TÌNH YÊU TRONG LỬA
Chương 11—Các Vương Hầu Phản Đối
Một trong những bằng chứng cao quý nhất bênh vực phong trào Cải Chánh giáo là sự phản kháng của các vương hầu Cơ Đốc nhân ở Đức tại Nghị viện Spires vào năm 1529. Những tín đồ kiên cường và dũng cảm này của Đức Chúa Trời đã giành được quyền tự do lương tâm cho các thế hệ sau kế nghiệp, cho giáo hội Cải Chánh có được danh tính là giáo hội Tin Lành. TTL 92.1
Đức Chúa Trời đã can thiệp để kiềm chế các thế lực chống đối lẽ thật. Charles V quyết định đè bẹp nhóm Cải Chánh, nhưng cứ mỗi lần vua đưa tay ra lệnh tấn công thì vua phải chỉ đạo đấu tranh ở nơi nào khác. Hết lần này đến lần khác, từ tình trạng nguy cấp khi các đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ở biên giới, đến vua nước Pháp hoặc thậm chí cả giáo hoàng cũng gây chiến với vua. Nhờ vậy mà ở giữa những cuộc chiến tranh và tình trạng lộn xộn của các nước, phong trào Cải Chánh đã bị bỏ mặc để trở nên vững chắc và lan đi. TTL 92.2
Tuy thế, cuối cùng thì những nhà lãnh đạo Công giáo cũng đồng ý với nhau chống lại nhà Cải Chánh. Hoàng đế triệu tập một nghị viện, hay hội nghị, tập họp tại Spires vào năm 1529 nhằm mục đích nghiền nát dị giáo. Nếu các giải pháp hòa bình bị thất bại thì Charles chuẩn bị áp dụng gươm đao. TTL 92.3
Những người trung thành với La Mã đến Spires đã công khai bày tỏ thái độ thù địch với những người theo Cải Chánh. Melanchthon nói: “Chúng tôi như những người bị thế gian ghét bỏ và cố gắng quét sạch đi. Nhưng Đấng Christ sẽ nhìn xuống dân sự đáng thương của Ngài và che chở cho”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 13, chapter 5). Người dân ở Spires khao khát Lời Chúa, bất chấp sự thật Lời Chúa bị ngăn cấm, hàng ngàn người vẫn lũ lượt kéo về dự những buổi thờ phượng trong nhà thờ nhỏ của vua chư hầu xứ Saxony. Việc này dẫn đến những cơn khủng hoảng diễn ra sớm hơn. Sự khoan dung tôn giáo đã chính thức được thiết lập trước đó, nên những tiểu vương quốc mà phong trào Cải Chánh vững mạnh đã kiên quyết phản đối bất cứ mọi sự hạn chế quyền lợi của họ. Các cộng sự của Luther đã đứng vào vị trí của ông, các vương hầu của Đức Chúa Trời cũng đứng lên bênh vực đại nghĩa của Ngài. Hoàng thân Frederick xứ Saxony đã từ trần, nhưng Duke John (người kế vị của hoàng thân) rất vui mừng tiếp đón phong trào Cải Chánh và cũng thể hiện lòng dũng cảm lớn lao. TTL 92.4
Các linh mục yêu cầu các tiểu vương quốc đã chấp nhận phong trào Cải Chánh phải đầu phục dưới quyền thế La Mã. Ngược lại, những nhà Cải Chánh không thể đồng ý cho La Mã kiểm soát các tiểu vương quốc đã tiếp nhận Lời Chúa. TTL 92.5
Cuối cùng đi đến yêu cầu là vùng đất nào Cải Chánh chưa thành lập thì nơi ấy bị bắt buộc phải thi hành Sắc lệnh Worms; còn “nơi nào người ta không thể tuân theo sắc lệnh mà không gây nguy biến nổi loạn, thì ít nhất các nơi ấy cũng không được bắt đầu một cải cách mới nào,... không được chống đối việc cử hành lễ mi-sa, được phép không cho bất cứ người Công giáo La Mã nào theo giáo phái của Luther”. Hội nghị thông qua dự luật này, các linh mục và lãnh đạo giáo hội rất hài lòng. TTL 92.6