CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 2
Chương 59—ÂM MƯU CỦA CÁC THẦY TẾ LỄ
Dựa theo Giăng 11:47-54
Tin La-xa-rơ sống lại đã lan nhanh tới thành Bê-tha-ni, vì thành này ở rất gần thành Giê-ru-sa-lem. Qua các kẻ do thám, tức những người đã chứng kiến phép lạ, mà các quan trưởng dân Giu-đa đã nhanh chóng nắm được tình hình. Ngay lập tức tòa công luận đã nhóm lại để quyết định xem phải tính thế nào. Giờ đây, Đấng Cứu Thế đã tỏ rõ rằng: Ngài là Đấng cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ. Phép lạ phi thường kia là bằng chứng hiển nhiên Đức Chúa Trời đưa ra để chứng minh rằng Ngài đã sai Con mình đến trong thế gian để cứu rỗi loài người. Điều này nói lên rằng quyền phép của Đức Chúa Trời đủ mạnh để thu phục mọi tâm hồn, miễn là các tâm hồn ấy ở dưới sự kiểm soát của lý trí và lương tâm. CCC2 239.1
Nhiều người trong số những kẻ đã chứng kiến La-xa-rơ sống lại tin theo Đức Chúa Giê-su. Nhưng các thầy tế lễ thì lại càng gia thêm lòng căm ghét Ngài. Họ đã bác bỏ tất cả các bằng chứng trước đây về thần tính của Ngài, và phép lạ mới này chỉ làm họ thêm tức tối. Kẻ chết đã sống lại ngay giữa ban ngày, trước đông đảo người chứng kiến. Không có sự lừa bịp nào ở đây cả. Chính vì lý do này đã khiến lòng căm thù của các thầy tế lễ tăng lên đến tột độ. Hơn bao giờ hết, họ quyết tâm ngăn chặn sứ mạng của Đấng Cứu Thế. CCC2 239.2
Mặc dù người Sa-đu-sê không ủng hộ Đấng Cứu Thế, nhưng họ cũng không độc ác với Ngài như người Pha-ri-si. Lòng căm thù của họ cũng không gay gắt bằng người Pha-ri-si. Thế nhưng giờ đây, họ hoảng sợ thực sự. Họ vốn không tin vào sự sống lại của kẻ chết. Dựa vào cái được gọi là khoa học, họ lý luận rằng một cơ thể đã chết không thể làm cho sống lại được. Vậy mà học thuyết của họ hoàn toàn bị sụp đổ chỉ tại vài lời phán của Đấng Cứu Thế. Họ đã bị vạch mặt là những kẻ dốt nát cả về Kinh Thánh lẫn quyền phép Đức Chúa Trời. Họ biết chẳng thể nào xóa đi ấn tượng mà Đấng Cứu Thế đã để lại trên dân chúng thông qua phép lạ. Làm sao người ta còn có thể xây lưng lại với Đấng đã toàn thắng, Đấng có quyền giành lại kẻ chết đã nằm trong phần mộ? Những bản tường trình giả dối được phổ biến khắp nơi, nhưng phép lạ thì không thể chối bỏ được, và họ không biết phải làm sao để vô hiệu hóa phép lạ này. Người Sa-đu-sê vốn đã không đồng tình với việc bày mưu lập kế giết Đấng Cứu Thế. Nhưng sau khi Laxa-rơ sống lại, họ chợt hiểu ra rằng chỉ khi nào Đấng Cứu Thế chết đi, thì những lời tố cáo chống lại họ một cách không nhân nhượng của Ngài mới chấm dứt. CCC2 239.3
