CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 1

26/61

Chương 13—Sự Toàn Thắng

Dựa theo Ma-thi-ơ 4:5-11; Mác 1:12,13; Lu-ca 4:5-13

“Ma quỷ bèn đem Ngài vào nơi thành thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ, và nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi, thì các Đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay, kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng.” Trong lúc này Sa-tan nghĩ là nó phải tranh chiến cùng Đức Chúa Giê-su bằng chính khí giới của Ngài. Kẻ thù quỷ quyệt đã đưa ra những lời lẽ phát xuất từ chính miệng Đức Chúa Trời. Nó vẫn còn xuất hiện như một vị thiên sứ sáng láng và muốn chứng tỏ là nó không xa lạ gì với Kinh Thánh, cũng như hiểu được ý nghĩa của những điều được chép ra. Trước đây Đức Chúa Giê-su đã dùng Lời của Đức Chúa Trời để giữ vững lòng tin của Ngài, thì giờ đây kẻ cám dỗ cũng sử dụng những lời ấy để ngụy trang cho sự lừa bịp của nó. Nó cho rằng nó đã thử thách lòng trung thành của Đức Chúa Giê-su và bây giờ nó tấn công sự kiên định của Ngài. Trong khi Đấng Cứu Thế bày tỏ lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, thì Sa-tan thúc giục Ngài đưa ra một bằng cớ khác của về lòng tin này. CCC1 111.1

Nhưng sự cám dỗ lại được bắt đầu bằng một tư tưởng nghi ngờ, “Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời.” Đấng Cứu Thế bị cám dỗ phải trả lời cho chữ “nếu” nhưng Ngài không chấp nhận dù chỉ một chút nghi ngờ. Ngài không muốn liều sinh mạng mình để chứng minh cho Sa-tan. CCC1 111.2

Kẻ cám dỗ nghĩ là nó có thể lợi dụng được nhân tánh của Đấng Cứu Thế, và hối thúc Ngài sanh ra lòng tự phụ. Nhưng dù Sa-tan tìm cách lường gạt, nó vẫn không thể ép Ngài tới chỗ phạm tội. Nó nói với Chúa Giê-su rằng, “Hãy gieo mình xuống đi”, vì biết nó không thể xô Ngài xuống; và vì Đức Chúa Trời sẽ can thiệp để giải thoát Ngài. Sa-tan cũng không thể ép Chúa Giê-su gieo mình xuống được. Trừ phi Đức Chúa Giê-su đồng ý với sự cám dỗ, Ngài sẽ không thể bị đánh bại. Tất cả các quyền lực trên trần gian hay dưới âm phủ đều không thể ép buộc Ngài đi ra ngoài ý định của Cha Ngài, dù chỉ trong đường tơ kẽ tóc. CCC1 111.3

Kẻ cám dỗ không bao giờ có thể ép buộc chúng ta phạm điều ác. Nó không thể kiểm soát được đầu óc chúng ta trừ phi chúng ta chịu khuất phục để nó kiểm soát. Chỉ khi nào ý chí chúng ta đầu phục, và lòng tin không còn dựa trên Đấng Cứu Thế, thì Sa-tan mới có thể khuynh đảo chúng ta. Nhưng mỗi ham muốn tội lỗi mà chúng ta ôm ấp đều tạo cho Sa-tan một cơ hội để tấn công chúng ta. Mỗi điểm sơ hở không theo đường lối của Chúa, đều là một cánh cửa mở ra cho Sa-tan có thể lẻn vào hầu cám dỗ tiêu diệt chúng ta. Và mọi sa ngã hay thất bại từ phía chúng ta đều tạo cho nó cơ hội để gièm chê Đấng Cứu Thế. CCC1 112.1

