CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 1
Chương 27—Nều Chúa Khứng...
Dựa theo Ma-thi-ơ 8: 2-4; 9: 1-8, 32-34; Mác 2: 40-45; 2: 1-12; Lu-ca 5: 12-28
Trong các bệnh tật được biết đến tại phương Đông, bệnh phung là đáng sợ nhất. Căn bệnh nan y, truyền nhiễm này cũng như hậu quả khủng khiếp của nó trên con bệnh khiến người can đảm nhất cũng phải run sợ. Trong vòng dân Giu-đa, bệnh này bị coi như một hình phạt vì tội lỗi và do đó, bệnh phung được gọi là “đòn”, hay “ngón tay của Đức Chúa Trời.” Nó bị coi như một biểu tượng của tội lỗi vì rễ của nó cắm sâu, không nhổ đi được và gây chết chóc. Theo luật nghi lễ, người mắc bệnh phung bị cho là người ô uế. Như một kẻ đã chết, người mắc bệnh này bị đuổi ra khỏi cộng đồng. Bất cứ thứ gì họ đụng đến đều trở thành ô uế. Hơi thở của họ làm không khí bị ô nhiễm. Kẻ bị tình nghi là mắc phải chứng bệnh này phải tới trình diện các thầy tế lễ để các thầy khám xét và quyết định. Nếu bị công bố là một người mắc bệnh phung, người này sẽ bị cô lập khỏi gia đình của mình, tách biệt khỏi cộng đồng Y-sơ-ra-ên và bắt buộc chỉ được tiếp xúc với những kẻ cùng chung cảnh ngộ mà thôi. Luật này được áp dụng nghiêm nhặt. Ngay cả vua chúa và các quan trưởng cũng không được miễn trừ. Một ông vua mắc phải chứng bệnh khủng khiếp này phải thoái vị và trốn khỏi xã hội. CCC1 249.1
Xa bạn bè và bà con thân thuộc của mình, người mắc bệnh phung phải mang tất cả gánh nặng tai họa trên mình. Người ấy bắt buộc phải rao báo cho mọi người biết về tai họa của mình, giày vò áo xống và rung chuông báo hiệu để mọi người biết mà tránh xa kẻo bị lây bệnh. Tiếng la “Ô uế! ô uế!” với giọng thê lương từ con người bị đày ải trong chốn cô độc làm người nghe kinh hãi. CCC1 249.2
Trong vùng Đấng Cứu Thế rao giảng, có nhiều người bị mắc bệnh phung. Tin tức về việc làm của Ngài đã tới tai họ và họ nhen nhúm lên một tia hi vọng. Nhưng từ thời tiên tri Ê-li-sê, chưa hề được nghe nói tới trường hợp một người mắc bệnh phung nào được chữa khỏi. Họ không dám chờ đợi Đức Chúa Giê-su làm cho họ điều mà chưa bao giờ Ngài làm cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, có một người và trong tấm lòng anh, niềm tin bắt đầu chớm nở. Nhưng anh lại không biết làm sao để có thể đến gần với Đức Chúa Giê-su. Buộc phải tránh xa đồng loại, làm sao anh ta có thể xuất hiện trước Đấng Chữa Lành? Và anh thắc mắc không biết Đấng Cứu Thế có muốn chữa cho mình hay không? Liệu Ngài có dừng lại để chú ý tới một kẻ biết rằng mình đang phải chịu đau khổ dưới án phạt của Đức Chúa Trời không? Hay Ngài lại chẳng giống như những người Pha-ri-si và các thầy thuốc, phán ra một lời nguyền rủa và cảnh cáo anh phải mau trốn khỏi chỗ người ta lui tới? Anh nghĩ tới tất cả những gì Đức Chúa Giê-su có thể sẽ nói với mình. Nhưng không một người nào tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài mà bị từ chối. Con người bất hạnh này quyết tâm tìm gặp Chúa Cứu Thế. Mặc dù bị tống ra khỏi các thị trấn, anh vẫn có thể đón đường Ngài tại một đoạn đường nào đó trong miền núi, hay tìm gặp Ngài khi Ngài tới giảng dạy ở bên ngoài thành. Thật khó khăn, nhưng đó là niềm hy vọng duy nhất của anh. CCC1 250.1
