nào các môn đồ đã vượt biển. Cơn bão dữ dội, nhiều giờ chèo chống ngược gió nhưng vô hiệu, rồi Đấng Cứu Thế xuất hiện và bước đi trên mặt nước, mọi người sợ hãi, những lời trấn an của Ngài, cuộc phiêu lưu của Phi-e-rơ cùng với kết quả của cuộc phiêu lưu đó, bão tố bất thình lình im bặt và con thuyền cập bờ, tất cả đều đã được mô tả một cách đầy lòng tin tưởng cho đám đông đang hả hoác miệng vì kinh ngạc. Tuy nhiên, họ không bằng lòng với những gì họ được nghe kể đó, nhiều người đã xúm lại quanh Đức Chúa Giê-su và hỏi Ngài:” Lạy Thầy, Thầy đến đây bao giờ?”. Họ hi vọng nhận được từ chính miệng Ngài một lời tường thuật chi tiết hơn về phép lạ. CCC2 90.1
Đức Chúa Giê-su đã không thỏa mãn óc tò mò của họ. Ngài buồn rầu phán: “Các ngươi tìm Ta chẳng phải vì đã thấy mây phép lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được no”. Họ đã không tìm kiếm Ngài vì một nguyên do chính đáng nào khác; nhưng vì họ đã được ăn bánh lúa mạch, nên họ hi vọng sẽ tiếp tục được nhận những lợi ích vật chất khi bám theo Ngài. Chúa Cứu Thế bảo họ: “Hãy làm việc, chớ vì đồ ăn hay hư nát, nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời”. Hãy tìm kiếm đừng chỉ vì lợi ích vật chất. Nỗ lực không phải cốt chỉ để lo liệu cho cuộc sống bây giờ, mà hãy tìm linh lương, tìm cả sự khôn ngoan sẽ tồn tại trong cuộc sống đời đời. Điều này, chỉ một mình Con Đức Chúa Trời mới có thể ban cho; “Vì ấy là Con, mà Cha, tức là chính Đức Chúa Trời đã ghi ấn tín của mình”. CCC2 90.2
Sự quan tâm của người nghe được đánh thức trong chốc lát. Họ kêu lên: “Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc Đức Chúa Trời?”. Họ đã làm nhiều công việc nặng nhọc để gửi gắm mình cho Đức Chúa Trời; và họ sẵn sàng nghe bất cứ luật lệ mới nào mà nhờ đó họ có thể có được công trạng lớn hơn. Câu hỏi của họ có nghĩa là: Chúng tôi sẽ phải làm gì để xứng đáng với thiên đàng? Cái giá chúng tôi phải trả để có được sự sống đời sau là gì? CCC2 90.3
“Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Các ngươi tin Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài”. Cái giá của thiên đàng là Đức Chúa Giê-su. Con đường tới thiên đàng là qua đức tin nơi “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.’ (Giăng 1:29). Nhưng dân chúng đã không chọn tiếp nhận khẳng định này là Lẽ Thật của Chúa. Đức Chúa Giê-su đã làm công việc mà các lời tiên tri đã báo trước rằng Đấng Mêsi sẽ làm; tuy nhiên, họ không chịu thừa nhận những việc bởi lòng tham vọng ích kỷ của họ đã vẽ ra và công nhận đó chính là sự cáo trách của Ngài dành cho họ. Quả thật, Đấng Cứu Thế đã có lần nuôi đám đông bằng bánh mạch nha, nhưng trong thời Môi-se, Y-sơ-ra-ên đã được nuôi bằng ma-na trong bốn mươi năm, và người ta chờ đợi những ơn phước lớn hơn gấp bội từ Đấng Mê-si. Lòng bất mãn của họ đã nêu câu hỏi: Nếu Đức Chúa Giê-su có thể làm nhiều công việc lạ lùng như họ đã được chứng kiến, tại sao Ngài lại không ban sức khỏe, sức mạnh và của cải cho dân sự Ngài? Tại sao Ngài không giải thoát họ khỏi các kẻ áp bức và đem lại cho họ danh lợi cộng với quyền lực? Mặc dù tuyên bố mình là Đấng được Đức Chúa Trời sai đến, nhưng Đức Chúa Giê-su lại từ chối làm vua Y-sơ-ra-ên, đó quả là một lẽ mầu nhiệm họ không thể dò thâu. Việc Ngài từ chối làm vua Y-sơra-ên đã bị xuyên tạc. Nhiều người kết luận rằng Ngài không dám khẳng định những lời mình tuyên bố bởi vì chính Ngài cũng hoài nghi về thần tính của sứ mạng Ngài. Như vậy, họ đã mở lòng mình ra cho sự vô tín, và bởi đó mầm mống mà Sa-tan gieo đã nở hoa kết trái theo loại của nó, trong sự hiểu biết lầm lạc và bội đạo. CCC2 90.4
