Thiện Ác Đấu Tranh
3—Thời Kỳ Tối Tăm Thuộc Linh
TRONG BỨC THƠ thứ hai gởi cho người Tê-sa-lôni-ca, sứ đồ Phao-lô nói trước về sự bội đạo lớn dẫn đến sự thành lập quyền thế giáo hoàng. Người tuyên bố rằng Đấng Christ chưa trở lại “Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời.” Sứ đồ lại còn cảnh cáo tín đồ về “sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đương hành động rồi” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 4, 7). Lúc bấy giờ, người đã thấy những sự sai lầm xâm nhập vào hội thánh để dọn đường cho sự phát triển của quyền thế giáo hoàng. TT20 45.1
Lần lần và bắt đầu cách âm thầm, về sau công khai khi quyền thế ấy tăng thêm sức mạnh và điều khiển được tâm trí con người, “sự mầu nhiệm của điều bội nghịch” tiến hành công việc lừa dối và phạm thượng. Những tục lệ ngoại giáo xâm nhập vào hội thánh hầu như không ai nhận thức được. Tinh thần hòa giải và tuân thủ đã bị ngăn cản một thời gian vì những cơn bất đạo dữ dội mà hội thánh phải trải qua trong thời ngoại giáo. Nhưng khi sự bắt bớ chấm dứt, và Cơ Đốc giáo được chấp nhận trong pháp đình và cung điện, thì hội thánh bỏ sự đơn giản khiêm tốn của Đấng Christ và của các sứ đồ để chạy theo sự xa hoa và khoe khoang của các thầy tế lễ và các nhà lãnh đạo ngoại giáo; và thay thế luật pháp Đức Chúa Trời bằng những lý thuyết và lời truyền khẩu của loài người. Vua Constantine tiếp nhận đạo chỉ vì danh nghĩa vào đau thế kỷ thứ tư đem lại sự vui mừng lớn lao; và những người khoác áo tin kính bề ngoài gia nhập vào hội thánh rất đông. Từ đó sự bại hoại tăng lên nhanh chóng. Ngoại giáo dường như biến mất, nhưng thật ra đã chiến thắng. Tinh thần ngoại giáo chế ngự hội thánh. Những giáo lý, nghi lễ và sự mê tín được kết hợp với đức tin và sự thờ phượng của những người tự xưng là môn đồ Đấng Christ. TT20 45.2
Kết quả của sự hòa hợp giữa ngoại giáo và Cơ Đốc giáo dẫn đến sự phát triển của “người tội ác,” chống nghịch và tôn mình là Đức Chúa Trời như đã được nói trước trong lời tiên tri. Hệ thống đạo giả lớn lao là một tuyệt phẩm của quyền lực Sa-tan—một kỳ đài để hắn ngồi trên ngai hầu thống trị thế gian theo ý muốn mình. TT20 46.1
Một lần kia, Sa-tan cố gắng thỏa hiệp với Đấng Christ. Hắn đến cùng Con Đức Chúa Trời trong đồng vắng để cám dỗ, chỉ cho Ngài thấy sự vinh hiển các nước trong thế gian. Hắn hứa cho Ngài mọi sự đó với điều kiện duy nhất là Ngài nhìn nhận quyền thống trị tối cao của hắn là vua sự tối tăm. Đấng Christ quở trách kẻ cám dỗ tự phụ, và khiến hắn phải bỏ đi. Nhưng khi Sa-tan dùng sự cám dỗ ấy đến với con người thì hắn rất thành công. Hội thánh muốn được hưởng những lợi lộc và danh vọng thế gian, nên tìm kiếm sự ủng hộ và ân huệ của những nhà cầm quyền trong thế gian; như thế là hội thánh đã chối bỏ Đấng Christ để trung thành với đại diện của Sa-tan—giám mục La Mã. TT20 46.2
