CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 1

22/61

Chương 11—Nhận Lễ Báp-Têm

Dựa theo Ma-th-iơ 3:13-17; Mác 1:911; Lu-ca 3:21,22

Tin tức về một đấng tiên tri ở nơi đồng vắng và sứ điệp lạ lùng của người tràn ra khắp xứ Ga-li lê. Thông điệp của Giăng vang tới những nông dân ở những miền núi xa xôi nhất, hay đến tận những ngư phủ chất phác trên mặt biển cả. Thông điệp đã nhận được một sự đáp ứng chân thành từ những tâm hồn giản dị và cần mẫn này. Tin này cũng lan tới tận xưởng mộc đã từng thuộc về Giô-sép tại Na-xa-rét, và một Đấng đã nhận ra lời mời gọi. Giờ phút của Ngài đã đến. Rời bỏ công việc thường ngày của Ngài, Chúa Giê-su từ biệt mẹ Ngài và theo vết chân của những người đồng hương kéo về sông Giô-đanh. CCC1 93.1

Đức Chúa Giê-su và Giăng Báp-tít là hai anh em họ, và đã được liên kết chặt chẽ với nhau do hoàn cảnh ra đời của hai người. Nhưng hai người chưa trực tiếp gặp gỡ nhau. Chúa Giê-su sống tại Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, trong khi Giăng sống tại đồng vắng, xứ Giu-đê. Hai người đã sống trong cảnh ẩn dật, trong những môi trường khác biệt và không có sự liên lạc với nhau. Đấng An Bài đã sắp xếp như vậy. Không có cơ hội nào để làm bằng cớ cho những lời tố cáo rằng hai người âm mưu để hỗ trợ lẫn nhau. CCC1 93.2

Giăng đã biết đến những biến cố đánh dấu sự chào đời của Đức Chúa Giê-su. Người đã được nghe nói về việc viếng thăm Giê-ru-sa-lem hồi Ngài còn nhỏ và về những gì đã xảy ra tại trường học của các thầy ra-bi. Giăng biết rằng Ngài sống một đời sống không tội lỗi và tin rằng Ngài là Đấng Mê-si. Nhưng về điều này, người không có sự bảo đảm rõ ràng. Sự kiện Chúa Giê-su đã sống nhiều năm trong ẩn dật, không đem lại một bằng cớ đặc biệt nào về sứ mạng của Ngài, tạo lý do để người nghi ngờ không biết Ngài có phải là Đấng được hứa ban cho hay không. Tuy nhiên, Giăng Báptít chờ đợi trong niềm tin, tin tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ làm mọi sự sáng tỏ trong thời điểm của Ngài. Giăng đã được bày tỏ cho thây là Đấng Mê-si sẽ chịu phép Báp-têm bởi chính tay ông, và rằng một dấu hiệu để chứng minh thần tánh của Ngài sẽ được ban cho. Như thế, Giăng có thể giới thiệu Ngài với dân chúng. CCC1 93.3

Khi Đức Chúa Giê-su đến để chịu phép báp-têm, Giăng nhận ra nơi Ngài một phong cách tinh khiết mà ông chưa hề thây trước đây nơi bất cứ một người nào. Sự hiện diện của Ngài làm cho không khí trở nên thánh khiết và gợi lên niềm kính phục. Trong đám đông tập hợp xung quanh ông tại sông Giô-đanh, Giăng đã nghe những câu chuyện đen tối về tội ác và gặp những linh hồn khuất phục dưới vô vàn tội lỗi. Nhưng ông chưa hề được tiếp xúc với một người nào phát ra một ảnh hưởng quá thánh khiết như vậy. Tất cả điều này phù hợp với điều đã được bày tỏ cho Giăng về Đấng Mê-si. Nhưng người do dự trước yêu cầu của Đức Chúa Giê-su. Làm sao một kẻ tội lỗi như Giăng lại có thể làm phép Báp-têm cho Đấng vô tội? Và tại sao Ngài vốn là Đấng không cần phải sám hối lại tuân theo một nghi lễ vốn là một sự xưng tội để được tẩy sạch ? CCC1 94.1

Khi Đức Chúa Giê-su yêu cầu được chịu phép Báp-têm, Giăng đã lùi lại và thốt lên: “Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép Báp-têm, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao?” Chúa Giê-su trả lời, cương quyết nhưng hòa nhã: “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy.” Giăng nghe theo và đưa Chúa Giê-su xuống dòng sông Giô-đanh và dìm Ngài dưới nước. “Và Đức Chúa Giê-su ra khỏi nước,” Ngài thây “các từng trời mở ra và Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài.” Đức Chúa Giê-su không phải chịu phép Báp-têm để xưng ra tội lỗi mà Ngài đã phạm. Ngài nhận lễ để tự đồng hóa mình với tội nhân, đi theo các bước mà chúng ta phải đi và làm công việc chúng ta phải làm. Đời sống đau khổ và nhẫn nại chịu đựng của Ngài sau khi chịu lễ báp-têm cũng là một gương sáng cho chúng ta. CCC1 94.2

