Thiện Ác Đấu Tranh

44/44

42—Cuộc Đấu Tranh Kết Thúc

MÃN THỜI KỲ một ngàn năm, Đấng Christ sẽ trở lại trái đất. Theo Ngài sẽ có đạo quân được chuộc và đoàn thiên sứ thánh. Lúc Ngài trở lại thế gian trong sự uy nghiêm đáng sợ, Ngài gọi những kẻ ác đã chết sống lại để lãnh án phạt. Họ sống lại như một đạo quân hùng mạnh, đông như cát bờ biển. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa họ với những người đã sống lại trong lần phục sinh thứ nhất! Người công bình mặc lấy sự tươi trẻ và vẻ đẹp bất tử. Kẻ ác sẽ mang dấu vết bịnh tật và chết chóc. TT20 585.1

Mọi mắt của đám đông vô số này đều chiêm ngưỡng sự vinh hiển của Con Đức Chúa Trời. Kẻ ác đồng kêu lên, “Phước thay Đấng nhơn danh Đức Giê-hô-va mà đến!” Không phải do tình yêu thương Chúa Giê-su thúc đẩy họ nói lên câu này. Chính sức mạnh của lẽ thật đã khiến họ thốt lên những lời đó cách miễn cưỡng. Kẻ ác ra khỏi mồ mả cũng giống như lúc họ xuống mồ: cũng với niềm oán hận Đấng Christ và tinh thần phản loạn. Họ không cần phải có thêm một thời gian ân điển để có thể sửa chữa những khuyết điểm của cuộc đời quá khứ. Điều này chẳng ích lợi gì cho họ. Cả một cuộc đời phạm pháp không thể làm lòng họ trở nên mềm mại. Nếu họ được ban cho một thời kỳ ân điển thứ hai, họ lại vẫn xử dụng như lần thứ nhất, nghĩa là xem thường lời khuyên dạy của Đức Chúa Trời, và xui giục người ta chống nghịch lại Ngài. TT20 585.2

Từ trời Đấng Christ xuống núi Ô-li-ve, và cũng tại nơi này, sau khi phục sinh, Ngài đã trở về thiên quốc, và các thiên sứ thánh lập lại lời hứa tái lâm của Chúa. Tiên tri nói, “Bấy giờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta sẽ đến, hết thảy các thánh sẽ ở cùng Ngài.” “Trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi Ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông; và núi Ô-li-ve sẽ bị xẻ ra chính giữa. . . đến nỗi thành một trũng lớn.” “Đức Giê-hô-va sẽ làm vua khắp đất; trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ là có một, và danh Ngài cũng sẽ là có một” (Xa-cha-ri 14:5, 4, 9). Thành Giê-ru-sa-lem Mới từ trời giáng xuống trong sự rực rỡ huy hoàng, dừng lại ở một nơi thanh sạch đã được chuẩn bị để nghinh tiếp thành ấy; Đấng Christ cùng với dân sự và các thiên sứ vào Thành Thánh. TT20 586.1

Bấy giờ, Sa-tan chuẩn bị một cuộc tấn công mãnh liệt cuối cùng để dành quyền tối thượng. Trong khi nó bị tước hết quyền hạn và phải dứt bỏ việc lường gạt thì nó rất khổ sở và nản chí. Nhưng khi nhìn thấy những kẻ bội nghịch sống lại và đám đông ấy đứng về phía nó, lòng nó đầy hy vọng và quyết định không từ bỏ cuộc đấu tranh vĩ đại. Nó muốn tất cả những người chết mất chiến đấu dưới bóng cờ của mình và cố gắng thi hành kế hoạch. Kẻ ác là nô lệ của nó. Chối bỏ Đấng Christ có nghĩa là họ đã chấp nhận sự lãnh đạo của kẻ phản nghịch. Họ sẵn sàng nghe theo các đề nghị và thi hành mệnh lệnh của nó. Tuy nhiên, với sự xảo quyệt hồi xưa, nó không nhận mình là Sa-tan. Nó tuyên bố mình là vua chúa và sở hữu chủ của thế gian, và đã bị tước đoạt quyền kế tự cách bất hợp pháp. Tự xưng mình là Đấng Cứu chuộc với đám dân bị lừa gạt, nó quả quyết với họ răng chính quyền lực của nó đã đem họ ra khỏi mồ mả, và sẵn sang giải cứu họ khỏi một chính thể độc tài. Khi Đấng Christ lìa khỏi họ, thì Sa-tan thực hiện những phép lạ để xác định lời tuyên bố của hắn. Nó làm cho kẻ yếu trở nên mạnh, và khiến mọi người nhận thần linh và năng lực của mình. Sa-tan đề nghị hướng dẫn họ chống lại trại các thánh và chiếm lấy Thành của Đức Chúa Trời. Với vẻ đắc thắng và giận dữ, no chỉ tay vào đám đông đã ra khỏi mồ mả và tuyên bố mình là người lãnh đạo, có thừa khả năng lật đổ Thành Thánh và chiếm lại ngôi và vương quốc mình. TT20 586.2

Trong đám đông vô số ấy có những giống người sống lâu trước thời Đại hồng thủy; những người có vóc dáng cao lớn và rất thông minh đã quy phục các thiên sứ sa ngã, và đã hiến dâng tất cả tài năng và kiến thức để mình được tán dương; những người mà các tác phẩm nghệ thuật đã khiến thế gian thần tượng hóa thiên tài của họ, nhưng những phát minh tàn ác và độc hại, làm nhơ bẩn địa cầu và xóa mất hình ảnh của Đức Chúa Trời đã khiến Ngài phải tẩy trừ họ khỏi các loài thọ tạo. Có những vì vua và tướng lãnh từng chiến thắng nhiều quốc gia, nhiều vị anh hùng chưa thua trận nào, nhiều chiến sĩ kiêu hãnh và đầy tham vọng mà mỗi bước tiến của họ làm run sợ các vương quốc. Trong khi chết, những người này không thay đổi gì ca. Khi từ mồ mả đi ra, tư tưởng trước khi chết tiếp tục và họ có cùng một ước muốn chiến thắng như xưa. TT20 586.3