Lúc này, một thầy thông giáo hỏi, giọng như giễu cợt: “Thế thì Thầy làm phép lạ gì, để cho chúng tôi thấy và tin? Thầy làm công việc gì? Tổ phụ chúng ta đã ăn ma-na trong đồng vắng, theo như lời chép rằng: Ngài đã ban cho họ ăn bánh từ trên trời xuống”. CCC2 91.1
Dân Giu-đa tôn vinh Môi-se với tư cách là người ban ma-na, họ đã dành lời tôn vinh cho công cụ được Đức Chúa Trời sử dụng, mà quên mất Đấng khiến công việc được hoàn tất. Cha ông họ đã lằm bằm chống lại Môi-se, đã nghi ngờ và chối bỏ chức vụ thánh của Môi-se. Giờ đây, cũng trong tinh thần ấy, hậu tự của họ lại khước từ Đấng mang sứ điệp của Đức Chúa Trời tới cho họ. “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, Môi-se chưa hề cho các ngươi bánh từ trên trời đâu”. Đấng ban ma-na đang ở giữa họ. Đó chính là Đấng Cứu Thế, Đấng đã dẫn dắt dân Hê-bơ-rơ qua đồng vắng và đã nuôi họ hằng ngày bằng bánh từ trời. Đồ ăn ấy là một hình ảnh tượng trưng về bánh đích thực đến từ trời. Đức Thánh Linh ban sự sống tuôn trào từ sự đầy tràn vô hạn của Đức Chúa Trời, đó mới chính là ma-na đích thực. Đức Chúa Giê-su phán: “Bởi chưng bánh Đức Chúa Trời là bánh từ trên trời giáng xuống, ban sự sống cho thế gian”. Một số người nghe Ngài vẫn còn nghĩ rằng Đức Chúa Giê-su ngầm nói đến đồ ăn thế gian, nên kêu lên: “Lạy Chúa, xin ban bánh đó cho chúng tôi luôn luôn!” Khi ấy, Đức Chúa Giê-su nói một cách giản dị: “Ta là bánh của sự sống”. CCC2 91.2
Hình ảnh Đức Chúa Giê-su dùng là một hình ảnh quen thuộc đối với người Giu-đa. Môi-se bởi sự cảm động của Đức Thánh Linh mà nói rằng: “Loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi Lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra”. Và tiên tri Giê-rê-mi đã viết: “Tôi vừa nghe những Lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; Lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy.” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3; Giê-rê-mi 15:16). Các thầy thông giáo cũng có một câu nói là ăn bánh, trong ý nghĩa thiêng liêng, là tìm hiểu luật pháp và làm việc lành; và người ta cũng thường nói rằng vào lúc Đấng Mê-si đến, cả Y-sơ-ra-ên đều sẽ được no nê. Lời dạy của các tiên tri cho thấy rõ bài học thiêng liêng sâu sắc của phép lạ hóa bánh. Đấng Cứu Thế đã hết sức khéo léo triển khai bài học này cho những người nghe Ngài tại nhà hội. Nếu họ hiểu Kinh Thánh, họ sẽ hiểu được những lời này: “Ta là bánh của sự sống”. Mới hôm trước, đoàn dân đông đang lúc mệt mỏi và đói lả, đã được nuôi dưỡng bằng bánh Ngài ban cho. Từ những cái bánh đó, họ đã tiếp nhận sức mạnh thể chất. Cũng vậy, từ Đấng Cứu Thế, họ có thể nhận được sức mạnh thiêng liêng cho sự sống đời đời. Ngài phán: “Ai đến cùng Ta chẳng hề đói, và ai tin Ta chẳng hề khát”. Nhưng Ngài cũng nói thêm: “Các ngươi đã thấy Ta, mà chẳng tin”. CCC2 91.3
Họ đã thấy Đấng Cứu Thế nhờ chứng cớ của Đức Thánh Linh, bằng sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho linh hồn họ. Những chứng cớ sống động về quyền năng của Ngài bày ra trước mắt họ hằng ngày, mà họ vẫn đòi một dấu khác. Nhưng dấu khác ấy dù có được ban cho, thì họ cũng vẫn sẽ tiếp tục không tin như trước đây. Nếu họ không được thuyết phục bởi điều họ đã thấy và nghe, thì chẳng ích lợi gì khi cho họ thấy thêm những việc lạ lùng khác. Lòng vô tín sẽ luôn tìm lý do để bào chữa cho sự nghi ngờ, và bác bỏ chứng cớ xác thực nhất. CCC2 92.1
Một lần nữa, Đức Chúa Giê-su kêu gọi những tấm lòng bướng bỉnh ấy: “Kẻ đến cùng Ta thì Ta không bỏ ra ngoài đâu”. Tất cả những ai tin tưởng tiếp nhận Ngài, Ngài hứa sẽ ban cho họ có được sự sống đời đời. Không ai bị hư mất cả. Người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê chẳng cần phải tranh cãi về sự sống lại. Loài người cũng chẳng cần phải khóc thương người quá cố trong tuyệt vọng. “Vả, ý muốn của Đấng đã sai Ta đến, là hễ sự gì Ngài đã ban cho Ta, thì Ta chớ làm mất, nhưng Ta phải làm cho sống lại nơi ngày sau rốt”. CCC2 92.2
