Thiện Ác Đấu Tranh

31/44

29—Nguồn Gốc Tội Lỗi

ĐỐI VỚI nhiều người, nguồn gốc và lý do của tội lỗi thật là một vấn đề hết sức phức tạp. Thấy hành động tội lỗi và những kết quả kinh khủng của nó, họ hỏi làm sao mọi việc này có thể hiện hữu dưới sự cai trị của một Đấng quyền phép vô cùng, đầy dẫy sự khôn ngoan và yêu thương. Đây là sự mầu nhiệm mà họ không giải nghĩa được, và trong sự mơ hồ và nghi ngờ, họ đã nhắm mắt không thấy những lẽ thật cần thiết cho sự cứu rỗi được bày tỏ ro ràng trong lời Chúa. Có những người khi tìm hiểu về sự hiện hữu của tội lỗi, đã cố gắng tìm hiểu những điều mà Đức Chúa Trời không bao giờ bày tỏ; vì vậy họ không tìm được giải pháp cho những khó khăn của mình; nên sinh ra nghi ngờ và tự biện luận, rồi lấy đó là một cớ để chối bỏ Kinh Thánh. Những người khác, không hiểu vấn đề tội lỗi vì lời truyền khẩu và chú giải sai lời Chúa, đã làm mờ tối sự dạy dỗ của Kinh Thánh về bản tính Đức Chúa Trời, về chính phủ Ngài, và những nguyên tắc mà Ngài dùng để đối phó với tội lỗi. TT20 434.1

Chúng ta không thể giải nghĩa được nguồn gốc tội lỗi, vì nếu giải nghĩa được tức là nhìn nhận có lý do cho tội lỗi. Nhưng người ta có thể hiểu được tội lỗi phát xuất từ đâu, và sự hủy diệt cuối cùng của tội lỗi là để biểu lộ hoàn toàn sự công bình và thương xót của Đức Chúa Trời trong đường lối Ngài đối với tội ác. Kinh Thánh dạy rõ ràng Đức Chúa Trời không chịu trách nhiệm về sự xâm nhập của tội ác trong thế gian; Ngài không rút lại ân điển Ngài cách độc đoán, và không có một khuyết điểm nào trong chính phủ của Ngài để có thể gây ra sự phản nghịch. Tội lỗi đã xâm nhập, và không có lý do cho sự hiện hữu của tội lỗi. Đó là một sự mầu nhiệm, không thể giải nghĩa được; dung thứ cho tội lỗi là bênh vực cho tội lỗi. Nếu tội lỗi được dung thứ, hay có lý do để hiện hữu, thì không còn là tội lỗi nữa. Chỉ có một định nghĩa duy nhất cho tội lỗi theo lời Đức Chúa Trời, “Tội lỗi là sự trái luật pháp;” một cuộc tranh chiến chống lại luật yêu thương là nền tảng của chính phủ Đức Chúa Trời. TT20 434.2

Trước khi tội lỗi xâm nhập, niềm vui và an bình tràn ngập khắp vũ trụ. Tất cả đều hòa hợp trọn vẹn với ý muốn của Đấng Tạo hóa. Tình yêu thương đối với Đức chúa Trời là tối cao, và tình yêu thương lẫn nhau không thiên vị. Đấng Christ là Ngôi Lời và Con Một của Đức Chúa Trời, là một với Đức Chúa Cha đời đời—một trong bản thể, một trong bản tính và ý định—Ngài là Đấng duy nhất trong vũ trụ, biết tất cả ý định và chương trình của Đức Chúa Trời. Bởi Ngài mà Đức Chúa Cha đã dựng nên dân cư trên trời. “Vì muon vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất . . . hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền” (Cô-lô-se 1:16); cả vũ trụ đều phục tùng Đức Chúa Cha và Đấng Christ. TT20 435.1

Luật yêu thương là nền tảng của chính phủ Đức Chúa Trời. Hạnh phúc của muôn vật tùy nơi sự hòa hợp trọn vẹn theo những nguyên tắc của luật pháp ấy. Đức Chúa Trời muốn loài thọ tạo phục vụ Ngài vì yêu thương, tôn trọng và biết giá trị bản tính Ngài. Ngài chẳng vui lòng về sự phục tùng bắt buộc, Ngài ban cho họ sự tự do để phục vụ Ngài cách tình nguyện. TT20 435.2

