TÌNH YÊU TRONG LỬA

8/282

Chương 1—Tiên Tri Về Số Phận Của Thế Giới

Từ trên đỉnh núi Ô-li-ve, Chúa Giê-su ngắm nhìn thành Giê-ru-sa-lem, chiêm ngưỡng toàn cảnh các công trình nguy nga tráng lệ của đền thờ. Những tia nắng hoàng hôn chiếu xuống các bức tường đá cẩm thạch trắng như tuyết, cả tòa tháp lên tới chóp đỉnh ngôi đền đều lấp lánh ánh vàng rực rỡ. Có con cái Y-sơ-ra-ên nào ngắm quang cảnh tuyệt đẹp này mà lòng không tràn ngập niềm vui mừng và hãnh diện! Nhưng Chúa Giê-su bị vài tư tưởng khác cắt ngang dòng suy nghĩ. “Khi Đức Chúa Giê-su đến gần thành, thấy thì khóc về thành” (Lu-ca 19:41). TTL 18.1

Chúa Giê-su không khóc cho mình, mặc dù trước mặt Ngài là vườn Ghết-sê-ma-nê nằm trải dài (khung cảnh của sự đau đớn tột độ về thể xác và tinh thần sắp diễn ra) và Đồi Sọ (nơi chịu thập hình) không cách xa nơi Ngài đang đứng. Tuy nhiên, các viễn cảnh này không thể phủ bóng đêm lên Ngài vào lúc yên vui này. Ngài khóc cho hàng ngàn người nhận hậu quả bi đát trong thành Giê-ru-sa-lem. TTL 18.2

Trước mắt Chúa Giê-su là lịch sử hơn một ngàn năm của tuyển dân được Đức Chúa Trời ban ơn phước đặc biệt và chăm sóc chở che. Đức Chúa Trời đã ca ngợi Giê-ru-sa-lem hơn mọi nơi trên đất. Chúa đã “chọn Si-ôn… làm nơi ở của Ngài” (Thi Thiên 132:13). Qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều nhà tiên tri đã loan báo biết bao nhiêu sứ điệp để cảnh tỉnh. Hàng ngày, các thầy tế lễ cũng dâng huyết con sinh tế để hướng về Chiên Con của Đức Chúa Trời. TTL 18.3

Giả sử Y-sơ-ra-ên là một đất nước chịu gìn giữ lòng trung thành với Thiên Đàng thì Giê-ru-sa-lem sẽ mãi mãi là thành được Đức Chúa Trời tuyển chọn. Tiếc thay lịch sử của dân tộc mà Đức Chúa Trời ban ơn lại bị ghi nhận là tái phạm sa ngã và nổi loạn. Trên cả tình yêu thương dịu dàng của một người cha, Đức Chúa Trời “có lòng thương xót dân sự và đền của Ngài” (2 Sử Ký 36:15). Sau bao lần kêu cầu khẩn khoản và khiển trách không hiệu quả, Đức Chúa Trời đành phải ban luôn món quà tốt đẹp nhất của thiên đàng - Con của Chính Ngài — xuống nài xin thành phố không chịu ăn năn hối cải ấy. TTL 18.4

Suốt ba năm, Chúa của ánh sáng và vinh quang đã ở cùng dân sự Ngài, “làm phước và chữa lành những người bị ma quỷ ức hiếp”, cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ nghèo khổ được nghe giảng tin lành (đọc Công vụ 10:38; Lu-ca 4:18; Ma-thi-ơ 11:5). TTL 18.5

Chúa Giê-su sống cảnh lang thang như người vô gia cư để làm mục vụ giúp những nhu cầu và rắc rối của con người, nài xin họ tiếp nhận món quà sự sống. Những đợt sóng nhân từ đẩy vào đã bị những kẻ cứng lòng đẩy ra, vẫn tiếp tục đẩy vào bằng những đợt sóng yêu thương mạnh mẽ hơn, một tình yêu vô bờ không biết sao diễn tả hết. Vậy mà dân Y-sơ-ra-ên đành lòng quay lưng với người Bạn tốt nhất, là Đấng giúp đỡ duy nhất của họ, họ coi thường những lời cảnh cáo xuất phát từ tình yêu của Ngài. TTL 18.6

Thời gian quy định dành cho hy vọng và tha thứ rồi cũng nhanh chóng trôi qua. Đám mây tích tụ qua các thời kỳ bội giáo và phản loạn cũng gần vỡ tung trên đầu dân tộc tội lỗi. Họ đã khinh thường, sỉ nhục, từ chối Đấng duy nhất có thể cứu họ thoát khỏi nghiệp chướng cận kề, giờ đây họ còn sắp đóng đinh Ngài. TTL 18.7

Trong khi Đấng Christ nhìn về Giê-ru-sa-lem, Ngài thấy ngay trước mắt mình số phận diệt vong của cả thành và cả một quốc gia. Ngài thấy thiên sứ hủy diệt cầm gươm giơ lên đánh xuống thành là nơi Đức Chúa Trời ngự rất lâu. Ngay tại vị trí mà danh tướng Titus và quân đội của ông đóng trại sau này, Ngài nhìn qua thung lũng thấy khoảng sân linh thiêng bên trong cùng các hành lang của đền thờ. Mắt nhòa lệ, Ngài thấy các đạo quân ngoại bang vây hãm xung quanh các tường thành. Ngài nghe tiếng chân của những đoàn quân xâm chiếm, tiếng khóc của những người mẹ và con trẻ đói khát bị bao vây trong thành. Ngài nhìn thấy ngôi nhà Giê-ru-sa-lem thiêng liêng, các cung điện và đền đài của nó đều bị phóng hỏa, chỉ còn đống tro tàn âm ỉ. TTL 19.1

Nhìn qua các thế đại, Ngài thấy dân tộc của giao ước bị tản lạc đi khắp nơi, “giống như những xác tàu bên bờ biển vắng”. Lòng trắc ẩn thiêng liêng và tình yêu cháy bỏng bật ra những tiếng thê lương: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng muốn!” (Ma-thi-ơ 23:37). TTL 19.2

Đấng Christ nhìn Giê-ru-sa-lem thấy giống như một điển hình của thế giới cứng lòng vì bất tín và nổi loạn, đang vội vã tìm cách ứng phó với các bản án của Đức Chúa Trời. Ngài động lòng thương xót vì những con người trần gian phải chịu đau đớn, khổ ải. Ngài khao khát đổi lấy gánh nặng cho họ. Ngài sẵn lòng ban cho quyền được sống cuối cùng của Ngài để họ có thể được giải thoát. TTL 19.3

Vua của thiên đàng còn phải khóc! Cảnh tượng đó chứng minh rằng để cứu tội lỗi ra khỏi những hậu quả của việc vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời là khó biết bao nhiêu. Chúa Giê-su nhìn thấy thế giới bị dính líu vào sự lừa dối, tương tự như nguyên nhân khiến cho Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ. Tội lỗi to lớn nhất của dân Do Thái là từ chối Đấng Christ; tội lỗi to lớn nhất của thế gian là từ chối luật pháp của Đức Chúa Trời - nền tảng cai trị của Ngài ở trên trời và dưới đất. Hàng triệu nô lệ tội lỗi (sẽ phải lãnh án tử lần thứ hai) là những người từ chối lắng nghe những lời nói về lẽ thật trong khi họ vẫn còn cơ hội tiếp nhận sự cứu chuộc. TTL 19.4