Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Sự khác biệt quá lớn giữa Ca-in và A-bên
“Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in” (Hê-bơ-rơ 11:4). A-bên nhìn nhận bản thân mình là tội nhân, anh thấy tội lỗi và kết cục của nó — cái chết — ngăn cách giữa anh với Đức Chúa Trời. Anh dâng con sinh tế, đó là cách công nhận các yêu cầu của luật pháp đòi hỏi loài người đã phạm luật. Nhờ huyết đổ ra mà lòng anh hướng về Đấng Christ chết treo trên thập tự. Tin cậy vào sự chuộc tội được tạo ra nhờ thập tự giá, anh chắc chắn rằng mình được xưng công bình và vật tế lễ của anh đã được chấp thuận. KTS 34.1
Ca-in cũng có cơ hội tin nhận những lẽ thật này giống như A-bên. Đức Chúa Trời không chọn cách chấp nhận người này mà bỏ rơi người kia. A-bên lựa chọn lòng trung thành và vâng phục; còn Ca-in chọn cách không tin cậy rồi nổi loạn. KTS 34.2
Ca-in và A-bên đại diện cho hai loại người sẽ tồn tại đến thời kỳ cuối cùng. Có hạng người chấp nhận sự hy sinh đã được chỉ định vì tội lỗi; hạng kia thì dựa vào những công lao của mình. Những người cảm thấy không cần huyết của Đấng Christ nghĩ rằng họ có thể được Đức Chúa Trời tán thành bởi những gì họ làm, đó là những người đang hành động giống như lỗi Ca-in đã từng mắc phải. KTS 34.3
Hầu như mọi tôn giáo sai lầm đều dựa trên nguyên tắc giống nhau, đó là con người có thể cậy vào những nỗ lực của riêng mình để tìm kiếm sự cứu rỗi. Một số người cho rằng cần phải đòi hỏi một số thứ mà dòng dõi loài người có thể cải thiện, nâng cao và phục hưng chính nó. Ca-in từng nghĩ sẽ giành được ân huệ thiêng liêng bằng cách dâng tế lễ thiếu huyết con sinh tế, đây là thứ được mong chờ để nâng nhân loại lên tiêu chuẩn thánh hóa, độc lập với sự chuộc tội của Chúa Giê-su. Lịch sử của Ca-in cho thấy con người không có khuynh hướng nhìn lên thánh thiện mà lại có khuynh hướng nhìn xuống phía tệ hại. Đấng Christ là hy vọng duy nhất cho chúng ta (xem thêm Công vụ các Sứ đồ 4:12). KTS 34.4
Đức tin chân thật sẽ được bày tỏ bằng thái độ vâng phục mọi yêu cầu của Đức Chúa Trời. Từ thời A-đam đến nay, cuộc chiến khốc liệt vẫn bao trùm lên những ai vâng phục luật pháp Đức Chúa Trời. Thời đại nào cũng có những con người đòi hỏi ơn phước tốt đẹp từ Đức Chúa Trời trong khi họ không đếm xỉa đến các điều răn Ngài. Nhờ việc làm mà “đức tin được trọn vẹn”, không có việc làm từ lòng vâng phục thì đức tin “chết” (Gia-cơ 2:22,17). Bất cứ ai tự cho là biết Đức Chúa Trời “và không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người” (1 Giăng 2:4). KTS 34.5
Khi Ca-in nhìn thấy lễ vật hắn dâng hiến bị từ chối, hắn giận Đức Chúa Trời đã không chấp thuận nông sản mà hắn đặt làm lễ vật hy sinh thiêng liêng theo qui định, rồi hắn nổi nóng với em mình bởi nó đã chọn vâng phục Đức Chúa Trời thay vì cùng hắn nổi dậy chống lại Ngài. KTS 34.6
Đức Chúa Trời không bỏ mặc hắn mà lại hạ mình thuyết phục gã đàn ông hống hách vô lý. “Cớ sao ngươi giận? Cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành há chẳng được chấp nhận sao? Còn như chẳng không làm lành thì tội lỗi đang rình trước cửa”. Nếu hắn tin cậy vào những phẩm chất đáng kính từ Đấng Cứu Thế của lời hứa, hắn sẽ vui hưởng ơn phước của Đức Chúa Trời, nhưng nếu hắn cứ tiếp tục không tin kính và phạm tội thì hắn sẽ không còn lý do nào để phàn nàn Đức Chúa Trời đã không đoái xem. KTS 34.7
Thay vì ý thức tội lỗi của mình, Ca-in tiếp tục phàn nàn Đức Chúa Trời bất công và ấp ủ lòng ghen tỵ rồi căm thù A-bên. Với tính nhu mì và kiên quyết tới cùng, A-bên bảo vệ tính công bình và tốt đẹp của Đức Chúa Trời. Anh chỉ cho Ca-in thấy chỗ sai lầm rồi cố gắng thuyết phục rằng cái xấu đang ngự trị trong Ca-in. Anh chỉ ra lòng trắc ẩn của Đức Chúa Trời qua việc cảm thông với cuộc sống của cha mẹ họ trong khi Ngài có thể trừng phạt họ chết ngay lúc họ phạm tội. Anh dẫn chứng rằng Đức Chúa Trời yêu thương họ, nếu không Ngài sẽ không ban Con Ngài - Đấng vô tội và thánh thiện - để gánh chịu hậu quả do cha mẹ họ gây ra. Tất cả lý do này càng làm cơn giận của Ca-in bùng cháy dữ dội hơn. Lý trí và lương tâm nói với hắn rằng A-bên đang đúng, nhưng ông bực bội vì không thể nhận được sự cảm thông cho hành động nổi loạn vừa qua, bởi vậy trong cơn giận dữ điên cuồng hắn lao đến giết chết em mình. KTS 35.1
Bởi vậy, thời đại nào cũng có những người độc ác thù ghét những người tốt đẹp hơn họ. “Vì ai làm ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, sợ rằng hành vi của mình sẽ bị phơi bày ra” (Giăng 3:20). KTS 35.2
Kẻ giết A-bên là trường hợp minh chứng đầu tiên giữa con rắn và con cháu người nữ - giữa Sa-tan với dân sự nó và Đấng Christ với các sứ đồ Ngài. Bất cứ khi nào có một người từ chối không muốn thành nô lệ tội lỗi thông qua đức tin nơi Chiên Con Đức Chúa Trời thì cơn giận của Sa-tan lại bùng cháy. Đời sống thánh thiện của A-bên chứng tỏ ngược lại tuyên bố của Sa-tan rằng loài người không đủ sức gìn giữ luật pháp Đức Chúa Trời. Khi Ca-in thấy hắn không thể điều khiển được A-bên, hắn điên tiết lên rồi hủy hoại luôn đời hắn, từ đó trở đi nơi nào có người đứng ra bên vực luật pháp Đức Chúa Trời thì sẽ có thái độ giống như vậy xuất hiện. Nhưng những người tử đạo vì Chúa Giê-su là những người chết một cách chiến thắng (xem thêm Khải Huyền 12:9,11). KTS 35.3
Ca-in — kẻ giết người — cũng sớm bị triệu tập để trả lời cho tội ác của hắn. “Chúa hỏi Ca-in: A-bên, em ngươi ở đâu? Ca-in đáp: Tôi không biết! Tôi là người giữ em tôi sao?”. Hắn đành phải nói dối để che đậy tội lỗi mình. KTS 35.4