Thiện Ác Đấu Tranh
5—John Wycliffe: Nhà Cải Chánh Người Anh
TRƯỚC THỜI Cải chánh, những bản Kinh Thánh rất hiếm hoi, nhưng Đức Chúa Trời không để cho lời Ngài bị hoàn toàn tiêu hủy. Lẽ thật của lời Ngài không bị giấu kín mãi mãi. Ngài có thể mở dây xích ràng buộc lời sự sống của Ngài cách dễ dàng như mở cửa ngục thất và bẻ gãy những cổng sắt để giải cứu các tôi tớ Ngài. Trong nhiều xứ ở Âu Châu, người ta được Đức Thánh Linh cảm động để tìm kiếm lẽ thật như tìm kho báu giấu kín. Được Chúa hướng dẫn, họ nghiên cứu Kinh Thánh rất kỹ lưỡng. Họ sẵn sàng tiếp nhận sự sáng bằng bất cứ giá nào. Mặc dầu họ không thấy mọi sự cách rõ ràng, họ có thể phân biệt nhiều lẽ thật đã bị chôn vùi từ lâu. Như sứ giả của Đức Chúa Trời, họ ra đi, bẻ gãy các xiềng xích của sự sai lầm, mê tín, và kêu gọi những người bấy lâu nay làm nô lệ cho sự lầm lạc đứng dậy và đòi lại sự tự do. TT20 72.1
Ngoại trừ người Waldenses, lời Đức Chúa Trời từ lâu bị khóa kín trong các ngôn ngữ mà chỉ những người học thức mới hiểu được, nhưng thời kỳ đã đến, Kinh Thánh được phiên dịch ra tiếng địa phương để mọi người hiểu được. Giờ nửa đêm của thế gian đã qua rồi. Những giờ phút tối tăm sắp tàn, và trong nhiều xứ người ta đã thay ánh sáng của rạng đông. TT20 72.2
Vào thế kỷ thứ mười bốn, ở nước Anh dấy lên “vì sao mai của phong trào Cải chánh.” John Wycliffe rao báo việc cải chánh chẳng những ở nước Anh mà trong cả thế giới Cơ Đốc giáo. Nhờ sự phản đối kịch liệt chống La Mã mà ông nói lên được những điều không bao giờ im lặng nữa. Sự phản đối này mở đường cho cuộc tranh đau dẫn đến sự giải phóng cá nhân, hội thánh và dân tộc. TT20 73.1
Wycliffe theo một nền giáo dục phóng khoáng, và ông coi sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan. Ở trường đại học, ông nổi tiếng về lòng đạo đức sốt sắng, tài năng và học thức khác thường. Sự khao khát về tri thức đã khiến ông học hết các môn. Ông được giáo huấn về triết học, quy luật của giáo hội, và luật dân sự, đặc biệt là luật lệ của nước ông. Sự giáo dục trong thời niên thiếu này rất giá trị về công việc sau này của ông. Nhờ thấu hiểu triết lý suy đoán của thời đại mình mà ông đã phô bày được những sai lầm của triết lý này; nhờ học luật quốc gia và giáo hội, ông được chuẩn bị để tham gia vào các cuộc chiến đấu cho sự tự do nhân quyền và tín ngưỡng. Ngoài khí giới của lời Đức Chúa Trời, sự tri thức mà ông đã hấp thụ được ở trường giúp ông hiểu các nguyên tắc tri thức của các nhà thông thái. Bạn hữu và kẻ thù đều kính trọng tài năng và học thức của ông. Những người ủng hộ ông rất hài lòng vì nhà vô địch của họ là người lỗi lạc nhất trong số những nhà trí thức trong xứ; và điều này khiến các kẻ thù không dám khinh thường phong trào cải chánh như họ thường phô bày sự ngu dốt và yếu ớt của những người hỗ trợ phong trào. TT20 73.2
Khi Wycliffe còn ở đại học, ông đã nghiên cứu Kinh Thánh. Thời bấy giờ, Kinh Thánh được viết bằng cổ ngữ, nên chỉ có các nhà thông thái mới hiểu được lẽ thật, còn những lớp người ít học thì không hiểu được. Như thế, tương lai của Wycliffe như là một nhà Cải chánh đã được dọn san. Các học giả đã nghiên cứu lời Đức Chúa Trời và tìm được lẽ thật vĩ đại về ân điển ban cho vô điều kiện của Ngài. Trong sự dạy dỗ, họ đã rao truyền lẽ thật này, và đã hướng dẫn nhiều người đến lời hằng sống. TT20 73.3
Khi Wycliffe đã chú ý đến Kinh Thánh thì ông nghiên cứu cách say mê và kỹ lưỡng giống như ông thường làm tại đại học. Trước đây ông cảm thấy sự thiếu thốn sâu xa mà các môn học hay sự dạy dỗ của hội thánh không thể thỏa mãn. Bây giờ ông khám phá trong lời Đức Chúa Trời những điều mà trước kia ông đã đi tìm kiếm luống công. Nơi đây, ông nhận thức được chương trình cứu rỗi và Đấng Christ là Đấng Cầu thay duy nhất của loài người. Từ đó, ông hiến dâng trọn đời mình cho công việc Chúa, và quyết định rao truyền những lẽ thật mà ông đã khám phá. TT20 73.4