Nhưng có một kẻ muốn phá hoại sự tự do ấy. Tội lỗi đã phát sinh trong lòng của kẻ chỉ kém Đấng Christ, và được tôn trọng nhất trước mặt Đức Chúa Trời, được quyền năng và vinh hiển nhất trong các dân cư trên trời. Trước khi sa ngã, Lu-xi-phe là một chê-ru-bin che phủ, thánh khiết và không dấu vết. “Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Ngươi gồm đủ tất cả, đầy sự khôn ngoan, tốt đẹp trọn vẹn. Ngươi vốn ở trong Ê-đen, là vườn của Đức Chúa Trời. Ngươi đã có đầy mình mọi thứ ngọc báu. . . . Ngươi là một chê-ru-bin được xức dầu đương che phủ; Ta đã lập ngươi lên trên hòn núi thánh của Đức Chúa Trời; ngươi đã đi dạo giữa các hòn ngọc sáng như lửa. Đường lối ngươi trọn vẹn từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến lúc thay sự gian ác trong ngươi” (Ê-xêchi-ên 28:12-15). TT20 435.3

Lu-xi-phe đáng lẽ vẫn được ân huệ của Đức Chúa Trời. Hắn được các thiên sứ yêu thương và tôn trọng, có thể dùng các khả năng mình để làm ích cho kẻ lân cận và làm sáng danh Đấng Tạo hóa. Nhưng lời tiên tri nói, “Lòng ngươi đa kiêu ngạo vì sự đẹp ngươi, và sự vinh hiển của ngươi làm cho ngươi làm hư khôn ngoan mình” (Ê-xê-chi-ên 28:17). Lần lần, Lu-xi-phe muốn đem mình lên cao. “Vì lòng ngươi tự cao lên bằng lòng Đức Chúa Trời” (Ê-xê-chi-ên 28:6). “Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao” (Ê-sai 14:13, 14). Đáng lẽ phải dâng hết lòng yêu thương và trung thành cho Đức Chúa Trời, Lu-xi-phe tranh dành sự tôn trọng ấy cho mình. Hắn thèm muốn vinh dự mà Đức Chúa Cha ban cho Con Ngài, hắn khao khát quyền lực thuộc về Đấng Christ. TT20 436.1

Cả thiên đàng vui mừng phản chiếu sự vinh hiển của Đấng Tạo hóa và ngợi khen Ngài. Như vậy hễ Đức Chúa Trời được tôn trọng thì tất cả được hưởng sự bình an và hạnh phúc. Nhưng một nốt nhạc lạc điệu đã hủy hoại sự hòa hợp ấy. Sự phục vụ và đề cao bản ngã, trái với ý định của Đấng Tạo hóa, báo trước tội ác cưu mang trong tâm trí những ai coi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là cao cả. Hội đồng thiên đàng nhóm lại khuyên bảo Lu-xi-phe. Con Đức Chúa Trời bày tỏ cho hắn biết sự cao trọng, nhân từ, công bình của Đấng Tạo hóa, bản chất thánh khiết và không thay đổi của luật pháp Ngài. Chính Đức Chúa Trời đã lập trật tự trên thiên đàng; Lu-xi-phe xây bỏ luật pháp Chúa nên làm ô danh Ngài và chuốc lấy sự hủy hoại cho mình. Nhưng sự cảnh cáo, được ban ra với tình yêu và lòng thương xót vô tận, chỉ gợi lên tinh thần phản nghịch. Lu-xi-phe để lòng ganh tị với Đấng Christ chiếm ưu thế, và hắn càng trở nên cương quyết chống đối hơn. TT20 436.2

Kiêu ngạo về sự vinh hiển mình, hắn ước ao quyền tối thượng, và coi thường vinh dự cao cả đã nhận nơi Đức Chúa Trời, Lu-xi-phe quên ơn Đấng Tạo hóa. Tự phụ về sự chói sáng và địa vị cao trọng mình, hắn khao khát được bằng Đức Chúa Trời. Các thiên sứ yêu mến, tôn trọng, và vui lòng làm theo lệnh Lu-xi-phe; hắn được ban cho sự khôn ngoan và vinh hiển trổi hơn tất cả. Tuy nhiên, Con Đức Chúa Trời được nhìn nhận là Đấng Tối Cao trên trời, có quyền phép và thế lực như Đức Chúa Cha. Đấng Christ được tham dự vào tất cả các hội nghị trên trời, trong khi đó Lu-xi-phe không được mời tới. Thiên sứ quyền phép này hỏi, “Tại sao Đấng Christ có quyền tối cao? Tại sao Ngài được tôn trọng hơn tôi?” TT20 436.3