Người mắc bệnh phung được dẫn tới Chúa Cứu Thế. Đức Chúa Giê-su đang giảng dạy ở bên hồ và dân chúng nhóm họp xung quanh Ngài. Đứng tận đàng xa, người mắc bệnh phung chỉ nghe được vài tiếng từ miệng của Chúa Cứu Thế. Anh thây Ngài giơ tay trên người bệnh. Anh trông thây người què, người mù, người bại xụi và những kẻ đang hấp hối vì đủ các chứng bệnh, trỗi dậy, khoẻ mạnh lại như người bình thường, và tôn vinh Đức Chúa Trời đã giải thoát họ. Lòng tin của anh thêm mạnh mẽ. Anh tiến đến gần, gần hơn nữa, đám đông đang nhóm hiệp lại. Anh chẳng còn nghĩ gì tới những hạn chế buộc phải tuân giữ, sự an toàn của dân chúng và sự sợ hãi nơi tất cả những kẻ đang nhìn anh. Anh chỉ nghĩ tới niềm hi vọng được chữa lành. CCC1 250.2
Người bị bệnh phung này là một con người đáng ghê tởm. Căn bệnh đã tàn phá một cách đáng sợ và cơ thể đang bị hủy hoại của anh trông rất khó coi. Nhìn thây anh, dân chúng giật lùi lại phía sau, kinh hãi. Kẻ này đạp lên người kia mà chạy để khỏi đụng tới anh. Một số người tìm cách ngăn cản không cho anh lại gần Đức Chúa Giê-su, nhưng vô ích. Anh chẳng thây và cũng chẳng nghe họ. Những biểu lộ sự ghê tởm của họ chẳng còn ý nghĩa gì đối với anh cả. Anh chỉ nhìn thây Con Đức Chúa Trời. Anh chỉ nghe giọng nói đã ban sự sống cho kẻ đang chết. Tới trước mặt Đức Chúa Giê-su, anh sấp mình dưới chân Ngài và kêu lên: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được.” Đức Chúa Giê-su đáp lại: “Ta khứng, hãy sạch đi,” và Ngài giơ tay rờ anh. (Ma-thi-ơ 8:3) CCC1 250.3
Tức thì một sự thay đổi diễn ra trên người mắc bệnh phung. Thịt anh trở nên lành lặn, các dây thần kinh nhạy cảm trở lại, bắp thịp rắn chắc. Những vết xù xì, như vẩy cá, đặc điểm của bệnh phung, biến mất và thay vào đó là một nét ửng hồng, mịn màng giống như da của một đứa trẻ khỏe mạnh. CCC1 251.1
Đức Chúa Giê-su dặn anh không được nói cho ai biết sự thể đã xảy ra nhưng hãy tới đền thờ trình diện và mang theo của lễ. Một của lễ như thế không thể được chấp nhận trước khi các thầy tế lễ xem xét cẩn thận và tuyên bố anh đã hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh. Tuy có thể là họ làm công việc này một cách miễn cưỡng, nhưng họ không thể không khám xét và phán quyết về từng trường hợp. CCC1 251.2
Lời của Kinh Thánh cho thây Đức Chúa Giê-su đã nhấn mạnh tới việc cần phải giữ kín sự việc và phải hành động ngay như thế nào. “Chúa Giê-su cấm người đó học chuyện lại với ai; nhưng dặn rằng: Hãy đi tỏ mình cùng thầy tế lễ; và dâng của lễ về sự ngươi được sạch, theo như Môi-se dạy, để điều đó làm chứng cho họ.” Nếu các thầy tế lễ biết được các sự kiện liên quan đến việc người mắc bệnh phung được chữa lành, lòng căm thù của họ đối với Đấng Cứu Thế có thể dẫn họ tới chỗ đưa ra một phán quyết không trung thực. Đức Chúa Giê-su muốn anh tới trình diện ngay tại đền thờ trước khi tiếng đồn về sự việc tới tai các thầy tế lễ. Và như thế, sẽ có được một quyết định vô tư và người phung được chữa lành sẽ được phép đoàn tụ với gia đình và bạn bè. Việc Đức Chúa Giê-su ra lệnh cho anh không được học chuyện với ai cũng có những mục đích khác nữa. Chúa Cứu Thế biết rằng các kẻ thù của Ngài luôn tìm cách ngăn cản chức vụ của Ngài, và tách dân chúng không cho họ đi theo