TIẾNG GỌI TỪ THIÊN QUỐC

5/32

CHƯƠNG 3—SỨ MẠNG CỦA CHÚA GIÊ-SU BẮT ĐẦU TỪ MỘT BỮA TIỆC

Ba ngày sau, có một tiệc cưới ở Ca-na, miền Ga-li-lê. Mẹ Chúa Giê-su có mặt tại đó. Chúa Giê-su và các môn-đệ cũng được mời dự tiệc. Khi thiếu rượu, mẹ Chúa Giê-su bảo Ngài: “Người ta hết rượu rồi!” Chúa Giê-su nói: “Thưa mẹ, chuyện mẹ đang quan tâm không liên quan gì đến con. Thời điểm của con chưa đến!” Mẹ Ngài nói với những người hầu tiệc: “Người bảo sao hãy làm vậy!”. Tại đó có sáu cái vại bằng đá, mỗi cái chứa khoảng tám mươi đến một trăm hai mươi lít nước, dùng cho lệ tẩy sạch của người Do Thái. Chúa Giê-su bảo: “Hãy đổ nước đầy các vại này đi!” Họ đổ đầy tới miệng vại. Ngài tiếp: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc”. Vậy họ mang đến cho ông ấy. Khi người quản tiệc nếm nước đã biến thành rượu, ông chẳng biết rượu từ đâu ra (nhưng những người hầu tiệc đã múc nước thì biết rõ), ông gọi chú rể bảo: “Người ta ai cũng đãi rượu ngon trước, còn rượu dở dành cho lúc khách đã say, riêng anh thì giữ rượu ngon cho đến bây giờ”. Thế là tại Ca-na, miền Ga-li-lê, Đức Chúa Giê-su thực hiện phép lạ đầu tiên và bày tỏ vinh quang Ngài, nên các môn đệ tin Ngài (Giăng 2:1-11). TTQ 13.1

Khoảng 30 tuổi, Đức Chúa Giê-su bắt đầu sứ mạng cộng đồng của mình, nhưng không phải tại trung tâm tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem. Ngài khởi đầu tại một buổi tiệc cưới trong ngôi làng nhỏ ở Ga-li-lê. Chúa thể hiện qua việc muốn làm cho mọi người hạnh phúc. Tại Ca-na, một ngôi làng nhỏ gần Na-za-rét, một vài người họ hàng của Giô-sép và Ma-ri mời họ đến dự tiệc. Chúa Giê-su, sau khi đi vắng nhà vài tuần, cũng đến đó dự tiệc cùng bốn môn đồ mà Ngài vừa kêu gọi theo mình. TTQ 13.2

Không khí buổi tiệc được lấp đầy bởi việc bàn tán sôi nổi, hào hứng của vài nhóm khách mời, họ thảo luận về Chúa Giê-su. Bà Ma-ri lấy làm tự hào về Con Trai mình. Trong khoảng thời gian Ngài thoát ly gia đình, bà có nghe tin tức về việc Ngài chịu phép báp-têm bởi Giăng Báp-tít ở sông Giô-đanh và điều đó gợi lại trong tâm trí bà nhiều ký ức. Từ ngày ở nhà mình tại Na-za-rét, bà được nghe thiên sứ báo tin về sự giáng sinh của Chúa Giê-su, bà đã quý trọng từng bằng chứng về Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế. Tiếp theo là đời sống không chút ích kỷ của Ngài đã thuyết phục bà rằng Ngài không thể là ai khác. Hơn nữa, bà cũng từng trải nghiệm sự nghi ngờ, thất vọng và trông chờ thời điểm cuối cùng Ngài sẽ thể hiện thần tánh của mình. Lúc này, ông Giô-sép đã qua đời, ông là người duy nhất chia sẻ với bà việc hiểu biết về sự giáng sinh của Chúa Giê-su. Vì vậy, bà không còn ai để trông cậy. Mấy tuần vừa qua là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với bà. TTQ 13.3

