TÌNH YÊU TRONG LỬA

30/282

Người phát ngôn đầu tiên của Kỷ nguyên mới

Đức Chúa Trời đã đặt lẽ thật vào miệng Wycliffe, che chở ông và kéo dài công việc của ông mãi đến khi ông đặt xong nền tảng cho phong trào Cải Chánh giáo. Không ai trước Wycliffe có thể giúp ông định hướng cho hệ thống Cải Chánh. Ông là người phát ngôn đầu tiên của một kỷ nguyên mới. Mặc dù vậy, lẽ thật mà ông trình bày có sự thống nhất hoàn toàn mà các nhà Cải Chánh đi sau không ai vượt qua và cũng không đạt tới. Nền tảng thật vững chắc tới mức những người theo sau ông không ai cần phải làm lại. TTL 47.1

Phong trào vĩ đại mà Wycliffe khởi xướng (giải phóng đất nước khỏi sự ràng buộc lâu dài của La Mã) được bắt nguồn từ Kinh Thánh. Đó là nguồn suối ơn phước chảy tràn xuống các thời đại từ thế kỷ thứ mười bốn. Mặc dù Wycliffe được dạy dỗ coi La Mã là quyền thế không sai lầm, chấp nhận giáo lý và nghi thức hàng ngàn năm của giáo hội với lòng tôn kính mà không thắc mắc gì, nhưng Wycliffe lại quay lưng với tất cả những thứ ấy để lắng nghe Lời thánh của Đức Chúa Trời. Ông tuyên bố rằng thẩm quyền thật duy nhất không phải là tiếng nói của giáo hội thông qua giáo hoàng, mà chính là tiếng nói của Đức Chúa Trời thông qua Lời Ngài. Ông cũng dạy rằng Đức Thánh Linh là Đấng duy nhất làm sáng tỏ Kinh Thánh. TTL 47.2

Wycliffe là một trong những nhà Cải Chánh giáo vĩ đại nhất. Sau này ít ai bằng được ông. Đời sống trong sạch, không ngừng chăm chỉ nghiên cứu và làm việc, thanh liêm mẫu mực và có tình yêu thương giống Đấng Christ là đặc điểm của nhà Cải Chánh giáo đầu tiên. TTL 47.3

Chính Kinh Thánh tạo nên con người ông. Việc học hỏi Kinh Thánh sẽ giúp nâng cao tư tưởng, suy nghĩ và hoài bão mà không môn học nào khác làm được. Kinh Thánh đem lại tính kiên quyết với mục đích, lòng can đảm và sức mạnh. Thái độ nghiêm túc, tôn trọng việc học hỏi Kinh Thánh sẽ cho con người thế gian sức mạnh trí tuệ và phương châm xử thế cao thượng hơn bất cứ huấn luyện triết lý nào tốt nhất của loài người. TTL 47.4

Những người theo Wycliffe (còn gọi là Wycliffites và Lollards) đã tỏa đến nhiều miền đất khác để mang phúc âm cho mọi người. Bấy giờ, người lãnh đạo của họ đã ra đi, họ còn làm việc hăng say hơn trước nữa. Dân chúng lũ lượt kéo đến nghe họ giảng. Trong số những người được cảm hóa có các nhà quý tộc, thậm chí là hoàng hậu. Nhiều nơi, người ta còn dẹp bỏ các hình tượng của La Mã ra khỏi nhà thờ. TTL 47.5

Nhưng không lâu sau, cuộc bắt cớ gay gắt lại bùng phát trên những người dám chấp nhận Kinh Thánh làm hướng dẫn cho họ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, luật pháp qui định những người tin theo phúc âm sẽ bị thêu trên giàn hỏa. Những người tử vì đạo cứ nối tiếp nhau chết vì đạo. Người nào rao giảng lẽ thật sẽ bị truy sát giống như những kẻ thù của giáo hội hoặc những kẻ phản bội vương quốc, nhưng họ vẫn tiếp tục rao truyền trong những nơi kín đáo. Họ tìm nơi ẩn náu trong những căn nhà tầm thường của dân nghèo, thậm chí thường phải trốn trong những khu nhà ổ chuột hay hang động. TTL 47.6

Cách phản kháng điềm tĩnh, kiên nhẫn phản đối lòng tin vào sự mục nát của giáo hội vẫn tiếp tục duy trì suốt hàng thế kỷ. Các Cơ Đốc nhân của thời kỳ đầu tiên đó đã học hỏi được tình yêu trong Lời Chúa và kiên trì chịu đựng đau khổ vì lợi ích mà nó mang lại. Nhiều người hy sinh tài sản thế gian cho Đấng Christ. Nhiều người còn nhà cửa thì vui vẻ cho những anh em đồng đức tin bị trục xuất vào ở chung nhà. Sau đó, đến phiên họ bị đuổi khỏi nhà, họ cũng vui lòng chấp nhận cuộc sống của kẻ không nhà. Rất nhiều người không sợ làm chứng nhân cho lẽ thật trong những xà lim dưới hầm ngục, bị tra tấn hay lên giàn hỏa, họ vui mừng nói rằng họ đáng được tính vào số “những người chịu đau khổ với Ngài”. TTL 48.1

Lòng thù hận của những kẻ theo phe giáo hoàng không thể nguôi ngoai trong khi thân xác Wycliffe vẫn còn nằm trong huyệt mộ. Bốn mươi năm sau khi ông qua đời, chúng đào xương cốt của ông lên. Sau đó, chúng đốt tại nơi công cộng rồi rải tro xuống một dòng suối gần đó. Một nhà văn già đã viết: “Cái suối đó đã chuyển tro cốt ông đến sông Avon, từ Avon đem qua Severn, từ Severn đem đến các biển nhỏ rồi từ các biển nhỏ đem ra biển cả. Như vậy, tro của Wycliffe tiêu biểu cho giáo lý của ông, là điều mà ngày nay được phân tán cho cả thế giới” (Thomas Fuller, Church History of Britain, book 4, section 2, paragraph 54). TTL 48.2

Nhờ các sách của Wycliffe mà John Huss ở Bohemia đã rời bỏ Giáo hội Công giáo nhiều sai lầm. Từ Bohemia, tin lành tràn ra nhiều nước khác. Một bàn tay thánh đã chuẩn bị đường cho cuộc Cải Chánh giáo vĩ đại. TTL 48.3