CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 2
Chương 32—THẦY ĐỘI
Dựa theo Ma-thi-ơ 8:5-13; Lu-ca 7:1-17
Dấng Cứu Thế đã phán với quan thị vệ có đứa con được chữa lành bệnh rằng: “Nếu các ngươi không thấy phép lạ và điềm lạ thì các ngươi chẳng tin.” (Giăng 4:48). Ngài đau lòng vì dân sự Ngài cứ đòi hỏi những dấu lạ bên ngoài để xác nhận Ngài là Đấng Mê-si. Ngài không thôi ngạc nhiên về sự vô tín của họ. Nhưng Ngài ngạc nhiên hơn về đức tin của thầy đội, người này đã tìm đến với Ngài. Thầy đội không thắc mắc về quyền phép của Chúa Cứu Thế. Thậm chí ông cũng không đòi Ngài phải đích thân đến để làm phép lạ. Ông nói: “Xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành.” CCC2 25.1
Đầy tớ của thầy đội mắc bệnh bại và đang nằm chờ chết. Đối với người La-mã, đầy tớ là nô lệ, được mua hoặc bán ở chợ, bị đối xử độc ác và tàn bạo. Nhưng thầy đội lại gắn bó với đầy tớ của mình và mong muốn nó được chữa lành. Ông tin rằng Đức Chúa Giê-su có quyền năng để chữa lành nó. Ông chưa từng gặp Chúa Cứu Thế, những gì ông nghe về Ngài gợi lên niềm tin trong ông. Mặc dù người Giu-đa theo chủ nghĩa hình thức, người La-mã này vẫn tin rằng so với đạo của chính ông thì Đạo Giu-đa vượt xa hơn tất cả những gì mà ông có thể hiểu biết được. Ông đã phá đổ hàng rào thành kiến dân tộc và sự hận thù ngăn cách kẻ thống trị với kẻ bị trị. Ông tỏ ra tôn trọng sự hầu việc Đức Chúa Trời và đối xử ân cần với những người Giu-đa là các tín đồ của Đạo ấy. Trong những lời dạy dỗ của Đấng Cứu Thế, theo như người ta thuật lại, ông tìm được sự thỏa đáp cho mọi thiếu sót trong linh hồn. Tất cả những gì là thiêng liêng nơi ông đều hưởng ứng Lời của Chúa Cứu Thế. Nhưng ông lại cảm thấy không xứng đáng tới trước Đức Chúa Giê-su, và ông nhờ vả các trưởng lão trong dân Giu-đa xin cho đầy tớ mình được lành bệnh. Họ là những người đã quen với vị Giáo-sư vĩ đại; và theo ông nghĩ, họ biết phải làm gì để tiếp cận Ngài và xin Ngài ban ơn. CCC2 25.2
Khi Đức Chúa Giê-su vào thành Ca-bê-na-um, một nhóm trưởng lão tới gặp Ngài. Họ kể với Ngài về mong ước của thầy đội. Họ nài xin: “Thầy đội thật đáng cho thầy nhậm điều này; vì người yêu dân ta, và đã cất nhà hội cho chúng tôi”. CCC2 26.1
Đức Chúa Giê-su tức khắc lên đường tới nhà thầy đội, nhưng vì dân chúng chen lấn xung quanh, Ngài không đi nhanh được. Tin tức Đức Chúa Giê-su đang đến nhà thầy đội được bay tới đó trước, và thầy đội cảm thấy không được tự tin lắm, nên nhờ người khác thưa với Ngài rằng: “ Lạy Chúa, xin đừng tự phiền đến thế, vì tôi không đáng rước Chúa vào nhà tôi”. Nhưng Chúa Cứu Thế vẫn tiếp tục đi và cuối cùng thì người thầy đội đã phải đánh liều tới với Ngài, ông thưa tiếp rằng: “ Tôi cũng nghĩ mình không đáng đến cùng Chúa”; “song xin phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành. Vì chính mình tôi là người thuộc dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi, tôi biểu tên này rằng: Hãy đi! thì nó đi; biểu tên khác rằng: Hãy đến! Thì nó đến, và biểu đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc này! Thì nó làm”. Như tôi là người đại diện cho quyền lực người La-mã, và quân lính của tôi nhìn nhận tôi có quyền tối cao, cũng vậy Ngài đại diện cho quyền phép của Đức Chúa Trời toàn năng và mọi tạo vật đều phải vâng lời Ngài. Ngài có thể ra lệnh cho căn bệnh lui đi, thì nó sẽ vâng lời Ngài. Ngài có thể triệu tập các sứ giả trên trời và các vị ấy sẽ ra sức chữa lành bệnh. Ngài chỉ phán thì đầy tớ tôi sẽ được chữa khỏi. CCC2 26.2
