Thiện Ác Đấu Tranh
26—Một Cuộc Cải Cách
TIÊN TRI Ê-sai nói trước về sự cải cách ngày Sa-bát phải được hoàn thành trong ngày sau rốt, “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hãy giữ điều chánh trực, và làm sự công bình; vì sự cứu rỗi của Ta gần đến, sự công bình của Ta sắp được bày tỏ. Phước thay cho người làm điều đó, và con người cầm vững sự đó, giữ ngày Sa-bát đặng đừng làm ô uế, cấm tay mình không làm một điều ác nào!” (Ê-sai 56:1, 2). “Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu việc Ngài, đặng yêu men danh Đức Giê-hô-va, đặng làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta, thì Ta sẽ đem họ lên trên núi thánh Ta, làm cho họ vui mừng trong nhà cầu nguyện Ta” (Ê-sai 56:6, 7). TT20 396.1
Những lời hứa trên áp dụng cho thời kỳ kỷ nguyên Cơ Đốc giáo, như được chép trong câu sau đây, “Chúa Giê-hôva, Đấng nhóm dân tan lạc của Y-sơ-ra-ên, phán như vầy: Dân nó đã được nhóm lại rồi, Ta sẽ còn nhóm các dân khác lại về cùng nó” (Ê-sai 56:8). Lời tiên tri này nói về dân ngoại sẽ nghe giảng phúc âm và nhóm lại với dân sự Chúa. Họ sẽ giữ ngày Sa-bát của Đức Giê-hô-va, và sẽ được phước Ngài. Như thế thì bổn phận giữ điều răn thứ tư vẫn tiếp tục sau thời kỳ Chúa bị đóng đinh, Chúa sống lại và thăng thiên, và kéo dài cho tới thời kỳ mà các tôi tớ Đức Chúa Trời sẽ rao truyền tin lành cho khắp thế gian. TT20 396.2
Chúa phán dạy bởi tiên tri Ê-sai rằng, “Ngươi hãy gói lời chứng này, niêm phong luật pháp này trong môn đồ Ta!” (Ê-sai 8:16). Ân của luật pháp Đức Chúa Trời ở trong điều răn thứ tư. Trong Mười điều răn chỉ có điều răn thứ tư là có tên, có chức của Đấng Lập pháp. Điều răn này rao truyền Đấng Lập pháp là Đấng Tạo Hóa dựng nên trời đất, và như thế chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng đáng cho chúng ta vâng phục và tôn thờ trên tất cả mọi thần khác. Ngoài điều răn này không có điều răn nào khác trong Mười Điều răn, cho ta thấy ai có uy quyền ban luật pháp. Khi ngày Sa-bát bị quyền thế giáo hoàng thay đổi, thì cái ấn đã bị cất khỏi luật pháp Đức Chúa Trời. Các môn đồ Đức Chúa Giê-su được kêu gọi phục hồi ấn Đức Chúa Trời, bằng cách đề cao ngày Sa-bát của điều răn thứ tư là ngày kỷ niệm của Đấng Tạo Hóa, và là ấn chứng của quyền năng Ngài. TT20 397.1
“Hãy theo luật pháp và lời chứng!” Giữa các giáo lý và những lý thuyết mâu thuẫn, chỉ có luật pháp Đức Chúa Trời mới là tiêu chuẩn không sai lầm để thử nghiệm mọi ý kiến, mọi giáo lý và mọi lý thuyết. Tiên tri nói, “Nếu dân chẳng nói như vậy, chắc sẽ chẳng có rạng đông cho nó” (Ê-sai 8:20). TT20 397.2
Mạng lệnh cũng lại được truyền như vầy, “Hãy kêu to lên, đừng dứt; hãy cất tiếng lên như cái loa; rao bảo tội lỗi dân Ta cho nó, và rao bảo sự gian ác nhà Gia-cốp cho nhà ấy” (Ê-sai 58:1). Đây, Đức Chúa Trời quở trách tội lỗi của những người mà Ngài gọi là “dân Ta,” chớ không phải thế giới gian ác. Ngài lại phán, Ngày ngày họ tìm kiếm Ta và muốn biết đường lối Ta; như dân đã theo sự công bình và chưa từng bỏ luật pháp của Đức Chúa Trời mình!” (Ê-sai 58:2). Đây nói về những người tưởng mình là công bình và dường như sốt sắng chú ý đến công việc Đức Chúa Trời; nhưng Đấng dò xét lòng người nghiêm trách họ vì họ giày đạp luật pháp thánh của Ngài. TT20 397.3