Bỏ địa vị mình ở trước mặt Đức Chúa Trời, Lu-xi-phe đi gieo sự bất hòa giữa các thiên sứ. Hắn hành động cách kín giấu, che đậy những mưu mô của mình bằng sự ton kính bề ngoài đối với Đức Chúa Trời, hắn cố gắng gây ra sự bất mãn về luật pháp trên trời, cho rằng luật pháp ấy chỉ ra những cấm lệnh vô ích. Hắn nói các thiên sứ là thánh, nên chỉ cần làm theo ý mình là được rồi. Để gây thiện cảm cho mình bằng cách trình bày Đức Chúa Trời đã đối xử bất công với hắn, vì ban cho Đang Christ vinh dự tối cao. Hắn tuyên bố rằng ước ao quyền thế và danh dự lớn hơn không phải là tự cao, nhưng để bảo đảm sự tự do cho tất cả dân cư trên trời, hầu cho họ có thể đạt đến một đời sống cao hơn. TT20 437.1

Trong tình thương xót vĩ đại, Đức Chúa Trời đã chịu đựng lâu dài với Lu-xi-phe. Ngài không cách chức hắn liền khi hắn mới biểu lộ tinh thần bat mãn, hay ngay khi hắn khởi sự gieo ra những tư tưởng giả dối cho các thiên sứ trung tín. Hắn đã được tha thứ nhiều lần để có dịp ăn năn và phục tùng. Những cố gắng như vậy đến từ tình yêu thương và sự khôn ngoan vô tần để cảm hóa hắn nhìn nhận lỗi lầm mình. Từ trước tới giờ, thiên đàng chẳng hề biết đến tinh thần bất mãn. Lúc đầu, chính Lu-xi-phe cũng không thấy lỗi mình, và cũng không hiểu được cảm xúc mình. Nhưng sự bất mãn của hắn được chứng minh là không có lý do; nếu Lu-xi-phe nhìn nhận mình sai lầm, Chúa là công bình, và công nhận như vậy trước cả thiên đàng, thì hắn có thể được cứu cùng với nhiều thiên sứ khác. Lúc đó, hắn chưa hoàn toàn bỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Mặc dầu hắn đã bỏ địa vị la một chê-ru-bin được bao phủ, nhưng nếu hắn sẵn sàng trở về với Đức Chúa Trời, nhìn nhận sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa, và thỏa lòng với địa vị đã định cho mình trong chương trình của Đức Chúa Trời, thì hắn đã được phục chức. Nhưng lòng kiêu ngạo đã ngăn cản hắn đầu phục. Hắn cứ cố tâm bênh vực đường lối mình, cho rằng hắn không cần ăn năn, và quyết tâm chiến đấu chống lại Đang Tạo Hóa. TT20 437.2

Từ đó, hắn dùng hết quyền lực để lừa gạt và gây thiện cảm với các thiên sứ ở dưới quyền mình. Để làm lợi cho chương trình phản bội, hắn cũng xuyên tạc ngay cả những lời cảnh cáo và khuyên bảo của Đấng Christ. Đối với những thiên sứ thân mật nhất, Sa-tan tỏ cho họ biết hắn bị đối xử bất công, địa vị của hắn không được tôn trọng, và quyền tự do của hắn bị hạn chế. Vì xuyên tạc lời Đấng Christ, hắn giả dối buộc tội Con Đức Chúa Trời là muốn sỉ nhục hắn trước các dân cư trên trời. Hắn cũng vu cáo các thiên sứ không theo phe hắn. Tất cả những ai mà hắn không thuyết phục được, thì hắn lên án là họ lãnh đạm với sự lợi ích của dân cư trên trời. Chính công việc hắn đang làm thì hắn lại đổ lỗi cho những ai trung tín với Chúa. Và để bênh vực lý luận rằng Chúa bất công với hắn, hắn đã xuyên tạc những lời nói và hanh động của Đấng Tạo Hóa. Mưu kế của hắn là làm cho các thiên sứ bối rối với những lý luận xảo trá về ý định của Đức Chúa Trời. Những gì đơn giản thì hắn nói là mầu nhiệm, và hắn đã bóp méo một cách khéo léo sự việc để gieo sự nghi ngờ về những lời phán rõ ràng của Đức Giê-hô-va. Địa vị cao quý và sự liên lạc mật thiết với chính phủ thiên đàng giúp cho những lời của hắn thêm giá trị, nên một số đông thiên sứ theo phe phản nghịch chống lại quyền thế trên trời. TT20 438.1

