Thiện Ác Đấu Tranh
32—Những Lưới Bẫy Của Sa-tan
CUỘC TRANH CHIẾN giữa Đấng Christ và Sa-tan diễn tiến gần sáu ngàn năm nay sắp kết liễu; cho nên hắn gia tăng hoạt động để chống lại công việc Đấng Christ làm cho loai người, và ràng buộc các linh hồn trong lưới bẫy của hắn. Giữ người ta trong sự tối tăm và cứng lòng cho đến khi Đấng Cứu Thế ngưng việc cầu thay, không còn chuộc tội được nữa, đó là mục đích của hắn. TT20 457.1
Khi không có một cố gắng đặc biệt nào chống lại quyền lực của hắn; khi thế gian và hội thánh thờ ơ lãnh đạm, thì Sa-tan không lo sợ gì nữa; hắn không sợ mất các linh hồn đang nằm trong tay hắn. Nhưng khi người ta nghĩ đến những việc đời đời, và tự hỏi, “Tôi phai làm chi để được cứu rỗi?” thì hắn bắt đầu hoạt động, đấu sức với Đấng Christ và chống lại ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. TT20 457.2
Kinh Thánh chép rằng một ngày kia, khi các thiên sứ Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, thì Sa-tan cũng đến trong vòng họ (Gióp 1:6), chẳng phải để thờ lạy Vua Đời Đời, nhưng để kiện cáo những người công bình. Ngày nay cũng vậy, hễ nơi nào người ta nhóm lại để thờ phượng Đức Chúa Trời, thì hắn cũng có mặt ở đó. Mặc dù mắt người không thấy được, nhưng hắn cố sức hoạt động để điều khiển trí óc của những người thờ phượng. Như một tướng lãnh khôn khéo, hắn đặt ra trước những ke hoạch của mình. Trong khi sứ giả Đức Chúa Trời dò xem Kinh Thánh, hắn ghi chép đề tài sẽ được giảng luận. Sau đó, hắn dùng tất cả sự xảo quyệt và mưu mô để sắp đặt hoàn cảnh, hầu cho những người mà hắn đang lừa dối về điểm đó không nhận được sứ điệp của Đức Chúa Trời. Người cần đến sứ điệp ấy lại bận việc, hay vì những lý do khác không thể đến nghe những lẽ thật mà đối với người là “mùi của sự sống làm cho sống” (2 Cô-rinh-tô 2:16). TT20 457.3
Hơn nữa, Sa-tan thấy những tôi tớ Đức Chúa Trời lòng nặng trĩu vì sự tối tăm thiêng liêng đang bao phủ thế gian. Hắn nghe những lời cầu xin sot sắng của họ để được ân điển và quyền lực, hầu phá tan sự thờ ơ, lãnh đạm và biếng nhác. Hắn cố gắng bội phần để xử dụng mọi mưu kế của mình. Hắn cám dỗ loài người nuông chiều khẩu thích hay những thỏa mãn tư dục khác, do đó làm tê liệt các giác quan để họ không nghe được những điều cần thiết nhất cho họ. TT20 458.1
Sa-tan biết rõ rằng những người hắn có thể cám dỗ để chểnh mảng cầu nguyện và học Kinh Thánh, sẽ sa vào lưới bẫy của hắn. Cho nên hắn bày đặt ra mọi trò tiêu khiển để chiếm hữu trí óc. Có một hạng người tự xưng mình đạo đức, nhưng thay vì học hỏi lẽ thật, lại chuyên môn phê bình tính tình hay lỗi lầm về đức tin của những người không đồng quan điểm với họ. Những người ấy là cánh tay phải của Sa-tan. Những người vu cáo anh em mình không phải là ít, và họ luôn luôn hoạt động khi Đức Chúa Trời làm công việc của Ngài, và khi dân sự thờ phượng Ngài. Họ làm giảm giá những lời nói và hành động của những người yêu mến lẽ thật. Họ coi những tôi tớ sốt sắng, nóng nảy, quên mình nhất của Đấng Christ như là những kẻ bị lừa dối hay đi lừa dối người khác. Công việc của họ là trình bày sai lạc động lực của những hành vi chân thật và cao thượng để truyền bá những lời bóng gió và gieo những mối nghi ngờ trong lòng những người thiều kinh nghiệm. Bằng đủ mọi cách, họ làm cho người ta coi điếu gì trong sạch và công bình là giả dối và lừa gạt. TT20 458.2