Nhưng những bậc lãnh đạo trong dân chúng cảm thấy bực mình, họ nói: “Ây chẳng phải là Giê-su, con của Giô-sép, mà chúng ta đều biết cha mẹ người chăng? Vậy, thể nào người nói được rằng: Ta đã từ trên trời mà xuống?” Họ cố gắng khơi dậy lòng thành kiến bằng việc đưa ra những lời ám chỉ cách khinh miệt đến hoàn cảnh xuất thân bần hàn của Đức Chúa Giê-su. Họ nói bóng nói gió tới cuộc đời một người lao động ở Ga-li-lê, và tới gia đình của Ngài vốn là một gia đình nghèo khổ, thấp hèn. Họ nói rằng những lời xác nhận của bác thợ mộc thất học này không đáng lưu tâm. Họ xuyên tạc câu chuyện giáng sanh kỳ diệu của Ngài bằng cách ngấm ngầm làm cho người ta hiểu rằng Ngài có lai lịch không rõ ràng, do đó họ trình bày biến cố Ngài được sinh ra như một vết nhơ trong lý lịch của Ngài. CCC2 92.3
Đức Chúa Giê-su không tìm cách giải thích sự huyền bí của biến cố Ngài giáng sanh. Ngài không trả lời các thắc mắc về việc Ngài đã đến từ trời, cũng không trả lời cho những câu hỏi liên quan đến việc Ngài vượt biển. Ngài không lôi kéo người ta chú ý đến những phép lạ đã đánh dấu cuộc đời Ngài. Ngài tự biến mình thành người không có tiếng tăm và Ngài mang lấy hình thể một kẻ tôi tớ. Dầu vậy, lời nói và việc làm của Ngài bày tỏ tánh hạnh của Ngài. Tất cả những ai mở lòng mình ra cho ánh sáng của Đức Chúa Trời đều sẽ nhận ra Ngài là “Con một đến từ nơi Cha,” đầy ân điển và Lẽ Thật. (Giăng 1:14). CCC2 92.4
Thành kiến của người Pha-ri-si còn nặng nề hơn cả những câu hỏi của họ; nó cắm rễ sâu trong mảnh đất lòng cứng cỏi. Bất cứ lời nói hay cử chỉ nào của Đức Chúa Giê-su đều khơi dậy sự chống đối nơi họ; bởi vì tinh thần họ đeo đuổi không tìm thấy sự đồng cảm trong Đấng Mê-si. CCC2 93.1
“Ví bằng Cha, là Đấng sai Ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng Ta, và ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau rốt. Các sách tiên tri có chép rằng: Ai nấy đều sẽ được Đức Chúa Trời dạy dỗ. Hễ ai đã nghe Cha và học theo Ngài thì đến cùng Ta”. Không ai đến cùng Đấng Cứu Thế, trừ những kẻ đáp lại sự lôi cuốn của tình yêu nơi Cha. Nhưng Đức Chúa Trời đang kéo mọi linh hồn đến với Ngài và chỉ những kẻ cưỡng lại sức hút của Ngài mới từ chối đến cùng Đấng Cứu Thế. CCC2 93.2
Trong câu “Ai nấy đều sẽ được Đức Chúa Trời dạy dỗ,” Đức Chúa Giê-su có ngụ ý đến lời tiên tri của Ê-sai: “Hết thảy con cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, và sự bình an của con cái ngươi sẽ lớn.” (Ê-sai 54:13). Lời Kinh Thánh này người Giu-đa đã áp dụng riêng cho họ. Họ khoác lác rằng Đức Chúa Trời là Thầy dạy họ. Nhưng Đức Chúa Giê-su tỏ cho thấy rằng khẳng định đó của họ thật yếu ớt, bởi vì có lời Ngài phán rằng: “Hễ ai đã nghe Cha và học theo Ngài thì đến cùng Ta”. Chỉ nhờ Đấng Cứu Thế, họ mới có thể hiểu biết về Cha. Những sự thuộc về xác thịt không thể đứng vững trước vinh quang của Ngài. Những kẻ đã học về Đức Chúa Trời sẽ nghe tiếng Con Ngài, và trong Đức Chúa Giê-su Na-xa-rét, họ sẽ nhận Đấng mà qua thiên nhiên và sự mặc khải đã tuyên bố là Cha. CCC2 93.3
“Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời”. Qua môn đồ Giăng, là người được Chúa yêu, ông đã nghe những lời trên. Đức Thánh Linh nói với các Hội Thánh: “Chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống.” (I Giăng 5:11,12). Và Đức Chúa Giê-su phán: “Ta sẽ làm cho kẻ đó sống lại nơi ngày sau rốt”. Đấng Cứu Thế hiệp một với chúng ta trong thân xác để chúng ta hiệp một với Ngài trong tâm linh. Chính bởi sức mạnh của sự kết hiệp này mà chúng ta được trỗi dậy khỏi mồ mả, không chỉ như một sự biểu hiện quyền năng Đấng Cứu Thế, mà bởi vì qua đức tin, sự sống của Ngài trở thành sự sống của chúng ta. Những kẻ được thấy Đấng Cứu Thế với tư cách đích thực của Ngài, và tiếp nhận Ngài vào lòng, sẽ có được sự sống đời đời. Chính nhờ Đức Thánh Linh mà Đấng Cứu Thế ở trong chúng ta. Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, được tiếp nhận bởi đức tin, là khởi đầu của sự sống đời đời. CCC2 93.4
