CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 1

6/61

Chương 3—“Kỳ Hạn Được Trọn”

“Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài ...để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài.” (Ga-la-ti 4:4, 5). CCC1 25.1

Việc Đấng Cứu Thế đến đã được báo trước trong vườn Ê-đen. Khi A-đam và Ê-va lần đầu tiên được nghe lời hứa, họ mong sao lời hứa được ứng nghiệm mau chóng. Đôi vợ chồng này đã hân hoan chào đón đứa con trai đầu lòng của mình với hy vọng nó sẽ là Đấng Giải Thoát. Nhưng lời hứa vẫn chưa ứng nghiệm. Rồi những người đầu tiên nhận lãnh lời hứa lần lượt qua đời mà không chứng kiến được sự ứng nghiệm của lời hứa đó. Từ thời Hê-nóc, lời hứa đã được lặp đi lặp lại qua các tổ phụ và các tiên tri để nuôi dưỡng niềm hy vọng về việc Ngài xuất hiện, tuy nhiên, Ngài vẫn chưa đến. Lời tiên tri của Đa-ni-ên bày tỏ về thời điểm Ngài sẽ đến, nhưng thông điệp đó đã không được giải thích một cách chính xác. Thế kỷ này nối tiếp thế kỷ nọ qua đi, tiếng nói của các đấng tiên tri im bặt. Bàn tay kẻ áp bức càng đè nặng trên dân Y-sơ-ra-ên, và nhiều người đã sẵn sàng than lên: “Những ngày kéo dài, mọi sự hiện thây chẳng ứng nghiệm.” (Ê-xê-chiên 12:22). CCC1 25.2

Nhưng giống như những vì sao nằm trong quỹ đạo bao la đã được chỉ định của chúng, các ý định của Đức Chúa Trời không đến cách vội vàng cũng không chậm trễ. Qua những biểu tượng về sự tăm tối và về lò lửa bốc khói, Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Áp-ra-ham biết về thời kỳ nô lệ của dân Y-sơ-ra-ên tại đất Ê-díp-tô và tuyên bố rằng thời gian họ cư ngụ tại đây sẽ là bốn trăm năm. “Sau đó,” Ngài phán, “khi ra khỏi xứ sẽ được của cải rất nhiều.” (Sáng Thế Ký 15:14). Mọi sức mạnh của đế quốc kiêu hãnh Pha-ra-ôn đã chiến đấu cách vô vọng để chống lại lời tuyên bố trên, được chỉ định trong lời hứa của Chúa: “Cũng trong ngày đó, các quân đội của Đức Giê-hô-va ra khỏi xứ Ê-díp-tô.” (Xuất Ê-dip-tô Ký 12:41). Vì vậy, thời điểm Đấng Cứu Thế đến trên thế gian đã được quyết định trong một phiên họp trên trời. Khi chiếc đồng hồ vĩ đại của thời gian điểm vào giây phút đó, Đức Chúa Giê-su ra đời tại Bết-lê-hem. CCC1 25.3

“Khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài.” Đấng An Bày đã hướng dẫn sự vận hành của các dân các nước, cùng những nổi trôi của xúc cảm và hành động của loài người cho đến khi thế giới chín mùi để Đấng Giải Thoát đến. Nhiều quốc gia đã được thống nhất dưới một chính quyền. Một ngôn ngữ được sử dụng cách rộng rãi và đâu đâu cũng được nhìn nhận là ngôn ngữ của văn chương. Người Giu-đa tản mác trên khắp các nước đã tụ tập về Giê-ru-sa-lem trong những ngày lễ hàng năm. Sau những ngày lễ này họ sẽ trở về nơi họ sinh sống, họ có thể loan truyền cho toàn thế giới việc Đấng Mê-si xuất hiện. CCC1 26.1

