Thiện Ác Đấu Tranh

39/44

37—Kinh Thánh Là Sự Bảo Vệ

HÃY THEO luật pháp và lời chứng! Nếu dân chẳng nói như vậy, chắc sẽ chẳng có rạng đông cho nó” (Ê-sai 8:20). Dân sự Đức Chúa Trời tiếp nhận Kinh Thánh như sự bảo vệ của họ, để chống lại ảnh hưởng của các nhà thầy giáo giả và quyền lực hủy diệt của các thần tối tăm. Satan dùng mọi phương pháp để ngăn chặn loài người hiểu biết Kinh Thánh; vì lời dạy rõ ràng của Kinh Thánh phơi bày sự lường gạt của hắn. Trong một cuộc phục hưng công việc Đức Chúa Trời, chúa của điều ác hoạt động hăng say hơn; hắn đang dồn dập nỗ lực lớn, để chuẩn bị một cuộc chiến cuối cùng chống lại Đấng Christ và các môn đồ Ngài. Sự lừa gạt lớn lao cuối cùng sắp diễn ra trước chúng ta. Kẻ địch lại Đấng Christ sẽ thực hiện những phép lạ trước mắt chúng ta. Điều giả sẽ giống hệt điều thật, và nếu không nhờ Kinh Thánh thì không thể phân biệt được. Vậy mỗi lời nói, mỗi phép lạ, đều phải được thử nghiệm bởi Kinh Thánh. TT20 523.1

Những người cố gắng vâng giữ tất cả luật pháp Đức Chúa Trời sẽ bị chong đối và chế nhạo. Họ chỉ có thể đứng vững trong Chúa mà thôi. Để chịu đựng sự thử thách, họ phải hiểu rõ ý muốn Đức Chúa Trời được bày tỏ qua lời của Ngài; họ không thể nào tôn trọng Ngài nếu không có một nhận thức đúng về bản tính, chính sách và mục đích của Ngài, để hành động theo ý muốn thánh của Ngài. Chỉ những người nào nhờ lẽ thật của Kinh Thánh để tâm linh được vững mạnh thì mới đứng nổi trong trận chiến cuối cùng. Mỗi linh hồn phải tự hỏi, “Ta sẽ vâng phục Đức Chúa Trời hay vâng phục loài người?” Giờ quyết định đã đến rồi. Chân của chúng ta có đặt trên vầng đá vững chắc là lời không thay đổi của Đức Chúa Trời chăng? Chúng ta có sẵn sàng cương quyết bênh vực điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Giê-su chăng? TT20 523.2

Trước khi bị đóng đinh, Đấng Cứu Thế đã giải thích với các môn đồ là Ngài sẽ bị giết, rồi Ngài sẽ sống lại, và các thiên sứ sẽ hiện diện để ghi tạc lời Ngài vào tâm trí họ. Vậy mà các môn đồ lại chờ đợi một sự giải thoát tạm thời khỏi ách của người La Mã, và họ không thể nào hiểu nổi Đấng mà họ từng đặt hết hy vọng sẽ trải qua một cái chết nhục nhã. Những lời cần phải nhớ họ lại quên mất; và khi sự thử thách đến, thì họ lại chưa sẵn sàng. Cái chết của Đức Chúa Giê-su làm tiêu tan mọi hy vọng của họ như Ngài chưa bao giờ cảnh cáo họ. Qua những lời tiên tri, chúng ta thấy tương lai được bày tỏ rõ ràng như chính Ngài đã phán cho các môn đồ. Những biến cố liên quan tới sự kết thúc thời kỳ ân điển và chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn, đều được trình bày rõ ràng. Nhưng dân chúng không hiểu gì về những lẽ thật quan trọng này như họ chưa bao giờ được khải thị. Sa-tan chờ mọi cơ hội để đánh tan mọi cảm nghĩ của họ về sự cứu rỗi, và khi thời kỳ thử thách đến họ chưa sẵn sàng. TT20 524.1