Dân chúng đã nhắc nhở Đấng Cứu Thế về ma-na mà cha ông họ đã ăn trong đồng vắng, và họ coi việc cung cấp ma-na như một phép lạ lớn hơn phép lạ Đức Chúa Giê-su đã làm. Nhưng Ngài cho thấy ơn phước đó thật chẳng đáng chi khi đem so sánh với những phước lành Ngài đến để ban phát. Ma-na chỉ có thể nâng đỡ cuộc sống ở trần thế này; nhưng không ngăn cản được cái chết, cũng không cho người ta sự không hay chết. Song, bánh từ trời sẽ nuôi dưỡng linh hồn cho sự sống đời đời. Chúa Cứu Thế đã phán: “Ta là bánh của sự sống. Tổ phụ các ngươi đã ăn ma-na trong đồng vắng, rồi cũng chết. Đây là bánh từ trời xuống, hầu cho ai ăn chẳng hề chết. Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng”. Đấng Cứu Thế lúc này có thêm một hình ảnh khác. Chỉ thông qua cái chết Ngài mới có thể ban sự sống cho con người, và trong những lời tiếp theo, Ngài ngầm nói đến cái chết của mình như phương cách cứu rỗi, “Bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt Ta”. CCC2 94.1
Người Giu-đa sắp mừng lễ vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem, để tưởng nhớ đêm dân Y-sơ-ra-ên được giải phóng, khi thiên sứ hủy diệt trừng phạt các gia đình người Ê-díp-tô. Qua con sinh, Đức Chúa Trời muốn họ nhìn đến Chiên Con của Đức Chúa Trời, và qua hình bóng ấy, họ tiếp nhận Đấng nộp mình vì sự sống của thế gian. Nhưng người Giu-đa đã đi tới chỗ coi hình bóng là quan trọng nhất, trong khi lại không chú ý tới ý nghĩa của nó. Họ không nhận ra thân thể của Chúa. Các Lời của Đấng Cứu Thế chứa đựng chính Lẽ Thật tiêu biểu trong nghi lễ vượt Qua. Nhưng Lẽ Thật ấy vẫn không được nhận ra. CCC2 94.2
Lúc này, các thầy thông giáo tức giận la lên: “Lẽ nào người này lấy thịt mình cho chúng ta ăn sao?”. Họ giả bộ hiểu Lời của Ngài theo nghĩa đen như Ni-cô-đem lúc ông hỏi rằng: “Người đã già thì sanh lại làm sao được?” (Giăng 3:4). Trong chừng mực nào đó, họ hiểu ý nghĩa sứ mạng của Đức Chúa Giê-su, nhưng họ không muốn biết đến ý nghĩa đó. Bằng cách cố tình hiểu sai Lời Ngài, họ hi vọng làm cho dân chúng có thành kiến đối với Đức Chúa Giê-su. CCC2 94.3
Đấng Cứu Thế không hạ thấp ý nghĩa hình bóng về Ngài. Ngài lặp lại Lẽ Thật với ngôn ngữ còn mạnh mẽ hơn nữa: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết Ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, Ta sẽ khiến người đó sống lại. Vì thịt Ta thật là đồ ăn, huyết Ta thật là đồ uống. Người nào ăn thịt Ta và uống huyết Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong người”. CCC2 94.4
Ăn thịt và uống huyết Đấng Cứu Thế là tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình, tin rằng Ngài tha thứ tội lỗi, và chúng ta hoàn toàn ở trong Ngài. Chính vì nhìn thấy tình yêu của Ngài, vì ở trong tình yêu ấy, uống trong tình yêu ấy mà chúng ta được trở nên những kẻ dự phần vào bản thể Ngài. Đồ ăn quan trọng đối với cơ thể thế nào thì Đấng Cứu Thế cũng phải quan trọng đối với linh hồn thể ấy. Đồ ăn sẽ chẳng ích lợi gì nếu chúng ta không thèm ăn, và chẳng ích lợi gì nếu đồ ăn không trở thành một phần của con người chúng ta. Cũng vậy, Đấng Cứu Thế sẽ chẳng có giá trị gì nếu chúng ta không biết Ngài là Chúa Cứu Thế của mình. Sự hiểu biết lý thuyết không giúp ích gì cho chúng ta cả. Chúng ta phải được nuôi dưỡng trong Ngài, tiếp nhận Ngài vào lòng để sự sống của Ngài trở thành sự sống của chúng ta. Chúng ta phải dầm thấm trong tình yêu và ân điển của Ngài. CCC2 94.5
