CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 1

18/61

Chương 9—NHỮNG NGÀY XUNG ĐỘT

Ngay từ những năm tháng đầu tiên, các cậu bé người Giu-đa đã bị vây quanh bởi những điều lệ do các thầy ra-bi đặt ra. Các điều lệ khắt khe được quy định cho từng hành động, cho đến những chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống. Các thầy giáo tại nhà hội giáo dục các thiếu niên vô số những quy định mà người ta đòi hỏi chúng phải tuân giữ để trở thành một người Giuđa chính thống. Nhưng Chúa Giê-su thì lại không để ý tới các vấn đề này. Từ hồi còn nhỏ, Ngài đã hành động một cách độc lập với các luật lệ của các thầy ra-bi. Ngài không ngừng học Kinh Thánh Cựu Ước, và những lời “Đức Giê-hô-va phán vậy” luôn ở trên môi miệng Ngài. CCC1 73.1

Từ khi tình trạng của dân chúng được bày ra trong tâm hồn Ngài, Đức Chúa Giê-su nhận thây rằng các đòi hỏi của xã hội và những đòi hỏi của Đức Chúa Trời luôn mâu thuẫn với nhau. Loài người đang xa dần Lời của Đức Chúa Trời và đề cao những học thuyết do chính mình tạo ra. Họ tuân giữ các nghi thức cổ truyền vốn chẳng có giá trị gì. Sự thờ phượng của họ chỉ là một chuỗi hình thức nghi lễ. Những Lẽ Thật thánh khiết cần phải được dạy dỗ thì lại bị che giấu với các tín đồ. Ngài thây rằng những sự thờ phượng không có đức tin chẳng đem một chút bình an nào lại cho tâm hồn. Họ không biết được rằng tinh thần được giải thoát khi con người phục vụ Đức Chúa Trời bằng Lẽ Thật. Đức Chúa Giê-su đã đến để dạy về ý nghĩa của việc thờ phượng Đức Chúa Trời, và Ngài không thể cho phép việc pha trộn các đòi hỏi của con người với những lệnh truyền của Chúa. Ngài không chỉ trích các mệnh lệnh hay cách hành đạo của các vị giáo sư. Nhưng khi bị khiển trách về những thói quen đơn giản của Ngài, Đức Chúa Giê-su đưa ra lời của Đức Chúa Trời để biện minh cho hành động của Ngài. CCC1 73.2

Đức Chúa Giê-su cố gắng chiếm cảm tình của những người mà Ngài tiếp xúc bằng đủ mọi cách mềm dẽo và hòa nhã. Bởi vì Ngài quá nhu mì và khéo léo, các thầy ký lục và các trưởng lão nghĩ rằng Ngài sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những lời giảng dạy của họ. Họ hối thúc Ngài tiếp nhận những câu châm ngôn và các truyền thống đã được truyền lại từ các thầy ra-bi xa xưa, nhưng Ngài đòi hỏi chúng phải dựa trên Kinh Thánh. Ngài sẳn sàng lắng nghe mọi lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không thể vâng theo những điều do loài người đặt ra. Đức Chúa Giê-su hiểu Kinh Thánh từ đầu đến cuối và Ngài trình bầy Kinh Thánh theo đúng sự quan trọng thật của Thánh Kinh. Các thầy ra-bi cảm thây xấu hổ khi bị một đứa trẻ dạy dỗ. Họ tuyên bố rằng phận sự của họ là giải thích Kinh Thánh và rằng vai trò của Ngài là đón nhận những gì họ giải thích. Họ bực bội khi thây Ngài đi ngược lại lời của họ. CCC1 74.1

Các thầy ra-bi biết rằng không thể tìm được nền tảng trong Kinh Thánh cho các truyền thống của họ. Họ thây rằng sự thông hiểu về điều thiêng liêng của Đức Chúa Giê-su vượt sự hiểu biết của họ quá xa. Nhưng họ vẫn tức giận vì Ngài không tuân theo các mệnh lệnh của họ. Không thuyết phục được Ngài, họ tìm gặp Giô-sép và Ma-ri và cho cha mẹ của Chúa hay về thái độ bất phục tùng của Ngài. Vì thế Ngài đã bị phê bình và khiển trách. Từ khi còn trẻ, Đức Chúa Giê-su đã bắt đầu hành động độc lập để tạo thành cá tánh của mình, và Ngài cũng không để lòng kính trọng và yêu thương cha mẹ làm Ngài nghịch lại Lời của Đức Chúa Trời. Câu “vì có lời chép rằng” là lý do cho mỗi hành động đi ngược lại thói quen của loài người từ Ngài. Nhưng ảnh hưởng của các thầy ra-bi làm cho đời sống của Ngài thêm khó khăn. Ngay cả trong tuổi niên thiếu, Ngài cũng phải học bài học cay đắng về sự nín lặng và nhẫn nhục chịu đựng. CCC1 74.2

