CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 1

16/61

Chương 8—Dự Lễ Vượt Qua

Dựa theo Lu-ca 2:41-51

Trong vòng dân Giu-đa, tuổi mười hai là giai đoạn phân chia giữa thời niên thiếu và thanh niên. Khi tròn mười hai tuổi, một thiếu niên Hê-bơ-rơ được gọi là người con của luật pháp, và cũng là một người con của Đức Chúa Trời. Người ta dành cho cậu những cơ hội đặc biệt để học hỏi về tín ngưỡng, được phép tham dự vào các ngày lễ thánh và các lễ kỷ niệm. Theo tục lệ này, Đức Chúa Giê-su, trong tuổi niên thiếu, đã lên Giê-ru-sa-lem để dự lễ vượt Qua. Giống như tất cả các người Y-sơ-ra-ên sùng đạo, Giô-sép và Ma-ri hàng năm đi lên dự lễ vượt Qua. Và khi Đức Chúa Giê-su tới tuổi quy định, Ngài được cha mẹ dẫn đi theo. CCC1 63.1

Hàng năm có ba ngày lễ, lễ vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều Tạm, tất cả người nam trong Y-sơ-ra-ên bị bắt buộc phải đến để ra mắt Chúa tại Giêru-sa-lem. Trong số các ngày lễ này, lễ vượt Qua là lễ có đông người tham dự nhất. Nhiều người Do Thái trở về từ các quốc gia mà họ đã đến sinh sống sau khi bị tản lạc. Khắp nơi trong xứ Pa-lết-tin, đông đảo các tín hữu kéo về dự lễ. Họ phải mất nhiều ngày để đi từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem và đi theo từng đoàn hầu có bạn đồng hành cũng như bảo vệ lẫn nhau. Phụ nữ và người có tuổi được ngồi trên lưng bò hay lừa để hành trình qua những đoạn đường đồi dốc và lởm chởm đá. Những người khoẻ mạnh và thanh niên thì phải đi bộ. Lễ vượt Qua xảy ra vào cuối tháng ba hay đầu tháng tư, là lúc nơi nơi trăm hoa đua nở, cùng tiếng chim ca hát rộn ràng. Suốt dọc đường đều có các di tích lịch sử của Y-sơ-ra-ên, và cha mẹ thuật lại cho con cái nghe những việc lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã thực hiện cho dân của Ngài trong quá khứ. Họ dùng ca vịnh và thơ thánh để làm nhẹ đi những mệt nhọc của cuộc hành trình, và cuối cùng, khi nhìn thây các tháp của đền thờ Giê-ru-sa-lem hiện ra trước mắt, mọi người cùng cất tiếng ca khúc khải hoàn: CCC1 63.2

“Hỡi Giê-ru-sa-lem, chân chúng ta dừng lại trong các cửa ngươi... Nguyện sự hòa bình ở trong vách tường ngươi; sự thới thạnh trong các cung ngươi.” (Thi Thiên 122:2-7). CCC1 64.1