Sa-tan tham khảo ý kiến các thiên sứ sa ngã, kế đến với các vua chúa, các kẻ chiến thắng và những người quyền thế. Duyệt qua lực lượng và đám đông dân số, họ nói rằng đạo quân trong thành nhỏ hơn đạo quân mình và chắc sẽ thua. Họ chuẩn bị kế hoạch để chiếm đoạt sự giàu sang và vinh hiển của Giê-ru-sa-lem Mới. Tất cả đều chuẩn bị tham chiến. Nhiều thợ khéo léo chế tạo vũ khí. Các tướng lãnh danh tiếng, tổ chức đám đông người thành đoàn ngũ. TT20 587.1

Cuối cùng, lệnh tiến quân ban hành, và đạo quân đông đảo di chuyển—một đạo quân mà các tướng lãnh chưa từng chỉ huy dưới thế gian này, một đạo quân gồm tất cả lực lượng kết hợp của mọi thời đại, từ khi bắt đầu có chiến tranh trên đất, chưa bao giờ có đạo quân nào sánh kịp. Sa-tan, chiến sĩ dũng cảm nhất, đi đầu, và các sứ của hắn cùng hiệp lực trong trận chiến cuối cùng này. Kế đó là các vua và binh sĩ, theo sau là đám đông người, sắp thành hàng ngũ dưới vị lãnh-đạo của mình. Với sự chính xác quân sự, đạo binh tiến quân trên mặt đất hỗn độn, nhắm thẳng Thành Đức Chúa Trời. Theo lịnh của Đức Chúa Giê-su, các cửa thành Giê-ru-sa-lem Mới đóng lại, đạo quân của Sa-tan bao vây thành và chuẩn bị tấn công. TT20 587.2

Bây giờ, Đấng Christ lại xuất hiện trước mặt kẻ thù. Phía trên thành, một chiếc ngai thật cao, được đặt trên một nền bằng vàng sáng chói. Con của Đức Chúa Trời ngự trên ngai ấy, và công dân nước Ngài đứng chung quanh. Không ngon ngữ nào, không ngòi bút nào có thể diễn tả nổi quyền lực và sự uy nghi của Đấng Christ. Sự vinh hiển của Cha đời đời bao phu Con Ngài. Anh sáng rực rỡ của sự hiện diện Ngài tỏa khắp Thành Đức Chúa Trời, vượt ra ngoài các cửa, tran ngập khắp trái đất. TT20 587.3

Gần nhất ngôi Ngài là những người đã có lần nhiệt thành với duyên cớ của Sa-tan, nhưng giống như củi được lấy ra khỏi lửa, họ đã theo Đấng Cứu thế với tinh thần hiến dâng trọn vẹn và bền đỗ. Kế đến là những người đã giữ đức hạnh mình giữa vòng dân nói láo và bội nghịch; những người tôn trọng luật pháp Đức Chúa Trời trong khi giới tôn giáo lại bảo là họ hủy luật pháp; cũng như hàng triệu người đã tử vì đạo trải qua các thời đại. Xa xa là “vô số người không ai đếm được. Bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là. . . .” (Khải huyền 7:9). Cuộc giao tranh của họ đã chấm dứt và họ đã chiến thắng. Họ đã chạy đua ở đấu trường và đã đoạt được giải thưởng. Nhành chà là nơi tay họ là dấu hiệu của sự chiến thắng; áo dài trắng tượng trưng sự công bình trọn vẹn của Đấng Christ, giờ đây là của họ. TT20 588.1

Những kẻ được chuộc cất tiếng ca ngợi làm rung chuyển cả bầu trời, “Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con” (Khải huyền 7:10). Các thiên sứ và Xê-ra-phin đồng hòa giọng hát tôn vinh. Khi nhìn thấy thế lực và ác ý của Sa-tan, những người được chuộc nhận biết, như chưa từng bao giờ biết, là không có thế lực nào ngoài thế lực của Đấng Christ có thể khiến họ chiến thắng. Trong đám đông ấy, không có người nào tự cho sự cứu rỗi là do sức lực và cong đức của mình. Không ai nhắc đến những điều họ đã làm hay phải chịu khổ; nhưng đề tài ca ngợi của mọi bài hát là: Sự cứu rỗi đến từ Đức Chúa Trời và Chiên Con. TT20 588.2

Sự tôn vương của Con Đức Chúa Trời được cử hành trước sự hiện diện của dân cư trên đất và thiên đàng. Kế đó, mặc lấy sự uy nghi và quyền lực tối thượng, Vua của muôn vua tuyên bố lời kết án những người đã chống lại chính phủ của Ngài, và thi hành công lý trên những người đã vi phạm luật pháp và đàn áp dân sự Ngài. Tiên tri nói, “Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đang ngồi ở trên, trước mặt Ngài, trời đất đều trốn hết chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có một quyên sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã viết trong những sách ấy” (Khải huyền 20:11, 12). TT20 588.3

Khi các cuốn sách được mở ra, mắt của Đức Chúa Giê-su chăm nhìn những kẻ ác, họ ý thức được mọi tội lỗi mà họ đã vi phạm. Họ nhìn thấy chân họ đã vấp ở điểm nào khi xa rời con đường trong sạch và thánh khiết. Họ cũng thấy sự kiêu hãnh và phản nghịch đã đưa họ ra ngoài luật pháp Đức Chúa Trời đến mức đọ nào. Những cám dỗ mê hoặc được khuyến khích bằng sự phóng tung cho tội lỗi, sự chối bỏ ơn phước, xem thường các sứ giả của Đức Chúa Trời, khinh thường lời cảnh cáo, những đợt sóng ân điển bị đẩy lui bằng sự bướng bỉnh, một tấm lòng không ăn năn—tất cả mọi điều đó hiện ra và được viết chữ bằng lửa. TT20 589.1