Trong sự khôn ngoan, Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan tiếp tục công việc của hắn cho tới khi lòng ghen ghét trở thành bạo đọng. Để cho chương trình của hắn phát triển hoàn toàn là điều cần thiết, hầu cho tất cả thấy rõ chân tướng và khuynh hướng của hắn. Lu-xi-phe, một chê-ru-bin được xức dầu và tôn trọng, được các thiên sứ yêu thương tha thiết và ảnh hưởng của hắn trên các thiên sứ rất lớn lao. Chính phủ của Đức Chúa Trời không những gồm các dân cư trên trời, mà còn cả những thế giới khác mà Ngài đã dựng nên; và Sa-tan nghĩ rằng nếu hắn có thể lôi kéo các thiên sứ trên trời trong sự bội nghịch, thì hắn cũng có thể lôi kéo các thế giới khác. Hắn đã khéo léo bày tỏ quan điểm của mình, dùng lời ngụy biện và giả dối để lôi kéo những người nghe theo hắn. Quyền lực lường gạt của hắn rất lớn lao, và trá hình trong sự giả dối, hắn đạt được nhiều lợi điểm. Ngay cả các thiên sứ trung thành cũng không thể phân biệt hoàn toàn bản tính của hắn hoặc công việc của hắn sẽ kết quả thế nào. TT20 438.2

Sa-tan đã được tôn trọng rất cao, và tất cả hành động của hắn được che đậy kín đáo, vì vậy rất khó cho các thiên sứ biết được bản chất thật của công việc hắn. Tội ác không bộc lộ mặt xấu của mình cho đến khi được phát triển hoàn toàn. Cho đến bấy giờ tội lỗi chưa bao giờ hiện diện trong vũ trụ của Đức Chúa Trời, và các thiên sứ thánh không có ý niệm về bản chất và sự độc hại của tội lỗi. Họ không thể nhận thức những hậu quả kinh khủng dẫn đến sự chối bỏ luật pháp Đức Chúa Trời. Ban đầu, Sa-tan che đậy mưu mô mình dưới sự trung thành bề ngoài. Hắn tuyên bố là đang tìm cách để tôn vinh Đức Chúa Trời, để làm vững bền chính phủ Ngài, và để duy trì hạnh phúc cho cả dân cư trên trời. Trong lúc hắn gieo sự bất mãn giữa các thiên sứ dưới quyền hắn, thì hắn khéo léo giả bộ hành động để tiêu trừ sự bất mãn. Khi hắn viện lẽ rằng luật pháp và trật tự trong chính phủ Đức Chúa Trời cần phải thay đổi, thì hắn giả bộ nói rằng điều này là cần thiết để duy trì sự hòa hiệp của thiên đàng. TT20 438.3

Trong việc đối xử với tội lỗi, Đức Chúa Trời chỉ có thể dùng sự công bình và lẽ thật. Còn Sa-tan thì dùng nịnh bợ và lừa đảo, là những điều mà Đức Chúa Trời không thể dùng. Hắn đã giả mạo lời Đức Chúa Trời và đã trình bày sai lạc kế hoạch cai trị của Ngài trước các thiên sứ, tuyên bố rằng Đức Chúa Trời không những chỉ đặt luật lệ cho dân cư thiên đàng, mà còn đòi hỏi sự phục tùng và vâng theo, như vậy Ngài chỉ muốn đề cao mình mà thoi. Vì thế, trước mặt các dân cư trên trời và tất cả các thế giới, sự cai trị công bình và luật pháp trọn vẹn của Ngài phải được chứng minh. Sa-tan đã làm ra vẻ là hắn tìm cách đem lại lợi ích cho cả vũ trụ. Vậy nên tất cả mọi người phải hiểu chân tướng của kẻ chiếm đoạt và những âm mưu của hắn. Sa-tan cần phải có thời gian để bộc lộ chính mình bằng những việc làm gian ác của hắn. TT20 439.1