Việc tuân giữ lễ vượt Qua bắt đầu từ khi dân tộc Do Thái được khai sinh. Vào chính đêm cuối cùng của cuộc đời nô lệ trên đất Ê-díp-tô, là lúc không còn chút hi vọng để được giải phóng, Đức Chúa Trời đã ra lệnh cho họ chuẩn bị cho cuộc giải thoát xảy ra trong tức khắc. Ngài đã cảnh cáo Vua Pha-ra-ôn về tai họa cuối cùng sắp đổ xuống trên người Ê-díp-tô, và Ngài ra lệnh cho người Giu-đa phải tập họp gia đình của họ bên trong nơi họ cư ngụ. Sau khi dùng huyết của chiên con bị giết để bôi trên thành cửa, họ phải ăn thịt chiên con nướng, với bánh không men và rau đắng. Ngài phán: “Vậy, ăn thịt đó phải như vầy, dây lưng cột, chân mang giày, tay cầm gậy, ăn hối hả, ấy là Lễ vượt Qua của Đức Giê-hô-va.” (Xuất Ê-dip-tô Ký 12:11). Vào lúc nửa đêm, tất cả các con đầu lòng của người Ê-díp-tô đều bị giết chết. Tới lúc ấy, nhà vua mới gởi cho dân Y-sơ-ra-ên thông điệp: “Hãy chờ dậy, ra khỏi giữa vòng dân ta ...mà đi hầu việc Đức Giê-hô-va như các ngươi đã nói.” (Xuất Ê-dip-tô Ký 12:31). Người Giu-đa ra khỏi Ê-díp-tô và trở thành một quốc gia độc lập. Chúa đã ra lệnh phải mừng lễ vượt Qua hàng năm, Ngài phán: “Nó sẽ đến và qua đi, một mai con trai ngươi hỏi rằng: điều đó có ý nghĩa chi? Thì hãy đáp rằng: ấy vì cớ Đức Giê-hô-va đã dùng tay quyền năng của Ngài rút chúng ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô tức là nhà nô lệ.” (Xuất Ê-dip-tô Ký 13:4). Như vậy, câu truyện về cuộc giải thoát lạ lùng này được nhắc đi nhắc lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. CCC1 64.2

Lễ vượt Qua được nối tiếp bởi lễ bánh không men kéo dài bảy ngày. Vào ngày thứ hai của lễ bánh không men, thì hoa quả đầu mùa trong năm, là một bó lúa mạch, được dâng lên trước mặt Đức Chúa Trời. Mọi nghi lễ của cuộc lễ đều tượng trưng cho chức vụ của Đấng Cứu Thế. Việc giải thoát Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô là bài học về sự cứu chuộc, là điều mà lễ vượt Qua được thiết lập để kỷ niệm. Chiên con bị giết, bánh không men, bó hoa quả đầu mùa, tượng trưng cho Đấng Cứu Thế. CCC1 64.3

Đối với đa số dân chúng trong thời Đấng Cứu Thế, việc tuân giữ cuộc lễ này đã thoái hóa và chỉ còn trong hình thức. Nhưng lễ này lại có ý nghĩa biết bao đối với Con của Đức Chúa Trời. CCC1 64.4

Lần đầu tiên, cậu bé Giê-su được nhìn thây đền thờ. Ngài thây các thầy tế lễ bận y phục trắng toát đang cử hành chức vụ long trọng của họ. Ngài nhìn thây lễ vật đang đổ huyết được đặt trên bàn thờ tế lễ. Cùng với những người đến thờ phượng, Chúa sấp mình cầu nguyện, trong khi khói hương bay lên trước Đức Chúa Trời. Ngài được chứng kiến những nghi thức cảm động của lễ vượt Qua. Càng ngày Ngài càng thây rõ hơn ý nghĩa của những nghi thức này. Mỗi hành động xem ra đều dính chặt với chính cuộc đời của Ngài. Những thôi thúc mới đang thức dậy trong lòng Ngài. Yên lặng và ghi nhận, Ngài có vẻ như đang chăm chú tìm hiểu một nan đề lớn. Lẽ mầu nhiệm về chức vụ của Ngài đang bày tỏ ra cho Đấng Cứu Thế. CCC1 64.5

Say mê chiêm bái các cảnh tượng này, Ngài đã tách rời khỏi cha mẹ. Ngài tìm cách để đuợc ở một mình. Khi lễ vượt Qua kết thúc, Ngài vẫn còn nấn ná trong sân đền thờ và khi những người thờ phượng rời Giê-ru-sa-lem thì Ngài bị bỏ lại phía sau. CCC1 65.1

