Thiện Ác Đấu Tranh

29/44

27—Những Cuộc Phục Hưng Hiện Đại

NƠI NÀO Lời Đức Chúa Trời được rao giảng cách trung thành, thì kết quả chứng minh nguồn gốc thiên thượng của Lời ấy. Thánh Linh Đức chúa Trời ở cùng các tôi tớ Ngài, và lời Ngài có quyền phép. Tội nhân cảm thấy lương tâm mình bừng tỉnh. “Sự sáng thật khi đến thế gian soi sáng mọi người” (Giăng 1:9). Sự sáng đã chiếu rọi tận đáy lòng họ, và những gì giấu kín nơi tối tăm được bày tỏ ra. Ý thức về tội lỗi đã xâm nhập tâm trí họ, và cáo giác họ về tội lỗi, sự công bình và sự phán xét hầu đến. Họ nhạn thức được sự công bình của Đức Giê-hô-va, và cảm thấy kinh sợ về tội lỗi và sự ô uế của mình, khi phải ứng hầu trước Đấng dò xét lòng người. Trong sầu khổ, họ kêu lên, “Ai sẽ cứu toi thoát khỏi thân thể hay chết này?” (Rô-ma 7:24). Khi thập tự giá ở núi Sọ được bày tỏ ra trước mắt họ, với sự hy sinh vô tận để cứu kẻ có tội, thì họ hiểu rằng chỉ có công đức của Đấng Christ mới có thể chuộc tội họ, và làm cho họ hòa thuận với Đức Chúa Trời. Với lòng nhu mì và tin cậy, họ chấp nhận Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian. Bởi huyết của Đức Chúa Giê-su, họ đã được “tha thứ các tội trong quá khứ.” TT20 405.1

Những linh hồn ấy đem lại những kết quả xứng với sự ăn năn. Họ tin tưởng, chịu phép báp-têm và sống đời sống mới—là những người mới trong Đức Chúa Giê-su Christ; họ không làm theo những sự ham muốn ngày xưa, nhưng bởi đức tin qua Con Đức Chúa Trời, họ đi theo trong đường lối Ngài, phản chiếu bản tính Ngài, và làm mình nên thanh sạch cũng như Ngài là thanh sạch. Từ nay, họ yêu mến những điều mà ngày trước họ ghét; và ghét những điều mà ngày trước họ ham muốn. Kẻ tự phụ, kiêu ngạo trở nên hiền lành và nhu mì. Người kiêu hãnh, phù phiếm trở nên khiêm nhường và đứng đắn. Người vô le trở nên kính cẩn, kẻ say sưa trở nên tiết độ, người trụy lạc trở nên thanh khiết. Họ không theo thời trang phù phiếm của thế gian. Những Cơ Đốc nhân không tìm kiếm “sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt; nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quý trước mặt Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 3:3, 4). TT20 405.2

Những cuộc phục hưng đã dẫn đến sự tự xét lòng cách khiêm nhường và sâu xa. Tội nhân nghe những lời kêu gọi nghiêm trọng và thống thiết của những người có lòng thương xót các linh hồn được chuộc bằng huyết báu của Đấng Christ. Mọi người đều hết lòng cầu nguyện cho sự cứu rỗi của các linh hồn. Kết quả của những cơn phục hưng là thấy nhiều người sẵn sàng quên mình, hy sinh, và vui mừng, được kể là xứng đáng chịu sự sỉ nhục vì Đấng Christ. Người ta nhận thấy có một sự đổi mới trong đời sống của những người tín giáo này. Họ có ảnh hưởng tốt cho cộng đồng. Họ thâu góp với Đấng Christ, và gieo trong Thánh Linh để gặt sự sống đời đời. TT20 406.1

Người ta có thể nói về họ, “anh em đã buồn rầu theo ý Đức Chúa, . . . Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết. Vậy, hãy xem, sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự ân cần trong anh em là dường nào! Lại có sự chữa chối, buồn giận, răn sợ, sốt sắng, nông nả, trách phạt là dường nào! Anh em đã tỏ ra cho ai nấy đều biết rằng mình vốn là thanh sạch trong việc đó” (2 Cô-rinh-tô 7:9-11). TT20 406.2

Đó là kết quả bởi sự hành động của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Không có bằng chứng của sự ăn năn thật, trừ khi có sự hoán cải. Nếu kẻ có tội khôi phục điều mình hứa nguyện, hoàn lại của mình ăn cắp, xưng tội mình, và yêu mến Chúa và người lân cận, thì người có thể tin chắc rằng người tìm được sự bình an với Đức Chúa Trời. Đó là kết quả của các cơn phục hưng ngày xưa. Nhờ những trái của họ mà người ta nhận biết rằng họ được Đức Chúa Trời ban phước, bởi đó có thể cứu độ ke khác và nâng đỡ nhân loại. TT20 406.3

Nhưng nhiều cuộc phục hưng hiện đại có sự tương phản rõ rệt với những cuộc phục hưng thời xưa. Mặc dù có đông người xưng mình trở lại đạo, và các hội thánh tiếp nhận nhiều người vào hội; nhưng việc đó không chứng tỏ có cơn phục hưng trong đời sống thiêng liêng. Ánh sáng bùng lên một thời gian rồi chẳng bao lâu tắt hẳn, để lại sự toi tăm dày đặc hơn ngày trước. TT20 407.1