Thập tự giá được bày tỏ phía trên ngai; toàn cảnh hiện ra kể từ sự cám dỗ và sa ngã của A-đam và những giai đoạn kế tiếp trong chương trình cứu rỗi vĩ đại. Sự giáng sanh trong cảnh trạng hèn hạ của Đấng Cứu thế; thời thơ ấu đơn sơ và phục tùng của Ngài; sự chịu phép báp-têm tại sông Giôđanh; sự kiêng ăn và bị cám dỗ trong đồng vắng; chức vụ giảng dạy của Ngài, để tỏ bày cho loài người những ơn phước quý báu nhất của thiên đàng; ngày thì bận rộn với công việc phước-thiện, đêm thì cầu nguyện và thức canh trong khung cảnh vắng vẻ của đồi núi; những âm mưu do sự ghen tị, thù nghịch để đáp lại những ơn phước của Ngài; nỗi thống khổ kinh khủng và mầu nhiệm trong vườn Ghết-sê-ma-nê dưới gánh nặng tội lỗi của thế gian; sự phản bội giao nạp vào tay những kẻ sát nhân; những biến cố kinh khiếp của đêm đáng sợ ấy—tù nhân không kháng cự, bị ruồng bỏ bởi môn đồ yêu-dấu nhất của Ngài, bị dẫn đi cách thô bạo, vội vàng qua các đường phố thành Giê-ru-sa-lem; Con của Đức Chúa Trời bị dẫn đến trước An-ne, bị kết tội tại dinh của thầy tế lễ thượng phẩm, trong phòng xử của Phi-lát, trước mặt vua Hê-rốt hèn nhát và hung bạo, bị chế nhạo, sỉ nhục, hành hạ và kết án tử hình—tất cả những cảnh đó được trình bày cách sống động. TT20 589.2

Và giờ đây trước sự hiện diện của đám đông quá khích, quang cảnh cuối cùng được diễn ra—Đấng Thống khổ kiên nhẫn đang lê chân trên con đường đến núi Sọ; Hoàng tử của thiên đàng bị treo trên thập tự giá; các thầy tế lễ thượng phẩm kiêu hãnh và đám đông chế diễu sự hấp hối của Ngài; cảnh tối tăm lạ lùng, đất rung động, các tảng đá nứt ra, mồ mả mở rộng, đánh dấu giây phút Đấng Cứu thế hy sinh sự sống của Ngài. TT20 589.3

Quang cảnh kinh khủng đó diễn lại như đã xảy ra. Satan, các thiên sứ sa ngã, và dân sự hắn không có quyền lực gì để quay mặt khỏi hình ảnh và hành động của chính họ. Mỗi diễn viên đều nhớ lại vai trò mình đã đóng. Hê-rốt giết hại những trẻ em vô tội tại Bết-lê-hem, với hy vọng có thể diệt trừ được Vua Y-sơ-ra-ên; Hê-rô-đia hèn hạ, chịu trách nhiệm về huyết của Giăng Báp-tít; Phi-lát yếu hèn; các tên lính chế diễu; các thầy tế lễ, kẻ cầm quyền, và đám đông điên cuồng đã gào to, “Nguyền huyết của nó đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi!”—tất cả những kẻ đó đều thấy tội lỗi lớn lao của mình. Họ tìm lối ẩn lánh một cách vô ích trước sự uy nghi của Ngài, vinh hiển rực rỡ hơn cả ánh sáng mặt trời, trong khi những người được chuộc, đặt mão triều của mình dưới chân Đấng Cứu thế, kêu lên, “Ngài đã chết vì tôi!” TT20 590.1

Trong vòng đoàn dân đông được chuộc có các môn đồ của Đấng Christ, Phao-lô dũng cảm, Phi-e-rơ nhiệt thành, Giăng khả ái và được yêu mến, và các anh em thành tâm của họ, lại cũng có vô số những người tử vì đạo; trong khi đó bên ngoài các tường thành là những gì đáng ghét và gớm ghiếc, những kẻ đã từng bắt bớ, giam cầm và sát hại các thánh đồ. Trong số đó có tên ác quỷ tàn bạo và gian ác Nê-rô, được nhìn tận mắt sự vui mừng, hớn hở của những người đã từng bị hắn hành hạ, để tìm thấy sự thỏa thích độc ác trong sự đau khổ tột độ của họ. Mẹ hắn hiện diện để chứng kiến kết quả việc làm của chính mình; để thấy bản tính gian ác được truyền sang con trai, qua ảnh hưởng và gương xấu của bà, dục vọng được khuyến khích và phát triển đã gây ra những tội lỗi làm thế gian phải run sợ. TT20 590.2

Có những linh mục và giám mục của giáo hoàng từng xưng mình là sứ giả của Đấng Cơ Đốc, lại dùng những dụng cụ hình phạt, ngục tối và giàn hỏa để chế ngự lương tri của dân sự Chúa. Có những giáo hoàng ngạo mạn tự nâng mình cao hơn Đức Chúa Trời, và tự cho mình có quyền thay đổi luật pháp của Đấng Rất Cao. Những người tự xưng là đức cha của hội thánh phải khai trình trước mặt Đức Chúa Trời là Đấng mà họ không muốn gặp. Giờ đây đã quá muộn để họ nhận thấy Đấng Toàn năng bảo vệ luật pháp Ngài, và tuyệt nhiên Ngài sẽ không bôi xóa tội lỗi họ. Bây giờ họ mới biết Đấng Christ chia xẻ nỗi đau khổ với dân sự Ngài; và họ thấy quyền lực của chính lời Ngài, “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy” (Ma-thi-ơ 25:40). TT20 590.3

Toàn thể thế gian hung ác bị đưa ra trước tòa án của Đức Chúa Trời về tội phản quốc, chống lại chính phủ thiên đàng. Họ không có ai để bào chữa tội cho mình; họ không có gì để tự bào chữa; và bản án định sự chết đời đời dành cho họ. TT20 591.1