Khi bắt tay vào việc, Wycliffe cũng như những nhà Cải chánh kế tiếp, không thấy trước công việc mình sẽ đi đến đâu. Ông không cố ý chống đối La Mã. Nhưng lòng sốt sắng của ông đối với lẽ thật không thể nào tránh khỏi sự xung đột với sự giả dối. Càng thấy rõ sự sai lạc của quyền thế giáo hoàng, ông càng sốt sắng trình bày sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Ông thấy La Mã đã dùng lời truyền khẩu thay thế cho lời Đức Chúa Trời; ông can đảm tố cáo các linh mục đã bỏ Kinh Thánh và đòi hỏi họ trả Kinh Thánh lại cho dân chúng, và quyền lực của Kinh Thánh phải được thiết lập lại trong hội thánh. Ông là một giáo sư có tài, hăng say, và là một giảng sư hùng biện; và đời sống hằng ngày của ông chứng minh cho những lẽ thật ông rao giảng. Sự hiểu biết Kinh Thánh, lý luận vững vàng, đời sống trong sạch, sự dũng cảm và thanh liêm của ông đã chiếm được lòng yêu mến và tin cậy của mọi người. Nhiều người đã trở nên bất mãn với đức tin trước kia của mình khi họ thấy tội ác đầy dẫy trong giáo hội La Mã, và họ nhiệt liệt tiếp nhận những lẽ thật mà Wycliffe rao truyền; nhưng các người lãnh đạo của phe nhóm giáo hoàng đầy lòng giận dữ khi thấy nhà Cải chánh này có ảnh hưởng nhiều hơn họ. TT20 74.1
Wycliffe là một người khám phá sự sai lầm rất nhạy bén, và ông dũng cảm đả kích những sự lạm dụng mà các nhà lãnh đạo giáo hội thừa nhận. Trong khi thi hành chức vụ tuyên úy cho vua, ông can đảm chống lại việc giáo hoàng bắt vua nước Anh đóng thuế và bày tỏ rằng hành động chiếm quyền trên vua của giáo hoàng là trái với lý trí và lời Chúa. Những đòi hỏi của giáo hoàng đã gây nên sự phẫn nộ lớn, và sự dạy dỗ của Wycliffe đã tạo nên ảnh hưởng cho các nhà lãnh đạo trong nước. Vì vậy vua và các nhà quý phái hiệp nhau phủ nhận quyền thế giáo hoàng và từ chối đóng thuế cho họ. Như thế một cú đánh rất hiệu lực chống lại quyền thế tối cao của giáo hoàng ở nước Anh. TT20 74.2
Một sự xấu xa khác mà nhà Cải chánh phải tranh đấu lâu dài, đó là sự thành lập các dòng tu ăn xin. Các tu sĩ này lan tràn khắp nước Anh, gây tai họa cho sự cao trọng và thịnh vượng của quốc gia. Kỹ nghệ, giáo dục, luân lý đều chịu ảnh hưởng xấu của các tu sĩ. Đời sống lười biếng và ăn xin của họ không những là gánh nặng cho dân chúng, mà còn làm người ta khinh thường những việc làm hữu ích. Các thanh niên trở nên vô luân và bại hoại. Do ảnh hưởng của các tu sĩ, nhiều thanh niên bị dụ dỗ vào sống trong các tu viện, không được phép của cha mẹ, nhiều khi cha mẹ không biết hoặc trái với ý muốn của cha mẹ. Một trong những giáo phụ ngày xưa của giáo hội La Mã cho rằng tu viện có quyền cao hơn lòng hiếu thảo và bổn phận đối với cha mẹ, đã tuyên bố như sau, “Nếu con thấy cha mình nằm trước cửa than khóc, và nếu mẹ con chỉ cho con thấy tấm thân đã cưu mang con và vú đã cho con bú, thì con chớ ngần ngại đạp họ dưới chân, và đi thẳng tới Đấng Christ.” Sự vô nhân đạo ghê tởm ấy, về sau Luther gọi là “sự vô nhân đạo của chó sói và của kẻ bạo ngược, chứ không phải của con người hay Cơ Đốc nhân,” vì con cái phủ nhận cha mẹ mình.—Barnes Sears, The Life of Luther, trang 70, 69. Giống như người Pha-ri-si thời xưa, các nhà lãnh đạo của giáo hoang đã bỏ điều răn của Đức Chúa Trời mà giữ những lời truyền khẩu của loài người. Vì thế, cha mẹ không còn được con cái thăm viếng nữa và nhà cửa trở nên hiu quạnh. TT20 74.3
Ngay cả các sinh viên đại học cũng bị lừa gạt bởi sự đóng kịch giả dối của những tu sĩ và bị dụ dỗ gia nhập vào các tu viện. Nhiều người về sau ăn năn vì thấy đã tự hủy hoại đời mình và đem lại sự sầu thảm cho cha mẹ; nhưng một khi đã sa vào lưới bẫy thì họ không thể lấy lại được sự tự do. Nhiều cha mẹ vì sợ ảnh hưởng của những tu sĩ nên từ chối không cho con vào các đại học. Vì vậy mà số sinh viên đại học càng ngày càng ít. Trường học suy giảm và sự ngu dốt tăng thêm. TT20 75.1
Giáo hoàng đã cho phép các tu sĩ quyền nghe sự xưng tội và ban ân xa. Điều này đã trở nên nguồn tội ác ghê gớm. Sự tham tiền đã khiến họ tha đủ thứ tội ác, và kết quả là các tội ghê tởm nhất càng tăng lên nhanh chóng. Những người đau ốm và nghèo khổ bị bỏ bê, trong khi đó các của bố thí đáng lẽ được dành cho kẻ nghèo lại phải dâng cho các tu sĩ, vì họ hăm dọa và đòi hỏi người ta dâng tiền cho nhà dòng họ, nếu không sẽ bị tố cáo là thiếu đạo đức. Các tu sĩ tự xưng mình nghèo nàn nhưng thật ra của cải họ càng ngày càng tăng thêm, những nhà họ ở thật lộng lẫy, và bàn ăn họ đầy dẫy đồ cao lương mỹ vị bày tỏ rõ ràng sự khác biệt với cảnh nghèo khổ của quốc gia. Trong lúc sống xa xỉ và khoái lạc, các tu sĩ sai các kẻ dốt nát đi rao giảng thay thế cho họ, là những người chỉ biết kể các chuyện bịa đặt, hoang đường, và nói giỡn cợt để làm trò cười cho dân chúng và khiến người ta càng bị các tu sĩ lừa gạt. Vì vậy, các tu sĩ tiếp tục điều khiển những đám đông mê tín và hướng dẫn họ tin tưởng rằng tất cả bổn phận tôn giáo của họ là chấp nhận quyền tối cao của giáo hoàng, tôn thờ các thánh, dâng tiền cho các tu sĩ, và như vậy là đủ điều kiện để họ được một chỗ trên thiên đàng. TT20 75.2