Những cuộc phục hưng phổ thông thường khêu gợi những xúc cảm và tưởng tượng, chỉ làm thỏa mãn lòng ham mê những điều mới lạ và lo sợ tạm thời. Những người trở lại đạo cách ấy ít thích nghe lẽ thật Kinh Thánh, ít chú ý đến lời chứng của các tiên tri và sứ đồ. Họ thấy những nghi lễ thờ phượng không hấp dẫn nếu không cảm động lòng họ. Những sứ điệp chỉ liên quan đến lý trí không được họ hưởng ứng. Họ không chú trọng đến những lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời có liên quan đến sự sống đời đời. TT20 407.2

Người nào thật lòng trở lại đạo thì việc lớn nhất của đời họ là thông công với Đức Chúa Trời và hiểu biết những việc đời đời. Nhưng tìm đâu ra tinh thần hiến dâng cho Đức Chúa Trời trong các hội thánh phổ thông ngày nay? Những người trở lại đạo không bỏ lòng kiêu ngạo cũng không bỏ lòng ham mến thế gian. Cũng giống như trước khi chưa hoán cải, họ không sẵn sàng quên mình để vác thập tự giá, và đi theo Đức Chúa Giê-su hiền lành và nhu mì. Tôn giáo đã trở nên một trò cười cho những người vô tín và hoài nghi, vì một số đông người xưng mình có đạo nhưng không hiểu nguyên tắc của đạo. Quyền phép của sự thánh thiện gần biến mất trong nhiều hội thánh. Những bữa ăn ngoài trời, những chương trình ca nhạc, hội chợ, nhà đẹp, phô trương cá nhân, đã làm tiêu mất tư tưởng về Đức Chúa Trời. Ruộng đất, của cải, công việc thế gian chiếm hết tâm trí họ, và những điều vĩnh cửu chỉ là một tư tưởng thoáng qua đối với họ. TT20 407.3

Tuy nhiên, dù có sự sa sút sâu rộng về đức tin và lòng đạo đức, cũng vẫn còn những môn đồ chân thật của Đấng Christ trong các hội thánh ấy. Trước khi sự hình phạt của Đức Chúa Trời giáng xuống trên đất, trong vòng dân sự của Ngài sẽ dấy lên một cuộc phục hưng thánh thiện lúc ban đầu mà người ta chưa từng thấy từ thời các sứ đồ. Đức Thánh Linh và quyền phép Đức Chúa Trời sẽ được tuôn đổ trên con cái Ngài. Bấy giờ, một số đông người sẽ ra khỏi những hội thánh yêu mến thế gian mà không yêu mến Đức Chúa Trời và Lời Ngài. Sẽ có nhiều mục sư và dân chúng vui lòng tiếp nhận những lẽ thật của Đức Chúa Trời được rao truyền trong thời kỳ này, để sửa soạn một dân sự sẵn sàng tiếp rước Chúa tái lâm. Kẻ thù muốn ngăn trở công việc này; và trước khi có phong trào đó, hắn sẽ cố gắng ngăn cản bằng cách dùng sự giả mạo. Trong những hội thánh mà hắn có thể lừa dối, hắn sẽ làm dường như ân phước đặc biệt của Đức Chúa Trời tuôn đổ trên họ; sẽ có những biểu lộ mà người ta tưởng là tôn giáo rất được chú ý đến. Nhiều người rất vui mừng cho rằng Đức Chúa Trời đang làm những việc lạ lùng cho họ, nhưng thật ra đó là công việc của một than khác. Trá hình dưới lớp ao tôn giáo, Sa-tan cố gắng bành trướng ảnh hưởng trên Cơ Đốc giáo. TT20 407.4

Trong các cuộc phục hưng vào nửa thế kỷ vừa qua, ảnh hưởng nay vẫn hoạt động nhiều hay ít, và sẽ còn biểu lộ mạnh mẽ hơn trong tương lai. Sẽ có sự kích thích tình cảm và pha trộn lẽ thật với sự sai lầm, để lừa dối người ta. Nhưng không ai cần bị lừa gạt, vì nếu căn cứ vào ánh sáng của lời Đức Chúa Trời, thì chẳng khó chi để nhận biết bản chất của những phong trào này. He nơi nào người ta khinh thường lời chứng của Kinh Thánh, xây bỏ lẽ thật đòi hỏi sự từ bỏ mình và thế gian, thì chúng ta chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ không ban ơn phước Ngài cho những nơi đó. Và áp dụng nguyên tắc của Đấng Christ, “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được” (Ma-thi-ơ 7:16), là bằng cớ để biết chắc những phong trào này không phải là công việc của Thánh Linh Đức Chúa Trời. TT20 408.1

Bởi lẽ thật của lời Ngài, Đức Chúa Trời bày tỏ cho người ta biết về Ngài; và hễ ai tiếp nhận lẽ thật Ngài thì lẽ thật đó như cái thuẫn chống lại những sự lừa dối của Sa-tan. Khinh thường những lẽ thật này là mở đường cho tội ác đang tràn ngập các tôn giáo. Tính chất và sự quan trọng của luật pháp Đức Chúa Trời đã bị lãng quên. Quan niệm sai lầm về tính chất, sự vĩnh cửu và bổn phận đối với luật pháp Chúa đã dẫn đến sự sai lầm liên quan đến sự hoán cải và sự nên thánh, và kết quả là tiêu chuẩn tin kính của hội thánh bị sa sút. Vì vậy, đây là lý do tại sao trong các cuộc phục hưng cận đại không có Thánh Linh và quyền phép Đức Chúa Trời. TT20 408.2