Sự bất hòa do chính Sa-tan gây ra ở trên thiên đàng, thì hắn đổ lỗi cho luật pháp và chính phủ của Đức Chúa Trời. Hắn tuyên bố rằng tất cả tội ác là kết quả của sự cai trị thiên thượng. Hắn nói công việc của hắn là cải thiện những luật lệ của Đức Giê-hô-va. Vì vậy hắn phải chứng tỏ công việc mình và thi hành dự định thay đổi luật pháp Chúa. Chính công việc hắn phải lên án hắn. Sa-tan đã tuyên bố từ lúc ban đầu hắn không phản nghịch. Cả vũ trụ phải thấy kẻ lừa đảo bị lột mặt nạ. TT20 439.2

Ngay cả khi Đức Chúa Trời quyết định rằng Sa-tan không còn được ở thiên đàng, thì Đấng Khôn Ngoan Vô Cùng không hủy diệt hắn. Vì chỉ có sự phục vụ do tình yêu thương là được Đức Chúa Trời chấp nhận, và sự trung thành của loài thọ tạo phải đặt trên nền tảng của sự công bình và nhân từ Ngài. Dân cư trên trời và các thế giới khác chưa hiêu bản chất và kết quả của tội lỗi, nên không thể hiểu được sự công bình và nhân từ của Đức Chúa Trời trong việc hủy diệt Sa-tan. Nếu hắn bị hủy diệt liền, thì họ sẽ hầu việc Chúa vì sợ hãi chứ chẳng phải vì tình thương. Ảnh hưởng của kẻ lừa gạt không bị tiêu trừ hoàn toàn, và tinh thần phản nghịch cũng không bị hủy diệt trọn vẹn. Tội ác phải được phép phát triển hoàn toàn! Vì sự lợi ích cho cả vũ trụ trong coi đời đời, những chương trình của Sa-tan phải được hoàn toàn thực hiện, việc hắn chống chính phủ Đức Chúa Trời phải được tất cả loài thọ tạo thấy rõ, và mãi mãi không còn ai nghi vấn về sự công bình, lòng nhân từ của Đức Chúa Trời và sự không thay đối của luật pháp Ngài. TT20 439.3

Sự phản loạn của Sa-tan là một bài học cho cả vũ trụ trải qua các thời đại, là một lời chứng vĩnh viễn về bản chất và những kết quả kinh khủng của tội lỗi. Sự cai trị của Sa-tan, với những hậu quả trên loài người và thiên sứ, sẽ chứng tỏ kết quả của việc bất tuân quyền lực thiên thượng. Điều này chứng minh rằng sự cai trị của Đức Chúa Trời và luật pháp Ngài là nền tảng của hạnh phúc cho tất cả loài thọ tạo. Như vậy, lịch sử của sự phản loạn kinh khủng này là một sự bảo vệ vĩnh cửu cho tất cả các thiên sứ, ngăn ngừa họ khỏi bị lừa gạt về tính chất của sự phạm luật pháp, để cứu họ khỏi phạm tội và sự hình phạt đớn đau. TT20 440.1

Ngay khi cuộc đấu tranh trên trời chấm dứt, kẻ chiếm đoạt vẫn tiếp tục bênh vực mình. Khi lệnh tuyên bố rằng kẻ phản loạn và tất cả những kẻ theo nó phải bị trục xuất khỏi cõi phước hạnh, thì hắn trơ tráo bộc lộ sự khinh dể đối với luật pháp của Đấng Tạo Hóa. Hắn lập lại lời tuyên bố của mình là các thiên sứ không cần sự kiểm soát nào khác, mà nên để họ làm theo ý riêng mình, vì điều đó sẽ hướng dẫn họ đi đúng đường. Hắn bài bác luật lệ của Chúa đã phạm đến sự tự do của họ, và tuyên bố rằng ý định của hắn là hủy bỏ tất cả luật pháp; vì khi đã được giải thoát khỏi ách luật pháp, thì dân cư trên trời sẽ sống một đời sống cao quý và vinh hiển hơn. TT20 440.2

