TÌNH YÊU TRONG LỬA
Vén Bức Màn Tương Lai
Trước khi tội lỗi xâm nhập thế giới này, A-đam và Ê-va được tận hưởng tình bằng hữu với Đấng Tạo Hóa ra họ. Nhưng kể từ khi bất tuân, tổ phụ và tổ mẫu chúng ta tự ngăn cách họ ra khỏi Đức Chúa Trời, dòng giống loài người bị cắt mất đặc ân tuyệt vời này. Tuy nhiên, kế hoạch cứu chuộc mở ra một con đường cho những ai đang sống ở địa cầu vẫn có cách liên lạc với thiên đàng. Đức Chúa Trời liên lạc với dòng giống loài người thông qua Đức Thánh Linh, ban ánh sáng thiên thượng xuống thế gian qua những khải thị cho các tôi tớ mà Ngài đã chọn lựa. “Ấy bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:21). TTL 13.1
Suốt hai ngàn năm trăm năm đầu tiên của lịch sử nhân loại, Đức Chúa Trời không để bất cứ sứ điệp nào được ghi chép lại. Những người được Chúa chỉ dạy đã truyền lại sự hiểu biết của họ cho người khác, nó được tiếp nhận từ cha sang con qua nhiều thế hệ. Việc ghi nhận nhiều sự kiện chỉ được bắt đầu vào thời đại của Môi-se. Những sự khải thị đầy năng lực sáng tạo sau đó được gom lại với nhau vào Quyển sách được soi dẫn (Inspired Book). Công việc này được thực hiện suốt khoảng thời gian dài một ngàn sáu trăm năm tiếp theo tính từ Môi-se (sử gia nghiên cứu về sự sáng tạo và luật pháp) rồi đến Giăng (người ghi lại các lẽ thật vĩ đại nhất của phúc âm). TTL 13.2
Kinh Thánh nhấn mạnh Đức Chúa Trời chính là tác giả của nó, tuy nhiên, nó được viết bởi bàn tay loài người, mỗi kiểu viết khác nhau phản ánh những tính cách khác nhau của từng cá nhân tác giả. Các lẽ thật được tiết lộ đều do “Đức Chúa Trời soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16), nhưng chúng được diễn giải bằng từ ngữ loài người. Thông qua Thánh Linh của Ngài, Đấng Duy Nhất đã đem ánh sáng rọi vào trí óc và tấm lòng cho các tôi tớ Ngài. Ngài đã ban cho họ những giấc mơ và sự hiện thấy, những khải tượng và hình minh họa; sau đó, những ai được Ngài tiết lộ các sự thật này sẽ tự họ diễn đạt lại bằng ngôn ngữ loài người. TTL 13.3
Các sách trong Kinh Thánh được viết qua nhiều thời đại khác nhau bởi những người khác biệt về địa vị xã hội và nghề nghiệp, cũng như những năng lực khác nhau về trí tuệ lẫn tâm linh, đại diện cho một kiểu tương phản rất lớn cũng như tính đa dạng hóa trong các chủ đề mà người viết đề cập. Nhiều tác giả sử dụng nhiều hình thức diễn đạt khác nhau. Thông thường, với cùng một lẽ thật, nhưng người này diễn giải có vẻ ấn tượng hơn người kia. Nhiều tác giả viết về một đề tài theo những cách khác nhau và những quan điểm khác nhau, nếu độc giả là người hời hợt, bất cẩn, hoặc là người có định kiến thì họ có thể nghĩ rằng Kinh Thánh không nhất quán hoặc mâu thuẫn, trong khi đó, đối với những học sinh chịu suy nghĩ thấu đáo, biết tôn kính và sáng suốt hơn thì nhận thấy sự hài hòa nằm ngay bên dưới. TTL 13.4
Nhiều tác giả khác nhau đưa ra nhiều nhận định khác nhau về lẽ thật. Tác giả này thấy cảm động mạnh ở một khía cạnh nào đó của lẽ thật thì ông sẽ chú trọng các quan điểm liên quan đến kinh nghiệm bản thân hoặc khả năng nhận thức được ý nghĩa để đánh giá đúng khía cạnh đó. Tác giả kia thì nhấn mạnh đến khía cạnh khác. Dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, tác giả nào cũng bày tỏ những gì gây ấn tượng mạnh trong đầu mình nhất — khía cạnh khác nhau nào cũng chứa lẽ thật trong nó, nhưng nhìn tổng thể thì tất cả đều hài hòa một cách trọn vẹn. Mọi lẽ thật tiết lộ theo cách này hay cách khác đều hiệp nhất với nhau tạo thành một sự hoàn hảo tuyệt vời, thích ứng với tất cả mọi nhu cầu mà nhân loại cần, mọi hoàn cảnh và kinh nghiệm sống. TTL 13.5