Nhưng cả các hình ảnh này cũng không diễn tả cho hết đặc ân về mối quan hệ giữa người tin với Đấng Cứu Thế. Đức Chúa Giê-su đã phán: “Như Cha, là Đấng hằng sống, đã sai Ta đến, và Ta sống bởi Cha; cũng một thể ấy, người nào ăn Ta, sẽ sống bởi Ta vậy”. Con Đức Chúa Trời đã sống bởi đức tin nơi Cha, cũng vậy, chúng ta phải sống bằng đức tin nơi Đấng Cứu Thế. Đức Chúa Giê-su đã hoàn toàn thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời đến độ chỉ có Cha hiện diện trong cuộc sống của Ngài mà thôi. Mặc dù bị cám dỗ về mọi mặt như chúng ta, Ngài vẫn đứng trước thế gian và không bị lây nhiễm những thói hư tật xấu vây quanh Ngài. Do đó, chúng ta cũng phải đắc thắng giống như Đấng Cứu Thế. CCC2 95.1
Bạn là một người theo Đấng Cứu Thế phải không? Vậy, tất cả những gì được viết liên quan đến đời sống thuộc linh là dành cho bạn, và mọi sự có thể đạt được đều nhờ sự gắn bó giữa chính bản thân bạn với Đức Chúa Giêsu. Lòng nhiệt thành của bạn đang dần vơi đi chăng? Tình yêu ban đầu của bạn đã nguội lạnh chăng? Bạn hãy tiếp nhận lần nữa tình yêu hiến dâng của Đấng Cứu Thế. Hãy ăn thịt, uống huyết của Ngài, và bạn sẽ trở nên một với Cha và Con. CCC2 95.2
Những người Giu-đa vô tín không chịu hiểu lời nói của Đấng Cứu Thế theo một nghĩa nào khác ngoại trừ nghĩa đen. Luật nghi lễ cấm họ dùng huyết, lúc ấy, họ phân tích ngôn ngữ của Đấng Cứu Thế thành một lời lộng ngôn, và rồi họ tranh luận với nhau. Trong số đó có cả các môn đồ, họ nói rằng: “Lời nầy thật khó; ai nghe được?” Cứu Chúa đáp lời họ: “Điều đó xui các ngươi vấp phạm sao? Vậy, nếu các ngươi thấy Con người lên nơi Ngài vốn ở khi trước thì thể nào? Ấy là thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những Lời Ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống”. CCC2 95.3
Sự sống mà Đấng Cứu Thế ban cho thế gian ở trong Lời của Ngài. Chính bởi Lời ấy mà Đức Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh tật và đánh đuổi ma quỷ; Ngài đã ra lệnh cho biển yên lặng, làm kẻ chết sống lại bởi Lời của Ngài; và dân chúng làm chứng rằng Lời của Ngài có đầy uy quyền. Ngài đã nói Lời của Đức Chúa Trời, cũng như Ngài đã nói qua tất cả các đấng tiên tri và các thầy dạy luật thời Cựu Ước. Cả Kinh Thánh bày tỏ Đấng Cứu Thế, và Cứu Chúa muốn gắn chặt đức tin của những kẻ theo Ngài vào Lời. Khi Ngài đã được cất lên với Cha, họ không còn xem thấy Ngài bằng mắt thường nữa, thì Lời phải là nguồn sức mạnh của họ. Giống như Thầy mình, họ phải sống bằng “mọi Lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4:4). CCC2 95.4
Sự sống thuộc thể của chúng ta được duy trì bằng thức ăn, cũng một thể ấy, sự sống thuộc linh phải được duy trì bởi Lời của Đức Chúa Trời. Mọi linh hồn phải tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời cho chính mình. Chúng ta phải ăn uống để tiếp nhận chất dinh dưỡng cho mình, cũng vậy, chúng ta phải tiếp nhận Lời cho chính chúng ta. Chúng ta không được tiếp nhận chỉ qua một người trung gian. Chúng ta phải chuyên tâm tìm hiểu Kinh Thánh, cầu xin Đức Chúa Trời ban Đức Thánh Linh để giúp mình hiểu Lời của Ngài. Chúng ta đọc một câu, tập trung tâm trí để xác định ý nghĩa Đức Chúa Trời đặt trong câu đó cho mình. Chúng ta phải cột chặt ý nghĩa đó với đời sống cho tới khi nó trở thành của mình, và hiểu biết điều Đức Chúa Trời muốn nói. CCC2 96.1
Trong những lời hứa và cảnh báo, Đức Chúa Giê-su nhắm vào tôi. Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để tôi bởi tin vào Ngài, không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Những kinh nghiệm được ghi lại trong Lời của Đức Chúa Trời phải là những kinh nghiệm của tôi. Lời cầu xin và lời hứa, luật pháp và lời cảnh báo, đều dành cho tôi cả. “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Cứu Thế, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20). Khi đức tin tiếp nhận và thấm nhuần các nguyên tắc Lẽ Thật như thế, chúng sẽ trở thành một phần của thực thể và động lực sự sống. Lời của Đức Chúa Trời được tiếp nhận trong linh hồn, nung đúc tư tưởng và đi sâu vào sự phát triển nhân cách. CCC2 96.2
