CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 2

21/31

Chương 50—GIỮA NHỮNG CẠM BẪY

Dựa theo Giăng 7: 16-36, 40-53; 8: 1-11

Trong suốt thời gian ở tại Giê-ru-sa-lem dự lễ, Đức Chúa Giê-su bị các kẻ do thám theo dõi. Hết ngày này qua ngày khác, những âm mưu mới được đem ra thử nghiệm để bắt Ngài phải im lặng. Các thầy tế lễ và các quan trưởng đang chực sẵn để đưa Ngài vào bẫy. Họ lên kế hoạch để ngăn chặn Ngài bằng vũ lực. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Họ muốn hạ nhục Ông Thầy người Ga-li-lê này trước dân chúng. CCC2 163.1

Ngày thứ nhất, khi Ngài có mặt tại Giê-ru-sa-lem vào kỳ lễ, các quan trưởng đã tới gặp Ngài và hỏi Ngài lấy quyền gì mà dạy dỗ. Họ muốn hướng sự chú ý từ Ngài tới câu hỏi về quyền dạy dỗ của Ngài, và như vậy, người ta chú ý tới tầm quan trọng và thẩm quyền của họ. CCC2 163.2

Đức Chúa Giê-su phán: “Đạo lý của Ta chẳng phải bởi Ta, nhưng bởi Đấng đã sai Ta đến. Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý Ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là Ta nói theo ý Ta.” Giăng 7:16, 17. Đức Chúa Giê-su đã đáp lại câu hỏi của những kẻ ương ngạnh này, nhưng không phải bằng cách trả lời sự cãi bướng, mà bằng cách mở ra Lẽ Thật căn bản cho sự cứu rỗi linh hồn. Ngài phán: Sự nhận biết và suy phục Lẽ Thật tùy thuộc ở tấm lòng nhiều hơn là ở lý trí. Lẽ Thật phải được tiếp nhận vào trong con tim. Lẽ Thật đòi hỏi sự thuần phục của lý trí. Nếu Lẽ Thật chỉ bị lệ thuộc ở lý trí mà thôi, lúc đó lòng kiêu ngạo sẽ là chướng ngại vật trên con đường tiếp nhận Lẽ Thật. Nhưng Lẽ Thật phải được tiếp nhận bởi việc làm của ân điển trong lòng; và việc tiếp nhận Lẽ Thật tùy thuộc vào sự từ bỏ mọi tội lỗi mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời cáo trách. Những ưu điểm của con người trong việc có được sự hiểu biết về Lẽ Thật, dù lớn lao đến đâu, sẽ chứng tỏ là không ích lợi gì cho họ, trừ khi lòng họ mở ra để tiếp nhận Lẽ Thật, đồng thời lương tâm không chấp nhận trước bất cứ một thói quen hay tập quán nào trái với các nguyên tắc Lẽ Thật. Vì vậy, đối với những kẻ hạ mình trước Đức Chúa Trời, thật lòng ước ao hiểu biết và làm theo ý muốn của Ngài, Lẽ Thật sẽ được bày tỏ như quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu rỗi họ. Họ sẽ có khả năng phân biệt giữa kẻ nói vì Đức Chúa Trời và kẻ chỉ nói theo ý riêng mình mà thôi. Người Pha-ri-si không hướng ý muốn mình theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Họ không tìm cách hiểu biết Lẽ Thật mà chỉ tìm cớ bào chữa cho việc trốn tránh Lẽ Thật. Đấng Cứu Thế đã cho thấy lý do tại sao họ không hiểu được Đạo của Ngài. CCC2 163.3

Giờ đây, Ngài đưa ra một thử thách, mà nhờ đó người ta có thể phân biệt ai là người Thầy thực sự và ai là kẻ lừa dối: “Kẻ nói theo ý mình, thì tìm vinh hiển riêng mình; nhưng kẻ tìm vinh hiển của Đấng đã sai mình đến, mới là chân thật, và chắc trong mình không có điều gì không công bình đâu”. Kẻ tìm vinh hiển cho riêng mình đang nói theo ý mình. Tinh thần tìm kiếm tư lợi để lộ dã tâm của nó. Nhưng Đấng Cứu Thế đang tìm kiếm sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đó là bằng chứng về uy quyền của Ngài với tư cách là 164 Thầy dạy Lẽ Thật. CCC2 164.1