Ngài. Ngài biết rằng nếu việc chữa lành người mắc bệnh phung được đồn ra rộng rãi, những người bệnh phung khác sẽ ùn ùn kéo tới và có thể có tiếng rêu rao rằng người ta sẽ bị lây căn bệnh gớm ghiếc này khi chạm tới họ. Nhiều người mắc bệnh phung sẽ không sử dụng sự lành lặn được ban cho để biến thành một ơn phước cho mình và cho người khác. Và bởi việc lôi kéo những người mắc bệnh phung tới, Ngài sẽ tạo dịp cho người ta buộc tội Ngài là đã vi phạm luật nghi lễ. Do đó, sứ mạng rao giảng Tin-lành của Ngài sẽ bị cấm đoán. CCC1 251.3
Sự việc xảy ra đã xác nhận lời cảnh cáo của Đấng Cứu Thế. Đông đảo dân chúng đã được chứng kiến việc Đức Chúa Giê-su chữa lành người mắc bệnh phung và họ háo hức chờ đợi quyết định của các thầy tế lễ. Khi người bệnh được chữa lành trở lại với bạn bè của mình, tình hình trở nên náo động. CCC1 251.4
Mặc dù Đức Chúa Giê-su đã căn dặn, anh vẫn không giữ kín được việc mình được chữa lành. Quả thật, không tài nào có thể giấu kín được, và anh đã học chuyện cho mọi người biết. Anh hiểu rằng chỉ vì khiêm nhường mà Đức Chúa Giê-su đã không muốn anh nói ra đây thôi, nên anh đã đi loan báo cho mọi người biết về quyền phép của Đấng Chữa Lành Vĩ Đại này. Anh không hiểu rằng mỗi sự biểu lộ như vậy đều làm cho các thầy tế lễ và các trưởng lão cương quyết hơn trong việc tìm cách tiêu diệt Ngài. Anh cảm thây rằng ơn được lành bệnh thật vô cùng quý báu. Anh vui mừng vì được mạnh khỏe trở lại và được đoàn tụ với gia đình và xã hội, anh cảm thây khó có thể cầm lòng mà không tôn vinh vị Thầy Thuốc đã khiến anh trở nên lành lặn. Nhưng việc anh phổ biến rộng rãi ơn phước nhận được đã dẫn tới việc chức vụ của Chúa Cứu Thế bị cản trở. Điều đó đã khiến dân chúng đổ xô tới, đến độ Ngài đã buộc phải ngưng công việc trong một thời gian. CCC1 251.5
Mỗi hành động trong chức vụ của Đấng Cứu Thế đều nhắm vào mục tiêu lớn lao. Điều Ngài nhắm đạt tới nằm ngoài những gì hành động tạo ra trước mắt. Trường hợp của người mắc bệnh phung là một ví dụ điển hình. Trong khi Ngài phục vụ tất cả những ai tới với Ngài, Ngài còn nóng lòng ban phước lành cho những ai chưa tìm đến. Trong khi Ngài mời gọi người thâu thuế, người ngoại bang, người Sa-ma-ri, Ngài đã rất muốn tới được với các thầy tế lễ, và các thầy dạy đạo đang chìm đắm trong thành kiến và truyền thống. Ngài không bỏ lỡ một phương cách nào để có thể đến được với họ. Trong việc gửi người mắc bệnh phung được chữa lành đến với các thầy tế lễ, Ngài cho họ một bằng chứng được tính toán để phá tan các thành kiến của họ. CCC1 252.1
Người Pha-ri-si đã khẳng định rằng Đấng Cứu Thế đang dạy dỗ những điều trái ngược với luật pháp Đức Chúa Trời đã ban qua Môi-se. Nhưng việc Ngài ra chỉ thị cho người mắc bệnh phung được chữa lành mang một của lễ theo đúng luật đã bác bỏ lời buộc tội này. Chứng cớ này đã đủ để thuyết phục tất cả những người có thiện chí. CCC1 252.2