Nhờ luôn nhìn xem Đức Chúa Giê-su với cặp mắt đức tin, chúng ta sẽ được thêm sức. Đức Chúa Trời sẽ ban những mặc khải quý báu nhất cho dân sự đang đói khát của Ngài. Họ sẽ thấy rằng Đấng Cứu Thế là Cứu Chúa của mình. Khi được nuôi dưỡng bằng Lời Ngài, họ thấy rằng đó là thần linh và sự sống. Lời tiêu diệt bản tính xác thịt, cây trồng và nuôi dưỡng một đời sống mới trong Đức Chúa Giê-su Cứu Thế. Đức Thánh Linh đến với mỗi linh hồn với tư cách là Đấng Yên Ủi. Bởi sức mạnh biến đổi của ân điển Ngài, hình ảnh Đức Chúa Trời được tái hiện qua các môn đồ, họ trở thành những tạo vật mới. Tình yêu thế chỗ cho hận thù, và tấm lòng trở nên giống Chúa. Đó là ý nghĩa của câu: Người ta sống “nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. Điều này xảy ra nhờ hành động ăn Bánh từ trời. CCC2 96.3
Đấng Cứu Thế đã trình bày Lẽ Thật thiêng liêng-Tiêu Chuẩn đời đời liên quan đến mối quan hệ giữa Ngài và các môn đồ. Ngài biết tâm tính của những kẻ xin được làm môn đồ Ngài, và Lời của Ngài đã thử thách đức tin của họ. Ngài tuyên bố họ phải tin và làm theo lời dạy dỗ của Ngài. Tất cả những ai tiếp nhận Ngài sẽ được dự phần vào bản thể của Ngài và trở nên hòa hợp với tánh hạnh của Ngài. Điều này đòi hỏi họ phải từ bỏ các tham vọng mình đeo đuổi. Nó đòi hỏi họ phải thuần phục Đức Chúa Giê-su cách triệt để. Họ được kêu gọi để trở nên hiền lành và khiêm nhường, biết hi sinh chính mình. Nếu họ muốn chia sẻ ơn phước sự sống và vinh hiển thiên thượng, thì họ phải đi trong đường hẹp mà Con người của Can-va-ri đã đi. CCC2 96.4
Cơn thử thách thật quá sức nặng nề. Sự hưng phấn của những kẻ đã tìm cách bắt ép Ngài và tôn Ngài làm vua đã không còn nữa. Sau một bài giảng tại nhà hội, họ tuyên bố rằng mình đã được mở mắt. Rằng giờ đây họ không còn bị lừa dối nữa. Trong tâm trí họ, lời lẽ của Đức Chúa Giê-su là một sự tự thú trực tiếp rằng Ngài không phải là Đấng Mê-si, và rằng sẽ chẳng có phần thưởng trần thế nào cho sự gắn bó với Ngài. Họ đã chào đón quyền năng làm phép lạ của Ngài; họ đã háo hức để được giải thoát khỏi bệnh tật và đau khổ, nhưng họ lại không muốn cảm thông với cuộc sống từ bỏ chính mình của Ngài. Họ chẳng màng tới nước thiêng liêng nhiệm màu mà Ngài đề cập. Những kẻ đã tìm kiếm Ngài, với lòng giả dối và ích kỷ, chẳng còn mặn mà với Ngài. Nếu Ngài không dùng quyền năng và ảnh hưởng của Ngài để giải thoát họ khỏi người La-mã, thì họ chẳng còn có gì để dính líu tới Ngài nữa. CCC2 97.1
Đức Chúa Giê-su đã nói với họ thật rõ ràng: “Song trong vòng các ngươi có kẻ không tin”. Ngài lại nói thêm: “Chính vì cớ đó, mà Ta đã nói cùng các ngươi rằng nếu Cha chẳng ban cho, thì chẳng ai tới cùng Ta được”. Ngài mong muốn họ hiểu rằng nếu họ không được kéo tới với Ngài, ấy là vì lòng họ đã không mở ra cho Đức Thánh Linh. “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.” (I Cô-rinh-tô 2:14). Chính nhờ đức tin mà linh hồn thấy được sự vinh hiển của Đức Chúa Giê-su. Sự vinh hiển ấy bị che khuất cho tới khi Đức Thánh Linh hành động, khiến đức tin được bừng sáng trong linh hồn. CCC2 97.2
Việc bị quở trách công khai về sự vô tín, các môn đồ lại càng xa cách Đức Chúa Giê-su. Họ bất mãn hết sức, nên họ muốn làm tổn thương Chúa Cứu Thế và tán đồng sự độc ác của người Pha-ri-si, họ quay lưng lại với Ngài, khinh miệt và rời bỏ Ngài. Họ có sự lựa chọn của riêng mình, sự lựa chọn chỉ có hình thức mà không có tinh thần, có vỏ mà không có nhân. Quyết định ấy của họ không bao giờ thay đổi được bởi vì họ không cùng bước đi với Đức Chúa Giê-su nữa. CCC2 97.3
