TÌNH YÊU TRONG LỬA
Ông John Knox
Hamilton và Wishart đã hy sinh sự sống mình trên giàn hỏa. Họ có rất nhiều môn đồ là những người ít nổi bật, nhưng từ đống củi cháy hừng hực của Wishart phát sinh một người khác là người mà giàn hỏa không thể bắt ông câm nín, là một người dưới sự điều khiển của Đức Chúa Trời đến để chấm dứt quyền thế La Mã ở Scotland. TTL 114.3
John Knox quay lưng với những truyền thống của giáo hội để nuôi mình bằng lẽ thật của Lời Chúa. Cách dạy dỗ của Wishart đã củng cố quyết định của John Knox là từ bỏ La Mã để theo bước chân của những nhà Cải Chánh giáo bị bắt bớ. TTL 114.4
Khi các bạn thúc giục rao giảng, ông run rẩy và lo sợ trước trách nhiệm này. Chỉ sau nhiều ngày đấu tranh kịch liệt với bản thân, ông mới dám nhận. Nhưng ngay khi nhận chức vụ, ông quyết tâm dấn thân với lòng can đảm chắc chắn. Nhà Cải Chánh giáo tận tụy này không hề sợ bất kỳ ai. Khi bị dẫn đến trước mặt nữ hoàng Scotland, John Knox không bị khuất phục bởi những đặc ân, cũng không bị mất tinh thần trước những lời hăm dọa. Nữ hoàng nói rằng ông dạy dỗ dân chúng tin vào một tôn giáo đã bị chính quyền cấm, như vậy là ông đã vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời phán bảo thần dân phải vâng phục vua chúa mình. Knox điềm tĩnh trả lời: “Nếu hết thảy hậu tự của Áp-ra-ham theo đạo của Pha-ra-ôn trong lúc họ làm tôi tớ suốt mấy trăm năm, thì tôi xin phép hỏi nữ hoàng cả thế giới sẽ theo đạo nào? Hoặc nếu như mọi người sống trong thời đại các sứ đồ đều theo đạo của hoàng đế La Mã, thì thế gian này sẽ đối mặt với tôn giáo nào?”. TTL 114.5
Nữ hoàng Mary nói: “Ông giải nghĩa Kinh Thánh cách này, còn họ (Công giáo La Mã) giải nghĩa Kinh Thánh cách khác; vậy ta biết nên tin ai, còn ai sẽ là thẩm phán”. TTL 114.6
Nhà Cải Chánh đáp: “Bà nên tin Đức Chúa Trời, là Đấng phán cùng chúng ta rõ ràng bằng Lời Ngài. Bản chất của Lời Đức Chúa Trời đã tự rõ ràng; nếu có đoạn nào khó hiểu thì Đức Thánh Linh là Đấng không bao giờ mâu thuẫn sẽ giải thích nó rõ ràng hơn ở những đoạn khác”. (David Laing, The Collected Works of John Knox, volume 2, page 281, 284) TTL 114.7
Mạo hiểm sự sống mình với lòng can đảm không dời đổ, nhà Cải Chánh giáo kiên cường tiếp tục sứ mạng mình, cho đến khi Scotland được giải phóng khỏi hệ thống Công giáo. TTL 115.1
Ở nước Anh, sự thiết lập hệ thống Cải Chánh giáo như là quốc giáo đã làm giảm sự bắt bớ, nhưng chưa dứt hẳn, nhiều nghi lễ của La Mã vẫn được duy trì. Những người Cải Chánh phủ nhận quyền lực tối thượng của giáo hoàng, nhưng thay vào đó vua được tôn lên làm đầu hội thánh. Tôn giáo vẫn còn đi lệch hướng rất lớn với tính thánh khiết của phúc âm. Những người Cải Chánh giáo ở Anh chưa hiểu rõ quyền tự do tôn giáo. Mặc dù các nhà cầm quyền theo Cải Chánh hiếm khi dùng đến những biện pháp tàn ác kinh khủng mà La Mã sử dụng, họ vẫn chưa công nhận quyền thờ phượng Đức Chúa Trời còn tùy thuộc vào lương tâm. Những người ly khai khỏi Giáo hội Anh phải chịu bắt bớ suốt hàng thế kỷ. TTL 115.2