Khi Sa-tan trích dẫn lời hứa: “Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi”, nó đã bỏ mây chữ “để gìn giữ ngươi trong tất cả các đường lối của ngươi”; nghĩa là trong tất cả các con đường mà Đức Chúa Trời đã chọn cho chúng ta. Đức Chúa Giê-su từ chối đi ra ngoài con đường của sự vâng phục. Trong khi bày tỏ lòng tin cậy hoàn toàn nơi Đức Chúa Cha, Ngài không muốn tự ý đặt mình vào một hoàn cảnh đòi hỏi Đức Chúa Cha phải can thiệp để cứu Ngài khỏi cái chết. Ngài không muốn ép buộc Đấng Cung Cấp phải tới cứu Ngài. Nếu làm như vậy, thì Ngài không còn làm gương về sự tin cậy và phục tùng. Đức Chúa Giê-su phán với Sa-tan: “Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.” Những lời này do Môi-se nói với con cái Y-sơ-ra-ên khi phải chịu khát trong sa mạc và đòi Môi-se phải cho họ nước uống. Họ đã la lên: “Có Đức Giê-hô-va ở giữa chúng ta hay không?” (Xuất Êdíptô Ký 17:7). Đức Chúa Trời đã làm những điều lạ lùng cho họ, nhưng trong khó khăn họ đã nghi ngờ Ngài và đòi một bằng chứng về việc Ngài có ở giữa họ hay không. Trong sự không tin, họ đã tìm cách để thử Ngài. Và Sa-tan cũng thúc giục Đấng Cứu Thế làm như vậy. Đức Chúa Trời đã xác nhận rằng Đức Chúa Giê-su là Con của Ngài; và giờ đây, đòi hỏi chứng cớ rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời, tức là thử Lời của Đức Chúa Trời có đúng hay không, có nghĩa là cám dỗ Ngài. Cũng như vậy, khi đòi Đức Chúa Trời điều Ngài không hứa, tức là rõ ràng nghi ngờ, là thật sự thử hay cám dỗ Ngài. Chúng ta không được cầu xin Đức Chúa Trời để thử xem Ngài có giữ lời hứa của Ngài hay không. Chúng ta cầu xin Ngài bởi vì Ngài sẽ thực hiện lời hứa của Ngài. Không phải để thử xem Ngài có yêu thương chúng ta hay không mà bởi vì Ngài yêu thương chúng ta, nên chúng ta cầu xin Ngài. “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thể nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). CCC1 112.2

Nhưng lòng tin không hề đi đôi với lòng tự phụ hay tánh ỷ lại. Chỉ người nào có lòng tin thật mới bảo đảm không có lòng tự phụ. Bởi lòng tự phụ là một sự giả tạo của Sa-tan để thay thế cho lòng tin. Lòng tin dựa trên những lời hứa của Đức Chúa Trời và sinh hoa trái trong sự vâng phục. Lòng tự phụ cũng tuyên bố dựa trên những lời hứa, nhưng sử dụng những lời hứa đó như cách Sa-tan đã làm, để bào chữa cho sự vi phạm luật pháp. Lòng tin đã dẫn tổ phụ loài người vào chỗ tin tưởng ở tình yêu thương của Đức Chúa Trời và vâng theo các điều răn của Ngài. Lòng tự phụ dẫn họ đến chỗ vi phạm luật pháp của Ngài, vì nghĩ rằng bởi tình yêu thương bao la của Ngài sẽ cứu họ khỏi các hậu quả của tội lỗi mà họ đã phạm. Khi chúng ta đòi hỏi ơn phước từ thiên đàng nhưng lại không làm theo những điều kiện nhờ đó mà lòng thương xót được ban cho thì đó không phải là lòng tin. Lòng tin thật sự lập nền tảng trên các lời hứa và sự dự phòng của Kinh Thánh. CCC1 112.3

Nhiều khi Sa-tan thất bại trong việc gây nên sự nghi ngờ, nhưng lại thành công trong việc dẫn chúng ta tới chỗ tự phụ và ỷ lại. Nếu nó có thể khiến chúng ta tự đặt mình một cách không cần thiết trong sự cám dỗ, nó biết rằng nó sẽ đắc thắng. Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ tất cả những ai bước đi trong con đường của sự vâng phục, nhưng lạc ra ngoài con đường ấy là phiêu lưu vào địa phận của Sa-tan. Tại nơi đó, chúng ta chắc chắn sẽ vấp ngã. Đấng Cứu Thế đã cảnh cáo chúng ta: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ” (Mác 14:38). Suy gẫm và cầu nguyện sẽ gìn giữ chúng ta khỏi tự đưa mình vào con đường hiểm nguy, và như thế chúng ta sẽ được cứu khỏi nhiều sự vấp ngã. CCC1 113.1

