CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 1

46/61

Chương 23—“Nước Đức Chúa Trời Đã Đến Gần”

“Dưc Chúa Giê-su đến xứ Ga-li-lê, giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời, mà rằng: Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin Đạo Tin-lành.” (Mác 1:14, 15). CCC1 215.1

Việc Đấng Mê-si đến đã được loan báo trước tiên ở xứ Giu-đê. Tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, sự ra đời của người dọn đường đã được báo cho Xacha-ri, khi ông giúp việc tế lễ trước bàn thờ. Tại vùng đồi núi Bết-lê-hem, các thiên sứ đã loan báo Đức Chúa Giê-su ra đời. Các bác sĩ đã tới Giê-rusa-lem để tìm kiếm Ngài. Trong đền thờ, Si-mê-ôn và An-ne đã xác nhận thần tính của Ngài. Giê-ru-sa-lem và cả xứ Giu-đê đã nghe Giăng giảng dạy và nhóm người do tòa Công luận phái đến, cùng với dân chúng, đã nghe Giăng làm chứng về Đức Chúa Giê-su. Tại Giu-đê, Đấng Cứu Thế đã tiếp nhận các môn đồ đầu tiên. Phần lớn buổi đầu chức vụ của Ngài diễn ra tại đây. Sự tỏa sáng của thần tính Ngài trong việc dọn sạch đền thờ, các phép lạ Ngài làm để chữa lành bệnh tật và những bài học về Lẽ Thật của Chúa từ miệng Ngài, tất cả đều đã nói lên điều mà sau lần chữa bệnh ở Bê-tết-đa, Ngài đã tuyên bố trước tòa Công luận, mối quan hệ Cha Con giữa Đấng đời đời và Ngài. CCC1 215.2

Nếu các nhà lãnh đạo trong Y-sơ-ra-ên tiếp nhận Đấng Cứu Thế, Ngài sẽ ban cho họ vinh dự được làm sứ giả của Ngài hầu đem Tin-lành cho thế giới. Họ là những người đầu tiên được ban cho cơ hội trở thành những người loan báo về nước và ân điển của Đức Chúa Trời. Nhưng Y-sơ-ra-ên đã không nắm thời cơ ấy. Lòng ghen tỵ và sự nghi ngờ của các nhà lãnh đạo Giu-đa đã biến thành lòng hận thù công khai và dân chúng đã quay Cuộc Đời Chúa Cứu Thế, Quyển 1 lưng lại với Đức Chúa Giê-su. CCC1 215.3

Tòa Công luận đã khước từ sứ điệp của Đấng Cứu Thế và âm mưu giết Ngài; do đó, Đức Chúa Giê-su đã phải rời khỏi Giê-ru-sa-lem, xa các thầy tế lễ, đền thờ, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và dân chúng đã từng được dạy dỗ trong luật pháp, Ngài đã hướng về tầng lớp khác để rao giảng sứ điệp của Ngài, và tập hợp những kẻ sẽ đem Tin-lành cho mọi dân tộc. CCC1 216.1

Ánh sáng và sự sống của con người đã bị các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Đấng Cứu Thế khước từ, ánh sáng và sự sống ấy cũng sẽ bị khước từ trong nhiều thế hệ kế tiếp. Câu chuyện về việc Đấng Cứu Thế rút khỏi Giu-đê sẽ được lặp đi lặp lại mãi. Khi các nhà Cải Cách rao giảng Lời Đức Chúa Trời, họ đã không nghĩ tới việc biệt mình riêng ra khỏi tổ chức Hội-thánh đã được thiết lập; nhưng các nhà lãnh đạo trong Hội-thánh đã không chịu nổi ánh sáng và những người mang ánh sáng bị buộc phải tìm một tầng lớp khác, là những người vốn mong đợi Lẽ Thật. Trong thời đại chúng ta, trong vòng những người tự cho rằng mình là người theo chân các nhà Cải Cách rất ít người được thôi thúc bởi tinh thần của các vị này. Ít người lắng nghe lời của Đức Chúa Trời và sẵn sàng tiếp nhận Lẽ Thật được giới thiệu dưới bất cứ hình thức nào. Nhiều khi những kẻ theo chân các nhà Cải Cách bắt buộc phải quay lưng lại với các hội thánh họ yêu mến để có thể rao giảng một cách thẳng thắn Lời của Đức Chúa Trời. Và nhiều khi những kẻ đang tìm kiếm ánh sáng cũng đã bị chính lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời bắt buộc phải rời bỏ hội thánh của cha ông họ để vâng theo Lời Ngài. CCC1 216.2