“Đức Chúa Giê-su nghe những lời ấy, lấy làm lạ cho thầy đội, bèn xây lại cùng đoàn dân theo mình, mà phán rằng: Ta nói cùng các ngươi, dầu trong dân Y-sơ-ra-ên, Ta cũng chưa thấy một đức tin lớn dường ấy.” Và Đức Chúa Giê-su phán cùng thầy đội: “Hãy về, theo như đều ngươi tin thì sẽ được thành vậy. Và chính trong giờ ấy, đứa đầy tớ được lành” . CCC2 26.3
Các trưởng lão Giu-đa, những người đã giới thiệu thầy đội với Đấng Cứu Thế, tỏ cho thấy họ còn xa lắm mới tới gần được tinh thần của Phúc Âm Đời Đời. Họ không nhìn nhận rằng nhu cầu bức bách của chúng ta là khẩn xin lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Họ cho mình là công bình, và họ đã giới thiệu thầy đội bởi vì thầy đội đã gia ơn cho “dân ta”. Nhưng thầy đội lại nói về mình: “Tôi chẳng đáng”. Lòng ông bị xao động bởi ân điển Đấng Cứu Thế. Ông thấy rõ sự bất xứng của mình, nhưng lại e ngại không dám cầu xin sự giúp đỡ. Ông không tin vào lòng tốt của chính mình. Ông đặt nền tảng niềm tin trên Đấng Cứu Thế trong tánh hạnh chân thật của Ngài. Ông không tin ở Ngài chỉ với tư cách một kẻ làm phép lạ, nhưng với tư cách một người bạn và Cứu Chúa của nhân loại. CCC2 26.4
Như vậy, mọi kẻ tội lỗi đều có thể đến với Đấng Cứu Thế. “Không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài.” (Tít 3:5). Khi Sa-tan nói với bạn rằng bạn là một tội nhân, và không thể hy vọng đón nhận ơn phước từ Đức Chúa Trời, hãy nói với hắn rằng Đấng Cứu Thế đã đến thế gian để cứu những kẻ có tội. Chúng ta chẳng có gì để khoe khoang với Đức Chúa Trời, nhưng dù ở bất cứ thời điểm nào, lời van nài chân thành dâng lên Chúa về tình trạng bất lực của chúng ta luôn khiến quyền năng cứu rỗi của Ngài bày tỏ tức thì. Chúng ta hoàn toàn không dựa vào sức mình, mà chỉ nhìn lên thập tự giá tại Ca-va-ri và thưa rằng: “Trong tay con chẳng có gì quý giá; con chỉ bám vào thập tự giá của Ngài mà thôi”. CCC2 26.5
Từ thưở ấu thơ, người Giu-đa đã nghe dạy về chức vụ của Đấng Mê-si. Người Giu-đa có được lời soi dẫn của các tổ phụ và các đấng tiên tri, cùng những bài học ẩn chứa đằng sau việc dâng con chiên làm của tế lễ. Nhưng họ đã khước từ ánh sáng của Lẽ Thật; Đó là lý do tại sao lúc này họ thấy trong Đức Chúa Giê-su không có gì để thỏa đáp đòi hỏi của họ. CCC2 27.1
Thầy đội vốn xuất thân là người ngoại đạo, ông được dạy dỗ để thờ lạy thần tượng của đế quốc La-mã, đồng thời ông được huấn luyện để trở thành một vị tướng chỉ huy trong quân đội La-mã. Có vẻ như chính nền giáo dục và môi trường sống chung quanh muốn dứt ông ra khỏi một đời sống hướng thượng, hơn nữa, ông còn bị niềm tin mù quáng của người Giu-đa cũng như sự khinh khi của những người đang cùng chung sống trên một xứ sở thuộc quốc tịch Y-sơ-ra-ên ngăn cản, nhưng ông đã nhìn thấy Lẽ Thật mà con cháu của Áp-ra-ham chẳng thấy vì bị mù lòa. Ông chẳng đợi xem người Giu-đa có nhận Đấng từng tuyên bố mình là Đấng Mê-si của họ hay không. “Sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người” (Giăng 1:9) đã chiếu trên ông, và mặc dù ở xa, ông cũng nhận ra sự vinh hiển của Con Đức Chúa Trời. CCC2 27.2
