TÌNH YÊU TRONG LỬA

49/282

Chương 8—Lẽ Thật Giành Chiến Thắng

Hoàng đế Charles V mới lên ngôi nước Đức. Hoàng thân ở Saxony (là người có công lớn trong việc tấn phong Charles lên ngôi vương) đã khuyên vua đừng có hành động gì chống lại Luther trước khi cho ông ấy nói. Điều này đặt hoàng đế vào tình thế bối rối và lo lắng. Những kẻ theo phe giáo hoàng chỉ cảm thấy thỏa mãn khi không còn điều gì ngăn chặn việc kết liễu Luther. Hoàng thân yêu cầu: “cho Tiến sĩ Luther một giấy thông hành an toàn để ông có thể ứng hầu trước một tòa án bao gồm những nhà thông thái, đức hạnh và công bình”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 6, chapter 11) TTL 70.1

Một hội nghị cấp cao được tổ chức tại thành phố Worms. Đây là lần đầu tiên các quận công của nước Đức được gặp mặt vị vua mới của họ tại hội nghị. Các quan chức cao cấp của giáo hội và chính phủ, cùng nhiều sứ thần ngoại quốc cũng về Worms dự họp. Tuy nhiên, chủ đề mà người ta bàn tán nhiều nhất lại là nhà Cải Chánh. Charles gửi yêu cầu hoàng thân Saxony đưa Luther đi theo, hứa sẽ bảo vệ và cho phép ông được tự do nói về những vấn đề còn đang tranh cãi. Luther viết cho vương hầu: “Nếu hoàng đế triệu tập tôi đến thì tôi không hề nghi ngờ rằng đó chính là Đức Chúa Trời gọi tôi. Giả sử như người ta muốn dùng bạo lực để đe dọa tôi,... tôi xin phó thác việc này trong tay Chúa... Nếu Ngài không muốn cứu tôi nghĩa là sự sống tôi không quan trọng lắm... Ông có thể đòi hỏi tôi mọi thứ... ngoại trừ việc bỏ chạy hoặc đầu phục. Bỏ trốn là hành động tôi không thể làm, còn đầu phục thì lại càng không xảy ra”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 7, chapter 1) TTL 70.2

Tin tức lan truyền Luther sẽ ứng hầu trước hội nghị tạo nên một sự phấn khích trong cả cộng đồng. Hồng y Aleander là đại diện của giáo hoàng, vừa cảm thấy lo sợ vừa điên tiết. Xét xử một trường hợp mà giáo hoàng đã kết án nghĩa là khinh thường quyền lực của giáo hoàng. Hơn nữa, những lý luận đầy uy lực của người đàn ông này có thể khiến các vương hầu quay lưng bỏ giáo hoàng. Aleander xúi giục Charles đừng cho phép Luther dự hội nghị tại Worms và ông đã thuyết phục được hoàng đế. TTL 70.3

Chưa bằng lòng với thành công này, Aleander còn dựng chuyện để lên án Luther, tố cáo nhà Cải Chánh là “nổi loạn, bội nghịch, vô đạo và báng bổ”. Nhưng những ngôn từ hùng hồn này bộc lộ một tinh thần hung hăng. Đa số ý kiến cho rằng “ông ấy làm vì lòng căm hờn và muốn báo thù”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 7, chapter 1) TTL 70.4

Với nhiệt huyết còn thừa, Aleander cứ khuyên nài hoàng đế thi hành các chỉ đạo của giáo hoàng. Chịu thua vì cứ bị nghe nói đi nói lại mãi, Charles mời ông đem vấn đề này trình bày trước hội nghị. Những người quý mến nhà Cải Chánh lo lắng về những gì Aleander sắp nói. Hoàng thân ở Saxony không có mặt nên các cố vấn của ông ghi chép lại bài diễn văn Aleander trình bày. TTL 70.5