Nhưng không ai có thể bị họ lừa dối. Chúng ta có thể dễ nhìn biết họ là con ai, họ theo gương ai, và họ làm công việc của ai. “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được” (Ma-thi-ơ 7:16). Công việc làm của họ giống như việc làm của Sa-tan, kẻ phỉ báng đầy nọc độc, và là kẻ “kiện cáo anh em chúng ta” (Khải huyền 12:10). TT20 458.3
Sa-tan có nhiều tay sai sẵn sàng trình bày mọi sự sai lầm để gài bẫy các linh hổn—những tà thuyết hợp với sở thích và năng khiếu của những người mà hắn muốn hủy diệt. Chương trình của hắn là đem vào hội thánh những người thiếu thành thật, không hối cải để gieo sự nghi ngờ và vô tín, làm ngăn trở những người muốn thấy công việc của Đức Chúa Trời tiến tới và muốn dự phần vào đó. Nhiều người không có đức tin thật nơi Đức Chúa Trời hay lời của Ngài, chấp nhạn vài lẽ thật, rồi xưng mình là tín đồ, và như vậy họ có thể đem vào hội thánh những sự sai lầm mà nói là giáo lý Kinh Thánh. TT20 459.1
Một trong những sự lừa dối thành công nhất của Sa-tan là khiến người ta nghĩ rằng điều họ tin tưởng không quan hệ mấy. Hắn biết rằng người nào tiếp nhận lẽ thật bởi lòng yêu thương thì sẽ nhờ đó mà được nên thánh; cho nên hắn luôn luôn cố gắng thay thế lẽ thật bằng những lý thuyết sai lầm, bằng những chuyện huyễn, bằng một tin lành khác. Từ lúc ban đầu, các tôi tớ Đức Chúa Trời đã phải tranh đấu với những giáo sư giả, chẳng những vì họ là những người tội lỗi, mà còn là những người truyền bá các tư tưởng sai lầm và nguy hiểm. Ê-li, Giê-rê-mi, Phao-lô, đã chống đối cách mạnh mẽ và dũng cảm những kẻ hướng dẫn người ta xây bỏ lời Đức Chúa Trời. Những nhà bảo vệ lẽ thật này đã không thừa nhận chủ nghĩa tự do coi đức tin đúng đắn là không quan trọng. TT20 459.2
Sự giải thích Kinh Thánh cách lờ mờ và bóng bẩy, cùng nhiều lý thuyết mâu thuẫn về đức tin, như trong thế giới Cơ Đốc giáo, là công việc của kẻ chống đối để gieo sự lộn xộn trong tâm trí, hầu cho người ta không nhận thức được lẽ thật. Sự bất hòa và chia rẽ trong hội thánh phần nhiều là do nơi giải sai lời Kinh Thánh, để hỗ trợ lý thuyết mình ưa thích. Thay vì học lời Đức Chúa Trời cách kỹ lưỡng và khiêm nhường để biết ý Ngài, thì nhiều người lại chỉ tìm kiếm những chuyện kỳ dị. TT20 459.3
Để bênh vực những giáo lý sai lầm hay những cách hành đạo không phải Cơ Đốc giáo, một số người tách những câu Kinh Thánh ra khỏi đoạn đó, có thể chỉ dùng nửa câu để chứng minh quan điểm mình, còn nửa câu kia lại có ý nghĩa chống đối. Với sự quỷ quyệt của con rắn, họ giấu tư tưởng mình trong những câu nói không mạch lạc theo dục vọng họ. Vì thế, nhiều người cố ý giải nghĩa sai lời Đức Chúa Trời. Còn những người khác thì theo óc tưởng tượng dùng những hình bóng trong Kinh Thánh để giải nghĩa theo ý mình, khinh thường lời dạy là Kinh Thánh tự giải nghĩa lấy, rồi họ trình bày ý tưởng bất thường của họ như là giáo lý Kinh Thánh. TT20 459.4