Các nhà lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem đã sai những người do thám đi tìm một lý do nào đó để lên án giết Đấng Cứu Thế. Ngài đáp lại bằng cách cho họ một bằng chứng về tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại, lòng tôn trọng đối với luật pháp và quyền phép giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết của Ngài. Như vậy, Ngài đã làm chứng về họ: “Chúng nó lấy dữ trả lành, lấy ghét báo thương” (Thi Thiên 109:5). Ngài là Đấng đã ban lệnh truyền trên núi: “Hãy yêu mến kẻ thù địch,” và Ngài đã đích thân nêu gương: không “lấy ác trả ác,” không “lấy rủa sả trả rủa sả” (Ma-thi-ơ 5:44; I Phi-e-rơ 3:9). CCC1 252.3
Chính các thầy tế lễ trước đây lên án người mắc bệnh phung đã xác nhận rằng anh đã được khỏi bệnh. Phán quyết này, được công bố và ghi vào sổ, là một bằng chứng vững chắc ủng hộ Đấng Cứu Thế. Và khi người được chữa lành bệnh được sát nhập vào lại trong cộng đồng Y-sơ-ra-ên, với bảo đảm của chính các thầy tế lễ là không còn vết tích nào của căn bệnh trên cơ thể, anh là một nhân chứng sống động về Ân Nhân của mình. Anh đã hoan hỉ dâng của lễ và tôn vinh danh Đức Chúa Giê-su. Các thầy tế lễ được xác tín về quyền phép Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế. Họ đã có cơ hội để nhận ra Lẽ Thật và được ánh sáng chiếu rọi. Nếu từ chối, cơ hội ấy sẽ qua đi và không bao giờ trở lại nữa. Nhiều người đã khước từ ánh sáng, nhưng cơ hội được ban cho họ không phải là vô ích. Lòng nhiều người đã bị tác động nhưng trong một thời gian không có dấu hiệu nào được bày tỏ ra bên ngoài. Trong cuộc đời của Đấng Christ, chức vụ của Ngài có vẻ như không được nhiều thầy tế lễ và thầy thông giáo đáp lại bằng tình yêu thương. Nhưng sau khi Ngài lên trời, “có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa” (Công vụ các sứ đồ 6:7). CCC1 252.4
Chức vụ của Đấng Cứu Thế trong việc làm cho người mắc bệnh phung được sạch khỏi căn bệnh khủng khiếp là một minh họa cho chức vụ của Ngài trong việc lau sạch linh hồn khỏi tội lỗi. Người đã đến với Đức Chúa Giê-su mình nổi đầy phung hủi. Chất độc chết người của căn bệnh này đã xâm nhập toàn bộ cơ thể của anh ta. Các môn đồ tìm cách ngăn cản không cho Thầy của họ đụng đến anh. Nhưng Ngài đã rờ tay lên người mắc bệnh phung, và Ngài không bị nhiễm ô uế. Cái rờ tay của Ngài đã ban truyền quyền năng sự sống. Bệnh phung được tẩy sạch. Cũng vậy, đối với thứ bệnh phung của tội lỗi, cắm rễ sâu và chết người, và không thể bị tẩy sạch bởi quyền năng loài người. “Đầu đều đau đớn cả, lòng đều mòn mỏi cả. Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng có chỗ nào lành; rặt những vết thương, vết sưng cùng lằn mới, chưa rịt, chưa quấn, cũng chưa bôi dầu cho dịu” (Ê-sai 1:5, 6). Nhưng Đức Chúa Giê-su, Đấng đến để ở giữa nhân loại, không bị lây nhiễm. Sự hiện diện của Ngài có sức chữa lành đối với kẻ tội lỗi. Bất cứ ai sấp mình dưới chân Ngài và tin tưởng thưa với Ngài: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được,” đều có thể nghe thây tiếng trả lời: “Ta khứng, hãy sạch đi” (Ma-thi-ơ 8:2,3). CCC1 253.1