Sa-tan và bè đảng hắn đều hiệp nhau đổ hết lỗi lầm cho Đấng Christ về sự phản nghịch của chúng, tuyên bố rằng nếu không bị quở trách thì chúng sẽ chẳng bao giờ phản loạn. Cứng cổ và ương ngạnh trong sự bất trung, chúng tìm cách lật đổ chính phủ của Đức Chúa Trời nhưng vô ích, vậy mà chúng ngạo mạn tuyên bố rằng chúng là nạn nhân vô tội của một quyền lực áp chế, cuối cùng kẻ phản loạn và bè đảng bị trục xuất khỏi thiên đàng. TT20 440.3

Tinh thần đã gieo sự phản nghịch trên trời, ngày nay cũng còn gây ra phiến loạn trong thế gian. Sa-tan tiếp tục mưu kế đã dùng với các thiên sứ. Bây giờ, hắn cai trị trên những con cái không vâng lời. Cũng như Sa-tan, những kẻ này cố gắng hủy bỏ những sự ngăn cấm của luật pháp Đức Chúa Trời, và hứa sự tự do cho loài người qua sự vi phạm các luật lệ. Quở trách tội lỗi thì bị chống trả và ghen ghét. Khi Đức Chúa Trời ban những sứ điệp cảnh cáo, thì Sa-tan xúi giục loài người tự chữa mình và tìm sự thông cảm của người khác trong con đường tội lỗi của họ. Đáng lẽ từ bỏ những sự sai lầm cua mình, họ lại kích thích sự giận dữ nghịch cùng những người quở trách họ, dường như người này là nguyên nhân độc nhất của sự rắc rối. Từ đời A-bên công bình cho đến ngày nay, tinh thần ấy vẫn luôn luôn được bày tỏ đối với những người dám lên án tội lỗi. TT20 441.1

Sa-tan xúi giục loài người phạm tội vì hắn trình bày sai bản tính Đức Chúa Trời, vu cáo Ngài là nghiêm khắc và chuyên chế như đã làm trên trời. Hắn thành công và tuyên bố rằng những sự ngăn cấm bất công của Đức Chúa Trời đã khiến loài người sa ngã, cũng như đã làm cho hắn phản loạn. TT20 441.2

Nhưng Đấng Hằng Hữu nói về Ngài như vầy, “Giê-hôva! Giê-hô-va! La Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7). TT20 441.3

Trục xuất Sa-tan khỏi thiên đàng, Đức Chúa Trời bày tỏ sự công bình của Ngài và bảo tồn vinh dự ngôi Ngài. Nhưng khi loài người phạm tội vì sự lừa dối của Sa-tan, Đức Chúa Trời bày tỏ bằng chứng về tình thương của Ngài, là ban Con Một của Ngài để chết chuộc tội cho nhân loại sa ngã. Bản tính Đức Chúa Trời được bày tỏ qua chương trình cứu chuộc. Thập tự giá chứng minh cho cả vũ trụ thấy đường lối Lu-xi-phe đã lựa chọn, và hắn không thể đổ lỗi cho chính phủ Đức Chúa Trời về sự bội nghịch của hắn. TT20 441.4

Trong cuộc đấu tranh với Đấng Christ khi Ngài thi hành chức vụ trên đất, bản tính của Sa-tan đã bị bại lộ. Cuộc chiến đấu tàn bạo của hắn với Đấng Cứu Thế đã nhổ tận gốc rễ về sự yêu mến của các thiên sứ và tất cả dân cư trung tín trong vũ trụ trước đây đối với hắn. Hắn phạm thượng cùng Đấng Christ khi cả gan đòi hỏi Ngài thờ phượng hắn; hắn tự phụ đem Ngài lên núi cao và trên nóc đền thờ, với ý muốn xảo quyệt thúc giục Ngài gieo mình từ trên cao xuống đất; lòng gian ác của hắn theo đuổi Ngài khắp nơi, xui giục các thầy tế lễ và dân chúng từ chối tình yêu thương của Ngài, và cuối cùng kêu lên rằng, “Đóng đinh nó trên cây thập tự! Đóng đinh nó trên cây thập tự!” TT20 441.5