Đức Chúa Trời chọn cách truyền đạt lẽ thật của Ngài xuống thế gian qua các đại diện phàm trần. Chính Ngài (qua Đức Thánh Linh) làm cho những người nam người nữ đại diện đạt tiêu chuẩn rồi cho phép họ thi hành nhiệm vụ. Ngài dẫn dắt tâm trí họ chọn lọc những gì nên nói hay nên viết. Ngài gửi kho tàng lẽ thật của Thiên Đàng xuống các chậu sành. Sứ điệp được diễn đạt bằng ngôn ngữ không hoàn chỉnh của loài người, nhưng nó là lời chứng của Đức Chúa Trời. Con cái ngoan ngoãn, tin tưởng Chúa sẽ nhìn thấy được bên trong sứ điệp là vinh quang của một quyền năng thánh, đầy ân điển và lẽ thật. TTL 14.1
Trong Lời Ngài, Đức Chúa Trời đã trao cho chúng ta sự hiểu biết cần thiết để tiếp nhận sự cứu rỗi. Chúng ta chấp nhận Kinh Thánh như là một căn cứ chính xác, sự khải thị không sai lầm về ý muốn của Ngài. Đó là tiêu chuẩn cho tính cách, mặc khải các nguyên tắc sống và kiểm tra kinh nghiệm của Cơ Đốc nhân. “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16, 17). TTL 14.2
Tuy vậy, sự thật về việc Đức Chúa Trời tiết lộ ý muốn Ngài cho nhân loại thông qua Lời Ngài không có nghĩa là làm cho sự hiện diện liên tục và việc hướng dẫn của Đức Thánh Linh trở nên không cần thiết. Ngược lại, Chúa Cứu thế của chúng ta đã hứa sẽ cho Thánh Linh xuống để mở Lời ra cho tôi tớ Ngài, soi sáng và áp dụng những sự dạy dỗ trong ấy. Chính vì Thánh Linh của Đức Chúa Trời là Đấng đã truyền cảm hứng vào Kinh Thánh nên không bao giờ có sự dạy dỗ nào của Đức Thánh Linh đi ngược với Lời Ngài. TTL 14.3
Đức Thánh Linh không được ban cho (và sẽ không bao giờ được) để thay thế Kinh Thánh, bởi vì Kinh Thánh nói rõ ràng rằng Lời của Chúa là chuẩn mực cho chúng ta kiểm tra hết thảy mọi sự dạy dỗ và kinh nghiệm. Sứ đồ Giăng nói rằng: “Chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả sẽ hiện ra trong thiên hạ” (1 Giăng 4:1). Còn tiên tri Ê-sai tuyên bố: “Hãy theo luật pháp và lời chứng! Nếu dân chẳng nói như vậy, chắc sẽ chẳng có rạng đông cho nó” (Ê-sai 8:20). TTL 14.4
Công việc của Đức Thánh Linh đã bị một số người coi thường khi họ cầu xin Đức Thánh Linh soi sáng mà lại nói rằng họ không cần Lời của Đức Chúa Trời dẫn dắt. Họ bị cảm giác điều khiển mà suy nghĩ sai lầm rằng họ nghe tiếng nói của Chúa trong lòng, nhưng thần điều khiển họ lại không phải là Đức Thánh Linh. Khi hờ hững Kinh Thánh, những cảm giác tiếp theo chỉ có thể dẫn đến chỗ bị nhầm lẫn, bị lừa dối, rồi hư mất. Vấn đề này chỉ phục vụ cho việc giúp đỡ các kế hoạch của ma quỷ. Kể từ khi sứ mạng của Đức Thánh Linh trở nên vô cùng quan trọng đối với hội thánh Đấng Christ, thì việc hờ hững Kinh Thánh là một trong những mưu đồ của Sa-tan nhằm sử dụng lỗi lầm của những người có quan điểm cực đoan và cuồng tín để gây mất uy tín công việc của Thánh Linh, gây cớ cho dân sự Đức Chúa Trời xao lãng nguồn sức mạnh mà chính Chúa đã cung cấp. TTL 14.5
