TÌNH YÊU TRONG LỬA

71/282

Hội nghị tại Augsburg

Vua Ferdinand từ chối không nghe các vương hầu theo phái phúc âm, nhưng để làm dịu bớt những bất đồng đang gây rối loạn đế quốc, vào năm tiếp theo sau sự Phản kháng tại Spires, Charles V tổ chức một hội nghị tại Augsburg. Hoàng đế thông báo sẽ đích thân chủ trì cuộc họp và triệu tập các lãnh đạo nhóm Phản kháng đến dự. TTL 95.1

Các cố vấn hội đồng xứ Saxony khuyên hoàng thân không nên xuất hiện trong hội nghị: “Có nên mạo hiểm mọi thứ để đi đến nơi nhốt mình trong mấy bức tường thành có kẻ thù đầy quyền lực không?”. Nhưng một số vương hầu khác thì bàn cách cao thượng: “Nguyện cầu cho các vương hầu can đảm đối phó và duyên cớ của Đức Chúa Trời được gìn giữ”. Luther nói: “Đức Chúa Trời là thành tín; Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta đâu”. D’ Aubigné, book 14, chapter 2 TTL 95.2

Hoàng thân xứ Saxony lên đường đến Augsburg. Nhiều người theo hộ tống mà mặt mày ủ rũ, tâm trạng rối bời. Nhưng Luther tháp tùng cùng họ đến Coburg, khơi lại đức tin của họ với bài hát mà ông mới sáng tác trong cuộc hành trình: “Đức Chúa Trời chúng ta là thành lũy kiên cố”. Những tấm lòng nặng trĩu cảm thấy nhẹ hẳn lên khi nghe giai điệu của bài hát truyền cảm hứng. TTL 95.3

Các vương hầu Cải Chánh đã quyết định soạn một bản tín điều để trình bày trước hội nghị, lấy minh chứng từ Kinh Thánh. Họ giao nhiệm vụ đó cho Luther, Melanchthon và các cộng sự của ông. Nhóm Phản kháng chấp thuận bản Tín điều này và họp mặt để cùng ký tên vào văn kiện đó. TTL 95.4

Các nhà Cải Chánh cẩn thận không để mục đích chung của họ bị nhầm lẫn với vấn đề chính trị. Trong khi các vương hầu Cơ Đốc nhân lần lượt đến ký tên vào bản Tín điều, Melanchthon chặn lại nói: “Chỉ cần các nhà thần học và các mục sư ký vào kiến nghị này. Chúng ta hãy gìn giữ uy tín của các bậc đại nhân trên thế gian này cho những vấn đề khác”. Hoàng thân John ở Saxony đáp: “Chúa không cho phép anh loại ta đâu. Ta làm điều mình cho là đúng và không lo sợ bị tước vương miện. Ta muốn xưng nhận Chúa. Chiếc mão hoàng thân và ngôi vị của ta không có giá trị bằng thập tự giá của Chúa Giê-su Christ”. Một vương hầu khác vừa đưa tay cầm lấy cây bút vừa nói: “Nếu vì tôn vinh danh Chúa Giê-su Christ yêu cầu như thế, thì tôi sẵn sàng... từ bỏ hết quyền lợi và sự sống mình lại phía sau”. “Tôi thà mất hết thần dân và lãnh thổ nước mình, bỏ xứ sở của cha ông với quyền trượng trong tay, còn hơn là nhận bất cứ giáo lý nào khác ngoài những gì đã ghi trong bản Tín điều này”. D’ Aubigné, book 14, chapter 6 TTL 95.5

Thời gian hội nghị đã đến. Charles V dành thời gian nghe các nhà Cải Chánh nhóm Phản kháng trình bày, xung quanh là các hoàng thân cùng các vương hầu. Trong hội nghị cao cấp và trang trọng ấy, các nhà Cải Chánh trình bày rõ ràng lẽ thật của phúc âm, vạch ra những sai trái của giáo hội Công giáo La Mã. Ngày đó được gọi là “ngày trọng đại nhất của phong trào Cải Chánh, là một trong những ngày vinh quang nhất của lịch sử Cơ Đốc giáo và của nhân loại”. D’ Aubigné, book 14, chapter 7 TTL 95.6