Trong một số trường hợp, để chữa cho lành bệnh, Đức Chúa Giê-su không tức khắc ban ơn theo như người ta xin. Nhưng trong trường hợp bệnh phung, người phung vừa lên tiếng van xin thì Ngài đã khiến anh được lành bệnh. Khi chúng ta cầu xin những ơn phước ở đời này, câu trả lời có thể chậm đến, hay Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta một ơn khác với ơn mà chúng ta xin. Nhưng khi chúng ta xin được giải thoát khỏi tội lỗi thì lại khác. Ngài có ý định lau sạch chúng ta khỏi tội lỗi, làm chúng ta trở nên con cái của Ngài, cho chúng ta có khả năng sống một cuộc sống thánh thiện. “Đấng Cứu Thế phó mình vì tội lỗi chúng ta, hầu cho cứu chúng ta khỏi đời ác này, y theo ý muốn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta” (Ga-la-ti 1:4). “Và Nầy, là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài” (I Giăng 5:14,15). “Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1: 9). CCC1 253.2
Trong việc chữa lành người bị bại ở Ca-bê-na-um, Đấng Cứu Thế cũng dạy người ta Lẽ Thật này. Cần phải bày tỏ quyền năng tha tội của Ngài để phép lạ được thực thi. Và việc chữa lành người bại cũng còn minh họa những Lẽ Thật quý báu khác nữa. Một hành động mang đầy hi vọng, yên ủi, và với các người Pha-ri-si hay cãi bướng, đây cũng còn là một lời cảnh báo. CCC1 253.3
Giống như người mắc bệnh phung, người bị bại này đã mất hết hi vọng được lành. Bệnh tình của ông là hậu quả của một cuộc sống tội lỗi. Và sự cắn rứt của lương tâm lại càng làm cho các đau khổ thành ra nặng nề hơn. Trước đây, ông đã từng kêu cứu những người Pha-ri-si và các nhà thông thái, hi vọng những người này có thể giúp làm giảm những cơn đau đớn về tinh thần và thể xác. Nhưng những người này đã lạnh lùng tuyên bố là bệnh của ông không thể chữa khỏi và bỏ mặc ông cho “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời”. Bởi người Pha-ri-si coi sự khổ cực như là một bằng chứng về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, nên họ tìm cách tránh xa người bệnh và kẻ cùng quẫn. Nhưng nhiều khi những kẻ tự đề cao mình là thánh thiện lại tội lỗi hơn những người đau khổ mà họ lên án. CCC1 254.1
Người bị bại hoàn toàn bơ vơ, và không trông chờ nhận được sự giúp đỡ từ bất cứ phía nào; ông đã chìm dần trong tuyệt vọng. Chính khi ấy, ông đã được nghe nói về những việc lạ lùng của Đức Chúa Giê-su. Ông đã được nghe kể là những người cũng tội lỗi và bơ vơ như ông đã được chữa lành, cả người mắc bệnh phung cũng được sạch. Và các bạn bè đã kể cho ông nghe các câu chuyện đó, đã khuyến khích ông, rằng ông cũng sẽ được chữa lành nếu ông được khiêng tới chỗ Đức Chúa Giê-su. Nhưng niềm hi vọng chợt vụt tắt khi ông nhớ lại vì sao mình lại mắc phải căn bệnh này. Ông sợ rằng vị Thầy Thuốc thanh sạch ấy sẽ không để cho ông xuất hiện trước mặt Ngài. CCC1 254.2
Ông không mong mỏi được chữa lành về mặt thể xác bằng việc được cất khỏi gánh nặng của tội lỗi. Nếu ông có thể thây được Đức Chúa Giê-su, có được bảo đảm là ông đã được tha thứ và được làm hòa với Thiên đàng, ông sẽ chấp nhận sống hay chết tùy theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Tiếng kêu của kẻ sắp chết là: Ôi, chớ gì tôi có thể tới trước mắt Ngài! Không thể chậm trễ được nữa. Cơ thể tàn phế đang có những dấu hiệu của sự thối rữa. Ông nài xin bạn bè đặt mình lên giường và khiêng ông tới với Đức Chúa Giê-su, và họ đã vui vẻ làm theo lời ông yêu cầu. Nhưng căn nhà Chúa Cứu Thế đang ở chật ních người, cả bên trong lẫn bên ngoài đến độ họ không thể nào mang người bệnh tới gần Ngài được, dù chỉ tới được chỗ có thể nghe được tiếng Ngài. CCC1 254.3