Tiên tri nói rõ điều răn đã bị hủy bỏ, “Những kẻ ra từ ngươi sẽ dựng lại nơi đổ nát ngày xưa; ngươi sẽ lập lại các nền của nhiều đời trước. Người ta sẽ xưng ngươi là Kẻ tu bổ sự hư hoại, và là Kẻ sửa đường lại cho người ở. Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sa-bát, không làm vừa ý mình trong ngày thánh của Ta; nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Đức Giê-hô-va là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình, bấy giờ ngươi sẽ lấy Đức Giê-hô-va làm vui thích” (Ê-sai 58:12-14). Lời tiên tri này cũng áp dụng cho thời đại chúng ta. Luật pháp của Đức Chúa Trời bị xâm phạm khi La Mã đổi ngày Sa-bát. Nhưng thời kỳ tu bổ ngày thánh đã đến. Sự hư hoại phải được sửa chữa lại, và nền của nhiều đời trước phải được lập lại. TT20 397.4
Ngày Sa-bát được biệt ra thánh bởi sự nghỉ ngơi và ban phước của Đấng Tạo Hóa. Ngày ấy đã được A-đam tuân giữ trong vườn Ê-đen khi còn vo tội; và cũng vẫn được A-đam tuân giữ sau khi sa ngã và ăn năn, khi ông bị đuổi ra khỏi vườn phước hạnh. Ngày Sa-bát cũng được các tổ phụ tuân giữ, từ A-bên tới Nô-ê công bình, đến đời Áp-ra-ham và Gia-cốp. Trong thời gian bị bắt làm phu tù ở Ai Cập, phần đông dân Chúa quên luật pháp Đức Chúa Trời giữa vòng dân thờ hình tượng. Rồi khi dân Y-sơ-ra-ên được giải cứu, Ngài truyền luật pháp Ngài trước đám dân đông tụ họp tại chân núi Si-na-i, giữa cảnh hùng vĩ oai nghiêm, để họ biết ý muốn Ngài, kính sợ và vâng lời Ngài mãi mãi. TT20 398.1
Từ khi ấy cho đến bây giờ, luật pháp Đức Chúa Trời được bảo tồn trong thế gian, và ngày Sa-bát của điều răn thứ tư hằng được tuân giữ. Mặc dù “người tội ác” đã giày đạp ngày thánh của Đức Chúa Trời, nhưng ngay trong thời kỳ quyền thế tối thượng của giáo hoàng, tại những nơi hẻo lánh, vẫn có những người trung tín tôn trọng ngày đó. Từ thời kỳ Cải chánh, mỗi thế hệ đều có những người trung thành tuân giữ ngày ấy. Mặc dù bị chế nhạo và bắt bớ, vẫn có những người làm chứng về luật pháp vĩnh cửu của Đức Chúa Trời và tuân giữ ngày Sa-bát, ngày kỷ niệm cuộc tạo thế. TT20 398.2
Những lẽ thật này trong Khải huyền 14 liên quan “Tin lành đời đời,” sẽ phân biệt hội thánh của Đấng Christ trong ngày Chúa phục lâm. Kết quả của sự rao truyền sứ điệp ba thiên sứ là, “Đây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ: chúng giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Giê-su” (Khải huyền 14:12). Và đây la sứ điệp cuối cùng rao truyền cho thế gian trước ngày chúa tái lâm. Liền sau khi giảng xong sứ điệp ấy, tiên tri thấy Con người ngự đến trong sự vinh hiển để gặt mùa màng trên đất. TT20 398.3
Những người tiếp nhận ánh sáng về đền thánh và luật pháp không thay đổi của Đức Chúa Trời hết sức vui mừng và ngạc nhiên; khi họ hiểu được sự đẹp đẽ và hòa hiệp của lẽ thật. Họ ao ước sự sáng quý giá đã ban cho họ được chia sớt cho tất cả Cơ Đốc nhân; họ tin tưởng sự sáng đó sẽ được tiếp nhận cách nồng nhiệt. Nhưng những lẽ thật khiến họ đi ngược lại với thế gian, nên không được tiếp nhận bởi phần đông người tự xưng mình là môn đồ Đấng Christ. Sự vâng giữ điều răn thứ tư đòi hỏi sự hy sinh nên phần lớn số người đã rut lui. TT20 398.4