Khi ta học Kinh Thánh mà không cầu nguyện, không có lòng khiêm nhường và ý muốn học hỏi, thì sẽ giải nghĩa sai những câu Kinh Thánh rõ ràng nhất, đơn giản nhất cũng như những câu khó hiểu nhất. Các nhà lãnh đạo giáo hoàng chọn những câu Kinh Thánh thích hợp với mục đích của họ, giải thích theo ý muốn mình, rồi trình bày những câu này cho dân chúng, trong khi họ phủ nhận đặc ân nghiên cứu và hiểu biết những lẽ thật Kinh Thánh. Hãy để dân chúng đọc cả Kinh Thánh như là lời Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Thà họ không được dạy về Kinh Thánh còn hơn là bị dạy sai quá nhiều về Kinh Thánh. TT20 460.1
Kinh Thánh là sách hướng dẫn cho những người ao ước biết ý muốn của Đấng Tạo Hóa. Chính Đức Chúa Trời đã ban cho loài người lời chắc chắn của các tiên tri; các thiên sứ và ngay cả Đấng Christ đã đến thế gian để tỏ cho Đa-ni-ên và Giăng những điều kíp phải xảy đến. Những vấn đề quan trọng về sự cứu rỗi của chúng ta thật là rõ ràng, không mơ hồ hay bí mật, cũng không phai để làm lầm lạc những người thật lòng tìm kiếm lẽ thật. Chúa phán bởi tiên tri Ha-bacúc rằng, “Ngươi khá chép lấy sự hiện thấy, và rõ rệt nó ra trên bảng, hầu cho người đương chạy đọc được” (Ha-ba-cúc 2:2). Lời Đức Chúa Trời rất rõ ràng cho tất cả những người nghiên cứu với tinh thần cầu nguyện. Linh hồn nào thành thật sẽ hiểu thấu chân lý. “Ánh sáng được bủa ra cho người công bình” (Thi thiên 97:11). Chẳng có hội thánh nào có thể tiến tới trong con đường nên thánh nếu thuộc viên trong hội thánh không tìm lẽ thật như tìm của báu giấu kín. TT20 460.2
Vì hai tiếng Tự do, người ta mù quáng sa vào lưới bẫy của kẻ thù, trong khi hắn làm việc không ngừng để đạt mục tiêu của mình. Vì hắn thành công thay thế lời Kinh Thánh bằng những lý thuyết của loài người, nên luật pháp Đức Chúa Trời bị bỏ qua một bên, và hội thánh đã làm nô lệ cho tội lỗi trong khi họ xưng mình được tự do. TT20 460.3
Những sự khảo cứu của khoa học đã trở nên một sự rủa sả cho nhiều người. Đức Chúa Trời đã ban cho thế gian một nguồn sáng lớn về những sự khám phá khoa học và nghệ thuật; nhưng nếu không được lời Đức Chúa Trời hướng dẫn trong việc nghiên cứu, thì những người có tài giỏi nhất cũng thất bại trong việc tìm ra những mối liên quan giữa khoa học và sự khải thị. TT20 460.4
Sự hiểu biết của loài người về phương diện vật chất cũng như thiêng liêng thì thiên vị và bất toàn; vì vậy nhiều người không thể hòa hợp quan điểm khoa học của họ với Kinh Thánh. Nhiều người chấp nhận những lý thuyết và những ước đoán suông như là những sự kiện khoa học, và tưởng rằng họ có thể thử nghiệm lời Đức Chúa Trời bằng những sự dạy dỗ “tri thức ngụy xứng là tri thức” (1 Ti-mô-thê 6:20). Vì Đấng Tạo Hóa và những công việc của Ngài vượt quá sự hiểu biết của họ; và họ không thể giải nghĩa được những luật thiên nhiên, nên họ kết luận rằng lịch sử Kinh Thánh không đáng tin. Những người nghi ngờ sự xác thực của những chuyện tích trong Cựu Ước và Tân Ước, thường tiến thêm một bước nữa; họ nghi ngờ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và cho thiên nhiên có quyền năng vô tận. Thả mất cái neo của mình, họ sắp va vào những tảng đá của sự vô tín. TT20 461.1