Bây giờ, tất cả đều thấy rõ ràng tiền công của tội lỗi không phải la đời sống tự chủ cao thượng và vĩnh cửu, nhưng là sự nô lệ, hủy diệt và chết mất. Kẻ ác nhìn thấy điều họ đã mất bởi đời sống phản nghịch của họ. Khi sự vinh hiển đời đời tột bực ban cho mà họ đã xem thường bao nhiêu, bây giờ họ lại ao ước bấy nhiêu. Linh hồn chết mất gào lên, “Lẽ ra tôi có thể được tất cả những thứ đó; nhưng toi đã lựa chọn tránh xa những điều ấy. Ôi, thật là một sự me muội lạ lùng! Tôi đã đổi sự bình an, hạnh phúc và danh dự để lấy sự kho đau, ô nhục, và tuyệt vọng.” Mọi người đều thấy mình không được vào thiên đàng là chánh-đáng. Bởi đời sống của chính mình, họ đã tuyên bố, “Chúng tôi không muốn Người này [Giê-su] cai trị chúng tôi.” TT20 591.2

Kẻ ác như bị mê hoặc khi chứng kiến sự tôn vương Con Đức Chúa Trời. Họ thấy tay Ngài cầm bảng luật pháp thánh, những điều răn mà họ coi thường và vi phạm. Họ chứng kiến sự hoan hỉ tuyệt vời và sùng kính của những kẻ được chuộc; và khi điệu nhạc trổi lên, vô số người ở ngoài thành đồng kêu lên, “Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn năng, công việc Chúa lớn lao và lạ lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường lối Ngài là công bình và chơn thật” (Khải huyền 15:3); và họ mọp xuống thờ lạy Vua của sự sống. TT20 591.3

Sa-tan như bị tê liệt khi nó chiêm ngưỡng sự vinh hiển và uy nghi của Đấng Christ. Kẻ đã từng là một thiên sứ, đang nhớ lại tại sao mình sa ngã. Từ một thiên sứ sáng láng, “con trai của buổi sáng;” giờ đây thay đổi biết bao nhiêu, sa đọa biết bao nhiêu! No đã từng được tôn trọng tại hội đồng, bây giờ bị trục xuất vĩnh viễn. Giờ đây, thay vào chỗ nó, đã có đấng khác đứng bên cạnh Đức Chúa Cha, mặc lấy sự vinh hiển của Ngài. Nó thấy một thiên sứ có vóc dáng cao lớn và uy nghi, đặt vương miện lên đầu Đấng Christ, và nó thừa biết địa vị cao quý của thiên sứ này đáng lẽ thuộc về nó. TT20 591.4

Tâm trí nó nhớ lại lúc còn vô tội và thanh sạch, nó được sự bình an và thỏa lòng cho đến khi nó than oán chống lại Đức Chúa Trời và ganh ghét Đấng Christ. Sự tố cáo, phản nghịch, gian dối cốt để chinh phục tình cảm và sự yểm trợ của các thiên sứ, sự khăng khăng bướng bỉnh không cố gắng để hoán cải khi Đức Chúa Trời còn khoan dung nó—tất cả hiện ra rõ ràng trước mắt nó. Nó ôn lại hành động mình đối với loài người, và những hậu quả—nào là sự oán ghét của con người đối với đồng loại, sự hủy diệt mạng sống một cách khủng khiếp, sự dấy len và sụp đổ của các quốc gia, sự lật đổ các ngai vàng, các cảnh hỗn độn, tranh chấp và nổi loạn triền miên. Nó nhớ lại mức cố gắng kiên trì của nó trong việc chống lại Đấng Christ và làm cho nhân loại càng ngày càng xuống dốc. Nó cũng thấy những âm mưu gian ác của nó mất hiệu năng, khi tìm cách hủy diệt những người đặt trọn niềm tin trong Chúa Giê-su. Khi Sa-tan nhìn đến vương quốc mình, kết quả của mọi nỗ lực, nó chỉ thấy toàn là sự thất bại và hư nát. Nó hướng dẫn tư tưởng của đám đông để tin rằng Thành của Đức Chúa Trời sẽ là miếng mồi ngon; dù nó biết điều đó là sai lầm. Đã bao nhiêu lần rồi, trong sự cố gắng tranh chiến, nó đã bị đánh bại và bắt buộc phai quy phục. Nó biết quá rõ về quyền lực và sự uy nghi của Chúa đời đời. TT20 591.5

Mục đích của tên đại phản nghịch là tự bào chữa cho mình và chứng minh rằng chính phủ thiên đàng phải chịu trách nhiệm về sự phản nghịch này. Vậy nên nó đã tận dụng tất cả khả năng, trí tuệ vượt bực của nó. Nó đã chủ tâm hành động và có kế hoạch, nên đã thành công cách lạ lùng trong khi hướng dẫn vô số người chấp nhận chiều hướng của no về cuộc tranh chiến vĩ đại đã diễn tiến quá lâu. Từ hằng ngàn năm qua, chúa của những cuộc âm mưu đã đem điều giả trá vào lẽ thật. Tuy giờ đây đã đến lúc cuộc phản loạn bị dẹp hẳn, và lý lịch cũng như bản tính của Sa-tan phải được phô bày ra. Trong cố gắng cuối cùng để lật đổ Đấng Christ, hủy diệt dân sự Ngài và chiếm đoạt Thành Đức Chúa Trời, tên đại gian hùng bị lột mặt nạ hoàn toàn. Những kẻ đã liên kết với nó nhìn thấy sự thất bại toàn diện của no. Các môn đồ của Đấng Christ và các thiên sứ trung thành nhìn thấy rõ ràng những âm mưu chống lại chính phủ của Đức Chúa Trời. cả vũ trụ đều ghê tởm nó. TT20 592.1