Khi nghe giảng về ngày Sa-bát, nhiều người lý luận như vầy, “Chúng ta luôn luôn giữ ngày Chủ nhật, tổ phụ chúng ta cũng vậy, nhiều người tốt và đạo đức đã qua đời cách vui mừng trong khi giữ ngày ấy. Nếu họ đúng, thì chúng tôi cũng đúng. Sự giữ ngày Sa-bát mới này làm cho chúng ta không hòa hiệp với thế gian và mất ảnh hưởng với mọi người. Một số ít người giữ ngày thứ Bảy hy vọng đạt được gì với cả thế gian giữ ngày Chủ nhật?” Cũng bởi các lý luận ấy mà người Giu-đa dùng để chứng minh sự chối bỏ Đấng Christ. Tổ phụ họ đã được Đức Chúa Trời chấp nhận khi dâng con sinh tế, tại sao con cháu lại không hưởng được sự cứu rỗi bởi việc làm giống như thế? Cũng vậy, trong thời Luther, phe La Mã lý luận rằng những Cơ Đốc nhân chân thật đã chết trong đức tin Công giáo, vậy thì đạo của họ cũng đủ bảo đảm cho họ sự cứu rỗi. Lý luận như thế là một chướng ngại vật ngăn cản mọi sự tiến bộ về đức tin và đời sống đạo đức. TT20 399.1
Nhiều người viện lẽ rằng sự giữ ngày Chủ nhật là một giáo lý vững chắc, và một tục lệ phổ thông của giáo hội trải qua nhiều thế kỷ. Để chống lại lý luận này, Kinh Thánh chứng minh rằng ngày Sa-bát và sự giữ ngày này còn xưa hơn và phổ thông hơn nữa, vì ngày ấy cũng xưa như trái đất và được cả thiên sứ cùng Đức Chúa Trời chấp nhận. Khi các nền trái đất được lập nên, các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng, thì ngày Sa-bát được thiết lập (Gióp 38:6, 7; Sáng thế Ký 2:1-3). Sự thiết lập ngày Sa-bát không đến từ phong tục, hay từ một quyền thế nào của loài người, nhưng từ Đấng Thượng Cổ bởi lời vĩnh cửu của Ngài, nên ngày đó đáng được chúng ta tôn trọng. TT20 399.2
Khi vấn đề cải cách ngày Sa-bát được dân chúng chú ý, thì các mục sư được lòng người đã giải thích sai ý nghĩa Kinh Thánh để làm dịu tâm trí những người thắc mắc. Và những người không tra xem Kinh Thánh; thỏa mãn với những lời kết luận hợp với nguyện vọng mình. Bằng những lý luận, lời ngụy biện và truyền khẩu của các giáo phụ và của quyền thế giáo hội, nhiều người đã cố gắng bác bỏ lẽ thật. Những người bênh vực điều răn thứ tư, sốt sắng tra xem Kinh Thánh hơn. Nhờ thế mà những người tầm thường, chỉ dựa vào lẽ thật mà thôi, có thể chống trả lại sự tấn công của những nhà trí thức, khiến cho những người này ngạc nhiên và giận dữ, khi thấy sự ngụy biện hùng hồn của mình thiếu quyền lực trước những lý luận đơn sơ và thẳng thắn của những người chịu học Kinh Thánh hơn là sự khôn ngoan từ các học đường. TT20 399.3
Thiếu bằng cớ Kinh Thánh để chứng minh, nhiều người đã kiên trì viện chứng—quên rằng những lý luận này cũng được dùng để chống lại Đấng Christ và các Sứ đồ, “Tại sao những nha lãnh đạo của chúng ta không hiểu vấn đề ngày Sa-bát? Chỉ có một số ít người tin như các ông thôi. Không thể nào các ông đúng được, và không thể nào tất cả những nhà trí thức trong thế gian sai lầm hết được.” TT20 400.1
