TÌNH YÊU TRONG LỬA

31/282

Chương 6—Hai Vị Anh Hùng Đối Mặt Với Cái Chết

Từ những ngày đầu thế kỷ thứ chín, Bohemia (hiện nay là thành phố miền Tây của nước Cộng hòa Séc) đã có Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của họ và việc thờ phượng chung được tổ chức bằng tiếng bản xứ. Nhưng Gregory VII muốn biến dân chúng thành nô lệ, dùng quyền lực giáo hoàng ra sắc lệnh cấm thờ phượng bằng tiếng Bohemia. Giáo hoàng tuyên bố rằng “để làm vui lòng Đức Chúa Trời thì việc thờ phượng Ngài phải được cử hành bằng tiếng lạ” (James A. Wylie, History of Proptesantism, book 3, chapter 1). Tuy nhiên, Thiên Đàng đã ban đặc ân cho các sứ giả để bảo tồn hội thánh. Nhiều người Waldenses và Albigenses bị bắt bớ đã chạy trốn đến Bohemia. Họ bí mật hầu việc chăm chỉ. Bằng cách này, họ đã bảo tồn được lẽ thật. TTL 49.1

Trước thời của Huss, nhiều người dân Bohemia đã chỉ trích sự thối nát của giáo hội. Hành động này càng khuấy động nỗi lo sợ của nhóm thống trị, chúng bắt đầu bắt bớ những người rao giảng phúc âm. Một thời gian sau, sắc lệnh truyền tất cả những ai đi lạc khỏi đường lối thờ lạy của La Mã đều sẽ bị hỏa thiêu. Nhưng các Cơ Đốc nhân chỉ hướng về vinh hiển của chính nghĩa mà họ theo. Trước khi chết, một người trong số họ tuyên bố rằng: “Sẽ có một người thường dân đứng lên, không gươm giáo, không quyền thế, nhưng chúng sẽ không thể khuất phục được người ấy” (James A. Wylie, History of Proptesantism, book 3, chapter 1). Có một người đã nổi lên, lời chứng của người chống lại La Mã làm khuấy động nhiều quốc gia. TTL 49.2

John Huss được sinh ra trong một gia đình bình thường. Cái chết của cha khiến cho ông trở thành một đứa trẻ mồ côi từ khi còn bé. Người mẹ ngoan đạo của ông tin rằng tri thức và lòng kính sợ Đức Chúa Trời là những tài sản đáng giá nhất, nên bà cố gắng hết sức để uốn nắn con trai nhận di sản này. Huss được học ở trường cấp tỉnh, sau đó được nhận học bổng từ quỹ từ thiện để tiếp lên đại học ở Prague. TTL 49.3

Ở đại học, Huss nhanh chóng được nhiều người chú ý bởi sự tiến bộ nhanh chóng. Tính nhu mì, đạo đức đầy thuyết phục của ông làm cho mọi người ngưỡng mộ. Ông là một tín đồ trung thành của Giáo hội La Mã, sốt sắng tìm kiếm những ơn phước tâm linh mà giáo hội khẳng định có quyền ban cho. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được thụ phong linh mục. Nổi tiếng rất nhanh vì tài năng xuất chúng, ông được dễ dàng trở nên gắn bó với triều đình. Ông cũng được phong chức giáo sư, rồi làm hiệu trưởng trường đại học. Người sinh viên nghèo nhận học bổng từ thiện năm xưa đã trở thành niềm hãnh diện của đất nước, danh tiếng ông vang dội khắp Châu Âu. TTL 49.4

Jerome (là người sau này chơi thân với Huss) đi từ Anh về mang theo nhiều sách của Wycliffe. Hoàng hậu Anh từng là công chúa Bohemia, cũng là một người được cảm hóa nhờ lời dạy của Wycliffe. Nhờ sự tác động của bà mà công việc của nhà Cải Chánh được lan truyền rộng khắp quê hương bà. Huss có khuynh hướng thích đọc những tư tưởng cải cách tốt đẹp của Wycliffe. Mặc dù không nhận ra, nhưng ông đã bắt đầu bước đi trên con đường dẫn ông rời xa La Mã. TTL 49.5