Đức Chúa Giê-su đã cho các thầy thông giáo một bằng chứng về thần tính của Ngài bằng cách tỏ ra rằng Ngài đọc thâu tâm can họ. Suốt từ khi Ngài chữa lành cho một người bệnh ở tại Bê-tết-đa, họ đã không ngừng âm mưu giết hại Ngài. Như vậy, bản thân họ đang phá hủy luật pháp mà họ nói là đang bảo vệ. Ngài phán: “Môi-se há chẳng ban luật pháp cho các ngươi sao? Mà trong các ngươi không có một ai tuân theo luật pháp! Cớ sao các ngươi kiếm thế giết Ta?” CCC2 164.2

Giống như một tia chớp, các lời này đã bộc lộ cho các thầy thông giáo thấy cái hố đổ nát họ sắp sửa lao xuống. Họ kinh hãi trong chốc lát. Họ thấy mình đang nghịch lại với Quyền-năng-vô-đối. Nhưng họ không muốn bị cảnh cáo. Để có thể duy trì ảnh hưởng trên dân chúng, những mưu đồ giết người của họ cần phải được che đậy. Để tránh câu hỏi của Đức Chúa Giê-su, họ la lên: “Ngươi bị quỷ ám, nào ai là người tìm thế giết ngươi?”. Họ ám chỉ những việc làm lạ lùng của Đức Chúa Giê-su là do linh của ma quỷ xúi giục. CCC2 164.3

Đấng Cứu Thế không lưu ý tới ý nghĩ đó của họ. Ngài cho thấy rằng công việc chữa lành người bệnh ở tại Bê-tết-đa là phù hợp với luật về ngày Sabát, và việc làm ấy được chứng minh là đúng bằng chính cách giải thích về luật pháp của người Giu-đa. Ngài phán: “Môi-se đã truyền phép cắt bì... và các ngươi làm phép cắt bì cho người đàn ông trong ngày Sa-bát!”. Theo luật pháp, mọi bé trai phải được cắt bì vào ngày thứ tám. Nếu thời gian được chỉ định đó rơi vào ngày Sa-bát, nghi lễ này vẫn phải được cử hành. Do vậy mà, “chữa cho cả mình người bịnh được lành trong ngày Sa-bát” phải phù hợp với tinh thần của luật pháp hơn nhiều. Và Ngài cảnh cáo họ: “Đừng cứ bề ngoài mà xét đoán, nhưng phải xét đoán theo lẽ công bình”. Các quan trưởng cứng miệng; nhưng nhiều người trong dân chúng la lên; “Đó có phải là người mà người ta tìm giết chăng? Kìa, người nói tự do, mà không ai nói chi người hết. Dễ thường các quan đã nhận thật người là Đấng Christ?” CCC2 164.4

Nhiều người trong số những người nghe Đấng Cứu Thế hôm đó là cư dân thành Giê-ru-sa-lem, và cho dù họ biết những âm mưu của các quan trưởng chống lại Đức Chúa Giê-su, nhưng họ đã cảm thấy bị kéo đến với Ngài bằng một sức mạnh không gì cưỡng lại được. Sự nhận thức Ngài chính là Con Đức Chúa Trời thôi thúc trong lòng họ. Tuy nhiên, Sa-tan cũng sẵn sàng gieo rắc nghi ngờ, và chính những ý tưởng sai lầm của họ về Đấng Mê-si và về việc Ngài đến, đã mở cho họ con đường dẫn tới sự ngờ vực. Thường thì người ta tin là Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bết-lê-lem, nhưng sau một thời gian, Ngài sẽ biến mất, và khi Ngài xuất hiện lần thứ hai, không ai biết được Ngài từ đâu mà đến. Không ít người cho rằng Đấng Mê-si không phải là một con người xác thịt giống như loài người chúng ta. Và bởi vì quan niệm của quần chúng về sự vinh hiển của Đấng Mê-si không được Đức Chúa Giê-su người Na-xa-rét đáp ứng, nên nhiều người đã chú ý tới ý tưởng: “Thế mà, chúng ta biết người này từ đâu lại; song khi Đấng Christ sẽ đến, thì không ai biết Ngài từ đâu đến”. CCC2 165.1