Đức Chúa Giê-su đang giảng dạy tại nhà của Phi-e-rơ. Theo thói quen, các môn đồ ngồi xung quanh Ngài và có những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật ngồi ở đó, những người này tới từ các thị trấn của xứ Ga-li-lê, Giu-đê và Giê-ru-sa-lem. Những người này kéo tới để rình mò và tìm chứng cớ để tố cáo Đức Chúa Giê-su. Bên ngoài các viên chức này là đám đông hỗn tạp gồm đủ hạng người, kẻ hăm hở, người chân thành đáng kính, kẻ tò mò và người vô tín. Những người có quốc tịch khác nhau và thuộc mọi tầng lớp xã hội cũng có mặt. Và quyền phép của Đức Chúa Trời cũng được thi thố để chữa lành bệnh. Đức Thánh Linh của sự sống bao phủ đám đông, nhưng những người Pha-ri-si và các thầy thông thái không nhận ra sự hiện diện của Ngài. Họ không có cảm giác về sự thiếu thốn; và việc chữa lành không dành cho họ. “Ngài đã làm cho kẻ đói được đầy thức ngon, và đuổi kẻ giàu về tay không” (Lu-ca 1:53). CCC1 254.4
Hết lần này đến lần khác, những người khiêng kẻ đau bại cố gắng mở một con đường qua đám đông, nhưng vô hiệu. Người bệnh ngó xung quanh mình, lòng đau đớn không tả xiết. Người ông mong đợi cứu giúp đang ở gần lắm, làm sao ông có thể cam lòng để niềm hi vọng tiêu tan thành mây khói? Theo ông đề nghị, các bạn khiêng ông lên nóc nhà, dỡ ngói ra, dòng ông và giường xuống dưới chân Đức Chúa Giê-su. Ngài ngưng giảng dạy. Chúa Cứu Thế nhìn gương mặt ảm đạm, Ngài bắt gặp đôi mắt cầu khẩn đang hướng về Ngài. Ngài hiểu được hoàn cảnh của ông. Chúa đã kéo tới Ngài con người dao động và nghi ngờ đó. Khi người bị bại còn ở nhà mình, Ngài đã làm cho lương tâm của ông nhận ra tội lỗi. Khi ông hối cải vì những tội lỗi đã phạm và tin vào quyền năng của Đức Chúa Giê-su sẽ khiến ông khỏi bệnh, lòng nhân từ của Chúa Cứu Thế đã chúc lành trước tiên cho lòng mong đợi của ông. Đức Chúa Giê-su đã chờ đợi tia sáng đầu tiên của lòng tin lóe lên từ một tư tưởng xác tín rằng Ngài là Đấng duy nhất có thể cứu chữa kẻ có tội, và Ngài đã thây điều đó càng thêm mạnh mẽ với tất cả những nỗ lực để có thể đến được trước mặt Ngài. CCC1 255.1
Và Đức Chúa Giê-su phán, giọng Ngài như những nốt nhạc rót bên tai người bệnh: “Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha.” Gánh nặng tuyệt vọng lăn khỏi linh hồn người bệnh. Sự bình an phủ trên tinh thần ông và tỏa ra bên ngoài trên nét mặt. Nỗi đau nơi thể xác biến mất và toàn bộ con người ông được biến đổi. Kẻ mắc bệnh bại liệt vô phương cứu chữa đã được khỏi bệnh. Kẻ tội lỗi đã được tha thứ. CCC1 255.2
Với niềm tin đơn sơ, ông đón nhận các lời của Đức Chúa Giê-su như một ân huệ về sự sống mới. Ông không yêu cầu gì thêm, ông nằm dài trong sự im lặng sung sướng, quá hạnh phúc nên không thốt ra lời. Ánh sáng từ trời chiếu sáng gương mặt ông, và dân chúng nhìn cảnh tượng với lòng kính sợ. Các thầy thông giáo hồi hộp chờ xem Đức Chúa Giê-su sẽ xử trí thế nào với trường hợp này. Họ nhớ lại thế nào người này đã kêu cầu họ giúp đỡ và họ đã dập tắt trong ông niềm hi vọng và mối thiện cảm. Thế cũng chưa đủ, họ còn tuyên bố rằng ông đang bị Đức Chúa Trời trừng phạt vì tội lỗi. Tất cả đều hiện rõ trong đầu óc họ khi họ nhìn thây người bệnh lúc này đang ở trước mắt họ. Họ nhận thây mọi người đang chăm chú theo dõi câu chuyện và họ cảm thây một nỗi lo sợ khủng khiếp: Sợ mất ảnh hưởng trên dân chúng. CCC1 255.3