Một giáo lý căn bản của giáo hội La Mã dạy rằng giáo hoàng là đầu hội thánh toàn cầu của Đấng Christ, có quyền tối thượng trên hết thảy các giám mục và linh mục trong cả thế giới. Hơn thế nữa, giáo hoàng còn được tôn bằng những chức tước chỉ thuộc về Đức Chúa Trời. Ông được xưng “Giáo Hoàng là Đức Chúa Trời”, và được tôn là vô ngộ, nghĩa là không sai lầm. Ông đòi hỏi mọi người tôn kính mình. Sự thờ lạy mà Sa-tan ao ước khi cám dỗ Chúa trong đồng vắng, ngày nay chính hắn cũng dùng giáo hội La Mã để bắt phục, và một số đông người sẵn sàng ton thờ hắn. TT20 46.3
Nhưng những người kính sợ và tôn thờ Đức Chúa Trời cũng gặp sự cám dỗ giống như Đấng Christ, và sẽ nói như Ngài đã nói cùng kẻ thù, “Ngươi phải thờ phượng Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Lu-ca 4:8). Chẳng bao giờ Đức Chúa Trời phán trong lời Ngài rằng Ngài sẽ lập một người để cầm đầu hội thánh Ngài. Giáo lý về quyền tối thượng của giáo hoàng hoàn toàn nghịch với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Giáo hoàng không thể có quyền gì trên hội thánh Đấng Christ trừ khi tự chiếm đoạt mà thôi. TT20 46.4
Giáo dân La Mã cứ vu cáo tín đồ Cải chánh là theo đạo lạc và trách họ đã tự ý phân rẽ ra khỏi hội thánh thật. Nhưng những lời vu cáo ấy là đúng cho chính họ, vì họ đã bỏ đạo lý Đấng Christ và đi xa “đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (Giu-đe 3). TT20 47.1
Sa-tan biết rõ rằng Kinh Thánh chỉ cho người ta phân biệt được sự dối gạt của hắn và chống lại quyền lực hắn. Chính bởi lời Kinh Thánh mà Đấng Cứu Thế đã chống lại những cuộc tấn công của hắn. Trước mỗi cuộc tấn công, Đấng Christ đã dùng lẽ thật làm thuẫn đỡ, và phán “Có lời chép rằng.” Ngài lấy lời quyền phép và khôn ngoan của Kinh Thánh mà chống lại mọi cám dỗ của kẻ thù. Phương tiện duy nhất để Sa-tan lập quyền thế hắn trên loài người và để làm vững bền quyền thế giáo hoàng là hắn phải giữ người ta trong sự ngu dốt về Kinh Thánh. Vì Kinh Thánh tôn vinh Đức Chúa Trời và đặt con người bất toàn vào đúng địa vị mình; nên lẽ thật của Kinh Thánh phải bị che giấu và cấm đoán. Giáo hội La Mã đã áp dụng lý luận đó. Trải qua nhiều thế kỷ, sự phổ biến Kinh Thánh bị ngăn cấm. Dân chúng bị cấm đọc hay có Kinh Thánh trong nhà mình, còn các linh mục và giám mục vô luân thì giải nghĩa Kinh Thánh để bênh vực ý muốn họ. Vì vậy, mà giáo hoàng được hầu hết thế gian nhìn nhận là người thay mặt Đức Chúa Trời trên đất, và được thừa nhận có quyền thế trên hội thánh và quốc gia. TT20 47.2
Vì Kinh Thánh bị loại ra một bên, nên Sa-tan đã hành động theo ý muốn mình. Lời tiên tri đã nói quyền thế giáo hoàng “định ý đổi những thời kỳ và luật pháp” (Đa-ni-ên 7:25). Quyền thế ấy không chậm trễ trong việc thi hành ý định đó. Để giúp việc thay thế sự thờ hình tượng của những người ngoại trở lại đạo, và giúp họ dễ dàng chap nhận Cơ Đốc giáo, cho nên sự tôn thờ tượng ảnh va những di tích thánh lần lần được đem vào hội thánh. Cuối cùng sắc lịnh của một hội nghị đã thiết lập hệ thống thờ hình tượng này. Để hoàn thành công việc phạm thượng này, giáo hội La Mã đã cả gan xóa bỏ Điều răn thứ hai trong luật pháp Đức Chúa Trời là điều răn cấm thờ hình tượng, và để cho đủ số, họ đã chia điều răn thứ mười ra làm hai. TT20 47.3
