TÌNH YÊU TRONG LỬA

60/282

Zwingli được kêu gọi đến Zurich

Sau ba năm, Zwingli được kêu gọi về một thánh đường ở Zurich, đây là thành phố quan trọng bậc nhất của liên minh Thụy Sĩ. Sự ảnh hưởng mà ông cố gắng thực hiện ở đây có vẻ sẽ rất sâu rộng. Hàng giáo phẩm phân công nhiệm vụ cho ông như sau: TTL 83.6

“Ông hãy cố gắng hết sức để thu nhiều lợi nhuận cho toàn bộ thành viên của tu viện, đừng bỏ qua bất cứ lợi ích tối thiểu nào... Ông hãy siêng năng tăng thêm thu nhập phát sinh từ những người bệnh, từ lễ mi-sa và từ tất cả các buổi lễ trong nhà thờ”. “Còn việc cử hành các phép bí tích, rao giảng hay chăn bầy,... ông có thể thuê người thay thế, đặc biệt là việc rao giảng”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 8, chapter 6 ) TTL 83.7

Zwingly im lặng lắng nghe hết phân công nhiệm vụ, rồi đáp lời: “Cuộc đời Đấng Cứu Thế đã bị che giấu khỏi giáo dân quá lâu rồi. Tôi sẽ giảng toàn bộ sách Phúc âm của Ma-thi-ơ... Tôi sẽ dâng mình cho sứ mạng vì danh vinh hiển của Đức Chúa Trời, vì ngợi khen Con Một của Ngài, vì sự cứu rỗi thật dành cho linh hồn và vì sự phát triển lòng tin chân thành của họ”. TTL 84.1

Rất nhiều giáo dân kéo nhau từng đoàn đến nghe ông giảng. Ông bắt đầu chức vụ bằng việc mở các sách Phúc âm, giải thích, giảng dạy về cuộc đời và sự hy sinh của Đấng Christ. Ông nói: “Đấng Christ chính là Đấng Cứu Thế mà tôi khao khát dẫn dắt mọi người trở về với Ngài — nguồn cội thật của sự cứu rỗi”. Từ các chính khách, học giả, thợ thủ công đến nông dân đều đến nghe ông giảng. Ông không sợ quở trách tội ác và tham nhũng của thời đại. Sau khi tan lễ trong thánh đường ra, nhiều người đã ngợi khen Chúa. Họ nhận xét rằng: “Linh mục này là thầy giảng lẽ thật. Người sẽ là Môi-se của chúng ta, dẫn chúng ta ra khỏi cảnh tối tăm của Ê-díp-tô”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 8, chapter 6 ) TTL 84.2

Sau một thời gian thì sự chống đối nổi lên. Các tu sĩ chất vấn và chế nhạo ông, có vài người còn sỉ nhục rồi đe dọa. Nhưng Zwingli nhịn nhục bỏ qua tất cả. TTL 84.3

Khi nào Đức Chúa Trời chuẩn bị bẻ xiềng xích ngu dốt và mê tín, thì Satan càng tận dụng quyền lực mạnh nhất của hắn để giam giữ con người trong tối tăm rồi xiết chặt gông cùm hơn. La Mã đã tiến hành phục hồi sinh lực nhằm mở rộng thị trường trong thế giới Cơ Đốc nhân, đó là tha tội vì tiền. Mỗi loại tội đều có giá của nó, giáo hội cấp giấy phép tha thứ cho tội phạm miễn sao tiền trong kho bạc của giáo hội luôn đầy ắp là được. Vậy là có hai phong trào đi song song với nhau, La Mã cấp phép phạm tội và dùng cách đó để làm nguồn lợi tức, còn các nhà Cải Chánh thì lên án tội lỗi và chỉ rõ Đấng Christ mới chính là Đấng đã hy sinh để chuộc tội và giải cứu. TTL 84.4