Vừa lên khỏi nước, Chúa Giê-su sấp mình cầu nguyện. Một giai đoạn mới và quan trọng đang mở ra trước mặt Ngài. Bây giờ Chúa đang bước vào một cuộc tranh chiến ở phạm vi rộng lớn hơn của đời Ngài. Ngài dù là Vua Hòa Bình, nhưng việc Ngài đến có thể được ví như việc rút gươm ra khỏi vỏ. Nước Ngài đến để thiết lập hoàn toàn trái nghịch với những gì mà người Giu-đa mong đợi. Ngài vốn là nền tảng của nghi lễ và tôn giáo của Y-sơ-ra-ên sẽ lại bị coi như là kẻ thù và là kẻ phá hoại của nghi lễ và tôn giáo đó. Ngài vốn là Đấng đã ban luật pháp trên núi Si-nai lại bị lên án như một kẻ vi phạm luật pháp đó. Đấng đến để bẻ gãy quyền lực của Sa-tan lại bị tố cáo là Bê-ên-xê-bun (chúa quỷ). Không một ai trên thế gian cảm thông được Ngài, và trong suốt thời gian thi hành chức vụ Ngài phải hành trình cô đơn. Trong suốt cuộc đời của Ngài, mẹ Ngài và các anh em của Ngài cũng không hiểu được chức vụ của Ngài. Ngay cả các môn đồ của Ngài cũng không hiểu Ngài. Ngài đã trong ánh sáng đời đời, làm một với Đức Chúa Trời, nhưng Ngài phải sống trong cảnh tĩnh mịch ở thế gian. CCC1 94.3

Làm một với chúng ta, Ngài phải mang gánh nặng tội lỗi và thống khổ của chúng ta. Đấng Vốn Không Tội Lỗi phải chịu sự sỉ nhục của tội lỗi. Đấng yêu mến hòa bình phải sống với cảnh xung đột. Lẽ thật phải đi liền với dối trá, sự tinh khiết bên cạnh bợn nhơ. Mọi tội lỗi, mọi bất hòa, mọi tham muốn hoen ố do tội lỗi đem đến, đều dằn vật tinh thần của Ngài. CCC1 95.1

Ngài cất những bước chân trên con đường cô đơn, gánh những trĩu nặng trong cô độc. sự cứu chuộc thế gian đè nặng trên Đấng đã cởi bỏ sự vinh quang để mang lấy sự yếu đuối của nhân loại. Ngài thây và cảm nhận được tất cả, nhưng Ngài vẫn kiên trì trong mục đích của mình. Sự cứu rỗi dòng giống sa ngã tùy thuộc vào cánh tay Ngài, và Ngài giơ tay lên để bám vào bàn tay của Đấng Tình Yêu Không Biên cương. CCC1 95.2

Đấng Cứu Thế dường như nhìn thấu đến thiên đàng khi Ngài trút hết nổi lòng của mình trong lời cầu nguyện. Ngài hiểu rõ tội lỗi đã làm cho lòng người cứng cỏi như thế nào rồi, và rất khó để cho họ nhận ra sứ mạng của Ngài, cũng như tiếp nhận món quà cứu rỗi. Ngài nài xin Đức Chúa Cha ban cho Ngài quyền năng để chiến thắng lòng không tin của họ, để bẻ gãy những gông cùm Sa-tan đã dùng để mê hoặc họ, và thay mặt họ để chiến thắng kẻ phá hoại. Ngài xin một dấu cho thây Đức Chúa Trời sẵn sàng chấp nhận nhân loại qua hình bóng của Con Ngài. CCC1 95.3

Các thiên sứ chưa hề được nghe một lời cầu nguyện nào như vậy trước đây. Các thiên binh nóng lòng được mang đến cho vị Thủ Lãnh yêu quý của họ một thông điệp về sự bảo đảm và yên ủi. Nhưng không, chính Đức Chúa Cha sẽ đích thân đáp lời yêu cầu của Con Ngài. Ngay từ ngôi của Ngài phát ra những tia hào quang. Các từng trời mở ra và một luồng ánh sáng tinh khiết nhất kết tụ lại thành hình chim bồ câu hạ xuống trên đầu Đấng Cứu Thế, biểu tượng thích hợp của Ngài, Đấng nhu mì và khiêm tốn. CCC1 95.4

Trong số người đông đảo tại sông Giô-đanh, rất ít người trừ Giăng thây được sự hiện ra từ trời nầy. Nhưng không khí trang nghiêm bởi sự hiện diện của Chúa bao phủ lấy đám đông. Dân chúng im lặng đứng nhìn chăm chăm vào Đấng Cứu Thế. Hình dáng của Ngài tắm trong vầng ánh sáng từng bao quanh ngôi của Đức Chúa Trời. Gương mặt Ngài hướng lên cao tỏa hào quang mà trước đây họ chưa từng thây gương mặt của một người nào như vậy. Từ các từng trời mở ra, một tiếng nói vang lên: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” CCC1 95.5