Những kẻ quyền cao chức trọng này tuy không trao đổi với nhau lời nào, nhưng nhìn vào gương mặt nhau, họ đều đọc được cùng một ý nghĩ và rằng cần phải làm một cái gì đó để chặn đứng đợt sóng tình cảm này. Đức Chúa Giê-su đã tuyên bố tội lỗi của người bại đã được tha thứ. Người Pha-ri-si coi đây là những lời phạm thượng, và họ nghĩ rằng họ có thể xem đây như là một tội đáng xử tử hình. Họ nói trong lòng: “Người nói phạm thượng đó! Ngoài một mình Đức Chúa Trời còn có ai tha tội được chăng ?” (Mac 2:7). CCC1 255.4
Đức Chúa Giê-su nhìn họ khiến họ co dúm lại. Ngài nói: “Nhân sao trong lòng các ngươi có ác tưởng làm vậy? Trong hai lời nầy: một là nói, tội lỗi ngươi đã được tha; hai là nói, ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì lời nào dễ nói hơn? Vả, hầu cho các ngươi biết Con Người ở thế gian có quyền tha tội,” Ngài quay lại phía người bị bại và phán: “Hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi.” CCC1 256.1
Khi ấy, kẻ được khiêng đến với Đức Chúa Giê-su đã đứng dậy trên đôi chân của mình với sự dẻo dai và sức mạnh của một người thanh niên. Dòng máu đem lại sự sống chảy trong huyết quản. Mọi bộ phận trên cơ thể ông bỗng hoạt động trở lại. Nét ửng hồng của sức khoẻ đã đẩy lui sự tái nhợt của cái chết gần bên. “Tức thì kẻ bại đứng dậy trước mặt chúng, vác giường mình đã nằm, và đi về nhà, ngợi khen Đức Chúa Trời. Ai nấy đều sững sờ, ngợi khen Đức chúa Trời; và sợ sệt lắm mà nói rằng: Hôm nay chúng ta đã thây những việc dị thường.” Ôi, tình yêu thương lạ lùng của Đấng Cứu Thế đã hạ mình chữa lành kẻ tội lỗi và bệnh tật, Chúa cảm thông và xoa dịu bệnh tật của nhân loại đau khổ! Ôi, quyền năng lạ lùng đã được phơi bày trước mắt con cái loài người như vậy đó! Ai còn có thể nghi ngờ sứ điệp cứu rỗi? Kẻ nào có thể coi nhẹ lòng nhân từ của một Đấng Cứu Chuộc giàu lòng thương xót? CCC1 256.2
Không cần gì khác ngoài quyền năng tạo thế để đem lại sức khoẻ cho cơ thể đang suy yếu. Cũng chính tiếng phán đã ban sự sống cho con người được dựng nên từ bụi đất đã đem lại sự sống cho người bại đang chết dần chết mòn. Và cũng chính quyền năng đã đem lại sự sống cho cơ thể đã đổi mới tấm lòng. Ngài vốn là Đấng, vào buổi tạo dựng, đã “phán, thì việc liền có,” “biểu thì vật bèn đứng vững bền,” (Thi thiên 33:9), đã ban sự sống cho linh hồn chết trong vấp phạm và tội lỗi. Sự chữa lành nơi thể xác là một bằng chứng về quyền năng đã đổi mới tâm hồn. Đấng Cứu Thế đã ra lệnh cho người bại đứng dậy và đi, để “các người biết,” Ngài phán: “Con Người ở thế gian có quyền tha tội.” Người bị bại đã tìm thây nơi Đấng Cứu Thế sự chữa lành cho cả tâm hồn lẫn thể xác. Sự lành lặn trên cơ thể tiếp theo sau sự chữa lành về tâm linh. Chúng ta không được xem nhẹ bài học này. Ngày nay có hàng ngàn người đang mắc bệnh nơi thể xác, và như người bị bệnh bại liệt, đang chờ đợi sứ điệp, “Tội lỗi con đã được tha.” Gánh nặng tội lỗi, với những ham muốn cuồng nhiệt và không được thỏa mãn, là nền tảng của bệnh tật. Họ không thể tìm bình an cho tới khi gặp Đấng Chữa Lành linh hồn. Sự bình an mà chỉ mình Ngài mới có thể ban được sẽ đem lại sức sống cho tinh thần và sức khỏe cho cơ thể. Đức Chúa Giê-su đến để “hủy phá công việc của ma quỷ” (I Giăng 3:8). “Trong Ngài có sự sống,” và Ngài phán, “Ta đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật” (Giăng 1:4; 10:10). Ngài là “thần ban sự sống” (I Cô-rinh-tô 25:45). Và Ngài vẫn còn quyền năng ban sự sống ấy bởi vì Ngài vẫn tiếp tục chữa lành kẻ bệnh tật và nói lời tha tội cho kẻ tội lỗi trên trái đất. “Ngài tha thứ các tội ác ngươi” (Thi thiên 103:3). CCC1 256.3