Vào thời điểm này, các hệ thống học thuyết ngoại giáo đã mất đi ảnh hưởng trên dân chúng. Con người đã quá chán chường với những cảnh hào nhoáng bề ngoài và những câu chuyện thêu dệt. Họ mong mỏi có được một tôn giáo có thể thỏa đáp được cơn khao khát trong tâm hồn. Trong lúc ánh sáng của Lẽ Thật dường như đã rời bỏ loài người, nhưng cũng có những tâm hồn đi tìm kiếm ánh sáng và lòng họ chứa đầy những rối ren cùng phiền não. Họ khao khát được hiểu biết về Đức Chúa Trời hằng sống, khát khao có được một bảo đảm nào đó cho một sự sống bên kia cõi chết. CCC1 26.2

Khi người Giu-đa lìa bỏ Đức Chúa Trời, đức tin của họ trở nên lu mờ và hy vọng gần như không còn soi rọi cho tương lai. Người ta không còn hiểu nổi lời của các đấng tiên tri. Đối với quần chúng, sự chết là một bí ẩn đáng sợ. Bên kia sự sống là sự mù mờ và ảm đạm. Không phải chỉ có những tiếng khóc than của các bà mẹ tại Bết-lê-hem mà còn có cả tiếng than khóc phát xuất từ những tấm lòng cao đẹp trong loài người. Tiếng than thở đó đã được đấng tiên tri nói đến và còn vang vọng qua nhiều thế kỷ. Tiếng được nghe thây tại Ra-ma: “tiếng kêu la, phàn nàn, than khóc, ấy là Ra-chên khóc các con mình mà không chịu yên ủi vì chúng không còn nữa.” (Ma-thi-ơ 2:18). Trong miền đó và dưới bóng sự chết, loài người ngồi đó mà không được yên ủi. Họ ngóng trông mong chờ Đấng Giải Thoát đến, là khi mà bóng tối sẽ bị xua tan và bí ẩn về tương lai sẽ được bày tỏ rõ ràng. CCC1 26.3

Ngoài dân Giu-đa, còn có những người khác đã tiên đoán về sự xuất hiện của một vị giáo sư từ trời. Những người này đang tìm kiếm Lẽ Thật và Đức Thánh Linh Đấng Soi Dẫn, cũng đã được ban cho họ. Giống như những ngôi sao trên bầu trời tăm tối, những người thầy như vậy đã xuất hiện. Những lời tiên tri của họ đã thắp lên niềm hy vọng trong con tim của hàng ngàn người thuộc thế giới dân ngoại. CCC1 26.4

Trong hàng mây trăm năm, Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng Hy lạp, ngôn ngữ phổ thông trong toàn đế quốc La Mã. Người Giu-đa đã bị phân tán khắp nơi, và sự việc họ trông đợi Đấng Mê-si đến, cũng ảnh hưởng một phần nào đó trên dân ngoại. Trong số những người mà dân Giu-đa liệt vào hàng ngoại đạo, có những người am hiểu về những lời tiên tri trong Kinh Thánh còn tinh tường hơn các giáo sư trong Y-sơ-ra-ên. Có một số đã hy vọng Ngài đến như một Đấng giải thoát khỏi tội lỗi. Còn các triết gia thì cố gắng tìm hiểu sự mầu nhiệm về di sản thiêng liêng của người Hê-bơ-rơ. Nhưng sự hẹp hòi của người Giu-đa đã cản trở bước tiến của ánh sáng. Để duy trì sự phân cách giữa họ và các dân tộc khác, dân Giu-đa đã không muốn chia xẻ sự hiểu biết mà họ có, liên quan đến nghi thức thờ phượng chỉ về Đấng Cứu Thế. Đấng Bày Tỏ thật cần phải đến. Chỉ có Đấng mà các biểu tượng trên ám chỉ mới có thể giải thích được sự quan trọng của chúng. CCC1 26.5