Đối với Đức Chúa Giê-su, đây là dấu hiệu tiên báo sứ mạng tin lành sẽ được rao giảng ra cho dân ngoại. Trong niềm hân hoan vui sướng, Ngài mong chờ bao linh hồn từ khắp các dân tộc trên thế giới quy tụ về trong nước Ngài. Nhưng cỏi lòng Đức Chúa Giê-su lại tê tái khi Ngài vạch ra cho người Giu-đa thấy hậu quả của việc họ từ chối ân điển Ngài: “Ta cũng nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông phương, tây phương sẽ đến, ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng. Nhưng các con bổn quốc sẽ bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng”. Chao ôi! Biết bao người vẫn đang tự dấn đời mình vào sự thất vọng tiền định nêu trên. Trong khi nhiều linh hồn trong bóng tối ngoại đạo tiếp nhận ân điển Ngài, thì có biết bao người trong môi trường Cơ-đốc lại chối từ ánh sáng của Lẽ Thật. CCC2 27.3
Na-in, một thành nằm trên vùng đồi núi nhìn xuống cánh đồng Esdraelon mênh mông xinh đẹp, cách thành Ca-bê-na-um hơn hai mươi dặm. Đức Chúa Giê-su cất bước đi về hướng làng Na-in này. Nhiều môn đồ và đông đảo dân chúng cũng đi với Ngài. Suốt dọc đường đều có người đến với Ngài, mong được nghe Ngài nói về tình yêu thương và lòng nhân từ. Họ đem những người bệnh đến cho Ngài chữa lành, cùng với hy vọng rằng: Ngài, Đấng đã sử dụng quyền năng lạ thường như vậy, sẽ tự chứng tỏ Ngài là Vua của Y-sơ-ra-ên. Đám đông vây chung quanh Ngài thành một đoàn người vui vẻ, chờ đợi đi theo Ngài trên con đường lát đá tới cổng làng. CCC2 27.4
Khi đến gần, họ thấy một đám tang từ cổng làng đi ra. Đám tang buồn rầu cất bước tới nơi an táng. Thi thể đặt trong một chiếc quan tài mở nắp được khiêng đi đằng trước, và xung quanh thì mọi người cất tiếng khóc than. Tiếng khóc vang cả một góc trời. Dân trong thành đều quy tụ lại để bày tỏ lòng tôn trọng đối với người đã khuất và biểu lộ niềm cảm thông với tang gia. CCC2 28.1
Đó là một cảnh tượng thương tâm. Người chết là con trai độc nhất của một đàn bà góa. Người mẹ đơn độc vừa than khóc vừa đi theo quan tài tới nơi mộ địa để chôn xác đứa con trai, anh chính là sự nâng đỡ và nguồn an ủi duy nhất của đời bà. “Chúa thấy, động lòng thương xót người”. Bà mò mẫm, vừa đi vừa khóc, không để ý tới sự hiện diện của Đức Chúa Giê-su, Ngài đã tới sát bên bà, dịu dàng bảo: “Đừng khóc”. Đức Chúa Giê-su có ý định biến nỗi buồn thành niềm vui, tuy thế, Ngài không thể không bày tỏ lòng cảm thông trìu mến dành cho người đàn bà góa tội nghiệp. CCC2 28.2
“Ngài lại gần, rờ quan tài”. Cả việc tiếp xúc với thi thể cũng không làm cho Ngài bị vây bẩn. Những người khiêng quan tài dừng lại. Tiếng than khóc im bặt. Hai đoàn người xúm quanh quan tài lòng tràn đầy hy vọng dù chẳng có cơ sở. Đấng đã đẩy lui bệnh tật, đã thắng được ma quỷ đang hiện diện tại đây; liệu cái chết có chịu khuất phục trước quyền phép của Ngài hay không? Đức Chúa Giê-su phán với giọng rõ ràng, dõng dạc: “Hỡi người trẻ kia, Ta biểu ngươi chờ dậy”. Tiếng nói ấy như xuyên qua lỗ tai người chết. Người trẻ tuổi mở mắt. Đức Chúa Giê-su nắm tay anh ta đỡ ngồi dậy. Anh ta nhìn chăm chăm vào người đang than khóc bên cạnh mình, và rồi mẹ con vui mừng ôm chầm lấy nhau khóc một lúc lâu. Đoàn dân đông đứng nhìn, không thốt nên lời, như thể họ đang trong cơn mê. “Ai nấy đều sợ hãi”. Họ đứng im lặng, kính cẩn, như thể đang ở trước mặt Đức Chúa Trời. Đoạn, họ “ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Có đấng tiên tri lớn đã dấy lên giữa chúng tôi, và Đức Chúa Trời đã thăm viếng dân Ngài”. Đoàn người đưa tang quay trở lại thành Na-in như một đám rước khải hoàn. ” tin này đồn ra khắp xứ Giu-đê và khắp xứ xung quanh nơi đó nữa”. CCC2 28.3