Nhưng chúng ta không được mất lòng can đảm khi bị cám dỗ tấn công. Nhiều khi bị đặt trong thử thách, chúng ta nghi ngờ không biết Chúa Thánh Linh có hướng dẫn chúng ta hay không. Nhưng chính Chúa Thánh Linh đã dẫn Chúa Giê-su vào đồng vắng để bị Sa-tan cám dỗ. Khi Đức Chúa Trời đưa chúng ta vào trong lò thử thách, Ngài có ý định thực hiện điều tốt lành cho chúng ta. Đức Chúa Giê-su cũng không lợi dụng những lời hứa của Đức Chúa Trời hầu tự ý đưa mình vào sự cám dỗ, Ngài cũng không nản lòng khi cám dỗ tới với Ngài. Chúng ta cũng vậy. “Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” Ngài nói: “Hãy dâng sự cảm tạ làm của lễ cho Đức Chúa Trời; Và trả sự hứa nguyện ngươi cho Đấng chí cao: Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng Ta, Ta sẽ giải cứu ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen Ta.’ (1 Cô-rinh-tô 10:13; Thi Thiên 50:14, 15). CCC1 113.2

Chúa Giê-su đã toàn thắng trong lần cám dỗ thứ hai và giờ thì Sa-tan để lộ bộ mặt thật của nó. Nhưng nó lại không xuất hiện như một con thú gớm ghiếc, với chân đầy móng vuốt và cánh của dơi. Mặc dầu đã sa ngã, nó vẫn là một thiên sứ mạnh mẽ. Nó tự nhận là lãnh tụ của cuộc nổi loạn và là thần của thế gian này. CCC1 113.3

Đặt Chúa Giê-su trên một ngọn núi cao, Sa-tan khiến các vương quốc trong thế gian, với tất cả vinh quang của chúng, lần lượt đi ngang qua trước mắt Ngài. Ánh sáng mặt trời chiếu trên các thành phố đầy những đền đài, những cung điện bằng cẩm thạch, những cánh đồng phì nhiêu, và những vườn nho trĩu nặng trái. Những vết tích của tội ác được che dấu. Đôi mắt của Chúa Giê-su đã trãi qua cảnh thê lương và điêu tàn của sa mạc, bây giờ lại được nhìn chăm chú vào những cảnh vật mỹ miều và sung túc không có gì sánh bằng. Rồi tiếng nói của tên cám dỗ lại vang lên: “Ta sẽ cho ngươi hết thảy quyền phép và sự vinh hiển của các nước đó; vì đã giao cho ta hết, ta muốn cho ai tùy ý ta. Vậy, nếu ngươi sấp mình xuống trước mặt ta, mọi sự đó sẽ thuộc về ngươi cả.” CCC1 113.4

Sứ mạng của Đấng Cứu Thế sẽ chỉ được hoàn tất qua con đường hoạn nạn. Trước mắt Ngài là một cuộc sống của đau khổ, vâ't vả, đầy tranh đấu và một cái chết nhục nhả. Ngài phải gánh tội lỗi của toàn thể thế gian. Ngài phải chịu đựng sự tách biệt khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Cha. Giờ đây, tên cám dỗ đề nghị trao cho Ngài uy quyền mà nó đã tước đoạt. Đấng Cứu Thế có thể giải thoát chính mình khỏi tương lai khủng khiếp bằng cách công nhận quyền tối thượng của Sa-tan. Nhưng làm như vậy là nhượng sự toàn thắng của cuộc tranh chiến cho Sa-tan. Vì muốn nâng địa vị của nó lên cao hơn Con của Đức Chúa Trời mà Sa-tan đã phạm tội trên thiên đàng. Nếu lúc này mà nó chiến thắng, thì phe phản loạn sẽ ca khúc khải hoàn. CCC1 114.1

