TÌNH YÊU TRONG LỬA

48/282

Cơn khủng hoảng trầm trọng

Cơn khủng hoảng trầm trọng xảy đến với nhà Cải Chánh giáo. Không phải Luther đui mù mà không thấy cơn bão sắp ập xuống, nhưng ông tin tưởng Đấng Christ sẽ giúp sức và che chở. “Tôi không biết việc gì sẽ xảy ra và cũng không cần biết... Thậm chí một chiếc lá cũng không rụng xuống mà không bởi ý Cha. Ngài chăm gìn chúng ta còn hơn biết bao nhiêu! Chết vì Ngôi Lời chỉ là một việc rất nhẹ, vì lẽ rằng Ngôi Lời đã trở nên xác thịt và hy sinh cho chúng ta”. (D’Aubigné, 3rd London edition, Walther, 1840, book 6, chapter 9) TTL 67.7

Cầm sắc lệnh của giáo hoàng, Luther nói: “Tôi khinh thường và chống đối sắc lệnh này vì nó vô đạo và sai lạc... Chính Đấng Christ cũng bị nó lên án. Lòng tôi cảm thấy tự do hơn rồi, vì cuối cùng tôi đã hiểu giáo hoàng chính là người nghịch lại Đấng Christ, ngai ông ấy ngồi chính là ngai của Satan”. (D’Aubigné, book 6, chapter 9) TTL 68.1

Tuy nhiên, sắc chỉ của La Mã không phải là không có hiệu lực. Những người yếu đuối và mê tín run sợ trước sắc chỉ của giáo hoàng, không ít người cảm thấy sợ mạo hiểm sự sống quý báu này. Công việc của nhà Cải Chánh sẽ chấm dứt ở đây sao? TTL 68.2

Luther vẫn không hề sợ hãi. Với nội lực kinh khủng, ông ném trả bản án lại La Mã. Trước mặt đoàn dân đông gồm đủ mọi tầng lớp xã hội, Luther đốt sắc lệnh của giáo hoàng. Ông nói: “Một cuộc đấu tranh tôn giáo mới bắt đầu. Đến tận bây giờ, tôi chỉ đùa giỡn với giáo hoàng. Tôi khởi xướng phong trào này nhân danh Đức Chúa Trời, nó sẽ hoàn tất mà không bởi tôi, nhưng bởi sức mạnh của Chúa... Ai biết được có phải tôi đã được Đức Chúa Trời chọn và kêu gọi, nếu họ không ngại khinh thường tôi, thì họ cũng khinh thường chính Đức Chúa Trời”. TTL 68.3

“Đức Chúa Trời không bao giờ chọn người làm tiên tri là thầy tế lễ cả hay những bậc vĩ nhân, nhưng thông thường Ngài chọn những người thấp kém, bị coi thường, có lần chọn A-mốt là người chăn chiên. Trong mọi thời đại, dân sự Đức Chúa Trời cũng quở trách những người quyền lực như các vua chúa, vương hầu, thầy tế lễ, các học giả, mặc dù sau việc ấy thì tính mạng của họ bị đe dọa.... Tôi không xưng mình là một tiên tri, nhưng tôi nói rằng họ nên lo sợ là đúng, vì tôi chỉ có một mình còn họ rất đông. Tôi tin chắc việc này bởi vì có lời của Đức Chúa Trời ở cùng tôi, còn họ thì không có”. (D’Aubigné, book 6, chapter 10) TTL 68.4

Tuy nhiên, Luther phải tranh đấu dữ dội với bản thân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là ly khai khỏi giáo hội. “Ôi, điều này làm tôi đau đớn biết bao, mặc dù tôi có Kinh Thánh bên mình để bào chữa cho việc tôi dám đơn thân chống lại giáo hoàng và coi ông ấy như là người nghịch Đấng Christ! Biết bao lần tôi chua xót tự vấn mình với câu hỏi từ những tôi tớ trung thành của giáo hoàng thường hỏi: Chỉ có mình ngươi khôn ngoan thôi sao? Mọi người khác lầm lạc hết à? Nếu cuối cùng ngươi là kẻ lầm lạc mà còn kéo nhiều người lầm lạc theo ngươi, thì ai là kẻ sẽ phải chịu án phạt đời đời? Đó là lý do tại sao tôi phải chiến đấu với chính mình và với Sa-tan, cho đến khi Đấng Christ, với lời không sai lầm của Ngài, đã làm lòng tôi vững bền chống lại những nghi ngờ này”. (Martyn, pages 372, 373) TTL 68.5

Một sắc lệnh mới được ban ra, tuyên bố cuối cùng dứt phép nhà Cải Chánh khỏi Giáo hội La Mã, tuyên án ông như là kẻ bị Thiên Đàng nguyền rủa, án phạt này cũng có hiệu lực với bất cứ ai tin nhận giáo lý của ông. TTL 68.6

Tất cả những ai được Đức Chúa Trời sử dụng để bày tỏ lẽ thật đặc biệt cần thiết cho thời đại của họ đều sẽ phải đối mặt với sự chống đối. Lẽ thật hiện diện trong thời đại Luther cũng là lẽ thật hiện diện trong hội thánh thời nay. Nhưng đại đa số con người hiện đại cũng không ham muốn lẽ thật hơn những người chống nghịch Luther từng làm. Những ai bày tỏ lẽ thật trong thời đại chúng ta đừng nên mong đợi công việc sẽ thuận lợi hơn thời của những nhà Cải Chánh. Cuộc chiến khốc liệt giữa lẽ thật và sai trái, giữa Đấng Christ và Sa-tan, vẫn tăng lên cho đến ngày kết thúc lịch sử thế giới này. (Xem Giăng 15:19, 20; Lu-ca 6:26). TTL 68.7