Trong khi họ còn đang chao đảo giữa niềm tin và sự nghi ngờ như vậy, Đức Chúa Giê-su nắm được ý nghĩ của họ và trả lời: “Các ngươi quen Ta, các ngươi biết Ta từ đâu lại! Ta đã đến chẳng phải tự Ta, nhưng Đấng đã sai Ta đến là thật, mà các ngươi không biết Ngài”. Họ huênh hoang rằng họ biết Đấng Cứu Thế phải từ đâu đến, nhưng thật sự họ chẳng biết gì cả. Nếu họ sống trong sự hòa thuận với ý muốn của Đức Chúa Trời, họ sẽ biết Con Đức Chúa Trời khi Con ấy được bày tỏ ra cho họ. Nhưng những người này không thể hiểu nổi lời của Đấng Cứu Thế. Rõ ràng họ là một bản sao về điều Ngài đã xác nhận trước tòa Công luận nhiều tháng trước đây, khi Ngài tuyên bố mình là Con Đức chúa Trời. Như các quan trưởng lúc ấy âm mưu giết Ngài, giờ đây họ cũng tìm cách bắt Ngài; nhưng có một quyền năng mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường được, đã ngăn cản họ lại, và đặt lòng căm tức của họ vào một giới hạn nhất định, có tiếng phán bảo họ rằng: Đủ rồi, các ngươi không được đi xa hơn nữa. CCC2 165.2

Trong dân chúng có nhiều người tin Ngài. Họ nói: “Khi Đấng Christ đến, sẽ có làm nhiều phép lạ hơn người nầy đã làm chăng?”. Những người lãnh đạo phái Pha-ri-si lo lắng dõi theo diễn tiến sự việc và thấy được tình cảm của đám đông dành cho Đức Chúa Giê-su. Vậy là họ vội vàng chạy tới các thầy tế lễ cả và lên kế hoạch bắt Ngài. Tuy nhiên, họ dàn xếp để có thể bắt Ngài lúc Ngài ở một mình; bởi vì họ không dám bắt Ngài trước mặt dân chúng. Một lần nữa, Ngài lại chứng tỏ rằng Ngài đọc được âm mưu của họ, Ngài phán: “Ta còn ở với các ngươi ít lâu nữa; rồi Ta đi về cùng Đấng sai Ta đến. Các ngươi sẽ kiếm Ta mà chẳng thấy, và nơi Ta ở, các ngươi không thể đến được”. Không lâu nữa, Ngài sẽ lên nơi ngự trị của Ngài, nơi đó vượt xa ngoài tầm với của sự khinh miệt và hận thù của họ. Ngài sẽ lên cùng Cha Ngài để lại được các thiên sứ thờ lạy, và nơi đó những kẻ hãm hại Ngài không bao giờ có thể tới được. CCC2 165.3

Các thầy thông giáo nói một cách giễu cợt rằng: “Thế thì người sẽ đi đâu mà ta không tìm được? Có phải người sẽ đi đến cùng những kẻ lưu lạc trong dân Gờ-réc và dạy dân Gờ-réc chăng?”. Những con người ương ngạnh này không thể nào tưởng tượng được rằng những lời giễu cợt của họ lại đang phác họa sứ mạng của Đấng Cứu Thế. Suốt cả ngày dài Ngài đã dang rộng đôi tay để chờ đón một đám đông cứng cổ và giảng dạy cho những kẻ chuyên tranh cãi; nhưng những kẻ không tìm kiếm Ngài thì lại gặp Ngài. Ngài sẽ tỏ mình giữa một dân không kêu cầu Danh Ngài. (Rô-ma 10:20, 21). CCC2 166.1