“Tay Ngài cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình, và Ngài sẽ chứa lúa vào kho.” (Ma-thi-ơ 3:12). Đó là một trong những lần luyện lọc. Bởi Lời của Lẽ Thật mà kết quả là trâu bị tách khỏi hạt lúa. Bởi vì họ quá tự đắc và tự cho mình là công bình nên không thể chịu nổi sự cáo trách, vì quá yêu chuộng thế gian nên họ không thể chấp nhận một cuộc sống khiêm nhường, nhiều kẻ đã quay lưng lại với Đức Chúa Giê-su. Ngày nay vẫn còn nhiều kẻ cũng đang có thái độ như vậy. Ngày hôm nay, các linh hồn cũng được thử thách giống như các môn đồ tại nhà hội ở Ca-bê-na-um lúc xưa. Khi Lẽ Thật được đem vào trong linh hồn họ, họ thấy rằng đời sống của họ không phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời. Họ thấy nhu cầu phải thay đổi hoàn toàn trong chính bản thân mình. Nhưng họ lại không muốn từ bỏ chính mình. Do đó, họ tức giận khi tội lỗi mình bị phơi bày. Họ bỏ đi vì thấy mình bị xúc phạm, như chính các môn đồ đã bỏ Đức Chúa Giê-su mà đi, còn miệng thì lằm bằm: “Lời này thật khó; ai nghe được?”. CCC2 97.4
Những lời tán dương và nịnh hót sẽ làm khoái lỗ tai họ. Nhưng Lẽ Thật quả là khó chịu. Họ không tài nào nghe nổi. Khi đoàn dân đông đi theo Đức Chúa Giê-su và được ăn no nê, những tiếng hoan hô đắc thắng vang dội bên tai, họ nhiệt liệt ca ngợi Ngài; nhưng khi việc tìm kiếm Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời vạch tội họ, và truyền cho họ phải từ bỏ, thì họ quay lưng lại với Lẽ Thật, và không còn bước đi theo Đức Chúa Giê-su nữa. CCC2 98.1
Khi các môn đồ đầy lòng bất bình này lìa bỏ Đấng Cứu Thế mà đi, một linh khác đã chế ngự họ. Họ chẳng còn thấy điều gì hấp dẫn nơi Ngài dù đã có lần họ thấy từ Ngài có sức lôi cuốn thật kỳ diệu. Họ đi tìm các kẻ thù nghịch với Ngài, bởi vì họ thích hợp với tinh thần và việc làm của bọn họ. Họ bóp méo Lời Ngài, xuyên tạc khẳng định của Ngài, và công kích duyên cớ của Ngài. Họ chứng minh thái độ của mình bằng cách thu thập các chứng cớ có thể quay lại chống Đức Chúa Giê-su; và sự phẫn nộ ấy đã được khuây động bởi những lời tường thuật sai lạc khiến sự sống của Ngài bị đe dọa. Tin tức lan truyền một cách nhanh chóng rằng: Chính miệng Đức Chúa Giê-su người Na-xa-rét đã tự thú rằng Ngài không phải là Đấng Mê-si. Và do đó, ở Ga-li-lê, dân chúng đã quay lại chống đối Ngài hệt như năm trước tại Giu-đê. Thật đáng thương cho dân Y-sơ-ra-ên! Họ đã khước từ Cứu Chúa, bởi vì họ đã ao ước có một người có thể chinh phục các thế lực đang cai trị, và người này sẽ đem lại cho họ quyền lực trần gian. Họ ao ước đồ ăn hư nát mà không muốn đồ ăn đem lại sự sống đời đời. CCC2 98.2
Đức Chúa Giê-su đau đớn xót xa nhìn những kẻ từng là môn đồ của Ngài nay lìa bỏ Ngài, vốn là Sự Sống và Sự Sáng của loài người. Ngài nhìn thấy rằng lòng cảm thông của Ngài đã không được chấp nhận, tình thương yêu của Ngài đã không được đền đáp, lòng nhân từ của Ngài đã bị coi nhẹ, sự cứu rỗi của Ngài đã bị khước từ, lòng Ngài mang nặng một nỗi đau buồn không diễn tả nổi. Chính những diễn tiến như thế này đã biến Ngài thành một người khốn khổ, một người quen thuộc với đau buồn. CCC2 98.3
Đức Chúa Giê-su đã chẳng muốn nghĩ tới việc gọi lại những kẻ đã bỏ Ngài mà đi, Ngài quay lại mười hai sứ đồ và nói rằng: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”. Phi-e-rơ đáp lời Ngài bằng một câu hỏi: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những Lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin, và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời”. CCC2 98.4
“Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai?”. Các thầy dạy luật trong Y-sơ-ra-ên là những kẻ làm tôi mọi cho chủ nghĩa hình thức. Người Pha-ri-si và Sa-đusê luôn căng thẳng với nhau. Bỏ Đức Chúa Giê-su là rơi vào số những kẻ ủng hộ nghi lễ triệt để, và rơi vào số những con người tham vọng đang tim kiếm vinh hiển riêng cho mình. Từ khi nhìn nhận Đấng Cứu Thế, các môn đồ đã tìm thấy sự bình an và vui mừng hơn trong tất cả các năm tháng trước đây của họ. Làm sao họ lại có thể quay trở lại với những kẻ đã khinh miệt và bách hại Người Bạn của những kẻ có tội được? Họ đã nóng lòng chờ đợi Đấng Mê-si; giờ thì Ngài đã đến, và họ không thể bỏ Ngài để quay lại với những kẻ đang săn đuổi mạng sống Ngài và bách hại họ, vì họ đã trở thành những người đi theo Ngài. CCC2 98.5
“Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai?”. Không phải chỉ từ những lời giảng dạy của Đấng Cứu Thế, mà còn là chính từ những bài học thực tiễn về tình yêu thương và lòng nhân từ của Ngài lan tỏa tới khoảng sâu tối tăm của lòng vô tín và sự độc ác của thế gian. Trong khi nhiều người chứng kiến những công việc kỳ diệu của Cứu Chúa đã từ bỏ Ngài, thì Phi-e-rơ lại bày tỏ đức tin của các môn đồ: “Chúa là Đấng Cứu Thế”. Ý nghĩ bỏ mất nơi nương tựa này đã làm cho linh hồn họ đầy sợ hãi và đau khổ. Thiếu vắng Cứu Chúa có nghĩa là lênh đênh trên mặt biển tối đen, đầy sóng gió. CCC2 99.1
Nhiều lời nói và hành động của Đức Chúa Giê-su xem ra còn bí ẩn đối với những trí óc hạn hẹp, nhưng mỗi câu nói, mỗi hành động đều có chủ đích nhất định trong sứ mạng cứu rỗi chúng ta; tất cả đều được lượng định để tạo nên một hiệu quả lớn nhất. Nếu chúng ta có khả năng hiểu được ý muốn của Ngài, thì tất cả lời nói và hành động của Ngài sẽ trở nên quan trọng, trọn vẹn, và hòa hợp với sứ mạng của Ngài. CCC2 99.2
Dù không thể hiểu các công việc và đường lối của Đức Chúa Trời, chúng ta vẫn có thể nhận ra rằng: Tình yêu vĩ đại của Ngài là nền tảng cho tất cả các mối quan hệ của Ngài với loài người. Kẻ sống gần Đức Chúa Giê-su sẽ hiểu nhiều về lẽ mầu nhiệm trong đức tin. Người ấy sẽ nhận ra rằng chính lòng nhân từ đã khiển trách, thử thách tâm tính và soi sáng ý định trong lòng người. CCC2 99.3
Khi Đức Chúa Giê-su trình bày Lẽ Thật chuẩn mực được ban cho loài người đã khiến cho nhiều môn đồ trở lui, Ngài biết Lời Ngài sẽ dẫn đến những kết quả nào. Nhưng Ngài phải làm trọn ý định nhân từ. Ngài đã biết chắc rằng trong giờ phút cám dỗ, mỗi người trong số các môn đồ yêu dấu của Ngài đều sẽ bị thử thách nặng nề. Nỗi thống khổ của Ngài ở Ghết-sê-ma-nê, việc Ngài bị phản bội và bị đóng đinh vào thập tự giá sẽ là thử thách cam go nhất đối với họ. Trước đây không có thử thách nào như thế, nhiều thử thách vốn hoàn toàn do những động cơ ích kỷ đã gắn liền với họ. Khi Chúa họ bị lên án tại phòng xử án, khi đám đông vốn đã ước ao được tung hô Ngài làm vua của mình lại la ó và chửi rủa Ngài; khi đoàn dân cười nhạo và đòi “đóng đinh nó”, khi những tham vọng trần tục của họ không được thỏa mãn, những con người chỉ tìm kiếm tư dục cá nhân ấy bởi từ chối trung thành với Đức Chúa Giê-su mà đã gây nên trong các môn đồ một nỗi buồn cay đắng đến độ tái tê cõi lòng, chất thêm vào nỗi đau đớn ê chề họ phải mang do sự tan vỡ của những giấc mộng bây lâu nay họ ôm ấp. Trong giờ phút đen tối ấy, gương xấu của những kẻ đã bỏ Ngài có thể còn lôi kéo những người khác nữa. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã để sự hoang mang này xảy ra, trong khi Ngài vẫn có thể củng cố niềm tin của những môn đồ chân thật bằng chính sự hiện diện của Ngài. CCC2 99.4
Chúa Cứu Thế đầy lòng cảm thông, Ngài là Đấng biết rất rõ sứ mệnh đang chờ đợi mình, Ngài đã âu yếm dọn đường cho các môn đồ, chuẩn bị cho họ đón nhận thử thách mang lại vinh dự cho họ, và thêm sức cho họ trong cuộc thử thách cuối cùng. CCC2 100.1