Sa-tan thấy rõ sự phản động cố tình của nó khiến nó không xứng đáng với thiên đàng. Nó đã thực hành năng lực mình để tranh chiến với Đức Chúa Trời; đối với nó sự thánh khiết, an bình, và hòa hợp của thiên đàng sẽ là một cực hình tột độ. Giờ đây, nó phải câm lặng về sự tố cáo lòng thương xót và công bình của Đức Chúa Trời. Sự trách móc mà nó cố gắng đổ cho Đức Giê-hô-va hoàn toàn trút lên đầu nó. Giờ đây Sa-tan cúi đầu và thú nhận rằng bản án dành cho nó là công bình. TT20 592.2

“Lạy Chúa, ai là kẻ không kính sợ và ngợi khen danh Ngài? Vì một mình Ngài là thánh, mọi dân tộc sẽ đến thờ lạy trước mặt Ngài, vì các sự đoán xét Ngài đã được tỏ ra” (Khải huyền 15:4). Mọi thắc mắc về sự thật và sai lầm trong trận chiến lâu dài, giờ đây đã được giải đáp rõ ràng. Hậu quả của sự phản nghịch, sự coi thường luật pháp Đức Chúa Trời, đã được phơi bày công khai trước mắt của mọi loài thọ tạo. Sự tương phản giữa quyền lực của Sa-tan với chính phủ của Đức Chúa Trời đều được trình bày cho toàn thể vũ trụ. Việc làm của Sa-tan đã lên án nó. Sự khôn ngoan, công bình, và nhân từ của Đức Chúa Trời được chứng minh đầy đủ. Tất cả những sự can thiệp của Chúa vào cuộc tranh đấu vĩ đại, là vì quyền lợi đời đời của dân sự Ngài và của cả vũ trụ mà Ngài đã tạo nên. “Hỡi Đức Giê-hô-va, các công việc Ngài sẽ ngợi khen Ngài; những người thánh của Ngài cũng sẽ chúc tụng Ngài” (Thi thiên 145:10). Lịch sử tội lỗi sẽ chứng minh đời đời rằng luật pháp của Đức Chúa Trời đem lại hạnh phúc cho toàn thể tạo vạt của Ngài. Cuộc thiện ác đấu tranh sẽ được phơi bày rõ ràng, toàn thể vũ trụ, cả người công bình và kẻ phản nghịch đồng tuyên bố, “Ôi Vua các thánh, đường lối của Ngài là công bình và chánh trực.” TT20 593.1

Sự hy sinh cao cả của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con vì nhân loại được phô bày rõ ràng trước vũ trụ. Đã đến lúc Đấng Christ chiếm ngôi vị xứng đang của Ngài và phải được tôn trọng hơn bất cứ danh nào. Chính vì nguồn vui trước mắt mà Ngài có thể đem nhiều người đến sự vinh hiển; Ngài chịu thống khổ trên thập tự giá và coi thường sỉ nhục. Sự đau buồn và sỉ nhục càng nhiều, thì nguồn vui và sự vinh hiển càng lớn. Ngài nhìn đám đông người được cứu chuộc, đổi mới theo hình ảnh Ngài, mỗi tâm hồn mang dấu trọn vẹn của Ngài và mỗi gương mặt phản chiếu mặt Ngài. Ngài nhìn thấy trong họ kết qua nỗi đau đớn của linh hồn Ngài, và Ngài rất thỏa lòng. Đoạn Ngài phán cho tất cả đám đong người công bình lẫn gian ác, “Hãy nhìn xem giá chuộc của huyết Ta! Vì họ mà Ta chịu thống khổ, vì họ mà Ta chết, hầu cho họ được ở trước mặt Ta đời đời.” Và bài hát ca tụng của những người mặc áo trắng đứng chung quanh Ngài cất lên, “Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền-phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quý, vinh hiển và ngợi khen” (Khải huyền 5:12). TT20 593.2

Mặc dù Sa-tan bị bắt buộc nhìn nhận sự công bình của Đức Chúa Trời, và cúi đầu trước sự uy nghi của Đấng Christ, bản tính nó vẫn không thay đổi. Tinh thần phản động, giống như giòng nước cuồn cuộn, lại tuôn trào. Lòng đầy cuồng nhiệt, nó quyết định không bỏ cuộc tranh chiến vĩ đại này. Đã đến lúc nó chiến đấu vô vọng lần cuối cùng với Vua thiên đàng. Nó xông vào giữa đám dân của nó, cố gắng làm cho họ giận dữ giống như nó, để giục họ tham gia cuộc chiến ngay lập tức. Nhưng trong vòng vô số kẻ bị nó lôi cuốn vào cuộc phản loạn, giờ đây không một ai thừa nhận quyền tối thượng của nó nữa. Uy quyền nó chấm dứt. Kẻ ác vẫn tràn đầy sự oán ghét Đức Chúa Trời giống như Sa-tan; tuy nhiên chúng biết trường hợp của mình là tuyệt vọng, không thể nào chống nổi Đức Giê-hô-va. Với cơn giận bừng bừng của quỷ dữ, chúng quay lại tranh chiến với Sa-tan và những tay sai gian ác của hắn. TT20 594.1

Đức Giê-hô-va phán, “Vì lòng ngươi tự cao lên bằng lòng Đức Chúa Trời,—cho nên, này, Ta sẽ khiến những người ngoại quốc hung bạo hơn hết trong các dân, nổi dậy nghịch cùng ngươi; chúng nó sẽ rút gươm nghịch cùng sự khôn sáng hoa mĩ ngươi, và làm ô uế sự vinh hiển ngươi. Chúng nó se xô ngươi xuống hầm hố.” “Hỡi Chê-ru-bim che phủ kia, Ta diệt ngươi giữa các hòn ngọc sáng như lửa Ta đã xô ngươi xuống đất, đặt ngươi trước mặt các vua, cho họ xem thấy. . . . Ta đã làm cho ngươi trở nên tro đất, trước mặt mọi kẻ xem thấy. Kìa ngươi dã trở nên một cớ kinh khiếp, đời đời ngươi sẽ không còn nữa” (Ê-xê-chi-ên 28:6-8, 16-19). TT20 594.2