Để chống lại những lý luận như thế, chỉ cần trưng dẫn giáo lý Kinh Thánh, và lịch sử của đường lối Đức Chúa Trời đối với dân sự Ngài trải qua các thời đại. Đức Chúa Trời hành động qua những người nghe theo và phục tùng Ngài, sẵn sàng rao truyền lẽ thật dù không hợp thời, và can đảm tố cáo tội lỗi phổ biến. Sở dĩ Đức Chúa Trời thường không dùng những nhà trí thức và quyền thế để hướng dẫn những phong trào cải chánh, vì họ tin cậy nơi tín điều, lý thuyết và hệ thống thần học của mình, và cảm thấy không cần Chúa dạy dỗ. Chỉ có những người thông công mật thiết với Nguồn Khôn ngoan mới có thể thấu hiểu hay giải nghĩa Kinh Thánh được. Có khi Chúa dùng những người ít học để rao truyền lẽ thật, chẳng phải vì họ thiếu kiến thức, nhưng vì họ không quá tự phụ, để được Chúa dạy dỗ. Họ là môn đồ trong trường của Đấng Christ, sự nhu mì và vâng lời khiến họ trở nên cao trọng. Đức Chúa Trời giao cho họ kiến thức về lẽ thật của Ngài, tức là ban cho họ một danh dự cao quý hơn mọi danh dự và sự vĩ đại của thế gian. TT20 400.2
Phần đông tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm đã từ chối lẽ thật về đền thánh và luật pháp Đức Chúa Trời, và nhiều người cũng bỏ đức tin về phong trào phục lâm, chấp nhận những quan điểm vô lý và mâu thuẫn của lời tiên tri về phong trào ấy. Một số người đi theo đường lối sai lạc, là cứ lập đi lập lại sự ấn định ngày Đấng Christ phục lâm. Bây giờ sự sáng về vấn đề đền thánh chỉ cho họ thấy không có thời kỳ tiên tri nào dẫn đến ngày phục lâm; thời gian chính xác của biến cố ấy không được dự ngôn. Nhưng vì xây bỏ ánh sáng nên họ cứ tiếp tục ấn định ngày Chúa tái lâm, và thường thường phải chịu thất vọng. TT20 400.3
Khi hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca chấp nhận quan điểm sai lầm về ngày phục lâm của Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô đã khuyên họ hãy lấy lời Đức Chúa Trời để thử nghiệm kỹ càng niềm hy vọng và sự trông đợi của mình. Sứ đồ kể những lời tiên tri rao báo các biến cố phải xảy ra trước khi Đấng Christ phục lâm để tỏ rằng họ không có lý do chờ Chúa tái lâm trong thời của mình. Ông cũng cảnh báo họ, “Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Nếu trông chờ những điều không căn cứ trên Kinh Thánh, họ sẽ đi lạc đường; những kẻ vô tín sẽ nhạo báng sự thất vọng của họ, và điều nguy hiểm là họ sẽ nản chí, và nghi ngờ lẽ thật cần yếu cho sự cứu rỗi của mình. Lời khuyên bảo của sứ đồ cho người Tê-sa-lô-ni-ca cũng là bài học quan trọng cho những người sống trong thời kỳ sau rốt. Nhiều tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm cảm thấy trừ khi họ đặt niềm tin trên thời gian nhất định về ngày Chúa tái lâm, thì họ không thể sốt sắng và chăm chỉ để chuẩn bị tiếp rước Chúa. Nhưng khi niềm tin của họ cứ bùng lên rồi lại bị tiêu tan, thì đức tin họ bị lung lay đến nỗi họ không thể chú ý đến lẽ thật vĩ đại trong lời tiên tri. TT20 401.1
Sự rao truyền ngày giờ nhất định về sự phán xét khi rao giảng sứ điệp thứ nhất là do ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự tính thời kỳ tiên tri 2300 ngày chấm dứt vào mùa thú năm 1844 là đúng. Cố gắng tìm những niên hiệu khác nhau cho sự khởi đầu và mãn thời kỳ tiên tri, rồi dùng những lý luận sai lầm để bênh vực lập trường mình, thì không những khiến trí óc đi xa lẽ thật, mà còn làm người ta coi thường sự cố gắng giải nghĩa lời tiên tri. Càng ấn định ngày Chúa tái lâm, và phổ biến sứ điệp này cách rộng rãi, thì cang thích hợp với mục đích của Sa-tan. Khi ngày ấn định đã qua rồi, thì hắn chế nhạo và khinh thường những người rao truyền ngày ấy, và như vậy là họ đã đem lại sỉ nhục cho phong trào tái lâm vĩ đại năm 1843 và 1844. Những người cứ ở trong sự sai lầm ấy cuối cùng lại ấn định một niên hiệu xa hơn cho ngày Chúa tái lâm. Như vậy, họ sẽ an lòng trong sự yên ổn giả tạo và nhiều người chỉ tỉnh ngộ khi đã quá trễ. TT20 401.2