Tinh thần hòa hợp với ngoại giáo đã mở đường cho kẻ thù tiến thêm trong việc khinh thường quyền thế Thiên đàng. Làm việc qua những người lãnh đạo không thánh thiện trong hội thánh, Sa-tan đã làm xáo trộn điều răn thứ tư, cố gắng bo ngày Sa-bát là ngày mà Đức Chúa Trời đã ban phước và đặt là ngày thánh (Sang thế Ký 2:2, 3), để thay thế vào đó là tôn vinh ngày lễ mà dân ngoại giữ là “ngày đáng kính của mặt trời.” Sự thay đổi này lúc đầu không công khai. Trong những thế kỷ đầu tiên, tất cả Cơ Đốc nhân đều giữ ngày Sa-bát thật. Họ sốt sắng tôn vinh Đức Chúa Trời, và tin rằng luật pháp Ngài là bất di bất dịch, họ trung thành bảo vệ sự thánh khiết của luật pháp Ngài. Nhưng Sa-tan đã dùng những tay sai của hắn cách khôn khéo. Để cho người ta chú ý đến ngày Chủ nhật, ngày ấy được đặt làm ngày lễ tôn vinh sự sống lại của Đấng Christ. Trong ngày đó, người ta cử hành những nghi lễ tôn giáo; nhưng ngày ấy được coi như ngày vui chơi giải trí, còn ngày Sa-bát vẫn được giữ như là ngày thánh. TT20 48.1
Trước khi Đấng Christ giáng thế, Sa-tan đã sửa soạn đường lối mà hắn muốn hoàn thành, là khiến người Giu-đa chất lên ngày Sa-bát những luật lệ khắt khe nhất, làm cho việc giữ ngày ấy trở thành một gánh nặng. Và bây giờ, lợi dụng ánh sáng giả tạo nắm trong tay, Sa-tan đã khiến người ta coi thường ngày đó như là một ngày lễ của người Giu-đa. Trong khi các Cơ Đốc nhân tiếp tục giữ ngày Chủ nhật như là ngày lễ vui mừng, thì Sa-tan xúi giục họ, để tỏ lòng ghen ghét Do Thái giáo, coi ngày Sa-bát như là một ngày kiêng ăn, buồn rầu, ảm đạm. TT20 48.2
Vào đầu thế kỷ thứ tư, vua Constantine ban hành một chỉ dụ truyền lập Chủ nhật làm ngày lễ cho cả đế quốc La Mã. “Ngày mặt trời” được dân ngoại tôn kính và được Cơ Đốc nhân tôn trọng; đó là chính sách của vua muốn kết hợp ngoại giáo và Cơ Đốc giáo. Với lòng tham vọng và khao khát quyền thế, các giám mục thúc giục vua làm điều này, vì họ biết rằng nếu ngày ấy được tín đồ và người ngoại giữ, thì sẽ giúp người ngoại dễ chấp nhận Cơ Đốc giáo, và như vậy làm tăng thêm quyền thế và vinh quang cho hội thánh. Nhưng trong khi có nhiều tín đồ kính sợ Đức Chúa Trời được hướng dẫn để lần lần coi ngày Chủ nhật cũng có vẻ thánh, thì họ vẫn coi ngày Sa-bát thật như là ngày thánh của Chúa, và giữ ngày ấy đúng theo Điều răn thứ tư. TT20 48.3
Kẻ lừa dối đại tài chưa hoàn thành công việc mình. Hắn nhất quyết tụ họp thế giới Cơ Đốc dưới lá cờ mình và thi hành quyền lực của hắn qua người đại diện là giáo hoàng tự hào và xưng mình thay mặt Đấng Christ. Hắn dùng những người ngoại theo đạo nửa chừng, những giám mục đầy tham vọng, và những tín đồ yêu mến thế gian để làm trọn mục đích mình. Thỉnh thoảng những hội nghị lớn được tổ chức, nhóm lại tất cả các bậc cầm quyền trong các hội thánh khắp thế gian. Trong hầu hết các hội nghị, ngày Sa-bát mà Chúa đã thiết lập bị hạ thấp, và ngày Chủ nhật được tôn vinh. Như vậy, cuối cùng ngày lễ ngoại giáo được tôn trọng như là ngày thánh; còn ngày Sa-bát của Kinh Thánh bị coi như là một di tích của Do Thái giáo, và sự giữ ngày đó được tuyên bố là bị rủa sả. TT20 49.1