Người Pha-ri-si tin ở sự sống lại và họ không thể phủ nhận rằng phép lạ này là bằng chứng cho thấy Đấng Mê-si đang ở giữa họ. Nhưng từ trước 240 đến nay, họ đã ngăn trở sứ mạng của Đấng Cứu Thế. Từ đầu, họ đã căm thù Ngài, vì Ngài đã vạch trần lòng dạ giả hình của họ. Ngài đã xé toạc cái áo của những nghi lễ nghiêm nhặt hòng che đậy sự biến chất về phương diện đạo đức bên trong của họ. Những lời giảng dạy trong sáng của Ngài đã lên án những lời tuyên bố rỗng tuếch của họ. Họ thèm khát trả thù Ngài vì những lời phê phán thẳng thắn của Ngài. Họ khiêu khích để Ngài nói hoặc làm điều gì đó hầu có cớ để lên án Ngài. Nhiều lần họ định ném đá Ngài, nhưng Ngài đã lặng lẽ rút lui và lánh mặt họ. Các phép lạ Ngài làm trong ngày Sa-bát chỉ là để giải thoát kẻ đau khổ, nhưng người Pha-ri-si đã kiếm cớ lên án Ngài vi phạm ngày Sa-bát. Họ tìm cách khích cho quân lính Hê-rốt chống lại Ngài. Họ nói rằng Ngài đang tìm cách thiết lập một vương quốc đối nghịch, và họ bày mưu lập kế để tiêu diệt Ngài. Nhằm xích động người La-mã chống lại Ngài, họ chụp mũ Ngài đang âm mưu lật đổ chính quyền. Họ tìm mọi cách ngăn cản sự ảnh hưởng của Ngài trên quần chúng. Nhưng mọi cố gắng của họ đều thất bại. Đoàn dân đông đã chứng kiến những việc nhân từ của Ngài, họ đã nghe những lời dạy dỗ trong sáng và thánh thiện từ Ngài thì đều biết rằng những việc làm và lời nói ấy không phải là của một kẻ vi phạm ngày Sa-bát, hay của một kẻ lộng ngôn. Ngay cả bọn lính được người Pha-ri-si phái tới cũng bị lời Ngài cảm động đến độ họ không thể tra tay bắt Ngài. Trong tuyệt vọng, cuối cùng người Giu-đa đã phải ra sắc lệnh rằng: Bất kỳ người nào tuyên xưng lòng tin nơi Đức Chúa Giê-su đều sẽ bị đuổi ra khỏi nhà hội. CCC2 240.1
Như vậy, khi các thầy tế lễ, các quan trưởng và các trưởng lão nhóm lại để bàn luận, họ đều nhất trí với nhau là sẽ buộc Đấng đã từng làm những việc lạ lùng đến đỗi mọi người kinh ngạc phải câm miệng. Người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê lúc này đã xích lại gần nhau hơn. Trước đây họ đối nghịch nhau nhưng bây giờ họ hiệp lại để chống nghịch Đấng Cứu Thế. Trong các buổi họp trước, Ni-cô-đem và Giô-sép luôn ngăn cản việc lên án Đức Chúa Giê-su, và vì lý do đó mà buổi họp lần này hai ông đã không được triệu tập. CCC2 240.2
Nhiều người có thế lực khác hiện diện trong hội đồng lần này tin vào Đức Chúa Giê-su, nhưng ảnh hưởng của họ không địch nổi ảnh hưởng của mây người Pha-ri-si gian ác. CCC2 241.1
Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên của hội đồng đều nhất trí về mọi điểm. Tòa công luận vào thời điểm này không phải là một hội đồng hợp pháp. Nó tồn tại được chỉ vì người La-mã làm ngơ không muốn dẹp đi mà thôi. Một số người thắc mắc không biết giết Đấng Cứu Thế có phải là hành động khôn ngoan hay chăng. Họ sợ rằng làm như vậy sẽ gây nên một cuộc nổi dậy trong dân chúng, khiến người La-mã không còn ưu đãi giai cấp thầy tế lễ nữa, và truất bỏ quyền hành họ đang nắm giữ. Người Sa-đu-sê đồng thuận với họ trong mối căm thù Đấng Cứu Thế, nhưng lại tỏ ra dè dặt hơn trong hành động của mình, vì sợ rằng người La-mã sẽ không để họ ở địa vị cao trong xã hội nữa. CCC2 241.2
