Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Áp-ra-ham vô tình vui đùa cùng các thiên sứ
Chúa ban vinh dự rất lớn cho Áp-ra-ham. Các Thiên sứ đã đi và nói chuyện cùng ông. Vì vậy khi phán quyết sắp đổ xuống thành Sô-đôm, ông là người đầu tiên được biết rõ sự thật đó và cũng trở thành người can thiệp cầu xin Chúa tha cho những tội nhân. KTS 66.3
Vào một buổi trưa hè nóng bức, Áp-ra-ham đang ngồi nơi cửa trại thì gặp ba người lữ khách ở một khoảng cách không xa. Họ đã đứng lại trước khi đến gần cửa trại của ông. Không chờ đợi họ mở miệng đề nghị bất cứ điều gì, ông vội vã chạy đến mời họ vào trại nghỉ ngơi như là một ơn phước cho mình. Sau đó ông tự tay mang nước đến để họ có thể rửa sạch bụi đường xa bám trên đôi chân mệt mỏi. Trong khi các lữ khách nghỉ ngơi thư giãn dưới bóng cây cổ thụ, ông lật đật lựa chọn món ăn ngon cho gia nhân chuẩn bị nấu, đến lúc khách viếng ăn uống các thức ăn ông dọn mời thì ông đứng ngay bên cạnh tiếp đãi tận tình. Hàng ngàn năm sau, một sứ đồ được thần hứng cũng nhắc lại hành động lịch sự này như sau: “Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm điều đó đã tiếp đã thiên sứ mà không biết” (Hê-bơ-rơ 13:2). KTS 66.4
Áp-ra-ham chỉ nhìn thấy ở ba người khách là ba người lữ hành mệt mỏi, ông không hề nghĩ rằng Một trong số họ là Đấng thánh khiết vô tội mà ông luôn tôn thờ. Nhưng giờ đây tính cách thật sự của các sứ giả từ trời đã được tiết lộ. Họ đang thực hiện nhiệm vụ như là sứ giả của sự phẫn nộ, tuy nhiên riêng với Áp-ra-ham, họ lại nói trước về những ơn phước. Chúa không bao giờ cảm thấy vui vẻ gì khi thực hiện báo thù. KTS 66.5
Áp-ra-ham kính sợ Chúa và Ngài tôn trọng ông, tiết lộ cho ông biết mục đích của Ngài. Chúa nói: “Lẽ nào ta giấu Áp-ra-ham điều chi Ta sẽ làm sao?”. “Tiếng kêu oan về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thật là quá, tội lỗi các thành đó thật là trọng. Ta muốn ngự xuống để xem xét chúng nó ăn ở có thật như tiếng đã kêu thấu đến Ta chăng; nếu chẳng thật thì Ta sẽ biết”. Chúa biết tội lỗi của Sô-đôm, nhưng Ngài muốn tỏ bày chính Ngài theo giới hạn của nhân loại có thể hiểu được về sự công bình của Ngài. Ngài muốn thân chinh ngự xuống để xem xét trọng tội của họ. Nếu họ có thể đạt được mức độ tha thứ đã tiên đoán thì Ngài sẽ cho họ cơ hội ăn năn chuộc tội. KTS 66.6
Hai sứ giả đã lên đường, chỉ còn lại Một người là Đấng mà bây giờ ông mới hiểu chính là Con của Đức Chúa Trời, tổ phụ của đức tin, ông liền cầu xin cho cư dân thành Sô-đôm. Lần thứ nhất ông cứu họ bằng thanh gươm của mình; lần này ông cố gắng cứu họ bằng lời cầu nguyện. Lót và cả gia đình vẫn còn sống ở đó, Áp-ra-ham nỗ lực cứu vớt họ khỏi cơn bão trừng phạt từ trời. KTS 67.1
Với lòng khiêm nhường hết mức, ông đưa ra lời nài xin của mình: “Con đây vốn là tro bụi, song con cũng dám cả gan thưa lại cùng Chúa”. Ông không đòi hỏi ân huệ gì cho lòng vâng phục hay hy sinh mà ông đã thực hiện vì nghe theo ý Chúa. Ở vai trò là một tội nhân, ông chỉ xin đại diện cầu thế cho những tội nhân khác. Tuy nhiên, Áp-ra-ham bày tỏ lòng tự tin của một đứa trẻ nài xin người cha yêu thương của mình. Mặc dù Lót chọn Sô-đôm làm nơi an cư lạc nghiệp, nhưng ông không tham dự vào tội lỗi của dân cư thành đó. Áp-ra-ham nghĩ rằng trong một thành phố lớn như vậy sẽ phải có nhiều người thờ lạy Đức Chúa Trời chân thật nên ông cầu xin: “Không lẽ Chúa làm điều như vậy, diệt người công bình luôn với kẻ độc ác; đến đỗi kể người công bình cũng như người độc ác. Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ! Đấng đoán xét toàn thế gian há lại chẳng làm sự công bình sao?” Khi những lời khẩn cầu của ông được chấp nhận, ông giành được sự đảm bảo chắc chắn rằng thậm chí nếu chỉ có 10 người công bình được tìm thấy ở Sô-đôm thôi cũng đủ để cứu vớt cả thành phố. KTS 67.2
Lời cầu nguyện của Áp-ra-ham cho Sô-đôm chứng tỏ rằng chúng ta nên nuôi lòng căm thù tội lỗi, nhưng thương xót và yêu thương tội nhân. Những người xung quanh chúng ta đang dần dần bị hư mất. Mỗi giờ trôi qua đều có một số người đi quá giới hạn được tha thứ. Ở đâu có tiếng gọi mời, hối thúc tội nhân bỏ chạy khỏi sự diệt vong khủng khiếp này? Ở đâu có những người đang cầu xin Chúa tha thứ cho họ? KTS 67.3