Sa-tan chỉ nói lên một phần của sự thật khi Sa-tan tuyên bố với Đấng Cứu Thế rằng: Các nước và vinh quang của thế gian được ban cho ta và ta cho ai ta muốn ban cho, đồng thời nó nói như vậy chỉ với mục đích lừa dối mà thôi. Quyền thống trị của Sa-tan là quyền nó đã cướp được từ A-đam, nhưng A-đam chỉ là người đại diện cho Đấng Tạo Hóa mà thôi. A-đam không có quyền tự trị. Trái đất là của Đức Chúa Trời và Ngài đã trao tất cả mọi sự cho Con của Ngài. A-đam cai trị nhưng tùy thuộc vào Đấng Cứu Thế. Khi A-đam bội phản đem nộp quyền cai trị vào tay Sa-tan, Đấng Cứu Thế vẫn còn là vị Vua chính danh. Chúa đã phán với vua Nêt-bu-cát-nết-sa: “Đấng rất Cao cai trị trong nước của loài người; Ngài muốn ban cho ai tùy ý, và lập kẻ rất hèn hạ trong loài người lên đó.” (Đa-ni-ên 4:17). Sa-tan chỉ có thể thi hành quyền bính nó đã chiếm đoạt khi Đức Chúa Trời cho phép mà thôi. CCC1 114.2

Khi kẻ cám dỗ đề nghị trao cho Đấng Cứu Thế vương quốc và vinh hiển của thế gian, nó có dụng ý khuyên Đấng Cứu Thế hãy từ bỏ vương quyền thực sự trên thế gian và đầu phục Sa-tan. Đó cũng chính là quyền cai trị mà người Giu-đa hi vọng thiết lập. Họ mong ước lập một vương quốc trên thế gian này. Nếu Đấng Cứu Thế chấp nhận ban cho họ một vương quốc như thế, họ đã hoan hỉ tiếp nhận Ngài. Nhưng sự rủa sả của tội lỗi cùng với tất cả các tai họa của nó, chất trên đó. Đấng Cứu Thế tuyên bố với Sa-tan: “Hỡi quỷ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” CCC1 114.3

Kẻ phản loạn trên thiên đàng muốn trao các vương quốc của thế giới này cho Đấng Cứu Thế, để mua sự tôn kính của Ngài với các nguyên tắc của tội ác. Nhưng Đấng Cứu Thế không thể bị mua chuộc. Ngài đến để thiết lập một vương quốc của sự công nghĩa, và Ngài không thể bỏ rơi mục tiêu này. Sa-tan cũng dùng sự cám dỗ đó với loài người, và nó đạt được nhiều kết quả hơn là đối với Đấng Cứu Thế. Nó ban cho con người vương quốc của thế gian này với điều kiện là loài người phải nhìn nhận quyền tối cao của nó. Nó đòi hỏi loài người phải hy sinh sự chính trực, coi nhẹ lương tâm, và buông lung lòng ích kỷ. Đấng Cứu Thế khuyên con người trước hết hãy tìm kiếm nước của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Nhưng Sa-tan đi bên cạnh con người và nói: Điều ấy có thể là đúng đối với sự sống đời đời, nhưng để có được một thành công trong đời này, ngươi phải phụng sự ta. Ta nắm sự sanh tồn của ngươi trong tay ta. Ta có thể ban cho ngươi sự giàu có, vui thú, danh vọng, và hạnh phúc. Hãy lắng nghe lời khuyên của ta. Đừng để mình bị lôi cuốn bởi những tư tưởng viễn vông về lòng chân thật và hy sinh bản thân. Ta sẽ dọn đường trước mặt ngươi. Vì thế mà biết bao nhiêu người bị lừa dối. Họ chấp nhận sống một đời ích kỷ phục vụ cá nhân, và Sa-tan mãn nguyện. Trong khi nó quyến rũ họ với hi vọng bá chủ thế gian thì nó đã làm chủ linh 115 hồn của họ. Nhưng nó hứa ban cho con người điều không thuộc về nó và sớm muộn gì rồi cũng sẽ bị lấy lại khỏi tay nó. Để đổi lại, nó lừa dối con người về quyền thừa hưởng một gia sản thật ra thuộc về con cái của Đức Chúa Trời. CCC1 115.1