Dân Ga-li-lê bị các thầy thông giáo tại Giê-ru-sa-lem chê là thô lỗ và thất học, nhưng họ lại là một cánh đồng thuận lợi hơn đối với chức vụ của Chúa Cứu Thế. Họ ân cần và chân thành hơn; ít bị niềm tin mù quáng kiềm chế, đầu óc của họ cởi mở hơn để tiếp nhận Lẽ Thật. Tới Ga-li-lê, Đức Chúa Giêsu không tới một nơi hẻo lánh, hiu quạnh. Vào thời này, Ga-li-lê là một nơi có đông dân cư, có nhiều người dân thuộc các dân tộc khác nhau sống lẫn lộn với nhau hơn là tại Giu-đê. Khi Đức Chúa Giê-su đi ngang qua Ga-li-lê, giảng dạy và chữa lành bệnh tật, đoàn dân đông từthành thị đến làng mạc kéo tới với Ngài. Nhiều người còn tới từ Giu-đê và các tỉnh lân cận. Nhiều khi Ngài buộc phải lánh khỏi đám đông. Dân chúng quá phấn khởi đến độ Ngài thây cần phải thận trọng để không gây cho các nhà lãnh đạo người La-mã nỗi e sợ về một cuộc nổi dậy. Trước đây chưa hề có một thời kỳ nào như thời kỳ này trong thế giới. Thiên đàng đã được kéo xuống cho loài người. Các linh hồn đói khát đã nóng lòng chờ đợi sự cứu rỗi cho Y-sơ-raên giờ đây được no nê ân điển của một Chúa Cứu Thế đầy lòng thương xót. CCC1 216.3

Nội dung của việc rao giảng của Đấng Cứu Thế là: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin Đạo Tin-lành.” Như vậy, sứ điệp Tin-lành do chính Chúa Cứu Thế loan truyền, có nền tảng là các lời tiên tri. “Kỳ” được Ngài loan báo là “đã trọn” là thời kỳ đã được thiên sứ Gáp-ri-ên cho Đa-ni-ên biết. Thiên sứ nói đến “bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươi và thành thánh ngươi, đặng ngăn sự phạm phép, trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, và đem sự công bình đời đời vào, đặng đặt ấn tín nơi sự hiện thây và lời tiên tri, và xức dầu cho Đấng rất thánh” (Đa-ni-ên 9:24). Một ngày trong lời tiên tri tượng trưng cho một năm (Xem Dân số ký 14:34; Ê-xê-chi-ên 4:6). Bảy mươi tuần lễ hay bốn trăm chín mươi ngày tượng trưng cho bốn trăm chín mươi năm. Thời điểm khởi đầu cho gian đoạn này đã được tiết lộ: “Ngươi khá biết và hiểu rằng từ khi ra lệnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là vua, thì được bảy tuần lễ và sáu mươi hai tuần lễ,” sáu mươi chín tuần lễ hay bốn trăm tám mươi ba năm (Đa-ni-ên 9:25). Lệnh truyền trùng tu và xây lại Giê-ru-sa-lem, như được bổ sung bởi sắc lệnh của Ạt-ta-xét-xe Long-gi-ma-nút (xem E-xơ-ra 6:14; 7:19), đã có hiệu lực vào mùa thu năm 457 trước Công nguyên. Từ thời điểm này tới mùa thu năm 27 sau Công nguyên là 483 năm. Theo lời tiên tri, thời kỳ này phải kéo dài tới Đấng Mê-si, Đấng được xức dầu. Vào năm 27 sau Công nguyên, Đức Chúa Giê-su, khi chịu phép Báp-têm, đã được Đức Thánh Linh xức dầu, và đã bắt đầu chức vụ của Ngài liền ngay sau đó. Khi ấy, sứ điệp đã được công bố, “Kỳ đã trọn”. CCC1 216.4

Đoạn, thiên sứ nói: “Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ (7 năm ).” Trong bảy năm sau khi Chúa Cứu Thế bắt đầu chức vụ vủa Ngài, Tin-lành đã được rao giảng đặc biệt cho người Giu-đa, trong ba năm rưỡi, bởi chính Đấng Cứu Thế và sau đó, bởi các sứ đồ. “Và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi” (Đa-ni-ên 9:27). Vào mùa thu năm 31 sau Công nguyên, Đấng Cứu Thế, của lễ Thật được dâng trên Ca-vari. Lúc ấy, bức màn của đền thờ bị xé làm đôi, cho thây sự thiêng liêng và ý nghĩa của sự hầu việc tế lễ trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem đã bắt đầu. Đã tới lúc của lễ trần gian và của lễ chay phải chấm dứt. CCC1 217.1

Một tuần lễ - bảy năm - chấm dứt vào năm 34 sau Công nguyên. Khi ấy, qua việc ném đá Ê-tiên, người Giu-đa cuối cùng đã đặt dấu ấn trên việc họ khước từ Tin-lành; các môn đồ tản mác khắp nơi để tránh cuộc bách hại, “đi từ nơi này đến nơi khác truyền giảng Đạo Tin-lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:4), và không lâu sau đó, Sau-lơ, kẻ bắt bớ, đã trở lại đạo, và trở thành Phao-lô, sứ đồ cho dân Ngoại. CCC1 217.2