Trong lần viếng thăm Giê-ru-sa-lem này, cha mẹ mong ước cho Ngài tiếp xúc với những giáo sư lớn trong Y-sơ-ra-ên. Trong khi vâng theo từng chi tiết trong lời của Đức Chúa Trời, Ngài lại không đi theo các nghi thức và tập tục của các vị ra-bi. Giô-sép và Ma-ri hi vọng Ngài sẽ đi tới chỗ bày tỏ lòng kính trọng đối với các vị ra-bi đầy học thức, và để tâm chú ý nhiều hơn tới các điều kiện của họ. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã được chính Đức Chúa Trời tại đền thờ dạy dỗ. Điều Ngài đã nhận được, Ngài tức khắc truyền đạt cho kẻ khác. CCC1 65.2

Vào thời này, có một tòa nhà nối liền với đền thờ dùng làm trường học theo kiểu trường của các nhà tiên tri. Tại đây các vị ra-bi nổi tiếng hướng dẫn và học trò tụ họp chung quanh họ, và cậu bé Giê-su cũng tới đây. Ngồi dưới chân những con người trang nghiêm và học thức này, Ngài lắng nghe họ dạy dỗ. Như một người đang tìm kiếm sự khôn ngoan, Ngài hỏi những vị thầy này về những điều liên quan đến các lời tiên tri và các biến cố chỉ về sự hiện đến của Đấng Mê-si. Đức Chúa Giê-su tỏ ra mình là người khát khao tìm hiểu về Đức Chúa Trời. Những câu hỏi của Ngài có tính cách gợi nên những Lẽ Thật thâm sâu từ trước đến nay vẫn bị lu mờ, nhưng lại rất quan trọng cho sự cứu rỗi của linh hồn. Những câu hỏi này, một mặt, cho thây sự khôn ngoan của những con người thông thái còn hạn hẹp và hời hợt,mặt khác, đặt trước họ một bài học thiêng liêng và đặt Lẽ Thật dưới một quan niệm mới. Những vị ra-bi nói đến vai trò vinh quang mà khi Đấng Mê-si đến sẽ đem lại cho quốc gia Do Thái; nhưng Đức Chúa Giê-su lại trình bầy về lời tiên tri Ê-sai và hỏi họ về ý nghĩa củanhững đoạn Kinh Thánh này là những đoạn nói đến sự đau khổ và sự chết của Chiên Con Đức Chúa Trời. CCC1 65.3

Các nhà thông thái quay sang hỏi Ngài và họ kinh ngạc về những câu trả lời của Chúa. Với sự khiêm tốn của một đứa trẻ, Ngài lặp lại các lời trong Kinh Thánh, nêu lên một ý nghĩa sâu sắc của những lời này mà các nhà thông thái không hề nghĩ tới. Nếu được tuân theo thì Lẽ Thật mà Ngài vạch rõ ra đã gây nên một cuộc cải cách trong tôn giáo đương thời. Một sự ham thích về những điều thiêng liêng sẽ được khơi dậy, và đến khi Đức Chúa Giê-su khởi đầu chức vụ của Ngài, thì nhiều người hẳn đã sẵn sàng để tiếp nhận Ngài. CCC1 65.4