Vì vậy nhiều người lầm lạc xây bỏ đức tin và bị ma quỷ cám dỗ. Người ta muốn khôn ngoan hơn Đấng Tạo Hóa; triết lý loài người muốn tìm hiểu và giải nghĩa những sự mầu nhiệm chẳng bao giờ được tiết lộ trải qua các thời đại. Nếu người ta muốn tìm hiểu điều Đức Chúa Trời khải thị về Ngài và ý định Ngài, thì họ sẽ được thấy sự vinh hiển, oai nghi, và quyền năng của Đức Giê-hô-va, họ sẽ ý thức được sự nhỏ nhen của mình, và thỏa lòng về những điều đã được bày tỏ cho mình và con cái mình. TT20 461.2
Phương pháp lừa dối hay nhất của Sa-tan là xúi giục người ta tìm kiếm và phỏng đoán những điều mà Đức Chúa Trời không bày tỏ và không muốn chúng ta biết. Chính vì điều này mà Lu-xi-phe mất địa vị mình ở trên trời. Hắn trở nên bất bình vì không được Đức Chúa Trời cho biết những ý định mầu nhiệm Ngài, và hắn hết sức khinh thường những điều đã được tỏ ra về chức vụ của địa vị cao sang đã dành cho hắn. Hắn khích động sự bất mãn đó trong hàng ngũ các thiên sứ dưới quyền hắn, và khiến họ sa ngã. Ngày nay, hắn cũng cố gắng gieo tinh thần bất bình ấy cho loài người và xúi giục họ cũng coi thường những mạng lệnh trực tiếp của Đức Chúa Trời. TT20 461.3
Những ai không sẵn sàng chấp nhận những lẽ thật rõ ràng, sắc bén của Kinh Thánh thì luôn luôn tìm những chuyện êm tai để làm dịu lương tâm mình. Giáo lý càng ít thiêng liêng, ít đòi hỏi sự quên mình và lòng khiêm tốn, thì càng được người ta tiếp nhận nồng nhiệt. Họ hạ thấp những năng lực thiêng liêng để thỏa mãn những điều ưa muốn xác thịt. Họ cho mình là khôn ngoan, không cần tra xem Kinh Thánh với lòng thống hối và cầu nguyện sốt sắng để được Chúa soi sáng, nên họ không có sự bảo vệ để chống trả điều sai lầm. Sa-tan sẵn sàng làm vừa lòng họ, và hiến cho họ những sự lừa dối thay thế cho lẽ thật. Theo phương pháp ấy, quyền thế giáo hoàng đã thống trị tâm trí con người; bởi chối bỏ lẽ thật liên quan đến thập tự giá, các giáo hội Cải chánh cũng đi theo con đường giống như vậy. Tất cả những ai chối bỏ lời Đức Chúa Trời để học theo tiện nghi và mưu mẹo hầu hòa hợp với thế gian, cuối cùng sẽ sa vào tà giáo mà họ cho là lẽ thật. Người nào cố tâm chối bỏ lẽ thật, sẽ chấp nhận những sự sai lầm. Người nào nhìn sự dối gạt với cảm giác khiếp sợ sẽ sẵn sàng chấp nhận sự dối gạt khác. Nói về những người “không nhạn lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi,” sứ đồ Phao-lô tuyên bố, “Ấy vì thế mà Đức Chúa Trời cho chúng nó mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin điều dối giả, hầu cho hết thảy những người không tin lẽ thật, song chuộng sự không công bình, đều bị phục dưới sự phán xét của Ngài” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:10-12). Trước lời cảnh cáo như thế, ta nên coi chừng những giáo lý ta chấp nhận. TT20 462.1
Trong những lợi khí thành công nhất mà Sa-tan dùng là những sự dạy dỗ lừa dối và những phép lạ phỉnh gạt của vong hồn hiện thuyết. Giả làm thiên sứ sáng láng, hắn giăng lưới nơi mà người ta ít để ý nhất. Nếu người ta học Kinh Thánh với lòng cầu nguyện sốt sắng để có thể hiểu được, thì họ sẽ không ở trong sự tối tăm để chấp nhận những đạo lý sai lầm. Nhưng vì chối bỏ lẽ thật, họ sẽ sa vào sự lừa dối. TT20 462.2