Kẻ bội đạo đã thành công trong việc “tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4). Kẻ đó dám thay đổi điều răn duy nhất trong luật pháp Đức Chúa Trời, là điếu răn dạy tỏ tường cho nhân loại biết về Đức Chúa Trời là Đấng hằng sống và chân thật. Trong điều răn thứ tư, Đức Chúa Trời đã bày tỏ Ngài là Đấng Tạo Hóa của trời đất, khác hẳn các tà thần. Để kỷ niệm công việc tạo thế, Ngài đã biệt ra thánh ngày thứ Bảy làm ngày yên nghỉ cho nhân loại. Ngày ấy được dự định để nhắc nhở con người luôn luôn nhớ Đức Chúa Trời hằng sống là nguồn gốc của mọi loài, đáng được tôn kính và thờ phượng. Sa-tan cố gắng cám dỗ loài người xây bỏ Đức Chúa Trời, và không vâng lời Ngài; vì thế hắn dồn hết lực lượng đặc biệt chống lại điều răn dạy về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. TT20 49.2
Ngày nay, các hội Cải chánh quả quyết rằng sự sống lại của Đấng Christ đã làm ngày Chủ nhật thành ngày Sa-bát cho Cơ Đốc nhân; nhưng họ không có bằng chứng Kinh Thánh. Đức Chúa Giê-su hoặc các sứ đồ Ngài chẳng bao giờ tôn trọng ngày ấy. Sự giữ ngày Chủ nhật làm ngày thờ phượng bắt nguồn từ “sự mầu nhiệm của điều bội nghịch” đã khởi sự hành động ngay trong thời sứ đồ Phao-lô (2 Têsa-lô-ni-ca 2:7). Khi nào và ở đâu Chúa đã chấp nhận ngày của giáo hoàng? Có lý do chính đáng nào cho sự thay đổi mà Kinh Thánh không thừa nhận? TT20 49.3
Trong thế kỷ thứ sáu, quyền thế giáo hoàng đã được thành lập vững vàng. Ngôi của quyền thế ấy được đặt trong thành vua, và giám mục La Mã được tuyên bố là đầu của cả giáo hội. Ngoại giáo đã nhường chỗ cho giáo hoàng. Con rồng đã cho con thú “sức mạnh, ngôi, và quyền phép” (Khải huyền 13:2). Bấy giờ là khởi sự thời kỳ 1260 năm bắt bớ của giáo hoàng như đã được nói tiên tri trong sách Đa-ni-ên và Khải huyền (Đa-ni-ên 7:25; Khải huyền 13:5-7). Cơ Đốc nhân bị bắt buộc lựa chọn hoặc chối bỏ lòng trung tín để tiếp nhận các nghi lễ và sự thờ phượng của giáo hoàng, hoặc phải sống trọn đời trong ngục tối, hay bị kéo căng ra cho chết, hay đốt trên giàn hỏa, hay bị xử trảm. Bây giờ lời tiên tri của Đấng Cứu Thế được ứng nghiệm, “Các ngươi cũng sẽ bị cha, mẹ, anh, em, bà con, bạn hữu mình nộp mình; và họ sẽ làm cho nhiều người trong các ngươi phải chết. Các ngươi sẽ vì cớ danh Ta bị mọi người ghen ghét” (Lu-ca 21:16, 17). Những tín đồ trung thành bị bắt bớ cách tàn bạo hơn lúc nào hết, và thế gian trở nên một bãi chiến trường rộng lớn. Trải qua nhiều thế kỷ, hội thánh Đấng Christ phải sống trong những chỗ ẩn náu hẻo lánh và tối tăm. Tình cảnh ấy tiên tri đã miêu tả như sau, “Còn người đàn bà, thì trốn vào đồng vắng, tại đó người đã có một nơi ở mà Đức Chúa Trời đã sửa soạn cho, để nuôi mình trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” (Khải huyền 12:6). TT20 50.1