Luther đã từng đứng một mình trong hội nghị Worms. Giờ đây, vị trí của ông đã được các vương hầu uy quyền của đế quốc đứng thay. Luther viết lại: “Tôi vui mừng khôn xiết vì vẫn còn được sống đến giờ phút này, để nhìn thấy Đấng Christ được công khai ca ngợi bởi những chứng nhân danh tiếng và trước một hội nghị vô cùng vinh dự như vậy”. TTL 96.1

Điều mà hoàng đế cấm không cho giảng trong nhà thờ, thì nay được tuyên bố tại cung điện. Những điều mà con người nói không đáng cho kẻ tôi tớ nghe, thì nay được những bậc cầm quyền và vua chúa của đế quốc lắng nghe hết sức ngạc nhiên. Các vương hầu được tôn lên làm người rao giảng, còn sứ điệp là lẽ thật cao quý của Đức Chúa Trời. “Kể từ thời các sứ đồ đến giờ, chưa có công việc nào lớn hơn hay lần tuyên xưng đức tin nào long trọng hơn lần này”. D’ Aubigné, book 14, chapter 7 TTL 96.2

Một trong các nguyên tắc mà Luther duy trì bền vững nhất đó là không nhờ bất cứ thế lực trần tục nào hỗ trợ cho phong trào Cải Chánh. Ông vui mừng vì các vương hầu của đế quốc đã làm chứng cho phúc âm, nhưng khi họ đề nghị liên kết với đội binh phòng vệ thì ông tuyên bố rằng: “Chỉ cần một mình Đức Chúa Trời bảo vệ giáo lý phúc âm mà thôi... Theo quan điểm của ông, tất cả những dự phòng chính trị đều xuất phát từ nỗi lo sợ không đúng lúc và nghi ngờ độc ác”. D’ Aubigné, London edition, book 10, chapter 14 TTL 96.3

Sau đó, nhắc lại vấn đề liên minh mà các vương hầu Cải Chánh đã đề nghị, Luther tuyên bố rằng vũ khí duy nhất dùng cho cuộc chiến này là “gươm của Đức Thánh Linh”. Ông viết cho hoàng thân xứ Saxony: “Chúng tôi hoàn toàn không thể tán thành đề nghị liên minh đó. Phải vác thập tự giá của Đấng Christ. Hãy giữ tinh thần dũng cảm của ngài đừng nao núng. Chúng ta có thể làm được nhiều việc bằng cách cầu nguyện, hơn tất cả mọi kẻ thù chúng ta có thể làm bằng bằng cách khoe khoang”. D’ Aubigné, London edition, book 14, chapter 1 TTL 96.4

Lời cầu nguyện ở nơi kín nhiệm đã đem quyền năng làm rung chuyển thế giới qua phong trào Cải Chánh giáo. Tại Augsburg, Luther “dành thời gian cầu nguyện ít nhất ba tiếng mỗi ngày”. Trong phòng riêng, người ta nghe ông trút hết nỗi niềm với Đức Chúa Trời bằng những lời “đầy tôn kính, lo lắng và hy vọng”. Trong thư gửi động viên Melanchthon, ông viết: “Nếu duyên cớ không chính đáng thì bỏ nó đi. Còn nếu duyên cớ chính đáng thì tại sao chúng ta làm nhục những lời hứa của Đấng đã phán với chúng ta rằng lúc ngủ thì đừng sợ hãi?”. D’ Aubigné, London edition, book 14, chapter 6 . Các nhà Cải Chánh đã dựng nền trên Đấng Christ. Các cửa âm phủ không đánh bại họ được! TTL 96.5