Các vị ra-bi nhận biết rằng Đức Chúa Giê-su không hề được đào tạo tại các trường của họ. Nhưng sự hiểu biết của Ngài về các lời tiên tri lại vượt xa sự hiểu biết của họ. Nơi Cậu Bé người Ga-li-lê sâu sắc này, họ nhìn thây một sự hứa hẹn lớn. Họ ước ao được thâu nhận Ngài làm học trò, hầu Chúa có thể trở thành một giáo sư trong Y-sơ-ra-ên. Họ muốn lãnh trách nhiệm về việc giáo dục Ngài, nghĩ rằng một trí óc độc đáo như vậy phải được đưa vào khuôn đúc của họ. Lời lẽ của Đức Chúa Giê-su đã đánh động lòng họ mà trước đây họ chưa hề được cảm động bởi lời của bất cứ người nào. Đức Chúa Trời tìm cách để đem ánh sáng đến những người lãnh đạo dân Do Thái, và Ngài dùng phương cách duy nhất mà Ngài có thể đến với họ. Nhưng với sự kiêu ngạo họ không thể thú nhận rằng họ nhận được sự dạy dỗ từ bất cứ người nào. Nếu Đức Chúa Giê-su tỏ vẻ như muốn dạy dỗ họ, họ sẽ khinh bỉ không lắng nghe. Ngược lại họ có thể tự hào rằng chính họ dạy dỗ Ngài và trắc nghiệm kiến thức về Kinh Thánh của Ngài. Nhưng sự khiêm tốn của tuổi trẻ và thái độ dịu dàng của Đức Chúa Giê-su đã đánh bật các thành kiến của họ. Đầu óc của họ vô tình đã được mở ra trước lời của Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh đã hành động trong lòng của họ. CCC1 66.1

Họ không thể không thây rằng những trông chờ của họ về Đấng Mê-si đã không dựa trên nền tảng của các lời tiên tri; nhưng họ cũng không thể khước từ các học thuyết đã nuôi dưỡng tham vọng của họ. Họ không thể nhìn nhận rằng họ đã bóp méo những lời Kinh Thánh mà họ đã giảng dạy. Người này hỏi người nọ; làm sao Cậu Bé này lại biết được như vậy mà chưa hề đến trường học? Sự sáng đã chiếu trong tăm tối, nhưng “tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng.” (Giăng 1:5). CCC1 66.2

Trong khi đó, Giô-sép và Ma-ri hết sức lo âu và bối rối. Khi ra khỏi Giêru-sa-lem, họ không còn thây Chúa Giê-su, và họ không hề biết rằng Ngài còn ở lại phía sau. Dân cư trong xứ lúc này lại gia tăng đông đúc, và các đoàn người từ Ga-li-lê trở về cũng rất đông đảo. Cảnh tượng thật hỗn độn khi họ ra khỏi thành. Trên đường đi, sự vui mừng khi được đi cùng với bạn bè và người quen đã chiếm ngự tâm trí của họ, và họ không nhận ra sự vắng mặt của Ngài cho tới khi trời bắt đầu tối. Khi họ dừng chân để nghỉ ngơi, đến lúc bây giờ mới cần đến sự giúp đỡ của Chúa Giê-su. Họ nghĩ rằng Chúa đang đi cùng với những bạn đồng hành, nên họ cảm thây không lo lắng gì. Tuy Ngài còn trẻ, nhưng cha mẹ vẫn thầm tin tưởng nơi Ngài, nghĩ rằng, khi họ cần đến, thì Ngài luôn sẵn sàng để giúp đỡ, như nhiều lần Ngài đã đoán trước những gì cha mẹ mong muốn và làm theo vậy. Nhưng tới lúc này thì cha mẹ bắt đầu lo sợ. Ma-ri và Giô-sép tìm kiếm Ngài trong số những bạn đồng hành, nhưng không thây. Cha mẹ Ngài rùng mình nhớ lại khi Hê-rốt đã từng tìm cách tiêu diệt Ngài lúc còn bé thơ. Những ý tưởng đen tối xâm chiếm tâm hồn của hai người. Họ đau đớn tự trách mình. Cha mẹ quay trở lại Giê-ru-sa-lem để tiếp tục tìm kiếm Chúa. Hôm sau, khi họ đang lẫn lộn trong đám người đến thờ phượng tại đền thờ, một giọng nói quen thuộc thu hút sự chú ý của họ. Cha mẹ Ngài không thể nào lầm lẫn được: không một giọng nói nào giống như giọng nói của Ngài, vừa nghiêm trang, vừa hăng say, vừa đầy những âm điệu trầm bỗng. CCC1 66.3