“Cả giày dép của kẻ đánh giặc trong khi giao-chiến, cùng cả áo xống vấy máu, đều dùng để đốt và làm đồ chụm lửa.” “Vì Đức Giê-hô-va nổi giận nghịch cùng mọi nước; cơn thạnh nộ Ngài nghịch cùng cả đạo binh họ; Ngài đã giao cho họ sự diệt vong, phó cho sự đáng giết.” “Ngài se giáng xối trên kẻ ác những bẫy, lửa và diêm; một ngọn gió phỏng se là phần của chúng nó” (Ê-sai 9:4; 34:2; Thi thiên 11:6). Lửa từ Đức Chúa Trời giáng xuống, đất nứt ra. Những võ khí che giấu ở chỗ sâu kín cũng bị lộ ra. Những ngọn lửa thiêu đốt sẽ bốc cháy từ mọi vực sâu đang nứt nẻ. Các tảng đá cũng tóe lửa. Sẽ đến ngày mà tất cả đều bốc cháy như một lò lửa. Các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả. Ma-la-chi 4:1; 2 Phi-e-rơ 3:10. Mặt địa cầu giống như một khối tan chảy—một suối lửa khổng lồ. Đây là thời kỳ phán xét và tiêu diệt kẻ ác—“vì Đức Giê-hô-va có ngày báo thù, có năm báo trả vì cớ Si-ôn” (Ê-sai 34:8). TT20 594.3

Kẻ ác nhận được sự báo đáp của mình trên đất (Châm ngôn 11:31). “Đức Giê-hô-va vạn quân phán: Ngày ấy đến, thiêu đốt chúng nó chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ, hoặc nhành” (Ma-la-chi 4:1). Một số người bị diệt trong nháy mắt, trong khi những kẻ khác đau đớn trong nhiều ngày. Tất cả đều bị trừng phạt “tùy theo việc họ làm.” Tội lỗi của người công bình được chuyển sang Sa-tan, nó phải gánh chịu không những chính tội phản nghịch mình, nhưng tất cả tội lỗi mà nó đã xui giục dân sự Đức Chúa Trời vi phạm. Hình phạt của nó nặng hơn nhiều so với những kẻ bị nó phỉnh gạt. Sau khi tất cả những người nó lừa gạt đã bị tiêu hủy, thì nó vẫn còn sống để chịu đau khổ. Sau khi những kẻ ác bị tiêu diệt trong ngọn lửa thiêu đốt, cả rễ và nhành—Sa-tan là rễ, những kẻ theo nó là nhành. Sự trừng phạt theo luật pháp được thi hành; sự đòi hỏi của công lý đã được thỏa mãn; cả thiên đàng và hạ giới đều chiêm ngưỡng, tuyên bố sự công bình của Đức Giê-hô-va. TT20 595.1

Công việc hủy diệt của Sa-tan chấm dứt vĩnh viễn. Suốt sáu ngàn năm qua, nó đã làm theo ý mình, khiến trái đất đầy dẫy sự khốn khổ và gây đau buồn khắp vũ trụ. Cả công trình sáng tạo rên siết và chịu đau đớn chung. Giờ đây tất cả tạo vật của Đức Chúa Trời thoát khỏi sự hiện diện và cám dỗ của nó. “Nay cả đất được yên nghỉ bình tĩnh, trổi giọng hát mừng” (Ê-sai 14:7). Tiếng tung hô ngợi khen và chiến thắng vang dội khắp vũ trụ của những người trung tín. “Tiếng của một đám đông vô số người, khác nào tiếng nước lớn hoặc tiếng sấm dữ, mà rằng: A-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị” (Khải huyền 19:6). TT20 595.2

Trong khi địa cầu bị bao tràm bởi lửa hủy diệt, người công bình ẩn náu an toàn trong Thành Thánh. “Phước thay và thánh thay những người được phần về sự sống lại thứ nhứt, sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy” (Khải huyền 20:6). Trong lúc kẻ ác coi Đức Chúa Trời như ngọn lửa hủy diệt, thì Ngài là “mặt trời và cái khiên” cho dân sự Ngài (Thi thiên 84:11). TT20 595.3

“Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới, vì trời thứ nhứt và đất thứ nhứt đã biến đi mất” (Khải huyền 21:1). Ngọn lửa tiêu diệt kẻ ác, làm sạch địa cầu. Mọi dấu vết rủa sả được quét đi. Trước mắt những người được chuộc, không có hỏa ngục cháy đời đời là hậu quả đáng sợ của tội lỗi. TT20 596.1

Duy chỉ một điều nhắc nhở: Đấng Cứu chuộc chúng ta sẽ mãi mãi mang dấu vết của sự đóng đinh. Trên đầu thương tích, bên sườn, nơi tay và chân của Ngài, đều lưu dấu vết của việc làm độc ác do tội lỗi gây nên. Nhìn xem Đấng Christ trong sự vinh hiển, tiên tri miêu tả, “Sự chói rạng Ngài như ánh sáng, những tia sáng ra từ tay Ngài, quyền năng Ngài giấu trong nơi đó” (Ha-ba-cúc 3:4). Tại nơi sườn bị đâm thủng, tuôn trào dòng huyết thắm, có khả năng làm con người hòa thuận với Đức Chúa Trời, nơi đó có sự vinh hiển của Đấng Cứu thế, nơi đó “quyền năng Ngài giấu kín.” “Có quyền lực cứu rỗi,” bởi sự hy sinh cứu chuộc, Ngài có quyền thực thi hành công lý trên những người đã coi thường lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Bang chứng về sự hạ mình la danh dự cao quý nhất của Ngài; trải qua các thời đại, các vết thương của Ngài trên núi Sọ sẽ là đề tài ngợi khen, và bày tỏ quyền lực Ngài. TT20 596.2