Ngày mà giáo hội La Mã lên cầm quyền là ngày bắt đầu Thời kỳ Hắc Am. Hễ quyền thế này tăng lên thì sự tối tăm cũng thêm lên. Đáng lẽ tin Đấng Christ là nền tảng thật của hội thánh, người ta lại tin nơi giáo hoàng. Thay vì tin nơi Con Đức Chúa Trời để được tha tội và sự cứu rỗi đời đời, người ta lại nhờ cậy nơi giáo hoàng, các giám mục và linh mục, là những người được giáo hoàng ủy quyền. Dân chúng được dạy rằng giáo hoàng là vị trung bảo của họ trên thế gian, và chẳng bởi ông thì không ai được đến với Đức Chúa Trời; hơn nữa, ông thay mặt Ngài nên họ phải vâng lời ông triệt để. Hễ ai phạm luật giáo hoàng thì bị hình phạt nặng nề về phần hồn cũng như phần xác. Bởi đó dân chúng đã xây bỏ Đức Chúa Trời mà trông cậy nơi loài người bất toàn, tội lỗi, hung ác; hơn thế, thật ra là trông cậy vào vua chúa sự tối tăm hành quyền trên họ. Tội lỗi được trá hình trong chiếc áo thánh khiết. Khi lời Kinh Thánh bị loại bỏ, và con người tự tôn là tối cao, thì chúng ta thấy chỉ có sự giả dối, lừa gạt, và tội ác. Khi những luật lệ và lời truyền khẩu của loài người được đề cao thì sự bại hoại bộc lộ; đó là kết quả dĩ nhiên của sự bỏ luật pháp Đức Chúa Trời. TT20 50.2
Đó là những ngày nguy hiểm cho hội thánh Đấng Christ. Các người trung tín chỉ là một số nhỏ. Mặc dầu lẽ thật vẫn còn có người làm chứng, nhưng có những lúc dường như sự lầm lạc và mê tín chiến thắng hoàn toàn, và chánh đạo bị loại khỏi thế gian. Phúc âm bị loại bỏ, nhưng các hình thức tôn giáo gia tăng, và dân chúng phải mang những ách nặng nề với sự đòi hỏi nghiêm khắc. TT20 51.1
Người ta được dạy chẳng những phải coi giáo hoàng là vị trung bảo, mà còn phải tin rằng công đức của họ rất cần cho sự chuộc tội mình. Các cuộc viếng đất thánh xa xôi, những sự hành xác, sự thờ các thánh tích, sự xây dựng nhà thờ, lăng động và bàn thờ, và nộp những số tiền lớn cho giáo hội— những hành động này và nhiều hành động tương tự khác với lý lẽ để làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Trời, hay để nhận ân huệ Ngài, xem Ngài giống như loài người dễ giận dỗi và dễ nguôi giận mỗi khi nhận của lễ hay việc đền tội! TT20 51.2
Tuy phạm nhiều tội ác, ngay trong giới lãnh đạo La Mã, ảnh hưởng của giáo hội dường như vẫn gia tăng. Khoảng cuối thế kỷ thứ tám, những người theo giáo hoàng tuyên bo rằng các giám mục thành La Mã ngay từ hồi khởi đầu của giáo hội đã có cùng quyền phép thiêng liêng như ngày nay. Để chứng minh lời tuyên bố này, người ta dung vài cách để phô trương uy quyền; và cha sự nói dối sẵn sàng đưa ra diệu kế. Các tu sĩ viết sách giả mạo các sách cổ xưa. Nhiều chỉ dụ của các hội nghị mà chưa ai nghe nói đến bao giờ, được đưa ra để chứng minh quyền tối cao của giáo hoàng đã được thiết lập từ thời xưa. Và một giáo hội đã chối bỏ lẽ thật thì sẵn sàng tiếp nhận những sự giả dối ấy. TT20 51.3