Chính Sa-tan đã xúi giục thế gian chối bỏ Đấng Christ. Vua chúa sự tối tăm dùng hết quyền năng và mưu mẹo để hủy diệt Đức Chúa Giê-su; vì hắn thấy lòng yêu thương, nhân từ, thương xót, và thông cảm của Đấng Cứu Thế, tức là thấy bản tính của Đức Chúa Trời biểu lộ cho thế gian. Hắn thách đố mọi lời tuyên bố của Con Đức Chúa Trời, và dùng loài người như tay sai của hắn để gieo sự đau đớn, buồn thảm cho đời Ngài. Hắn dùng lời ngụy biện và giả dối để ngăn trở công việc của Đức Chúa Giê-su, sự ghen ghét của những con cái bội nghịch, những sự vu cáo gian ác của hắn nghịch lại đời sống nhân từ, tất cả điều đó chứng tỏ một sự thù hận sâu xa. Ngọn lửa ganh tị và độc ác, ghen ghét và thù hằn, bùng nổ tại núi Sọ chống lại Con Đức Chúa Trời, trong khi cả thiên đàng nhìn xem cách im lặng và kinh khủng. TT20 442.1

Khi sự hy sinh vĩ đại hoàn thành, Đấng Christ thăng thiên, nhưng Ngài từ chối sự tôn thờ của các thiên sứ cho đến khi đã đệ trình cùng Đức Chúa Cha lời cầu xin này, “Cha ôi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con” (Giăng 17:24). Với một giọng đầy quyền phép và yêu thương không tả nổi, Đức Chúa Cha từ ngôi Ngài trả lời rằng, “Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con” (Hê-bơ-rơ 1:6). Đức Chúa Giê-su vô tội, không tì vít. Sự hạ mình của Ngài đã xong, sự hy sinh của Ngài đã trọn, Ngài nhận lấy danh cao quý hơn tất cả mọi danh. TT20 442.2

Từ nay trở đi, Sa-tan không thể bào chữa tội lỗi mình được. Hắn đã tỏ chân tướng như là kẻ nói dối và giết người. Tinh thần mà hắn dùng để điều khiển loài người dưới quyền hắn, thì hắn cũng có thể điều khiển dân cư trên trời nếu có cơ hội. Hắn tuyên bố rằng sự phạm luật pháp Đức Chúa Trời đem lại tự do và vinh dự; nhưng thật ra sự phạm luật pháp chỉ đem lại sự nô lệ và suy đồi. TT20 442.3

Những lời nói dối của Sa-tan chống lại bản tính và chính phủ của Đức Chúa Trời đã được biểu lọ trong ánh sáng thật. Hắn buộc tội Đức Chúa Trời chỉ đề cao mình khi đòi hỏi loài thọ tạo phục tùng và vâng lời. Hắn đã tuyên bố rằng trong lúc Đấng Tạo Hóa bắt người khác quên mình, thì Ngài không thi hành sự quên mình và hy sinh chi hết. Bây giờ, vì sự cứu chuộc loài người sa ngã và tội lỗi, Đấng Thống Trị vũ trụ đã thi hành sự hy sinh lớn lao nhất mà chỉ có tình thương mới thực hiện được; vì “Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài” (2 Cô-rinh-tô 5:19). Điều này cũng cho thấy rằng, trong khi Lu-xi-phe mở đường cho tội lỗi xâm nhập vì lòng ham muốn vinh dự và quyền tối cao, thì Đấng Christ, để hủy diệt tội lỗi, đã tự hạ mình và vâng phục đến chết. TT20 443.1

Đức Chúa Trời đã tỏ sự ghê tởm của Ngài về sự phản nghịch. Cả thiên đàng thấy rõ sự công bình của Ngài, cả trong sự đoán phạt Sa-tan và sự cứu chuộc loài người. Luxi-phe đã tuyên bố rằng nếu luật pháp không thay đổi, và sự hình phạt không thể tha thứ, thì mọi kẻ phạm luật đều bị cấm mãi mãi không nhận được ân phước của Đấng Tạo Hóa. Hắn tuyên bố rằng loài người tội lỗi quá không thể cứu được, vì thế họ là miếng mồi của hắn. Nhưng sự chết của Đấng Christ để cứu loài người là một bằng chứng mạnh nhất không thể lật đổ được. Sự hình phạt của luật pháp giáng trên Đấng ngang hàng với Đức Chúa Trời, và loài người tự do tiếp nhận sự công bình của Ngài, với cuộc đời ăn năn và hạ mình, họ sẽ chiến thắng quyền lực của Sa-tan, cũng như Con Đức Chúa Trời đã chiến thắng. Bởi lẽ đó, những người tin nơi Đức Chúa Giê-su thì Đức Chúa Trời kể họ là công bình. TT20 443.2