Một giáo lý nguy hiểm khác là phủ nhận thần tính của Đấng Christ, nói rằng Ngài không hiện hữu trước khi giáng thế. Lý thuyết này đã được nhiều người xưng là tin Kinh Thánh chấp nhận; mặc dù điều này trái ngược với lời của Đấng Cứu Thế, nói về sự tương giao của Ngài với Đức Chúa Cha, về thần tính và sự tiền hữu của Ngài. Người ta chỉ tin được lý thuyết này bằng cách giải nghĩa sai Kinh Thánh. Lý thuyết ấy chẳng những làm giảm ý niệm của loài người về công việc cứu chuộc, mà còn phá đổ đức tin nơi Kinh Thánh là sự khải thị của Đức Chúa Trời. Đó là điều nguy hiểm nhất, vì rất khó để bênh vực. Nếu người ta chối bỏ lời chứng trong Kinh Thánh về thần tính của Đấng Cứu Thế thì không cần thảo luận với họ nữa; dù lý luận của bạn mạnh mẽ tới đâu cũng không thuyết phục họ được. “Người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (1 Cô-rinh-tô 2:14). Không có người nào theo sự sai lầm ay có thể hiểu rõ về bản tính và chức vụ của Đấng Christ, hay chương trình vĩ đại của Đức Chúa Trời để cứu chuộc nhân loại. TT20 462.3
Một sự sai lầm xảo trá và nguy hiểm khác lan tràn rất mau chóng là tin rằng Sa-tan không phải là một nhân vật có thật; và tên hắn được dùng trong Kinh Thánh chỉ để tượng trưng cho những tư tưởng xấu xa và những ham muốn bất chính của loài người. TT20 463.1
Sự dạy dỗ rất phổ thông tại các tòa giảng, là Đấng Christ phục lâm khi Ngài đến với mỗi cá nhân lúc họ chết, đo là một lưới bẫy khiến người ta không tin nơi sự tái lâm của Chúa từ trên mây trời. Nhiều năm qua, Sa-tan thường nói, “Nầy, Ngài ở trong nhà” (Ma-thi-ơ 24:23-26); và nhiều linh hồn đã bị chết mất vì chấp nhận sự lừa dối ấy. TT20 463.2
Sự khôn ngoan thế gian cũng cho rằng lời cầu nguyện không cần thiết. Những người tin vào khoa học tuyên bố rằng không có sự đáp ứng thật sự cho lời cầu nguyện; vì như thế là vi phạm luật thiên nhiên, là một phép lạ, và phép lạ không thể hiện hữu được. Họ nói rằng vũ trụ được điều khiển bởi những luật cố định, và chính Đức Chúa Trời chẳng làm chi trái với luật ấy. Như vậy, họ cho rằng Đức Chúa Trời bị ràng buộc bởi chính luật của Ngài—dường như những luật Ngài có thể ngăn cản sự tự do Ngài. Sự dạy dỗ như the là trái với lời chứng của Kinh Thánh. Há Đức Chúa Giê-su và các môn đồ Ngài chẳng làm phép lạ sao? Đấng Cứu Thế đầy thương xót vẫn còn sống ngay nay, và Ngài sẵn sàng nghe lời cầu nguyện bởi đức tin như khi Ngài còn sống trong thế gian. Thiên nhiên hợp tác với siêu nhiên. Chương trình của Đức Chúa Trời là đáp lại lời cầu nguyện bởi đức tin, và Ngài sẽ không ban cho nếu chúng ta không cầu xin. TT20 463.3
Vô số những đạo lý sai lầm và những tư tưởng hão huyền xâm nhập vào các hội thánh Cơ Đốc giáo. Không thể ước lượng được những hậu quả tai hại nếu chỉ dời đi một cây trụ do lời Chúa đặt để. Một số người đã làm công việc này là chối bỏ một lẽ thật. Đa số tiếp tục chối bỏ từng điểm của nguyên tắc lẽ thật, cho đến khi họ trở nên những người vô tín. TT20 463.4
Có người hoài nghi Kinh Thánh vì những sự sai lầm của thần học phổ thông. Không thể tiếp nhận những giáo lý đụng chạm đến quan niệm của họ về sự công bình, thương xót, và nhân từ; và vì những quan niệm này là sự dạy dỗ của Kinh Thánh nên họ từ chối chấp nhận Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời. TT20 464.1