Những người tri thức và đạo đức đã cố gắng sửa đổi các tu viện này nhưng vô hiệu quả; tuy nhiên Wycliffe với sự thấu hiểu rõ ràng, đã đào tận rễ của tội ác, tuyên bố rằng hệ thống này là sai lầm và cần hủy bỏ. Người ta bắt đầu bàn bạc và thăm dò. Vì thế khi các tu sĩ đi khắp nơi để bán bùa xá tội của giáo hoàng, nhiều người nghi ngờ sự tha tội bởi tiền bạc và đặt câu hối là họ nên cầu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời hay của giáo hoàng La Mã. Nhiều người lo sợ về sự tham lam không bao giờ thỏa mãn của các tu sĩ. Họ than rằng, “Các tu sĩ và linh mục của La Mã cắn nuốt chúng ta như bệnh ung thư. Đức Chúa Trời phải giải cứu chúng ta, nếu không dân chúng sẽ chết hết.—D'Aubigné, quyển 17, chương 7. Để che đậy sự tham lam của mình, các tu sĩ tuyên bố họ theo gương Đức Chúa Giê-su vì Ngài và các môn đồ xưa kia cũng sống nhờ lòng bác ái của dân chúng. Lời tuyên bố này đem lại sự thiệt hại cho mục tiêu của họ, vì khiến nhiều người học hỏi Kinh Thánh để biết lẽ thật—là một điều mà La Mã không muốn chút nào. Tâm trí con người được hướng dẫn đến Nguồn lẽ thật mà La Mã muốn giấu kín. TT20 76.1
Wycliffe bắt đầu viết và xuất bản những truyền đạo đơn chống lại các tu sĩ, không phải vì muốn tranh luận với họ, nhưng muốn dân chúng chú ý đến sự dạy dỗ của Kinh Thánh và Tác giả của Kinh Thánh. Ông tuyên bố rằng quyền tha tội và dứt phép thông công của giáo hoàng không lớn hơn của các linh mục thường, và không ai có thể bị dứt phép thông công thật sự trừ khi người ấy bị Đức Chúa Trời đoán phạt. Đường lối ông làm thật hữu hiệu để lật đổ sự thống trị thiêng liêng của giáo hoàng đang giam hãm linh hồn và thể xác của hằng triệu người. TT20 76.2
Một lần nữa Wycliffe được kêu gọi bênh vực cho quyền vương chính của nước Anh, chống lại sự xâm lấn của La Mã; và nhờ được cử làm sứ thần ở Hòa Lan hai năm, ông thường gặp gỡ các ủy viên của giáo hoàng. Tại đây, ông giao thiệp với hàng giáo phẩm từ Pháp, Ý, và Tây Ban Nha, và ông có dịp thấy những điều kín giấu của La Mã mà ông không từng biết tại nước Anh. Ông học được nhiều điều hữu ích cho công việc sau này. Từ nơi các đại diện của giáo hoàng, ông biết được chân tướng và mục tiêu của hàng giáo phẩm. Trở về nước Anh, ông lặp lại những điều đã dạy trước kia cách công khai và sốt sắng hơn, tuyên bố rằng các thần của La Mã là sự tham lam, kiêu ngạo và lường gạt. TT20 76.3
Trong một truyền đạo đơn, ông viết về giáo hoàng và những người thâu tiền của giáo hoàng, “Họ đã rút tỉa sự sống của người nghèo, và mỗi năm hằng ngàn Anh kim từ ngân quỹ của vua được thâu cho các phép bí tích và các điều thuộc linh, đó là tiền bị rủa sả của sự buôn thần bán thánh, và họ đã khiến thế giới Cơ Đốc tán thành và duy trì sự bội đạo này. Dù vương quốc của chúng ta có một đồi vàng vĩ đại, và không ai lấy một chút nào trừ ra người thâu tiền của các linh mục kiêu hãnh ham mê thế gian,thì chỉ cần một thời gian thôi cái đồi này sẽ cạn; hắn lấy tiền của đất nước chúng ta, và gởi tiền mà Đức Chúa Trời rủa sả cho việc buôn thần bán thánh.”—John Lewis, History of the Life and Sufferings of J. Wiclif, trang 37. TT20 77.1
Sau khi về nước Anh không bao lâu, Wycliffe được vua mời làm khoa trưởng trường đại học Lutterworth. Điều này chứng tỏ rằng những lời thẳng thắn của ông đã không làm phật lòng vua. Wycliffe có ảnh hưởng nhiều trong triều đình cũng như trong dân chúng. TT20 77.2