Trong các giáo hội, có những người danh tiếng về sự tin kính nhận thức việc này. Giáo sư Edwards A. Park có nói về những hiểm họa trong tôn giáo như sau, “Nguồn gốc của sự nguy hiểm, là trên tòa giảng đã phớt lờ việc bắt buộc theo luật pháp thiên thượng. Ngày xưa, tòa giảng là tiếng vang của việc thức tỉnh lương tâm. . . . Các giang sư trứ danh đều noi theo gương của Chúa, nên trong bài giảng của họ, luật pháp, mạng lịnh, và sự cảnh cáo của Chúa được đề cao. Hai phương châm của họ là: luật pháp là bản sao sự trọn lành của Đức Chúa Trời, và người nào không yêu mến luật pháp thì cũng không yêu mến phúc âm; vì luật pháp cũng như phúc âm là một tấm gương phản chiếu bản tính thật cua Đức Chúa Trời. Sự nguy hiểm ấy dẫn đến sự nguy hiểm khác, đó là coi thường sự xấu xa và đáng trách của tội lỗi. Điều răn của Chúa là đúng, vậy không vâng giữ điều răn Ngài là sai. . . . TT20 409.1

“Ngoài sự nguy hiểm nói trên, còn sự nguy hiểm khác là làm giảm sự công bình của Đức Chúa Trời. Khuynh hướng của các tòa giảng hiện đại là loại bỏ sự công bình của Chúa mà chỉ nói đến sự nhân từ, do đó đã hạ thấp sự nhân từ của Ngài như là một tình cảm chứ không đề cao là một nguyên tắc. Thần học mới đã phân rẽ điều Chúa đã kết hợp. Luật pháp Đức Chúa Trời là tốt hay xấu? Luật pháp của Chúa là tốt. Vậy thì sự công bình là tốt; vì sự công bình có nhiệm vụ thi hành luật pháp. Cho nên, loài người có thói quen coi thường luật pháp và sự công bình của Đức Chúa Trời, tức là coi thường sự không vâng lời, thì người ta cũng có thói quen làm giảm giá trị ân điển mà Chúa đã cung cấp trong chương trình chuộc tội.” Như thế, đối với loài người, Phúc âm mất hết giá trị và sự quan trọng, và không bao lâu người ta sẵn sàng loại bỏ chính Kinh Thánh. TT20 409.2

Có nhiều giảng sư cho rằng sự chết của Đấng Christ đã hủy bỏ luật pháp, nên loài người không cần giữ luật pháp nữa. Một số người trình bày luật pháp như một ách nặng kho mang, và phúc âm đã đem lại cho họ sự tự do khỏi làm nô lệ cho luật pháp nữa. TT20 409.3

Nhưng các tiên tri và các sứ đồ không dạy như thế về luật pháp thánh của Đức Chúa Trời. Đa-vít nói, “Tôi cũng sẽ bước đi thong dong [tự do], vì đã tìm kiếm các giềng mối Chúa” (Thi thiên 119:45). Sứ đồ Gia-cơ có viết sau khi Đấng Christ chết, gọi luật pháp Mười Điều răn là “luật pháp tôn trọng” và “luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do” (Giacơ 2:8; 1:25). Và sứ đồ Giăng, nửa thế kỷ sau khi Chúa bị đóng đinh, đã tuyên bố ân phước cho, “những người giữ điều răn của Đức Chúa Trời đặng có phép đến nơi cây sự sống và bởi các cửa mà vào trong thành” (Khải huyền 22:14). TT20 409.4

Thật không có nền tảng khi tuyên bố rằng sự chết của Đấng Christ dã hủy bỏ luật pháp của Đức Chúa Cha. Nếu có thể thay đổi hay hủy bỏ luật pháp thì Đấng Christ không cần phải chết để cứu loài người khỏi án phạt của tội lỗi. Sự chết của Đấng Christ chẳng bao giờ hủy bỏ luật pháp, nhưng chứng tỏ rằng luật pháp không thay đổi được. Con Đức Chúa Trời đến để “làm cho luật pháp cả sáng và tôn trọng” (Ê-sai 42:21). Ngài phán dạy rằng, “Các ngươi đừng tưởng Ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri;” “đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn” (Ma-thi-ơ 5:17, 18). Nói về chính mình, Chúa đã dự ngôn, “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa, luật pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi thiên 40:8). TT20 410.1

Luật pháp của Đức Chúa Trời không thay đổi được, vì luật pháp ấy bày tỏ ý muốn và bản tính Ngài. Đức Chúa Trời là sự yêu thương, luật pháp Ngài cũng là sự yêu thương. Hai nguyên tắc chính của luật pháp là sự kính mến Chúa và yêu thương người lân cận. “Sự yêu thương là sự làm trọn luật pháp” (Rô-ma 13:10). Bản tính Đức Chúa Trời là sự công bình và lẽ thật, thì luật pháp của Ngài cũng vậy. Tác giả Thi thiên nói, “Luật pháp Ngài là lẽ thật (là sự chân thật);” “Hết thảy luật pháp Chúa là công bình” (Thi thiên 119:142, 172). Sứ đồ Phao-lô cũng truyền dạy rằng, “Luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành” (Rô-ma 7:12). Luật pháp bày tỏ tư tưởng và ý muốn của Đức Chúa Trời, nên cũng tồn tại như chính Ngài vậy. TT20 410.2