Những lời khẳng định này được thốt ra là để tạo nên niềm tin trong lòng những kẻ được chứng kiến cảnh tượng và để tăng thêm sức mạnh cho Đấng Cứu Thế trong chức vụ của Ngài. Mặc dù tội lỗi của thế gian đè nặng trên vai Đấng Cứu Thế, mặc dù sự thấp hèn của Ngài khi mang lấy bản thể tội lỗi của chúng ta, tiếng nói từ trời vẫn khẳng định rằng Ngài là Con của Đấng Đời Đời. Giăng đã rất xúc động khi thây Đức Chúa Giê-su cúi đầu cầu khẩn, van xin trong nước mắt để được Cha chấp nhận. Khi vinh hiển của Đức Chúa Trời bao quanh Ngài và có tiếng từ trời phán ra, Giăng nhận ra dấu mà Đức Chúa Trời đã hứa. Ông biết rằng mình vừa cử hành phép báp têm cho Đấng cứu thế gian. Đức Chúa Thánh Linh đã ngự trên Ngài và người dang tay ra chỉ về hướng Đức Chúa Giê-su và nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” CCC1 95.6

Không một ai trong số những người nghe và ngay cả người nói cũng không nhận ra tầm quan trọng của những lời này, “Chiên Con của Đức Chúa Trời.” Trên núi Mô-ri-a, Áp-ra-ham đã nghe con trai mình hỏi: “Hỡi cha,...chiên con đâu có đặng làm lễ thiêu? Áp-ra-ham rằng: Con ơi! Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu” (Sáng Thế Ký 22:7,8). Và nơi con chiên đực do Chúa ban để thế chỗ của Y-sác, Ápra-ham đã nhìn ra một biểu tượng về Đấng sẽ phải chết vì tội lỗi của loài người. Chúa Thánh Linh, qua tiên tri Ê-sai, đã nói tiên tri về Đấng Cứu Thế: “như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt,” Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người” (Ê-sai 53;7, 6). Nhưng dân Y-sơra-ên không hiểu rõ bài học nầy. Nhiều người đã nhìn lễ vật dâng hiến như người ngoại nhìn các lễ vật của họ, xem những lễ vật như là phương tiện để làm dịu cơn thịnh nộ của thần linh. Đức Chúa Trời muốn cho họ hiểu rằng bởi tình thương của Ngài, lễ vật sẽ làm cho con người hòa thuận lại với Ngài. CCC1 96.1

Và lời đã phán với Chúa Giê-su tại sông Giô-đanh, “Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng,” bao gồm cả nhân loại. Đức Chúa Trời phán với Chúa Giê-su với tính cách là Đấng đại diện cho hết thảy chúng ta. Chúng ta sẽ không bị bỏ ra ngoài như là những đồ vật vô giá trị dù với tất cả tội lỗi và sự yếu đuối của chúng ta. “Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài” (Ê-phê-sô 1:6). Sự vinh quang ngự trên Đấng Cứu Thế là một lời hứa về tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Nó cho chúng ta thây quyền năng của sự cầu nguyện, làm thế nào để tiếng nói con người có thể thâu đến tai của Đức Chúa Trời và những điều chúng ta xin được chấp thuận nơi thiên cung. Vì tội lỗi mà hạ giới đã bị ngăn cách khỏi thiên đàng, trở thành xa lạ trong sự liên lạc. Nhưng Chúa Giê-su đã nối liền sự liên hệ lại với bầu không khí vinh quang. Tình yêu của Ngài đã bao phủ con người và lên tới từng trời cao nhất. Ánh sáng tỏa ra từ cổng thiên đình, chiếu xuống trên đầu Đấng Cứu Thế, cũng sẽ chiếu xuống trên chúng ta khi chúng ta cầu nguyện để chống trả lại sự cám dỗ. Tiếng phán đã đến với Đức Chúa Giê-su cũng phán với mỗi linh hồn của người tin rằng, Ngươi là con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng. CCC1 96.2

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thế nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thây Ngài như vốn có thật vậy” (1 Giăng 3:2). Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã mở một con đường để kẻ tội lỗi nhất, kẻ thiếu thốn nhất, kẻ bị áp bức và khinh dể nhất, có thể đến với Cha. Tất cả đều có một chỗ ở trong lâu đài mà Đức Chúa Giê-su đã về để chuẩn bị. “Nầy là lời phán của Đấng thánh, chơn thật, là Đấng có chìa khóa của Đa-vít, mở thì không ai đóng được, đóng thì không ai mở được...Nầy, ta đã mở trước mặt ngươi một cái cửa không ai đóng được” (Khải Huyền 3:7, 8). CCC1 96.3