“Còn ngươi, là tháp của bầy, đồi của con gái Si-ôn, quyền thế cũ của ngươi, tức là nước của con cái Giê-ru-sa-lem, sẽ đến cùng ngươi” (Mi-chê 4:8). Đã đến thời kỳ mà những người thánh khao khát chờ đợi, kể từ khi lưỡi gươm sáng ngời ngăn chặn đôi vợ chồng đầu tiên bước vào Ê-đen, thời kỳ “chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được” (Ê-phê-sô 1:14). Từ ban đầu, trái đất được ban cho loài người làm vương quốc, nhưng đã rơi vào tay của Sa-tan vì sự phản bội của loài người và đã ở dưới quyền lực của nó rất lâu, nay được hoàn trả nhờ chương trình cứu chuộc vĩ đại. Tất cả những gì đã mất vì tội lỗi, nay được phục hồi. “Vì Đức Giê-hô-va. . . đã tạo thành đất và làm ra nó; đã lập nó cho vững bền, chẳng phải dựng nên là trống không, bèn đã làm nên để dân ở” (Ê-sai 45:18). Mục đích nguyên thủy của Đức Chúa Trời trong cuộc sáng tạo trái đất đã được hoàn-thành để làm nơi cư ngụ cho người được chuộc. “Người công bình sẽ nhận được đất và ở tại đó đời đời” (Thi thiên 37:29). TT20 596.3

Nỗi lo ngại về việc thừa kế trong tương lai có vẻ như quá trọng đại, khiến cho nhiều người đi đến chỗ giải thích sai lầm chính lẽ thật đang dẫn dắt chúng ta ngắm nhìn ngôi nhà của mình. Đấng Christ bảo-đảm với các môn đồ là Ngài đi sắm sẵn cho họ những dinh thự trong nhà Đức Chúa Cha. Những người tiếp nhận lời Ngài không thể không biết gì về nhà ở trên thiên đàng. Tuy nhiên, “mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài” (1 Cô-rinhtô 2:9). Ngôn ngữ của loài người không đủ để diễn tả phần thưởng của người công bình. Chỉ người nào chăm nhìn sự việc đó mới thấu hiểu mà thôi. Trí óc hữu hạn của chúng ta không thể nào hiểu được sự vinh hiển của Thiên đàng. TT20 597.1

Theo Kinh Thánh, cơ nghiệp của những người được cứu gọi là “quê hương” (Hê-bơ-rơ 11:14-16). Nơi đây, Đấng Chăn chiên sẽ dẫn bầy Ngài đến suối nước sự sống. Cây sự sống ra trái mỗi tháng, và lá cây được dùng cho lợi ích muôn dân. Những giòng suối không bao giờ ngưng chảy, trong như lưu ly, và hai bên bờ suối những cành cây đong đưa, phủ bóng xuống các con đường dọn sẵn cho người được chuộc. Nơi đây, những đổng bằng trải dài khoe nét đẹp, và đổi núi chập chùng với ngọn vươn cao vút. Chính trên những đổng bằng an bình, bên cạnh những giòng suối trong vắt, dân sự Đức Chúa Trời từ lâu là kẻ lữ hành se tìm được một tổ ấm. TT20 597.2

“Dân Ta sẽ trú trong chỗ bình an, trong nhà yên ổn và nơi nghỉ lặng lẽ.” “Trong xứ ngươi sẽ chẳng nghe nói về sự hung dữ nữa, trong bờ cõi ngươi cũng không có sự hoang vu và phá hủy nữa; nhưng ngươi sẽ gọi tường mình là “Cứu rỗi,” cửa mình là “Ngợi khen.” Dân Ta sẽ xây nhà và ở, trổng vườn nho và ăn trái. Họ chẳng xây nhà cho người khác ở, chẳng trổng vườn nho cho người khác ăn. . . . Những kẻ được lựa chọn của Ta sẽ hằng hưởng công việc tay mình làm” (Ê-sai 32:18; 60:18; 65:21, 22). TT20 597.3

Nơi đó, “đổng vắng và đất khô hạn sẽ vui vẻ; nơi sa mạc sẽ mừng rỡ, và trổ hoa như bông hường.” “Cây tùng sẽ mọc lên thay cho bụi gai, và cây sim sẽ lớn len thay cho gai gốc.” “Bấy giờ muông sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; . . . một đứa trẻ sẽ dắt chúng nó đi.” Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của Ta,” Đức Giê-hô-va phán vậy (Ê-sai 35:1; 55:13; 11:6, 9). TT20 597.4

Trong bầu không khí của thiên đàng, không ai phải đau đớn. Không còn nước mắt, không thấy đám tang, không ai than khóc. “Sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca. . . vì những sự thứ nhứt đã qua rồi” (Khải huyền 21:4). “Dân cư sẽ không nói rằng: Tôi đau. Kẻ ở trong nó sẽ được tha tội” (Ê-sai 33:24). TT20 598.1

Thủ đô của đất mới vinh hiển là Giê-ru-sa-lem Mới, “mão triều thiên đẹp đẽ trong tay Đức Giê-hô-va, và mão miện vua trong tay Đức Chúa Trời ngươi” (Ê-sai 62:3). “Sự chói sáng của Thành ấy giống như một viên bửu thạch, như ngọc bích sáng suốt.” “Các dân sẽ đi giữa sự sáng Thành đó, và các vua trên đất sẽ đem vinh hiển mình vào đó” (Khải huyền 21:11, 24). Đức Giê-hô-va phán, “Ta sẽ vui vì Giê-rusa-lem, Ta sẽ mừng vì dân Ta” (Ê-sai 65:19). “Nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người. Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài, chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng” (Khải huyền 21:3). TT20 598.2