Sự hoán cải và sự nên thánh làm cho loài người hòa thuận với Đức Chúa Trời, tức là dẫn họ sống hòa hợp với nguyên tắc của luật pháp Ngài. Ban đầu, loai người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, hòa hiệp hoàn toàn với bản tính và luật pháp của Đức Chúa Trời; những nguyên tắc công bình được ghi trong lòng người. Nhưng tội lỗi đã phân cách loài người với Đấng Tạo Hóa. Họ không còn phản chiếu hình ảnh của Ngài nữa. Lòng họ chống nghịch cùng những nguyên tắc của luật pháp Ngài. “Vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được” (Rô-ma 8:7). Nhưng “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài,” hầu cho loài người được hòa thuận với Đức Chúa Trời. Nhờ công đức của Đấng Christ mà sự hòa thuận được lập lại giữa Đấng Tạo Hóa và loài người. Ân điển Chúa đổi mới lòng họ, họ sống đời sống mới. Đức Chúa Giê-su nói sự thay đổi này là sự tái sanh, nếu không thì “không ai có thể thấy nước Đức Chúa Trời.” TT20 410.3

Bước đầu tiên dẫn đến sự hòa thuận với Đức Chúa Trời là nhận biết tội lỗi. “Tội lỗi tức là sự trái luật pháp” (1 Giăng 3:4). “VÌ luật pháp cho người ta biết tội lỗi” (Rô-ma 3:20). Muốn biết tội lỗi mình, tội nhân phải so sánh bản tính mình với tiêu chuẩn của sự công bình Đức Chúa Trời. Đó là một cái gương phản chiếu hình ảnh của một bản tính trọn vẹn, và giúp tội nhân biết được những khiếm khuyết của mình. TT20 411.1

Luật pháp tỏ cho người ta thấy tội lỗi mình, nhưng luật pháp không cung cấp phương thuốc trừ tội. Trong khi luật pháp hứa ban sự sống cho người vâng giữ, thì cũng tuyên án tử hình những kẻ vi phạm. Chỉ có phúc âm của Đấng Christ mới có thể giải thoát tội nhân khỏi sự đoán phạt của tội lỗi. Người phải ăn năn vì đã phạm luật pháp Đức Chúa Trời; và bởi đức tin nơi của lễ chuộc tội của Đấng Christ mà người nhận được sự “tha thứ về những tội đã qua” và trở nên kẻ dự phần bản tính của Đức Chúa Trời. Từ nay về sau, người là con của Đức Chúa Trời vì đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó người kêu rằng, “A-ba! Cha!” TT20 411.2

Bây giờ người ấy có tự do phạm luật pháp Đức Chúa Trời chăng? Phao-lô trả lời, “Chúng ta nhơn đức tin bỏ luật pháp sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp” (Rô-ma 3:31). “Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa?” (Rô-ma 6:2). Sứ đồ Giăng cũng nói, “Vì này là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề” (1 Giăng 5:3). Bởi sự tái sanh, người có tội được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời, và phục tùng luật pháp Ngài. Khi sự thay đổi lớn lao ấy xảy ra, thì tội nhân từ sự chết qua sự sống, từ tội lỗi qua sự thánh khiết, từ sự vi phạm và bội nghịch qua sự phục tùng và trung tín. Người không còn sống xa cách Đức Chúa Trời nữa; người bước vào một đời sống mới, đời sống hòa thuận, đức tin và yêu thương. Bấy giờ, “sự công bình của luật pháp” sẽ “được làm trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh” (Rô-ma 8:4). Và người sẽ vui mừng và nói ra từ đáy lòng rằng, “Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy” (Thi thiên 119:97). TT20 411.3

“Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại” (Thi thiên 19:7). Không có luật pháp, người ta chẳng có ý niệm về sự trong sạch và thánh khiết của Đức Chúa Trời, mà cũng không biết được tội lỗi và sự ô uế của mình. Họ không có sự cáo giác về tội lỗi, và cảm thấy không cần ăn năn. Vì không nhạn biết tình trạng chết mất của mình do vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, nen họ không thấy cần đến huyết chuộc tội của Đấng Christ. Người ta nhận sự cứu rỗi mà không cần thay đổi lòng mình hay cải thiện đời sống. Vì vậy họ có sự trở lại đạo nông cạn, và nhiều người nhập vào hội thánh mà chẳng bao giờ liên kết với Đấng Christ. TT20 412.1

Các phong trào tôn giáo hiện đại dạy nhiều lý thuyết sai lầm về sự nên thánh, bắt nguồn từ sự khinh thường hay từ bỏ luật pháp Đức Chúa Trời. Những lý thuyết này vừa sai lầm về đạo lý vừa nguy hiểm về thực hành; vì những lý thuyết này được nhiều người tiếp nhận, nên thật cần thiết là tất cả mọi người phải hiểu rõ ràng là Kinh Thánh dạy gì về vấn đề này. TT20 412.2