Lịch sử dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa là một chú thích rõ rệt của kinh nghiệm nhóm Cơ Đốc Phục Lâm. Đức Chúa Trời đã hướng dẫn dân Ngài trong phong trào phục lâm như Ngài đã dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô. Trong cơn thất vọng nặng nề, đức tin của họ bị thử thách cũng như dân Hêbơ-rơ tại Biển đỏ. Nếu họ cứ tin cậy nơi Đấng đã hướng dẫn thì họ đã thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nếu hết thảy mọi người đều đồng tâm làm việc cho phong trào 1844, tiếp nhận sứ điệp của vị thiên sứ thứ ba, và rao truyền sứ điệp ấy bởi quyền phép Đức Thánh Linh, thì Chúa đã đem lại kết quả vĩ đại. Sự sáng lớn đã chiếu rọi khắp thế gian. Nhiều năm trước đây dân cư trên đất có thể đã được cảnh cáo, công việc đã hoàn thành, và Đấng Christ có thể đã tái lâm để cứu chuộc dân Ngài. TT20 401.3
Đức Chúa Trời không muốn dân Y-sơ-ra-ên lưu lạc bốn mươi năm trong đồng vắng; Ngài muốn dẫn họ vào ngay xứ Ca-na-an, và lập họ thành một dân thánh khiết và hạnh phúc. Nhưng họ “không thể vào đó được vì cớ không tin” (Hê-bơ-rơ 3:19). Sự tái phạm và bội đạo khiến họ chết trong đồng vắng, và một dòng dõi khác được dấy lên để nhận lấy đất hứa. Chính Đức Chúa Trời cũng không muốn Đấng Christ trì hoãn ngày tái lâm, và dân sự Ngài phải sống lâu năm trong thế gian đau khổ và tội lỗi. Nhưng sự vô tín đã làm họ xa cách Đức Chúa Trời. Khi họ đã từ chối không thi hành nhiệm vụ giao phó cho mình, thì Chúa đã lựa chọn những người khác để rao truyền sứ điệp. Vì thương xót thế gian nên Đức Chúa Giê-su đã trì hoãn ngày tái lâm, hầu cho những tội nhân có cơ hội nghe sứ điệp cảnh báo và tìm nơi Ngài chỗ ẩn náu trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa Trời. TT20 402.1
Ngày nay cũng như trong các thời đại trước, khi lẽ thật tố cáo tội lỗi và sự sai lầm của thời đại được rao truyền thì sẽ dấy lên sự chống nghịch. “Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng” (Giăng 3:20). Vì không thể bảo vệ lập trường mình theo lời Kinh Thánh, nên nhiều người cố gắng duy trì ý kiến mình bằng mọi cách, và với lòng gian ác, họ tấn công bản tính và động lực của những người bênh vực lẽ thật không hợp thời. Mưu chước đó đã được dùng trải qua các thời đại. Tiên tri Ê-li bị vu cáo là người làm rối loạn dân Y-sơ-ra-ên, Giê-rê-mi là phản bội, và Phao-lô làm ô uế đền thờ. Từ thời đó đến bây giờ, những người trung tín với lẽ thật thì bị tố cáo là phiến loạn, tà giáo và chia rẽ. Một số đông người quá vô tín đã không tiếp nhận lời tiên tri chắc chắn, sẽ tin cách mù quáng lời vu cáo nghịch cùng những người dám quở trách tội lỗi. Tinh thần ấy càng ngày càng tăng thêm. Lời Kinh Thánh đã dạy rõ ràng rằng ngày đến khi những luật lệ chính phủ sẽ nghịch lại luật pháp Đức Chúa Trời, đến nỗi những người muốn vâng phục mạng lệnh Chúa phải can đảm chịu sỉ nhục và chịu hình phạt như kẻ làm ác. TT20 402.2