Khi đứng cạnh người mẹ đau khổ tại cổng thành Na-in, Ngài quan sát từng người đang than khóc bên quan tài. Ngài động lòng thương xót những nỗi đau khổ của chúng ta. Tình yêu thương và nhân từ, trái tim đầy bác ái của Ngài không gì có thể lay chuyển được. Uy quyền của Lời Ngài, là Lời đã từng gọi kẻ chết sống lại, ngày nay không hề kém hiệu lực hơn lúc được thốt ra với người trai trẻ thành Na-in. Ngài phán: “ Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta.” (Ma-thi-ơ 28:18) . Quyền phép ấy không bị suy giảm theo thời gian, cũng chẳng bị mòn mỏi bởi hoạt động không ngừng của nguồn ân điển dư dật. Đối với những người có đức tin trong Đức Chúa Giê-su thì Ngài vẫn là Chúa Cứu Thế hằng sống. CCC2 28.4
Đức Chúa Giê-su biến nỗi buồn của người mẹ thành niềm vui khi giao lại con trai cho bà. Tuy nhiên, người trẻ tuổi được gọi trở lại sống cuộc sống đời này, vẫn phải tiếp tục chịu những đau buồn, lao khổ và hiểm nguy của cuộc đời và rồi lại phải khuất phục trước quyền lực của sự chết một lần nữa. Nhưng Đức Chúa Giê-su xoa dịu nỗi đau của chúng ta vì mất người thân yêu bằng sứ điệp về niềm hy vọng bất tận: “ Ta là Đấng sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ.” “Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Giê-su cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỷ, lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.” (Khải-huyền 1:18; Hê-bơ-rơ 2:14,15) . CCC2 29.1
Sa-tan không thể cầm giữ kẻ chết trong khi Con Đức Chúa Trời truyền cho họ sự sống. Nó không thể khiến một linh hồn phải đón nhận cái chết tâm linh khi linh hồn ầy với đức tin mà tiếp nhận Lời quyền năng của Đấng Cứu Thế. Đức Chúa Trời đang phán với tất cả những ai đã chết mất trong tội lỗi rằng: “Ngươi đương ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết.” (Ê-phê-sô 5:14). Đó là Lời sự sống đời đời. Những Lời Đức Chúa Trời đã từng truyền cho người đầu tiên sống lại, vẫn còn ban cho chúng ta sự sống; cũng như Lời sau đây của Đấng Cứu Thế, “Hỡi người trẻ kia, Ta biểu ngươi chờ dậy”, đã ban sự sống cho người trai trẻ thành Na-in, chính Lời phán rằng: “ Hãy vùng dậy từ trong đám người chết,” là sự sống cho linh hồn nào tiếp nhận lời phán đó. Đức Chúa Trời đã “giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài.” (Cô-lô-se 1:13) . Đó là tất cả những gì ban cho chúng ta qua Lời của Ngài. Nếu chúng ta tiếp nhận Lời ấy, chúng ta sẽ được giải thoát. CCC2 29.2
Và nếu, “Thánh Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Giê-su sống lại từ trong kẻ chết ở trong anh em, thì Đấng làm cho Đức Chúa Giê-su-Christ sống lại từ trong kẻ chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài ở trong anh em mà khiến thân thể hay chết của anh em lại sống.” “Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bây giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (Rô-ma 8:11; I Têsa-lô-ni-ca 4:16,17). Đó là Lời yên ủi và Ngài truyền cho chúng ta dùng Lời ấy để yên ủi nhau. CCC2 29.3