Trong cuộc họp với mục đích để bàn chuyện giết Đấng Cứu Thế lần này, 241 có sự hiện diện của Đấng Làm Chứng, Đấng đã nghe những lời khoác lác của vua Nê-bu-cát-nết-sa, Đấng đã chứng kiến buổi lễ thờ thần lạy tượng của vua Bên-xát-sa, Đấng đã có mặt khi Đấng Cứu Thế ở Na-xa-rét loan báo mình là Đấng được xức dầu. Đấng Làm Chứng này giờ đây đang cảm động các quan trưởng qua công việc họ đang làm. Các sự kiện trong cuộc đời của Đức Chúa Giê-su xuất hiện trước mắt họ một cách rõ ràng khiến họ kinh ngạc. Họ nhớ lại cảnh tượng tại đền thờ, khi Đức Chúa Giê-su, lúc ấy là một cậu bé mười hai tuổi, đứng trước các thầy dạy luật có học thức, hỏi họ những câu hỏi khiến họ hết sức kinh ngạc. Phép lạ vừa mới thực hiện làm chứng rằng Đức Chúa Giê-su chỉ có thể là Con Đức Chúa Trời mà thôi. Kinh Thánh Cựu Ước liên quan đến Đấng Cứu Thế loé sáng trong đầu óc họ với ý nghĩa đích thực của nó. Các quan trưởng hỏi nhau trong sự lo âu, rằng: CCC2 241.3
“Chúng ta phải làm gì?” Thế là hội đồng chia rẽ nhau. Dưới sự cảm động của Đức Thánh Linh, các thầy tế lễ không thể đánh tan tư tưởng rằng chính họ đang chống lại Đức Chúa Trời. CCC2 241.4
Khi sự lúng túng của hội đồng dâng lên cao điểm thì thầy cả thượng phẩm Cai-phe đứng dậy. Cai-phe là một con người kiêu ngạo và độc ác, ngang tàng và cố chấp. Trong số những kẻ đồng hội đồng thuyền với ông, có người Sa-đu-sê, cũng là những kẻ kiêu ngạo, trơ trẽn, liều lĩnh, đầy tham vọng và độc ác. Tất cả sự xấu xa này được họ che giấu dưới cái áo công bình giả tạo. Cai-phe đã tìm hiểu các lời tiên tri, và mặc dù chẳng biết gì về ý nghĩa đích thực của những lời tiên tri này, ông cũng cả gan hô hào với giọng kẻ cả: “ Các ngươi chẳng biết gì hết! Các ngươi chẳng xét rằng thà một người vì dân chịu chết, còn hơn cả nước bị hư mất.” Cho dù Đức Chúa Giê-su vô tội, thầy cả thượng phẩm này nhấn mạnh rằng: Ngài cũng vẫn phải bị loại bỏ. Rằng Ngài là kẻ gây rối, lôi kéo dân chúng theo mình và làm mất uy tín của các quan trưởng. Ngài lại chỉ có một mình; tốt hơn là Ngài phải chết để uy quyền của các quan trưởng khỏi bị suy giảm. Nếu dân chúng mất tin tưởng nơi các quan trưởng, thì quyền dân tộc sẽ bị tận diệt. Cai-phe nhấn mạnh rằng sau phép lạ vừa qua, những kẻ theo Đức Chúa Giê-su hẳn sẽ nổi dậy. Ông ta tiếp rằng: Khi ấy, người La-mã sẽ lấn tới, và sẽ đóng cửa đền thờ của chúng ta, bãi bỏ luật pháp của chúng ta, tiêu diệt cả dân tộc chúng ta. Sự sống của người Ga-li-lê này có giá trị gì khi đem so sánh với sự sống của cả dân tộc? Nếu Ngài ngăn cản con đường vì hạnh phúc của Y-sơ-ra-ên, thì loại bỏ Ngài chẳng phải là phục sự Đức Chúa Trời đó sao? Câu: Thà một người chịu chết còn hơn cả nước bị diệt vong, được hiểu là vậy đó. CCC2 241.5