Phối hợp với Lời của Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh tiếp tục làm việc suốt thời kỳ tin lành được rao giảng. Suốt cả hai thời kỳ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước được cho phép ghi nhận, Đức Thánh Linh đã không ngừng truyền đạt sự sáng đến từng cá nhân, thậm chí bổ sung một số mặc khải cho các sách của Kinh Thánh. Đối với những vấn đề không liên quan gì đến món quà Kinh Thánh, thì tự Kinh Thánh cũng kể cho mọi người biết làm thế nào để họ được Đức Thánh Linh cảnh cáo, sửa trị, khuyên bảo và hướng dẫn. Kinh Thánh cũng đề cập đến các nhà tiên tri sống ở nhiều thời đại khác nhau mà các sứ điệp của họ không được ghi chép. Theo cách đó, sau khi Kinh Thánh được viết xong, Đức Thánh Linh vẫn còn tiếp tục làm việc, khai sáng, khiển trách và an ủi con cái Đức Chúa Trời. TTL 14.6
Đức Chúa Giê-su hứa với các sứ đồ của Ngài: “Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các con mọi sự, nhắc lại cho các con nhớ mọi điều Ta đã phán cùng các con”. “Lúc nào Thần Lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các con vào mọi lẽ thật,… tỏ bày cho các con những sự sẽ đến” (Giăng 14:26; 16:13). Quá rõ ràng, Kinh Thánh đã dạy cho chúng ta những lời hứa này, thay vì được giới hạn chỉ trong thời đại các sứ đồ thì lại mở rộng cho tất cả các hội thánh của Đấng Christ ở mọi thời đại. Đấng Cứu Chuộc cam kết với những người tin theo Ngài rằng: “Ta sẽ ở cùng các con luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20). Phao-lô cũng tuyên bố về món quà và công việc của Đức Thánh Linh được ban cho hội thánh “để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch mình và gây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:12, 13). TTL 15.1
Đối với các tín đồ ở Ê-phê-sô, sứ đồ cầu xin: “Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài, lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào,… biết quyền vô hạn của Ngài đối với chúng ta có lòng tin” (Ê-phê-sô 1:17-19). Ơn phước mà Phao-lô cầu khẩn cho hội thánh Ê-phê-sô đó là sứ mạng của Đức Thánh Linh khai sáng sự hiểu biết, mở mang trí tuệ cho họ hiểu những điều sâu nhiệm trong Lời Thánh của Đức Chúa Trời. TTL 15.2
Sau ngày kỳ diệu được Thánh Linh tuôn đổ dạt dào trong Lễ Pentecost (50 ngày sau Lễ Vượt Qua, bản dịch cũ đặt tên là lễ Ngũ Tuần), Phi-e-rơ hối thúc dân sự ăn năn và chịu báp-têm nhân danh Đức Chúa Giê-su Christ để được tha tội, sứ đồ nói: “Sẽ được lãnh sự ban cho của Đức Thánh Linh. Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là biết bao nhiêu người mà Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi” (Công vụ các sứ đồ 2:38,39). TTL 15.3
Đề cập thẳng đến những quang cảnh về ngày vĩ đại của Chúa, qua tiên tri Giô-ên, Đức Chúa Trời đã hứa ban cho Thánh Linh một cách đặc biệt (Giô-ên 2:28). Lời tiên tri này đã được thực hiện một phần vào ngày tuôn đổ Thánh Linh xuống Lễ Pentecost (Lễ Ngũ Tuần). Nhưng nó sẽ được thực hiện hoàn tất để tỏ bày ân điển thiêng liêng kết hợp cùng với công việc kết thúc phúc âm. TTL 15.4
Cuộc chiến khốc liệt giữa thiện và ác sẽ càng lúc càng trở nên dữ dội khi đến gần ngày tận thế. Thời đại nào, Sa-tan cũng phô bày thái độ tức giận của hắn đối với hội thánh Đấng Christ, còn Đức Chúa Trời vẫn luôn ban ân điển và Thánh Linh Ngài cho dân sự để giúp họ mạnh mẽ chống chọi lại quyền lực quỷ dữ đó. Khi các sứ đồ của Đấng Christ đi rao truyền phúc âm ra thế giới và ghi chép để dành lại cho các thế hệ tương lai, họ đã được Đức Thánh Linh khai sáng cách đặc biệt. Tuy nhiên, khi hội thánh sắp đến gần ngày giải cứu cuối cùng, Sa-tan sẽ hành động bằng vũ lực khủng khiếp hơn. Hắn “biết thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải Huyền 12:12). Hắn sẽ “làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9). Với kinh nghiệm