Khi Đức Chúa Trời truyền cho loài người những lời cảnh báo quan trọng, tiêu biểu bằng những thiên sứ thánh bay giữa trời mà rao báo, thì Ngài đòi hỏi những ai biết suy luận đều phải nghe theo sứ mạng đó. Sự phán xét kinh khiếp dành cho con thú và hình tượng nó (Khải huyền 14:9-11), buộc cả thế gian phải chuyên cần nghiên cứu những lời tiên tri, hầu cho họ hiểu biết dấu con thú là gì, và phải làm sao để khỏi nhận dấu của nó. Nhưng dân chúng bịt tai không nghe lẽ thật và hướng về chuyện huyễn. Sứ đồ Phao-lô nhìn về những ngày sau rốt, kêu lên, “Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành” (2 Ti-mô-thê 4:3). Thời kỳ đó đã đến rồi. Dân chúng không chịu tiếp nhận lẽ thật của Kinh Thánh, vì nó ngăn trở những ham muốn của lòng dạ tội lỗi, yêu mến thế gian; và Sa-tan đem lại những sự lừa dối mà họ ưa thích. TT20 524.2

Nhưng Đức Chúa Trời sẽ có một nhóm dân trong thế gian còn bảo tồn Kinh Thánh, và Kinh Thánh mà thôi, làm tiêu chuẩn cho mọi giáo lý và nền tảng của mọi cải cách. Ý kiến của những nhà thông thái, sự diễn dịch của khoa học, tín điều hay quyết nghị của các hội nghị tôn giáo thật là nhiều và hỗn tạp như các hội thánh họ đang đại diện—tiếng nói của đa số—không một điều nào hoặc tất cả những điều này được coi như là khởi điểm của đức tin tôn giáo. Trước khi chấp nhận một giáo lý hay tín điều nào, chúng ta nên xem xét coi có được minh chứng bằng câu, “Có lời Chúa phán rằng.” TT20 525.1

Sa-tan không ngớt cố gắng làm cho người ta chú ý đến loài người thay vì Đức Chúa Trời. Hắn xúi giục dân sự xem các vị giám mục, mục sư, giáo sư thần học, như là hướng dẫn viên của họ, thay vì tra cứu Kinh Thánh để tự tìm hiểu họ có bổn phận gì. Sau đó, hắn kiểm soát lý trí của những nhà lãnh đạo này hầu để gây ảnh hưởng trên dân chúng tùy theo ý hắn. TT20 525.2

Khi Đấng Christ giảng về lời hằng sống, chỉ có giai cấp bình dân lắng nghe Ngài cách vui mừng; và nhiều người, kể cả những thầy tế lễ và kẻ cầm quyền tin Ngài. Tuy nhiên, thầy tế le cả và các nhà lãnh đạo quốc gia quyết định lên án và bác bỏ sự dạy dỗ của Ngài. Dù họ that vọng trong mọi cố gắng tìm cách tố cáo Ngài, dù họ cảm biết trong lời Ngài có ảnh hưởng của quyền lực và sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời, họ vẫn giữ thành kiến và phủ nhận chứng cớ rõ ràng về thần tính của Ngài, e rằng chính họ sẽ trở thành môn đồ của Ngài chăng. Những kẻ chống đối Đức Chúa Giê-su là những người mà dân chúng ngay từ thời thơ ấu đã phải học kính nể và bái phục trước uy quyền của họ. Họ hỏi, “Tại sao các nhà lãnh đạo và các thầy thông giáo của chúng ta không tin Giêsu? Nếu Giê-su quả là Đấng Christ thì tại sao các bậc đáng kính đó không tiếp nhận Ngài?” Đó chính là ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo đã khiến ca quốc gia Do Thái chối bỏ Đấng Cứu Thế. TT20 525.3

Tinh thần khích động của các thầy tế lễ và các nhà cầm quyền vẫn còn thấy biểu lộ ở nhiều người bề ngoài có vẻ đạo đức. Họ từ chối tra xét lời chứng của Kinh Thánh về lẽ thật đặc biệt cho thời đại này. Dựa vào số đông, sự giàu có, và ảnh-hưởng của họ, và nhìn xem cách khinh dể những người binh vực lẽ thật, coi là một số người ít ỏi, nghèo khổ, không có ảnh hưởng, có một đức tin tách họ ra khỏi thế gian. TT20 525.4

Đấng Christ thấy trước sự tự phụ về uy quyền của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, sẽ không chấm dứt vào lúc dân Do Thái bị tản lạc khắp nơi. Bằng cặp mắt của một Đấng tiên tri, Chúa đã nhìn thấy người ta đề cao quyền thế của con người để điều khiển lương tâm, đó là một sự rủa sả kinh khủng cho hội thánh trải qua các thời đại. Lời tố cáo đáng sợ của Ngài về các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, sự canh giác dân sự đừng theo các nhà lãnh đạo mù quáng ấy, cũng là lời cảnh cáo cho các thế hệ về sau. TT20 526.1