Sự nên thánh thật là một đạo lý Kinh Thánh. Sứ đồ Phaolô viết cho người Tê-sa-lô-ni-ca như sau, “Ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3). Và ông cầu khẩn, “Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). Kinh Thánh dạy rõ ràng sự nên thánh là gì, và làm thế nào đạt được sự nên thánh. Đang Cứu Thế cầu nguyện cho các môn đồ Ngài, “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức la lẽ thật” (Giăng 17:17). Sứ đồ Phao-lô cũng dạy rằng người ta “nên thánh bởi Đức Thánh Linh” (Rô-ma 15:16). Công việc của Đức Thánh Linh là gì? Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ, “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật” (Giăng 16:13). Tác giả Thi thiên viết, ‘ Luật pháp Chúa là chân thật” (Thi thiên 119:142). Ấy vậy, Thánh Linh và lời Đức Chúa Trời khải thị cho chúng ta biết những nguyên tắc công bình trong luật pháp Ngài. Vì “luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành,” (Rô-ma 7:12) và là bản sao của sự trọn lành của Đức Chúa Trời, nên người nào phục tùng luật pháp ấy thì sẽ nên thánh. Đấng Christ là gương mẫu trọn vẹn của sự nên thánh. Ngài phán, “Ta đã vâng giữ các điều răn của Cha Ta” (Giăng 15:10), “Ta hằng làm đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29). Các môn đồ Ngài phải trở nên giống như Ngài, nghĩa là nhờ ân điển Đức Chúa Trời, tập luyện tính tình theo nguyên tắc của luật pháp thánh Ngài. Đây là sự nên thánh theo giáo lý Kinh Thánh. TT20 412.3

Sự nên thánh chỉ thực hiện được bởi đức tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ và bởi quyền lực Đức Thánh Linh ngự trong lòng người ta. Sứ đồ Phao-lô khuyên tín hữu, “Lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:12, 13). Người tín đồ sẽ cảm thấy bị tội lỗi cám dỗ, nhưng người phải luôn luôn tranh chiến với nó. Nơi đây sự giúp đỡ của Đấng Christ là cần thiết. Loài người yếu đuối kết hợp với Chúa toàn năng, và bởi đức tin sẽ kêu lên, “Tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta” (1 Cô-rinh-tô 15:57). TT20 413.1

Kinh Thánh bày tỏ rõ ràng sự nên thánh là một công việc tiệm tiến. Khi trở lại đạo, tội nhân được hòa thuận với Chúa bởi huyết cứu chuộc và đời sống mới bắt đầu. Từ đó về sau, người chỉ nhắm “sự trọn lành mà tiến tới;” người muốn “được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.” Sứ đồ Phao-lô làm chứng, “Tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 3:13, 14). Phie-rơ có kể các bậc nên thánh như sau, “Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. . . . Làm điều đó anh em sẽ không hề vấp ngã” (2 Phi-e-rơ 1:5-10). TT20 413.2

Những người có kinh nghiệm về sự nên thánh theo lời của Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ một tinh thần khiêm nhường. Như Môi-se, họ thấy sự thánh thiện oai nghiêm đáng sợ, và họ thấy mình không xứng đáng trước sự thánh khiết và trọn lành của Đấng Toàn Năng. TT20 413.3

Tiên tri Đa-ni-ên là một gương mẫu của sự nên thánh thật, bởi người trọn đời trung thành phục vụ Đức Chúa Trời. Thiên sứ gọi ông là “người rất được yêu quý” (Đa-ni-ên 10:11) của Thiên đàng. Tuy nhiên, đấng tiên tri đáng kính ấy không cho mình là trong sạch và thánh khiết. Người cầu nguyện cho dân sự của mình trước mặt Đức Chúa Trời, hòa mình với dân Y-sơ-ra-ên tội lỗi mà cầu xin, “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, . . . không phải cậy những sự công bình mình mà chúng tôi nài xin Ngài, nhưng cậy những sự thương xót cả thể của Ngài.” “Chúng tôi đã phạm tội, đã làm việc ác” (Đani-ên 9:18, 15). Tiên tri cầu thêm, “Ta xưng tội lỗi ta và tội lỗi dân Y-sơ-ra-ên ta” (Đa-ni-ên 9:20). Về sau, khi Con Đức Chúa Trời hiện ra dạy bảo người, Đa-ni-ên viết, “Mặt ta biến sắc cho đến tái đi, và ta không còn sức nữa” (Đa-ni-ên 10:8). TT20 414.1

Khi Gióp nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời trong cơn bão, thì người kêu lên rằng, “Tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi” (Gióp 42:6). Khi tiên tri Ê-sai thấy sự vinh hiển Đức Chúa Trời và nghe tiếng các thiên sứ chê-ru-bin kêu lên rằng, “Thánh thay, thánh thay, thánh thay, là Đức Giê-hô-va vạn quân,” thì người than rằng, “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi!” (Ê-sai 6:3, 5). Phao-lô trong sự hiện thấy, có nghe tiếng phán từ từng trời thứ ba, “Những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra” (2 Cô-rinh-tô 12:3, 4). Ông cho mình là “kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ” (Ê-phê-sô 3:8). Giăng, môn đồ yêu dấu, nghiêng đầu trên ngực Chúa và nhìn xem sự vinh hiển Ngài, đã nga xuống dưới chân thiên sứ như chết (Khải huyền 1:17). TT20 414.2

Người nào đi dưới bóng thập tự giá của núi Sọ thì chẳng bao giờ lên mình kiêu ngạo hay cho rằng mình không phạm tội. Họ biết rằng những tội lỗi của họ đã gây ra khổ nạn làm tan nát lòng Con Đức Chúa Trời, và tư tưởng đó khiến họ hạ mình xuống. Những người sống gần nhất với Đức Chúa Giê-su sẽ thấy rõ tình trạng yếu đuối và tội lỗi của nhân loại, và hy vọng độc nhất của họ là nhìn vào công trạng của Đấng Cứu Thế bị đóng đinh và đã sống lại. TT20 414.3