Trong Thành Đức Chúa Trời “không có đêm.” Không ai cần hoặc muốn ngơi nghỉ. Không có sự mệt mỏi khi làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và ngợi khen danh Ngài. Chúng ta sẽ mãi mãi cảm thấy sự tươi mát của buổi mai và sẽ không thấy ngày tàn. “Và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho” (Khải huyền 22:5). Ánh sáng mặt trời sẽ được thay thế bằng một ánh sáng không làm chói mắt, tuy nhiên sẽ rực rỡ hơn ánh sáng buổi trưa. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và của Chiên Con tỏa khắp Thành Thánh với ánh sáng không bao giờ tắt. Những người được chuộc bước đi trong sự vinh hiển của ngày vĩnh cửu. TT20 598.3

“Ở đó, tôi không thấy đền thờ nào; vì Chúa là Đức Chúa Trời Toàn năng và Chiên Con đều là đền thờ của thành” (Khải huyền 21:22). Dân sự Đức Chúa Trời được phép thông công mật thiết với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương cách mập mờ” (1 Cô-rinh-tô 13:12). Chúng ta thấy hình ảnh Đức Chúa Trời phản chiếu như trong một cái gương, qua thiên nhiên và mối tương quan với loài người; nhưng sau đó, chúng ta sẽ thấy Ngài mặt đối mặt, không có bức màn mờ ảo ở giữa. Chúng ta sẽ ở trước sự hiện diện của Ngài, chiêm ngưỡng sự vinh hiển của gương mặt Ngài. TT20 598.4

Nơi đó, những người được chuộc sẽ biết, cũng như họ được biết. Tình yêu và lòng thương xót của Đức Chúa Trời gieo vào tâm hồn sẽ được thực hành cách chân thành và dịu dàng. Sự thông công trong sạch với các thánh, sự hòa hợp của đời sống xã hội với các thiên sứ và những người trung tín trải qua các thời đại, từng phiếu trắng áo mình và làm nên sạch trong huyết Chiên Con. Sợi dây thánh khiết đã ràng buộc với nhau “cả nhà trên trời và dưới đất” (Ê-phê-sô 3:15)—tất cả hiệp lại tạo thành nguồn hạnh phước cho người được chuộc. TT20 599.1

Nơi đó, những tâm hồn bất tử sẽ chiêm ngưỡng với một niềm vui bất tận sự diệu kỳ của quyền năng sáng tạo, sự mầu nhiệm của tình thương cứu chuộc. Không có kẻ thù độc ác phỉnh lừa, cám dỗ để quên Đức Chúa Trời. Mọi năng lực được khai triển, mọi khả năng được gia tăng. Sự đạt được mức hiểu biết không làm tâm trí mệt mỏi hoặc nghị lực bị suy yếu. Nơi đó, năng lực lớn lao nhất được thêm lên, chí hướng cao thượng nhất được đạt đến, nguyện vọng cao cả nhất được thực hiện; và còn phải vượt tới mức cao hơn, chiêm ngưỡng sự lạ lùng mới, hiểu biết lẽ thật mới; những đề tài mới lạ còn cần thêm năng lực của trí tuệ, tâm hồn và thể xác. TT20 599.2

Tất cả các kho tàng của vũ trụ sẽ được phô bày cho những người được chuộc nghiên cứu. Không bị ràng buộc bởi sự chết, họ cất cánh bay không mệt mỏi đến những thế giới xa xôi—những thế giới đã từng đau buồn trước cảnh thống khổ của nhân loại, nhưng giờ đây, tràn ngập điệu hát hoan hỉ trong niềm vui mừng cho người được chuộc. Với nỗi vui mừng không thể diễn ta, con cai của địa cầu hưởng niềm vui và sự khôn ngoan của dân sự không sa ngã. Họ dự phần vào kho tàng kiến thức và hiểu biết được thu thập trải qua các thời đại, bằng sự chiêm ngưỡng công trình do tay Đức Chúa Trời làm nên. Với nhãn quan rõ ràng, họ chiêm ngưỡng sự vinh hiển của công trình sáng tạo—mặt trời, những vì sao và các hệ thống, tất ca đều bay chung quanh ngai trời theo một thứ tự định sẵn. Danh của Đấng Tạo Hóa được viết trên tất cả mọi vật, từ nhỏ nhất tới lớn nhất, và tất cả đều phô bày quyền năng dư dật của Ngài. TT20 599.3

Những năm dài bất tận trôi qua vẫn còn đem lại những sự khải thị dồi dào và vinh hiển hơn về Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Khi sự hiểu biết càng phát triển, thì tình yêu, sự tôn kính và hạnh phúc càng gia tăng. Loài người càng hiểu rõ về Đức Chúa Trời, họ càng tán dương bản tính của Ngài hơn. Khi Đức Chúa Giê-su bày tỏ sự dồi dào ơn phước cứu chuộc trước mặt họ và sự hoàn thành lạ lùng trong cuộc đấu tranh với Sa-tan, tâm hồn của những người được chuộc tràn ngập sự dâng hiến nhiệt thành, và với niềm hân hoan khôn tả, các ngón tay họ lướt trên đờn cầm bằng vàng; và hằng triệu, hằng ức giọng hát hòa vang với điệu nhạc ngợi khen rộn rã. TT20 599.4

“Tôi lại nghe mọi vật dựng nên trên trời, dưới đất, bên dưới đất, trên biển, cùng mọi vật ở đó đều nói rằng: Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quý, vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời” (Khải huyền 5:13). TT20 600.1

Cuộc thiện ác đấu tranh vĩ đại đã chấm dứt. Tội lỗi và kẻ có tội không còn nữa. Toàn thể vũ trụ được thanh lọc. Mọi loài thọ tạo cùng nổi lên một nhịp điệu hòa hợp và hoan hỉ. Từ Ngài là Đấng tạo ra muôn vật, sự sống, ánh sáng và sự vui mừng tuôn tràn ra khắp không gian vô tận. Từ một nguyên tố nhỏ nhất đến một thế giới vĩ đại nhất, mọi vật sống động hay bất động, trong nét đẹp và niềm vui trọn vẹn, đều đồng thanh tung hô: TT20 600.2

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ SỰ YÊU THƯƠNG!