Cha mẹ đã tìm thây Chúa Giê-su trong trường học của các vị ra-bi. Vui mừng, nhưng họ cũng không thể quên được nỗi đau đớn và lo âu mà họ đã trải qua. Khi Chúa trở lại cùng đi với cha mẹ, mẹ Ngài nói với giọng có pha chút trách móc: “Hỡi con, sao con làm cho hai ta ra thể nầy? Nầy, cha mẹ đã khó nhọc lắm mới tìm ra con.” Đức Chúa Giê-su thưa lại: “Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” Và khi cha mẹ không hiểu những lời của Ngài, thì Ngài ngước mắt nhìn lên trên cao. Họ ngạc nhiên khi thây có một tia sáng chiếu trên gương mặt của Ngài. Thần tánh vừa ngời lên trong nhân tánh. Khi tìm Ngài trong đền thờ, họ đã được nghe những lời trao đổi giữa Ngài và các thầy ra-bi, và cha mẹ đã kinh ngạc trước các câu hỏi và câu trả lời của Ngài. Các lời của Ngài đã khơi dậy một dòng tư tưởng mà không bao giờ con người có thể quên được. CCC1 67.1

Và câu hỏi mà Chúa đã đặt ra cho cha mẹ chứa đựng một bài học. “Cha mẹ há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” Chúa Giê-su đã dấn bước vào chức vụ mà Ngài đến thế gian để thực hiện. Nhưng Giô-sép và Ma-ri đã xao lãng trách nhiệm của họ. Đức Chúa Trời đã cho họ vinh dự lớn lao khi giao Con của Ngài cho họ chăm sóc. Các thiên sứ thánh đã hướng dẫn đường đi nước bước của Giô-sép để bảo vệ sự sống của Chúa Giê-su. Nhưng trong trọn một ngày, Ma-ri và Giô-sép đã không thây Chúa, là Đấng mà họ không được phép xao lãng dù chỉ trong chốc lát. Và khi nỗi lo âu của cha mẹ lắng xuống, họ đã không kềm lòng mà còn thốt lên lời quở trách. CCC1 67.2

Tự nhiên cha mẹ của Chúa Giê-su coi Ngài như là con riêng của họ. Hàng ngày Chúa ở bên cạnh họ, cuộc sống của Ngài cũng giống như cuộc sống của bao nhiêu đứa trẻ khác trong nhiều khía cạnh. Do đó Ma-ri và Giô-sép khó có thể hình dung được rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời. Và họ có nguy cơ đánh mất ơn phước đã ban cho họ là Đấng Cứu Thế đang ở với họ. Nỗi đau khổ khi họ phải xa cách Ngài và lời trách nhẹ nhàng của Chúa Giê-su, cố ý để nhắc nhở họ sự giao phó thánh khiết mà họ đang có. CCC1 67.3

Trong câu trả lời của Ngài với mẹ, Đức Chúa Giê-su lần đầu tiên chứng tỏ rằng Ngài đã hiểu về mối quan hệ của Ngài với Đức Chúa Trời. Trước khi Ngài sinh ra, thiên sứ đã nói với Ma-ri : “Con trai ấy sẽ trở nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài; Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng.” (Luca 1:32, 33). Ma-ri đã suy nghĩ những lời này trong tâm hồn. Nhưng dù Ma-ri tin rằng Con của mình là Đấng Mê-si của Y-sơ-ra-ên, bà cũng vẫn không hiểu được sứ mạng của Ngài. Lúc này, bà càng không hiểu được những lời của Ngài, nhưng bà biết rằng Ngài đã phủ nhận quan hệ ruột thịt với Giô-sép, và đã tuyên bố về mối quan hệ Phụ Tử giữa Đức Chúa Trời và Ngài. CCC1 67.4