Ngày nay trong thế giới tôn giáo, sự nên thánh được coi là quan trọng, nhưng vì tự tôn và khinh thường luật pháp Đức Chúa Trời, vì vậy sự nên thánh trái hẳn sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Người ta dạy rằng sự nên thánh là công việc mau chóng, chỉ bởi đức tin mà người ta được nên thánh tức khắc. Họ dạy, “Chỉ tin mà thôi, rồi anh em sẽ nhận ân phước.” Như thế không cần cố gắng chi hết. Đồng thời, họ chối bỏ luật pháp Đức Chúa Trời và cho là mình được giải thoát khỏi sự vâng giữ điều răn. Có thể nào loài người trở nên thánh, sống hòa hợp với ý muốn và bản tánh Đức Chúa Trời mà không cần phải phục tùng những nguyên tắc bày tỏ ý muốn ấy chăng? TT20 414.4

Một tôn giáo dễ dàng chỉ dạy về đức tin, đức tin mà thôi, không cần chiến đấu với bản ngã, không cần quên mình, không cần hy sinh, không cần phân rẽ khỏi thế gian; nhưng lời Đức Chúa Trời dạy thế nào? Chúng ta hãy nghe lời của sứ đồ Gia-cơ, “Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? . . . Hỡi người vô tri kia, ngươi muốn biết chắc rằng đức tin không có việc làm là vô ích chăng? Áp-raham, tổ phụ chúng ta, khi dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ, há chẳng từng cậy việc làm được xưng công bình hay sao? Thế thì, ngươi thấy đức tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn. . . Nhơn đó anh em biết người ta cậy việc làm được xưng công bình, chớ chẳng những là cậy đức tin mà thôi” (Gia-cơ 2:12-24). TT20 415.1

Lời chứng của Đức Chúa Trời thì chống lại giáo lý dạy về đức tin không có việc làm. Cầu xin ân điển Chúa mà không làm theo những điều kiện của ân điển là không phải đức tin, nhưng đó là sự tự phụ, vì đức tin thật được lập nền trên lời Kinh Thánh. TT20 415.2

Đừng ai tự dối mà tin rằng mình có thể nên thánh trong khi cố ý vi phạm một trong những điều Chúa đòi hỏi. Cố phạm một tội đã biết, tức là không nghe tiếng phán của Đức Thánh Linh và tự phân cách khỏi Đức Chúa Trời. “Tội lỗi tức là sự trái luật pháp” (1 Giăng 3:4). “Còn ai phạm tội [trái luật pháp], thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài” (1 Giăng 3:6). Mặc dù trong những thư này, sứ đồ Giăng nhấn mạnh về tình yêu thương, nhưng người không ngần ngại tiết lộ những người xưng mình là thánh mà lại sống cuộc đời vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. “Kẻ nào nói: ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người. Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy” (1 Giăng 2:4, 5). Đây là sự thử thách đức tin mỗi người. Không thể nào nói người ấy nên thánh nếu không làm theo mẫu mực thánh khiết mà Đức Chúa Trời đã ban cho thiên đàng cũng như trần gian. Người nào khinh thường luật pháp luân lý, giày đạp điều răn Đức Chúa Trời, phạm một mạng lệnh nhỏ của Ngài, mà dạy người ta làm như vậy thì không được thiên đàng quý trọng, và chúng ta biết sự nên thánh của họ là không có nền tảng. TT20 415.3

Kẻ nào nói mình không phạm tội, chứng tỏ rằng người ấy còn rất xa sự nên thánh. Vì người ấy chẳng có ý niệm gì về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, và điều phải làm để hòa hợp với bản tính Ngài; vì người cũng chẳng biết gì về sự trong sạch và nhân từ của Đức Chúa Giê-su, nên mới cho mình là thánh. Càng xa cách Đấng Christ, càng không hiểu bản tính và sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời, thì cang cho mình là công bình. TT20 416.1

Sự nên thánh theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh là sự nên thánh trọn vẹn, gổm cả con người—về tâm thần, linh hổn và thân thể. Phao-lô cầu nguyện cho người Tê-sa-lô-ni-ca, “Nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta đến” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). Ông còn khuyên tín đồ, “Hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1). Trong thời Y-sơ-ra-ên, mỗi con sinh tế làm của lễ dâng cho Chúa phải được lựa chọn kỹ lưỡng. Con nào có tì vít thì bị từ chối; vì Đức Chúa Trời có phán dạy những của lễ dâng cho Ngài phải “không tì vít.” Cũng vậy, Cơ Đốc nhân được truyền phải dâng thân thể mình làm “của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời.” Để được như vậy, họ phải gìn giữ các năng lực mình cho hoàn hảo. Điều gì làm giảm sức mạnh của thân thể hay sự sáng suốt của trí óc, là làm cho người ta không xứng đáng hầu việc Đấng Tạo Hóa. Và Đức Chúa Trời có vui lòng về của lễ không tốt nhất chăng? Đấng Christ dạy, “Ngươi hãy hết lòng mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.” Những người hết lòng kính mến Đức Chúa Trời thì sẽ vui lòng phụng sự Ngài hết sức, và luôn luôn cố gắng dùng hết năng lực mình để sống hòa hợp với luật pháp, nhờ đó họ sẽ phát triển khả năng để làm theo ý muốn Ngài. Họ sẽ không để cho khẩu thích hay nhục dục làm ô uế của lễ dâng lên Đức Chúa Cha. TT20 416.2