Qua lời tuyên bố rằng một người phải hi sinh vì đất nước, Cai-phe tỏ ra rằng ông có chút hiểu biết nào đó về các lời tiên tri, mặc dù sự hiểu biết ấy rất hạn hẹp. Nhưng Giăng, qua bản tường thuật về cảnh tượng này, coi lời được trích bên trên như một lời tiên tri và nêu bật ý nghĩa sâu rộng của nó. Giăng nói: “ Không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa. ” Cai-phe ngạo mạn hiểu chức vụ của Chúa Cứu Thế một cách mù quáng làm sao! CCC2 242.1
Nơi miệng Cai-phe, Lẽ Thật quý báu nhất đã được chuyển thành một lời dối gian. Ông chủ trương đặt nền tảng trên một nguyên tắc vay mượn của dân ngoại. Nơi người ngoại, họ ý thức lờ mờ rằng một người phải chết cho nhân loại đã dẫn đến việc lấy nhân mạng làm của tế lễ. Như vậy, Cai-phe đã đề nghị hi sinh Đức Chúa Giê-su để cứu dân tộc tội lỗi, nhưng không phải cứu khỏi sự vi phạm, mà là để họ mặc sức vi phạm, để họ lại tiếp tục ở trong tội lỗi. Và ông nghĩ, bằng lý lẽ của mình, có thể đánh tan những lời phản đối của những ai dám nói rằng chưa tìm thấy lý do để giết Đức Chúa Giê-su. CCC2 242.2
Tại cuộc họp này, các kẻ thù của Đấng Cứu Thế đã nhận thức vấn đề một cách sâu sắc. Đức Thánh Linh đã cảm động tâm trí họ. Nhưng Sa-tan cũng cố gắng tìm cách để chế ngự họ. Nó làm cho họ chú ý tới những lời quở trách họ đã lãnh nhận từ Đấng Cứu Thế. Ngài đã chẳng đếm xỉa gì tới sự công bình của họ. Ngài đưa ra một sự công bình còn lớn hơn gấp bội mà tất cả những ai sẽ là con Đức Chúa Trời đều phải có. Ngài chẳng đếm xỉa gì đến hình thức các nghi lễ, Ngài khuyến khích kẻ tội lỗi tới thẳng với Đức Chúa Trời như một người Cha đầy lòng thương xót, và bày tỏ lòng khát khao của mình. Như vậy, họ nghĩ, Ngài đã bỏ qua chức tế lễ. Ngài đã từ chối nhìn nhận nền thần học trong trường học của các thầy thông giáo. Ngài đã vạch trần những tục lệ xấu xa của các thầy tế lễ, và gây tổn thương nặng nề đến ảnh hưởng của họ. Ngài đã xúc phạm tới hiệu lực của các lời truyền khẩu khi Ngài tuyên bố rằng dù họ có cưỡng bách người ta tuân giữ luật nghi lễ, họ vẫn làm cho luật pháp của Đức Chúa Trời trở nên trống rỗng. Tất cả các suy nghĩ này là do Sa-tan gợi ra trong đầu óc họ. CCC2 242.3
Sa-tan thì thào bên tai họ rằng: Để duy trì thẩm quyền của mình, họ phải giết chết Đức Chúa Giê-su. Và họ đã quyết định làm theo lời khuyên này, ngay cả việc họ có thể mất quyền hành họ cũng phải thực hiện, họ nghĩ đã có đủ lý do để họ đi tới một số quyết định nào đó. Trừ một số nhỏ thành viên không dám nói lên ý nghĩ của mình, thì tòa công luận đã đón nhận lời của Cai-phe như chính lời của Đức Chúa Trời. Cuộc họp trở nên bớt căng thẳng; không còn xích mích. Họ quyết định giết Đấng Cứu Thế ngay khi có cơ hội thuận lợi. Trong việc từ chối bằng chứng về thần tánh của Đức Chúa Giê-su, các thầy tế lễ và các quan trưởng đã giam mình trong sự tối tăm không gì có thể xuyên thủng. Họ đã hoàn toàn đặt mình dưới sự thống trị của Sa-tan, và Sa-tan đã đẩy họ tới bờ của sự hủy diệt đời đời. Dẫu vậy, họ vẫn còn tự lừa dối mình. Họ cho mình là những kẻ yêu nước, những kẻ đang tìm cách giải phóng dân tộc. CCC2 243.1