Các em của Ngài, thường được gọi là các con của Giô-sép, đứng về phía các thầy thông giáo. Họ nhấn mạnh là phải chú tâm tới các truyền thống như chính là những đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Họ còn cho rằng những mệnh lệnh của loài người có giá trị hơn Lời của Đức Chúa Trời và họ rất khó chịu khi đứng trước sự phân biệt của Chúa Giê-su về điều giả dối và sự thật. Họ lên án hành động nghiêm chỉnh vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời từ nơi Đức Chúa Giê-su, và coi đây là một sự ngoan cố bướng bỉnh. Họ cũng ngạc nhiên về sự hiểu biết và khôn ngoan của Ngài khi trả lời các thầy ra-bi. Họ biết là Ngài đâu có được học với những người thông thái này, nhưng họ cũng không thể từ chối rằng Ngài đáng là một bậc thầy đối với họ. Họ thừa nhận rằng nền giáo dục mà Ngài có được thuộc loại đẳng cấp hơn của họ. Nhưng họ lại không biết rằng Ngài có được đường vào cây sự sống, là cội nguồn của sự thông hiểu mà họ không biết. CCC1 74.3

Đấng Cứu Thế không có tinh thần biệt lập, nhưng Ngài đặc biệt đã làm mất lòng những người Pha-ri-si khi Ngài xa cách các điều khoản khắt khe của họ. Ngài thây rằng khi tôn giáo bị bao quanh bởi những bức tường cao ngăn cách, sẽ trở nên một sự kiện quá thánh khiết đối với đời sống hàng ngày. Ngài phá đổ những bức tường ngăn cách này. Khi tiếp xúc với người ta, Chúa không hỏi: Giáo điều của anh là gì? Anh thuộc hội thánh nào? Ngài dang tay ra để trợ giúp bất cứ ai cần sự giúp đỡ. Thay vì ẩn mình tu dưỡng trong một cái am nhỏ bé để chứng tỏ đức hạnh thiêng liêng của mình, Ngài đã hăng say phục vụ nhân loại. Ngài khắc sâu trong tâm hồn nguyên tắc: Tôn giáo của Thánh Kinh không phải là việc ép xác. Ngài dạy rằng một đời sống đạo đức không hoen ố không phải chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian hay hoàn cảnh đặc biệt nào. Trong bất cứ giây phút nào hay bất cứ nơi chốn nào, Ngài cũng biểu lộ một mối quan tâm ưu ái đối với con người, và tỏa ra xung quanh Ngài một loại ánh sáng của lòng hăng say nhiệt thành. Tất cả những điều này là một sự quở trách đối với người Pha-ri-si. Nó chứng minh rằng trong đạo đức không có sự ích kỷ, và lòng sùng đạo bệnh hoạn của họ vì tham vọng cá nhân không phải là lòng tin kính chân thành. Và điều này đã khơi lên lòng hận thù của họ đối với Đức Chúa Giê-su đến độ họ tìm cách ép buộc Ngài phải tuân theo các quy định của họ. CCC1 74.4

Đức Chúa Giê-su phục vụ để làm vơi đi mỗi hoàn cảnh đau khổ mà Ngài chứng kiến. Ngài không có nhiều tiền để ban cho, nhưng Ngài thường nhịn ăn để giúp đỡ những ai xem ra còn thiếu thốn hơn Ngài. Các anh em của Chúa cảm thây rằng ảnh hưởng của Ngài đi ngược lại với ảnh hưởng của họ. Ngài có một lối xử thế mà không một ai trong họ có; hay mong muốn có. Khi họ nói chuyện cách phũ phàng tàn nhẫn đối với người nghèo, hạ thấp giá trị của con người, thì Đức Chúa Giê-su lại đi tìm chính những người này, và an ủi họ. Ngài sẵn lòng đem một ly nước lạnh cho những ai đang khao khát và yên lặng đặt thức ăn của chính Ngài trong tay của những người này. Khi cứu giúp nỗi đau khổ của loài người, Lẽ Thật mà Ngài giảng dạy được gắn liền với hành động nhân từ của Chúa, và như vậy được khắc sâu vào trong ký ức người nhận. CCC1 75.1

