TÌNH YÊU TRONG LỬA

72/282

Chương 12—Bình Minh Trên Nước Pháp

Sau Phản kháng tại hội nghị Spires và bản Tín điều ở Augsburg là những năm xung đột và tăm tối. Suy yếu từ những bất đồng ý kiến, phong trào Cải Chánh có vẻ như lâm vào tình thế bị tiêu diệt. TTL 97.1

Nhưng khi hoàng đế hình như sắp chiến thắng thì ông lại bị thua cuộc. Ông phải buộc lòng khoan dung cho những giáo lý mà ông muốn hủy diệt nhất trong đời. Ông thấy quân đội mình kiệt sức vì chiến đấu, các kho báu cạn kiệt, nhiều tiểu vương quốc bị đe dọa bạo động, trong khi thứ đức tin mà ông dốc sức đàn áp thì lại phát triển khắp nơi. Charles V đã chiến đấu chống nghịch quyền năng vô song. Đức Chúa Trời từng phán: “Phải có sự sáng”, nhưng hoàng đế này lại cố gắng gìn giữ sự tối tăm nguyên vẹn. Kiệt sức với những cuộc tranh chiến trường kỳ, ông từ bỏ ngai vàng rồi vùi mình trong tu viện. TTL 97.2

Nhiều vùng, hoặc nhiều bang của Thụy Sĩ đã tiếp nhận đức tin Cải Chánh, nhưng còn nhiều nơi khác vẫn bám lấy giáo điều của La Mã. Sự bắt bớ đẩy đến nội chiến. Zwingli và nhiều người tham gia với ông đã tử trận trên chiến trường đẫm máu của Cappel. La Mã chiến thắng và dường như giành lại được nhiều nơi đã mất. Nhưng Đức Chúa Trời không từ bỏ chính nghĩa hoặc dân sự Ngài. Trong những vùng đất khác, Ngài dấy lên nhiều người để thực hiện công việc Cải Chánh. TTL 97.3

Tại nước Pháp, một trong những người đầu tiên bắt được ánh sáng là Lefevre, giảng viên của trường Đại học Paris. Trong khi nghiên cứu văn học cổ điển, ông chú ý đến Kinh Thánh, rồi giới thiệu cho một số sinh viên của ông cùng học hỏi. Ông đã bắt đầu chuẩn bị viết tiểu sử các thánh và những nhà tử vì đạo căn cứ theo những câu truyện huyền thoại của giáo hội, ông đã làm xong phần đáng kể trong tiến trình đó, thì chợt nghĩ rằng Kinh Thánh có thể giúp ích cho dự án của mình nên ông bắt đầu nghiên cứu. Đó mới thực sự là nơi ông phát hiện ra các thánh, chứ không phải những người được đề cao trong danh sách các thánh của giáo hội La Mã. Cảm thấy chán ghét, ông bỏ dở công việc đang thực hiện để tự mình tìm kiếm Lời Chúa. TTL 97.4

Năm 1512, trước khi Luther hoặc Zwingli bắt đầu công việc Cải Chánh, Lefevre đã viết: “Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự công bình bởi đức tin và nhờ ân điển mà được sự sống đời đời”. (James A. Wylie, History of the Protestantism, book 13, chapter 1). Trong khi giảng dạy về niềm vinh dự của sự cứu rỗi chỉ là của Đức Chúa Trời, thì ông cũng tuyên bố rằng nhiệm vụ vâng phục là của loài người. TTL 97.5

Vài sinh viên của Lefevre từng thiết tha lắng nghe lời dạy của thầy đã tiếp tục rao truyền lẽ thật suốt thời gian dài người thầy của họ im hơi lặng tiếng. Một trong các sinh viên đó tên là Farel. Là con trai của một gia đình ngoan đạo, chính bản thân ông cũng dâng mình cho giáo hội La Mã, sốt sắng tiêu diệt tất cả những ai dám chống đối giáo hội. Sau này ông kể lại rằng: “Tôi nghiến răng giống như một con chó sói mỗi khi nghe bất kỳ ai nói đến chuyện phản đối giáo hoàng”. Mặc dù ông rất tôn sùng các thánh, thờ phượng trước các bàn thờ và tô điểm các thánh tích bằng nhiều lễ vật, nhưng vẫn không tìm được tâm hồn bình an. Cáo trách về tội lỗi luôn chụp lấy ông mà không một hành động sám hối nào có thể xua đi ý nghĩ đó. Ông lắng nghe lời Lefevre nói: “Sự cứu rỗi là một ân điển”. “Chỉ có thập tự giá Đấng Christ mới mở cửa được các cổng thiên đàng và đóng cửa địa ngục”. (James A. Wylie, History of the Protestantism, book 13, chapter 2 ) TTL 97.6

Với sự đảo ngược giống như Phao-lô, Farel biến đổi từ kiếp nô lệ cho truyền thống sang cuộc đời tự do được làm con cái Đức Chúa Trời. Sau khi hoán cải đạo, ông nói: “Thay cho lòng dạ sói điên giết người, nay trở thành con chiên hiền lành vô hại, tấm lòng tôi đã hoàn toàn rời khỏi giáo hoàng để dâng cho Chúa Giê-su Christ”. (J. H. Merle D’ Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 12, chapter 3 ) TTL 98.1

Trong lúc Lefevre lan truyền sự sáng cho các sinh viên, Farel đi đến những nơi công cộng để rao giảng. Một người quyền cao chức trọng của giáo hội, làm giám mục ở Measux cũng nhanh chóng hợp tác với họ. Nhiều giảng viên khác cũng rao truyền lời Chúa, phúc âm được đông đảo người tin theo, từ gia đình của những người thợ thủ công, dân thất học, đến những bậc quyền quý trong cung điện. Chị của vua Francis I cũng chấp nhận đức tin Cải Chánh. Trước những nguồn hy vọng lớn lao ấy, các nhà Cải Chánh nghĩ đến thời kỳ cả nước Pháp sẽ tiếp nhận phúc âm. TTL 98.2