Nhiều người vốn bị thuyết phục rằng Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời đã bị đánh lừa bởi cách lý luận sai lạc của các thầy tế lễ và các thầy thông giáo. Các thầy giáo này đã lặp lại các lời tiên tri liên quan đến Đấng Mê-si, rằng Ngài sẽ “trị vì trên núi Si-ôn, tại Giê-ru-sa-lem; và sự vinh hiển 255 sẽ chói lói trước mặt các trưởng lão”; rằng Ngài sẽ “quản hạt từ biển nầy tới biển kia, từ sông cho đến cùng trái đất.” (Ê-sai 24: 23; Thi Thiên 72: 8). Đoạn họ so sánh với thái độ khinh khi giữa sự vinh hiển được mô tả và vẻ bề ngoài khiêm tốn của Đức Chúa Giê-su. Những lời tiên tri đích thực đã bị bóp méo để che đậy sự sai lầm của họ. Nếu dân chúng thật sự muốn tìm hiểu các lời tiên tri, hẳn là họ đã không bị lầm đường. Đoạn 61 trong sách tiên tri Ê-sai chứng thực rằng Đấng Cứu Thế phải thi hành chức vụ quan trọng của mình. Đoạn 53 cho thấy Ngài bị khước từ và chịu thống khổ trong thế gian, và đoạn 59 mô tả tánh hạnh của các thầy tế lễ và các thầy thông giáo. CCC2 166.2

Đức Chúa Trời không ép buộc con người phải từ bỏ lòng vô tín. Ánh sáng và tối tăm, Lẽ Thật và sai lầm ở ngay trước mắt. Chính con người phải quyết định xem mình sẽ tiếp nhận gì. Đầu óc con người được phú cho khả năng phân biệt cái đúng, sai. Đức Chúa Trời muốn con người không quyết định một cách bốc đồng, nhưng theo sức thuyết phục của các chứng cớ, dùng KinhThánh để đối chiếu với Kinh Thánh một cách cẩn thận. Nếu người Giuđa bị thành kiến hướng dẫn và so sánh lời tiên tri được viết ra từ trước với những sự kiện đánh dấu cuộc đời Đức Chúa Giê-su, hẳn họ đã nhận ra sự hài hòa tốt đẹp giữa các lời tiên tri và sự ứng nghiệm của các lời tiên tri đó qua cuộc sống và sứ mạng của Người Ga-li-lê khiêm tốn đó. CCC2 166.3

Nhiều người ngày nay cũng bị lừa gạt y như người Giu-đa thuở xưa. Các ông thầy dạy đạo đọc Kinh Thánh dưới suy luận của ý riêng và lời truyền khẩu của họ; còn dân chúng thì lại không tìm hiểu chính Kinh Thánh để tự suy xét xem Lẽ Thật là gì. Nhưng họ lại đem trí óc riêng mình mà xét đoán, còn linh hồn thì giao phó cho những người lãnh đạo của họ. Việc rao giảng và dạy dỗ Lời của Ngài là một trong những cách thức mà Đức Chúa Trời đã ấn định để rao truyền ánh sáng; nhưng chúng ta phải đem sự con người dạy dỗ thử nghiệm trước Kinh Thánh. Bất cứ ai tìm hiểu Kinh Thánh trong sự cầu nguyện, ao ước được biết Lẽ Thật để mình có thể vâng theo Lời của Đức Chúa Trời, sẽ nhận được sự soi sáng thiêng liêng. Người đó sẽ hiểu Kinh Thánh. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý Ta” (Giăng 7:17). CCC2 166.4

Ngày sau cùng trong kỳ lễ, các thầy tế lễ và quan trưởng sai lính đi bắt Đức Chúa Giê-su; bọn lính đã trở về tay không. Các thầy tế lễ và quan trưởng tức giận hỏi: “Sao các ngươi không điệu người đến?”. Với vẻ mặt nghiêm trang, bọn lính trả lời: “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy”. Dù rất cứng lòng, nhưng bọn lính cũng phải mềm ra bởi Lời của Ngài. Trong khi Ngài đang nói tại sân đền thờ, họ lại gần Ngài, cốt tìm cớ gì đó để chống lại Ngài. Nhưng khi nghe Ngài giảng dạy, họ đâm ra quên mất mục đích khiến họ tới đây. Họ đứng ngây ra như kẻ mất hồn. Đấng Cứu Thế đã bày tỏ chính Ngài cho linh hồn họ. Họ đã thấy điều mà các thầy tế lễ và các thầy thông giáo không muốn thấy, ấy là nhân tính trong Ngài được dầm thấm bởi vinh hiển của thần tính. Họ trở về với tâm hồn được phủ ngập bởi ý nghĩ này, và lòng họ bị Lời của Ngài đánh động đễn nỗi họ chỉ có thể trả lời: “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy”. trước câu hỏi “Sao các ngươi không điệu người đến,” Các thầy tế lễ và các quan trưởng lần đầu tiên tới trước mặt Đấng Cứu Thế cũng có nhận thức tương tự. Lòng họ bị chao động một cách sâu sắc, và họ không thể không nghĩ rằng: “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy”. Nhưng họ đã bóp nghẹt sự nhận thức do Đức Thánh Linh mang lại. Giờ đây, họ phải phát điên lên vì đến cả những kẻ thi hành luật pháp cũng bị tác động bởi Con Người Ga-li-lê dễ ghét này, họ la lên: “Các ngươi cũng đã bị phỉnh dỗ sao? Có một người nào trong các quan hay là trong những người Pha-ri-si tin đến người đó chăng? Song lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là dân đáng rủa!” CCC2 167.1