Tất cả các điều này làm anh em Ngài phật lòng. Bởi lớn tuổi hơn Đức Chúa Giê-su, họ cảm thây rằng Ngài phải nghe theo lời họ. Họ buộc tội Ngài là nghĩ mình cao hơn họ và khiển trách Ngài vì đã đặt mình lên trên các vị giáo sư của họ, cùng các thầy tế lễ và các nhà cai trị dân. Họ thường doạ nạt và tìm cách chọc ghẹo Ngài; nhưng Ngài tảng lờ đi, lấy Kinh Thánh làm thước dẫn đường cho mình. CCC1 75.2

Đức Chúa Giê-su yêu mến các anh em của Ngài, và luôn đối xử với họ một cách tử tế. Nhưng họ lại ghen tỵ với Ngài và bày tỏ một thái độ cố tình bất tín và khinh dễ. Họ không thể hiểu được cách cư xử của Ngài. Nơi Chúa Giê-su có quá nhiều điều trái nghịch nhau. Ngài là Con Đức Chúa Trời và là Chúa, nhưng cũng là một thiếu niên bé nhỏ. Là Đấng Tạo Hóa dựng nên các hành tinh và trái đất thuộc về Ngài, nhưng nghèo khổ lại là nét nổi bật trong suốt kinh nghiệm sống của Ngài. Ngài có một phong cách và cá tính hoàn toàn khác với lòng kiêu căng và ngạo mạn của người phàm. Ngài không tranh dành những danh vọng cao sang của đời này và Ngài thỏa lòng ngay cả khi ở vào những vai trò thấp hèn nhất. Điều này làm các anh em Ngài tức giận. Họ không hiểu nổi thái độ luôn trầm tĩnh của Ngài trong những thử thách và thiếu thốn. Họ không biết rằng chính vì chúng ta mà Ngài đã trở nên nghèo, để “bởi sự nghèo của Ngài chúng ta được nên giàu” (2 Côrinh-tô 8:9). Họ chẳng hiểu gì được về lẽ mầu nhiệm của sứ mạng mà Ngài gánh, cũng như những bạn hữu của Gióp không hiểu được những hổ nhục và đau khổ mà người chịu. CCC1 75.3

Đức Chúa Giê-su đã bị anh em của Ngài hiểu lầm vì Ngài không giống họ. Chuẩn mực của Ngài không phải là chuẩn mực của họ. Khi hướng về loài người, họ đã quay lưng lại với Đức Chúa Trời, và họ đã không có quyền năng của Ngài trong cuộc sống của họ. Những hình thức tôn giáo mà họ giữ không thể biến đổi tánh tình của họ. Họ nộp “một phần mười bạc hà hồi hương và rau cần” nhưng bỏ qua “điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp là sự công bình, thương xót và trung tín” (Ma-thi-ơ 23:23). Tấm gương của Đức Chúa Giê-su là một sự khiêu khích liên tục đối với họ. Ngài chỉ ghét một điều duy nhất trong thế gian, đó là tội lỗi. Ngài không hề chứng kiến một hành động lầm lỗi nào mà không cảm thây đau lòng; và Ngài không thể che dấu nỗi đau này được. Chúng ta không thể nào lầm lẫn được giữa những kẻ chạy theo hình thức; dùng bề ngoài để che đậy lòng ham muốn tội lỗi với người có lòng nhiệt thành vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là trên hết. Vì đời sống của Đức Chúa Giê-su là để lên án tội ác, Ngài luôn gặp chống đối từ trong gia đình ra đến bên ngoài. Tấm lòng bao la quảng đại và cương trực của Ngài bị khinh bỉ chế nhạo. Thái độ nhịn nhục và tử tế của Ngài bị coi là hèn nhát. CCC1 76.1