Một số nhỏ tín đồ trung thành xây dựng trên nền tảng thật (1 Cô-rinh-tô 3:10, 11) cảm thấy bối rối và công việc của họ bị cản trở trước những đạo lý giả. Giống như những người xây tường thành Giê-ru-sa-lem trong thời Nê-hê-mi, họ thốt ra những lời như, “Còn nhiều đồ hư nát, và sức lực của kẻ khiêng gánh đã yếu mỏi; chúng ta không thể xây cất vách thành được” (Nê-hê-mi 4:10). Quá mệt mỏi vì phải chiến đấu liên tục với sự bắt bớ, sự giả dối, tội ác và mọi chướng ngại vật của Sa-tan để ngăn cản buớc tiến của mình; một số tín đồ đã ngã lòng, muốn được yên ổn để bảo tồn của cải và sinh mạng, nên họ đã xây bỏ nền tảng thật. Một số khác không mất can đảm trước sự chống đối của kẻ thù, mạnh dạn tuyên bố, “Chớ sợ chúng; khá nhớ Chúa là một Đấng cực đại và đáng kính” (Nê-hê-mi 4:14); và họ tiếp tục công việc, tất cả mọi người đeo cây gươm mình nơi lưng (Ê-phê-sô 6:17). TT20 51.4
Trong mọi thời đại, tinh thần ghen ghét và chống đối cùng lẽ thật vẫn hành động trong những kẻ thù nghịch Đức Chúa Trời; còn Ngài vẫn đòi hỏi các tôi tớ mình phải tỉnh thức và trung tín. Những lời Đấng Christ phán cùng các môn đồ đầu tiên vẫn còn áp dụng cho các tín đồ trong ngày cuối cùng, “Điều mà ta nói cùng các ngươi, ta cũng nói cho mọi người: Hãy tỉnh thức!” (Mác 13:37). TT20 52.1
Sự tối tăm càng tăng thêm. Sự thờ hình tượng được phổ biến sâu rộng. Người ta đốt đèn cầy và cầu nguyện trước hình tượng. Những nghi lễ phi lý và mê tín nhất được thêm vào. Sự mê tín hoàn toàn điều khiển trí óc đến nỗi người ta mất cả lý trí. Chính các linh mục và giám mục cũng ưa thích sự vui chơi, khoái lạc, và bại hoại, nên dân chúng bắt chước theo họ mà chìm đắm trong sự ngu dốt và trụy lạc. TT20 52.2
Trong thế kỷ thứ mười một, quyền thế giáo hoàng tiến thêm một bậc nữa, đó là giáo hoàng Gregory VII tuyên bố sự hoàn hảo của giáo hội La Mã. Một trong những đề nghị mà ông tuyên bố là, theo Kinh Thánh, giáo hội chưa bao giờ lầm lạc, và sẽ không bao giờ lầm lạc. Nhưng chẳng có bang chứng nào trong Kinh Thánh hỗ trợ lời tuyên bố ấy. Giáo hoàng kiêu hãnh này cũng tự nhận có quyền truất phế các vua, và tuyên bố rằng không ai có quyền đi ngược lại những mạng lịnh của ông, nhưng ông có quyền hủy bỏ tất cả quyết định của mọi người khác. TT20 52.3
Một bằng cớ hiển nhiên về sự chuyên chế của giáo hoàng tự nhận là không sai lầm này là trong cách ông đối xử với vua nước Đức, Henry IV. Vì bị coi như phủ nhận quyền thế giáo hoàng nên vua bị dứt phép thông công và mất ngôi. Khiếp sợ trước sự ruồng bỏ và hăm dọa của các quần thần bị giáo hoàng xúi giục phản nghịch lại mình, vua Henry IV cảm thấy cần phải làm hòa với La Mã. Giữa mùa đông, vua dẫn vợ và một tôi tớ trung thành vượt dãy núi Alpes để đến hạ mình trước giáo hoàng. Vừa tới điện của giáo hoàng, vua bị dẫn đi, không người hộ tống, đến sân ngoài để chịu đựng cơn lạnh buốt của mùa đông, với đầu trần, đi chân không, ăn mặc khổ sở, vua phải chờ lệnh giáo hoàng cho phép yết kiến. Sau ba ngày kiêng ăn và xưng tội, vua mới được giáo hoàng tha thứ. Tới khi đó, với điều kiện là vua phải đợi sự phê chuẩn của giáo hoàng mới được lấy lại tước hiệu và thi hành vương quyền của mình. Tự đắc về sự chiến thắng này, giáo hoàng Gregory tuyên bố rằng bổn phận của ông là hạ lòng kiêu hãnh của các vua. TT20 52.4
