Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Chúng ta có một Người Chăn chiên trung thành
Cuộc đời của người chăn chiên là chăm nom và thương cảm những tạo vật bất lực, là điển hình cho những lẽ thật quý báu của phúc âm. Đấng Christ được ví như một người chăn chiên, Ngài nhìn thấy chiên sắp bị kết án tử vì đi theo những nẻo đường mù mịt tội lỗi. Muốn cứu những kẻ lang thang này, Ngài phải từ bỏ mọi vinh hoa phú quý của nhà Cha. Ngài nói: “Ta sẽ tìm con chiên lạc mất, dắt con chiên bị đuổi trở về, rịt lành con chiên bị thương và làm cho con chiên yếu được mạnh. Ta sẽ giải cứu bầy chiên Ta, chúng sẽ không làm mồi nữa… những loài thú của đất sẽ chẳng cắn xé chúng nữa” (Ê-xê-chi-ên 34:16,22,28). Tiếng Ngài gọi chúng về cái lều của Ngài: “làm bóng che khỏi nắng nóng ban ngày, và là nơi trú ẩn để tránh bão táp mưa sa” (Ê-sai 4:6). Ngài thêm sức mạnh cho kẻ yếu, an ủi kẻ đau khổ, giơ tay gom chúng lại và bồng ẵm chúng trong lòng Ngài. Chiên Ngài yêu thương Ngài. “Chiên không theo người lạ, trái lại, chúng bỏ chạy vì chiên không quen tiếng người lạ” (xem Giăng 10:1-15). KTS 94.3
Hội thánh Đấng Christ đã được mua bằng dòng huyết của Ngài, mọi con chiên có chung tâm hồn với Đấng Christ sẽ bắt chước tấm gương hy sinh thân mình giống Ngài, họ làm việc liên tục cho điều tốt đẹp mà Ngài đã trả để đàn chiên sẽ thịnh vượng hơn dưới bàn tay Ngài chăm sóc. “Khi Đấng Chăn Chiên tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh mão triều thiên vinh quang không phai tàn” (1 Phi-e-rơ 5:4). KTS 94.4
Gia-cốp mệt mỏi vì làm giàu cho La-ban, ông xin phép trở về Ca-na-an. Ông nói với cha vợ: “Xin cha cho con đi để con trở về quê hương, xứ sở con. Xin giao hai vợ và con cái của con lại để con ra đi. Cha thừa biết con đã vì họ và phục vụ cha thế nào rồi”. Nhưng La-ban nài nỉ ông ở lại: “Cha linh cảm rằng Chúa đã vì con mà ban phước cho cha”. KTS 94.5
Gia-cốp nói: “Trước khi con đến, đàn gia súc của cha ít ỏi, nhưng bây giờ thì gia tăng lên gấp bội”. Thời gian trôi qua, Gia-cốp ngày càng phát đạt nhanh chóng, La-ban trở nên ghen tỵ với số tài sản giàu có hơn của ông. Các con trai của La-ban cũng ganh tỵ giống cha, họ rót những lời hiểm độc vào tai La-ban. “Gia-cốp đã sang đoạt tài sản của cha chúng ta, và nhờ tài sản đó mà trở nên giàu có. Gia cốp cũng để ý nét mặt La-ban và thấy thái độ của ông đối với mình không còn như trước nữa”. KTS 95.1
Trước đó, Gia-cốp không quan tâm mưu đồ của họ ngoại trừ nỗi lo sợ gặp lại Ê-sau. Giờ đây, ông cảm thấy các con trai La-ban là mối nguy hiểm cho ông, họ chăm chăm vào sự phát đạt của ông như là của họ và có thể cố gắng đoạt lấy bằng vũ lực. Ông lâm vào tình thế bối rối và lo buồn thật sự, nhưng ông nhớ lại lời hứa nhân từ ở Bê-tên nên ông đã trình dâng hoàn cảnh của mình lên Chúa. Trong một giấc mơ ông đã nhận được câu trả lời: “Hãy trở về nơi quê cha đất tổ và họ hàng của con. Ta sẽ ở cùng con”. KTS 95.2
Các đàn chiên và bầy gia súc được nhanh chóng gom lại gửi đi trước, rồi đến vợ con và các tôi tớ, Gia-cốp vượt qua sông Ơ-phơ-rát, hướng thẳng về vùng đồi núi Ga-la-át giáp biên giới đất Ca-na-an. Ba ngày sau, La-ban mới bắt đầu đem anh em mình đuổi theo suốt bảy ngày. Ông rất nóng giận và xác định là sẽ ép buộc họ quay về. Những người chạy trốn thật sự bị lâm vào tình thế nguy nan. KTS 95.3
Chính Chúa can thiệp để bảo vệ tôi tớ Ngài. La-ban nói: “Cha thừa sức để làm hại con, nhưng đêm qua Đức Chúa Trời của tổ phụ con đã phán với cha rằng: Dù lành hay dữ, hãy thận trọng, đừng nặng lời với Gia-cốp”. Điều đó có nghĩa là ông không được ép buộc họ quay lại hoặc dùng lời hứa xu nịnh để thuyết phục nữa. KTS 95.4
La-ban đã từng giữ lại tài sản hồi môn của hai con gái, cư xử với Gia-cốp bằng thái độ gian trá và khắc nghiệt, nhưng giờ đây ông quở trách ngược con rể lét lút ra đi làm cho ông là người cha không có cơ hội tổ chức lễ chia tay hay thậm chí nói lời tạm biệt các con cháu. KTS 95.5
Đáp lại, Gia-cốp thẳng thắn nói tuột ra tính ích kỷ và thái độ tham lam của La-ban, rồi tự kháng cáo như một nhân chứng cho rằng mình là một người có lòng trung thành và ngay thẳng. “Nếu Đức Chúa Trời của tổ phụ con, là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, là Đấng mà Y-sác kính sợ, không phù hộ con, chắc bây giờ cha đã đuổi con đi với hai bàn tay trắng. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy nỗi nhọc nhằn và công lao của con nên đêm qua Ngài đã phân xử rồi”. KTS 95.6
La-ban không thể phủ nhận sự thật nữa nên bấy giờ ông đề nghị lập một giao ước hòa bình. Gia-cốp đồng ý và lấy một tảng đá dựng lên làm trụ tượng trưng cho sự thỏa thuận. La-ban gọi tên cái trụ là Mích-pa, nghĩa là “Tháp canh”, “Cầu xin Chúa canh giữ cha và con khi chúng ta cách xa nhau… Cầu xin Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Na-cô phân xử giữa chúng ta”. Rồi “Gia-cốp nhân danh Đấng mà cha mình là Y-sác kính sợ mà thề”. KTS 95.7
Để xác nhận giao ước, họ tổ chức tiệc ăn mừng. Một đêm trôi qua trong tình hữu nghị, sáng sớm hôm sau La-ban dậy sớm cùng anh em trở về nhà. Sau lần chia cắt này, mọi liên lạc giữa các con của Áp-ra-ham và họ hàng ở Mê-sô-pô-ta-mi-a chấm dứt. KTS 95.8