Giáo hội La Mã dành cho hàng giáo phẩm quyền giải nghĩa Kinh Thánh. Lấy cớ là chỉ có hang giáo phẩm mới có đủ khả năng để giải thích lời Đức Chúa Trời nên người ta đã tước đoạt quyền đó nơi dân chúng. Dù phong trào Cải chánh đã đem Kinh Thánh đến tay mọi người, thì chính nguyên tắc của La Mã giáo đã ngăn cản số đông tín đồ Cải chánh tự tra cứu Kinh Thánh. Họ được dạy dỗ nên tiếp nhận những lời giáo huấn như được giải nghĩa bởi hội thánh; do đó mà hằng ngàn người vẫn không dám tin những điều khải thị rõ ràng trong Kinh Thánh, bởi những điều này trái hẳn với tín điều của họ hoặc những sự dạy dỗ do hội thánh đề ra. TT20 526.2

Dù Kinh Thánh đầy dẫy những lời cảnh cáo về các giáo sư giả, nhiều người chẳng ngần ngại giao phó linh hổn mình cho hàng giáo sĩ. Ở thời đại chúng ta, hằng ngàn người tự xưng có đạo nhưng không thể giải thích lý do nào khác hơn về sự tin đạo của mình, ngoài việc nhìn nhận là được các nhà lãnh đạo tôn giáo dạy dỗ như thế. Họ đã bỏ qua sự dạy dỗ của Đấng Cứu Thế, và đặt trọn niềm tin vào lời nói của các nhà truyền đạo. Nhưng các vị ấy có lầm lỗi không? Làm sao chúng ta có thể giao phó linh hổn chúng ta cho sự hướng dẫn của họ nếu không bởi lời Chúa để biết họ là sứ giả của lẽ thật? Vì không đủ can đảm để từ bỏ con đường quen thuộc của thế gian, mà nhiều người đã theo chân của những nhà trí thức; và bởi họ không thích tự học hỏi, họ trở nên vô hy vọng và bị ràng buộc vào những sợi dây xích sai lầm. Họ đã thấy lẽ thật cho thời đại này được tỏ bày rõ ràng trong Kinh Thánh; họ cảm thấy có quyền phép Đức Thánh Linh trong đó; vậy mà họ đã để cho sự chống đối của hàng giáo phẩm dẫn họ ra khỏi ánh sáng. Dù lý trí và lương tâm họ đã bị chinh phục, những linh hổn mù quáng này vẫn không dám nghĩ điều gì khác hơn các nhà truyền đạo; và đã hy sinh sự phán đoán cá nhân và quyền lợi của mình cho sự không tin kính, kiêu hãnh và thành kiến của kẻ khác. TT20 526.3

Qua ảnh hưởng của loài người, Sa-tan đã dùng nhiều phương cách để vây hãm tội nhân. Hắn đã kéo vô số người về với hắn bằng những sợi giây tình cảm, để trói buộc họ chung với kẻ thù của thập tự giá Đấng Christ. Dù sự ràng buộc với cha mẹ, con cái, vợ chồng, hay xã hội, kết quả vẫn như nhau; kẻ thù của lẽ thật đã dùng quyền lực của hắn để kiêm soát lương tâm, và linh hồn nào ở dưới chủ quyền hắn, không còn đủ can đảm hay tự chủ để làm tròn bổn phận. TT20 527.1

Lẽ thật và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề tách rời nhau; với Kinh Thánh trong tay, chúng ta không thể tôn vinh Chúa với những ý kiến sai lầm. Nhiều người cho rằng điều họ tin không quan trọng, miễn là họ sống thánh thiện. Nhưng chính đức tin uốn nần đời sống mình. Nếu sự sáng và lẽ thật ở trong tầm tay chúng ta, mà chúng ta dửng dưng không nắm lấy đặc ân để được nghe, được thấy, thì chúng ta đã từ chối ân phước đó rồi; chúng ta đã chọn lấy sự tối tăm mà từ bỏ ánh sáng. TT20 527.2

“Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người, nhưng cuối cùng nó thành ra cái nẻo sự chết” (Châm ngôn 16:25). Sự ngu muội chẳng phải là một lời bào chữa cho sự lầm lẫn hay tội lỗi, khi người ta có mọi cơ hội để hiểu biết ý muốn Đức Chúa Trời. Ví dụ một du khách kia đến một nơi có nhiều ngả đường, nhờ có bảng chỉ hướng mà người biết được đường nào đưa tới đâu. Nhưng nếu người ấy không để ý đến bảng chỉ dẫn, mà lựa theo ý riêng mình, thì mặc dù rất thành thật, người đó cũng đã đi vào con đường sai lầm. TT20 527.3

Đức Chúa Trời đã ban lời Ngài để chúng ta làm theo sự dạy dỗ của Ngài, và biết Ngài đòi hỏi gì nơi chúng ta. Khi một luật gia đến hỏi Đức Chúa Giê-su, “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Đấng Cứu Thế trưng dẫn Kinh Thánh và nói với người, “Luật pháp đã viết gì? Ngươi có đọc không?” Già hay trẻ không thể bào chữa cho sự ngu muội của mình và thoát khỏi hình phạt bởi sự vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời; vì trong tay họ đã sẵn có Kinh Thánh giải bày cách trung trực, luật pháp và sự đòi hỏi của Ngài. Có ý định tốt, làm theo điều mình tưởng là tốt, hoặc nhà truyền đạo cho là đúng, vẫn chưa đủ. Sự cứu rỗi linh hồn là vấn đề cá nhân, nên mỗi người phải học Kinh thánh cho bản thân mình. Dù một người có lòng xác tín mạnh mẽ, dù người tin tưởng là nhà truyền đạo có lẽ thật, những điểm đó không phải là nền tảng của đức tin. Có một bản đồ chỉ rõ những dấu hiệu trên con đường đi đến thiên quốc, vậy không nên phỏng đoán bất cứ điều gì. TT20 527.4

Bổn phận đầu tiên và cần thiết đối với bất cứ người nào có lý trí, là học về lẽ thật trong Kinh Thánh, rồi bước đi trong sự sáng và khuyến khích người khác theo gương mình. Mỗi ngày chúng ta phải chuyên cần nghiên cứu Kinh Thánh, cân nhắc từng tư tưởng và so sánh câu này với câu khác. Với sự tiếp trợ thiên thượng, chúng ta phải tập có ý kiến cho riêng mình, vì chúng ta sẽ phải trả lời trước Đức Chúa Trời về mọi việc làm của mình. TT20 528.1

Những lẽ thật được giải bày rõ ràng trong Kinh Thánh lại bị các nhà trí thức nghi ngờ và coi là tối tăm. Với sự khôn ngoan giả tạo, họ dạy rằng Kinh Thánh có một ý nghĩa huyền bí, sâu kín, thiêng liêng mà ngôn ngữ không diễn tả nổi. Họ là những giáo sư giả. Chính hạng người này mà Đức Chúa Giê-su đã nói, “Há chẳng phải các ngươi lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng không hiểu quyền phép Đức Chúa Trời sao?” (Mác 12:24). Ngôn ngữ của Kinh Thánh phải được giải thích theo ý nghĩa rõ ràng nhất, ngoại trừ một biểu tượng hay hình bóng được áp dụng. Đấng Christ có hứa, “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý Ta” (Giăng 7:17). Nếu loài người đọc Kinh Thánh theo đúng ý nghĩa, và nếu không có những giáo sư giả làm lạc lối và gây hoang mang cho họ, thì công việc cứu linh đã kết thúc, đem lại niềm vui cho các thiên sứ, và dắt về Chúa hằng ngàn người đang lang thang trên con đường lầm lạc. TT20 528.2

Chúng ta phải tận dụng tất cả khả năng trí tuệ để nghiên cứu Kinh Thánh, và cố gắng thấu hiểu những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời trong phạm vi con người chúng ta; tuy nhiên chớ nên quên rằng muốn hiểu Kinh Thánh chúng ta phải có tinh thần học hỏi và phục tùng của một con trẻ. Chúng ta không thể giải nghĩa những điểm khó hiểu của Kinh Thánh bằng cách áp dụng cùng một phương pháp như đối với các vấn đề triết lý. Chúng ta không nên nghiên cứu Kinh Thánh với lòng tự tin như những người nghiên cứu khoa học; nhưng phai có tinh thần lệ thuộc vào Đức Chúa Trời và với lòng ao ước chân thành là muốn tìm hiểu ý Chúa. Chúng ta hãy đến với tinh thần khiêm nhường và dễ dạy để học hỏi từ Đấng Tự Hữu. Nếu không, các quỷ sứ sẽ làm cho trí óc chúng ta mờ tối, tâm hồn chúng ta cứng rắn, đến nỗi lẽ thật không gây được một ấn tượng nao hết. TT20 528.3