Trước viễn ảnh ấy, bổn phận của sứ giả lẽ thật là gì? Người có nên kết luận rằng không nên rao giảng lẽ thật, vì kết quả của lẽ thật chỉ là khuấy động dân chúng để tránh né hay chống đối mà thôi. Chẳng hề như vậy; cũng như những nhà Cải chánh thời xưa, người không có lý do để giấu lời chứng của Đức Chúa Trời, chỉ vì lời chứng ấy gây sự chống đối. Sự xưng đức tin của các thánh và những nhà tử vì đạo đã được ghi chép để giúp ích hậu thế. Những gương mẫu thánh khiết và cương quyết ấy, khuyến khích những người ngày nay can đảm làm chứng cho Đức Chúa Trời. Họ nhận ân điển và lẽ thật chẳng những cho mình mà thôi, nhưng qua họ, kiến thức về Đức Chúa Trời có thể soi sáng thế gian. Sở dĩ Đức Chúa Trời ban sự sáng cho tôi tớ Ngài la để họ chiếu sự sáng đó cho mọi người. TT20 403.1
Ngày xưa Chúa phán bảo cho phát ngôn viên của Ngài như vầy, “Nhà Y-sơ-ra-ên sẽ chẳng nghe ngươi, vì nó không muốn nghe Ta” (Ê-xê-chi-ên 3:7). Nhưng “ngươi khá đem lời Ta nói cùng chúng nó, dầu nghe, dầu chẳng khứng nghe” (Ê-xê-chi-ên 2:7). Ngày nay, tôi tớ của Đức Chúa Trời cũng nhận được mạng lệnh này, “Hãy cất tiếng lên như cái loa; rao bảo tội lỗi dân Ta cho nó, và rao bảo sự gian ác nhà Gia-cốp cho nhà ấy” (Ê-sai 58:1). TT20 403.2
Mỗi người khi đã tiếp nhận sự sáng của lẽ thật, và khi hoàn cảnh cho phép, thì họ có trách nhiệm nghiêm trọng và đáng sợ y như Chúa đã phán cùng tiên tri Ngài, “Này, hỡi con người, Ta đã lập ngươi đặng làm kẻ canh giữ cho nhà Y-sơ-ra-ên; nên hãy nghe lời từ miệng Ta, và thay Ta răn bảo trước cho chúng nó. Khi Ta phán cùng kẻ dữ rằng: Hỡi kẻ dữ, mầy chắc chết! Nếu ngươi không răn bảo để cho kẻ dữ xây bỏ đường lối xấu của nó, thì kẻ dữ ấy sẽ chết trong sự gian ác mình; nhưng Ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi. Nếu, trái lại, ngươi đã răn bảo kẻ dữ đặng xây bỏ đường lối xấu của nó mà nó không xây bỏ, thì nó sẽ chết trong sự gian ác nó, còn ngươi đã giải cứu mạng sống mình” (Ê-xê-chi-ên 33:7-9). TT20 403.3
Trở ngại lớn lao ngăn cản sự rao truyền và tiếp nhận lẽ thật, vì lẽ thật thường gây ra sự bất tiện và sỉ nhục. Đó là lý luận duy nhất nghịch cùng lẽ thật, mà những người bênh vực chẳng bao giờ có thể bác bỏ được. Nhưng việc ấy không ngăn cản được những môn đồ thật của Đấng Christ. Họ không chờ cho đến khi lẽ thật được nhiều người ưa chuộng. Nhận thức bổn phận mình, họ quả quyết chấp nhận thập tự giá, như sứ đồ Phao-lô đã nói, “sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiên cao trọng đời đời, vô lượng vô biên” (2 Cô-rinh-tô 4:17); với tiên tri thời xưa, “coi sự sỉ nhục vì Đấng Christ là quý hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô” (Hê-bơ-rơ 11:26). TT20 403.4
Bất luận người ta theo đạo nào, chỉ có những người hết lòng phục vụ thế gian, thì hành động theo điều lệ hơn là theo nguyên tắc trong vấn đề tôn giáo. Chúng ta nên lựa chọn điều phải vì điều đó đúng, và giao phó hậu quả trong tay Đức Chúa Trời. Thế giới tri ân những nhà Cải chánh, những người theo nguyên tắc, anh hùng của đức tin, và can đảm. Nhờ những người giống như vậy, công cuộc cải cách trong thời đại này phải được tiến tới. TT20 404.1
Như Chúa đã phán, “Hỡi dân biết điều công nghĩa, ghi luật pháp Ta trong lòng, hãy nghe Ta! Chớ e người ta chê bai, đừng sợ họ nhiếc móc. Vì sâu sẽ cắn nuốt họ như cắn áo, mọt sẽ ăn họ như ăn lông chiên; nhưng sự công bình của Ta sẽ còn mãi, sự cứu rỗi của Ta còn đến muôn đời” (Ê-sai 51:7, 8). TT20 404.2