Sấm sét của giáo hoàng không bao lâu nổi dậy nghịch cùng ông. Ba chỉ thị của giáo hoàng được gởi tới nước Anh: một cho trường đại học, một cho vua, và một cho các giám mục, truyền phải tức khắc dùng biện pháp quyết liệt cấm giáo sư đạo lạc ấy giảng dạy.—Augustus Neander, General History of the Christian Religion and Church, period 6, sec. 2, pt. 1, par. 8. Tuy nhiên, trướckhi nhận được chỉ thị, các giám mục đã nóng nảy đòi Wycliffe đến ứng hầu trước mặt họ để xử án. Nhưng có hai vương hầu quyền thế nhất trong nước đi theo ông đến tòa án; và dân chúng bao quanh tòa án tràn vào trong tòa, khiến các quan tòa sợ đến nỗi việc kiện tụng phải ngưng lại, và ông được trở về bình yên. Ít lâu sau, vua Edward III, người mà các giám mục xúi giục chống lại nhà Cải chánh, qua đời, và vị giám hộ ngày trước của Wycliffe lên làm người quản trị. TT20 77.3
Nhưng chiếu chỉ của giáo hoàng đã truyền lệnh độc đoán cho cả nước Anh là phải bắt và bỏ tù người theo dị giáo này. Cách trừng phạt là giàn hỏa. Chẳng bao lâu nữa Wycliffe chắc chắn là nạn nhân bị La Mã trả thù. Nhưng Đấng đã phán cùng một tổ phụ xưa kia, “Chớ sợ . . . Ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi” (Sáng thế Ký 15:1) lại giơ tay ra để che chở tôi tớ Ngài. Sự chết đã giáng xuống, chẳng phải cho nhà Cải chánh, nhưng cho giáo hoàng là người đã ra lệnh hủy diệt ông. Khi Giáo hoàng Gregory XI qua đời thì hàng giáo phẩm đã nhóm lại để xử Wycliffe đều phân tán. TT20 78.1
Đức Chúa Trời vẫn điều khiển các biến cố để phong trào Cải chánh có cơ hội phát triển. Sau khi Gregory qua đời, có cuộc bầu cử hai giáo hoàng thù nghịch nhau. Hai quyền lực chống đối nhau, ai cũng xưng mình là vô ngộ, và đòi hỏi sự phục tùng. Mỗi bên kêu gọi tín đồ mình tranh chiến cùng đối phương, truyền họ rủa sả kẻ thù nghịch, và hứa ban nước thiên đàng cho người ủng hộ mình. Biến cố này đã làm giảm quyền thế giáo hoàng rất nhiều. Vì hai bên bận việc tấn công nhau, nên Wycliffe được để yên. Hai phe nghịch nhau kịch liệt, rủa sả nhau, giết nhau, máu chảy lai láng, cũng chỉ vì tranh nhau quyền thế. Tội ác và vô đạo đức tràn ngập giáo hội. Trong lúc đó nhà Cải chánh được yên ổn tại giáo xứ Lutterworth, siêng năng dạy dỗ người ta đừng chú ý đến các giáo hoàng bất hòa, nhưng hãy hướng về Đức Chúa Giê-su, Chúa Bình an. TT20 78.2
Hố sâu chia rẽ này với sự tranh chấp và bại hoại đã mở mắt người ta thấy rõ chân tướng của các giáo hoàng và giúp dọn đường cho cuộc Cải chánh. Trong một bài do ông xuất bản, nói về Sự Chia Rẽ của các Giáo hoàng, Wycliffe kêu gọi độc giả hãy suy xét xem có phải hai giáo hoàng đã không nói lên sự thật khi họ tố cáo nhau là kẻ địch lại Đấng Christ. Ông nói, “Đức Chúa Trời không cho phép ma quỷ cai trị chỉ một giáo hoàng mà thôi, nhưng. . . tạo sự chia rẽ giữa họ, hầu cho những người tin danh Đấng Christ có thể thắng cả hai giáo hoàng dễ dàng hơn.”—R. Vaughan, Life and Opinions of John de Wycliffe, quyển 2, trang 6. TT20 78.3
Noi theo gương Chúa mình, Wycliffe rao giảng tin lành cho kẻ nghèo. Ông không thỏa lòng chỉ rao truyền lẽ thật cho những gia đình nghèo tại giáo xứ mình ở Lutterworth, ông quyết định đem ánh sáng truyền bá khắp cả nước Anh. Để đạt mục đích ấy, ông tổ chức một ban truyền đạo, gồm có những người đơn sơ và đạo đức, yêu mến lẽ thật, không muốn gì hơn là truyền bá lời Chúa. Họ đi khắp nơi, rao giảng lẽ thật ở các chợ búa, đường phố nơi các đô thị lớn và thôn quê. Họ thăm viếng những người già cả, đau ốm, nghèo khổ, chia sớt tin lành về ân điên của Đức Chúa Trời. TT20 78.4
Là giáo sư thần đạo tại Oxford, Wycliffe rao truyền lời Đức Chúa Trời trong các giảng đường. Sự trung thành trình bày lẽ thật cho các sinh viên khiến ông nhận tước hiệu “tiến sĩ phúc âm.” Nhưng công việc lớn nhắt của đời ông là dịch Kinh Thánh ra tiếng Anh. Trong tác phẩm nhan đề Lẽ Thật và Ý Nghĩa của Kinh Thánh, ông bày tỏ ý định muốn phiên dịch Kinh Thánh để mỗi người Anh có thể đọc được bằng tiếng bổn xứ những công việc lạ lùng của Đức Chúa Trời. TT20 79.1