Đó là mục đích Sa-tan muốn thực hiện. Không gì hắn mong ước hơn là tiêu diệt đức tin nơi Đức Chúa Trời và lời của Ngài. Hắn chỉ huy đạo binh đông đảo của những kẻ nghi ngờ, và hắn hết sức hoạt động để lừa gạt các linh hồn để đưa vào hàng ngũ mình. Ngày nay sự nghi ngờ rất thịnh hành. Phần đông người nghi ngờ lời Đức Chúa Trời và chính Ngài—vì lời Chúa lên án tội loi. Những người không muốn vâng giữ điều răn thì cố gắng để tiêu hủy quyền lực lời Ngài. Họ đọc Kinh Thánh, hay nghe sự dạy dỗ từ các tòa giảng, chỉ để phê bình Kinh Thánh hoặc bài giảng. Rất đông người trở nên vô tín để bênh vực sự bỏ bê trách nhiệm mình. Những người khác theo chủ nghĩa nghi ngờ vì tự phụ hoặc biếng nhác. Họ thích an nhàn, không muốn thực hiện một điều gì đáng ca tụng vì cần phải cố gắng hay hy sinh, nhưng họ muốn được tiếng là khôn ngoan xuất chúng bằng cách chỉ trích Kinh Thánh. Có nhiều điều mà trí óc hữu hạn của con người không thể hiểu nổi, vì chưa được sự khôn ngoan thiên thượng soi sáng; vì thế người ta tìm dịp để chỉ trích. Cũng vậy, có nhiều người tưởng rằng tin theo chủ nghĩa hoài nghi, vô tín, và bất trung là một nhân đức. Tuy bề ngoài có vẻ thật thà, nhưng kỳ thật những người này rất tự tin và kiêu ngạo. Nhiều người cũng lấy làm thích thú tìm trong Kinh Thánh những điều làm bối rối tinh thần kẻ khác. Họ chỉ trích và lý luận vì thích tranh cãi mà không thấy mình sa vào lưới bẫy của ma quỷ. Rồi, khi đã phát biểu tỏ tường những tư tưởng vô tín, họ cảm thấy phải duy trì lập trường mình. Như thế la họ liên kết với kẻ ác và tự đóng cửa Thiên đàng. TT20 464.2
Đức Chúa Trời đã dẫn đủ bằng cớ về bản tính thiên thượng của lời Ngài. Những lẽ thật vĩ đại về sự cứu chuộc của chúng ta đã được trình bày rõ ràng trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời hứa ban Đức Thánh Linh cho những người thật lòng tìm kiếm, nên mỗi người đều có thể hiểu được những lẽ thật ấy. Ngài đã ban cho loài người một nền tảng chắc chắn để lập đức tin của họ. TT20 464.3
Nhưng trí óc hữu hạn của con người không thể hiểu hoàn toàn chương trình và mục đích của Đấng Toàn Năng. Chúng ta chẳng bao giờ tìm kiếm mà thấy được Đức Chúa Trời. Chúng ta không được thử nâng bàn tay tự phụ để vén lên bức màn bao phủ sự oai nghiêm của Ngài. Sứ đồ Phao-lô truyền dạy, “Ôi! Sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được!” (Rô-ma 11:33). Chúng ta có thể hiểu được đường lối của Đức Chúa Trời, nguyên động lực của Ngài đối với chúng ta, để nhận thức rõ lòng nhân từ và yêu thương vô tận, hiệp một với quyền lực toàn năng của Ngài. Thiên Phụ chúng ta điều khiển mọi sự cách khôn ngoan và công bình, chúng ta chớ nên bất mãn và nghi ngờ, nhưng nên kính cẩn cúi đầu phục tùng. Ngài sẽ bày tỏ cho chúng ta mục đích Ngài, nếu điều đó ích lợi cho chúng ta, ngoài ra, chúng ta phải tin cậy nơi Bàn Tay quyền năng, nơi Lòng đầy tình yêu thương của Ngài. TT20 465.1