Tuy nhiên, tòa công luận vẫn còn sợ không dám sử dụng những biện pháp hấp tấp chống lại Đức Chúa Giê-su để tránh làm dân chúng nổi giận, và lỡ đâu những gì họ tính làm đối với Ngài sẽ đổ lại trên đầu họ. Do đó, hội đồng đã dời lại việc thi hành bản án đã tuyên bố. Chúa Cứu Thế hiểu rõ âm mưu của các thầy tế lễ. Ngài biết rằng họ nóng lòng loại trừ Ngài, và họ sẽ sớm đạt được mục tiêu. Nhưng Ngài không việc gì phải làm cho cuộc khủng hoảng mau xảy ra, Ngài đã rút khỏi vùng đó, mang theo các môn đồ. Như vậy, qua chính gương của mình, Đức Chúa Giê-su một lần nữa củng cố những lời dạy dỗ Ngài đã ban cho các môn đồ. “ Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia.” (Mathi-ơ 10: 23). vẫn còn một cánh đồng rộng lớn mà trên đó các tôi tớ của Đức Chúa Trời làm việc để cứu rỗi các linh hồn; nếu không phải vì lòng trung tín của họ dành cho Chúa Cứu Thế, thì họ không được để mạng sống của mình bị đe dọa. CCC2 243.2
Tính cho đến giờ phút ấy, Đức Chúa Giê-su đã công khai làm việc cho thế gian được ba năm. Gương về sự từ bỏ mình và lòng nhân từ vô vụ lợi luôn ở trước mắt họ. Cuộc sống thanh sạch, khổ nhục và đạo đức của Ngài, mọi người đều biết cả. Thời gian ba năm ngắn ngủi nhưng cũng đủ dài để thế gian có thể nhận ra sự hiện diện của Cứu Chúa mình. CCC2 243.3
Cuộc đời của Ngài là một cuộc đời bị bắt bớ và sỉ nhục. Bị xua đuổi khỏi Bết-lê-hem bởi một ông vua đầy lòng ghen tỵ, bị chính người nhà mình khước từ tại Na-xa-rét, bị lên án tử hình mà không có lý do tại thành Giêru-sa-lem, Đức Chúa Giê-su, cùng với một ít người trung tín, tìm được một nơi trú ẩn tạm thời tại một thành xa lạ. Đức Chúa Giê-su, Đấng luôn động lòng trước nỗi đau khổ của con người, Đấng đã chữa lành người đau ốm, làm cho người mù thấy được, người điếc nghe được, người câm nói được, Đấng cho kẻ đói ăn no, kẻ sầu khổ được an ủi, lại bị trục xuất khỏi dân tộc Ngài đã nhọc công cứu rỗi. Đức Chúa Giê-su, Đấng đã từng bước đi trên những ngọn sóng nhấp nhô, và chỉ một lời phán, đã làm cho tiếng gào thét giận dữ của biển cả phải im bặt, Đấng đã xua đuổi ma quỷ và khi đi khỏi, chúng còn nhìn nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời, Đấng đã đánh tan giấc ngủ của kẻ chết, Đấng đã làm cho hàng ngàn người say mê lắng nghe những lời dạy dỗ khôn ngoan, đã không thể chạm tới tấm lòng của những kẻ đã tự làm cho lương tri họ ra mù lòa bởi thành kiến và lòng căm thù, của những kẻ đã bướng bỉnh khước từ sự sáng. CCC2 243.4