sống sáu ngàn năm và đã từng một lần giữ chức vụ cao nhất trên toàn thiên sứ của Đức Chúa Trời, hắn chỉ dốc hết mọi sức mạnh vào chuyện lừa đảo, phá hoại. Hắn đã đạt được tuyệt đỉnh cao siêu của kỹ xảo quỷ quyệt, phát triển mọi hành động tàn bạo qua các thời đại tranh chiến, từ đó, hắn sẽ dốc toàn lực vào trận chiến cuối cùng để quyết liệt chống trả dân sự Đức Chúa Trời. Trong thời kỳ đe dọa này, những người theo Đấng Christ nên là những người loan báo cho toàn thế giới biết về việc Chúa sẽ đến lần thứ hai. Phúc âm của họ giúp cho mọi người chuẩn bị “không dấu vít, chẳng chỗ trách được” (2 Phi-e-rơ 3:14) khi đứng trước Ngài lúc Ngài tái lâm. Thời điểm ấy, hội thánh càng cần phải có món quà đặc biệt của ân điển và quyền năng, ít nhất thì cũng phải nhiều như những ngày trong thời đại các sứ đồ. TTL 15.5
Khi được Đức Thánh Linh khai trí, những cảnh xung đột kéo dài giữa thiện và ác đã mở ra cho người viết những trang sách này. Hết lần này đến lần khác, tôi được phép nhìn thấy diễn biến công việc qua nhiều thời đại khác nhau về cuộc chiến khốc liệt giữa Đấng Christ - Hoàng tử sự sống, Tác giả chương trình cứu rỗi cho chúng ta - và Sa-tan - hoàng tử tội ác, tác giả tội lỗi, tội đồ đầu tiên vi phạm luật pháp thánh của Đức Chúa Trời. Vì thù hận mà Sa-tan chống đối Đấng Christ, nên hắn cũng thù hận bất cứ người nào đi theo Ngài. Nghiên cứu lịch sử quá khứ, chúng ta có thể thấy thói căm thù các nguyên tắc của luật pháp Chúa giống như thế, chính sách lừa bịp cũng giống y như vậy, bằng những cách ấy, Sa-tan cố gắng tạo sự giả dối giống hệt lẽ thật, dàn xếp luật lệ con người thay thế cho luật pháp Đức Chúa Trời, dắt mũi loài người thờ lạy tạo vật thay vì tôn kính Đấng Sáng Tạo. Thời kỳ nào cũng vậy, Sa-tan luôn cố gắng tiếp tục xuyên tạc đặc tính của Đức Chúa Trời, khiến cho loài người có khái niệm sai lầm về Đấng Tạo Hóa rồi nhìn Ngài bằng con mắt sợ hãi và căm ghét hơn là kính yêu. Hắn cố tình đặt luật pháp thánh sang một bên, dẫn dắt con người nghĩ rằng họ không còn bị luật pháp ràng buộc nữa. Hắn hành hạ ai dám kháng cự lại những trò lừa dối của hắn. Chúng ta có thể nhận thấy những chuyện này qua lịch sử cuộc đời của các tộc trưởng, các tiên tri, các sứ đồ, những người tử vì đạo và những nhà Cải Chánh giáo ở Tây Âu thế kỷ 16. TTL 16.1
Trong trận chiến dữ dội cuối cùng, Sa-tan cũng sẽ áp dụng những quỷ kế giống như trên, cũng bộc lộ tâm địa lẫn hành động để đạt bằng được mục tiêu giống các thời đại trước. Còn chuyện gì xảy ra được nữa, ngoại trừ cuộc chiến khốc liệt với mức độ kinh hoàng đến nỗi từ xưa đến nay cả thế gian chưa từng thấy. Quỷ kế của Sa-tan càng tinh vi, thì cách hắn tấn công càng quyết liệt. Nếu có cơ hội, hắn sẽ dụ dỗ ngay chính những người đang được Chúa cứu để khiến họ lầm đường lạc lối (Mác 13:22). TTL 16.2
Khi Đức Thánh Linh mở mang tâm trí cho tôi thấy những lẽ thật vĩ đại trong Lời Ngài cùng với những cảnh xảy ra ở quá khứ và tương lai, tôi được truyền dạy phải kể cho nhiều người khác biết chuyện gì đã được tiết lộ — đó là mô tả lịch sử của cuộc chiến qua các thời đại trong quá khứ, điều đặc biệt ở chỗ lịch sử ấy lại nêu ra tỏ tường trận chiến sẽ nổ ra ở tương lai. Để thi hành nhiệm vụ này, tôi cố gắng thu thập và phân loại các sự kiện lịch sử của hội thánh lại với nhau để tôi có thể trình bày về lẽ thật vĩ đại bị thử thách, là điều mà thế giới đã được ban cho qua các thời đại khác nhau, là vấn đề khuấy động cơn giận của Sa-tan và lòng hận thù của hội thánh yêu chuộng thế gian, là lẽ thật được gìn giữ và bảo tồn bởi các chứng nhân “chẳng tiếc sự sống mình cho đến chết” (Khải Huyền 12:11). TTL 16.3