Trong khi Đức Chúa Trời đã ban những bằng chứng đầy đủ cho đức tin, thì Ngài sẽ không bao giờ tha thứ cho những sự nghi ngờ. Những người đi tìm những cái móc để treo sự nghi ngờ của họ thì sẽ thấy chúng. Những người từ chối chấp nhận và vâng theo lời của Đức Chúa Trời cho tới khi mọi chống đối được cất bỏ, và không còn một cơ hội nghi ngờ nào nữa, thì sẽ không bao giờ đến cùng sự sáng. TT20 465.2
Sự nghi ngờ về Đức Chúa Trời là kết quả tự nhiên của lòng không hoán cải, thù nghịch với Ngài. Trái lại, đức tin được soi dẫn bởi Đức Thánh Linh sẽ lớn lên nếu được quý trọng. Chẳng ai có thể trở nên mạnh trong đức tin nếu không bền lòng cố gắng. Sự vô tín cũng vậy, sẽ trở nên mạnh nếu được khuyến khích; và người nào thay vì suy gẫm những bằng chứng mà Đức Chúa Trời đã ban cho để làm vững chắc đức tin, nhưng cứ chống nghịch lại, thì sẽ càng ngày càng chìm đắm trong sự nghi ngờ. TT20 465.3
Vả, những người nghi ngờ về những lời hứa và ân điển của Đức Chúa Trời, làm ô danh Ngài; và ảnh hưởng của họ, thay vì kéo tha nhân đến với Đấng Christ, lại làm cho họ xa cách Ngài. Họ là những cây không sinh trái, giương các nhánh rậm rạp che hết ánh nắng mặt trời của các cây khác, và khiến chúng tàn úa và chết dưới bóng lạnh lẽo của mình. Công việc của những người này sẽ là một lời chứng đời đời nghịch cùng họ. Họ gieo ra những hạt giống nghi ngờ thì chắc chắn sẽ gặt lấy những gì mình đã gieo. TT20 465.4
Những người thật lòng muốn thoát khỏi sự nghi ngờ chỉ có một điều phải làm. Thay vì thắc mắc và cãi bướng về điều mình không hiểu được, hãy chấp nhận sự sáng đã chiếu rọi trên mình, thì họ sẽ nhận được sự sáng lớn hơn. Họ phải làm trọn những phận sự mà họ đã hiểu rõ ràng, thì họ có thể hiểu và thi hành những phận sự mà hiện giờ họ nghi ngờ. TT20 466.1
Sa-tan có thể trình bày những sự giả mạo gần giống với lẽ thật, để lừa dối những người muốn bị lừa dối, những người muốn tránh sự từ bỏ mình và hy sinh mà lẽ thật đòi hỏi. Nhưng hắn không thể giữ dưới quyền lực mình một linh hồn thành thật muốn biết chân lý bằng bất cứ giá nào. Đấng Christ là lẽ thật và “Sự sáng này là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người” (Giăng 1:9). Thần Lẽ Thật đã đến trong thế gian để hướng dẫn người ta vào mọi lẽ thật. Con Đức Chúa Trời có phán, “Hãy tìm, sẽ gặp” (Ma-thi-ơ 7:7). “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý Ta” (Giăng 7:17). TT20 466.2
Các môn đồ Đấng Christ biết rất ít về âm mưu mà Sa-tan và các sứ hắn nghịch cùng họ. Nhưng Đấng ngự trên trời sẽ phá đổ những mưu kế này để hoàn thành ý định sâu nhiệm của Ngài. Chúa cho phép dân sự Ngài trải qua những sự thử thách nặng nề không phải Ngài vui thích thấy họ buồn khổ và đau đớn, nhưng vì những phương cách này cần thiết cho sự thắng trận cuối cùng của họ. Phù hợp với sự vinh hiển của Ngài, Đức Chúa Trời không thể bảo vệ họ khỏi sự cám dỗ; vì biết rằng mục đích của sự thử thách là để chuẩn bị họ chống trả mọi quyến rũ của tội ác. TT20 466.3
Nếu dân sự của Đức Chúa Trời đầu phục, thống hối, xưng ra và bỏ tội, và trông cậy nơi lời hứa của Ngài, thì những kẻ ác hay ma quỷ không thể cản trở được công việc của Ngài, hoặc che khuất sự hiện diện của Ngài đối với họ. Họ có thể thắng mọi cám dỗ và mọi ảnh hưởng của kẻ địch, tỏ tường hay kín giấu; vì “Ây chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Xa-cha-ri 4:6). TT20 466.4