Không một đắng cay nào trong thân phận làm người mà Đức Chúa Giêsu không nếm qua. Có những người tìm cách chế nhạo lai lịch mù mờ khi được sanh ra của Ngài, và ngay cả khi còn thơ ấu, Ngài cũng phải đương đầu với những ánh mắt miệt thị và những tiếng xì xầm đầy ác ý. Nếu Ngài đã đáp lại bằng một lời nói hay một ánh mắt mất bình tĩnh, nếu Ngài chiều theo anh em mình đặng làm một hành động sai quây, Ngài hẳn đã không còn là một tấm gương sáng trọn vẹn cho chúng ta. Và như vậy, Ngài đã thất bại khi thi hành kế hoạch cứu chuộc loài người. Nếu Ngài công nhận chỉ một sự bào chữa cho tội lỗi thì Sa-tan hẳn đã toàn thắng, và thế giới bị hư mất đời đời. Do đó mà kẻ cám dỗ ra sức làm cho cuộc sống của Ngài gặp nhiều thử thách chừng nào hay chừng nấy; hầu đẩy Ngài tới chỗ phạm tội. Nhưng trước mỗi sự cám dỗ, Ngài chỉ có một câu trả lời duy nhất: “Vì có lời chép rằng.” Ngài ít khi quở trách những hành động sai lầm của anh em Ngài, nhưng Ngài luôn có một lời từ Đức Chúa Trời để nói với họ. Nhiều khi Ngài bị cho là hèn nhát vì đã từ chối không tham gia với họ trong những hành động bị cha mẹ ngăn cấm. Nhưng câu trả lời của Ngài là: Vì Có lời chép rằng, “Sự kính sợ Chúa, ấy là sự khôn ngoan; tránh khỏi điều ác, ấy là sự thông sáng” (Gióp 28:28). CCC1 76.2

Có một số người tìm cách đến với Ngài và cảm thây bình an khi được ở bên cạnh Ngài. Nhưng nhiều người lại tránh Ngài vì họ cảm thây như bị lên án bởi cuộc sống thánh khiết của Ngài. Những người bạn trẻ còn gây áp lực để Ngài làm như họ. Gương mặt Ngài rạng rỡ và hân hoan, nên nhiều người vui thích khi có Ngài bên cạnh, và tiếp nhận những điều Ngài góp ý cho họ. Nhưng họ không kiên nhẫn nổi trước những đắn đo suy nghĩ của Ngài và cho rằng Ngài là kẻ hẹp hòi và khắt khe. Đức Chúa Giê-su đã trả lời: Vì có lời chép rằng: “Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo Lời Chúa.” “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi để tôi không phạm tội cùng Chúa” (Thi Thiên 119:9, 11). CCC1 77.1

Người ta thường hỏi Ngài: tại sao anh lại có xu hướng biệt lập quá khác biệt với tất cả chúng tôi như vậy? Ngài đáp, có lời chép rằng: “Phước cho người nào trọn vẹn trong đường lối mình, đi theo luật pháp của Đức Giêhô-va. Phước cho những người gìn giữ chứng cớ Ngài, và hết lòng tìm cầu Ngài. Họ không làm trái phép công bình, nhưng đi trong các lối Ngài” (Thi Thiên 119:1 3). CCC1 77.2

Khi bị hỏi tại sao Ngài không tham gia vào các sinh hoạt của tuổi trẻ ở Naxa-rét, Ngài nói: Vì có lời chép rằng “Tôi vui mừng về đường chứng cớ Chúa như thể vui mừng về của cải hiếm hiệm. Tôi sẽ suy gẫm về giềng mối Chúa, chăm xem đường lối của Chúa. Tôi ưa thích luật lệ Chúa, sẽ chẳng quên Lời của Chúa” (Thi Thiên 119:14-16). Chúa Giê-su không tranh đấu cho quyền lợi của Ngài. Nhiều khi công việc của Ngài trở nên vất vả một cách không cần thiết bởi vì Ngài sẵn lòng và không kêu ca. Nhưng Ngài không vấp ngã hay chán nản. Ngài sống bên trên các khó khăn này, như đang ở trong ánh sáng của dung quang Đức Chúa Trời. Ngài không trả đũa khi bị đối xử một cách tàn nhẫn, nhưng kiên nhẫn chịu đựng sự sỉ nhục. CCC1 77.3