Phi-e-rơ khuyên, “Phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn” (1 Phi-e-rơ 2:11). Tội lỗi làm tê liệt tài năng, giảm tri thức, khiến lời Chúa và Thánh Linh không cảm động được lòng người. Phao-lô viết cho người Cô-rinh-tô, “Hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta” (2 Cô-rinh-tô 7:1). Và trái của Đức Thánh Linh là, “Lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22, 23). TT20 416.3

Mặc dù có những lời phán dạy của Chúa, nhưng không biết bao nhiêu tín đồ đã làm giảm năng lực mình trong sự tìm của cải hay chạy theo thời trang; biết bao nhiêu người làm giảm giá trị mình là con cái của Đức Chúa Trời trong sự mê ăn, uống rượu, và các thú vui bị cấm. Và hội thánh, thay vì khiển trách, lại thường khuyến khích điều ác bởi sự nuông chiều khẩu thích, mong muốn lợi lộc hay ham mê khoái lạc, để làm tăng ngân quỹ hội thánh, mà lòng yêu thương Đấng Christ thì quá ít nên tín đồ không dâng hiến đủ. Nếu Đức Chúa Giê-su vào trong các hội thánh ngày nay, và thấy những tiệc tùng và sự buôn bán không thánh khiết nhân danh tôn giáo, thì Ngài có đuổi những kẻ phạm đền thánh ấy như Ngài đã đuổi những kẻ đổi bạc ra khỏi đền thờ chăng? TT20 417.1

Sứ đồ Gia-cơ dạy sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì “trước hết là thanh sạch.” Nếu sứ đồ gặp những người xưng danh Đức Chúa Giê-su trên môi miệng ô uế vì thuốc lá, hơi thở và thân thể hôi hám vì hút thuốc, làm ô nhiễm không khí thiên đàng và khiến những người chung quanh hít thở hơi độc của họ; nếu sứ đồ biết sự thực hành nghịch lại với sự thánh khiết của phúc âm, há người không tố cáo sự thực hành ấy, coi nó “như là thế gian, xác thịt, và ma quỷ sao?” Những kẻ làm nô lệ cho thuốc lá, tuyên bố là được ơn phước để hoan toàn thánh hóa, và nói đến hy vọng của họ về thiên đàng; nhưng lời Đức Chúa Trời phán rõ ràng, “Kẻ ô uế, . . . không hề được vào thành” (Khải huyền 21:27). TT20 417.2

“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 6:19, 20). Người nào giữ thân thể là đền thờ của Đức Thánh Linh thì không làm nô lệ cho một thói quen nguy hại nào. Các năng lực của người thuộc về Đấng Christ, là Đấng đã mua chuộc người bởi huyết Ngài. Của cải người thuộc về Chúa, làm sao người có quyền phung phí tiền vốn đã cho người mượn? Trong lúc có những linh hồn chết mất vì không biết lời sự sống, thì những người xưng mình là tín đồ mỗi năm phung phí một số tiền lớn cho những sự nuông chiều vô ích và nguy hại. Người ta ăn trộm phần mười và các của dâng thuộc về Đức Chúa Trời, và tiêu xài cho những nhục dục nguy hại, hơn là giúp đỡ kẻ nghèo khó hay hỗ trợ phúc âm. Nếu hết thảy những người xưng mình là môn đồ Đấng Christ nên thánh thật sự, thì họ không phung phí tiền bạc mình cho những nuông chiều vô ích và tai hại, nhưng dâng tiền ấy vào kho của Chúa, và làm gương về sự tiết độ, quên mình, hy sinh; bấy giờ họ sẽ là sự sáng cho thế gian. TT20 417.3

Thế gian say mê những thú vui ích kỷ. Những điều lôi cuốn dân chúng là “sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời” (1 Giăng 2:16). Những môn đồ Đấng Christ nhận được sự kêu gọi thánh khiết hơn, “Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế” (2 Cô-rinh-tô 6:17). Theo lời Đức Chúa Trời, chúng ta nói đúng khi tuyên bố nếu sự nên thánh không dẫn đến sự từ bỏ hết tội lỗi và thú vui thế gian thì không phải là sự nên thánh thật. TT20 418.1

Những người phục tùng mạng lệnh Ngài, “Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế” thì lời hứa của Đức Chúa Trời là “Ta sẽ tiếp nhận các ngươi, Ta sẽ làm Cha các ngươi, các ngươi làm con trai con gái Ta” (2 Cô-rinh-tô 6:17, 18). Đặc quyền và bổn phận của Cơ Đốc nhân là phải có kinh nghiệm phong phú và phước hạnh về những việc của Đức Chúa Trời. Đấng Christ phán, “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo Ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12). “Con đường người công bình giồng như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa” (Châm ngôn 4:18). Mỗi bước tiến tới trong đức tin và sự vâng lời, dẫn linh hồn đến sự thông công mật thiết hơn với Sự Sáng của thế gian, “trong Ngài không có sự tối tăm.” Ánh sáng của Mặt Trời Công Bình chiếu trên các tôi tớ Đức Chúa Trời và họ sẽ phản chiếu tia sáng của Ngài. Các ngôi sao tỏ cho chúng ta thấy trên trời có một nguồn sáng lớn, và các ngôi sao phản chiếu sự rực rỡ của nguồn sáng ấy. Cũng một lẽ đó, Cơ Đốc nhân phải bày tỏ cho thế gian thấy có một Đức Chúa Trời ngự trên ngai của vũ trụ, và bản tính Ngài đáng cho ta khen ngợi và bắt chước. Ân điển của Thánh Linh Ngài, sự trong sạch và thánh thiện của bản tính Ngài, phải được bày tỏ trong những kẻ làm chứng về Ngài. TT20 418.2

