Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn

238/343

Chương 53—Các Quan Xét — Những Người Giải Phóng Y-Sơ-Ra-Ên

Chương này dựa theo sách Các Quan Xét 6 — 8; 10

Bằng lòng với các vùng đất đã chiếm cứ, các chi phái mất đi lòng nhiệt huyết và không còn tiếp tục chiến tranh. “Khi dân Y-sơ-ra-ên trở nên cường thịnh, họ bắt dân Ca-na-an phục dịch chứ không đuổi đi hết” (Các Quan Xét 1:28). KTS 274.1

Phần Chúa, Ngài đã trung thành hoàn tất hết các lời Ngài đã hứa cùng dân Y-sơ-ra-ên. Phần họ, nhiệm vụ cuối cùng nên hoàn tất là phải đuổi hết dân ngoại ra khỏi xứ, nhưng họ lại không làm xong việc đó. Những kết ước mà họ thỏa hiệp với dân Ca-na-an đã xui khiến họ vi phạm luật pháp Chúa và không hoàn thành điều kiện mà Ngài yêu cầu để họ được sở hữu đất Ca-na-an. KTS 274.2

Tại núi Si-na-i, Chúa đã cảnh cáo họ về việc sùng bái thần tượng. “Con chớ quỳ lạy và phục vụ các thần của chúng; đừng bắt chước công việc chúng làm. Con phải phá hủy hoàn toàn các thần và đập vụn trụ thờ của chúng”. Khi nào họ còn vâng lời thì Chúa sẽ đánh bại hết kẻ thù giúp họ: “Ta sẽ gieo kinh hoàng và rối loạn lên bất cứ dân tộc nào mà con sắp đến. … Ta sẽ sai ong lỗ bay trước con, chúng sẽ đánh đuổi dân Hê-vít, dân Ca-na-an, dân Hê-tít trước mặt con. Ta sẽ không đuổi chúng đi hết trong một năm đâu, vì nếu vậy thì xứ sở sẽ trở nên hoang vu, thú rừng sẽ sinh sôi nảy nở, tác hại đến con. Nhưng Ta sẽ đuổi chúng từ từ khỏi con, cho đến khi con trở nên đông đúc và có thể thừa hưởng đất này. … Con đừng kết ước với chúng và các thần của chúng. Chúng sẽ không được cư ngụ trong xứ sở con vì chúng có thể khiến con phạm tội với Ta mà phục vụ các thần của chúng; điều đó chắc chắn là một cạm bẫy cho con” (Các Quan Xét 23:24, 27-33). KTS 274.3

Đức Chúa Trời đặt dân sự Ngài ở Ca-na-an để ngăn chặn làn sóng suy đồi đạo đức, để nó không tệ đến mức tràn ngập cả thế gian. Chúa sẽ cho dân Y-sơ-ra-ên cai trị các nước còn rộng lớn và hùng mạnh hơn dân Ca-na-an. “Đức Giê-hô-va sẽ đuổi các dân tộc này khỏi anh em, và anh em sẽ trục xuất những dân tộc lớn và mạnh hơn anh em… Lãnh thổ anh em sẽ chạy từ hoang mạc đến Li-ban, từ sông Ơ-phơ-rát đến Biển Tây” (Phục truyền Luật lệ Ký 11:23-24). KTS 274.4

Nhưng họ lại chọn cuộc sống an nhàn và đam mê lạc thú. Họ để trôi mất nhiều cơ hội chiếm lĩnh toàn bộ lãnh thổ, nhiều thế hệ sau đó bị các dân thờ thần tượng còn sót lại quấy rầy họ liên miên, chúng giống như “gai” trong mắt họ, giống như “chông” ở bên hông (Dân số Ký 33:55). KTS 274.5

Dân Y-sơ-ra-ên “pha trộn với các dân ấy, làm theo những việc chúng làm”. Họ kết thông gia với dân Ca-na-an, nạn sùng bái thần tượng lây lan như một đại dịch tràn khắp cả nước. “Họ dâng con trai con gái mình để cúng tế ma quỷ… khiến cho xứ bị ô uế bởi huyết ấy”. “Vì thế, cơn giận của Đức Giê-hô-va nổi lên với con dân Ngài. Ngài khinh ghét cơ nghiệp Ngài” (Thi Thiên 106:35-40). KTS 274.6

Sau khi thế hệ những người được Giô-suê chỉ dạy đã qua đời hết, việc sùng bái thần tượng mới phát sinh một chút, nhưng hành động của cha mẹ đã vẽ đường bội giáo cho con cái mình. Những thói quen bình thường của người Hê-bơ-rơ giúp sức khỏe họ cường tráng, nhưng việc giao du với dân ngoại khiến họ ham mê ăn uống và lạc thú, là thứ dần dần làm suy kiệt hết năng lượng tinh thần lẫn thể lực. Dân Y-sơ-ra-ên bị tội lỗi ngăn cách họ khỏi Chúa nên họ cũng không đủ sức chiến thắng kẻ thù được nữa. Điều đó dẫn tới đoạn trường là họ bị thống trị ngược lại bởi chính các nước mà họ từng đánh thắng. KTS 275.1

“Họ lìa bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ, là Đấng đã đem tổ phụ họ ra khỏi xứ Ai Cập”. “Họ chọc giận Chúa vì các nơi cao, khiến Ngài nổi giận vì những tượng chạm”. Bởi vậy, Chúa “lìa bỏ đền tạm tại Si-lô, tức là lều trại, nơi Ngài ngự giữa loài người, sức lực Ngài bị phó cho lưu đày, vinh hiển Ngài bị giao vào tay kẻ thù” (Các Quan Xét 2:12; Thi Thiên 78: 58,60,61). KTS 275.2

Tuy vậy, Đức Chúa Trời không hoàn toàn bỏ mặc dân sự Ngài. Từ thời đại này qua thời đại khác vẫn luôn luôn có một nhóm dân còn sót lại thật sự trung thành với Đức Giê-hô-va, Chúa nuôi dưỡng lòng trung tín và khuyến khích họ dọn dẹp thần tượng để giải phóng con dân Ngài khỏi kẻ thù. Nhưng mỗi khi người giải phóng ấy chết đi, dân chúng thoát khỏi quyền quản trị của người ấy, thì họ từ từ tiếp tục quay lại việc sùng bái thần tượng. Đây là lý do tại sao lịch sử dân Y-sơ-ra-ên là câu chuyện lòng vòng về sự tái phạm sa ngã và sửa chữa, về việc thú tội và được giải cứu, cứ lặp đi lặp lại như vậy. KTS 275.3