Đức Chúa Trời đã nói chuyện với thế gian qua thiên nhiên, qua các mô hình và các biểu tượng, qua các tổ phụ và các tiên tri. Những bài học phải ban cho loài người trong ngôn ngữ của chính họ. Sứ giả của giao ước cần phải lên tiếng. Tiếng nói của Ngài phải được lắng nghe tại trong chính đền thờ của Ngài. Đấng Cứu Thế phải đến để ban phát những lời mà người ta có thể hiểu rõ ràng và chính xác nhất. Ngài chính là tác giả của Lẽ Thật, phải phân tách Lẽ Thật khỏi những lẽ giả thốt ra từ người, và làm cho lẽ dối trở nên vô hiệu quả. Những nguyên tắc trong chánh thể của nước trời và kế hoạch cứu chuộc phải được xác định một cách rõ ràng. Các bài học trong Kinh Thánh Cựu Ước phải được trình bầy một cách đầy đủ trước mặt loài người. CCC1 27.1

Trong vòng dân Giu-đa, cũng có những tâm hồn rất nhẫn nại, thuộc dòng dõi thánh thiện, nhờ họ mà sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được duy trì. Những người này vẫn nuôi hy vọng về lời hứa đã ban cho tổ tiên của họ. Họ củng cố lòng tin của mình bằng cách bám vào sự bảo đảm đã được ban qua Môi-se, “Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ dấy lên trong anh em các ngươi một đấng tiên tri như ta. Các ngươi phải nghe theo mọi điều Ngài sẽ phán dạy.” (Công vụ các sứ đồ 3:22). Mặt khác, họ biết Đức Giê-hôva sẽ xức dầu cho Đấng “giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường,” “rịt những kẻ vỡ lòng, rao cho kẻ phu tù được ra khỏi ngục; rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 61:1,2). Họ biết Ngài sẽ “lập xong sự công bình trên đất” như thế nào, việc các cù lao sẽ “trông đợi luật pháp Ngài” làm sao, các dân ngoại sẽ đến nơi sự sáng Ngài, các vua sẽ đến nơi sự chói sáng đã mọc lên trên Ngài như thế nào (Ê-sai 42:4; 60:3). CCC1 27.2

Những lời trối trăn của Gia-cốp cũng cho họ tràn đầy hy vọng: “Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới.” (Sáng Thế Ký 49:10). Sự suy yếu về quyền lực của Y-sơ-ra-ên chứng tỏ rằng Đấng Mê-si sắp sửa đến. Lời tiên tri Đa-ni-ên cũng đã phác họa sự vinh quang của triều đại Ngài trong một vương quốc thay thế mọi vương quốc trên trần gian. Và đấng tiên tri đã nói: “nó sẽ đứng vững đời đời.” (Đa-ni-ên 2:44). Trong khi chỉ có một thiểu số hiểu được ý nghĩa thật sự của sứ mạng Đấng Cứu Thế, thì đa số lại trông mong một vị vua hùng mạnh sẽ thiết lập vương quốc mình nơi Y-sơ-ra-ên và sẽ đến như một vị anh hùng giải thoát cho các dân tộc. CCC1 27.3

Đã đến lúc kỳ hạn được trọn. Nhân loại, càng ngày càng sa đọa hơn bởi tội lỗi chồng chất từ đời này sang đời nọ, đã kêu nài xin Đấng Cứu Rỗi hãy đến. Sa-tan đã ra sức đào cái hố sâu ngăn cách, không thể vượt qua nổi giữa hạ giới và thiên đàng. Nó khuyến khích loài người đi vào con đường tội lỗi bằng những dối trá. Mục đích của nó là làm cho Đức Chúa Trời không còn kiên nhẫn nổi, và dập tắt tình thương của Ngài dành cho loài người, ngõ hầu Ngài sẽ bỏ mặc thế giới rơi vào quyền thống trị của Sa-tan. Sa-tan ra sức che đậy sự hiểu biết về Đức Chúa Trời Toàn Năng khỏi loài người, làm cho con người không còn quan tâm tới đền thờ của Ngài, hầu thiết lập vương quốc của nó. Cuộc đấu tranh để dành quyền tối thượng của nó dường như gần thành công. Dù rằng trong mỗi thế hệ, Đức Chúa Trời đều có những công cụ của Ngài. Ngay cả giữa dân ngoại, cũng có những tâm hồn mà Đấng Cứu Thế làm việc qua họ để nâng con người khỏi tội lỗi và tình trạng sa đoạ của họ. Nhưng những tâm hồn này bị khinh miệt và thù ghét. Nhiều người trong số họ đã phải chịu những cái chết thê thảm. Sa-tan phủ lên thế gian một màng đêm càng ngày càng dày đặc hơn. CCC1 28.1