Những kẻ được nghe sứ điệp Lẽ Thật hiếm khi đặt câu hỏi: “Có thật vậy chăng?” nhưng họ lại hỏi : “Ai nghe theo Lẽ Thật?”. Đám đông đánh giá Lẽ Thật theo số người tiếp nhận. Và câu hỏi vẫn được đặt ra là: “Có người nào trong số những kẻ có học thức hay lãnh đạo tôn giáo đã tin?”. Ngày nay, người ta cũng không chịu hướng về Đạo thật y như thời Đấng Cứu Thế. Người ta đang hăm hở tìm kiếm của cải trần thế, sao nhãng sự giàu có đời đời; và những điều đó chẳng phải là lập luận bền vững để chống lại Lẽ Thật, vậy mà rất nhiều người không sẵn sàng tiếp nhận Lẽ Thật, hay là Lẽ Thật đã không được những con người được xem là khôn ngoan của thế gian này tiếp nhận, cả đến các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng không. CCC2 167.2

Các thầy tế lễ và các quan trưởng lại lên kế hoạch bắt Đức Chúa Giê-su. Họ nói rằng nếu tiếp tục để Ngài được tự do, Ngài sẽ kéo dân chúng rời xa hệ thống những nhà lãnh đạo đã thiết lập, và chỉ có một cách cứu vãn duy nhất là bắt Ngài phải im lặng ngay tức khắc. Trong khi họ đang hăng hái bàn cãi, thì bỗng dưng họ khựng lại. Ni-cô-đem nêu câu hỏi: “Luật chúng ta há bắt tội một người nào chưa tra hỏi đến, và chưa biết điều người ấy đã làm, hay sao?”. Mọi người im lặng. Các lời của Ni-cô-đem kéo họ về với lương tâm mình. Họ không thể lên án một người mà không nghe người ấy nói. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến các quan trưởng kiêu ngạo phải ngậm miệng, họ chỉ dám liếc Đức Chúa Giê-su, kẻ đã cả gan lên tiếng ủng hộ sự công bình. Họ giật mình và đau đớn vì một người trong số họ đã bị tánh hạnh của Đức Chúa Giê-su chinh phục đến độ dám lên tiếng bênh vực Ngài. Khi đã trấn tĩnh khỏi cơn kinh ngạc, họ hằn học nói với Ni-cô-đem: “Ngươi cũng là người Ga-li-lê sao? Ngươi hãy tra xét, sẽ thấy rằng chẳng có tiên tri nào từ xứ Ga-li-lê mà ra hết”. CCC2 167.3

Nhưng sự phản kháng cũng đã làm cho cuộc họp phải đình lại. Các quan trưởng đã không thể thực hiện mục đích của mình và lên án Đức Chúa Giê-su mà không cần nghe Ngài nói gì hết. Lần này họ đã thất bại, “Ai nấy đều trở về nhà mình. Đức Chúa Giê-su lên trên núi Ô-li-ve”. Rời khỏi sự nhộn nhịp và huyên náo thành thị, khỏi đám đông hăm hở và những thầy 168 thông giáo bịp bợm, Đức Chúa Giê-su quay về với sự yên tĩnh của những lùm cây Ô-li-ve, nơi Ngài có thể ở một mình với Đức Chúa Trời. Nhưng vào lúc sáng sớm, Ngài quay lại đền thờ, và khi dân chúng đã nhóm lại xung quanh, Ngài ngồi xuống và dạy dỗ họ. Chẳng bao lâu sau đó, Ngài gặp phải sự cản trở. Một nhóm người Pha-ri-si và các thầy thơ ký tới gần Ngài, mang theo một người phụ nữ đang run rẩy vì kinh hãi. Giọng la lối và hùng hổ, họ tố cáo người đàn bà này đã phạm điều răn thứ bảy. Với thái độ cung kính giả tạo, họ đẩy người đàn bà tới trước mặt Đức Chúa Giê-su, và nói rằng: “Trong luật pháp Môi-se có truyền cho chúng ta rằng nên ném đá những hạng người như vậy; còn Thầy thì nghĩ sao?”. CCC2 168.1