Thật là một sự khác biệt rõ ràng giữa giáo hoàng tự phụ này với Đấng Christ nhu mì và hiền lành. Ngài đứng năn nỉ trước cửa lòng chúng ta, muốn ngự vào để đem sự tha tội và bình an cho chúng ta. Ngài đã dạy các môn đồ rằng, “Kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi” (Ma-thi-ơ 20:27). TT20 53.1
Trải qua nhiều thế kỷ, sự sai lầm liên tục gia tăng trong những giáo lý của giáo hội La Mã. Ngay cả trước khi quyền thế giao hoàng được thành lập, sự dạy dỗ của các triết gia ngoại giáo đã được chú ý và gây ảnh hưởng trong giáo hội. Nhiều người xưng mình trở lại đạo, nhưng vẫn còn giữ những triết lý ngoại giáo; chẳng những họ tự nghiên cứu, mà còn khuyến khích người khác bắt chước mình, để dùng làm phương tiện gây ảnh hưởng với người ngoại. Như vậy, nhiều sự sai lầm trầm trọng được đem vào hội thánh. Một trong những sự tin tưởng này là thuyết linh hồn bất tử và người chết vẫn còn ý thức. Chính vì sự tin tưởng sai lầm này mà giáo hội La Mã đã bày đặt ra sự thờ các thánh và trinh nữ Ma-ri. Và từ đó nảy sinh ra tà thuyết hình phạt đời đời, và đã được đem vào đức tin Công giáo ngay từ đầu. TT20 53.2
Như thế là đường lối được dọn sẵn cho sự xâm nhập của một tín điều ngoại giáo khác mà giáo hội La Mã gọi là lò luyện tội, một thuyết dùng để làm khiếp sợ những người mê tín. Thuyết này dạy rằng những linh hồn không đáng bị hình phạt đời đời thì phải chịu đau đớn trong lò luyện tội để tẩy sạch tội mình trước khi được vào thiên đàng. TT20 53.3
Một sự bịa đặt khác làm lợi cho giáo hội La Mã là dựa vào sự sợ hãi của giáo dân mà bán giấy xá tội. Những người gia nhập vào các cuộc chiến tranh của giáo hoàng để tăng thêm lãnh thổ của người, để hình phạt kẻ thù hay tiêu hủy những ai từ chối quyền tối thượng thiêng liêng của người, thì được tha mọi tội lỗi trong quá khứ, hiện tại và tương lai, và được khỏi mọi sự đau đớn và hình phạt. Giáo hội cũng dạy rằng ai nộp một số tiền cho nhà thờ thì được tha tội mình hoặc có thể giải thoát những linh hồn đang rên siết trong lửa luyện tội. Đó là những phương tiện La Mã dùng để làm giàu, bảo tồn sự sang trọng của mình, sự xa hoa và tối lỗi của những kẻ tự xưng là đại diện của Đấng không có chỗ gối đầu. TT20 53.4
Lễ Tiệc Thánh trong Kinh Thánh đã được thay thế bằng lễ mi-sa. Các linh mục nghĩ rằng bởi sự lẩm bẩm vô ý nghĩa của họ mà bánh và rượu trở thành “thân thể và huyết của Đấng Christ.”—Cardinal Wiseman, The Real Presence of the Body and Blood of Our Lord Jesus Christ in the Blessed Eucharist, Proved from the Scripture, lecture 8, sec. 3, par. 26. Họ lên mình phạm thượng, công khai tuyên bố mình có quyền tạo ra Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của muôn vật. Các Cơ Đốc nhân bắt buộc phải tin vào sự sỉ nhục kỳ dị này, nếu không thì bị hình phạt đến chết. Hằng ngàn người đã bị quăng vào lửa vì từ chối không tin điều này. TT20 54.1