Nhưng bỗng nhiên công việc của ông bị ngưng dứt. Mặc dù chưa được sáu mươi tuổi, mà ông đã già trước tuổi, vì làm việc quá độ, lao tâm lao lực, và sự tấn công của kẻ thù làm hao mòn sức khỏe ông. Các tu sĩ rất vui mừng khi hay tin ông đau nặng. Họ nghĩ rằng chắc ông phải cay đắng ăn năn việc nghịch cùng giáo hội, nên vội vàng đến phòng ông để nghe ông xưng tội. Những đại biểu của bốn tu viện và bốn chức viên dân chính, họp lại chung quanh người mà họ tưởng sắp chết. Họ nói, “Bây giờ tử thần ở trên môi ông, ông hãy hối cải các sự lỗi lầm của ông, và rút lại những điều ông đã làm tổn thương chúng tôi.” Nhà Cải chánh im lặng nằm nghe, đoạn nhờ người giúp việc đỡ mình ngồi dậy, rồi nhìn thẳng vào mặt những người chờ ông công khai rút lui, ông nói với họ bằng một giọng mạnh mẽ, quả quyết đã thường làm cho họ run sợ, “Tôi chẳng chết đâu, nhưng sẽ sống; và cứ tiếp tục phơi bày những hành động xấu xa của các tu sĩ.” —D'Aubigné, quyển 17, chương 7. Các tu sĩ lấy làm ngạc nhiên và xấu hổ, vội vàng ra khỏi phòng bệnh. TT20 79.2
Những lời của Wycliffe ứng nghiệm. Ông sống để đặt vào tay đồng hương mình một khí giới mạnh nhất để chống lại La Mã—đó là quyển Kinh Thánh, một nhân chứng do Trời chỉ định để giải phóng, soi sáng và rao truyền cho thế gian. Để hoàn thành công việc này, ông đã gặp rất nhiều trở ngại lớn lao. Wycliffe bị đau yếu; ông biết mình chỉ còn ít năm nữa để làm việc; ông thấy phải đương đầu với sự chống đối; nhưng những lời hứa của Đức Chúa Trời đã khiến ông can đảm và mạnh dạn tiến tới. Với quyền lực tri thức hoàn hảo, giàu kinh nghiệm, ông được Chúa bảo vệ và sửa soạn cho công việc đặc biệt này, một công việc lớn nhất trong đời ông. Trong lúc Cơ Đốc giáo đầy dẫy sự lộn xộn, nhà Cải chánh không lưu tâm đến giông tố bên ngoài, cứ chăm chỉ làm công việc đã lựa chọn trong giáo đường ở Lutterworth. TT20 79.3
Cuối cùng công việc đã hoàn tất—bản dịch đầu tiên của Kinh Thánh bằng tiếng Anh đã hoàn thành. Từ đây dân nước Anh có thể đọc lời Đức Chúa Trời. Nhà Cải chánh không còn sợ ngục thất hay giàn hỏa nữa. Người đã để trong tay dân chúng sự sáng mà không bao giờ dập tắt được. Đặt Kinh Thánh vào tay dân chúng tức là bứt dây xiềng của sự ngu dốt và tội ác, giải phóng và nâng cao đất nước, hơn những cuộc chiến thắng rực rỡ nhất trên bãi chiến trường. TT20 80.1
Nghệ thuật xuất bản hồi đó chưa có, người ta phải chép Kinh Thánh rất lâu và công phu lắm. Có đông người tình nguyện chép, nhưng cũng không đủ để thỏa đáp nhu cầu mọi người. Một số người giàu muốn mua toàn bộ Kinh Thánh. Những người khác chỉ mua một phần mà thôi. Thường thường nhiều gia đình chung nhau mua một bản Kinh Thánh để học. Như thế, bản dịch Kinh Thánh của Wycliffe chẳng bao lâu được phổ biến sâu rộng cho dân chúng. TT20 80.2
Lời kêu gọi của lý trí đã thức tỉnh nhiều người đang mù quáng phục tùng các tín điều của giáo hoàng La Mã. Bây giờ Wycliffe dạy kỹ lưỡng giáo lý Cải chánh—sự cứu rỗi bởi đức tin nơi Đấng Christ, và sự không sai lầm của Kinh Thánh. Các nhà truyền đạo ông phái đi đã sốt sắng phổ biến Kinh Thánh và những sách của nhà Cải chánh đã đem lại kết quả rất lớn, và chẳng bao lâu sau nửa dân số nước Anh tiếp nhận đức tin mới. TT20 80.3
Sự xuất hiện của Kinh Thánh đem lại sự lo sợ cho các nhà lãnh đạo trong giáo hội. Bây giờ họ phải tranh đấu với một quyền lực mạnh hơn Wycliffe. Bấy giờ ở nước Anh không có luật nào cấm phổ biến Kinh Thánh, vì sách ấy chưa bao giờ được xuất bản bằng tiếng bổn xứ. Nhưng luật này về sau được ban hành và được áp dụng cách mạnh mẽ. Trong khi đó, mặc dù các linh mục hết sức ngăn cấm phổ biến Kinh Thánh, người ta vẫn còn hưởng được trong một thời gian quyền tự do rao truyền lời Đức Chúa Trời. TT20 80.4
Một lần nữa, các nhà lãnh đạo giáo hoàng âm mưu để làm cho nhà Cải chánh phải im lặng. Ông được kêu gọi ra ứng hầu trước ba tòa án, nhưng không kết quả gì. Trước hết, hội nghị các giám mục tuyên bố rằng các sách của ông là tà giáo, và sau khi bắt phục được vua trẻ tuổi Richard II, họ xin vua ra chỉ thị bỏ tù tất cả những người tin theo đạo lý mà giáo hoàng đã lên án. TT20 80.5
Wycliffe chống án từ hội nghị đến Nghị viện, can đảm đòi hàng giáo phẩm ứng hầu trước quốc hội, và yêu cầu sửa đổi những sự lạm dụng của giáo hội. Ông miêu tả các sự lạm quyền và bại hoại của giáo hoàng, khiến cho những kẻ thù nghịch rất bối rối. Bạn hữu và những người theo phe ông bị bắt buộc nhượng bộ, và người ta mong chờ nhà Cải chánh cao tuổi cô độc này phục tùng quyền vua và giáo hoàng. Nhưng thay vào đó, phe giáo hoàng lại thất bại. Nhờ lời kêu gọi hùng hồn của Wycliffe, mà nghị viện thu hồi các chiếu chỉ bắt bớ và trả tự do cho nhà Cải chánh. TT20 81.1