Thái độ cung kính bề ngoài của họ đang che giấu âm mưu hãm hại Ngài bên trong. Họ nắm cơ hội này để có thể bảo đảm việc lên án Ngài, họ nghĩ rằng, dù Ngài quyết định như thế nào đi chăng nữa, họ vẫn có cớ để tố cáo Ngài. Nếu Ngài tha cho người đàn bà, Ngài có thể bị tố cáo là đã coi khinh luật pháp Môi-se. Nếu Ngài tuyên bố bà phải chết, Ngài có thể bị tố cáo với người La-mã như một kẻ tranh giành quyền lực chỉ thuộc về người La-mã mà thôi. CCC2 168.2

Đức Chúa Giê-su nhìn cảnh tượng trong chốc lát, thấy nạn nhân đang run rẩy vì nhục nhã, những gương mặt đanh lại của các kẻ cầm quyền, một chút lòng thương xót của con người cũng không có. Lòng trong sạch không tì vít của Ngài chùn lại trước cảnh tượng đó. Ngài biết rõ vì mục đích gì mà người ta đặt Ngài vào tình huống như vầy. Ngài đọc thấu lòng họ, biết rõ tâm tánh cũng như tiểu sử từng người đứng trước mặt Ngài. Những kẻ lẽ ra là người bảo vệ sự công bình đã đích thân dẫn nạn nhân vào trong tội lỗi, để họ có thể giăng bẫy bắt Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Giê-su tỏ vẻ như không nghe câu hỏi của họ, Ngài cúi xuống, nhìn chăm xuống đất và Ngài bắt đầu viết trên mặt đất. CCC2 168.3

Không kiên nhẫn nổi trước sự chậm trễ và thái độ xem ra thờ ơ của Đức Chúa Giê-su, những kẻ kiện cáo kéo lại gần hơn, thúc Ngài chú ý đến vấn đề. Nhưng khi mắt họ dõi theo mắt Đức Chúa Giê-su, tình cờ ngó trên nền đất nơi chân Ngài, thì nét mặt họ đột ngột thay đổi. Ở đó, ngay trước mắt họ, những tội lỗi thầm kín trong đời họ được vạch ra. Dân chúng cũng nhận thấy sự thay đổi đột ngột trên nét mặt bọn họ nên xúm lại để xem họ đã nhìn thấy gì mà lại kinh ngạc và xấu hổ đến vậy. CCC2 169.1

Các thầy thông giáo là những người từng tuyên bố mình tôn trọng luật pháp, nhưng trong việc buộc tội người đàn bà này, thì chính họ lại đang coi thường những gì luật pháp dạy. Chỉ người chồng mới có bổn phận tố cáo bà và hai bên phạm tội đều bị phạt như nhau. Hành động tố cáo của bọn họ hoàn toàn không hợp pháp. Tuy nhiên, Đức Chúa Giê-su đã đương đầu với họ trong chính lãnh vực của họ. Luật pháp chỉ ra cụ thể rằng trong hình phạt ném đá, các nhân chứng phải là những kẻ ném đá đầu tiên. Lúc này, Đức Chúa Giê-su đứng dậy, nhìn chừng chừng vào các trưởng lão chủ mưu, Ngài phán: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người”. Ngài lại ngồi xuống và tiếp tục viết trên đất. Ngài không bỏ qua luật pháp được ban cho qua Môi-se, cũng không xâm phạm thẩm quyền của người La-mã. Những kẻ tố cáo Ngài đã bị đánh bại. Giờ đây, chiếc áo của sự thánh thiện giả tạo đã tuột khỏi họ, họ đứng đó, đầy tội lỗi và đáng bị lên án, trong sự hiện diện của Đấng Thánh Khiết Vô Đối. Họ run rẩy vì sợ rằng sự gian ác bấy lâu nay được che giấu trong cuộc đời họ sẽ bị phơi bày trước dân chúng; và thế là từng người một, cúi đầu không dám nhìn lên, và bỏ đi, để lại nạn nhân với Chúa Cứu Thế đầy lòng thương xót. CCC2 169.2