Qua ngoại giáo, Sa-tan đã làm cho loài người từ bỏ Đức Chúa Trời trong nhiều thế hệ. Nhưng chiến thắng lớn của nó là làm lệch lạc đi niềm tin của dân Y-sơ-ra-ên. Vì mãi suy tư và tôn thờ chính những quan niệm của họ, người ngoại đã đánh mất sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, và càng ngày càng trở nên đồi bại hơn. Dân Y-sơ-ra-ên cũng chẳng hơn gì. Nguyên tắc con người có thể tự cứu mình bằng chính việc làm của họ nằm trong nền tảng của tất cả ngoại giáo. Chính nguyên tắc đó cũng đã trở thành nguyên tắc của Giu-đa giáo. Sa-tan đã gieo rắc nguyên tắc này. Nơi nào nguyên tắc này được nêu cao, tại đó loài người không có hàng rào ngăn chặn tội lỗi. Thông điệp về sự cứu rỗi đã được truyền đạt cho loài người qua những dân sự của Chúa. Nhưng người Giu-đa lại muốn chiếm độc quyền về Lẽ Thật của sự sống đời đời. Họ đã tích trữ ma-na hằng sống, khiến nó bị trở nên hư thối. Và tôn giáo mà họ cố gắng cất giấu cho riêng họ đã trở thành một cớ vấp phạm. Họ đã tước đoạt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và đã lừa gạt thế giới bằng một tin lành giả mạo. Họ đã từ chối không chịu đầu phục Đức Chúa Trời để đem sự cứu rỗi cho thế giới, và vì thế họ đã trở thành tay sai của Sa-tan để hủy diệt thế gian. CCC1 28.2

Dân tộc mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi để trở thành rường cột và nền tảng của Lẽ Thật đã biến thành những kẻ đại diện cho Sa-tan. Họ thi hành công tác mà nó muốn họ thực hiện, theo một tiến trình hầu bóp méo bổn tánh của Đức Chúa Trời, và khiến thế gian nhìn Ngài như một bạo chúa. Chính các thầy tế lễ phục vụ trong đền thờ cũng đánh mất đi sự quan trọng của công việc họ làm. Họ không còn nhìn thây những ý nghĩa quan trọng đàng sau những biểu tượng. Khi dâng của tế lễ, họ làm như diễn viên trong một vở tuồng. Các lễ nghi do chính Đức Chúa Trời thiết lập đã biến thành những phương tiện để làm cho đầu óc con người ra mù quáng và cõi lòng trở nên cứng cõi. Đức Chúa Trời không thể làm gì thêm được nữa qua những phương tiện này. Toàn bộ hệ thống phải được quét sạch. CCC1 28.3

Sự lừa dối của tội lỗi đã đạt tới tuyệt đỉnh của nó. Tất cả những phương tiện nhằm làm suy thoái tâm hồn con người đều được đem ra xử dụng. Con của Đức Chúa Trời, nhìn xuống thế gian, thây toàn khổ đau và lầm than. Với lòng trắc ẩn, Ngài nhìn thây loài người đã trở thành nạn nhân của sự tàn ác của Sa-tan. Ngài nhìn với lòng nhân từ dành cho những người bị đồi trụy, bị thảm hại và hư mất. Họ đã chọn một kẻ cai trị là người đã xích họ vào chiếc xe của nó như những tù nhân. Họ đang đi trên con đường ảm đạm tiến gần đến sự hủy diệt vĩnh cửu. Đến gần sự chết mà không chút hy vọng sống sót, đến gần bóng đêm mà không hề có ánh bình minh ló dạng. Những công cụ của Sa-tan đã trà trộn vào tâm hồn loài người. Thân xác con người, được dựng nên để làm nơi Đức Chúa Trời ngự, đã trở thành nơi ở của quỷ dữ. Các giác quan, thần kinh hệ, cùng các cảm xúc và các bộ phận của con người đều bị nằm dưới sự kiểm soát siêu nhiên vô hình để thỏa mãn những ham muốn xấu xa nhất. Dấu ấn của ma quỷ đã được khắc sâu nơi gương mặt của con người. Nét mặt của con người phản ảnh diện mạo của đoàn quân ma quỷ đang ám lấy họ. Đó là viễn tượng của thế gian được bầy ra trước mắt Đấng Cứu Rỗi trần gian. Một cảnh tượng kinh hoàng trước mắt Đấng Tinh Khiết Đời Đời! CCC1 29.1