Sa-tan đã hỏi Đức Chúa Giê-su có phải Ngài là Con Đức Chúa Trời hay không. Sự rút lui của nó chứng minh rằng Sa-tan không được một chút thắng lợi nào. Thần tánh lóe sáng xuyên qua nhân thể đang đau đớn. Sa-tan không có khả năng để chống lại mệnh lệnh. Giận dữ và đau đớn vì bị làm nhục, nó bắt buộc phải tháo lui trước sự hiện diện của Đấng Cứu Chuộc thế gian. Sự toàn thắng của Đấng Cứu Thế được hoàn tất cũng như chính sự vấp ngã của A-đam đã hoàn tất. Như vậy, chúng ta có thể chống trả lại cám dỗ và ép buộc Sa-tan phải rời khỏi chúng ta. Đức Chúa Giê-su đã toàn thắng nhờ sự đầu phục và lòng tin trong Đức Chúa Trời, và qua sứ đồ, Ngài phán với chúng ta: “Hãy phục tùng Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỷ, thì nó sẽ lánh xa anh em. Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia-cơ 4:7, 8). Chúng ta không thể tự cứu mình thoát khỏi quyền lực của kẻ cám dỗ. Nó đã chiến thắng nhân loại, và khi chúng ta cố gắng dùng sức mạnh của con người để chống trả, chúng ta sẽ trở thành con mồi trong cạm bẫy của nó. Nhưng “Danh Đức Giê-hô-va vốn là một ngọn tháp kiên cố; kẻ công bình chạy đến đó, gặp được nơi ẩn trú cao” (Châm Ngôn 18:10). Sa-tan sẽ run sợ và phải chạy trốn trước kẻ yếu đuối nhất nhưng lại biết tìm nơi ẩn trú trong Danh quyền năng. CCC1 115.2

Sau khi ma quỷ đi rồi, Chúa Giê-su cảm thây mệt lả người đi, mặt Ngài nhợt nhạt như một xác chết. Các thiên sứ trên thiên đàng đã theo dõi cuộc xung đột, đã được chứng kiến cảnh Vị Thống Lãnh yêu quý của họ phải trải qua những đau khổ không thể diễn tả nổi để mở một lối thoát cho chúng ta. Ngài đã chịu đựng một sự thử thách, lớn hơn bất cứ sự thử thách nào mà chúng ta được kêu gọi để trải qua. Các thiên sứ giờ đây phục vụ Con Đức Chúa Trời trong khi Ngài nằm lăn ra như một xác chết. Ngài được thêm sức bởi thức ăn và được yên ủi với thông điệp về tình yêu của Cha Ngài và bảo đảm rằng tất cả thiên đàng đã toàn thắng trong sự toàn thắng của Ngài. Sức sống dần dần được phục hồi, tấm lòng bao la của Ngài cảm thông cho nhân loại, và Ngài đi tới để hoàn tất công việc mà Ngài đã bắt đầu, không hề ngơi nghỉ cho đến khi kẻ thù bị đánh bại và dòng dõi loài người sa ngã chúng ta được cứu chuộc. CCC1 115.3

Cái giá của sự cứu chuộc sẽ không bao giờ được nhận thức ra cho đến khi những người được cứu sẽ cùng với Đấng Cứu Thế đứng trước Ngôi của Đức Chúa Trời. Khi vinh quang của quê hương đời đời bùng lên qua những giác quan thích thú, chúng ta sẽ nhớ lại rằng Đức Chúa Giê-su đã từ bỏ tất cả những thứ đó vì chúng ta, rằng không phải Ngài đã bị đày khỏi thiên cung mà thôi, mà còn có nguy cơ bị thất bại và bị lạc mất đời đời. Rồi chúng ta sẽ đặt các mão triều thiên của chúng ta dưới chân của Ngài và cất tiếng ca vang, “Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quý, vinh hiển và ngợi khen” (Khải Huyền 5:12). CCC1 116.1