Lần thứ ba ông bị đem đến trước tòa án, gồm có các hàng giáo phẩm cao cap trong nước. Hẳn nhiên, tòa án này rất khắc nghiệt đối với những ai họ gọi là tà giáo. Đã đến lúc La Mã có thể chiến thắng, và công việc của nhà Cải chánh sẽ bị ngăn cản. Đó là hy vọng của phe giáo hoàng. Nếu họ thực hiện được ý định này, thì Wycliffe phải bỏ giáo lý mình hay bị thiêu trên giàn hỏa. TT20 81.2
Nhưng Wycliffe không thối lui, mà cũng không liên kết với tội lỗi. Ông can đảm bênh vực giáo lý mình, và phản đối các sự vu cáo của những kẻ bắt bớ. Ông quên mình, quên hoàn cảnh mình, kêu gọi thính giả đến ứng hầu cùng ông trước tòa án Đức Chúa Trời, và cân nhắc những lời ngụy biện sai lầm của họ trên cán cân lẽ thật của Chúa. Đức Thánh Linh bày tỏ sự hiện diện của Ngài, khiến các thính giả ngồi im, không có sức lìa khỏi chỗ. Các lời của nhà Cải chánh giống như những mũi tên của Đấng Toàn năng, xuyên qua lòng người. Ông hùng hồn ném những lời buộc tội lại cho họ. Ông hỏi, Tại sao họ lại dám truyền bá sự sai lầm của họ. Sao dám bán ân điển của Đức Chúa Trời vì ham mê tiền bạc? TT20 81.3
Ông hỏi những kẻ thù nghịch, “Các ông chống nghịch cùng ai? Cùng một ong già sắp xuống mộ phải chăng? Không! Các ông chống lại Lẽ thật, và Lẽ thật mạnh hơn các ông, và cuối cùng sẽ thắng các ông.”—Wylie, quyển 2, chương 13. Rồi ông lìa khỏi tòa án, không một kẻ chống nghịch nào dám ngăn cản ông. TT20 81.4
Công việc của Wycliffe gần xong; cờ lẽ thật mà cánh tay mạnh mẽ ông giơ lên lâu nay sắp cất khỏi tay ông; nhưng một lần nữa ông phải làm chứng về tin lành lần cuối cùng. Lần này, lẽ thật được rao truyền ngay tại thành trì của sự sai lạc. Wycliffe bị đòi đến ứng hầu trước tòa án giáo hoàng tại La Mã, là tòa án thường làm đổ huyết các thánh. Ông biết những tai nạn mình sẽ gặp, nhưng sẽ đáp lại lời đòi hỏi, nếu không bị chứng tê liệt làm ngăn cản cuộc hành trình. Mặc dù lời ông không được nghe tại La Mã, thì ông có thể viết thư, và đó là điều ông quyết định làm. Từ đại học đường, nhà Cải chánh gởi cho giáo hoàng một bức thư rất lễ phép và biểu lộ tinh thần Cơ Đốc nhân, nhưng cũng là một sự trách móc đối với sự xa hoa, kiêu ngạo của quyền thế giáo hoàng. TT20 82.1
Wycliffe kết luận bức thư, “Tôi rất vui mừng bày tỏ và tuyên bố cho mọi người đức tin của tôi, đặc biệt là với giám mục La Mã: vì tôi tin rằng với tinh thần sáng suốt và chân thật, ông ta sẽ sẵn sàng xác nhận đức tin nói trên, hoặc nếu sai lầm, thì ông ấy sẽ sửa đổi. TT20 82.2
“Trước hết, tôi tin rằng phúc âm của Đấng Christ là bao gồm tất cả luật pháp của Đức Chúa Trời. . . . Tôi quả quyết rằng giám mục La Mã, vì là đại diện của Đấng Christ trên đất, thì ông ấy hơn tất cả mọi người khác, phải vâng giữ luật pháp của phúc âm. Vì sự cao trọng của môn đồ Đấng Christ không phải bởi sự oai nghiêm và tôn trọng của thế gian, nhưng bởi sự sống gần gũi và theo đúng cuộc đời và lối sống của Đấng Christ. . . . Trong thời gian ở trên đất, Đấng Christ là một người nghèo nhất, cùng cực nhất, và từ chối tat cả uy quyền và vinh dự của thế gian. . . . TT20 82.3
“Không một người trung thành nào phải theo giáo hoàng hay bất cứ thánh nhân nào, nhưng phải đi theo Đức Chúa Giê-su Christ; như Phi-e-rơ và hai con trai của Zê-bê-đi, giáo hoàng vì muốn vinh dự thế gian, trái với đường lối của Chúa, họ đã sai lầm, vì vậy, chúng ta không nên theo con đường của họ. . . . TT20 82.4
“Giáo hoàng phải giao tất cả quyền thế chính trị và lãnh đạo cho chính phủ, và chỉ lo việc khuyên dạy hàng giáo phẩm; vì chính Đấng Christ và các sứ đồ Ngài cũng làm như vậy. Vì thế, nếu tôi có sai lầm trong các điều này, thì tôi sẽ khiêm tốn nhận mọi sự sửa dạy, ngay cả phải chết, nếu cần; và nếu tôi có thể làm theo ý mình, thì tôi sẽ đến gặp giám mục La Mã; nhưng Chúa đã muốn tôi làm điều trái ngược lại, và Ngài đã dạy tôi phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là loài người. TT20 82.5