Trong thế kỷ thứ mười ba, một phương tiện độc ác nhất của quyền thế giáo hoàng được thiết lập, đó là Tòa án Tôn giáo. Vua chúa sự tối tăm hiệp lực với những người lãnh đạo của quyền thế giáo hoàng. Trong những hội nghị kín của họ, Sa-tan và các quỷ sứ điều khiển tâm trí những người gian ác, lúc ấy thiên sứ của Chúa cũng hiện diện tại đó, mắt người không thể thấy được, ghi chép cách trung thành những chỉ dụ độc ác và những hành động quá khủng khiếp cho mọi người thấy. “Ba-by-lôn lớn kia” đã “say huyết các thánh.” Thân thể tan nát của hằng triệu nhà tử vì đạo đã kêu cầu Đức Chúa Trời báo thù quyền thế bội đạo ấy. TT20 54.2
Giáo hoàng trở nên nhà chuyên chế của thế giới. Các vua chúa đều phải phục tùng chỉ thị của giáo hoàng. Số phận loài người, trong đời tạm này và trong cõi đời đời, dường như ở trong tay giáo hoàng. Trải qua hằng trăm năm, sự dạy dỗ của giáo hội La Mã được chấp nhận cách tuyệt đối, những nghi lễ được cử hành cách kính cẩn, và các ngày lễ được vâng giữ. Chưa bao giờ giáo hội La Mã đạt được danh vọng, quyền thế cao như vậy. TT20 54.3
Nhưng “giờ giữa trưa của giáo hoàng là nửa đêm của nhân loại”—J. A. Wylie, The History of Protestantism, quyển 1, chương 4. Chẳng những tín đồ mà ngay cả các linh mục, cũng không biết đến Kinh Thánh. Giống như người Pha-risi thời xưa, các nhà lãnh đạo của giáo hoàng ghét sự sáng, vì sự sáng tiết lộ tội lỗi họ. Khi luật pháp Đức Chúa Trời, tiêu chuẩn của sự công bình, bị loại bỏ, thì họ thi hành quyền thế mình vô giới hạn, và tha hồ phạm tội. Sự gian lận, tham lam, và hỗn loạn thịnh hành khắp nơi. Để được giàu có và chức tước, người ta không từ chối một tội ác nào. Trong các cung điện của giáo hoàng và giám mục là những cảnh trụy lạc đê tiện nhất. Một số giáo hoàng phạm những tội ác gớm ghê đến nỗi các vua chúa thế gian cho là quá tối bại, không thể tha thứ được, và gắng sức để cách chức những quái vật này khỏi hội thánh. Trong nhiều thế kỷ, Âu Châu không tiến bộ gì hết về khoa học, mỹ thuật, hay văn minh. Cơ Đốc giáo bị tê liệt về đạo đức cũng như về tinh thần. TT20 54.4
Tình trạng của thế gian ở dưới quyền thống trị của La Mã ứng nghiệm những lời của tiên tri O-sê cách tỏ tường và đáng sợ, “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết. Bởi ngươi bỏ sự thông biết thì ta cũng bỏ ngươi, đặng ngươi không làm thầy tê lễ cho ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Đức Chúa Trời mình, thì ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” “. . . Trong đất này chẳng có lẽ thật, chẳng có nhân từ, cũng chẳng có sự nhìn biết Đức Chúa Trời. Ở đó chỉ thấy những sự thề gian, thất tín, giết người, ăn trộm, và tà dâm; chúng nó làm sự tàn bạo, máu chồng trên máu” (Ô-sê 4:6, 1, 2). Đó là kết quả của sự bỏ lời Đức Chúa Trời. TT20 55.1