Người ta tiếp tục hỏi Ngài tại sao lại để bị sỉ nhục, ngay cả từ phía các anh em Ngài? Ngài đáp, có lời chép rằng: “Hỡi con, chớ quên sự khuyên dạy ta, lòng con khá giữ các mạng lịnh ta; vì nó sẽ thêm cho con lâu ngày, số năm mạng sống, và sự bình an. Sự nhân từ và sự chân thật, chớ để lìa bỏ con. Hãy đeo nó vào cổ, ghi nó nơi bia lòng con; như vậy, trước mặt Đức Chúa Trời và loài người, con sẽ được ơn và có sự khôn ngoan thật” (Châm Ngôn 3:1-4). Từ khi cha mẹ Ngài tìm thây Ngài trong đền thờ, đời sống của Đức Chúa Giê-su trở nên huyền bí đối với họ. Ngài không tham gia vào những cuộc tranh luận, nhưng gương của Ngài luôn là một bài học. Ngài có vẻ như một người được biệt riêng ra. Những giờ phút hạnh phúc của Ngài là khi ở một mình với thiên nhiên và với Đức Chúa Trời. Bất cứ khi nào có thể được, Ngài rời khỏi công việc để ra đồng, suy gẫm giữa thung lũng xanh tươi, thông công với Đức Chúa Trời nơi sườn núi hay giữa rừng cây. Sáng sớm, người ta thường thây Ngài ở nơi thanh vắng, tịnh tâm, tìm hiểu Kinh Thánh hay cầu nguyện. Sau những giờ phút yên tĩnh này, Ngài trở về nhà tiếp tục công việc của mình và nêu gương về một cuộc sống vất vả nhưng kiên nhẫn. CCC1 77.4

Cuộc đời của Đấng Cứu Thế được đánh dấu bởi lòng kính trọng và yêu thương dành cho mẹ Ngài. Bà Ma-ri tin trong lòng rằng con thánh do bà sinh ra là Đấng Mê-si đã được hứa ban từ ngày xưa, nhưng bà không dám thổ lộ niềm tin này của mình. Qua cuộc sống tại thế của Ngài, Ma-ri là người chia sẻ những khổ đau của Ngài. Người đã đau đớn khi chứng kiến những gian nan đổ trên Ngài trong thời thơ ấu và niên thiếu của Ngài. Vì phải bênh vực những gì Ma-ri biết là đúng trong cách cư xử của Ngài, bà đã bị đặt vào trong những hoàn cảnh khó xử. Bà nhìn những sự liên hệ trong gia đình, cùng sự chăm sóc của người mẹ cho con cái có một tầm quan trọng thiết yếu trong việc hun đúc tánh tình. Những người con trai và con gái của Giôsép biết điều đó, cho nên họ lợi dụng tình cảm của Ma-ri để áp lực Đức Chúa Giê-su làm theo tiêu chuẩn của họ. CCC1 78.1

Ma-ri nhiều khi can gián Chúa Giê-su và thúc giục Ngài sống theo những tập tục của các thầy ra-bi. Nhưng Ngài không thể bị thuyết phục thay đổi thói quen suy gẫm các công trình của Đức Chúa Trời, cùng tìm cách làm giảm đau khổ của con người và của cả loài vật không nói được. Khi các thầy tế lễ và các giáo sư đòi Ma-ri giúp đỡ họ trong việc điều khiển Chúa Giê-su, bà rất bối rối. Nhưng sự bình an đã trở lại trong tâm hồn bà khi Ngài trình bầy những câu Kinh Thánh hỗ trợ cho hành động của Ngài. CCC1 78.2

Đôi khi, người do dự giữa Ngài và các anh em Ngài, là những người không tin rằng Ngài là Đấng được Đức Chúa Trời gửi đến, nhưng có nhiều chứng cớ cho thây Ngài có thần tánh của Đức Chúa Trời. Người thây Ngài hy sinh chính mình vì ích lợi của kẻ khác. Sự hiện diện của Ngài đem lại không khí thanh sạch hơn cho gia đình và đời sống của Ngài như chất men đang hoạt động giữa các thành phần của xã hội. Ngài sống ngây thơ và không vẫn đục giữa những con người thô kệch, không suy nghĩ bất nhã, giữa những người thu thuế bất công, giữa những kẻ hoang đàng liều lĩnh, những người Sama-ri không chính trực, những người lính ngoại đạo, những người nông dân chất phát và đám đông hỗn độn. Ngài thốt ra những lời cảm thông ở nơi này, hay chỗ khác khi thây con người nhọc nhằn, phải mang những gánh trĩu nặng. Ngài chia sẻ gánh nặng của họ, và lặp lại những bài học Ngài đã học từ thiên nhiên, về tình yêu thương, lòng nhân từ và tốt lành của Đức Chúa Trời. CCC1 78.3