Trong thư gởi cho người Cô-lô-se, sứ đồ Phao-lô kể những ơn phước dư dật bảo đảm cho con cái Đức Chúa Trời. Ông viết, “Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa, hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời, nhờ quyền phép vinh hiển Ngài, được có sức mạnh mọi bề, để nhịn nhục vui vẻ mà chịu mọi sự” (Cô-lô-se 1:9-11). TT20 419.1

Ông cũng viết về sự ước ao của mình cho tín đồ Ê-phêsô, là muốn họ hiểu biết về những đặc quyền của Cơ Đốc nhân. Với một ngôn ngữ dễ thông hiểu nhất, ông nói về quyền năng rất lớn và mọi sự hiểu biết mà họ có thể nhận được khi trở nên con trai và con gái của Đấng Chí Cao. Ông cầu xin họ được “quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng” để “đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dai, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết.” Nhưng lời cầu nguyện của sứ đồ lên đến cực điểm khi ông nói, “hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 3:16-19). TT20 419.2

Đây, chúng ta thấy sự khải thị những đích cao cả, nếu chúng ta hội đu các điều kiện, chúng ta sẽ đạt được nhờ đức tin nơi các lời hứa của Cha chúng ta ở trên trời. Nhờ công đức của Đấng Christ, chúng ta có thể nhận được quyền năng vô tận. “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32). Đức Chúa Cha ban cho Đức Chúa Con Thánh Linh của Ngài cách vô chừng mực, và chúng ta cũng có thể dự phần vào sự ban cho đầy dẫy ấy. “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:13). “Nếu các ngươi nhơn danh Ta xin điều chi, Ta sẽ làm cho” (Giăng 14:14). “Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn” (Giăng 16:24). TT20 419.3

Cơ Đốc nhân phải sống khiêm nhường, chớ không phải buồn rầu và tự ti mặc cảm. Mỗi người có đặc ân sống cách nào cho đẹp lòng Đức Chúa Trời và được Ngài ban phước. Cha chúng ta ở trên trời không muốn chúng ta ở dưới gánh nặng của sự đoán phạt và tối tăm. Đầu cúi xuống đất và luôn luôn nghĩ đến mình không phải là một bằng chứng khiêm nhường thật. Chúng ta có thể đến với Đức Chúa Giê-su và được tinh sạch bởi huyết Ngài, và đứng trước luật pháp Ngài không hổ thẹn hay ân hận. “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giêsu Christ, . . . là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh” (Rô-ma 8:1, 4). TT20 420.1

Nhờ Đức Chúa Giê-su, con cháu A-đam trở nên “con của Đức Chúa Trời.” “Vì Đấng làm nên thánh, và kẻ được nên thánh, đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em” (Hê-bơ-rơ 2:11). Đời sống tín giáo phải là một đời sống đức tin, chiến thắng và vui mừng trong Đức Chúa Trời. “Vì hễ sự gì sinh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian; và sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta” (1 Giăng 5:4). Tôi tớ của Đức Chúa Trời nói thật đúng như vầy, “Sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi” (Nê-hê-mi 8:10). Và Phao-lô nói thêm, “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi” (Phi-líp 4:4). “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ đối với anh em là như vậy” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18). TT20 420.2

Đó là những trái của sự hoán cải và sự nên thánh theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Sở dĩ người ta ít thấy những trái ấy, vì thế giới Cơ Đốc không tôn trọng những nguyên tắc công bình trong luật pháp Đức Chúa Trời. Đó cũng là lý do tại sao người ta ít thấy sự hành động sâu xa và bền bỉ của Thánh Linh Đức Chúa Trời là dấu của những cơn phục hưng ngày xưa. TT20 420.3

Bởi nhìn xem chúng ta sẽ được biến hóa theo hình ảnh đó. Nhưng nếu người ta khinh thường những mạng lệnh của Đức Chúa Trời về sự thánh khiết và trọn vẹn của bản tính Ngài mà lại theo những sự dạy dỗ và lý thuyết của loài người, thì cũng chớ lấy làm lạ thấy sự tin kính sa sút trong hội thánh. Chúa phán, “Chúng nó đã lìa bỏ Ta, là nguồn nước sống, mà tự đào lấy hồ, thật, hồ nứt ra, không chứa nước được” (Giêrê-mi 2:13). TT20 420.4

“Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ. . . . Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng” (Thi thiên 1:1-3). Chỉ khi nào luật pháp Đức Chúa Trời được tôn trọng cách xứng đáng, bấy giờ người ta sẽ thấy giữa vòng dân sự Đức Chúa Trời cơn phục hưng đức tin và lòng kính mến lúc ban đầu. “Đức Giê-hô-va phan như vầy: Hãy đứng trên các đường cái và nhìn xem; tra xét những đường lối cũ, xem thử đường tốt ở đâu: hãy đi đường ấy, thì các ngươi sẽ được sự an nghỉ cho linh hồn mình” (Giê-rê-mi 6:16). TT20 421.1