Theo những ghi nhận này, chúng ta có thể hiểu biết đôi nét về cuộc xung đột sắp xảy ra trước mắt. Suy xét chúng bằng ánh sáng Lời Chúa và nhờ cậy Đức Thánh Linh soi rọi, chúng ta có thể thấy những trò lừa bịp của Sa-tan bị bại lộ, những nguy hiểm mà chúng ta phải tránh xa nếu muốn “không có tì vết gì” để đứng trước mặt Chúa khi Ngài tái lâm (Khải Huyền 14:5). TTL 17.1
Các sự kiện đã được đánh dấu trong tiến trình Cải Chánh ở quá khứ là những vấn đề của lịch sử, chúng nổi tiếng và phổ biến khắp toàn cầu nhờ những người theo đạo Tin Lành trên khắp thế giới. Đó là sự thật mà không ai có thể bác bỏ. Tôi chỉ diễn giải ngắn gọn phần lịch sử này, không tiện giải thích hết vì giới hạn của quyển sách và nhu cầu cô đọng các sự thật trong phạm vi súc tích nhất có thể, nhưng vẫn cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết đáng giá về ý nghĩa của các sự kiện. Trong một vài trường hợp, người viết sử gom các sự kiện lại với nhau theo một cách súc tích nào đó (nhưng vẫn bao hàm toàn diện quan điểm của chủ đề) hoặc tổng kết các chi tiết theo cách nào thuận tiện nhất, thì tôi sẽ trích dẫn lời của sử gia ấy. Nhưng cũng có một vài trường hợp không có gì đặc biệt cần nhắc lại (khi những câu trích không nhằm mục đích đề cao thẩm quyền của tác giả) bởi vì cách trình bày đã rõ ràng, chỉ cần tạo lối giới thiệu cho chủ đề thêm sinh động. Khi kể về kinh nghiệm và quan điểm của những người thực hiện công tác Cải Chánh trong thời đại chúng ta, tôi cũng áp dụng cách làm tương tự khi sử dụng các sách mà họ đã xuất bản. TTL 17.2
Mục đích của quyển sách này không trình bày nhiều lẽ thật mới mẻ về những cuộc xung đột qua các thời đại thuộc quá khứ, mà chỉ giới thiệu cho mọi người biết các bằng chứng và nguyên tắc có liên quan đến những sự kiện sắp tới. Tuy nhiên, khi chúng ta coi chúng như là một phần của cuộc chiến quyền lực giữa ánh sáng và bóng tối thì chúng ta sẽ đổi mới nhận định về tất cả những ghi chép trong quá khứ. Nhờ chúng mà có một nguồn sáng chiếu vào tương lai, soi rọi con đường hẹp cho những người được kêu gọi (giống như những nhà Cải Chánh giáo tiền bối), thậm chí họ còn đối mặt với thử thách đến mức mất hết mọi thứ của thế gian này chỉ để làm chứng nhân “vì cớ lời của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Giê-su Christ” (Khải Huyền 1:9). TTL 17.3
Mục đích của quyển sách này là mở ra những phông cảnh từ cuộc tranh đấu khốc liệt giữa lẽ thật và sự giả dối, tiết lộ những trò lừa đảo của Sa-tan và giải pháp giúp chúng ta có thể thành công khi chống cự hắn, đưa ra hướng giải quyết hợp lý cho vấn đề lớn lao về tai họa, chiếu ánh sáng vào nguồn gốc và thời kỳ kết thúc tội lỗi, bên cạnh việc tiết lộ hoàn toàn tính công bình và tốt đẹp của Đức Chúa Trời trong mọi cách đối diện với tạo vật của Ngài, chứng minh bản chất tự nhiên của luật pháp Ngài là thánh khiết và không bao giờ thay đổi. Lời cầu nguyện khẩn thiết nhất của tôi là nhờ sự ảnh hưởng của quyển sách này mà mọi người có thể thoát khỏi quyền lực bóng đêm và trở thành người “dự phần cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng” (Cô-lô-se 1:12), để ngợi khen Ngài đã yêu quý chúng ta và phó chính mình Ngài vì chúng ta. TTL 17.4