Sự chữa lành người bị bại đã tạo nên trên quần chúng một kết quả như thể thiên đàng đã mở ra và bày tỏ sự vinh hiển của một thế giới tốt đẹp hơn. Khi người khỏi bệnh đi ngang qua đám đông, ngợi khen Đức Chúa Trời, vác giừơng của mình trông nhẹ như lông vũ, dân chúng đã dạt ra nhường lối cho ông đi, với vẻ sợ hãi, họ ngó ông và thì thầm: Hôm nay, chúng ta đã được thây những việc dị thường. CCC1 257.1
Người Pha-ri-si câm lặng vì kinh ngạc và cảm thây hoàn toàn thất bại. Họ thây rằng đây không phải là lúc để kích động dân chúng nổi lên lòng ghen tỵ. Việc lạ lùng được thực hiện trên kẻ mà họ đã giao phó cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đã gây ấn tượng trên dân chúng đến độ các thầy thông giáo cũng không được đếm xỉa gì tới trong một thời gian. Họ thây rằng Đấng Cứu Thế có một quyền năng mà họ đã tin chắc rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có. Nhưng cách đối xử dịu dàng của Ngài là hoàn toàn trái ngược với thái độ kiêu căng của họ. Họ bối rối, lúng túng, nhìn nhận, nhưng không chịu xưng tội, họ đang đứng trước một Đấng siêu phàm. Bằng chứng càng rõ ràng là Đức Chúa Giê-su có quyền năng tha tội trên trái đất, họ lại càng cương quyết nhốt mình trong sự cứng lòng. Từ nhà của Phi-e-rơ, nơi họ đã được chứng kiến người bị bại được Lời của Ngài chữa lành, họ kéo nhau đi sắp đặt những mưu kế mới để bắt Con Đức Chúa Trời phải im lặng. CCC1 257.2
Bệnh tình nơi thể xác, tuy có ăn sâu và hiểm ác, cũng đã được quyền năng của Đấng Cứu Thế chữa lành; nhưng bệnh tình nơi tâm hồn bám chắc còn vững vàng hơn trên những kẻ nhắm mắt để khỏi nhìn thây ánh sáng. Bệnh phung và bại liệt không đáng sợ bằng niềm tin mù quáng và sự cứng lòng. CCC1 257.3
Gia đình người bị bại hân hoan vui mừng khi ông trở về, mang theo chiếc giường mà mới đây họ trông thây người ta chầm chậm khiêng ra khỏi nhà. Họ tụ họp xung quanh ông, nước mắt đầm đìa. Ông đứng giữa họ, tràn đầy sức sống. Những cánh tay họ đã thây là chẳng còn chút sự sống giờ đây đang ngoan ngoãn tuân theo ý muốn của ông. Cơ thể teo lại và xám xịt giờ đây trông tươi tắn và rắn chắc, Ông bước đi khoan thai và vững vàng. Vui mừng và hi vọng lộ rõ trên nét mặt ông; và một vẻ thánh khiết và bình an đã thay thế những dấu vết của tội lỗi và đau khổ. Mọi người trong gia đình cùng thốt lên lời cảm tạ và Đức Chúa Trời được tôn vinh qua Con của Ngài, Đấng đã khêu lên niềm hi vọng nơi kẻ tuyệt vọng và phục hồi sức mạnh cho kẻ bị tê liệt. Người này và cả gia đình mình đều sẵn sàng liều mình vì Đức Chúa Giê-su. Niềm tin của họ không bị nghi ngờ làm cho ra mù quáng, và cũng không có sự cứng cỏi nào ngăn cản lòng trung tín của họ đối với Ngài, Đấng đã đem lại ánh sáng cho căn nhà tăm tối của họ. CCC1 257.4