TÌNH YÊU TRONG LỬA

183/282

Luật tự do

Nhiều giáo sư tôn giáo khẳng định rằng Đấng Christ đã bãi bỏ luật pháp qua sự hy sinh của Ngài. Một số người kể về luật pháp như một cái ách nặng nhọc, để so sánh với cảnh “nô lệ” luật pháp, họ trưng dẫn quyền “tự do” mà phúc âm mang lại cho chúng ta niềm vui. TTL 203.5

Nhưng đây không phải là cách mà các tiên tri cùng các sứ đồ nghĩ về luật pháp thánh của Đức Chúa Trời. Đa-vít nói: “Tôi sẽ bước đi tự do, vì đã tìm kiếm các giềng mối Chúa” (Thi Thiên 119-45). Sứ đồ Gia-cơ cũng nói Mười Điều Răn là “luật pháp toàn hảo, là luật pháp đem lại sự tự do” (Gia-cơ 1:25). Sứ đồ Giăng đã tuyên bố ân phước cho “người nào giữ điều răn Ngài, vì họ có quyền đến nơi cây sự sống và được vào thành qua các cửa” (Khải Huyền 22:14). TTL 203.6

Nếu có thể thay đổi luật pháp hoặc đặt nó sang một bên, thì Đấng Christ không cần phải chết để cứu chúng ta ra khỏi án phạt tội lỗi. Con Đức Chúa Trời đến để “làm cho luật pháp cả sáng và tôn trọng” (Ê-sai 42:21). Ngài phán: “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ luật pháp”; “trước khi trời đất qua đi thì một chấm, một nét trong luật pháp cũng không thể qua đi được”. Liên hệ với chính mình, Chúa dẫn lời Kinh Thánh: “Hỡi Đức Chúa Trời của con, con lấy làm vui mừng theo ý muốn Chúa, luật pháp Chúa ở trong lòng con” (Ma-thi-ơ 5:17, 18; Thi Thiên 40:8). TTL 204.1

Luật pháp Đức Chúa Trời là không thay đổi, là sự mặc khải về bản tính của Tác Giả. Đức Chúa Trời là tình yêu và luật pháp Ngài cũng là tình yêu. “Yêu thương là làm trọn luật pháp”. Tác giả Thi Thiên nói: “Luật pháp Ngài là lẽ thật”; “hết thảy luật pháp Chúa là công bình”. Sứ đồ Phao-lô cũng dạy: “Luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt đẹp” (Rô-ma 13:10; Thi Thiên 119:142, 172; Rô-ma 7:12). Luật pháp như thế phải tồn tại vĩnh cửu như chính Đấng Sáng Tạo ra nó. TTL 204.2

Công việc hoán cải và nên thánh là phục hồi dân sự đến với Đức Chúa Trời qua việc dẫn dắt con người vâng phục các nguyên tắc trong luật pháp Ngài. Từ buổi khởi nguyên, nhân loại hoàn toàn hòa thuận với luật pháp Đức Chúa Trời, nhưng tội lỗi đã gạt họ ra khỏi Đấng Tạo Hóa, lòng họ gây chiến với luật pháp Ngài. “Vì tâm trí hướng về xác thịt thì thù nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không thuận phục luật pháp Đức Chúa Trời, thực ra, nó không có khả năng thuận phục” (Rô-ma 8:7). Nhưng “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” để những tội nhân có thể được hòa giải với Đức Chúa Trời và lặp lại sự hòa thuận với Đấng Tạo Hóa của họ. Sự thay đổi này gọi là tái sinh, bằng không thì tội nhân “không thể nhìn thấy vương quốc Đức Chúa Trời” (Giăng 3:16, 3). TTL 204.3