Tại tiệc cưới, bà nhìn thấy cũng là đứa Con Trai dịu hiền mà bà đã nâng niu. Tuy nhiên, bà có thể nói rằng Ngài đã thay đổi. Bà nhìn thấy những chứng tích từ cuộc thử thách khốc liệt nơi đồng vắng cùng một cảm nhận về phẩm cách và quyền năng trong cách đi đứng, cách ăn nói của Ngài. Có một nhóm người đàn ông đi bên cạnh. Đôi mắt họ liên tục dõi theo Ngài, tôn kính gọi Ngài là “Thầy”. Những người này kể cho bà Ma-ri những gì họ nghe thấy tại lễ báp-têm của Ngài và ở những chỗ khác. Họ kết luận những gì Phi-líp khoe với Na-tha-na-ên: “Chúng tôi đã gặp Đấng mà Môi-se đã viết trong Kinh Luật, các tiên tri của Chúa cũng có ghi chép. Ngài là Đức Chúa Giê-su, con ông Giô-sép ở Na-za-rét”. TTQ 13.4

Khi bà Ma-ri nhìn thấy những ánh mắt khách mời hướng về Chúa Giê-su, bà mong đợi Ngài chứng minh địa vị của Đấng Cứu Thế. Bà hy vọng và cầu nguyện Ngài có thể biểu diễn một phép lạ. Vào thời đó, tiệc cưới thường kéo dài tới vài ngày, ở đám cưới này rượu đã hết sạch mà tiệc vẫn chưa tàn. Là họ hàng của cô dâu chú rể, bà Ma-ri là một trong số người lo phục vụ ăn uống, vì vậy bà khéo léo gợi ý với Chúa Giê-su: “Họ hết rượu rồi”. Đó là một lời đề nghị thẳng thắn muốn Ngài làm điều gì đó bất ngờ. TTQ 14.1

Chúa Giê-su đáp: “Giờ Con chưa đến” bày tỏ rằng không có bất cứ sự ràng buộc nào trên thế gian này có thể điều khiển đường lối Ngài. Mặc dù bà Ma-ri không hiểu hết sứ mạng của Con Trai, nhưng bà tin cậy Ngài một cách tuyệt đối. Chúa Giê-su đã đáp lại lòng tin đó. Ngài cũng hành động để gia tăng lòng tin cậy cho các môn đồ bằng cách thực hiện phép lạ đầu tiên. TTQ 14.2

Ngay bên lối ra vào có sáu cái vại nước bằng đá rất lớn. Chúa Giê-su bảo mấy người giúp việc đổ đầy nước vào đó. Bởi vì khách dự tiệc cần được phục vụ liền, nên Ngài bảo múc nước đó đem đưa người quản tiệc. Họ làm theo lời Ngài, thay vì múc phải nước họ vừa châm đầy, họ lại múc được rượu! Khó ai biết được rượu trước đó đã hết sạch, nhưng khi người quản tiệc nếm rượu do mấy người phục vụ vừa đem đến sau, ông ấy biết ngay rượu này hoàn toàn ngon hơn nhiều so với loại rượu ông đã uống trước tại bữa tiệc. Quay sang chàng rể, ông nói: “Người ta ai cũng đãi rượu ngon trước, còn rượu dở dành cho lúc khách đã say, riêng anh thì giữ rượu ngon cho đến bây giờ” (Giăng 2:10). TTQ 14.3

Về cơ bản, “Rượu” tại các bữa tiệc mà bạn và tôi uống về cơ bản là đã qua quá trình lên men. Nhưng món quà của Chúa Giê-su thì luôn luôn tươi ngon. Những gì Ngài cung cấp luôn làm chúng ta cảm thấy thỏa mãn và mang lại hạnh phúc. Mỗi món quà mới mà chúng ta được nhận càng làm gia tăng lòng ham muốn của chúng ta để đón nhận thêm niềm vui càng ngày càng nhiều hơn từ Ngài. Ngài ban cho chúng ta ân điển, ân điển nhiều thêm nữa, không giống như rượu ở Ca-na, nguồn cung cấp ân phước dồi dào của Ngài không bao giờ hết, không bao giờ cạn kiệt. Sự thật món quà của Chúa Giê-su dành cho tiệc cưới là một dấu hiệu tuyệt vời. Nước trong mấy cái vại tượng trưng cho việc “báp-têm vào sự chết” của Ngài, còn rượu tượng trưng cho huyết Ngài đổ ra để rửa sạch tội lỗi chúng ta. Tại bữa tiệc đầu tiên với các môn đồ, Chúa Giê-su cho họ một chén rượu tượng trưng công việc của Ngài là ban cho họ sự cứu rỗi. Tại bữa Tiệc ly, Ngài lại cho họ uống lần nữa như là cách tượng trưng để họ chờ đến khi Ngài trở lại. TTQ 14.4