Không phải chỉ để cứu chuộc loài người mà Đấng Christ đến thế gian chịu khổ và chết. Ngài đến để làm cho “luật pháp được cả sáng và tôn trọng.” Không phải chỉ có dân cư trong thế gian này tôn trọng luật pháp; nhưng để bày tỏ cho những thế giới khác trong vũ trụ biết luật pháp Đức Chúa Trời không thể thay đổi được. Nếu luật pháp có thể bị hủy bỏ, thì Con Đức Chúa Trời không cần phải phó mạng sống mình để chuộc sự vi phạm luật pháp. Sự chết của Đấng Christ chứng tỏ luật pháp không thay đổi được. Sự hy sinh lớn lao ấy là do lòng yêu thương vô tận của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con để cứu chuộc kẻ có tội, chứng tỏ cho cả vũ trụ thấy rằng sự công bình và thương xót là nền tảng của luật pháp và chính phủ Đức Chúa Trời. TT20 443.3

Trong công việc phán xét cuối cùng thì người ta sẽ thấy rằng tội lỗi không có lý do tồn tại. Khi Quan Án của vũ trụ hỏi Sa-tan, “Tại sao ngươi phản nghịch cùng Ta, và cướp công dân của Ta?” Thủ phạm của tội ác không thể bào chữa được. Mọi miệng đều ngậm lại, tất cả đạo binh phản nghịch đều im lặng. TT20 444.1

Thập tự giá ở núi Sọ, trong khi tuyên bố luật pháp là bất di bất dịch, cũng rao truyền cho cả vũ trụ biết rằng tiền công của tội lỗi là sự chết. Tiếng kêu của Đấng Cứu Thế khi hấp hối, “Mọi việc đã trọn,” là tiếng chuông báo tử cho Sa-tan. Cuộc đấu tranh vĩ đại diễn tiến từ lâu, ngay lúc đó được quyết định rồi, và sự tận diệt cuối cùng của tội ác là chắc chắn. Con Đức Chúa Trời đã xuống mồ mả, “hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỷ” (Hê-bơrơ 2:14). Tham vọng tự tôn của Lu-xi-phe đã khiến hắn nói, “Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời . . . . Ta sẽ . . . làm ra mình bằng Đấng Rất Cao” (Ê-sai 14:13, 14). Đức Chúa Trời phán, “Ta đã làm cho ngươi trở nên tro trên đất Kìa ngươi đã trở nên một cớ kinh khiếp, đời đời ngươi sẽ không còn nữa” (Ê-xê-chi-ên 28:18, 19). Khi “ngày đến, cháy như lò lửa. Mọi kẻ kiêu ngạo, mọi kẻ làm sự gian ác sẽ như rơm cỏ; Đức Giê-hô-va vạn quân phán: Ngày ay đến, thiêu đốt chúng nó, chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ hoặc nhành” (Ma-la-chi 4:1). TT20 444.2

Cả vũ trụ sẽ làm chứng về bản chất và những kết quả của tội lỗi. Sự tận diệt tội ác, nếu hoàn thành ngay lúc ban đầu, là một cớ khiếp sợ cho các thiên sứ và tổn thướng đến danh dự Đức Chúa Trời; thì bây giờ sẽ biện hộ cho tình yêu thương của Ngài và khôi phục danh dự Ngài trước dân cư của vũ trụ, là những người vui mừng làm theo ý Ngài, và trong lòng họ là luật pháp của Ngài. Tội ác sẽ chẳng bao giờ xuất hiện nữa. Đức Chúa Trời phan rằng, “Sẽ chẳng có tai nạn dấy lên lần thứ hai” (Na-hum 1:9). Luật pháp Đức Chúa Trời bị Sa-tan chế nhạo là ách nô lệ sẽ được tôn trọng như luật pháp tự do. Các loài thọ tạo đã bị thử thách và chiến thắng sẽ chẳng bao giờ bỏ lòng trung thành với Đấng mà bản tính đã được bày tỏ trọn vẹn bởi tình yêu thương vô hạn và sự khôn ngoan vô cùng. TT20 444.3