Kết luận ông viết, “Chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Trời khơi dậy lòng giáo hoàng Urban Vi, khi người bắt đầu chức vụ mình, hầu cho giáo hoàng và hàng giáo phẩm có thể đi theo Đức Chúa Giê-su Christ trong đời sống và hành động; để họ có thể dạy dân chúng cách hiệu nghiệm, và dân chúng có thể trung thành đi theo họ.”—John Foxe, Acts and Monuments, bộ 3, trang 49, 50. TT20 83.1
Wycliffe bày tỏ sự hiền lành và nhu mì của Đức Chúa Giê-su trước giáo hoàng và các hồng y giáo chủ để mọi người thấy sự khác biệt giữa hạng người này và Chúa của họ. TT20 83.2
Wycliffe tin chắc rằng ông sẽ phải chết vì lòng trung thành của mình. Vua, giáo hoàng, và các giám mục đều đồng ý lên án ông, và trong vài tháng sẽ đốt ông trên giàn hỏa. Nhưng sự can đảm của ông không lay chuyển. Ông nói, “Tại sao quý vị đi tìm mão triều thiên tử vì đạo ở những nơi xa? Quý vị chỉ cần giảng tin lành Đấng Christ cho các giám mục tự phụ, thì quý vị chắc chắn sẽ được tử vì đạo. Toi sống và làm thinh chăng? . . . Chẳng bao giờ! Tôi sẽ sẵn sàng chết vì duyên cớ Chúa.—D'Aubigné, quyển 17, chương 8. TT20 83.3
Nhưng Đức Chúa Trời vẫn che chở tôi tớ Ngài. Ông là người trọn đời can đảm bênh vực cho lẽ thật, hằng ngày gặp phải sự nguy hiểm, nhưng sẽ không trở nên nạn nhân của sự ghen ghét của kẻ thù mình. Wycliffe chẳng bao giờ nghĩ đến sự tự vệ, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng bảo vệ ông. Và khi kẻ thù tưởng bắt được ông, thì Chúa đã giải cứu ông khỏi tay họ. Trong khi chủ lễ tiệc thánh tại nhà thờ Lutterworth, ông té xuống và bị bại. Sau đó không bao lâu, ông qua đời. TT20 83.4
Đức Chúa Trời đã định cho Wycliffe một chức vụ. Ngài đặt lẽ thật trong miệng người, phù hộ người, để lời của Ngài được rao truyền cho dân chúng. Đời sống ông được bảo vệ, và công việc của ông gia thêm thời gian, cho đến khi ông đặt xong nền móng cho công việc Cải chánh vĩ đại. TT20 83.5
Xuất hiện từ sự tối tăm của thời Hắc Ám, Wycliffe không thể trông cậy nơi một người đi trước ông để làm công việc cải chánh. Được dấy lên như Giăng Báp-tít, để làm một sứ mạng đặc biệt, Wycliffe là nhà sáng lập một kỷ nguyên mới. Hệ thống lẽ thật của ông trình bày có sự hiệp nhất hoàn toàn. Các nhà Cải chánh sau ông, không trổi hơn ông, cả đến những nhà Cải chánh một trăm năm sau. Nền tảng ông đã đặt thật rộng, thật sâu và thật chắc, những người kế vị ông không cần phải đặt nền tảng khác. TT20 83.6
Phong trào khai mạc bởi Wycliffe đã giải phóng tinh thần, lương tâm, và cả dân tộc đã lâu bị trói buộc bởi La Mã, được thành công là nhờ quyền lực của Kinh Thánh. Đó là một nguồn phước hạnh từ thế kỷ thứ mười bốn, đã chảy tràn khắp thế gian. Với một đức tin đơn sơ, Wycliffe tiếp nhận Kinh Thánh là sự khải thị ý muốn Đức Chúa Trời, mẫu mực duy nhất của đức tin và hành đạo. Ông đã từng được dạy phải coi giáo hội La Mã là một quyền thế thánh thiện và không sai lầm, và phải chấp nhận cách mù quáng những sự dạy dỗ và nghi lễ sai lạc trong một ngàn năm. Nhưng ông đã không nghe những sự dạy dỗ của loài người, mà chỉ nghe theo lời Đức Chúa Trời, và kêu gọi mọi người phải vâng theo lời Chúa. Thay vì giáo hội nói bởi giáo hoàng, ông tuyên bố chỉ có một quyền lực chân thật là tiếng phán của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Ông dạy rằng Kinh Thánh chẳng những là sự khải thị của Đức Chúa Trời, mà Đức Thánh Linh là Đấng thông giải duy nhất của Kinh Thánh, và chỉ bởi nghiên cứu kỹ lưỡng lời Chúa mà mỗi người biết được bổn phận mình. Dường ấy, ông hướng dẫn tâm trí người ta đi xa khỏi giáo hoàng và Giáo hội La Mã, và dẫn họ trở về với lời Đức Chúa Trời. TT20 84.1
Wycliffe là một trong những nhà Cải chánh vĩ đại nhất. Ông có tư tưởng sáng suốt, tinh thần minh mẫn, cương quyết giữ vững và can đảm bênh vực cho lẽ thật, về sau ít người được bang ông. Một đời sống trong sạch, siêng năng nghiên cứu và làm việc, một đời sống thanh liêm, một tinh thần hy sinh và yêu thương của Cơ Đốc nhân trong chức vụ, đó là những đức tính của nhà Cải chánh đầu tiên, dù phải sống trong thời kỳ tối tăm về tinh thần và bại hoại về luân lý. TT20 84.2