Tội lỗi đã trở thành một ngành khoa học, và điều xấu xa được suy tôn như một tôn giáo. Sự phản loạn đã đâm rể sâu trong tim can, và sự hận thù của con người đối với thiên đàng đã đến mức độ dữ dằn nhất. Điều này đã được chứng minh trước vũ trụ là nhân loại từ chối Đức Chúa Trời, họ không thể vươn lên được. Một yếu tố mới của sự sống và quyền năng phải được ban cho từ Đấng đã sáng tạo thế gian để nhân loại có thể nâng cao đời sống của mình. CCC1 29.2

Cả vũ trụ không bị sa ngã nóng lòng chờ đợi Đức Giê-hô-va trỗi dậy và quét sạch các dân cư trên thế gian. Và nếu Đức Chúa Trời thực hiện điều nầy, Sa-tan sẽ sẵn sàng tung ra kế hoạch của nó để lôi kéo sự trung thành của cả thiên đàng về với nó. Nó đã tuyên bố là các nguyên tắc cai trị của Đức Chúa Trời khiến cho việc tha thứ không thể thực hiện được. Nếu thế giới bị hủy diệt, nó sẽ tuyên bố rằng các lời tố cáo của nó được minh chứng là sự thật. Nó sẵn sàng đổ tội cho Đức Chúa Trời và gieo rắc tinh thần nổi loạn của nó ra khắp các thế giới trên cao. Nhưng thay vì huỷ diệt thế gian, Đức Chúa Trời lại gửi Con của Ngài đến để cứu thế gian. Mặc dù sự đồi bại và phạm thượng lan tràn khắp mọi nơi, một phương cách để phục hồi lại tình trạng tốt đẹp được ban cho. Ngay trong cơn khủng hoảng, khi Sa-tan được xem như gần chiến thắng, Con Đức Chúa Trời đã đến với sứ mạng ân điển của thiên đàng. Trong mỗi thời đại, mỗi giờ, tình yêu của Đức Chúa Trời vẫn hành động trên dòng giống bị sa ngã. Những dấu hiệu về lòng nhân từ vẫn liên tục được bày tỏ mặc kệ sự đồi trụy của con người. Và tới khi kỳ hạn nên trọn, Chúa đã được tôn vinh khi đổ tràn trên thế gian một trận lụt của ân điển chữa lành; mà không gì có thể ngăn cản hay đẩy lui được cho tới khi kế hoạch cứu rỗi được hòan tất. CCC1 29.3

Sa-tan đang hí hửng với ý nghĩ là nó đã thành công trong việc bóp méo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong nhân loại. Thì Đức Chúa Giê-su đã đến để khôi phục hình ảnh của Đấng Tạo Hóa trong tâm hồn con người. Không ai ngoài Đấng Cứu Thế có thể họa lại bổn tánh đã bị tội lỗi hủy hoại. Ngài đến để xua đuổi ma quỷ vốn đã kiểm soát ý chí của con người. Ngài đến để nâng chúng ta lên khỏi đất bụi tầm thường, tái tạo lại một hình ảnh đẹp đẽ đã bị hư hỏng, hầu trở nên mới theo kiểu mẫu của bổn tánh thiêng liêng Đức Chúa Trời, và làm cho nó càng trở nên đẹp đẽ với chính sự vinh hiển của Ngài. CCC1 30.1