Có nhiều đoạn trong Kinh Thánh mà các nhà trí thức cho là huyền bí, hoặc không quan trọng, nhưng đối với người nào học tại trường của Đấng Christ, thì những đoạn đó lại có nhiều lời khích lệ và giáo dục. Một trong những lý do tại sao nhiều nhà thần học không thông suốt Kinh Thánh, là vì họ nhắm mắt trước những lẽ thật mà họ không muốn thực hành. Muốn hiểu lẽ thật Kinh Thánh, không lệ thuộc nhiều vào khả năng trí tuệ, nhưng lệ thuộc vào mục đích duy nhất, sự ước muốn tha thiết tìm kiếm sự công bình. TT20 529.1

Đừng bao giờ nghiên cứu Kinh Thánh mà không cầu nguyện. Chỉ có Đức Thánh Linh mới làm cho chúng ta cảm thấy sự quan trọng của những điều dễ hiểu, hoặc ngăn cản chúng ta giải sai những lẽ thật khó hiểu. Nhiệm vụ của các thiên sứ là chuẩn bị tâm hồn chúng ta để hiểu lời Đức Chúa Trời hầu chúng ta say mê những nét đẹp, được khuyên dạy bởi những lời cảnh báo, được sot sắng và vững mạnh nhờ những lời hứa của Ngài. Chúng ta hãy cầu xin như tác giả Thi thiên, “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi thiên 119:18). Thường khi chúng ta cảm thấy khó chống lại sự cám dỗ, bởi vì chúng ta hờ hững cầu nguyện và nghiên cứu Kinh Thánh, nên không thể nào nhớ lại những lời hứa của Đức Chúa Trời để đương đầu với Sa-tan bằng lời Chúa là vũ khí của chúng ta. Nhưng các thiên sứ bao bọc những người thích học những điều thiêng liêng; và trong lúc gặp khó khăn, chính thiên sứ nhắc nhở họ những lẽ thật mà họ đang cần đến. “Khi kẻ thù đến như nước lụt, Thần của Chúa sẽ giơ cao lá cờ chống lại nó” (Ê-sai 59:19, phỏng dịch Kinh Thánh - King James Version). TT20 529.2

Đức Chúa Giê-su đã phán cùng các môn đồ Ngài, “Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại mọi điều Ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26). Nhưng trước hết chúng ta phải ghi nhận những lời dạy dỗ của Đang Christ trong trí óc, rồi khi gặp khó khăn, Đức Thánh Linh mới có thể nhắc chúng ta nhớ lại, “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa” (Thi thiên 119:11). TT20 529.3

Những ai đánh giá cao quyền lợi vĩnh cửu của mình, nên coi chừng sự hoài nghi. Các cột trụ lẽ thật sẽ bị chống đối. Chúng ta khó đứng ra ngoài vòng nhạo báng, ngụy biện và những sự dạy dỗ quỷ quyệt, độc hại của sự vô tín ngày nay. Sa-tan cám dỗ mọi tầng lớp. Hắn công kích những người thất học bằng sự đùa cợt hay chế giễu, trong khi đó hắn lại đến với những người trí thức bằng những lý luận khoa học hay triết học, cùng một mục đích tạo sự nghi ngờ và khinh thường Kinh Thánh. Ngay cả thế hệ trẻ thiếu kinh nghiệm cũng tỏ ra nghi ngờ những nguyên tắc căn bản của Cơ Đốc giáo. Mặc dẫu nong cạn, sự bất tín của giới trẻ cũng gieo anh hưởng xấu xa. Một số đông dám chế nhạo đức tin của cha mình và khinh lờn ân điển Đức Thánh Linh. (Hê-bêrơ 10:29). Có nhiều đời sống đầy hứa hẹn, làm sáng danh Đức Chúa Trời và là nguồn ơn phước cho thế gian, lại bị khô héo và ô nhiễm bởi sự bất tín. Ai tin sự suy đoán kiêu hãnh của con người, tưởng rằng có thể giải thích được những mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, và đạt đến lẽ thật mà không cần sự trợ giúp khôn ngoan của Chúa, sẽ bị lọt vào bẫy của Sa-tan. TT20 529.4