Đức Chúa Giê-su đứng dậy, nhìn người đàn bà và phán: “Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao? Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Giê-su phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa”. Người đàn bà đứng trước mặt Đức Chúa Giê-su, bà co rúm lại vì sợ hãi. Các lời Đức Chúa Giê-su phán “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người” đã tới với bà như một bản án tử hình. Bà không dám ngước mắt lên nhìn mặt Chúa Cứu Thế, nhưng bà im lặng chờ đợi giờ phút cuối của cuộc đời mình. Nhưng bà ngạc nhiên vô cùng khi thấy các kẻ tố cáo bà xấu hổ rút lui mà không nói được một lời nào. Lúc ấy, những lời hi vọng vang lên bên tai bà. “Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa”. Lòng bà hoàn toàn bị tan chảy, và bà sấp mình xuống nơi chân Đức Chúa Giê-su, bà bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, và nức nở xưng nhận tội lỗi mình. CCC2 169.3

Đối với bà, đây là khởi điểm của một cuộc sống mới, một cuộc sống trong sạch, bình an, và hiến dâng cho sự hầu việc Đức Chúa Trời. Qua việc Đức Chúa Giê-su vực dậy linh hồn sa ngã này, Ngài đã làm một phép lạ còn lớn hơn cả việc chữa lành những bệnh tật nghiêm trọng nhất nơi thể xác; Ngài đã chữa lành căn bệnh trong tâm hồn, và nó là căn nguyên sẽ dẫn đến cái chết đời đời của bà. Người đàn bà ăn năn này đã trở thành một trong những người bước đi theo Ngài cách kiên định nhất. Với tình yêu hi sinh chính bản thân mình và tấm lòng tận hiến, bà đã đáp lại lòng nhân từ thứ tha của Ngài. Qua sự tha thứ cho người đàn bà này và qua việc khuyến khích bà sống cuộc đời tốt đẹp hơn, tánh hạnh của Đức Chúa Giê-su đã chiếu sáng trong vẻ đẹp của sự công bình trọn vẹn. Trong khi Ngài không bào chữa tội lỗi, cũng không giảm nhẹ ý thức về tội lỗi, mà Ngài tìm cách cứu vớt chứ không kết tội. Thế gian chỉ biết coi khinh người đàn bà lầm lỗi này; nhưng Đức Chúa Giê-su đã phán những lời an ủi và hi vọng. Đấng Vô Tội đã thương xót sự yếu đuối của tội nhân, và Ngài đưa tay ra nâng đỡ bà. Trong khi người Pha-ri-si giả hình đã tố cáo bà, thì Đức Chúa Giê-su lại bảo bà: “Hãy đi, đừng phạm tội nữa”. CCC2 169.4

Kẻ quay mặt khỏi người lầm lạc, để mặc họ lao xuống dốc mà không cản trở, không phải là môn đồ của Đấng Cứu Thế. Những kẻ đi đầu trong việc 170 tố cáo kẻ khác, và hăng hái đem người ta ra tòa, thường là những kẻ mà trong chính cuộc sống của họ phạm tội lỗi còn hơn cả những kẻ họ đã tố cáo. Người ta ghét tội nhân, nhưng lại yêu thích tội lỗi. Đấng Cứu Thế thì ngược lại, Ngài ghét tội lỗi, nhưng yêu thương tội nhân. Đó phải là tinh thần của tất cả những ai theo Ngài. Tình yêu của Đấng Cứu Thế là tình yêu chậm phê phán, mau nhận ra sự ăn năn, sẵn sàng tha thứ, khuyên nhủ, đưa kẻ lang thang về đường thánh thiện và luôn luôn tấn tới trên con đường đó. CCC2 170.1