“Vì mắt của Chúa đoái trông người công bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện người. . . Ví bằng anh em sốt sắng làm lành, thì có ai làm dữ lại cho anh em?” (1 Phi-e-rơ 3:12, 13). Khi Ba-la-am quá ham mê một phần thưởng lớn mà rủa sả dân Y-sơ-ra-ên thì ông nhận thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngăn cản ông, và Ba-la-am bắt buộc phải kêu lên rằng, “Kẻ mà Đức Chúa Trời không rủa sả, tôi sẽ rủa sả làm sao? Kẻ mà Đức Chúa Trời không giận mắng, tôi sẽ giận mắng làm sao?” “Người công chánh thác thể nào, tôi nguyện thác thể ấy; cuối cùng người nghĩa làm sao, tôi nguyện cuối cùng tôi làm vậy!” Sau khi dâng một của lễ khác, tiên tri bội đạo lại kêu lên, “Nầy tôi đã lãnh mạng chúc phước; Ngài đã ban phước, tôi chẳng cãi đâu. Ngài chẳng xem tội ác nơi Giacốp, và không thấy tà vạy trong Y-sơ-ra-ên; Giê-hô-va Đức Chúa Trời người, ở cùng người, trong Y-sơ-ra-ên có tiếng reo mừng của vua.” “Không có phù chú nơi Gia-cốp, cũng chẳng có bói khoa trong Y-sơ-ra-ên, vì đến kỳ định, sẽ nói về Gia-cốp và Y-sơ-ra-ên rằng: việc Đức Chúa Trời làm lạ là dường nào!” Lần thứ ba, Ba-la-am lập bàn thờ với ý định rủa sả lại dân sự. Nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Trời dã dùng môi miệng của tiên tri bội nghịch mà rao truyền sự thịnh vượng cho dân sự được lựa chọn của Ngài, cùng khiển trách sự điên dại và gian ác của những kẻ thù nghịch, “Phước cho kẻ nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi.” (Dân số Ký 23:8, 10, 20, 21, 23; 24:9). TT20 467.1
Dân Y-sơ-ra-ên bấy giờ trung thành với Đức Chúa Trời; và hễ họ còn trung tín với Ngài thì chẳng có quyền lực nào trên đất, hoặc dưới âm phủ có thể chống lại họ. Nhưng sự rủa sả mà Ba-la-am không được phép tuyên bố trên dân sự Đức Chúa Trời, thì cuối cùng ông ta cũng thành công là khiến dân sự sa vào tội lỗi. Khi họ phạm điều răn Đức Chúa Trời, thì họ tự phân cách khỏi Ngài, và cảm thấy quyền lực của kẻ hủy diệt. TT20 467.2
Sa-tan biết rõ ràng tất cả quyền lực của đạo binh tối tăm không thể làm chi nổi một linh hồn yếu đuối nhất ở trong Đấng Christ, và nếu hắn tấn công tỏ tường thì sẽ gặp sự chống đối. Vì vậy hắn tìm cách kéo các chiến sĩ của thập tự giá ra khỏi đồn lũy kiên cố của họ, trong khi hắn rình mò với đạo binh của mình, sẵn sàng hủy diệt những người tiến đến địa phận của hắn. Sự an ninh duy nhất của chúng ta là tin cậy trọn vẹn nơi Đức Chúa Trời, và vâng giữ mọi điều răn của Ngài. TT20 467.3
Không cầu nguyện thì chẳng ai được an toàn trong một ngày hay trong một giờ. Hãy đặc biệt cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để hiểu lời Ngài. Kinh Thánh bày tỏ các lưới bẫy của Sa-tan và phương pháp để chống lại hắn cách thành công. Sa-tan rất kinh nghiệm và khôn khéo trưng dẫn Kinh Thánh, giải thích theo ý hắn, hy vọng sẽ làm chúng ta vấp phạm. Chúng ta phải lấy lòng khiêm nhường nghiên cứu Kinh Thánh, và đừng bao giờ quên rằng chúng ta phải lệ thuộc vào Đức Chúa Trời. Trong khi phải luôn luôn coi chừng mưu chước của Sa-tan, chúng ta nên lấy đức tin cầu xin liên tục, “Xin chớ để chúng con bị cám dỗ.” TT20 468.1