Chúng ta đang sống trong thời kỳ trọng đại nhất của lịch sử thế giới. Số phạn cua dân cư trên đất sắp được định đoạt. Hạnh phúc tương lai của chúng ta, cũng như sự cứu rỗi của những linh hồn khác, tùy thuộc vào con đường mà chúng ta đang theo đuổi. Chúng ta cần được Thần Lẽ thật hướng dẫn. Mỗi môn đồ của Chúa nên cầu khẩn, “Lạy Chúa, Ngài muốn con làm gì?” Chúng ta phải hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời bằng sự kiêng ăn và cầu nguyện, bền lòng suy gẫm lời Chúa, đặc biệt những điều nói về sự phán xét. Bây giờ chúng ta hãy tìm kiếm một kinh nghiệm sâu xa và sống động về những điều của Đức Chúa Trời. Chúng ta không nên lãng phí một giây phút nào. Những biến cố quan trọng đang xảy ra chung quanh chúng ta; chúng ta đang sống trong vùng mê hoặc cua Sa-tan. Hỡi những lính canh của Đức Chúa Trời, chớ mê ngủ; kẻ thù đang rình rập tấn công, sẵn sàng bất cứ lúc nào, nếu bạn thờ ơ hay ngủ thiếp đi, nó sẽ sẵn sàng vồ lấy bạn như ác thú vồ một con mồi. TT20 530.1

Nhiều người tự dối mình về tình trạng thật sự của họ trước mặt Đức Chúa Trời. Họ khoe về những lỗi lầm mà họ đã không vấp phạm, nhưng lại quên kê khai những hành động lương thiện và cao quý mà Chúa đã đòi hỏi, nhưng họ chểnh mảng không làm. Họ là cây trong vườn của Chúa, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Họ phải đáp ứng sự đòi hỏi của Ngài, là phải sinh trái. Họ phải chịu trách nhiệm về sự chểnh mảng làm điều thiện mà họ có thể làm, qua ân điển của Chúa. Trong sổ thiên đàng, họ được ghi vào đó như kẻ choán chỗ trên đất. Tuy nhiên trường hợp của những người này không phải là tuyệt vọng. Đối với những người coi thường sự thương xót của Đức Chúa Trời và lạm dụng ân điển Ngài, Ngài vẫn chậm giận và phán, “Cho nên có chép rằng: Ngươi đương ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi. Hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em. . . . Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:14-16). TT20 530.2

Khi cơn thử thách đến, những người lấy lời Đức Chúa Trời làm mực thước cho đời sống sẽ được phân biệt rõ ràng. Mùa hè đến, ta không thấy sự khác biệt giữa những cây vạn trường thanh và các cây khác; nhưng khi ngọn bấc của mùa đông tới, những cây vạn trường thanh không thay đổi, còn những cây khác thì trơ trụi hết lá. Cũng một thể ấy, hiện nay khó phân biệt giữa những người tin kính giả dối với những Cơ Đốc nhân chân chính, nhưng rồi sẽ đến lúc sự khác biệt hiện ra rõ ràng. Cứ để cho sự chồng đối nổi dậy, sự cuồng tín và đàn áp tôn giáo thống trị, sự bắt bớ tái diễn, những kẻ theo không hết lòng và giả hình sẽ lung lay và chối bỏ đức tin; nhưng những Cơ Đốc nhân chân chính sẽ đứng vững như vầng đá kiên cố, đức tin họ mạnh hơn, niềm hy vọng sáng tỏ hơn những ngày thịnh vượng. TT20 531.1

Tác giả Thi thiên nói, “Vì tôi suy gẫm các chứng cớ Chúa.” “Nhờ giềng mối Chúa tôi được sự thông sáng; vì vậy, tôi ghét mọi đường giả dối” (Thi thiên 119:99, 104). TT20 531.2

“Người nào tìm đặng sự khôn ngoan, và được sự thông sáng, có phước thay!” “Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo giòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt” (Châm ngôn 3:13; Giê-rê-mi 17:8). TT20 531.3