Không phải là Đức Chúa Giê-su coi thường đến mối quan hệ giữa Ngài với cha mẹ xác thịt. Trên đường cùng cha mẹ trở về nhà từ Giê-ru-sa-lem, Ngài đã giúp đỡ họ tận tụy trong mọi nhọc nhằn. Ngài dấu trong lòng lẽ mầu nhiệm về sứ mạng của mình, ngoan ngoãn chờ đợi thời điểm chỉ định để Ngài bắt đầu chức vụ đó. Mười tám năm sau Ngài đã nhìn nhận rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời, Ngài thừa nhận mối quan hệ đã cột Ngài với gia đình ở Na-xa-rét và chu tòan trách nhiệm của một người con, một người anh, một người bạn và một công dân. CCC1 68.1

Khi sứ mạng đã được mở ra cho Ngài tại đền thờ, Ngài tránh những sự tiếp xúc với đám đông. Ngài mong ước từ Giê-ru-sa-lem trở về trong sự yên tĩnh, với những người biết bí mật của cuộc đời Ngài. Qua lễ vượt Qua, Đức Chúa Trời tìm cách kêu gọi dân Ngài ra khỏi những lo âu thế gian và nhắc nhở họ về công việc lạ lùng của Ngài trong việc giải thoát họ khỏi Ê-díp-tô. Trong công việc này, Ngài muốn họ nhìn thây một lời hứa về sự giải thoát khỏi tội lỗi. Như huyết của chiên con bị giết đã bảo vệ các gia đình của Y-sơra-ên, huyết của Đấng Cứu Thế cũng để cứu linh hồn của họ. Nhưng họ chỉ có thể được cứu trong Đấng Cứu Thế khi họ nhận lấy sự sống của Ngài làm sự sống của chính họ bằng đức tin. Nghi lễ tượng trưng chỉ có giá trị khi nào nó hướng người thờ phượng đến Đấng Cứu Thế làm Đấng Cứu Rỗi của chính bản thân họ. Đức Chúa Trời mong muốn là họ sẽ được hướng dẫn tới chỗ học hỏi trong sự tĩnh nguyện và suy gẫm về chức vụ của Đấng Cứu Thế. Nhưng khi đoàn dân đông rời Giê-ru-sa-lem, sự náo nhiệt của cuộc hành trình, sự tiếp xúc xã giao đã thu hút hết cả sự chú ý của họ, và họ quên mất cuộc lễ mà họ vừa chứng kiến. Đấng Cứu Thế đã không được mời tiếp để cùng đi với họ. CCC1 68.2

Khi Giô-sép và Ma-ri từ Giê-ru-sa-lem phải trở về nhà một mình cùng với Đức Chúa Giê-su, Ngài hy vọng hướng tâm trí của họ tới những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế phải chịu đau đớn. Trên đồi Ca-va-ri, Ngài tìm cách làm dịu nỗi đau khổ của mẹ Ngài. Và ngay lúc này Chúa nghĩ đến mẹ mình. Ma-ri phải chứng kiến cảnh thống khổ cuối cùng của Ngài, và Chúa Giê-su mong bà hiểu được chức vụ của Ngài, hầu bà được thêm sức để chịu đựng, khi thanh gươm đâm xuyên tâm hồn của bà. Khi Chúa Giê-su đã bị tách rời khỏi bà và bà phải đi tìm Ngài suốt ba ngày buồn bã, cũng vậy, khi Ngài được hiến dâng vì tội lỗi thế gian, bà cũng sẽ lại mất Ngài trong ba ngày. Và khi Ngài phục sinh từ mồ mã, nỗi đau đớn của bà lại được biến thành niềm vui. Nhưng nếu Ma-ri hiểu được những đoạn Kinh Thánh mà Ngài tìm cách để hướng tư tưởng của bà vào, nổi thống khổ về sự chết của Chúa Giê-su trong tâm hồn Ma-ri sẽ được vơi đi nhiều biết bao. CCC1 68.3