Thời Đấng Cứu Thế đến, việc Đức Thánh Linh xức dầu cho Ngài, cái chết của Ngài và việc giảng tin lành cho dân ngoại, được ngầm nói đến một cách rõ ràng. Dân Giu-đa được đặc ân hiểu các lời tiên tri này và nhận ra sự ứng nghiệm của các lời tiên tri này nơi chức vụ của Đức Chúa Giê-su. Đấng Cứu Thế đã cho các môn đồ của Ngài hiểu được tầm quan trọng của việc tìm hiểu các lời tiên tri. Ẩn ý trong các lời tiên tri được ban cho Đa-ni-ên về thời của họ, Ngài nói: “Ai đọc phải để ý” (Ma-thi-ơ 24:15). Sau khi sống lại, Ngài giải thích cho các môn đồ “mọi đấng tiên tri” “những lời chỉ về Ngài.” (Lu-ca 24:27). Chúa Cứu Thế đã phán qua tất cả các tiên tri. “Thánh Linh Đấng Cứu Thế ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Cứu Thế và về sự vinh hiển sẽ theo sau” (I Phi-e-rơ 1:11). CCC1 217.3

Chính Gáp-ri-ên, thiên sứ có địa vị sau Con Đức Chúa Trời, đã đến với Đa-ni-ên mang theo sứ điệp của Chúa. Cũng chính Gáp-ri-ên, “Thiên sứ của Ngài,” được Đấng Cứu Thế gửi đến để mở tương lai cho Giăng yêu dấu; và một lời chúc phước được ban cho kẻ đọc và nghe các lời tiên tri và tuân giữ các điều được viết trong ấy (Khải Huyền l:3).”Chúa Giêhô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri”. Trong khi “những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời” (A-mốt 3:7; Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:29). Đức Chúa Trời đã ban các điều ấy cho chúng ta và Ngài sẽ chúc phước cho việc tìm hiểu một cách cung kính và trong sự cầu nguyện để học các sách tiên tri. Cũng như sứ điệp về việc Đấng Cứu Thế đến lần thứ nhất loan báo nước ân điển của Ngài, cũng vậy, sứ điệp về việc Ngài đến lần thứ hai loan báo nước của sự vinh hiển của Ngài. Và sứ điệp thứ hai, cũng như sứ điệp thứ nhất, dựa trên nền tảng các lời tiên tri. Những lời của thiên sứ nói với Đa-ni-ên liên quan đến những ngày cuối cùng phải được hiểu trong thời cuối cùng. Vào thời đó, “nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại và sự học thức sẽ được thêm lên.” “Những kẻ dữ sẽ cứ làm điều dữ; trong những kẻ dữ chẳng ai sẽ hiểu; song kẻ khôn sáng sẽ hiểu” (Đa-ni-ên 12:4,10). Chính Đấng Cứu Thế đã cho dấu hiệu về việc Ngài đến, và Ngài nói: “Khi các ngươi thây các điều ấy xảy ra, hãy biết nước Đức Chúa Trời gần đến.” “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng đời này làm cho lòng các ngươi mê mẩn chăng và e ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới bủa.” “Hãy tỉnh thức luôn và cầu nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người” (Lu-ca 21:31,34,36). CCC1 218.1

Chúng ta đã đạt tới thời kỳ được báo trước trong các lời tiên tri này. Thời kỳ cuối cùng đã đến, tầm nhìn của các nhà tiên tri được mở ra, và các lời cảnh giác long trọng của họ hướng chúng ta về việc Chúa sắp đến trong sự vinh hiển. CCC1 218.2

Người Giu-đa đã bóp méo và đã áp dụng một cách sai lạc Lời của Đức Chúa Trời và họ không biết thời của hình phạt dành cho họ. Những năm Đấng Cứu Thế và các sứ đồ của Ngài thi hành chức vụ, những năm cuối cùng quý báu của ân điển dành cho tuyển dân, họ đã lãng phí trong việc âm mưu hãm hại các sứ giả của Chúa. Những tham vọng trần thế đã choán đầy lòng họ, và lời mời gọi của nước thiêng liêng đến với họ một cách uổng phí. Cũng vậy, ngày nay, nước thế gian chiếm hết tư tưởng của loài người và họ không để ý là các lời tiên tri đang ứng nghiệm một cách nhanh chóng và không chú ý tới các dấu hiệu của nước Đức Chúa Trời đang đến gần. CCC1 218.3

“Nhưng, hỡi anh em, anh em chẳng phải ở nơi tối tăm, nên nỗi ngày đó đến thình lình cho anh em như kẻ trộm. Anh em đều là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ tối.” Tuy chúng ta không biết ngày giờ Chúa trở lại, nhưng chúng ta có thể biết khi nào điều ấy sắp xảy ra. “Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và giè giữ.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 5:4-6). CCC1 218.4