Bản tính của Wycliffe là một lời chứng tỏ tường về giáo dục và quyền phép cải hóa của Kinh Thánh. Nhờ lời Chúa mà đời sống của ông được biến đổi. Sự cố gắng học các lẽ thật vĩ đại do Chúa khải thị đã đem lại sức mới và quyền lực cho các tài năng. Kinh Thánh mở mang tâm trí, trau dồi kiến thức, phát triển sự phán đoán. Sự học hỏi Kinh Thánh sẽ nâng cao tư tưởng, tình cảm, và gây cảm hứng hơn tất cả các môn học khác. Kinh Thánh đem lại mục đích, kiên nhẫn, can đảm, và cương quyết; huấn luyện tính tình và thánh hóa tâm hồn. Học Kinh Thánh với lòng sốt sắng và kính cẩn, sẽ đem tâm trí học viên thông công trực tiếp với tâm trí vô hạn của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh tạo cho thế gian những nhân vật có tinh thần mạnh mẽ, sáng suốt, cao thượng hơn là những sự huấn luyện hay nhất của triết lý loài người. Thi thiên 119:130 nói, “Sự bày giãi lời Chúa, soi sáng cho, ban sự thông hiểu cho người thật thà.” TT20 84.3
Các giáo lý của Wycliffe còn được tiếp tục rao truyền trong một thời gian. Các môn đồ của ông được gọi là Wycliffites và Lollards, sốt sắng truyền bá lời sự sống, chẳng những ở nước Anh mà còn ở những nước khác nữa. Bây giờ người lãnh đạo của họ đã ra đi, các nhà truyền giảng còn làm việc hăng say hơn trước nữa, và dân chúng đổ xô đến nghe họ giảng dạy. Trong số những người trở lại đạo gồm có các nhà quý phái và hoàng hậu. Trong nhiều nơi, có sự cải cách rõ rệt về phong tục và người ta bỏ đi các hình tượng trong các nhà thờ. Nhưng không bao lâu cơn bão tố bách hại lại nổi dậy, bắt bớ những người dám chấp nhận Kinh Thánh. Các vua nước Anh muốn giữ vững ngôi nước mình, nên nương tựa nơi La Mã, và không ngần ngại hy sinh các nhà Cải chánh. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, sự hình phạt đốt trên giàn hỏa được thi hành cho các môn đồ theo tin lành. Những người tử vì đạo càng ngày càng thêm. Những người rao truyền lẽ thật bị bắt bớ, tra tấn, chỉ biết kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va vạn quân. Bị săn đuổi như kẻ thù của hội thánh và phản quốc, họ tiếp tục rao giảng cách kín giấu, tìm nơi tạm trú trong các gia đình nghèo, và thường thường ẩn núp trong các hang động. TT20 85.1
Mặc dù có sự bắt bớ tàn ác, con cái Chúa vẫn bình tâm tiếp tục công việc cải chánh cách sốt sắng, kiên nhẫn trải qua các thế kỷ, để chống lại sự tin tưởng bại hoại của La Mã. Những Cơ Đốc nhân chân chánh trong thời đó, chỉ biết một phần le thật, nhưng họ yêu mến và vâng lời Đức Chúa Trời, can đảm chịu khổ vì lẽ thật. Cũng như trong thời các sứ đồ, nhiều người hy sinh của cải mình vì duyên cớ Đấng Christ. Những người còn được nhà ở thì tiếp rước anh em mình đã bị trục xuất khỏi xứ, và đến phiên mình, họ cũng phải bỏ nhà ra đi, vui lòng chịu sự bắt bớ. Nhưng buồn thay có hằng ngàn người, khiếp sợ các kẻ bắt bớ hung dữ, đã chối bỏ đức tin để được tự do, ra khỏi ngục thất, ăn năn sám hối, và công khai khước từ tín ngưỡng của mình. Nhưng trái lại trong vòng quý tộc cũng như thường dân, nhiều người mạnh dạn làm chứng về lẽ thật trong các ngục tối, và trong các “tháp Lollard,” họ vui mừng được dự phần “đau khổ với Chúa” giữa cảnh tra tấn và trên giàn hỏa. TT20 85.2
Các người theo phe giáo hoàng chưa thực hiện được ý muốn mình với Wycliffe trong khi ông còn sống, nên sự ghen ghét của họ vẫn chưa được thỏa mãn khi ông nằm yên trong mồ. Hơn bốn mươi năm sau khi ông qua đời, Hội nghị Constance ban hành một chỉ dụ truyền hốt cốt ông đốt trước công chúng, rồi rải tro xuống suối. Một tác giả lão niên đã viết, “Cái suối ấy đã đem tro đến Avon, và Avon đã đem đến Severn, Severn đã đem đến biển nhỏ, sau đó đem đến đại dương. Và như vậy, tro của Wycliffe tiêu biểu cho giáo lý của ông, ngày nay được rao truyền khắp cả thế gian.”—T. Fuller, Church History of Britain, quyển 4, sec. 2, par. 54. Những kẻ thù của ông không ý thức được kết quả của hành động gian ác họ. TT20 86.1
Nhờ ảnh hưởng các sách của Wycliffe mà John Huss tại Bô-hê-mia đã bỏ những sự sai lầm của giáo hội La Mã và bắt tay vào công việc cải chánh. Hai xứ tuy cách xa nhau, nhưng đều tiếp nhạn hột giống lẽ thật. Từ xứ Bô-hê-mia, ánh sáng lẽ thật được lan tràn qua nhiều nước khác. Nhiều linh hồn được hướng dẫn trở về với lời Đức Chúa Trời đã bị lãng quên từ lâu. Cánh tay của Chúa đã dọn đường cho cuộc Cải chánh Vĩ đại. TT20 86.2