Nếu Giô-sép và Ma-ri đã luôn bám vào Đức Chúa Trời bằng việc suy niệm và cầu nguyện, hẳn họ đã hiểu được trách nhiệm thánh khiết, và không để mất Đức Chúa Giê-su. Vì một ngày chểnh mảng để lạc mất Đấng Cứu Thế, họ phải trả giá bằng ba ngày nhọc nhằn để tìm lại Ngài. Chúng ta cũng vậy, những câu chuyện nhãm nhí, những lời nói tục tĩu độc ác, hay chểnh mảng cầu nguyện, chúng ta cũng có thể đánh mất sự hiện diện của Đấng Cứu Thế trong một ngày, và rồi chúng ta sẽ tốn hằng bao nhiêu ngày trong đau đớn nhọc nhằn để tìm kiếm Chúa, hầu tìm lại sự bình an đã bị mất. CCC1 69.1

Trong mối liên kết của chúng ta giữa người này với người kia, chúng ta phải lưu ý kẻo quên mất Chúa Giê-su, và ai nấy tiếp tục cuộc hành trình mà không biết rằng không có Chúa cùng đi với mình. Khi chúng ta bị cuốn hút vào chuyện thế gian này đến độ chúng ta không nghĩ tới Ngài là Đấng chúng ta đặt tất cả niềm hy vọng về sự sống đời đời, chúng ta sẽ tự tách chúng ta ra khỏi Chúa Giê-su và các thiên sứ trên trời. Các thiên thần thánh khiết này không thể lưu lại nơi nào mà sự hiện diện của Đấng Cứu Thế không được mong ước, và sự vắng mặt của Ngài không được nhận ra. Đó là lý do tại sao sự thất vọng chán nản xảy ra thường xuyên cho những người tự xưng là đi theo Đấng Cứu Thế. Nhiều người tham dự các nghi lễ tôn giáo, được bồi bổ và yên ủi bởi lời của Đức Chúa Trời; nhưng vì chểnh mảng không suy gẫm, tỉnh thức và cầu nguyện, mà họ đánh mất ơn phước và thây mình còn thiếu thốn hơn cả trước khi họ được lãnh nhận. Nhiều khi họ cảm thây rằng Đức Chúa Trời ngược đãi họ. Họ không nhận ra lỗi của mình. Tự tách mình ra khỏi Đức Chúa Giê-su, tức là họ đã gạt mình ra khỏi ánh sáng của sự hiện diện Ngài. CCC1 69.2

Chúng ta sẽ nhận được nhiều ích lợi nếu mỗi ngày dành một giờ để suy gẫm về cuộc đời của Đức Chúa Giê-su. Chúng ta sẽ dõi theo từng giai đoạn một, và để trí tưởng tượng bám vào từng cảnh, đặc biệt là các cảnh của giai đoạn kết thúc. Khi chúng ta chăm chú vào sự hy sinh lớn lao của Ngài vì chúng ta, niềm tin của chúng ta nơi Ngài sẽ bền vững hơn, tình yêu của chúng ta sẽ tăng lên và chúng ta sẽ thấm nhuần một cách sâu sắc hơn về tinh thần của Ngài. Nếu cuối cùng chúng ta muốn được cứu rỗi, chúng ta phải học bài học về sự sám hối và hạ mình dưới chân thập tự giá. CCC1 69.3

Khi chúng ta tụ họp gặp gỡ nhau, chúng ta phải đem ơn phước lại cho nhau. Nếu chúng ta thuộc về Đấng Cứu Thế, những tư tưởng ngọt ngào nhất sẽ dành cho Ngài. Chúng ta sẽ ưa thích kể về Ngài, và khi chúng ta nói chuyện với nhau về tình yêu của Ngài, lòng chúng ta sẽ mềm ra dưới tác động của Chúa. Chiêm bái nét đẹp của đặc tánh Ngài, chúng ta sẽ được “hóa nên ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển.” (2 Côrinhtô 3:18). CCC1 69.4