Ngài dạy mỗi người hãy nhìn nhận bản thân đã được ban cho những tài năng quý báu, nếu biết sử dụng đúng đắn sẽ đem lại cho họ sự giàu có vĩnh cửu. Ngài loại bỏ mọi hư không khỏi đời sống, và qua gương sáng của Ngài, Chúa dạy cho người ta biết rằng mỗi khoảnh khắc thời gian đều mang lại đầy dẫy những kết quả đời đời, và những khỏanh khắc ấy phải được gìn giữ như một kho tàng, cũng như phải được sử dụng cho những mục tiêu thánh khiết. Ngài không hề coi một người nào là vô ích, nhưng thoa thuốc cứu rỗi cho mỗi linh hồn. Trong bất kỳ cuộc gặp gỡ nào, Ngài đều đưa ra những bài học thích hợp với thời gian và hoàn cảnh. Ngài luôn tìm cách đem lại niềm hy vọng cho những kẻ thô lỗ nhất và chẳng có gì hứa hẹn, cho họ có được bảo đảm là họ có thể trở thành người tốt và thanh sạch, đạt được một đức tánh để bày tỏ rằng họ là những người con của Đức Chúa Trời. Nhiều khi Ngài cũng gặp những kẻ trôi dạt dưới sự kiểm soát của Sa-tan và không có khả năng để bẻ gãy âm mưu của nó. Với một người như thế, tuyệt vọng, bệnh hoạn, bị cám dỗ và vấp ngã, Đức Chúa Giê-su thốt ra những lời đầy lòng thương xót, những lời đang cần đến và dễ hiểu. Ngài cũng đã gặp những người đang tranh chiến trực diện với kẻ thù của linh hồn. Ngài khuyến khích họ hãy bền vững, bảo đảm với họ rằng họ sẽ chiến thắng, bởi vì thiên sứ của Đức Chúa Trời đứng bên cạnh và sẽ ban cho họ sự toàn thắng. Tất cả những người được Ngài giúp đỡ như vậy đều tin chắc rằng đây là Đấng họ có thể hoàn toàn tin tưởng. Ngài sẽ không tiêt lộ những tâm sự thầm kín mà họ đã thổ lộ bên đôi tai cảm thông của Ngài. CCC1 78.4

Chúa Giê-su là Đấng chữa lành cả thể xác lẫn linh hồn. Ngài chú ý tới mỗi thời kỳ đau khổ diễn ra trước mắt Ngài, và Ngài nâng đỡ mọi kẻ khổ đau. Lời của Ngài như có chất dầu thơm làm dịu cơn đau. Không ai gọi đó là phép lạ Ngài đã làm, nhưng thật sự có một thứ quyền phép của lòng yêu thương, phát ra từ Ngài tràn đến những ai ốm đau và buồn khổ. Như vậy, Ngài đã hầu việc loài người một cách kín đáo từ khi còn niên thiếu. Do đó sau khi Chúa khởi đầu chức vụ cách công khai, nhiều người lấy làm hạnh phúc được nghe Ngài như vậy. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã bước đi trong cô đơn suốt thời thơ ấu, tuổi niên thiếu và lúc thành nhân. Trong sự thánh khiết và trung tín của Ngài, Chúa đã đạp máy ép nho đơn độc và chẳng có ai trong loài người đồng đi với Ngài. Chúa phải vác một khối nặng khủng khiếp của trách nhiệm cứu rỗi loài người. Ngài biết rằng nếu không có một sự thay đổi cương quyết trong nguyên tắc và mục đích, thì toàn thể nhân loại sẽ hư mất. Đây là gánh nặng của tâm hồn Ngài và không ai có thể lường được sức nặng đang đè trên Ngài. Chúa thi hành một cách cương quyết sự phác họa của cuộc đời Ngài, đó là Ngài phải là ánh sáng cho loài người. CCC1 79.1